Thứ Hai, 20 tháng 3, 2023

Kinh Truyền tin của ĐTC Phanxicô 19.03.1012: “Khi Chúa Giêsu chữa lành chúng ta, Người phục hồi phẩm giá của chúng ta”

“Khi Chúa Giêsu chữa lành chúng ta, Người phục hồi phẩm giá của chúng ta”

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước Kinh Truyền tin

Kinh Truyền tin của ĐTC Phanxicô 19.03.1012: “Khi Chúa Giêsu chữa lành chúng ta, Người phục hồi phẩm giá của chúng ta”

Vatican Media


*******

Vào lúc 12 giờ trưa nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ Kinh Truyền tin:

____________________________________________________


Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Hôm nay, Tin Mừng mô tả Chúa Giêsu chữa lành cho một người mù từ thuở mới sinh (x. Ga 9:1-41). Nhưng phép lạ này được chào đón theo cách tiêu cực bởi nhiều người hoặc các nhóm khác nhau. Chúng ta hãy nhìn vào các chi tiết.

Nhưng cha muốn nói rằng: hôm nay, chúng ta hãy cầm lấy Tin Mừng của Thánh Gioan và đọc về phép lạ này của Chúa Giêsu. Cách Gioan kể lại trong chương 9 thực sự rất hay. Chỉ mất hai phút để đọc. Nó cho chúng ta thấy Chúa Giêsu tiếp cận như thế nào và tâm hồn con người tiếp cận như thế nào: trái tim tốt lành, trái tim nguội lạnh của con người, trái tim sợ hãi của con người, trái tim can đảm của con người. Chương 9 của Tin Mừng theo thánh Gioan. Hãy đọc nó hôm nay. Nó sẽ hữu ích cho anh chị em rất nhiều. Và cách chào đón phép lạ của những người này là như thế nào?

Trước hết, có các môn đệ của Chúa Giêsu, khi đối mặt với người mù bẩm sinh, đã xì xầm với nhau và hỏi liệu có phải cha mẹ của anh ta hay chính anh ta phạm tội (x. câu 2). Họ tìm kiếm kẻ có tội. Và chúng ta đã nhiều lần rơi vào trường hợp này, điều này rất tiện lợi – tìm kiếm thủ phạm hơn là đặt ra những câu hỏi thách đố trong cuộc sống. Và hôm nay, chúng ta có thể nói: Sự có mặt của người này có ý nghĩa gì đối với chúng ta, có ý nghĩa gì trong cuộc đời tôi? Người này đang yêu cầu chúng ta điều gì?

Sau đó, một khi việc chữa lành xảy ra, các phản ứng trở nên mạnh mẽ. Trước hết là của những người láng giềng của người mù tỏ ra nghi ngờ: “Hắn là tên mù bẩm sinh mà. Không thể nào bây giờ hắn nhìn thấy được – không thể nào là hắn được! Đây là một người khác” – thái độ hoài nghi (xem các câu 8-9). Điều này là không thể chấp nhận được đối với họ. Chẳng thà cứ để mọi việc như trước đây để chúng ta không cần phải đối mặt với vấn đề này (xem câu 16). Họ sợ hãi, e ngại các nhà lãnh đạo tôn giáo và không dám tuyên xưng (x. cc. 18-21).

Trong tất cả những phản ứng này, vì nhiều lý do khác nhau, đã nổi lên những tâm hồn đóng kín trước dấu chỉ của Chúa Giêsu: vì họ tìm người có tội, vì họ không biết ngạc nhiên, vì họ không muốn thay đổi, vì họ bị cản trở bởi nỗi sợ hãi. Ngày nay có rất nhiều tình huống tương tự. Đứng trước một điều gì đó thực sự là chứng tá của một người, một thông điệp về Chúa Giêsu, chúng ta rơi vào tình trạng này – chúng ta tìm kiếm một cách giải thích khác, chúng ta không muốn thay đổi, chúng ta tìm kiếm một con đường phức tạp hơn là chấp nhận sự thật.

Người duy nhất có phản ứng tốt là người mù. Vui mừng vì được nhìn thấy, anh làm chứng về điều đã xảy đến với anh cách đơn giản nhất: “trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được” (c. 25). Anh nói sự thật. Trước đây, anh buộc phải đi xin của bố thí để sống qua ngày, chịu đựng những thành kiến của mọi người: “Anh nghèo và bị mù từ lúc mới sinh. Anh chịu đau khổ. Anh phải trả giá cho tội lỗi của mình hoặc của tổ tiên anh”. Bây giờ được tự do về thể xác và tinh thần, anh làm chứng cho Chúa Giêsu – anh không bịa đặt hay che giấu bất cứ điều gì. “Tôi đã bị mù và bây giờ tôi nhìn thấy”. Anh ấy không sợ những gì người khác sẽ nói. Cả đời anh đã nếm trải vị đắng của việc bị gạt ra ngoài lề xã hội. Bản thân anh ta đã từng trải qua sự thờ ơ, khinh bỉ của những người qua đường, của những người coi anh ta là một kẻ bị xã hội ruồng bỏ, chỉ hữu ích cho việc thực hành bố thí để thể hiện lòng mộ đạo. Bây giờ được chữa lành, anh không còn sợ những thái độ khinh miệt đó nữa vì Chúa Giêsu đã ban cho anh phẩm giá trọn vẹn của mình. Và điều này là rõ ràng, nó luôn xảy ra khi Chúa Giêsu chữa lành cho chúng ta. Ngài trao lại phẩm giá của chúng ta, phẩm giá của sự chữa lành hoàn toàn của Chúa Giêsu, một phẩm giá xuất phát từ sâu thẳm trái tim, chiếm lấy toàn bộ đời sống của một người. Và, vào ngày sabát trước mặt mọi người, Chúa Giêsu giải phóng anh ta và làm cho anh được sáng mắt mà không đòi hỏi anh ta bất cứ điều gì, thậm chí là lời cảm ơn, và anh đã làm chứng cho điều đó. Đây là phẩm giá của một người cao quý, của một người biết mình được chữa lành và bắt đầu lại, được tái sinh. Sự tái sinh trong đời sống mà họ đã nói hôm nay trên chương trình “A Sua Immagine”: được tái sinh.

Thưa anh chị em, qua tất cả những nhân vật này, Tin Mừng hôm nay cũng đặt chúng ta vào giữa bối cảnh đó, để chúng ta tự hỏi: Chúng ta đang ở trong vị trí nào? Khi đó chúng ta nói điều gì? Và trên hết, hôm nay chúng ta sẽ làm gì? Như anh mù, chúng ta có biết nhìn đến điều tốt lành và cảm tạ những hồng ân mình đã nhận được không? Tôi tự hỏi mình: Phẩm giá của tôi như thế nào? Phẩm giá của anh chị em như thế nào? Chúng ta có làm chứng cho Chúa Giêsu không, hay là thay vào đó chúng ta gieo rắc những chỉ trích và nghi ngờ? Chúng ta có tự do khi đối mặt với những định kiến hay chúng ta liên kết bản thân với những người truyền bá tính tiêu cực và bàn tán xầm xì? Chúng ta có vui mừng khi nói rằng Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, rằng Người đã cứu chúng ta, hoặc giống như cha mẹ của người mù bẩm sinh, chúng ta để mình bị giam cầm trong nỗi sợ hãi về những gì người khác sẽ nghĩ không? Những trái tim hờ hững không chấp nhận sự thật và không đủ can đảm để nói: “Không, nó là thế này”. Và thêm nữa, chúng ta đón nhận những khó khăn và sự thờ ơ của người khác như thế nào. Chúng ta chào đón những người có quá nhiều hạn chế trong cuộc sống theo cách nào? Bất kể những giới hạn đó thuộc về thể lý, giống như người mù này; hay thuộc xã hội, như những người ăn xin chúng ta thấy trên đường phố? Chúng ta chào đón họ như một sự bất tiện hay như một cơ hội để đến gần họ với tình yêu thương?

Thưa anh chị em, hôm nay chúng ta hãy xin ơn biết ngạc nhiên mỗi ngày trước những quà tặng của Thiên Chúa và nhìn thấy những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống, ngay cả những hoàn cảnh khó chấp nhận nhất, như những cơ hội để làm việc lành, như Chúa Giêsu đã làm với người mù. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta trong việc này, cùng với Thánh Giuse, người công chính và trung thành.

____________________________________________________

Lời của Đức Thánh Cha sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Hôm qua ở Ecuador, một trận động đất đã gây những tổn thất về nhân mạng, nhiều người bị thương và thiệt hại đáng kể. Tôi gần gũi với người dân Ecuador và tôi dâng lời cầu nguyện cho những người đã chết và cho tất cả những ai đang đau khổ.

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em, người dân Rôma và những người hành hương đến từ nhiều quốc gia – cha thấy quốc kỳ của Colombia, Argentina, Ba Lan… nhiều quốc gia…. Cha xin chào anh chị em người Tây Ban Nha đến từ Murcia, Alicante và Albacete.

Cha chào các giáo xứ Thánh Raymond Nonnato và giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Canada ở Rôma, và giáo xứ Chúa Kitô Vua ở Civitanova Marche; hiệp hội các cộng tác viên Salêdiêng; các thiếu niên nam nữ đến từ Arcore, các ứng sinh Thêm Sức đến từ Empoli và các thiếu niên đến từ giáo xứ Đức Mẹ Mân Côi ở Rôma. Cha chào các bạn trẻ của hội Vô Nhiễm, các bạn thật tuyệt!

Rất vui được chào đón những người tham gia trong cuộc thi Marathon Rome! Cha xin chúc mừng các bạn, vì được thúc đẩy bởi hội “Điền kinh Vatican”, các bạn đang biến sự kiện thể thao quan trọng này thành một cơ hội cho tình đoàn kết ủng hộ những người nghèo nhất.

Và hôm nay, chúng ta gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả những người cha! Xin cho họ tìm được nơi Thánh Giuse một gương mẫu, một sự nâng đỡ và an ủi để sống tốt thiên chức làm cha của mình. Và tất cả cùng nhau, chúng ta đọc Kinh Lạy Cha cho những người cha [Lạy Cha…].

Thưa anh chị em, chúng ta đừng quên cầu nguyện cho người dân Ukraine bị hành hạ, họ tiếp tục chịu đau khổ vì tội ác chiến tranh.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha, Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/3/2023]


Nghi thức thống hối của ĐTC Phanxicô 2023: “Chúng ta đừng lẩn trốn đằng sau sự giả hình bề ngoài, nhưng hãy tín thác cho lòng thương xót của Chúa”

“Chúng ta đừng lẩn trốn đằng sau sự giả hình bề ngoài, nhưng hãy tín thác cho lòng thương xót của Chúa”

Bài giảng trong Nghi thức Thống hối Giao hòa do Đức Thánh Cha chủ sự

Nghi thức thống hối của ĐTC Phanxicô 2023: “Chúng ta đừng lẩn trốn đằng sau sự giả hình bề ngoài, nhưng hãy tín thác cho lòng thương xót của Chúa”

Vatican Media


*******

Chiều nay, tại giáo xứ Santa Maria delle Grazie al Trionfale, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Nghi thức Thống hối Giao hòa của một số hối nhân qua việc giải tội và xưng tội.

Nghi thức cử hành khai mạc sáng kiến Mùa Chay “24 giờ cho Chúa” do Bộ Truyền bá Phúc âm tổ chức. Cũng trong năm nay, sự kiện này sẽ được cử hành tại các giáo phận trên khắp thế giới, vào ngày 17 và 18 tháng Ba năm 2023, đêm trước Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay, Chúa Nhật “in Laetare” (Hãy vui lên).

Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha trong Nghi thức Thống hối:

________________________________________________________


Bài giảng của Đức Thánh Cha

“Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi” (Pl 3:7). Đó là điều Thánh Phaolô nói với chúng ta trong bài đọc thứ nhất. Và nếu chúng ta tự hỏi đâu là những thứ mà ngài không còn coi là quan trọng trong cuộc sống của ngài, và thậm chí bằng lòng đánh mất để tìm được Chúa Kitô, thì chúng ta nhận ra rằng đó không phải là những của cải vật chất, mà là một kho tài sản thuộc “tôn giáo”. Phaolô là người hăng hái và nhiệt thành, công bình và có trách nhiệm (xem các câu 5-6). Tuy nhiên, chính lòng đạo đức này, có thể đã là một nguồn gốc cho niềm kiêu hãnh và công trạng, lại biến thành một trở ngại đối với ngài. Phaolô tiếp tục nói: “Tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô” (c. 8). Tất cả mọi điều mang đến cho ông một uy tín nào đó, một danh tiếng nào đó…; “quên đi: đối với tôi, Chúa Kitô quan trọng hơn”.

Những người vô cùng giàu có về trí óc, và tự hào về những thành tựu tôn giáo của họ, tự cho mình là tốt lành hơn những người khác – điều này rất thường xảy ra trong một giáo xứ: “Tôi từ Công giáo Tiến hành đến; tôi sẽ giúp linh mục; tôi thực hiện quyên góp… tất cả là về tôi, tôi, tôi”; người ta thường tin rằng bản thân họ tốt lành hơn những người khác; mỗi chúng ta, trong thâm tâm, nên suy ngẫm xem điều này đã từng xảy ra chưa – họ cảm thấy hài lòng vì họ đã thể hiện thật tốt. Họ cảm thấy thoải mái, nhưng họ không có chỗ cho Chúa vì họ cảm thấy không cần đến Ngài. Và nhiều khi “những người Công giáo tốt lành”, những người cảm thấy chính trực vì họ đến nhà xứ, đi lễ Chúa nhật và khoe mình là người công chính, nói: “Không, tôi không cần gì cả, Chúa đã cứu tôi rồi”. Chuyện gì xảy ra vậy? Họ đã thay thế Thiên Chúa bằng cái tôi của chính họ, và mặc dù họ đọc kinh và thực hiện các việc đạo đức, họ chưa bao giờ thực sự đối thoại với Chúa. Họ độc thoại thay cho đối thoại và cầu nguyện. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng chỉ có “Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm” (Hc 35:1), bởi vì chỉ những ai có tinh thần nghèo khó, và ý thức mình cần được cứu rỗi và tha thứ, mới được vào diện kiến Thiên Chúa; họ đến trước mặt Người mà không khoe khoang công trạng của mình, không ra vẻ hay tự phụ. Vì không có gì nên họ tìm được tất cả, vì họ tìm được Chúa.

Chúa Giêsu ban cho chúng ta giáo huấn này trong dụ ngôn mà chúng ta vừa nghe (x. Lc 18:9-14). Đó là câu chuyện về hai người, một người Pharisêu và một người thu thuế, cả hai đều lên Đền thờ để cầu nguyện, nhưng chỉ một người tìm đến được trái tim của Thiên Chúa. Thậm chí trước khi họ làm bất cứ việc gì, thái độ của họ nói lên rất hùng hồn: Tin Mừng cho chúng ta biết rằng người Pharisêu cầu nguyện “đứng thẳng” ở phía trước, trong khi người thu thuế “đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời” (câu 13), vì xấu hổ. Chúng ta hãy suy ngẫm một chút về những thái độ này.

Người Pharisêu đứng một mình. Anh ta tự tin về bản thân, đứng thẳng một cách kiêu hãnh, giống như một người được tôn trọng vì những thành tựu của mình, giống như một người mẫu. Anh ta cầu nguyện với Chúa bằng thái độ này, nhưng thực ra anh ta tự tán dương bản thân. Tôi lên Đền thờ, tôi tuân giữ Luật, tôi bố thí… Về mặt hình thức, lời cầu nguyện của anh ta là hoàn hảo; công khai, anh ta tỏ ra đạo đức và nhiệt thành, nhưng thay vì mở lòng với Chúa, anh ta lại che đậy những điểm yếu của mình bằng thói giả hình. Chúng ta thường tạo ra một mặt tiền cho cuộc sống của mình. Người Pharisêu này không chờ đợi ơn cứu độ của Chúa như một món quà cho không, nhưng lại đòi hỏi ơn đó như một phần thưởng cho công trạng của mình. “Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, bây giờ tôi yêu cầu phần thưởng cho tôi”. Người này sải bước thẳng đến bàn thờ của Chúa và ngồi ở hàng ghế đầu, nhưng cuối cùng anh ta đã đi quá xa và đặt mình trước mặt Chúa!

Ngược lại, người thu thuế đứng ở xa xa. Anh ta không tiến lên phía trước; anh ta đứng ở phía sau. Nhưng khoảng cách đó, thể hiện tình trạng tội lỗi của anh trước sự thánh thiện của Thiên Chúa, lại giúp anh cảm nhận được vòng tay yêu thương và đầy lòng thương xót của Chúa Cha. Chúa có thể đến với anh, chính vì qua việc đứng đằng xa, anh đã dành không gian cho Chúa. Anh ta không nói về bản thân, anh nói với Chúa và cầu xin tha thứ. Điều này thật rất đúng, cũng như đối với các mối quan hệ của chúng ta trong gia đình, trong xã hội và trong Giáo hội! Đối thoại thực sự diễn ra khi chúng ta có thể duy trì một không gian nhất định giữa mình và người khác, một không gian lành mạnh cho phép mỗi người hít thở mà không bị hút vào hoặc bị áp đảo. Chỉ khi đó, đối thoại và gặp gỡ mới có thể thu hẹp khoảng cách và tạo ra sự gần gũi. Điều đó đã xảy ra trong đời sống của người thu thuế: đứng ở phía sau Đền thờ, anh ta nhận ra sự thật rằng anh ta, một kẻ tội lỗi, đứng trước mặt Thiên Chúa. “Xa xa”, và bằng cách này, Thiên Chúa có thể đến gần anh ta.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy nhớ điều này: Chúa đến với chúng ta khi chúng ta lùi bước khỏi cái tôi tự phụ của mình. Chúng ta hãy suy ngẫm: Tôi có kiêu ngạo không? Tôi có nghĩ rằng tôi tốt hơn những người khác không? Tôi có nhìn ai đó với một chút khinh thường không? “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Ngài đã cứu con và con không giống như những người kia không hiểu biết gì; con đi nhà thờ, con tham dự thánh lễ; con đã kết hôn, kết hôn trong nhà thờ, trong khi họ là những kẻ tội lỗi đã ly hôn…”: tâm hồn của anh chị em có như vậy không? Đó là con đường dẫn đến trầm luân. Tuy nhiên, để đến gần Chúa hơn, chúng ta phải thưa với Chúa: “Con là kẻ tội lỗi hàng đầu, và nếu con không sa vào đống rác rưởi tồi tệ nhất, đó là vì lòng thương xót của Chúa đã nắm lấy tay con. Lạy Chúa, nhờ Người mà con còn sống; Nhờ Chúa, con đã không tự hủy diệt mình vì tội lỗi”. Chúa có thể rút ngắn khoảng cách bất cứ khi nào chúng ta trình bày những yếu đuối của mình trước mặt Ngài với lòng trung thực và chân thành. Người đưa tay ra và nâng chúng ta lên bất cứ khi nào chúng ta nhận ra mình đang “rơi xuống tận cùng” và chúng ta quay lại với Chúa với tấm lòng chân thành. Thiên Chúa là như vậy. Người đang chờ đợi chúng ta, trong thâm tâm, vì trong Chúa Giêsu, Người đã chọn “đi xuống những vực thẳm” bởi vì Người không ngại đi xuống ngay cả những hố sâu nội tâm của chúng ta, để chạm đến những vết thương trên xác thịt của chúng ta, để ôm lấy sự nghèo khó của chúng ta, để chấp nhận những thất bại của chúng ta trong cuộc sống, và những sai lỗi chúng ta đã phạm do sự yếu đuối và bất cẩn, và tất cả chúng ta đều đã mắc phải. Ở đó, trong thẳm sâu, Thiên Chúa chờ đợi chúng ta, và Ngài chờ đợi chúng ta cách đặc biệt trong bí tích Sám Hối, khi chúng ta hết sức khiêm tốn xin ơn tha thứ, như chúng ta làm hôm nay. Chúa đang đợi chúng ta ở đó.

Thưa anh chị em, hôm nay mỗi người chúng ta hãy xét mình, vì người Pharisêu và người thu thuế đều có ở trong sâu thẳm chúng ta. Chúng ta đừng lẩn trốn đằng sau sự giả hình bề ngoài, nhưng hãy tín thác những bóng tối, lỗi lầm của chúng ta cho lòng thương xót của Chúa. Chúng ta hãy suy nghĩ về những khốn khổ, những lỗi lầm của chúng ta, cả những điều mà chúng ta cảm thấy không thể chia sẻ vì xấu hổ, điều đó không sao cả, nhưng với Chúa, chúng phải trình diện. Khi đi xưng tội, chúng ta đứng ở “xa xa”, ở phía sau, giống như người thu thuế, để nhìn nhận khoảng cách giữa ước mơ của Thiên Chúa dành cho cuộc đời chúng ta và thực tế chúng ta là ai mỗi ngày: là những tội nhân đáng thương. Khi đó, Chúa đến gần chúng ta; Người thu hẹp khoảng cách và đặt chúng ta trở lại trên đôi chân của mình. Khi đó, khi chúng ta nhận ra mình lõa lồ, Người sẽ mặc cho chúng ta bộ lễ phục dạ tiệc. Đó là ý nghĩa của bí tích Hòa giải: một cuộc gặp gỡ lễ hội chữa lành tâm hồn và để lại cho chúng ta sự bình an trong tâm hồn. Không phải là tòa án của con người để tiếp cận với sự sợ hãi, mà là vòng tay của Chúa để tìm được sự an ủi.

Một trong những khía cạnh đẹp nhất trong cách Chúa chào đón chúng ta là cái ôm dịu dàng của Ngài. Nếu chúng ta đọc câu chuyện khi người con hoang đàng trở về nhà (x. Lc 15:20-22) và bắt đầu nói, người cha không cho phép nó nói, ông ôm lấy đứa con để nó không thể nói được. Một cái ôm đầy lòng thương xót. Ở đây, tôi xin ngỏ lời với anh em giải tội: xin anh em hãy tha thứ mọi sự, luôn luôn tha thứ, đừng đè nặng lên lương tâm con người; hãy để họ nói về chính họ và chào đón họ như Chúa Giêsu, với cái nhìn âu yếm của anh em, với sự âm thầm thấu hiểu. Xin thưa, bí tích Sám Hối không phải để hành hạ nhưng để ban bình an. Hãy tha thứ tất cả, vì Chúa sẽ tha thứ cho anh em tất cả. Mọi sự, mọi sự, mọi sự.

Trong Mùa Chay này, với tâm hồn thống hối, chúng ta hãy thầm thĩ nói như người thu thuế: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!” (câu 13). Chúng ta hãy cùng nhau thưa: Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội! Lạy Chúa, khi con quên Chúa hay thờ ơ với Chúa, khi con thích những lời nói của con và của thế gian hơn lời của Chúa, khi con tự cho mình là công chính và khinh thường người khác, khi con nói xấu người khác, lạy Chúa, xin thương xót con là một kẻ có tội! Khi con không quan tâm đến những người xung quanh con, khi con dửng dưng trước những người nghèo và đau khổ, người yếu đuối và bị ruồng bỏ, lạy Chúa, xin thương xót con là một kẻ có tội! Vì những tội lỗi của con chống lại sự sống, vì gương xấu của con đã làm hoen ố khuôn mặt xinh đẹp của Mẹ Giáo hội, vì tội của con chống lại tạo vật, lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội! Vì sự giả dối, vì sự hai lòng của con, sự thiếu trung thực và chính trực của con, lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội! Vì những tội thầm kín của con mà không ai biết, vì những cách mà con đã vô tình làm điều sai quấy với người khác, và vì những điều tốt lành mà đáng ra con có thể làm nhưng lại không làm, lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!

Trong thinh lặng, chúng ta hãy lặp lại những lời này trong giây lát, với tâm hồn sám hối và tín thác: Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội! Và trong hành động sám hối và tín thác này, chúng ta hãy mở rộng tâm hồn để đón nhận niềm vui của một món quà thậm chí còn lớn lao hơn: lòng thương xót của Thiên Chúa.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/3/2023]