Thứ Tư, 10 tháng 4, 2024

Trong một thế giới bị phân mảnh, Hội Hồng Thập tự Ý tỏa sáng như ngọn hải đăng hy vọng

Trong một thế giới bị phân mảnh, Hội Hồng Thập tự Ý tỏa sáng như ngọn hải đăng hy vọng

Diễn từ của Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm 160 năm thành lập Hội

Trong một thế giới bị phân mảnh, Hội Hồng Thập tự Ý tỏa sáng như ngọn hải đăng hy vọng

Vatican Media


*******

Sáng nay, trong Khán phòng Phaolô VI, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp các tình nguyện viên của Hội Hồng Thập tự Ý nhân dịp kỷ niệm 160 năm thành lập.

Trong bài phát biểu, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng hơn cả một tổ chức, Hội Hồng Thập tự là biểu tượng của sự hiệp nhất: Hội Hồng Thập tự Ý đoàn kết chúng ta trong việc tìm kiếm một thế giới công bằng và nhân ái hơn.

Sau đây là bài diễn từ của Đức Thánh Cha trước những người có mặt trong buổi gặp gỡ:

______________________________________________

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tôi vui mừng được gặp anh chị em nhân dịp kỷ niệm 160 năm thành lập Hội Hồng Thập tự Ý. Thật vậy, vào ngày 15 tháng Sáu năm 1864, Ủy ban Hiệp hội Ý về cứu trợ những người bị thương và bệnh tật trong chiến tranh được thành lập tại Milan. Đứng trước sự tàn phá và khổ đau do chiến tranh gây ra – ngày nay cũng vậy, chúng ta cũng đừng quên điều này – đứng trước sự tàn phá và đau khổ do chiến tranh gây ra, lòng nhân ái dạt dào đã biến thành những hành động và công tác giúp đỡ và chăm sóc cụ thể, không phân biệt quốc tịch, tầng lớp xã hội, tôn giáo hoặc quan điểm chính trị. Dòng chảy yêu thương này không bao giờ dừng lại: ngày nay, cũng như trong quá khứ, dòng chảy yêu thương của anh chị em là một sự hiện diện hiệu quả và quý giá, đặc biệt trong tất cả những bối cảnh khi tiếng ồn của vũ khí bóp nghẹt tiếng kêu của các dân tộc, bóp nghẹt niềm khao khát hòa bình và ước muốn cho tương lai của họ.

Hôm nay là một dịp đặc biệt để bày tỏ lòng biết ơn đối với anh chị em vì sự phục vụ mà anh chị em cống hiến trong bối cảnh chiến tranh, và vì sự giúp đỡ mà anh chị em thực hiện hàng ngày cho những người đang cần giúp đỡ trong nhiều tình huống khẩn cấp khác nhau. Cảm ơn anh chị em, cảm ơn anh chị em rất nhiều vì điều này!

Sự cam kết của anh chị em, được truyền cảm hứng từ các nguyên tắc nhân đạo, công bằng, trung lập, độc lập, tình nguyện, đoàn kết và phổ quát, cũng là một dấu hiệu hữu hình cho thấy tình huynh đệ có thể thực hiện được. Nếu con người được đặt vào trung tâm, thì có thể cam kết cho việc đối thoại, cùng nhau làm việc vì ích chung, vượt qua những chia rẽ, phá bỏ những bức tường thù địch, vượt qua luận lý của lợi ích và quyền lực khiến chúng ta mù quáng và biến người khác thành kẻ thù. Đối với người có đức tin, mỗi con người đều thiêng liêng. Mọi con người thụ tạo đều được Thiên Chúa yêu thương, và vì lý do này họ là người nắm giữ những quyền bất khả xâm phạm. Được thúc đẩy từ niềm tin này, nhiều người thiện chí sẽ gặp nhau, chân nhận giá trị tối cao của sự sống và vì thế cần phải bảo vệ, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất. Về những người dễ bị tổn thương nhất, tôi muốn nói với anh chị em một điều: đó chính là trẻ em. Nhiều trẻ em đã đến Ý sau cuộc chiến ở Ukraine; anh chị em có biết vấn đề gì không? Đó là những đứa trẻ này không cười, chúng đã quên mất cách nở nụ cười… Điều đó thật tệ hại cho một đứa trẻ, hãy nghĩ về vấn đề đó…

Để cảm ơn anh chị em vì sự phục vụ không thể thay thế của anh chị em tại các vùng đang xảy ra xung đột và các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai, trong lĩnh vực đào tạo và y tế, cũng như những gì anh chị em làm để giúp đỡ các di dân, những người bé mọn nhất và dễ bị tổn thương nhất, tôi khuyến khích anh chị em hãy tiếp tục công việc bác ái cao cả này bao trùm nước Ý và thế giới. Mong rằng Hội Hồng Thập tự luôn là biểu tượng hùng hồn của tình yêu thương dành cho anh chị em chúng ta và không có biên giới, dù là biên giới về địa lý, văn hóa, xã hội, kinh tế hay tôn giáo. Không phải ngẫu nhiên mà khẩu hiệu anh chị em chọn để kỷ niệm 160 năm thành lập là “Ở mọi nơi và cho mọi người”. Đó là một sự phổ quát. Đó là một cách diễn đạt một lối sống và hiện diện ở đó, trong khi mô tả một cam kết, cũng là mô tả một phong cách.

Ở mọi nơi, bởi vì không bối cảnh nào có thể khẳng định là không có đau khổ, không có những vết thương về thể xác và tâm hồn, dù ở những cộng đồng nhỏ bé hay ở những nơi bị lãng quên nhất trên trái đất. Cần phải toàn cầu hóa tình liên đới – toàn cầu hóa tình liên đới – qua việc hoạt động ở cấp quốc gia và quốc tế, để “sự thừa nhận rằng tất cả mọi người đều là anh chị em của chúng ta, và việc kiếm tìm những hình thức tình bạn xã hội bao gồm tất cả mọi người, không phải là điều không tưởng”, nó là thực tế… “Nó đòi hỏi một cam kết dứt khoát để tìm ra những phương tiện hiệu quả cho mục đích này. … Điều này yêu cầu phải làm việc vì một trật tự xã hội và chính trị mà linh hồn của nó là bác ái xã hội” (Tông huấn Fratelli tutti, 180). Để làm được điều này, chúng ta cần luật pháp bảo đảm nhân quyền ở mọi nơi, những hành động nuôi dưỡng nền văn hóa gặp gỡ và những con người có khả năng nhìn thế giới với một quan điểm rộng mở. Nhìn về phía chân trời… mọi người ở đó…

Ở mọi nơi và cho mọi người, bởi vì xã hội của chúng ta đang là một xã hội của “tôi” nhiều hơn là của “chúng ta”, của một nhóm nhỏ hơn là của tất cả mọi người. Đó là một xã hội ích kỷ trong vấn đề này. Từ “mọi người” nhắc nhở chúng ta rằng mỗi con người đều có phẩm giá của họ và đáng được chúng ta quan tâm: chúng ta không thể quay lưng hoặc từ chối họ vì hoàn cảnh, sự khuyết tật, lai lịch hoặc địa vị xã hội của họ. Vì vậy, tôi thúc giục anh chị em hãy tiếp tục đứng bên cạnh những anh chị em đang gặp khó khăn của chúng ta, với năng lực, lòng quảng đại và sự cống hiến, đặc biệt vào thời điểm khi tình trạng phân biệt chủng tộc và khinh miệt đang phát triển như cỏ dại. Thật vậy, “chỉ bằng cách vun đắp mối liên hệ với nhau này, chúng ta mới có thể tạo ra một tình bạn xã hội không loại trừ ai và một tình huynh đệ rộng mở cho tất cả mọi người” (ivi, 94).

Khẩu hiệu này – “Ở mọi nơi và cho mọi người” – nhắc lại câu chúng ta đọc được trong Thư Thứ nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, thánh nhân nói: “Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người” (9:22). Như thế, Thánh Tông đồ đã tóm tắt sứ mạng của ngài: đến với mọi người để mang niềm vui Tin Mừng đến cho tất cả. Đây là phong cách mà anh chị em cũng đạt được mỗi khi anh chị em can thiệp để giảm bớt đau khổ, với tinh thần huynh đệ.

Trong Mùa Phục sinh này, chúng ta hãy xin ơn để trở thành khí cụ của tình huynh đệ và hòa bình, trở thành những người lãnh đạo bác ái và là những người xây dựng một thế giới đặt nền móng trên tình huynh đệ và liên đới. Xin Chúa chúc phúc cho anh chị em, những tình nguyện viên và những nhân viên, và xin Ngài ban phúc lành cho gia đình anh chị em. Tôi cầu nguyện cho anh chị em, và anh chị em cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!

___________________________

Holy See Press Office Bulletin, 6 tháng Tư, 2024



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/4/2024]


Vatican báo cáo số lượng tín hữu gia tăng, nhưng số linh mục giảm

Vatican báo cáo số lượng tín hữu gia tăng, nhưng số linh mục giảm

Vatican báo cáo số lượng tín hữu gia tăng, nhưng số linh mục giảm

Aleksandr Trofimchuk | Shutterstock

J-P Mauro

06/04/24


Châu Phi và Châu Á tiếp tục chứng kiến sự gia tăng về số lượng linh mục, con số ở Châu Mỹ thì ổn định. Ở Châu Mỹ và Châu Âu, số lượng phó tế vĩnh viễn ngày càng tăng.

Vatican đã phát hành Niên giám Tòa Thánh 2024 và Niên giám Thống kê 2022 của Giáo hội, hai tài liệu trình bày cái nhìn quan trọng về đời sống của Giáo hội, cũng như dữ liệu thống kê để đánh giá các xu hướng trong Giáo hội trên toàn thế giới. Phần đầu tiên chứa thông tin được trích ra từ ngày 1 tháng Mười Hai năm 2022 đến ngày 31 tháng Mười Hai năm 2023, và phần sau nhìn đến các khía cạnh căn bản của Giáo hội trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2022.

Nói chung, tỷ lệ người Công giáo được rửa tội trên toàn thế giới đã tăng khoảng 1% vào năm 2022, từ 1,376 tỷ lên 1,390 tỷ. Khi chia theo lục địa, Châu Phi cho thấy mức gia tăng cao nhất với 3% (265 đến 273 triệu), tiếp theo là Châu Mỹ và Châu Á (+0,9% và +0,6%). Châu Âu và Châu Đại Dương được coi là “ổn định”, nghĩa là những khu vực này không có thay đổi đáng kể.

Linh mục và phó tế

Báo cáo của Vatican News cho thấy tiếp tục có xu hướng giảm số lượng linh mục. Từ năm 2012, Giáo hội đã chứng kiến chiều hướng giảm số ơn gọi mới, và năm 2022 cũng không khác. So với năm 2021, hàng giáo sĩ giảm 142 linh mục, từ 407.872 xuống 407.730. Mặc dù sự thay đổi này không lớn, nhưng rất đáng lo khi thấy sự sụt giảm về số lượng linh mục sau khi cộng chung tất cả các linh mục mới thụ phong và những linh mục đã nghỉ hưu.

Tuy nhiên, khuynh hướng giảm sút số lượng linh mục không phải là phổ quát. Châu Phi và Châu Á đều có mức tăng lần lượt là 3,2% và 1,6%, còn Châu Mỹ được coi là tương đối ổn định. Châu Âu, theo báo cáo lưu ý đến số lượng linh mục lớn nhất thế giới, đã giảm 1,7%, tiếp theo là Châu Đại Dương với mức giảm 1,5%.

Xu hướng giảm linh mục này khó có thể thay đổi vào năm tới, vì số chủng sinh đã tiếp tục giảm từ năm 2012. Hiện trên toàn thế giới có 108.481 chủng sinh đang theo học để trở thành linh mục, với mức chênh lệch -1,3% so với tình hình năm trước. Châu Phi là lục địa duy nhất có mức tăng về chủng sinh (2,1%).

Trong khi đó, phó tế vĩnh viễn tiếp tục gia tăng ở mức đáng kể, tăng từ 49.176 lên 50.150 (2%) trên toàn thế giới vào năm 2022. Mọi châu lục đều cho thấy sự gia tăng số phó tế vĩnh viễn, trong đó Châu Mỹ và Châu Âu dẫn đầu với tỷ lệ 2,1% và 1,7%.

Giám mục và tu sĩ

Từ năm 2021-2022, số lượng giám mục trên toàn thế giới tăng từ 5.340 lên 5.353. Tỷ lệ giám mục chiếm phần lớn ở Châu Phi và Châu Á, mức tăng số giám mục ở hai lục địa này lần lượt là 2,1% và 1,4%.

Số lượng tu sĩ không phải là linh mục cũng có xu hướng giảm. Năm 2022 cho thấy con số giảm từ 49.774 xuống 49.414. Tuy nhiên, đây không phải là mức giảm phổ quát, với Châu Âu, Châu Phi và Châu Đại Dương cho thấy số lượng giảm, trong khi Châu Á và ở mức độ thấp hơn là Châu Mỹ có mức tăng.

Mặc dù phát hiện cho thấy rằng số nữ tu đông hơn linh mục Công giáo tới 47%, nhưng tổng số nữ tu cũng đang giảm mạnh, từ 608.958 giảm còn 599.228, hay 1,6%. Châu Phi chứng kiến mức tăng số nữ tu tuyên khấn cao nhất (1,7%), và lục địa duy nhất còn lại có con số tích cực là Đông Nam Á với 0,1%. Nam và Trung Mỹ gộp lại đã giảm 2,5%, nhưng mức giảm lớn nhất số nữ tu tuyên khấn là ở Châu Đại Dương (-3,6%), Châu Âu (-3,5%) và Bắc Mỹ (-3,0%).


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/4/2024]