Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

Toàn văn huấn từ Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha ngày Lễ Thánh Gia thất

Toàn văn huấn từ Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha ngày Lễ Thánh Gia thất

© Vatican Media

Toàn văn huấn từ Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha ngày Lễ Thánh Gia thất

Thông báo năm suy tư Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm vui của tình yêu)

27 tháng Mười Hai, 2020 13:42

ZENIT STAFF


Trong huấn từ Kinh Truyền Tin ngày Lễ Thánh Gia — 27 tháng Mười Hai — Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý về việc kỷ niệm sắp tới của Tông huấn Amoris Laetitia, được công bố 5 năm trước, vào ngày 19 tháng Ba năm 2021. Trong bối cảnh đó, ngài thông báo một năm suy tư về tài liệu và cho biết những suy tư đó sẽ được gửi đến các cộng đoàn và gia đình trên toàn thế giới.

“Hiện tại, cha mời gọi mọi người cùng tham gia vào các sáng kiến sẽ được thúc đẩy trong Năm và sẽ được điều phối tổ chức bởi Bộ Giáo dân, Gia đình, và Sự sống,” Đức Thánh Cha nói. Ngài giảng huấn trong Thư viện của Điện Tông tòa do những giới hạn đại dịch đang được áp dụng.


Dưới đây là toàn văn huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha, văn bản của Vatican (ND: bản Tiếng Anh).


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Một vài ngày sau Giáng sinh, phụng vụ mời gọi chúng ta hướng mắt về Gia đình Thánh của Chúa Giêsu, Mẹ Maria, và Thánh Giuse. Thật đẹp khi chúng ta suy tư về sự thật rằng Con Thiên Chúa muốn có hơi ấm của một gia đình, như mọi trẻ em khác. Chính vì lý do này, và vì đó là gia đình của Chúa Giêsu, gia đình Nadarét là gia đình gương mẫu, trong đó tất cả các gia đình trên thế giới có thể tìm thấy điểm tham chiếu chắc chắn và nguồn cảm hứng vững chắc cho họ. Tại Nadarét, mùa xuân của đời sống con người của Con Thiên Chúa bắt đầu trổ hoa tại thời điểm khi Ngài được thụ thai trong cung lòng đồng trinh của Đức Maria bởi công việc của Chúa Thánh Thần. Phía trong những bức tường chào đón của Ngôi nhà Nadarét, tuổi thơ của Chúa Giêsu lớn lên trong niềm vui, được quấn quít bởi sự săn sóc của tình mẫu tử của Mẹ Maria và sự chăm lo của Thánh Giuse, qua đó Chúa Giêsu có thể nhìn thấy lòng nhân hậu của Thiên Chúa (x. Tông thư Patris Corde, 2).

Noi gương Gia đình Thánh, chúng ta được kêu gọi để tái khám phá giá trị giáo dục của gia đình: nó phải được xây dựng trên tình yêu để luôn luôn tạo ra những mối quan hệ, mở ra những chân trời hy vọng. Trong gia đình, người ta có thể trải nghiệm về tình hiệp thông chân thành khi nó là một căn nhà cầu nguyện, khi những tình cảm là chân thành, sâu sắc, thuần khiết, khi sự tha thứ sẽ chiến thắng những xích mích, khi sự nghiệt ngã của cuộc sống hàng ngày được xoa dịu bởi sự dịu dàng với nhau và trung thành theo thánh ý Chúa. Bằng cách này, gia đình mở ra để đón nhận niềm vui mà Chúa ban tặng cho tất cả những ai biết cho đi một cách vui vẻ. Đồng thời, gia đình tìm được sức mạnh tinh thần để mở ra với thế giới bên ngoài, với người khác, để phục vụ anh chị em, để cộng tác xây dựng một thế giới luôn mới và tốt đẹp hơn; từ đó có thể trở thành gia đình truyền cảm hứng tích cực; gia đình truyền giáo bằng chính tấm gương đời sống. Đúng là trong mọi gia đình đều có các vấn đề, và có những lúc tranh cãi. “Và thưa Cha, con đã cãi nhau …” nhưng chúng ta là con người, chúng ta yếu đuối, và có những lúc chúng ta cãi vã với gia đình. Cha có lời muốn nói với anh chị em: nếu trong gia đình anh chị em cãi nhau, đừng bao giờ để ngày đó trôi qua mà không tạo hòa bình. “Vâng, tôi đã cãi nhau.” nhưng trước khi ngày kết thúc, hãy xây hòa bình. Và anh chị em có biết tại sao không? Vì chiến tranh lạnh, ngày này sang ngày khác, là vô cùng nguy hiểm. Nó chẳng giúp ích gì. Và rồi trong gia đình, có ba từ ngữ, ba cụm từ luôn luôn là gia tài quý: “Làm ơn”, “Cảm ơn”, và “Anh/Em… xin lỗi”. “Làm ơn”, để không xâm phạm vào đời sống của người khác. Làm ơn: anh/em/con có thể làm việc này không? Anh/Em/Con làm việc này có ảnh hưởng gì tới em/anh/cha mẹ không? Làm ơn. Luôn luôn, để không bắt người khác phải chịu đựng mình. “Làm ơn” là lời đầu tiên. “Cảm ơn”: vô cùng hữu ích, có quá nhiều sự phục vụ dành cho chúng ta trong gia đình: hãy luôn nói câu “cảm ơn.” Biết ơn là nguồn sống của tâm hồn cao thượng. “Cảm ơn.” Và rồi đến lời khó nói nhất: “Anh/Em … xin lỗi”. Vì chúng ta luôn làm những điều không tốt và nhiều lúc có người sẽ cảm thấy bị xúc phạm vì nó: “Anh/Em … xin lỗi,” “Anh/Em … xin lỗi”. Đừng quên ba lời nói này: “làm ơn”, “cảm ơn”, và “anh/em … xin lỗi”. Nếu trong một gia đình, trong không khí gia đình có ba lời nói này, gia đình sẽ hòa thuận.

Ngày Lễ hôm nay nhắc nhở chúng ta về mẫu gương truyền giáo của gia đình, một lần nữa đề nghị cho chúng ta lý tưởng của tình yêu hôn nhân và gia đình, như được nhấn mạnh trong Tông huấn Amoris Laetitia, được công bố 5 năm trước vào ngày 19 tháng Ba. Và năm sắp tới sẽ là năm suy tư về Tông huấn Amoris Laetitia và nó sẽ là cơ hội để tập trung sâu hơn vào nội dung của tài liệu. Những suy tư này sẽ được gửi đến các cộng đoàn và gia đình, để đồng hành với họ trên hành trình. Hiện tại, cha mời gọi mọi người cùng tham gia vào các sáng kiến sẽ được thúc đẩy trong Năm và sẽ được điều phối tổ chức bởi Bộ Giáo dân, Gia đình, và Sự sống. Chúng ta hãy phó thác hành trình này, cùng với tất cả các gia đình trên toàn thế giới, cho Gia đình Thánh Nadarét, đặc biệt phó dâng cho Thánh Giuse, người chồng và người cha tận tụy.

Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, bây giờ chúng ta đọc Kinh truyền tin dâng lên Mẹ, ban ơn để các gia đình trên toàn thế giới ngày càng được cuốn hút hơn bởi lý tưởng phúc âm của Gia đình Thánh, để trở nên lớp men cho một nhân loại mới và tình đoàn kết phổ quát và đích thực.

____________________________________________

Sau Kinh truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em, các gia đình, các nhóm, và các cá nhân tín hữu, những anh chị em đang theo dõi Kinh truyền tin qua phương tiện truyền thông xã hội. Ý nghĩ của cha đặc biệt hướng về các gia đình, trong những tháng này, đã bị mất người thân hoặc bị ảnh hưởng bởi những hậu quả của đại dịch. Cha cũng nghĩ đến các bác sĩ, y tá, và tất cả các chuyên gia y tế với mẫu gương lớn lao trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống sự lây lan virus đã có những tác động lớn đến đời sống gia đình.

Và hôm nay cha phó thác tất cả các gia đình cho Chúa, đặc biệt những gia đình bị thử thách nhiều nhất do những khó khăn của cuộc sống và do những hậu quả của sự hiểu lầm và chia rẽ. Xin Chúa, Đấng đã sinh ra tại Bêlem, ban cho họ sự bình an và sức mạnh để cùng tiến bước trên con đường tốt lành.

Và đừng quên ba cụm từ này sẽ có tác dụng rất tốt để đạt được sự hiệp nhất gia đình: “Làm ơn” – để không bắt người khác phải chịu đựng mình, để tôn trọng người khác – “Cảm ơn” – để cảm ơn nhau. Và lời xin lỗi – khi chúng ta sai lỗi, hoặc khi chúng ta cãi nhau – xin hãy nói lên lời đó trước khi ngày kết thúc: hãy tạo hòa bình trước khi ngày kết thúc.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc, và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/12/2020]


Những vị thánh đem lại đức tin cho cha mẹ

Những vị thánh đem lại đức tin cho cha mẹ

Những vị thánh đem lại đức tin cho cha mẹ

http://www.carloacutis.com | Antoine Mekary/ALETEIA

Meg Hunter-Kilmer

19/12/20

Vâng, thường thường chính cha mẹ là người truyền đức tin cho con cái của họ. Nhưng không phải luôn luôn như vậy!

Khi các gia đình trên khắp thế giới sum họp (trực tiếp hoặc qua internet) để mừng ngày sinh của Đức Kitô, nhiều gia đình cảm thấy những cuộc nói chuyện trở nên căng thẳng vì niềm tin khác nhau của các thành viên trong gia đình. Trong khi một số gia đình có thể không có những tranh cãi về sự khác biệt này, những người yêu mến Chúa Giêsu chúng ta có thể vô cùng chán nản khi chúng ta trải qua hết năm này đến năm khác nhìn thấy người thân yêu của chúng ta sống xa cách Chúa Giêsu và Hội Thánh của Ngài. Có nhiều vị thánh cầu nguyện cho con cái của họ hối cải (nổi bật là Thánh Monica), nhưng trường hợp ngược lại thì có thể phải tế nhị hơn, khi con cái khao khát và hy vọng cha mẹ mình sống trọn vẹn đức tin Công giáo. Thật may mắn, có một vị thánh cho trường hợp này: những người nam và nữ thánh thiện có đời sống và chứng tá đã đưa cha mẹ của họ (và thậm chí là cha mẹ chồng/vợ) trở về với Chúa Giêsu.

Chân phước Columba Kang Wan-suk (1761-1801) sinh ngoài giá thú trong một gia đình quý tộc. Sau khi trở thành vợ và là mẹ kế của Chân phước Philip Hong Pil-ju, chân phước trở thành một người Công giáo và đã đưa người con riêng của chồng và mẹ chồng về với Chúa Kitô, cùng với con gái của Chân phước. Khi người chồng bỏ Chân phước để theo vợ lẽ, mẹ chồng của Columba quyết định ở lại với Chân phước, rất biết ơn vì sự ảnh hưởng tinh thần của cô con dâu trước; con trai riêng của chồng Columba cũng vậy, đã chọn ở lại với người vợ cũ của cha mình, sốt sắng với cộng đoàn Kitô giáo. Khi chồng bỏ đi, nhà của Columba trở thành trung tâm hoạt động cho Giáo hội bí mật. Chân phước Clumba dành phần đời còn lại để truyền giáo và dạy giáo lý, là người bảo trợ cho một linh mục Hàn quốc (bị săn lùng), và là trung tâm của cộng đoàn, trước khi chịu tử đạo ở tuổi 40.

Chân phước Luke Hwang Sŏk-tu (1811-1866) là con một của một gia đình thượng lưu quý tộc. Ngài được mong chờ sẽ tiến lên những vị trí cao trong triều đình, nhưng được nghe Tin mừng rao giảng khi ngài đi thi tuyển đầu vào, liền trở về nhà thông báo rằng ngài đã bỏ thi để học biết về Chúa Giêsu. Ngài bị thân phụ đánh nhưng vẫn không chịu từ bỏ niềm tin. Chẳng bao lâu sau, Chân phước Luke đã đưa vợ mình trở về Công giáo, điều làm xúc phạm đến phụ thân và bị đe dọa có người hãm hại. Cuối cùng, Luke giữ im lặng, không chịu nói chuyện trong suốt hai năm. Gia đình Chân phước bằng mọi cách cố hàn gắn sự im lặng của Chân phước, nhưng cuối cùng chịu đầu hàng trước tính bướng bỉnh của chân phước và đồng ý học hỏi đức tin. Họ đã trở lại, kể cả người cha cực lực chống đối Công giáo. Khi bị bắt, Chân phước Luke tiếp tục rao giảng Phúc âm cho các tù nhân cho đến khi chịu tử đạo.

Thánh Kizito (1872-1886) là một cậu bé phục vụ tại triều đình của kabaka (vua) Buganda. Dù được nuôi nấng bởi cha mẹ ngoại giáo, Kizito bị cuốn hút bởi Công giáo và tìm đến phép rửa tội ngay sau khi vào cung. Khi cậu chống cự lại sự quấy rối và tấn công tình dục của vua, Kizito bị bắt cùng với những người Kitô hữu khác trong triều và chịu tử đạo. Mặc dù cha mẹ của thánh nhân bị suy sụp vì mất đứa con, nhưng Kizito chết trong niềm vui quá lớn đến mức cha của thánh nhân là Lukomera bắt đầu đặt vấn đề về niềm tin đã có thể lay động con trai mình. Dù ông Lukomera từ lâu chống đối Công giáo để cưới được nhiều vợ, nhưng chẳng bao lâu sau ông đã tìm hiểu về tôn giáo của Kizito và trở thành một người Công giáo, và rồi một giáo lý viên đã đưa cả làng trở lại đạo.

Tôi tớ Chúa Maurice Michael Otunga (1923-2003) là con trai của một tù trưởng Bakhone ở Kenya. Cha của ngài có hàng chục người vợ, nhưng đã chọn Otunga làm người kế vị. Khi Otunga muốn được rửa tội năm 12 tuổi, cha của ngài đã từ chối suốt một thời gian, nhưng cuối cùng vẫn bằng lòng. Khi cậu thiếu niên muốn vào chủng viện, cha cậu giữ im lặng trong suốt 24 giờ, sau đó nói rằng cậu có thể đi nhưng chắc chắn sẽ bỏ. Mặc dù tù trưởng dành nhiều năm tiếp theo để thuyết phục Otunga từ bỏ ơn gọi của mình và trở về nhà để lãnh đạo bộ tộc, Otunga đã được thụ phong linh mục, sau đó trở thành giám mục khi mới 33 tuổi. Gần 30 năm sau khi Otunga trở lại đạo, cha mẹ của ngài cũng đã được rửa tội, và cuối cùng bây giờ họ tự hào về ơn gọi của người con trai họ. Otunga là một nhà hoạt động mạnh mẽ cho công bằng xã hội và bảo vệ sự sống và đã làm việc với các nhà lãnh đạo Hồi giáo địa phương để phản đối việc sử dụng các biện pháp tránh thai. Ngài đã trở thành hồng y đầu tiên người Kenya.

Chân phước Carlo Acutis (1991-2006) được nuôi dưỡng bởi cha mẹ người Ý không thực hành niềm tin. Tuy nhiên, khi học biết về Chúa Giêsu từ người bảo mẫu của mình, Carlo đã theo đạo ngay khi còn là một trẻ mẫu giáo. Cậu bắt đầu yêu cầu mẹ đưa mình đi viếng Mình Thánh Chúa, một việc có lẽ bà chẳng bao giờ làm. Chẳng bao lâu, bà trở lại thực hành đức tin của mình và thậm chí còn ghi danh vào các lớp thần học, để trả lời tốt hơn cho các câu hỏi của cậu bé Carlo. Bà nói, “Nó như vị cứu tinh nhỏ của tôi”, ý thức trọn vẹn rằng sự trở lại của bà đến từ tấm gương của đứa con thánh thiện của mình. Carlo nổi tiếng yêu mến các phép lạ Thánh Thể và đã xây dựng một trang web chia sẻ những phép lạ đó với thế giới trước khi qua đời đột ngột vì bệnh bạch cầu năm 15 tuổi.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/12/2020]