Thứ Ba, 14 tháng 8, 2018

Có 40,3 triệu nô lệ hiện đại ngày nay

Có 40,3 triệu nô lệ hiện đại ngày nay

10 tháng Tám, 2018
Có 40,3 triệu nô lệ hiện đại ngày nay
Shutterstock

Tổ chức Walk Free Foundation đã phát hành "Global Slavery Index 2018." (Thống kê tình trạng Nô lệ Toàn cầu 2018)

Ngày nay khoảng 40,3 triệu người trên khắp thế giới đang sống và lao động như những nô lệ. Thống kê này được tiết lộ ngày 19 tháng Bảy vừa qua bởi Global Slavery Index 2018, được soạn và phát hành bởi Tổ chức Walk Free Foundation. Báo cáo tố giác sự thật rằng cứ một ngàn người dân trên hành tinh này thì có 5,4 người là “nô lệ hiện đại.”

Phụ nữ và trẻ em là những nạn nhân phổ biến nhất của hình thức này: phụ nữ chiếm 71 phần trăm, hoặc gần ba phần tư, số người trong tình trạng nô lệ hiện đại. Chỉ có 29 phần trăm là nam giới. Ước tính rằng hơn phân nửa số người bị bắt làm nô lệ là tuổi vị thành niên.

Báo cáo tiếp tục cho biết trong số 40,3 triệu nô lệ này, 15,4 triệu là phụ nữ hoặc trẻ em bị ép buộc kết hôn. Gần 25 triệu người là nạn nhân của tình trạng lao động cưỡng bức, trong một số trường hợp họ bị áp đặt bởi chính quyền quốc gia của họ.

Những quốc gia có tỷ lệ cao nhất … 

Những quốc gia có tỷ lệ cao nhất — nghĩa là những quốc gia với số người trong tình trạng nô lệ nhiều nhất — tất cả đều rơi vào Châu Phi và Châu Á. Ba địa danh đáng xấu hổ trong danh sách này là Bắc Triều Tiên, Eritrea, và Burundi. Tiếp theo là Cộng hòa Trung Phi, Afghanistan, Mauritania, Nam Sudan, Pakistan, Cambodia, và Iran.

Theo giải thích của các tác giả tập Global Slavery Index 2018 trong báo cáo dài hơn 200 trang này, tình hình trong hầu hết những quốc gia này là rất u ám — chủ yếu do những xung đột vũ trang, nhưng cũng vì thiếu an ninh và pháp quyền.

Ba quốc gia đứng đầu — Bắc Triều Tiên, Eritrea, và Burundi — cũng là ba nhà nước trong đó tình trạng nô lệ do chính Nhà nước áp đặt. Theo báo cáo của Walk Free, một trong số mười người công dân Bắc Triều Tiên — tức là 2,6 triệu người — đang ở trong tình trạng nô lệ. Đây là số phận của nhiều người Ki-tô hữu Bắc Triều tiên, họ bị cầm tù trong những kwan-li-so chung thân, bị cưỡng bức lao động bởi chính thể Pyonyang.

Về phần mình, tổng thống Isaias Afewerki của Eritrea, đã nắm quyền suốt 25 năm, có xung đột lâu với Ethiopia và đưa ra chính sách tuyển quân bắt buộc đối với công dân trong thời gian vô hạn, và theo Tổ chức Ân xá Quốc tế Amnesty International, đã góp phần vào việc tạo ra một “thế hệ người tị nạn.”

Về phần Burundi, quốc gia vẫn tiếp tục áp dụng chính sách cưỡng bức lao động, và phải nhớ rằng đây là quốc gia với “tỷ lệ trẻ em lao động cao nhất” trên thế giới, theo báo cáo của La Repubblica tháng Sáu 2014. Trong quốc gia Châu Phi đó, trong số 5 thiếu nhi thì có ít nhất 1 em là nạn nhân của một hình thức bóc lột nào đó, và những nô lệ nhỏ bé này thường “được trả công rất ít, hoặc không được trả một đồng nào.”

Nhiều trẻ em Burundian phải làm việc ngoài đồng; những em khác trong vùng đô thị trở thành những “đầy tớ trai” trong những gia đình giàu có, “tai họa trở nên trầm trọng hơn khi người lao động không được bảo vệ bằng bất kỳ một quyền nào; đến mức họ thường phải sống trong những điều kiện của người nô lệ thật sự,” một tờ báo Roma viết.

Trong số những quốc gia góp phần “rất ít” trong cuộc chiến chống lại tình trạng nô lệ, “dù họ có những nguồn tài nguyên và của cải dồi dào,” gồm một số quốc gia có mức GDP rất cao tính theo đầu người, chẳng hạn Kuwait, Qatar, Singapore, và Brunei.

… và tỷ lệ thấp nhất

Tuy nhiên, cũng có những quốc gia đã và đang chiến đấu suốt nhiều năm để chấm dứt hiện tượng này. Trong báo cáo Global Slavery Index, chỉ có một quốc gia đạt điểm A: Hà lan. Hà lan dẫn đầu trong danh sách 10 quốc gia hoạt động tích cực nhất trong cuộc chiến chống lại tai họa của nạn nô lệ này. Ngoài Hà lan, những quốc gia nằm trong danh sách 10 nước là Hoa kỳ, Anh, Thụy sĩ, Bỉ, Croatia, Tây Ban nha, Na uy, Bồ Đào nha, và cuối cùng là một quốc gia nhỏ Montenegro.

Theo báo cáo cho biết, dù những nguồn tài nguyên rất giới hạn, cam kết của những quốc gia như Georgia, Moldova, Senegal, Sierra Leone, và Mozambique rất đáng học hỏi, họ “trả lời khá mạnh mẽ.” Thật vậy, Mozambique là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, với GDP tính trên đầu người là $519 năm 2017 và Mức độ Phát triển Con người thấp (HDI: 0.418).

Từ Châu Âu và Trung Á đến Hoa kỳ

Theo Global Slavery Index, trong diện tích mênh mông gồm Châu Âu và Trung Á, tỷ lệ cao nhất của tình trạng nô lệ hiện đại được tìm thấy ở Turkmenistan, Belarus, và Macedonia. Nga, Thổ Nhĩ kỳ, và Ukraine có con số cao nhất các nạn nhân của tình trạng nô lệ hiện đại trong toàn khu vực.

Belarus cũng nằm trong số những quốc gia trong đó chính phủ áp đặt tình trạng lao động cưỡng bức. Trong quốc gia đó, vẫn còn một hệ thống được gọi là Subbotniks hoặc gọi là “Ngày Sa-bát của người cộng sản,” nó bắt buộc các nhân viên nhà nước phải làm việc các ngày thứ Bảy hoặc cuối tuần và để “đóng góp” cho nguồn thu của các dự án do chính phủ lựa chọn.

Cũng có “tình trạng nô lệ mới” ở Hoa kỳ. Theo báo cáo, có hơn 400.000 người lao động như nô lệ trong nước này, “một con số thống kê thật sự gây sửng sốt,” nó “cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề này trên toàn cầu,” ông Andrew Forrest, người sáng lập Tổ chức Walk Free Foundation giải thích trong một số báo phát hành.

Doanh nhân và là nhà từ thiện người Úc cho biết thêm, “Hoa kỳ là một trong những quốc gia tiến bộ nhất trên thế giới, nhưng vẫn có trên 400.000 nô lệ hiện đại làm việc trong những tình trạng bị cưỡng bức lao động.” Ông nhấn mạnh, “Điều này chỉ có thể xảy ra khi có sự nhẹ tay đối với tình trạng bóc lột.

“Bàn đạp” của tình trạng nô lệ hiện đại

Báo cáo của Walk Free Foundation cũng cũng đặt chú ý rất nhiều đến việc nhập khẩu hàng hóa được sản xuất bởi tình trạng lao động cưỡng bức của các quốc gia G20; khối lượng nhập khẩu các loại hàng hóa này đã đạt đến một giá trị chung là $354 tỷ. Hậu quả gây ra, theo các tác giả của Global Slavery Index, những sự nhập khẩu này là “bàn đạp” cho tình trạng nô lệ hiện đại.

Những thiết bị điện tử, bao gồm máy vi tính để bàn, laptop, và điện thoại thông minh, góp phần lớn nhất trong số $354 tỷ này: chính xác là $200,1 tỷ. Một khu vực đáng chú ý khác là may mặc: các quốc gia G20 nhập khẩu các sản phẩm may mặc với trị giá là $127,7 tỷ. Đứng vị trí thứ ba, thứ tư, và thứ năm là đánh bắt cá ($12,9 tỷ), cocoa ($3,6 tỷ), và mía đường ($2,1 tỷ).

Nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là nhà nhập khẩu đứng đầu toàn cầu đối với những sản phẩm có nguy cơ được sản xuất qua lao động cưỡng bức: Hoa kỳ nhập khẩu những sản phẩm có thể được sản xuất qua lao động cưỡng bức với tổng giá trị $144 tỷ mỗi năm, trong tổng số đó $122 tỷ dành riêng cho các sản phẩm điện tử và sản phẩm may mặc từ Trung quốc. Việt nam chiếm $11,2 tỷ, và Ấn độ $3,8 tỷ, là quốc gia lớn thứ hai và thứ ba xuất khẩu sang Hoa kỳ những sản phẩm có thể được sản xuất từ lao động cưỡng bức.

Tỷ lệ nhập khẩu những mặt hàng có thể được sản xuất bởi lao động cưỡng bức của Mỹ lớn gấp ba lần so với quốc gia đứng thứ hai nhập khẩu những mặt hàng này trong nhóm các quốc gia G20, Nhật ($47 tỷ). Vị trí thứ ba là Đức với $30 tỷ, sau đó là Anh với $18 tỷ và Pháp chiếm $16 tỷ. Canada đứng vị trí thứ sáu với $15 tỷ.

Hành động khẩn cấp

Ngoài ra, báo cáo cho biết rằng 12 quốc gia thành viên trong nhóm G20 không làm gì để giải quyết hoặc ngăn chặn tình trạng này, trong đó có Argentina, Mexico, và Nga. Quốc gia quê hương của ông Andrew Forrest cũng chưa có hành động gì đối với tình trạng này, nhưng Canberra đang xây dựng pháp chế mới được xem như tiên phong trong vấn đề này.

Rất cần có một hành động khẩn cấp cho vấn đề này. Những hình ảnh của một buổi bán đấu giá những người di cư Nigeria trong nước Libya, được CNN đăng tải công khai mùa thu năm trước, làm công luận thất kinh. Những video này cho thấy rằng vào đầu thiên niên kỷ thứ ba, những chợ nô lệ vẫn còn tồn tại.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/8/2018]


Đức Thánh Cha Phanxico lấy Thánh Đa-minh làm mẫu gương cho giới trẻ

Đức Thánh Cha Phanxico lấy Thánh Đa-minh làm mẫu gương cho giới trẻ
@ Convent Of St Mark In Florence, Italy

Đức Thánh Cha Phanxico lấy Thánh Đa-minh làm mẫu gương cho giới trẻ

Một “người phục vụ trung thành của Đức Ki-tô và Giáo hội của Người”

08 tháng Tám, 2018 13:48
Trong bài huấn từ Tiếp Kiến Chung hàng tuần ngày 8 tháng Tám, 2018, trong đại sảnh Phaolo VI của Vatican Đức Thánh Cha Phanxico lấy Thánh Đa-minh (1170-1221) như là một mẫu gương đặc biệt cho giới trẻ, bệnh nhân và những đôi vợ chồng mới cưới.

“Hôm nay Phụng vụ kính nhớ Thánh Đa-minh Guzman, vị sáng lập Dòng Thuyết giáo [còn được gọi là Dòng Đa-minh],” Đức Thánh Cha Phanxico nhắc lại và bày tỏ hy vọng rằng “tấm gương của một người phục vụ trung thành cho Đức Ki-tô và Giáo hội của Người luôn là một sự khuyến khích và động lực cho tất cả chúng ta.”

Đức Thánh Cha chúc tất cả mọi người mang tên Thánh Đa-minh một ngày lễ bổn mạng hạnh phúc, và nói thêm: “Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.”

Ngày 3 tháng Hai, 2010, Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã có bài giáo lý về Thánh Đa-minh. Ngài nhấn mạnh rằng “hoạt động rao giảng hướng đến những người chưa biết ánh sáng của Tin mừng và công cuộc tân phúc âm hóa của các cộng đoàn Ki-tô hữu từ đó trở thành mục tiêu tông đồ mà Thánh Đa-minh theo đuổi.”

***


BENEDICT XVI

TIẾP KIẾN CHUNG: Đại sảnh Phaolo VI, thứ Tư, 27 tháng Hai, 2010 [Video]

Anh chị em thân mến,

Trong một bài giáo lý gần đây, cha đã vẽ lên hình ảnh vai trò theo ý Đấng quan phòng của Dòng Phanxico và Dòng Đa-minh, được thành lập bởi Thánh Phanxico Assisi và Thánh Đa-minh de Guzmán, trong công cuộc canh tân Giáo hội ở thời đại của các ngài. Hôm nay, cha muốn trình bày cho anh chị em hình ảnh của Phanxico, một “người khổng lồ” của sự thánh thiện, ngài tiếp tục cuốn hút không biết bao nhiêu người ở đủ mọi độ tuổi và thuộc mọi tôn giáo.

“Một ánh dương đã sinh ra cho thế giới.” Bằng những lời này trong bài thơ Divine Comedy (Paradiso, Canto XI), thi sĩ vĩ đại người Ý Dante Alighieri hàm ý nói đến sự chào đời của Thánh Phanxico, tại Assisi cuối năm 1181 hoặc đầu năm 1182. Sinh trong một gia đình mà thân phụ là một nhà buôn vải Phanxico sống một tuổi thơ và tuổi trẻ vô tư lự, nuôi dưỡng những lý tưởng hào hiệp của thời đó. Ở tuổi 20, ngài tham gia vào một chiến dịch quân sự và bị bắt làm tù binh. Ngài bị bệnh và được thả. Sau khi trở về Assisi, một tiến trình hoán cải tinh thần dần dần diễn ra trong ngài, từng bước dẫn đưa ngài từ bỏ lối sống theo thế gian mà ngài đã chấp nhận từ lâu. Những tình tiết nổi tiếng về sự gặp gỡ của Thánh Phanxico với người bệnh phong, ngài xuống ngựa và trao cho người đó cái hôn bình an và thông điệp từ Đấng Chịu Đóng đinh trong ngôi nhà thờ nhỏ Thánh Damian, xảy ra trong khoảng thời gian này. Đức Ki-tô trên Thập giá đã hiện ra ba lần và nói với ngài: “Phanxico, hãy đi và sửa chữa lại Ngôi nhà thờ của Ta đang bị hư đi.” Biến cố này về Lời của Chúa được nghe thấy trong Nhà thờ Thánh Damian có một ý nghĩa tượng trưng rất thâm sâu. Tại thời điểm Thánh Phanxico được kêu gọi để sửa lại ngôi nhà thờ nhỏ, nhưng tình trạng hư hỏng của tòa nhà là một hình ảnh tượng trưng của tình hình đầy lo lắng của chính Giáo hội. Vào thời gian đó Giáo hội có đức tin rất hời hợt không có sự định hình và biến đổi được đời sống, hàng giáo sĩ không có nhiệt huyết, và không có sự yêu thương. Đó là một sự hư hỏng bên trong của Giáo hội và nó dẫn đến tình trạng chia rẽ sự hiệp nhất, với sự ra đời của những phong trào dị giáo. Nhưng, Giáo hội với trung tâm là Đức Giê-su Chịu Đóng Đinh đang đi lạc hướng, và Người phải kêu lên: Người kêu gọi cải tổ, Người gọi Phanxico hãy lao động để sửa chữa lại Ngôi nhà thờ nhỏ bé của Thánh Damian, biểu tượng của một tiếng gọi sâu thẳm hơn đó là canh tân lại Giáo hội của Đức Ki-tô, đặt nền tảng đức tin và nhiệt huyết yêu thương của mình dành cho Đức Ki-tô. Biến cố này, có lẽ xảy ra năm 1205, gợi nhớ lại một biến cố khác tương tự xảy ra năm 1207: giấc mơ của Đức Giáo hoàng Innocent III. Trong giấc mơ này, ngài nhìn thấy Vương cung Thánh Đường Thánh Gioan Lateran, nhà thờ mẹ của các nhà thờ, sụp đổ và một tu sĩ nhỏ bé rất bình thường đã chống đỡ cho nhà thờ trên đôi vai của mình để nó không bị đổ. Về một mặt, thật thú vị khi biết rằng không phải Giáo hoàng là người giúp chống đỡ để Giáo hội không bị sụp đổ nhưng lại chính là một tu sĩ nhỏ bé và tầm thường, người mà Đức Giáo hoàng đã nhận ra nơi Phanxico khi ngài đến gặp gỡ sau đó. Đức Innocent III là một Giáo hoàng rất mạnh mẽ và ngài có nền tảng thần học vững chắc và một ảnh hưởng lớn đối với giới chính trị; tuy nhiên ngài lại không phải là người canh tân Giáo hội nhưng đó chính là một tu sĩ nhỏ bé, tầm thường. Đó là Thánh Phanxico, được Chúa gọi. Nhưng về một mặt khác, cần phải lưu ý rằng Thánh Phanxico không canh tân Giáo hội theo hướng chống đối lại Giáo hoàng, nhưng luôn kết hiệp với ngài. Hai thực tại song song: Đấng Kế nhiệm Thánh Phê-rô, các Giám mục, Giáo hội được thành lập trên nền tảng nối tiếp từ các Tông đồ và đặc sủng mới mà Chúa Thánh Thần đem đến đời sống canh tân của Giáo hội lúc đó. Sự canh tân đích thực lớn lên từ những điều này.

Chúng ta trở lại với cuộc sống của Thánh Phanxico. Khi thân phụ của ngài là Bernardone quở trách ngài vì quá quảng đại với người nghèo, Phanxico, đứng trước Đức Giám mục của Assisi, trong một tư thế biểu trưng, cởi áo quần của ngài ra, cho thấy rằng ngài từ bỏ quyền thừa kế của cha. Vì ngay từ khi chào đời, Phanxico hai bàn tay trắng, chỉ có sự sống là của Thiên Chúa ban cho ngài. Sau đó ngài sống như một ẩn sĩ, cho đến năm 1208, một bước ngoặt lớn khác trong hành trình hoán cải của ngài xảy ra. Trong khi đang lắng nghe trích đoạn Tin mừng theo Thánh Mát-thêu tường thuật những lời của Chúa Giê-su nói với các tông đồ khi Người sai các ông đi rao giảng, Phanxico cảm nhận được tiếng gọi sống trong khó nghèo và tận hiến cuộc đời cho công cuộc rao giảng. Nhiều tu sĩ khác cùng tham gia với ngài, và năm 1209 ngài đến Roma, đệ trình lên Đức Thánh Cha Innocent III chương trình cho một hình thức mới của đời sống Ki-tô hữu. Ngài nhận được sự tiếp đón đầy tình phụ tử của vị Giáo hoàng vĩ đại, đấng được soi sáng bởi Thiên Chúa, đã nhận ra được nguồn gốc của động lực linh ứng cho Phanxico là từ Thiên Chúa. Poverello của Assisi hiểu rằng mọi đặc sủng như là một ân ban của Chúa Thánh Thần để phục vụ Thân thể Đức Ki-tô, đó là Giáo hội; vì thế ngài luôn luôn hoạt động hòa nhịp với các vị lãnh đạo của giáo hội. Trong đời sống của các Thánh không có sự đối kháng giữa đặc sủng ngôn sứ và đặc sủng lãnh đạo, và nếu có sự căng thẳng nổi lên, các ngài biết phải kiên nhẫn chờ đợi cho đến thời gian được Chúa Thánh Thần quyết định.

Thật ra, một số nhà sử học của thế kỷ 19 và 20 đã cố gắng xây dựng một Phanxico của lịch sử, theo sau những miêu tả thuộc truyền thống về thánh nhân, cũng như họ cố gắng xây dựng một Đức Giê-su của lịch sử theo hình ảnh Chúa Giê-su trong các Tin mừng. Phanxico của lịch sử sẽ không phải là con người của Giáo hội, nhưng là một người có mối quan hệ trực tiếp và duy nhất với Đức Ki-tô, một người muốn mang đến sự đổi mới trong Dân Chúa, mà không theo những thể thức luật định hay phẩm trật. Quả thật Thánh Phanxico thật sự có một mối quan hệ vô cùng thân thiết với Chúa Giê-su và với Lời Chúa, đến mức ngài muốn theo đuổi sine glossa: là sự nguyên vẹn của vấn đề, thuộc căn nguyên và sự thật của nó trong mọi chiều kích. Đúng là từ ban đầu ngài không dự định sáng lập một Dòng với những thể thức luật định cần thiết. Thật ra ngài chỉ đơn giản muốn canh tân lại Dân Chúa qua Lời của Chúa và sự hiện hữu của Thiên Chúa, để kêu gọi họ quay trở lại lắng nghe lời Người và vâng nghe Đức Ki-tô. Hơn nữa, ngài hiểu rằng Đức Ki-tô không bao giờ là “của tôi” nhưng luôn luôn là “của chúng ta,” và “tôi” không thể sở hữu Đức Ki-tô, và “tôi” không thể canh tân mà lại chống đối với Giáo hội, chống đối với ý chí và giáo huấn của Giáo hội. Nhưng chỉ qua sự hợp nhất với Giáo hội được xây dựng trên nền tảng Tông truyền và sự vâng lời, trên nền tảng Lời Chúa thì mới có thể canh tân được.

Một sự thật khác nữa là Thánh Phanxico không có ý định thiết lập một Dòng mới, nhưng chỉ đơn thuần là đổi mới Dân Chúa để Thiên Chúa ngự đến. Tuy nhiên, ngài hiểu rằng qua sự đau khổ và đau đớn mà mọi sự phải có trật tự riêng của nó và cần phải có luật của Giáo hội để định hình cho sự đổi mới. Từ đó, với sự toàn tâm toàn ý ngài buộc mình phải hợp nhất trọn vẹn với Giáo hội, với Đức Giáo hoàng và với các Giám mục. Ngài luôn ý thức rằng trung tâm điểm của Giáo hội là Thánh Lễ, tại đó Thân thể của Đức Ki-tô và Máu của Người trở nên thật qua vị tư tế, Thánh Thể và sự hợp nhất của Giáo hội. Bất cứ nơi đâu chức tư tế và Thánh Thể và Giáo hội cùng hợp nhất, thì chính tại nơi đó Lời của Chúa cư ngụ, Phanxico của lịch sử thật là Phanxico của Giáo hội, và chính qua cách này mà ngài tiếp tục nói với những người không có tín ngưỡng cũng như người có tín ngưỡng thuộc các nền tảng niềm tin và tôn giáo khác.

Thánh Phanxico và các thầy dòng của ngài, với con số ngày càng đông, đã thiết lập nền tảng tại Portiuncula, hoặc là Nhà thờ của Santa Maria degli Angeli, nơi thánh thiêng vô cùng của Linh đạo Phanxico. Ngay cả Clare, một cô gái của Assisi xuất thân trong một gia đình quý tộc, đã theo dòng của Thánh Phanxico. Từ đây bắt đầu Dòng Nhì Phanxico, Dòng Thánh Clares hèn mọn, một kinh nghiệm khác tạo ra những nhân vật kiệt xuất trong số các thánh nhân của Giáo hội.

Vị Kế nhiệm của Đức Innocent III, Đức Giáo hoàng Honorius III, với Sắc chỉ Cum Dilecti năm 1218 của ngài ủng hộ sự phát triển của Dòng Nhất Các Thầy Tiểu đệ, các ngài bắt đầu sứ mạng tại nhiều quốc gia trong Châu Âu, và thậm chí tiếng đến Ma-rốc. Năm 1219 Thánh Phanxico được phép đến thăm và trao đổi với Đức Vua Hồi giáo là Malik al-Klmil, để rao giảng Tin mừng của Đức Ki-tô tại đó. Cha muốn làm nổi bật chương này trong cuộc đời của Thánh Phanxico, vì nó luôn hợp thời. Trong khoảng thời gian khi đang có sự xung đột giữa Ki-tô giáo và Hồi giáo, Thánh Phanxico, với vũ khí trang bị duy nhất là đức tin và lòng khiêm nhường, đã đến với con đường đối thoại một cách hiệu quả. Các biên niên sử kể cho chúng ta rằng ngài được Đức vua Hồi giáo chào đón nồng hậu và đón tiếp thân tình. Nó đưa ra một tấm gương cho những mối quan hệ ngày nay giữa người Ki-tô hữu và người Hồi giáo: thúc đẩy một sự đối thoại chân thành, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau (x. Nostra Aetate, 3). Sau đó vào năm 1220, Thánh Phanxico đến thăm Đất Thánh, và từ đó gieo một hạt giống trổ sinh rất nhiều hoa trái: quả thật những người con tinh thần của ngài đã làm sinh sôi trù phú trên vùng đất mà Chúa Giê-su ưu ái dành cho sứ mạng của các ngài. Hôm nay với lòng tri ân đặc biệt cha nhớ đến những công lao to lớn của Dòng Phanxico coi sóc Đất Thánh.

Khi về Ý, Thánh Phanxico chuyển lại quyền điều hành Dòng cho người đại diện của ngài, Tu huynh Pietro Cattani, trong khi Đức Giáo hoàng trao phó cho Dòng việc bảo vệ Đức Hồng y Ugolino, vị Giáo hoàng tương lai Gregory IX. Về phần mình, Đấng sáng lập, tận hiến hoàn toàn cho công cuộc rao giảng, và ngài thực hiện rất thành công, biên soạn Bộ Luật Dòng mà về sau được Đức Giáo hoàng chuẩn nhận.

Năm 1224, tại tu viện ở La Verna, Thánh Phanxico đã có một thị kiến của Chúa Giê-su Chịu Đóng Đinh như một vị thần và từ cuộc gặp gỡ đó ngài đón nhận năm dấu thánh từ Đấng Bị Đóng Đinh, từ đó trở nên một với Đức Ki-tô Bị đóng Đinh. Vì thế, đó là một ân huệ thể hiện sự gắn bó mật thiết của ngài với Chúa.

Cái chết của Thánh Phanxico, sự qua đời của ngài, vào tối ngày 3 tháng Mười năm 1226, ở Portiuncula. Sau khi chúc lành cho những người con tinh thần của mình, ngài trút hơi thở cuối cùng, nằm trên nền đất trống. Hai năm sau Đức Giáo hoàng Gregory IX đã liệt kê ngài vào danh sách các thánh. Một thời gian ngắn sau, một vương cung thánh đường vĩ đại tôn vinh ngài được xây dựng tại Assisi, cho đến hôm nay vẫn còn là một địa điểm hành hương nổi tiếng nhất. Tại đó khách hành hương có thể tôn kính mộ của Thánh nhân và chiêm ngưỡng những bích họa của Giotto, một họa sĩ đã minh họa đời sống Thánh Phanxico một cách tuyệt vời.

Thánh Phanxico được xem là đại diện của alter Christus, tức là ngài thật sự là một biểu tượng sống của Đức Ki-tô: trở nên như Chúa Giê-su, chiêm ngắm Đức Ki-tô trong Tin mừng, yêu mến Người vô cùng và noi theo những nhân đức của Người. Đặc biệt, ngài mong muốn trao một giá trị nền tảng cho sự nghèo khó trong tinh thần và vật chất, điều mà ngài dạy các người con tinh thần của ngài. Mối phúc Thứ Nhất trên Núi: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ” (Mt 5: 3) đã được thể hiện trọn vẹn một cách rạng ngời trong đời sống và lời dạy của Thánh Phanxico. Các bạn thân mến, thật vậy, các thánh nhân là những người làm sáng tỏ Thánh Kinh tốt nhất. Vì các ngài thể hiện Lời Chúa trong cuộc sống của các ngài, các ngài làm cho Lời Chúa trở nên cuốn hút hơn, để Lời Chúa nói trực tiếp với chúng ta. Chứng tá của Thánh Phanxico, người yêu sự nghèo khó và xem đó như là một phương cách để bước theo Đức Ki-tô bằng sự xả thân và hoàn toàn tự do, tiếp tục là một lời mời gọi cho chúng ta gieo hạt giống của tinh thần nghèo khó để làm cho sự tín thác của chúng ta vào Chúa được lớn lên, đồng thời cũng biết đón nhận một lối sống tỉnh thức và không bị ràng buộc bởi những của cải vật chất.

Chính tình yêu của Thánh Phanxico dành cho Đức Ki-tô thể hiện một sự tôn thờ đặc biệt đối với Bí tích Thánh Thể. Trong chúc thư Fonti Francescane (những bài viết của Thánh Phanxico) chúng ta đọc được những dòng đầy cảm xúc như sau: “Muôn người giật mình kinh sợ, toàn thế giới này run lên, và thiên quốc bừng tiếng hân hoan khi Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa Hằng Sống, hiện hữu trên bàn thờ trên đôi tay của một tư tế. Ôi phẩm tước cao vời! Ôi Đấng Siêu Phàm hạ mình, Chúa của vũ trụ, Thiên Chúa và là Con Thiên Chúa Cha, đã quá hạ mình xuống vì ơn cứu độ chúng ta mà Người giấu mình trong hình bánh đơn sơ” (Phanxico Assisi, Scritti, Editrici Francescane, Padova 2002, 401).

Trong Năm Linh mục này, cha cũng muốn nhắc lại một lời khuyên mà Thánh Phanxico gửi đến các linh mục: “Khi anh em muốn dâng Thánh Lễ, bằng cách tinh tuyền nhất, hãy dâng lên hy tế thật của Mình và Máu Cực Thánh của Chúa Giê-su Ki-tô” (Thánh Phanxico Assisi, Scritti, 399). Thánh Phanxico luôn luôn thể hiện lòng kính trọng rất lớn đối với các linh mục, và đòi rằng các ngài phải luôn được tôn trọng, ngay cả trong những trường hợp các ngài có thể phần nào đó không xứng đáng lắm về phương diện cá nhân. Lý do mà ngài dành cho sự tôn trọng thẳm sâu như vậy là vì các linh mục lãnh nhận được ân ban truyền phép Thánh Thể. Anh em trong chức tư tế thân mến, chúng ta đừng bao giờ quên lời dạy này: sự thánh thiêng của Phép Thánh Thể tỏ lộ cho chúng ta nên tinh tuyền, để sống theo con đường phù hợp với Mầu nhiệm mà chúng ta cử hành.

Từ tình yêu cho Đức Ki-tô tuôn chảy sự yêu thương dành cho tha nhân và cho mọi loài thụ tạo của Thiên Chúa. Đây lại là một nét đặc biệt khác trong linh đạo của Thánh Phanxico: ý thức về tình huynh đệ chung và sự yêu thương đối với Tạo vật, điều đã khơi nguồn cảm hứng cho Trường ca các Tạo vật lừng danh. Đây cũng là một thông điệp luôn hợp mọi thời đại. Như cha đã nhắc đến trong Tông huấn Caritas in Veritate gần đây, sự phát triển chỉ đạt mức độ bền vững khi nó biết tôn trọng tạo vật và không hủy hoại môi trường (x. cs. 48-52), và trong Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm nay, cha cũng nhấn mạnh rằng việc xây dựng nền hòa bình vững chắc cũng nằm trong sự tôn trọng tạo vật. Thánh Phanxico nhắc chúng ta nhớ rằng sự khôn ngoan và lòng nhân từ của Đấng Tạo hóa được diễn tả qua các tạo vật. Ngài biết rằng thiên nhiên như là một ngôn ngữ mà Thiên Chúa muốn nói với chúng ta, qua đó thực tại trở nên rõ ràng, và chúng ta có thể nói đến Thiên Chúa và nói với Thiên Chúa.

Các bạn thân mến, Thánh Phanxico là một vị Đại Thánh và là một con người của niềm vui. Tính đơn sơ của ngài, sự khiêm nhường của ngài, đức tin của ngài, tình yêu của ngài dành cho Đức Ki-tô, sự tốt lành của ngài đối với mọi người, đã mang đến cho ngài niềm vui trong mọi hoàn cảnh. Thật vậy, từ đó cho thấy một mối quan hệ khăng khít và bền vững giữa sự nên thánh và niềm vui. Một tác giả người Pháp có lần viết rằng chỉ có một nỗi lo lắng duy nhất trên trần gian này: đó là không trở nên thánh, tức là không được gần gũi với Thiên Chúa. Nhìn đến chứng tá của Thánh Phanxico, chúng ta hiểu rằng đây là một mầu nhiệm của niềm hạnh phúc đích thực: trở nên thánh, gần gũi với Thiên Chúa!

Nguyện xin Mẹ Đồng Trinh, mà Thánh Phanxico vô cùng yêu mến, cầu bầu cho chúng ta món quà này. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ bằng những lời của Poverello của chính thánh nhân: “Lạy Mẹ Đồng Trinh đầy ơn phúc, Mẹ là người nữ cao trọng duy nhất được sinh ra trên trần gian, là người con và người tôi tớ của Đức Vua chí tôn và Cha trên trời, là mẹ của Chúa Giê-su Rất Thánh của chúng con, là hiền thê của Chúa Thánh Thần. Xin chuyển cầu cho chúng con … dâng lên Chúa Con cực Thánh và yêu dấu của Mẹ, là Chúa và là Thầy” (Francesco di Assisi, Scritti, 163).


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/8/2018]