Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

Báo cáo về việc giới chức Trung quốc đóng cửa nhà thờ, đốt Kinh thánh

Báo cáo về việc giới chức Trung quốc đóng cửa nhà thờ, đốt Kinh thánh

10 tháng Chín, 2018
Báo cáo về việc giới chức Trung quốc đóng cửa nhà thờ, đốt Kinh thánh
GREG BAKER / AFP


Cắt giảm hợp đồng cho thuê dường như là một thủ đoạn mới để các quy định mới có hiệu lực.

Hôm Chúa nhật ở Bắc kinh, một nhà thờ Ki-tô giáo không đăng ký với chính phủ Trung quốc đã bị đóng cửa. Không còn là một hành động lén lút thực hiện lúc giữa đêm, hành động lần này được thi hành lúc 4:30 chiều Chúa nhật bởi 60 nhân viên nhà nước. Các xe buýt, xe công an và thậm chí xe cứu hỏa đổ về nhà thờ, đó là “nhà thờ tư” (house church) lớn nhất ở Bắc kinh, hay gọi là một nơi thờ phượng không hợp lệ.

Đó là một ví dụ về việc được xem là làn sóng đàn áp mới nhắm vào tôn giáo ở Trung quốc.

Theo báo cáo của Associated Press, dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, người mà nhiều nhà quan sát mô tả như là lãnh đạo quyền lực nhất của Trung quốc kể từ sau Mao Trạch Đông, đang có một sức ép nhằm “Trung quốc hóa” tôn giáo với yêu cầu phải trung thành với Đảng Cộng sản vô thần và loại trừ bất kỳ thách đố nào đối với quyền lực của nó có ảnh hưởng trên đời sống của người dân. Vào tháng Hai, một luật mới, “Những quy định về các hoạt động tôn giáo,” đi vào hiệu lực, buộc tất cả các cơ sở hoạt động tôn giáo phải đăng ký được thanh tra hành chính và xác nhận của chính quyền. Mọi sự tụ tập về tôn giáo khác đều bị xem là bất hợp pháp.

Nhà thờ chính Xi-on, trong một trung tâm thương mại ở Bắc kinh, thu hút khoảng 1500 tín hữu đến mỗi Chúa nhật. Không gian được thuê lại trong một trung tâm mua sắn đứng tên Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Văn hóa Jianweitang Ltd. từ năm 2007. Năm 2013 chủ tòa nhà hứa ký giấy cho thuê 10 năm cho nhà thờ khi họ đi tìm người cho thuê tầng ba, tầng gần đây bị một hộp đêm bỏ hoang. Nhưng vào tháng Ba năm nay, một tháng sau khi những quy định đi vào hiệu lực, trung tâm mua sắm bắt đầu chịu những sức ép từ bên ngoài đòi lấy lại nhà thờ, và chính nhà thờ bắt đầu cảm thấy sức nóng bắt đầu. Chính quyền ra lệnh gắn camera giám sát, và nhà thờ từ chối, ngay lập tức điện và nước bị cắt trong thời gian ngắn. Các mạng truyền thông xã hội của nhà thờ bị ngắt gián đoạn. Sáu trung tâm vệ tinh của nhà thờ bị đóng cửa.

Và Chúa nhật này, các cán bộ tuyên bố việc tụ tập trong nhà thờ chính Xi-on là bất hợp pháp và niêm phong tài sản, theo tường thuật của mục sư, Ezra Jin Mingri. Chính quyền trước đó đã đóng băng tài sản riêng của mục sư Jin trong một cố gắng buộc mục sư phải tuân theo yêu cầu của họ.

Theo Viện Thánh Charles, một cơ quan nhân quyền phi lợi nhuận có trụ sở tại St. Charles, Illinois, việc trục xuất ở Bắc kinh không phải là khác thường. Bắt đầu từ đầu năm 2018, đã có nhiều vụ việc trong các thành phố khác của Trung quốc trong đó các chủ đất cắt ngắn hợp đồng thuê đất để thu hồi từ những người thuê hoặc nhà thờ Ki-tô giáo. Lý do đưa ra là các người thuê can dự và “những hoạt động tôn giáo bất hợp pháp,” cụ thể là rao giảng phúc âm, sự giao tiếp giữa các tín đồ, và giữ ngày nghỉ Chúa nhật.

Cũng có những báo cáo về các vụ gây áp lực khác trong khắp đất nước:

  • Bob Fu thuộc nhóm China Aid có trụ sở tại Hoa kỳ cung cấp đoạn video quay cảnh những đống Sách thánh đang cháy và cho biết rằng có nhiều người cam kết đã từ bỏ niềm tin Ki-tô của họ.
  • Một mục sư Ki-tô giáo trong thành phố Nanyang thuộc tỉnh Hà nam nói rằng các thánh giá, sách thánh và đồ đạc trong nhà thờ bị đốt trong lần bố ráp nhắm vào nhà thờ của mục sư ngày 5 tháng Chín. Vị mục sư, yêu cầu được giấu tên để tránh bị các cán bộ tái bắt bớ, nói rằng nhiều người đi vào nhà thờ khi vừa mở cửa lúc 5 giờ sáng và bắt đầu tháo gỡ đồ đạc. Mục sư nói nhà thờ đã thảo luận với các giới chức địa phương vì họ buộc nhà thờ phải “tự cải tổ,” nhưng chưa có thỏa thuận nào được đưa ra cũng như chưa có một văn bản chính thức nào được ban hành.
  • Khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và những thành viên khác của các nhóm cộng đồng thiểu số Hồi giáo trong vùng tây bắc của đất nước đã bị đưa vào trong các trại cải huấn và ở đó họ bị buộc phải tuyên bố bỏ đạo Hồi và tuyên thệ trung thành với Đảng Cộng sản. Chính quyền nói rằng họ đang dùng những biện pháp cần thiết để loại trừ chủ nghĩa khủng bố, nhưng phủ nhận việc xây dựng các trại cải huấn.

Tuy nhiên, Mục sư Jin ở Bắc kinh vẫn giữ hy vọng. “Các Giáo hội sẽ vẫn tiếp tục phát triển,” mục sư nói với AP. “Ngăn chặn những khu thờ phượng sẽ chỉ gia tăng thêm những mâu thuẫn.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/9/2018]



Con đường đến với Chúa sau ngày 11/9 của một cây bút CBS News

Con đường đến với Chúa sau ngày 11/9 của một cây bút CBS News

10 tháng Chín, 2018
Con đường đến với Chúa sau ngày 11/9 của một cây bút CBS News
© michaelfarnham


Tác giả và blogger Phó tế Greg Kandra tiết lộ tại sao ngày 11/9 đã dẫn thầy đến với chức phó tế

Ngày 11 tháng Chín, 2001, On Sept. 11, 2001, cây bút lâu năm của CBS News, Greg Kandra, đến văn phòng trên đường West 57th của thành phố New York, lướt qua những việc anh phải làm trong ngày hôm đó.

Ngay lúc đó, anh chú ý thấy các đồng nghiệp nhìn ra ngoài cửa sổ trên tầng 9 hướng về trung tâm Manhattan. Mọi người đều nhìn thấy khói bốc lên từ địa điểm đã xảy ra thảm họa kinh hoàng: hai máy bay đâm vào tòa Tháp Đôi. Những kế hoạch trong ngày nhanh chóng được gạt sang một bên.

Trong một cuộc phỏng vấn “Christopher Closeup”, Kandra kể lại, “Tôi được gọi sang ngay phòng tin tức, để viết những bản tường thuật đặc biệt cho Dan Rather trong suốt khoảng thời gian còn lại trong ngày. Và tôi xem đi xem lại nhiều lần tòa Tháp đôi sụp đổ trong suốt 12 hay 13 tiếng đồng hồ tiếp sau đó, để viết những bản tường thuật đặc biệt. Chúng tôi ở đó cho đến khoảng hơn 1 giờ sáng … rất căng thẳng và rất nghiêm trọng.”

Cho đến ngày đó thì Kandra là một người Công giáo vẫn giữ luật đi Lễ hàng tuần và vào những ngày quan trọng, nhưng không có chiều sâu đức tin thật sự. Điều đó bắt đầu thay đổi trong những ngày tiếp sau đó.

Ông nói, “Sống qua hậu quả của ngày 11/9, đặc biệt khi bạn ở New York và nhìn thấy những tàn tích liên tục nhắc nhở – những áp-phích bị mất … những lễ tang tưởng không bao giờ chấm dứt – tôi chợt nhận rằng mọi thứ mà tôi có, mọi điều mà tôi làm, mọi cái tôi đạt được, có thể biến mất trong một tíc tắc … Và tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về đức tin của tôi, một đức tin mà như anh nói, tôi là một kiểu người Công giáo giữ cho có lệ. Tôi đều đi Lễ mỗi Chúa nhật và thế thôi. Nhưng tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về đức tin của mình … Tôi cảm nhận rằng có một điều gì đó còn cần thiết hơn những gì tôi cần cho cuộc sống của mình. Như vầy là không đủ. Và điều đó đưa tôi bước vào hành trình.”

Hành trình này được khởi động khi Kandra bắt đầu đọc một quyển sách mà nhạc phụ của ông đã tặng cho ông vài năm trước đó: “The Seven Storey Mountain” (Ngọn núi 7 tầng) của Thomas Merton. Đó là một thông điệp “thúc một cú mạnh vào người tôi,” thầy nói, vì Merton cũng là một người New York đã trải qua một sự hoán cải tương tự, và cuối cùng trở thành một tu sĩ Dòng Xitô cải cách.

Là người đã lập gia đình nên thầy Kandra không thể trở thành một tu sĩ, nhưng thầy bắt đầu tham dự các đợt tĩnh tâm tại một tu viện Xitô ở Georgia, Tu viện Thánh Linh. Và trong một buổi tĩnh tâm thầy gặp một Phó tế giảng bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban nha, và tiếng Pháp. Kandra trước đây chưa từng gặp một Phó tế nào như vậy và bị cuốn hút bởi thừa tác vụ này trong Hội thánh. “Có một điều gì đó thúc giục trong tôi rằng đó là con đường tôi nên đi theo.” Và thầy đã đi theo con đường đó.

Dĩ nhiên, Kandra là Thầy Phó tế Greg Kandra, người viết blog nổi tiếng “The Deacon’s Bench” suốt nhiều năm, và bây giờ thầy có một quyển sách tựa đề “Daily Devotions for Advent 2018.” Thầy Phó tế Greg cũng là người thắng giải Christopher Award cho bộ phim tài liệu về anh em nhà Naudet về ngày 11/9 – và thầy đã đạt những giải thưởng cho nhà biên tập đa truyền thông cho Catholic Near East Welfare Association (CNEWA).

Thầy Phó tế Greg tin rằng kinh nghiệm trong công việc là người dẫn truyện trước đây giúp thầy làm thừa tác viên hiệu quả hơn cho Chúa. Thầy nói, “Đó là một trong những điều thực sự đánh động tôi: cơ hội được rao giảng, được dùng những gì tôi đã học được ở CBS và tất cả những kinh nghiệm trong nghề làm báo của tôi – cách kể truyện, cách chia sẻ kinh nghiệm – và đem nó vào đời sống tôn giáo … Điều đó luôn đọng lại trong tâm trí tôi khi tôi tham dự khóa đào tạo … Tôi nghĩ chính Đức Gioan Phaolo, người đã nói một điều mà tôi thường xuyên trích dẫn khi tôi giảng tĩnh tâm: rằng con người không còn bị thuyết phục nhiều bởi những lời dạy nữa. Họ bị thuyết phục bởi chứng tá … Họ muốn những người có thể làm chứng tá cho Tin mừng và chia sẻ kinh nghiệm riêng và làm cho nó sống động cho mọi người. Và thật sự đó là điều tôi nhìn thấy trong việc rao giảng của tôi và trong khi đi khắp đất nước để nói chuyện với mọi người. Đó là vấn đề kể truyện, nó là việc kể một câu chuyện thật sự thu hút người khác và chạm đến trái tim của họ.”

Thầy Phó tế Greg không những khơi gợi cảm hứng cho người khác qua những câu chuyện thầy chia sẻ, thầy cũng tìm thấy nguồn cảm hứng từ những câu chuyện thầy nghe thấy tại CNEWA. Thầy kết luận, “CNEWA là một tổ chức giáo hoàng thực hiện công tác nhân đạo và mục vụ ở Trung Đông, Cận Đông, Đông bắc Châu Phi, và nhiều vùng trong Ấn độ. Rất nhiều công việc chúng tôi hiện đang thực hiện cho người tị nạn và những người phải bỏ chạy và phải di tản vì chiến tranh, vì ISIS. Chúng tôi đã gặp rất nhiều người Ki-tô hữu bị bắt bớ và thật cảm động khi nghe những câu chuyện của họ và nghe những chứng tá đức tin của họ. Mình thật nhỏ bé khi nhìn thấy những gì họ đã phải trải qua nhưng đức tin của họ vẫn không lung lay. Nó quá vững chắc. Nó thật đẹp.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/9/2018]