Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

Tòa án Việt nam kết án blogger Công giáo 10 năm tù

Tòa án Việt nam kết án blogger Công giáo 10 năm tù

Tòa án Việt nam kết án blogger Công giáo 10 năm tù
Blogger nổi tiếng người Việt nam Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (trái), bị kết án 10 năm tù. - AP
30/06/2017 11:15
Một tòa án Việt nam đã kết án blogger Công giáo nổi tiếng 10 năm tù vì xuyên tạc những chính sách của nhà nước và nói xấu chế độ Cộng sản trong những bài đăng trên Facebook và trong các buổi phỏng vấn với truyền thông nước ngoài. Maria Ma-đa-lê-na Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, còn được gọi là “Mẹ Nấm,” bị tuyên án hôm thứ Năm tại Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh hòa ở thành phố Nha trang, luật sư riêng của chị là Võ An Đôn nói. Bản án của chị liên quan đến 18 bài đăng trên trang Facebook và những cuộc phỏng vấn với truyền thông nước ngoài chẳng hạn đài phát thanh Hoa kỳ và đài phát thanh Á Châu Tự do, ông Đôn nói.
Chị Quỳnh, 37 tuổi, cùng thành lập một mạng lưới các blogger và rất nổi tiếng ở Việt nam. Chị viết về nhân quyền, những cái chết của người dân trong đồn công an và việc thải những loại hóa chất độc hại của một nhà máy của Đài loan giết chết hàng ngàn con cá trong một trong các thảm họa môi trường xấu nhất của Việt nam.
Chị Quỳnh, người mẹ đơn thân của hai đứa con nhỏ, bảo vệ sự vô tội của chị trong suốt phiên tòa, luật sư của chị nói. Ông Đôn nói, “Chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh không thừa nhận chị phạm bất kỳ một tội nào, chị nói rằng chị có quyền tự do bày tỏ.” Ông Đôn nói bản án “quá nặng nề và bất công” và rằng chị Quỳnh dự định sẽ kháng cáo.
Sự kết án đối với chị Quỳnh nhận một chỉ trích nghiêm khắc từ Hoa kỳ, nói rằng “quan tâm sâu sắc” đến bản kết án đối với chị và của những người phản đối ôn hòa khác trong năm qua. Luật sư người  Công giáo Lê Công Định bày tỏ ngạc nhiên “với bản án 10 năm cho thấy tính thiếu nhân đạo của chính phủ đối với một người mẹ đơn thân.” “Tôi không biết nhà cầm quyền đang lo ngại điều gì,” ông nói.
Những nguồn tin cho biết phiên tòa xét xử chị đầy những khác thường. Chỉ ba trong số năm luật sư do chị Quỳnh yêu cầu có mặt tại phiên tòa. Các luật sư của chị yêu cầu hoãn phiên tòa nhưng các thẩm phán từ chối yêu cầu đó. Một luật sư bị từ chối không được gặp chị Quỳnh trước phiên tòa. Những nguồn tin nói rằng các thẩm phán không lắng nghe những tranh luận của các luật sư và chuyển xuống một bản án đã được sắp xếp.
Mẹ của chị Quỳnh, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, không được phép vào phòng xử án và phải theo dõi phiên tòa qua một màn hình trong một căn phòng gần đó. Bà viết trên Facebook rằng bản án nặng nề đó nhắm trả thù chống lại con gái của bà là người cố gắng nói lên sự thật. Bà Lan nói rằng hai con nhỏ của chị Quỳnh chỉ được gặp chị 5 phút trước phiên tòa kể từ khi chị bị bắt ngày 10 tháng Mười năm 2016, khi đến nhà giam thăm một nhà hoạt động chung.
“Mỗi con người chỉ có một cuộc đời. Nhưng nếu được làm lại lần thứ hai, tôi sẽ vẫn làm như như vậy,” chị Quỳnh nói trong tòa. “Tôi tin là mẹ tôi và các con của tôi không cảm thấy tiếc cho tôi nhưng là tự hào vì tôi.” “Tôi muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp. Con người chỉ có thể hạnh phúc và tự do khi họ được hưởng sự tự do ngôn luận và bày tỏ,” chị Quỳnh nói. “Tôi hy vọng người ta sẽ tiếp tục đấu tranh và vượt qua được nỗi sợ hãi của họ để xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn.”
Các nhóm nhân quyền quốc tế gồm Human Rights Watch (Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Amnesty International và Sweden-based Civil Rights Defenders (Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền trụ sở tại Thụy điển) đã kêu gọi thả chị ngay lập tức. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, được biết có khoảng 110 tù nhân chính trị ở Việt nam.
Hoạt động của chị Quỳnh được nước ngoài biết đến. Bộ Ngoại giao Hoa kỳ đã tôn vinh chị vắng mặt hồi tháng Ba với giải thưởng Người Phụ nữ Quốc tế Can trường (International Women of Courage Award). Sau đó chị bị quản thúc vì nhận quỹ tài chính từ một nhà hoạt động ở California. Năm 2015, chị Quỳnh được tặng giải thưởng Người Bảo vệ Nhân quyền của Năm bởi nhóm nhân quyền Thụy điển.

[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 01/07/2017]



Đức Thánh Cha Phanxico: ‘Lao động là một hình thức của tình yêu cộng đồng’

Đức Thánh Cha Phanxico: ‘Lao động là một hình thức của tình yêu cộng đồng’

Đức Thánh Cha tiếp Liên hiệp các Công đoàn lớn thứ hai của Ý (CISL) trước Buổi Tiếp Kiến chung
28 tháng Sáu, 2017
Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay, 28 tháng Sáu, 2017 trước phái đoàn thuộc Liên hiệp các Công đoàn của Ý (CISL) trong Vatican sáng nay, trước Buổi Tiếp Kiến chung trong Quảng trường Thánh Phê-rô, nhân dịp Đại hội Toàn quốc lần thứ 18 với chủ đề: “Vì con người, vì công việc” (28 tháng Sáu – 1 tháng Bảy, 2017).
Theo website của Liên hiệp này, CISL là Liên hiệp các Công đoàn lớn thứ hai của Ý. Liên hiệp này gồm 19 liên đoàn các lĩnh vực chính trong nước: chẳng hạn công nhân các ngành kim loại, công nhân hóa chất, tơ sợi, nhân viên dân sự, nhân viên phục vụ, nhân viên nông nghiệp v.v.. và 9 ngành khác (như chúng ta gọi là liên đoàn phụ), và các ngành được trả lương, nhân viên văn phòng và công nhân phân xưởng sản xuất, qua các công đoàn nhánh hoặc cơ sở.
Dưới đây là bản dịch của Zenit diễn từ của Đức Thánh Cha:
* * *
Diễn từ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, tôi xin chào mừng anh chị em nhân dịp Đại hội, và tôi cảm ơn bà Tổng Thư Ký với bài trình bày của bà. Bà đã chọn một khẩu hiệu rất đẹp cho Đại hội: Vì con người, vì lao động.”
Con người và công việc là hai cụm từ có thể và phải luôn luôn đi cùng nhau, vì nếu chúng ta suy nghĩ và nói về công việc mà không có con người, rút cục công việc sẽ là một điều gì đó phi nhân, điều mà vì quên con người sẽ quên cả chính bản thân nó và biến mất. Tuy nhiên, nếu chúng ta nghĩ đến con người mà không có việc làm là chúng ta nói về một phần của điều gì đó, không trọn vẹn, vì một con người trở nên trọn vẹn khi người đó trở thành một người lao động, vì một cá nhân trở nên một con người khi người đó mở rộng ra với mọi người, với đời sống xã hội, khi người đó phát triển hoàn toàn trong công việc. Một con người phát triển hoàn toàn trong công việc. Việc làm là một hình thức cộng tác phổ thông nhất mà nhân loại đã tạo ra trong lịch sử của mình. Mỗi ngày hàng triệu người cộng tác với nhau đơn giản qua công việc: giáo dục trẻ em, khởi động những cỗ máy kỹ thuật, sắp xếp hồ sơ văn thư trong văn phòng một cách khoa học … Việc làm là một tình yêu cộng đồng: nó không phải là một tình yêu lãng mạn hay luôn luôn có điều kiện, nhưng nó là một tình yêu thật sự và chân thực, nó làm chúng ta sống và đưa thế giới phát triển.
Quả thật, con người không chỉ biết đến công việc … Chúng ta cũng phải nghĩ đến văn hóa giải trí lành mạnh, đến khả năng được nghỉ ngơi. Đây không phải là sự lười biếng; nó là một nhu cầu của con người. Khi tôi hỏi một người đàn ông hay phụ nữ có hai ba con: “Nhưng cho tôi biết xem, anh/chị có chơi đùa với con của anh chị không? Anh chị có sự ‘giải trí’ này không?” “Ôi, cha biết đấy, lúc con đi làm thì chúng nó vẫn còn ngủ, và khi con về thì chúng đã đi ngủ mất rồi.” Việc này là phi nhân văn. Vì thế, cùng với công việc luôn luôn phải có loại văn hóa khác, vì một con người không phải chỉ là công việc, vì chúng ta không lao động liên tục không ngừng, và cũng không được lao động liên tục không ngừng. Khi còn bé chúng ta không lao động và chúng ta không nên lao động. Chúng ta không lao động khi chúng ta ốm; chúng ta không lao động khi chúng ta già. Có rất nhiều lý để chúng ta không lao động, hoặc chúng ta không bao giờ làm việc nữa. Tất cả những điều này đều là sự thật và chúng ta đều biết, nhưng hôm nay phải được nhắc lại, khi mà vẫn còn quá nhiều trẻ em và người trẻ trên thế giới phải lao động và không được đi học, trong khi việc học là “công việc” tốt lành duy nhất cho trẻ em và người trẻ. Rồi quyền hưởng lương hưu xứng đáng không phải luôn luôn được công nhận hoặc không được công nhận cho tất cả – chỉ vì một người không thể quà giàu hay quá nghèo: “lương hưu vàng” là một sự vi phạm đối với công việc cũng không kém tồi tệ hơn lương hưu quá nghèo, vì chúng quá bình thường đến mức những sự bất bình đẳng về thời gian làm việc trở thành vĩnh viễn. Hoặc khi một công nhân bị bệnh và cũng bị từ chối trở lại thế giới lao động nhân danh sự hiệu quả công việc — nếu một người bệnh vẫn có thể làm việc trong những giới hạn của người đó, công việc khi đó thực hiện chức năng trị bệnh: đôi khi người ta được chữa lành khi làm việc với người khác, cùng với những người khác, cho người khác.
Đây là một kiểu xã hội kiêu căng và thiển cận khi bắt người lớn tuổi phải làm việc quá dài và buộc cả một thế hệ trẻ không được làm việc khi họ đáng lẽ phải được làm việc cho bản thân và cho tất cả. Khi người trẻ bị đẩy ra ngoài thế giới lao động, các công ty thiếu năng lượng, sự nhiệt huyết, sự đổi mới, niềm vui của cuộc sống, đó là những thiện ích chung quý giá làm cho đời sống kinh tế và sự hạnh phúc cộng đồng tốt hơn. Vì thế việc đòi hỏi cấp bách là một khế ước xã hội con người mới, một khế ước xã hội mới cho công việc, nhằm giảm bớt giờ làm việc cho những người đang trong chặng cuối của tuổi lao động, để tạo ra việc làm cho giới trẻ là những người có quyền được làm việc. Món quà việc làm là món quà đầu tiên của những người cha người mẹ dành cho các con; nó là tài sản kế thừa đầu tiên của xã hội. Nó là món của hồi môn đầu tiên qua đó chúng ta giúp họ cất cánh trên chuyến bay tự do của họ đến đời sống người trưởng thành.
Tôi muốn nhấn mạnh đến hai thách đố quan trọng mà ngày nay phong trào lao động phải giải quyết và vượt qua, nếu nó muốn thực hiện vai trò quan trọng của mình cho thiện ích chung.
Đầu tiên là tính tiên tri, và nó phải được thực hiện theo đúng bản chất của công đoàn lao động  sứ vụ đúng nhất của nó. Công đoàn là cách thể hiện của hình bóng tiên tri cho xã hội. Công đoàn được sinh ra và tái sinh mỗi lần, cũng như các ngôn sứ trong kinh thánh, nó lên tiếng nói cho những người không có tiếng nói, nó tố giác trước sự thật rằng người nghèo “được bán với giá của một đôi giày” (x. Am 2:6), vạch mặt những kẻ quyền thế dẫm đạp lên quyền lợi của những người lao động cô thế nhất, bảo vệ cho người lạ, cho người thấp kém nhất, cho người “bị khước từ.” Theo truyền thống tốt đẹp của CISL đã thể hiện, phong trào lao động có những thời gian hoạt động tuyệt vời khi nó làm ngôn sứ. Tuy nhiên, trong những xã hội tiến bộ, tư bản của chúng ta, công đoàn có nguy cơ đánh mất bản chất ngôn sứ của nó và trở nên giống như các tổ chức và giới quyền thế mà đáng lẽ chính nó phải chỉ trích. Với thời gian, công đoàn rút cục trở nên giống chính trị, hay hơn nữa giống các đảng phái chính trị, với ngôn ngữ của nó, phong cách của nó. Và nếu chiều kích đặc thù và khác biệt này bị thiếu, hoạt động bên trong các công ty cũng đánh mất sức mạnh và tính hiệu quả của nó. Đây là tính ngôn sứ.
Thách đố thứ hai: sự đổi mới. Các ngôn sứ là người canh gác đứng gác từ trạm canh của mình. Một công đoàn lao động cũng phải theo dõi trên những bức tường của phạm vi công việc, vì một người canh gác trông chừng và bảo vệ những người bên trong phạm vi công việc, nhưng cũng trông chừng và bảo vệ những người bên ngoài các bức tường. Công đoàn không thực hiện chức năng đặc biệt đổi mới xã hội của nó nếu nó chỉ trông chừng những người ở bên trong, nếu nó chỉ bảo vệ quyền của những người đang làm việc hoặc đã về hưu. Đây là điều phải làm, nhưng nó mới chỉ là một nửa của công việc của các bạn. Ơn gọi của các bạn cũng gồm có trong việc bảo vệ những người vẫn chưa có quyền, những người bị loại trừ khỏi công việc, những người cũng bị loại trừ khỏi mọi quyền lợi và quyền dân chủ.
Chủ nghĩa tư bản trong thời đại chúng ta không hiểu được giá trị của công đoàn, vì nó đã quên đặc tính xã hội của nền kinh tế, của công ty. Đây là một trong những tội lớn nhất. Kinh tế thị trường: không. Chúng ta phải nói kinh tế thị trường xã hội, như Thánh Gio-an Phao-lô II đã dạy chúng ta: kinh tế thị trường xã hội. Nền kinh tế đã quên đặc tính xã hội mà nó mang trong nó như một ơn gọi, bản chất xã hội của công ty, của cuộc sống, của những mối dây ràng buộc, và của các công ước. Nhưng có lẽ xã hội của chúng ta không hiểu công đoàn cũng bởi vì nó không nhìn thấy nó phải đấu tranh đủ trong những nơi “có quyền nhưng không được hưởng”: trong những khu ngoại vi sống vất vưởng, giữa những người bị loại trừ khỏi công việc. Chúng ta hãy nghĩ đến 40% người ở độ tuổi 25 và nhỏ hơn, họ không có việc làm, ở tại đây, trong nước Ý này. Và các bạn phải chiến đấu ở đó! Họ ở những khu ngoại vi sống vất vưởng. Chưa thấy có sự đấu tranh giữa những người nhập cư, người nghèo, những người ở dưới tường thành của thành phố, hay đơn giản nó không hiểu chính nó vì đôi lúc — nhưng nó xảy ra trong mọi gia đình – tham nhũng đã đi vào tim của một số người trong công đoàn. Đừng để các bạn bị hạ gục bởi điều này. Tôi biết các bạn đã cam kết một thời gian đi theo hướng đúng đắn, đặc biệt với người nhập cư, với giới trẻ và với phụ nữ. Tuy nhiên, những gì tôi đang nói có vẻ hơi lỗi thời, nhưng trong thế giới công việc phụ nữ vẫn ở hạng hai. Các bạn có thể nói: “Không phải, vẫn có doanh nhân nữ ở đây, và ở kia …” Đúng, nhưng phụ nữ bị trả lương ít hơn, và họ dễ bị bóc lột hơn … Hãy làm việc gì đi. Tôi khuyến khích các bạn tiếp tục, và nếu có thể, hãy làm nhiều thêm. Hãy cắm trụ ở những vùng ngoại vi để có thể trở thành một chiến lược hành động, một sự ưu tiên của công đoàn cho hôm nay và ngày mai. Không có một xã hội tốt nếu không có công đoàn tốt, và sẽ không có công đoàn tốt nếu nó không được tái sinh mỗi ngày trong những khu ngoại vi, vì nó không biến những tảng đá bị loại bỏ của nền kinh tế trở thành những viên đá góc tường. Nghiệp đoàn (syndicate) là một cụm từ đẹp có gốc từ tiếng Hy lạp “dike,” tức là công bằng, và “syn,” là với nhau: syn-dike, “công bằng với nhau. Không có sự công bằng với nhau nếu nó không cùng với những người bị loại trừ của hôm nay.
Tôi cảm ơn các bạn về cuộc gặp gỡ nay; tôi xin chúc lành cho các bạn, tôi chúc lành cho công việc của các bạn và chúc mọi điều tốt lành cho Đại hội của các bạn và cho công việc hàng ngày của các bạn. Và khi chúng tôi, trong Giáo hội, đảm trách một sứ vụ, ví dụ trong một giáo xứ, Đức Giám mục nói: “Chúng ta hãy thực hiện sứ vụ để toàn thể giáo xứ được thay đổi, tức là, nó tiến một bước lên bậc tốt đẹp hơn.” Các bạn cũng phải “thay đổi bản thân”: hãy bước tới một bước lên bậc tốt đẹp hơn trong công việc, để nó trở nên tốt đẹp hơn. Cảm ơn các bạn!
Và bây giờ, tôi xin các bạn cầu nguyện cho tôi, vì cả tôi nữa cũng phải tự thay đổi, trong công việc của tôi: mỗi ngày tôi phải làm tốt hơn để giúp đỡ và thực hiện sứ mạng của tôi. Hãy cầu nguyện cho bây giờ tôi và tôi xin ban phép lành của Chúa cho các bạn.
[Phép lành]
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]


[Chuyển ngữ: 29/06/2017]