Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 26 tháng 9, 2021

Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 26 tháng 9, 2021

Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha Phanxicô


Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 26 tháng Chín, 2021

____________________________

 


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay thuật lại cuộc đối thoại ngắn giữa Chúa Giêsu và Thánh Tông đồ Gioan, người nói thay cho toàn thể nhóm các môn đệ. Họ nhìn thấy một người đang nhân danh Chúa để trừ quỷ, nhưng họ đã ngăn anh ta lại vì anh ta không thuộc nhóm của họ. Ở điểm này, Chúa Giêsu mời gọi họ đừng cản trở những người làm việc tốt, vì họ góp phần thực hiện chương trình của Thiên Chúa (xem Mc 9:38-41). Sau đó, Ngài khuyên họ: thay vì phân chia con người thành người tốt và người xấu, tất cả chúng ta được kêu gọi hãy cảnh giác với chính tâm hồn của mình, kẻo chúng ta chịu khuất phục trước sự dữ và mang đến gương mù gương xấu cho người khác (xem các câu 42-45, 47-48).

Tóm lại, những lời của Chúa Giêsu cho thấy một cám dỗ, và đưa ra một lời khuyên dạy. Sự cám dỗ đó là khép kín. Các môn đệ muốn cản trở một việc tốt lành chỉ vì nó được thực hiện bởi một người không thuộc nhóm của họ. Họ nghĩ rằng họ có “độc quyền đối với Chúa Giêsu”, và rằng họ là những người duy nhất được phép làm việc cho Nước Thiên Chúa. Nhưng theo cách này, kết cục họ sẽ cảm thấy bản thân họ được đặc ân và xem người khác là người ngoài, đến mức trở thành thù địch với những người đó. Thưa anh chị em, quả thật mọi sự khép kín có xu hướng làm cho chúng ta giữ khoảng cách với những người không nghĩ như chúng ta, và chúng ta biết điều này là căn nguyên của rất nhiều sự dữ trong lịch sử: chủ nghĩa chuyên chế thường tạo ra các chế độ độc tài, và có rất nhiều bạo lực đối với những người khác biệt.

Nhưng chúng ta cũng cần phải cảnh giác về việc khép kín trong Giáo hội. Bởi vì ma quỷ, kẻ gây chia rẽ – đây chính là nghĩa của chữ “ma quỷ”, kẻ gây chia rẽ – luôn lén lút tạo ra những nghi ngờ nhằm chia rẽ và loại trừ con người. Hắn cám dỗ bằng cách sử dụng mưu mô xảo quyệt, và nó có thể đã xảy ra như vậy với những người môn đệ kia, họ đã đi xa đến mức loại trừ ngay cả những người đã tự mình trừ quỷ! Đôi khi, chúng ta cũng vậy, thay vì trở thành những cộng đoàn khiêm tốn và rộng mở, thì lại tạo ra ấn tượng là “người đứng đầu lớp” và giữ khoảng cách với người khác; thay vì cố gắng cùng tiến bước với mọi người, chúng ta có thể phô trương “giấy phép tín hữu” của mình: “Tôi là một người tín hữu”, “Tôi là người Công giáo”, “Tôi thuộc hội đoàn này, hội đoàn kia”, thật tội nghiệp, những người khác thì không. Đây là một tội. Phô trương ra cái “giấy phép tín hữu” để phán xét và loại trừ. Chúng ta hãy cầu xin ơn để vượt qua được cám dỗ phán xét và phân loại, và xin Chúa gìn giữ chúng ta thoát khỏi tâm lý “làm tổ”, phòng vệ bản thân một cách ghen tuông trong một nhóm nhỏ gồm những người cho mình là tốt: linh mục với những người tín hữu trung thành của mình, các nhân viên mục vụ khép kín với nhau để không ai có thể xâm nhập, các phong trào và hội đoàn trong đặc sủng riêng của họ, v.v. Khép kín. Tất cả những điều này có nguy cơ biến các cộng đoàn Kitô giáo thành những nơi ngăn cách và không hiệp thông. Chúa Thánh Thần không muốn sự khép kín; Người muốn sự rộng mở và các cộng đồng chào đón, nơi có không gian cho tất cả mọi người.

Và sau đó trong Tin Mừng có lời khuyên dạy của Chúa Giêsu: thay vì phán xét mọi điều và mọi người, chúng ta phải thận trọng với chính bản thân chúng ta! Thật vậy, nguy cơ là trở nên cứng rắn với người khác nhưng lại buông thả với chính mình. Và Chúa Giêsu khuyến cáo chúng ta không được giao kết với sự dữ, với những hình ảnh xấu: “Nếu có thứ gì trong bạn khiến bạn phạm tội, hãy cắt bỏ nó đi!” (xem câu 43-48). Nếu điều gì đó làm hại bạn, hãy cắt bỏ nó! Ngài không nói, “Nếu điều gì đó là nguyên cớ gây gương xấu, hãy dừng lại, suy nghĩ về nó, cải thiện một chút…”. Không: “Cắt bỏ nó đi! Ngay lập tức!” Chúa Giêsu rất quyết liệt trong việc này, rất dứt khoát, nhưng vì lợi ích của chúng ta, giống như một bác sĩ giỏi. Mọi sự cắt bỏ, mọi sự gọt tỉa, là để chúng ta có thể phát triển tốt hơn và đơm hoa kết trái trong tình yêu thương.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi: có điều gì trong tôi đối nghịch lại với Tin mừng? Nói cách cụ thể, Chúa Giêsu muốn tôi cắt bỏ thứ gì khỏi cuộc sống của tôi?

Chúng ta cầu nguyện với Mẹ Maria Vô Nhiễm, xin Mẹ giúp chúng ta cởi mở chào đón tha nhân và thận trọng với chính bản thân mình.

________________________________________

Sau Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta kỷ niệm Ngày Thế giới Di dân và Người Tị nạn, năm nay có chủ đề: “Hướng tới một chúng ta ngày càng rộng lớn hơn”. Cần phải cùng nhau tiến bước, không mang định kiến và không sợ hãi, bên cạnh những người dễ bị tổn thương nhất: người di cư, người tị nạn, người di tản, những nạn nhân của nạn buôn người, và những người bị bỏ rơi. Chúng ta được kêu gọi xây dựng một thế giới ngày càng hòa nhập hơn, không loại trừ ai.

Tôi cùng hiệp thông với những anh chị em đang kỷ niệm Ngày này ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới; Tôi gửi lời chào các tín hữu tập trung tại Loreto theo sáng kiến của Hội đồng Giám mục Ý để trợ giúp người di cư và tị nạn. Tôi gửi lời chào và cảm ơn cộng đồng các sắc tộc khác nhau có mặt tại Quảng trường với những lá cờ của họ; và tôi chào các vị đại diện của dự án Caritas Ý “APRI”, cũng như Phòng Di dân của giáo phận Roma và Centro Astalli. Cảm ơn tất cả anh chị em vì những nỗ lực quảng đại của anh chị em!

Và trước khi rời Quảng trường, tôi mời anh chị em đến tượng đài đằng kia – chỗ Đức Hồng Y Czerny đang đứng – chiếc thuyền chở những người di cư, và nhìn kỹ cách biểu hiện của những người đó và hiểu được niềm hy vọng mà mọi người di cư có trong cách thể hiện đó, để bắt đầu sống lại. Anh chị em hãy qua đó và ngắm nhìn tượng đài đó. Đừng khép lại những cánh cửa hy vọng của họ.

Tôi xin bày tỏ sự gần gũi và tình liên đới với anh chị em đã bị ảnh hưởng bởi sự phun trào của núi lửa trên đảo La Palma, thuộc quần đảo Canaries. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ. Chúng ta cùng cầu xin với Đức Mẹ, Đấng được tôn kính trên đảo đó với tước hiệu Nuestra Señora de las Nieves, cho những người bị thử thách nặng nề, và cho những người cứu hộ.

Hôm nay, Cha Don Giovanni Fornasini, linh mục tử đạo, sẽ được tuyên phong chân phước. Là một linh mục quản xứ nhiệt thành trong việc bác ái, ngài đã không bỏ rơi đoàn chiên của mình trong thời kỳ bi thảm của Đệ nhị Thế chiến, nhưng ngài đã bảo vệ đoàn chiên đến mức đổ máu mình. Xin cho chứng tá anh dũng của ngài giúp chúng ta kiên cường đối mặt với những thử thách trong cuộc sống. Một tràng pháo tay cho vị tân Chân phước!

Và cha gửi lời chào tất cả anh chị em, người Rôma và anh chị em hành hương đến từ các quốc gia khác. Đặc biệt, cha xin chào phong trào giáo dân Opera Don Orione và đại diện của các bậc cha mẹ và thanh thiếu niên tham gia vào cuộc chiến chống ung thư.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật phúc lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/9/2021]


6 tháng sau chuyến thăm của Đức Giáo hoàng đến Mosul, một quả chuông ngân vang giờ hy vọng

6 tháng sau chuyến thăm của Đức Giáo hoàng đến Mosul, một quả chuông ngân vang giờ hy vọng

6 tháng sau chuyến thăm của Đức Giáo hoàng đến Mosul, một quả chuông ngân vang giờ hy vọng

Zaid AL-OBEIDI | AFP

I.Media for Aleteia

21/09/21


Trong phỏng vấn dưới đây, cha xứ Mar Thomas cho biết lý do tại sao quả chuông mới của giáo xứ là dấu hiệu của một khởi đầu mới.

Ngày 18 tháng Chín, tiếng chuông của giáo xứ Công giáo Syria Thánh Tôma ở Mosul, Iraq, đã vang lên lần đầu tiên kể từ năm 2014. Đó là một thời khắc mới của niềm hân hoan và hy vọng lớn cho tất cả người dân, sáu tháng sau chuyến thăm lịch sử của Đức Thánh Cha Phanxicô đến thành phố tử đạo.

Cha Pios Affas, Linh mục xứ đã nói chuyện với I.MEDIA về hoạt động của cộng đồng Kitô giáo nhỏ bé ngày nay đang làm việc để xây dựng lại những gì đã bị phá hủy.


Quả chuông mới của nhà thờ của cha đã được khánh thành cuối tuần này. Một thời khắc trọng đại cho cộng đoàn của cha!

Cha Pios: Đó là một buổi cử hành tuyệt vời, một khoảnh khắc hân hoan cho tất cả chúng tôi. Để anh hiểu được, tiếng chuông này là dấu hiệu của một sự khởi đầu mới. Daesh đã phá hủy mọi thứ, các công trình kiến trúc, bàn thờ, đập phá các tượng, đốt ảnh tượng thánh và sách của chúng tôi… Vì vậy, vào ngày 3 tháng Bảy năm 2018, khi trở lại, tôi bắt đầu sắp đặt lại mọi thứ trên nền móng cũ của chúng, để chỉnh trang, để nhà thờ của chúng tôi thực sự sẽ trở lại như trước đây. Ước mơ của chúng tôi là một ngày nào đó sẽ được nghe lại tiếng chuông của chúng tôi. Tất cả công việc trùng tu này được hỗ trợ bởi hiệp hội Fraternité en Irak — một tổ chức được thành lập cách đây 10 năm và đã làm được rất nhiều điều cho người Kitô giáo và người Yazidis. Nhờ họ mà chúng tôi đã có thể đặt làm chiếc chuông này ở Li Băng và mang nó về nhà của chúng tôi. Nó có giá 12.000 Mỹ kim.


Cảm xúc của cha thế nào khi tiếng chuông lần đầu tiên cất lên, vang khắp thành phố?

Cha Pios: Đó là một niềm vui trọng đại vì nó thực sự là một tín hiệu cho thấy sự hiện diện của người Kitô giáo, những người đã sống ở Mosul trong suốt 2.000 năm. Ở đây đã có người Kitô giáo từ rất lâu trước người Hồi giáo. Và họ bị lưu vong khỏi thành phố của họ. Sự trở lại của quả chuông cũng đem đến hy vọng về sự trở lại của những người Kitô hữu. Đây là quả chuông đầu tiên ngân vang trong thành phố. Bây giờ không có lý do gì mà các nhà thờ khác không được trùng tu. Tôi tin rằng chuyến thăm của Đức Giáo hoàng đã thúc đẩy mong muốn tái thiết này. Trong chuyến thăm mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng hứa sẽ xây dựng lại các nhà thờ (ND: Công giáo) và đền thờ (ND: Hồi giáo).

Hôm qua, trong bài chia sẻ ngắn mà tôi đã trình bày, tôi nói rằng thật là đẹp khi nghe thấy tiếng chuông nhà thờ và tiếng gọi cầu nguyện của người báo giờ cầu nguyện (ND: Hồi giáo); khi những lời cầu nguyện của hai cộng đồng hiệp nhất để thành tâm cầu xin Chúa phù hộ và gìn giữ cho người dân Mosul, người Kitô giáo và người Hồi giáo.


Cha có mời các nhà chức trách đến trong buổi lễ, đặc biệt là các nhà chức trách Hồi giáo?

Cha Pios: Vẫn chưa, vì tôi đang chờ hoàn thành dứt điểm tất cả các công việc trùng tu nhà thờ. Bây giờ chúng tôi đang làm để khôi phục lại sàn nhà thờ để gia cố nền móng và làm lại phần đá lát đã bị Daesh phá vỡ. Mọi sự lục soát cướp phá đều được thực hiện trên những tảng đá cuội này, chúng vẫn còn mang dấu ấn của bạo lực. Đó là một dự án rất lớn: Fraternity hỗ trợ chúng tôi chi trả một nửa ngân sách. Chúng tôi đang nói về chi phí 60.000 Mỹ kim, trong đó 30.000 Mỹ kim đã được chi trả bởi Fraternity ở Iraq. Về phần chúng tôi, chúng tôi kêu gọi kiều bào ở nước ngoài hỗ trợ dự án này.

Nói cụ thể, mặt đất phải được đào sâu xuống nửa mét. Một đợt trùng tu vào năm 1959 đã chôn lấp các chân cột. Sau đó sẽ cần phải đổ xi măng để gia cố, và cuối cùng là làm lại mặt đường bằng những viên đá lát cũ bằng đá cẩm thạch của Mosul — một loại đá cẩm thạch nổi tiếng và rất đẹp! — chúng tôi đã thật cẩn thận gỡ lên và chúng tôi sẽ trải lát chúng trở lại. Nó vừa là một công trình nghệ thuật vừa là khảo cổ.


Sáu tháng sau, chuyến thăm của Đức Thánh Cha có còn là một thời khắc quan trọng đối với giáo xứ của cha không?

Cha Pios: Tôi nghĩ rằng chuyến thăm trên hết là một tín hiệu cho những người Hồi giáo trong thành phố, những người phải thật sự sẵn sàng đón nhận và chào đón người Kitô giáo theo đúng phẩm giá. Chúng ta phải hợp nhất để sửa chữa lại mọi thứ đã bị phá hủy bởi Daesh. Ước mong họ mở rộng vòng tay chào đón các Kitô hữu để chúng tôi có thể trở lại thời kỳ của tình huynh đệ và cộng tác, để bắt đầu cùng nhau xây dựng lại thành phố rất lâu đời và rất quan trọng này.


Chuyến thăm của Đức Thánh Cha có tác động gì?

Cha Pios: Ngài đã giúp đánh động mọi thứ. Tôi phải thừa nhận rằng trong chuyến thăm của ngài đến Mosul, tôi đã vô cùng mong được nhìn thấy ngài đến nhà của chúng tôi ở Mar Thomas. Ngài đã chọn đi đến những đống đổ nát của các nhà thờ bị phá hủy, như chúng ta đã thấy. Nhưng ở đây ngài có thể nhìn thấy một nhà thờ đã mở cửa, nơi Thánh Lễ đã được cử hành trở lại trong suốt gần hai năm. Đó sẽ là một tín hiệu quan trọng, một dấu hiệu của hy vọng nhìn thấy thành phố được xây dựng lại và người Kitô hữu định cư trở lại một lần nữa. Tôi đã bù đắp bằng một bức ảnh giáo hoàng thật lớn đặt trong nhà thờ để tưởng nhớ chuyến thăm mang tính biểu tượng này đến Mosul. Cuối cùng, việc đặt chân đến Mosul, đến thăm các khu đổ nát là rất quan trọng. Đức giáo hoàng đã rất xúc động, ngài đã khóc, ngài đã có một bài chia sẻ tuyệt vời và rất quan trọng đối với người nghe là Hồi giáo cũng như Kitô giáo có mặt.


Ngày nay, chúng ta đang ở đâu với sự trở lại của người Kitô hữu? Giáo xứ của cha có bao nhiêu người?

Cha Pios: Hôm nay hầu như không có ai ở đây, chỉ có 30 gia đình đã trở về. Chắc chắn, có những người đến để khánh thành chuông, nhưng ngày nay họ sống ở Kurdistan. Chúng tôi đã tổ chức chuyến đi cho họ; họ rất vui. Chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ mang lại cho họ hy vọng và sự can đảm để trở lại một ngày nào đó. Trước đây có ít nhất 300 gia đình Kitô giáo. Số lượng của họ bắt đầu giảm trước thời Daesh, từ năm 2000, với một cuộc nhập cư đầu tiên từ Mosul đến các làng mạc xung quanh, sau đó đến Kurdistan hoặc ra nước ngoài.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/9/2021]