Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

‘Để thay đổi thế giới, hãy cầu nguyện,” Đức Thánh Cha nói với thiếu niên

‘Để thay đổi thế giới, hãy cầu nguyện,” Đức Thánh Cha nói với thiếu niên

Đức Thánh Cha chuyện trò với các học sinh Lower Middle School (ND: gần giống Trung học Cơ sở) tham gia Trải nghiệm Giáo dục Ki-tô giáo “Chén Thánh” hay “Các Hiệp sĩ”
6 tháng Sáu, 2017
‘Để thay đổi thế giới, hãy cầu nguyện,” Đức Thánh Cha nói với thiếu niên
Để thay đổi thế giới, hãy cầu nguyện cho mọi người ...
Đức Thánh Cha đưa ra lời khuyên này khi gặp gỡ các học sinh lower middle school tham gia trải nghiệm giáo dục Ki-tô giáo “Chén Thánh” hoặc “Các Hiệp sĩ” giữa trưa ngày 2 tháng Sáu, 2017, trong Đại sảnh Phao-lô VI của Vatican.

“Các Hiệp sĩ của Thánh Stê-pha-nô” đi tìm Chén Thánh, khai sinh từ Phong trào Thánh Thể và Giải phóng. Cũng có các nhóm đến từ Tây ban nha, Bồ đào nha, Pháp và Thụy sĩ. Ngoài ra có những nhóm khác được kết nối bằng internet từ Paraguay và Brazil.

Trong buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha trả lời ba câu hỏi, và làm nổi bật việc cuộc sống chắc chắn sẽ thay đổi, vì nó là ‘một loạt những lời xin chào, và tạm biệt,’ nhưng điều đó cũng khơi nguồn cảm hứng để mọi người tiếp tục tiến bước, vì đó là con đường duy nhất để chúng ta nhìn thấy và tiến đến được chân trời.

Khi được hỏi về những đau đớn và thống khổ, Đức Thánh Cha lưu ý rằng có một số điều dường như không thể giải thích được, nhưng ngài động viên các em hãy “chạy đến với Đức Mẹ, Mẹ của chúng ta trên thiên đàng, hướng về Mẹ: Mẹ hiểu rõ những nỗi đau khổ, cũng như tất cả những người mẹ khác, và chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho sự thánh hóa.”

Dưới đây là những câu trả lời của Đức Thánh Cha cho các câu hỏi của thiếu nhi trong buổi gặp gỡ, do Văn phòng Báo chí Vatican cung cấp:


***
Marta:
Thưa Đức Thánh Cha Phanxico, con tên là Marta. Trong thời gian này con rất lo lắng vì con đang ở năm thứ ba của trường middle school [lớp 8], sang năm con sẽ không được gặp hầu hết các bạn bè thân nhất của con và con rất sợ phải chuyển từ trường middle school lên high school (tạm dịch: trung học phổ thông). Bây giờ con đang rất hạnh phúc với các bạn bè con đang có. Tại sao mọi việc cứ phải thay đổi? Con không thể và không muốn tưởng tượng ra cuộc sống của con và mọi thứ sẽ xảy ra cho con nếu không có những người bạn mà con yêu. Con phải làm gì?
ĐTC Phanxico:
Cảm ơn con, Marta. Để cha nói với con điều này. Cuộc sống là một chuỗi những lời “xin chào” và “tạm biệt.” Thường thì nó chỉ là những việc nhỏ nhặt, nhưng nhiều khi nó là lời “tạm biệt” rất lâu hay mãi mãi. Chúng ta lớn lên, gặp nhau và lại nói lời tạm biệt nhau. Nếu con không học cách nói lời tạm biệt, con sẽ không bao giờ biết cách gặp gỡ những người bạn mới. Những gì con nói ở đây là một thử thách, nó là sự thử thách của cuộc sống. Đúng vậy, các bạn bè của con sẽ không còn như cũ – có thể con sẽ gặp lại các bạn, con sẽ nói chuyện với các bạn … nhưng sẽ có những người bạn mới mà con phải gặp, và đó là thử thách. Và trong cuộc sống chúng ta phải làm quen với hành trình này: rời bỏ một cái gì đó và gặp gỡ những điều mới mẻ. Và đó cũng là một sự phiêu lưu. Có những người rất đáng sợ – con đã dùng cụm từ này, “Con sợ” – phải bước thêm một bước. Những ai cứ đứng im, quá yên bình ở một chỗ sẽ không phát triển. Khi một thiếu niên nam, một thiếu niên nữ, một người đàn ông, một người đàn bà nói rằng “đủ rồi” và – như cha xứ kể lại – “tìm sự thoải mái trên chiếc ghế trường kỷ,” người đó sẽ không phát triển. Người đó khóa chặt chân trời cuộc sống. Và ở đây cha dùng một cách nói khác … Hãy nhìn, hãy nhìn bức tường kia: có gì ở đàng sau bức tường? Nhưng chúng con có nhìn thấy gì ở sau bức tường không? Nói cho cha nghe, nói cho cha nghe … con, lại mi-crô đây …
Marta:
Con không biết …
ĐTC Phanxico:
Con không biết … Đó là tình trạng khi người ta không muốn phát triển: người ấy có một bức tường chắn ngang trước mắt, người ấy không biết có cái gì ở phía trước. Nhưng nếu con bước ra, về miền quê kia  – con hãy nghĩ xem – con sẽ nhìn thấy gì? Nơi đó không có bức tường nào, con sẽ nhìn thấy gì?
Marta:
Con nhìn thấy mọi thứ …
ĐTC Phanxico:
Mọi thứ. Con nhìn thấy chân trời. Chúng ta phải học cách nhìn vào cuộc sống, nhìn vào các chân trời, luôn luôn thêm nữa, luôn luôn thêm nữa, luôn tiến tới phía trước. Và đây là việc gặp gỡ những người bạn mới, tiếp xúc với những tình huống mới. Đừng quên những người bạn kia, đừng! Con sẽ luôn có một kỷ niệm đẹp, và thường khi chúng ta gặp lại những người bạn cũ, chúng ta lại “xin chào” với nhau … Nhưng chúng ta luôn luôn phải tiến bước trên hành trình, để phát triển. Con sử dụng từ “sợ” là đúng: “tôi sợ phát triển,” “Tôi sợ phải tiến lên phía trước,” … nhưng thay vì vậy hãy dùng cụm từ “thử thách”: Tôi có vượt lên thử thách không, hay tôi có để mình bị đánh bại bởi thử thách không? Con hiểu không? Hãy nhìn vào bức tường và suy nghĩ xem ở miền quê thì như thế nào, về chân trời. Và đây là sự lựa chọn con phải thực hiện. Con không thể nhìn thấy có gì ở phía sau bức tường; với chân trời, con tiến lên, và con đi càng xa … chân trời sẽ không bao giờ kết thúc! Và con phải phát triển lên ở phía chân trời. Cha không biết cha đã giải thích rõ không. Và cha nói điều này: hãy nhớ những người bạn có từ trước, con phải bỏ lại tất cả những người đó để đi theo một con đường khác. Hãy luôn nhớ những người bạn, thỉnh thoảng gọi điện thoại cho họ, hẹn gặp … Nhưng con hãy sống với những người bạn mới, và bước trên hành trình với những người bạn mới. Bằng cách này con sẽ phát triển. Nhưng con đã rất giỏi! Vì con không thể nói cho cha nghe có gì ở phía sau bức tường kia, và đây là điều rất tốt, vì con không thể nhìn thấy cái gì sau bức tường, nhưng con lại có thể nói cho cha nghe rằng khi con ở miền quê và nhìn về chân trời con có thể thấy mọi thứ. Chúc mừng con! Hãy cứ tiến bước nhé!
Marta:
Con cảm ơn cha.
Giulia:
Thưa Đức Thánh Cha Phanxico, con tên là Giulia và con xin hỏi cha chúng con là người trẻ tuổi có thể làm gì một cách cụ thể để thay đổi thế giới một chút, với tất cả mọi điều đang xảy ra …
ĐTC Phanxico:
Chúng ta có thể nghĩ đến cách gọi một bà tiên đến với một cây đũa thần và thay đổi thế giới. Việc này được không? Thế giới thay đổi như thế nào? Có thể thay đổi được thế giới không? Tất cả chúng con cùng trả lời, có thể không? [Thiếu nhi]: “Thưa có!” Thay đổi thế giới có dễ không?? [Thiếu nhi]: “Thưa không!” Thay đổi thế giới có khó không? [Thiếu nhi]: “Thưa có!” Nếu nó còn khó đối với những người đã trưởng thành, đối với những người có học thức, đối với những người có khả năng điều hành các quốc gia, chắc chắn nó phải vô cùng khó khăn đối với một thiếu nhi nam hoặc nữ, đúng không? Nó rất khó. Nhưng cha muốn hỏi chúng con một câu hỏi, tất cả chúng con: Chúng con, chúng con có thể thay đổi thế giới không? [Thiếu nhi]: “Thưa có thể…” Chúng con vẫn chưa chắc chắn lắm đúng không? Chúng con có thể hay không thể? [Thiếu nhi]: “Thưa có thể!” Tốt, tốt hơn rồi. Nhưng bằng cách nào? Với những điều xung quanh chúng con. Ví dụ, luôn luôn, khi cha gặp các thiếu nhi – chúng con thì hơi lớn hơn một chút, nhưng vẫn là thiếu nhi – cha hỏi câu này: nếu chúng con có hai cục kẹo, và một người bạn đến, chúng con làm gì? Hầu như mọi em đều trả lời, “Con sẽ cho bạn ấy một cục và con giữ lại một cục.” Một vài em không nói, nhưng suy nghĩ, “Con sẽ giữ cả hai cục trong túi và ăn sau khi bạn ấy đi khỏi.” Thái độ ban đầu là rất tốt: một cục cho bạn, một cục cho tôi. Thái độ sau là ích kỷ, là thái độ không tốt: mọi thứ dành hết cho tôi. Hãy nhìn vào bàn tay của chúng con. Tất cả chúng con, hãy nhìn vào bàn tay và làm động tác này. Động tác tốt: bàn tay của chúng con thế nào? Chúng ta hãy cùng nhau làm động tác đó: cầm lấy nó, đúng rồi … chúng ta hãy chia sẻ. Thái độ không tốt: bàn tay của chúng con thế nào? Nắm lại. Chúng ta cùng làm động tác này. Để thay đổi thế giới, chúng con có muốn bàn tay mình nắm chặt lại không? [Thiếu nhi]: “Thưa không!” Chúng ta chọn cách nào? Để cha xem … Đó! Đúng rồi, chúng ta chọn bàn tay rộng mở. Nhưng bàn tay là biểu tượng cho trái tim, chúng ta không thể làm điều này với trái tim ở đây, khó lắm … Nhưng nó là một biểu tượng của con tim: con tim rộng mở. Chúng con có thể bắt đầu thay đổi thế giới bằng một trái tim rộng mở. Bây giờ một câu hỏi khác cha vẫn luôn hỏi thiếu nhi. Và nếu chúng con chỉ có một viên kẹo, và một người bạn tới, con làm gì? Không dễ đâu nhé. Hầu hết trả lời, “Chia đôi!” Và việc này nó giống như vầy hay như vầy [ngài làm các động tác] chia đôi. Và một số thì nói, “Con bỏ vào túi và ăn sau.” Việc này, nó thế nào? Giống vầy hay như vầy? [ngài làm các động tác] Để xem … Thế giới sẽ được thay đổi bởi con tim rộng mở, lắng nghe người khác, chấp nhận người khác, chia sẽ mọi thứ. Và chúng con có thể làm tương tự như vậy. Nếu con con một người bạn, một nhóm bạn, một bạn cùng trường mà con không thích, người đó không tốt … Nếu chúng con đến với người khác và tung tin đồn thổi về người kia, nó thế nào, như vầy hay như vầy? [ngài làm các động tác]. Giỏi. Nhưng, nếu chúng con bỏ qua nó – “Nhưng, con không thích chuyện đó, con sẽ không nói gì” – nó thế nào? Tốt. Chúng con đã hiểu. Hãy thay đổi thế giới bằng những việc nho nhỏ mỗi ngày, bằng sự quảng đại, bằng sự chia sẻ, xây dựng nên những thái độ của tình anh em. Nếu có người xúc phạm mình và mình xúc phạm lại người đó, nó thế nào? Nhưng nếu có người xúc phạm mình và mình không trả lời, nó sẽ như thế nào? Chúng con hiểu chưa? Đừng bao giờ lấy cái ác đối lại với cái ác! [Thiếu nhi vỗ tay]. Đừng bao giờ. Bạn làm tôi tổn thương? Và Chúa Giê-su dây chúng ta như thế nào? Chúng con nghe nhé: cầu nguyện cho mọi người; cầu nguyện cho bạn bè của chúng con, và cầu nguyện cho cả những kẻ thù của chúng con, cho những người làm tổn thương chúng con. Và Chúa Giê-su nói: như “Cha ở trên trời … Đấng làm cho mặt trời mọc trên cả kẻ xấu và trên người tốt.” Đúng: hãy cầu nguyện cho mọi người. Lời cầu nguyện dành cho mọi người, và đừng ước mong điều xấu cho người khác. Bằng cách này chúng ta có thể thay đổi thế giới. Không có cây đũa thần nào, nhưng có những điều nhỏ bé mỗi ngày mà chúng ta phải học. Và cha đưa ra một đề nghị với chúng con. Trong một nhóm, trong khoảng nửa giờ, hãy nói về điều này. Những nhóm nhỏ, khi tất cả chúng con họp nhóm với nhau. Nếu người khác làm điều này cho mình, mình phải làm gì? Nếu mình phải đối mặt với lựa chọn này, mình phải làm gì? Nói về những điều giống như “thế này” và những điều giống như “thế kia” [ngài làm các động tác] với con tim. Cảm ơn con về câu hỏi.
Tanio:
Thưa Đức Thánh Cha Phanxico, con tên là Tanio, con sinh ở Bulgaria và ngay trong tháng đầu tiên của cuộc đời con đã bị cha mẹ bỏ vào một nhà mồ côi. Lúc 5 tuổi con được một gia đình người Ý nhận làm con nuôi. Tuy nhiên, sau một năm mẹ con qua đời. Từ đó con sống với cha và ông bà. Năm nay ông bà con cũng chết. Hội Hiệp sĩ là một món quà, một món quà lớn cho con: vì các bạn rất gần gũi với con và hỗ trợ con mọi lúc trong đời. Tuy nhiên, câu hỏi này đến với con: làm sao cha tin được rằng Thiên Chúa yêu thương cha, khi Ngài để cho cha mất những người thân hoặc để những điều xảy ra nhưng cha lại chẳng muốn?
ĐTC Phanxico:
Làm sao cha tin được rằng Thiên Chúa yêu thương cha, khi Ngài để cho cha mất những người thân hoặc để những điều xảy ra nhưng cha lại chẳng muốn? Chúng ta hãy suy nghĩ một chút, tất cả, với sự tưởng tượng của chúng con, về bất kỳ một bệnh viện nhi nào đó. Chúng ta nghĩ rằng làm sao Thiên Chúa yêu thương thiếu nhi mà lại để cho các em bị bệnh, để các em phải chết, rất thường xuyên? Hãy nghĩ đến câu hỏi này: tại sao trẻ em phải chịu đau khổ? Tại sao trên thế giới có các trẻ em chịu đựng nạn đói, trong khi có những nơi khác trên thế giới thì lại quá thừa thãi lãng phí? Tại sao? Chúng con biết không, có những câu hỏi – giống như câu mà con vừa hỏi – mà chúng ta không thể dùng từ ngữ để trả lời. Tanio, con đã hỏi câu này và không có từ ngữ để giải thích. Con sẽ chỉ tìm được một ít giải thích – không phải là “tại sao,” nhưng là “para que” [“vì mục đích gì”] – trong sự yêu thương của những người chăm sóc cho con và hỗ trợ con. Không có giải thích cho lý do tại sao những việc này xảy ra, nhưng có những người đồng hành với con. Cha nói chân tình với chúng con, và chúng con sẽ hiểu rõ điều này: khi cha, chính bản thân cha, hỏi trong lúc cầu nguyện, “tại sao trẻ em lại phải chịu đau khổ?” Cha thường làm như vậy khi cha đến các nhà thương nhi và cha rời đi – cha nói thật với chúng con – với trái tim không phải bị tan vỡ, nhưng rất đau đớn, Chúa không cho cha câu trả lời. Cha chỉ nhìn lên Chúa Giê-su chịu Đóng đinh. Nếu Thiên Chúa để người Con duy nhất của Người chịu đau khổ như vậy vì chúng ta, phải có một điều gì đó có ý nghĩa. Nhưng, Tanio con à, cha không thể giải thích ý nghĩa đó cho con. Tự con sẽ tìm được nó: trong suốt cuộc đời về sau, hoặc trong đời sau. Nhưng những lời giải thích, giống như cách chúng ta giải thích một định lý toán học hay một câu hỏi lịch sử, cha không thể có cho con, và cũng chẳng ai có thể. Trong cuộc sống có những – con hiểu rõ điều này! – trong cuộc sống có những câu hỏi và hoàn cảnh không thể giải thích được. Một trong những điều đó là những gì con đã trải nghiệm, sự đau khổ của con. Nhưng đàng sau điều này, luôn luôn có tình yêu của Thiên Chúa. “À, con giải thích nó như thế nào đây?” Không thể giải thích được. Cha không thể giải thích nó. Và nếu có ai đó nói, “Lại đây, lại đây, tôi sẽ giải thích cho bạn!” đừng tin người đó. Chỉ những người hỗ trợ con, những người đồng hành với con và giúp con phát triển, sẽ làm cho con cảm nhận được sự yêu thương của Thiên Chúa. Cảm ơn con đã hỏi câu này, vì điều rất quan trọng là chúng con, những thiếu niên nam nữ, ở tuổi này, phải bắt đầu hiểu những vấn đề này, vì nó sẽ giúp chúng con phát triển tốt lành và tiến bước. Cảm ơn con Tanio. Và lấy một chút của sự đau đớn trong câu hỏi cuối cùng, chúng ta hãy hướng về Mẹ của chúng ta, Mẹ ở trên thiên đàng, đến Mẹ của chúng ta: Mẹ hiểu được sự đau đớn, như tất cả mọi người mẹ, và chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho sự thánh hóa.
[Cầu nguyện cho sự thánh hóa]: “Lạy Chúa Giê-su, là Thiên Chúa và là Vua của lòng con …”

[Phép lành]

Và trước khi kết thúc, để có thể tiến bước trong đời và có một trái tim quảng đại, trái tim của chúng ta phải như thế nào? Với bàn tay …
Thiếu nhi:
Rộng mở!
ĐTC Phanxico:
Để đi lùi trở lại … Để đi lùi lại: chúng con đi lùi lại như thế nào? Với trái tim như thế nào?
Thiếu nhi:
Khóa chặt!
ĐTC Phanxico:
Khóa chặt. Và câu hỏi khác: có thể giải thích mọi hoàn cảnh trong cuộc sống không?
Thiếu nhi:
Thưa không!
ĐTC Phanxico:
Cha vẫn chưa hiểu, cha không thể nghe thấy …
Thiếu nhi:
Thưa không!
ĐTC Phanxico:
Rất giỏi. Chúng ta cứ tiếp tục tiến bước!

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 07/06/2017]



‘Chứng nhân Ki-tô là gì?’ ‘Là muối và ánh sáng,’ Đức Thánh Cha nói

‘Chứng nhân Ki-tô là gì?’ ‘Là muối và ánh sáng,’ Đức Thánh Cha nói

Tại nhà nguyện Thánh Marta, Đức Phanxico nói rằng Ki-tô hữu là ‘ánh dương’ khi họ tôn vinh Thiên Chúa bằng cuộc sống của họ
13 tháng Sáu, 2017
‘Chứng nhân Ki-tô là gì?’ ‘Là muối và ánh sáng,’ Đức Thánh Cha nói
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Làm sao để chúng ta chứng minh rằng chúng ta là người Ki-tô hữu? Bằng cách thể hiện chúng ta là muối và là ánh sáng …
Theo đài phát thanh Vatican, Đức Thánh Cha Phanxico đã nhấn mạnh điều này trong Thánh lễ sáng tại nhà nguyện Thánh Marta.
Lấy nguồn cảm hứng từ các bài đọc trong ngày, Đức Thánh Cha tập trung vào lời kêu gọi của Đức Ki-tô với mọi tín hữu hãy trở nên muối và ánh sáng trong và cho trần gian này.

Không có muối vô vị
“Đây là điều chứng minh cho một Ki-tô hữu: hãy tỏa sáng, hãy trở thành sự trợ giúp cho thấy rằng cả thông điệp và con người không bị hư nát – để bảo quản giống như công việc của muối làm; nhưng, nếu ánh sáng bị giấu đi, nếu muối trở nên vô vị, không còn sức mạnh – nếu nó nhạt đi – chứng tá sẽ trở nên yếu ớt.”
Việc loan báo Tin mừng, Đức Thánh Cha nói, là “dứt khoát,” ngài lưu ý không có “những bóng râm” trong cách nói “xin vâng” hoặc “không” với Tin mừng.
Ngài nói bất cứ một cám dỗ nào nhằm đưa ra một câu trả lời “mang sắc thái” đối với Tin mừng sẽ “dẫn bạn tìm đến sự an toàn giả tạo.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh, ba cụm từ “xin vâng,” “muối,” và “ánh sáng,” như được đề ra trong Thư thứ hai của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rinh-tô “cho thấy sức mạnh của Tin mừng dẫn đến việc làm chứng tá và tôn vinh Thiên Chúa.”
Đức Thánh Cha nói rõ trong tiếng “xin vâng” này, chúng ta tìm thấy “tất cả mọi lời của Thiên Chúa trong Đức Giê-su, mọi lời hứa của Thiên Chúa.”
Trong Chúa Giê-su, ngài tiếp tục, “mọi điều lời hứa được thực hiện trọn vẹn. Vì lý do này, Ngài là sự hoàn thiện.”

Đừng bao giờ nói ‘Không,’ luôn nói ‘Xin vâng
“Trong Đức Giê-su, không có chữ ‘không’; nhưng luôn là chữ ‘xin vâng,” để tôn vinh Chúa Cha. Nhưng chúng ta cũng phải chia sẻ chữ ‘xin vâng’ này với Chúa Giê-su, vì Người đã xức dầu cho chúng ta, Người đã đóng một dấu ấn trên chúng ta, đã cho chúng ta ‘gia tài an toàn’ của Thần Khí.
Thần Khí sẽ đưa chúng ta đến với chữ ‘xin vâng’ cuối cùng, và đến với sự trọn vẹn của chúng ta.
Ngài nhắc nhở, cùng Thần khí đó sẽ giúp chúng ta trở thành ánh sáng và muối, nghĩa là, chính Thần khí dẫn dắt chúng ta để làm chứng tá Ki-tô.”
“Mọi sự đều rất tốt,” Đức Thánh Cha nói, “và chứng tá Ki-tô đó” là “muối và ánh sáng.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ánh sáng có nghĩa là để soi sáng, “bất cứ ai cất giấu ánh sáng đi là không làm chứng tá.”
“Những người này có ánh sáng, nhưng không đưa nó ra, không làm cho nó soi sáng – và nếu họ không cho phép ánh sáng họ có được chiếu tỏa, họ không tôn vinh Chúa Cha trên trời.”
Bất kỳ điều gì ngoài hai chữ quyết định “xin vâng” và “không,” như Chúa đã dạy chúng ta, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “bất kỳ điều gì khác đều đến từ Ác Thần.”
Ngài nói thêm, tính quyết định “Thiên Chúa đã trao phó cho Giáo hội và tất cả chúng ta những người được rửa tội thái độ bảo đảm và làm chứng tá này.
“Bảo đảm trong sự trọn vẹn của lời hứa của Đức Ki-tô: trong Đức Ki-tô, mọi việc được hoàn tất.”
“Nếu chúng ta không chấp nhận tiếng ‘xin vâng’ trong Đức Giê-su Ki-tô,” Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “khi việc này xảy đến, chúng ta phải quyết định, hãy tràn đầy hy vọng và nói tiếng xin vâng.”

Hãy tự hỏi mình
Sau đó ngài kêu gọi những người hiện diện tự hỏi mình một chuỗi những câu hỏi: “Tôi có phải là ánh sáng cho tha nhân? Tôi có phải là muối cho tha nhân? – muối đó, gắn kết vào cuộc sống và bảo vệ nó không bị hư nát?”
“Tôi có bấu víu vào Đức Giê-su Ki-tô, Đấng luôn nói chữ ‘xin vâng’? Tôi có cảm thấy được xức dầu, được đóng ấn?”
“Làm sao tôi biết rằng tôi có sự bảo đảm sẽ được nên trọn vẹn trên thiên đàng, nhưng ít nhất bây giờ Thánh Thần ở cùng tôi như là ‘món đặt cọc.’”
Thường thường, Đức Thánh Cha nhận xét, “Khi một người tràn đầy ánh sáng, chúng ta nói rằng người đó là ‘người có thiên hướng tỏa sáng.’”
Lưu ý những gì chúng ta quan sát được còn hơn cả một ‘thiên hướng,’ Đức Phanxico nhấn mạnh: “Đây là sự phản chiếu của Chúa Cha trong Chúa Giê-su là Đấng mọi lời hứa được hoàn tất.”
Khi một người vinh danh Thiên Chúa bằng đời sống của mình, người Ki-tô hữu đó “như ánh dương,” ngài nhắc nhở: “Chúa Giê-su nói với các môn đệ, ánh sáng của anh em phải chiếu sáng trước mọi người, để họ có thể nhìn thấy những việc tốt lành của anh em mà vinh danh Chúa Cha của anh em trên trời. Đó là đời sống của người Ki-tô hữu.”
Đức Thánh Cha Phanxico kết luận, “Chúng ta hãy cầu xin ơn sủng biết “bám víu vào, biết cậy dựa vào sự trọn vẹn của những lời hứa của Đức Giê-su Ki-tô Đấng luôn nói lời ‘xin vâng,’ tuyệt đối ‘xin vâng,’ và đem sự trọn vẹn này cùng với muối và ánh sáng của chứng tá của anh chị em cho tha nhân để làm vinh danh Chúa Cha trên trời.”
Các thành viên của Hội đồng Hồng y, hay còn gọi là ‘C9’ cùng làm việc với Đức Thánh Cha để cải tổ Giáo triều, cũng tham dự Thánh lễ, khi các ngài đang có phiên họp thứ 20 ở Vatican tuần này, 12-14 tháng Sáu, 2017.

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 14/06/2017]