Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 21 tháng Hai, 2021



Anh chị em thân mến, buongiorno!

Thứ Tư vừa qua, với nghi thức xức tro, chúng ta đã bắt đầu hành trình Mùa Chay của mình. Hôm nay, Chúa nhật đầu tiên của mùa phụng vụ này, Lời Chúa chỉ cho chúng ta con đường để sống hiệu quả trong bốn mươi ngày dẫn đến Lễ Phục sinh hàng năm. Đó là con đường Chúa Giêsu đã đi, mà Phúc Âm, với phong cách riêng của Thánh Máccô, tóm lược bằng cách kể rằng trước khi bắt đầu rao giảng, Ngài lui vào sa mạc trong bốn mươi ngày, nơi Ngài bị Satan cám dỗ (xem 1: 12-15). Thánh sử nhấn mạnh rằng “Thần Khí liền đẩy người vào hoang địa” (câu 12). Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Ngài ngay sau khi Ngài lãnh nhận phép Rửa của Gioan ở sông Giođan; cùng một Thần Khí đó giờ đây thúc giục Ngài đi vào sa mạc, đối mặt với Kẻ Cám dỗ, chiến đấu với ma quỷ. Toàn bộ đời sống của Chúa Giêsu được đặt dưới dấu chỉ của Thần Khí của Chúa, Đấng làm sống động, truyền cảm hứng và hướng dẫn Ngài.

Nhưng chúng ta hãy nghĩ về sa mạc. Chúng ta hãy dừng một lát trên môi trường tự nhiên và có tính tượng trưng này, rất quan trọng trong Kinh Thánh. Sa mạc là nơi Chúa nói với tâm hồn con người, và là nơi lời cầu nguyện là câu trả lời, nghĩa là sa mạc của sự cô độc, tâm hồn tách rời khỏi những thứ khác, và chỉ trong tình trạng như vậy thì sự cô độc mở lòng ra với Lời Chúa. Nhưng nó cũng là nơi của thử thách và cám dỗ, nơi Kẻ Cám dỗ, lợi dụng sự mỏng giòn và thiếu thốn của con người, lén lút lồng ghép tiếng nói dối trá của hắn vào, như là một sự thay thế cho tiếng nói của Chúa, một tiếng nói thay thế khiến anh chị em nhìn thấy một con đường khác, một con đường lừa bịp khác. Kẻ Cám dỗ quyến rũ. Thật vậy, trong suốt bốn mươi ngày Chúa Giêsu trải qua trong sa mạc, “trận đấu tay đôi” giữa Chúa Giêsu và quỷ bắt đầu, và nó kết thúc bằng cuộc Thương khó trên Thập giá. Toàn bộ sứ vụ của Chúa Kitô là một trận chiến chống lại Ác Thần qua nhiều cách thể hiện: chữa lành bệnh tật, giải phóng những người bị quỷ ám, tha thứ tội. Nó là một cuộc chiến đấu. Sau giai đoạn đầu tiên trong đó Chúa Giêsu cho thấy rằng Ngài nói và hành động bằng quyền năng của Thiên Chúa, dường như quỷ nắm tay trên, khi Con Thiên Chúa bị chối bỏ, bị bỏ rơi và cuối cùng bị bắt và bị kết án tử. Có vẻ như Ngài đã chiến thắng ma quỷ. Dường như Ngài là người chiến thắng. Trong thực tế, cái chết là “sa mạc” cuối cùng phải vượt qua để cuối cùng đánh bại Satan và giải thoát tất cả chúng ta khỏi quyền lực của nó. Và bằng cách này Chúa Giêsu đã chiến thắng sa mạc sự chết, để chiến thắng trong cuộc Phục sinh.

Hằng năm, vào đầu Mùa Chay, Tin Mừng kể về những cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc nhắc nhở chúng ta rằng đời sống của người Kitô hữu, theo bước chân của Chúa, là một trận chiến chống lại ma quỷ. Tin mừng cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu sẵn sàng đối mặt với Kẻ Cám dỗ, và đánh bại hắn; đồng thời nó nhắc nhở chúng ta rằng ma quỷ cũng được cơ hội hành động với chúng ta, với những cám dỗ của hắn. Chúng ta phải nhận thức về sự có mặt của kẻ thù rất quỷ quyệt này, kẻ tìm kiếm sự kết án đời đời của chúng ta, tìm kiếm thất bại của chúng ta, và chúng ta phải chuẩn bị để bảo vệ mình chống lại hắn và để chiến đấu với hắn. Với niềm tin, cầu nguyện và sám hối, ơn Chúa bảo đảm cho chúng ta chiến thắng kẻ thù. Nhưng cha muốn nhấn mạnh một điều: trong những lần cám dỗ, Chúa Giêsu không bao giờ đối thoại với quỷ, không bao giờ. Trong cuộc sống Chúa Giêsu không bao giờ có sự đối thoại với quỷ, không bao giờ. Hoặc là Ngài trục xuất chúng ra khỏi người bị ám hoặc Ngài kết án hắn, hoặc Ngài chỉ ra sự hiểm độc của hắn, nhưng không bao giờ đối thoại. Và trong sa mạc dường như có một cuộc đối thoại vì quỷ ba lần đưa ra các đề nghị và Chúa Giêsu đã đáp trả. Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại bằng lời của Ngài. Ngài trả lời bằng Lời của Chúa, với ba trích đoạn Sách Thánh. Và điều này, với tất cả chúng ta, khi tên cám dỗ tiến tới, hắn bắt đầu quyến rũ chúng ta: “Nhưng hãy nghĩ về điều này, hãy làm việc đó …”, và bắt đầu đối thoại. Nếu chúng ta bằng lòng đối thoại với ma quỷ chúng ta sẽ bị đánh bại. Hãy ghi nhớ điều này trong trí lòng anh chị em: anh chị em đừng bao giờ đối thoại với ma quỷ, chẳng có cuộc đối thoại nào có kết quả. Chỉ có Lời Chúa.

Trong Mùa Chay, Chúa Thánh Thần cũng thúc đẩy chúng ta vào trong sa mạc, như Chúa Giêsu. Nó không phải là một nơi thuộc vật chất như chúng ta đã thấy, nhưng hơn thế nó là một chiều kích của cuộc sống trong đó chúng ta có thể thinh lặng và lắng nghe Lời Chúa, “để sự hoán cải thực sự có hiệu quả trong chúng ta” (Collect, First Sunday of Lent, B, dịch từ tiếng Ý). Đừng sợ sa mạc, hãy tìm kiếm thêm nhiều thời gian cầu nguyện, thời gian thinh lặng, để đi vào tâm hồn chúng ta. Đừng sợ. Chúng ta được kêu gọi để noi theo những bước chân của Chúa, làm mới lại những lời hứa Rửa Tội của chúng ta: từ bỏ Satan, và tất cả những việc làm và những lời hứa trống rỗng của nó. Kẻ thù đang rình rập ở ngoài kia, hãy ý thức điều đó. Nhưng đừng bao giờ đối thoại với nó. Chúng ta hãy phó thác cho sự chuyển cầu hiền mẫu của Mẹ Maria Đồng Trinh.

____________________________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Cha gửi lời chào nồng hậu đến tất cả anh chị em, người dân Roma và khách hành hương. Đặc biệt, cha chào các tín hữu Ba Lan đang đứng ở hàng đầu. Hôm nay suy nghĩ của cha hướng về Đền thờ Płock ở Ba Lan, nơi chín mươi năm trước Chúa Giêsu đã mặc khải chính Ngài cho Thánh Faustina Kowalska, trao phó cho thánh nữ một thông điệp đặc biệt về lòng thương xót của Chúa. Qua Thánh Gioan Phaolô II thông điệp này đã tiến đến toàn thế giới, và đó chính là Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại, và Đấng ban tặng cho chúng ta lòng thương xót của Chúa Cha. Chúng ta hãy mở rộng cõi lòng, nói lên với niềm tin, “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa.”

Cha chào các bạn trẻ và anh chị em thuộc nhóm Talitha Kum của giáo xứ San Giovanni dei Fiorentini ở Roma. Cảm ơn sự có mặt của anh chị em, và hãy tiếp tục những công việc tốt lành của anh chị em với niềm vui.

Và cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật đẹp, thật đẹp, trong ánh nắng mặt trời, và một Chúa nhật hạnh phúc!

Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/2/2021]


Đức Thánh Cha đến thăm nữ văn sĩ Edith Bruck, người sống sót của trại tập trung Auschwitz

Đức Thánh Cha đến thăm nữ văn sĩ Edith Bruck, người sống sót của trại tập trung Auschwitz

Đức Thánh Cha đến thăm nữ văn sĩ Edith Bruck, người sống sót của trại tập trung Auschwitz

© Vatican Media

I.Media for Aleteia

20/02/21

Đức Thánh Cha đến thăm nữ thi sĩ người Hungary tại nhà của bà ở Roma.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã có chuyến thăm bất ngờ bà Edith Bruck, nhà văn 88 tuổi và là người sống sót sau thảm họa Holocaust, tại nhà riêng của bà ở Roma, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết vào ngày 20 tháng Hai. Tiểu thuyết gia người Do Thái, gốc Hungary, đã sống ở Ý từ giữa những năm 1950.

Cuộc trò chuyện giữa Đức Giáo hoàng và nhà trí thức kéo dài khoảng một giờ đồng hồ, và là dịp để nhà văn làm chứng về “kinh nghiệm địa ngục trong các trại tập trung của Đức Quốc xã”, nơi bà bị chuyển đến trong thời thơ ấu. Phần lớn những người trong gia đình của bà đã bỏ mạng trong các trại tập trung — mẹ của bà ở Auschwitz, cha của bà ở Dachau.

Bà cũng nói chuyện với Đức Giáo hoàng về “những nỗi sợ hãi và hy vọng trong thời gian hiện tại.”

Cả hai người đều nhấn mạnh đến “giá trị của sự ghi nhớ và vai trò của người già trong việc nuôi dưỡng nó và truyền nó cho người trẻ”.

Bà Edith Bruck, cũng như Đức Giám mục Vincenzo Paglia, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Sự sống, là thành viên của ủy ban chính phủ do Bộ trưởng Bộ Y tế Ý thành lập để phản ánh về số phận của người già.

Đức Thánh Cha đến thăm nữ văn sĩ Edith Bruck, người sống sót của trại tập trung Auschwitz© Vatican Media

Đức Thánh Cha đến thăm nữ văn sĩ Edith Bruck, người sống sót của trại tập trung Auschwitz© Vatican Media


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/2/2021]