Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018

Khám phá những bí mật của Nguyện đường Sistine

Khám phá những bí mật của Nguyện đường Sistine

27 tháng Tám, 2018
Khám phá những bí mật của Nguyện đường Sistine
Shutterstock


Nhà sử học nghệ thuật Elizabeth Lev tiết lộ “những câu truyện chưa từng nghe” đằng sau một trong những tòa nhà nổi tiếng nhất trên thế giới.

Cùng tham gia với nhà sử học nghệ thuật và cây bút của Aleteia, Elizabeth Lev, trong buổi trình bày vô cùng cuốn hút trên TED Talk về một số câu truyện bí mật của nghệ thuật và lịch sử Nguyện đường Sistine của Vatican.

Điều tuyệt vời tiếp theo cho chuyến tham quan VIP dành riêng là bài thuyết trình được minh họa rất nhiều hình ảnh làm cho bạn cảm giác như đang thật sự ở đó … ngoại trừ không có đám đông thính giả.




[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/8/2018]


Diễn từ của Đức Thánh Cha trước các Giới chức Ireland, Ngoại Giao đoàn

Diễn từ của Đức Thánh Cha trước các Giới chức Ireland, Ngoại Giao đoàn
© Vatican Media

Diễn từ của Đức Thánh Cha trước các Giới chức Ireland, Ngoại Giao đoàn

‘Liên quan đến những người dễ bị xúc phạm nhất, tôi thừa nhận vụ bê bối nghiêm trọng ở Ireland do sự lạm dụng các thanh thiếu niên bởi các thành viên của Giáo hội có trách nhiệm bảo vệ và giáo dục lớp người trẻ đó’

25 tháng Tám, 2018 14:32

Dưới đây là văn bản Vatican cung cấp diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trước các giới chức Ireland và ngoại giao đoàn sáng nay tại Dublin:

***

Thưa ngài Thủ tướng,

Thưa các Thành viên Chính phủ và Ngoại giao đoàn,

Thưa quý vị,

Khởi đầu chuyến viếng thăm của tôi đến đất nước Ireland, tôi vô cùng cảm kích khi được mời đọc diễn từ trước toàn thể quý vị đại diện cho đời sống dân sự, văn hóa và tôn giáo của đất nước, cùng với các thành viên của ngoại giao đoàn và các vị khách. Tôi cũng rất xúc động trước sự chào đón thân tình mà tôi đón nhận từ ngài Tổng thống của Ireland, sự chào đón phản ánh truyền thống hiếu khách thân ái của người Ireland đã nổi tiếng khắp thế giới. Và tôi cũng vô cùng cảm kích trước sự hiện diện của một phái đoàn đến từ Bắc Ireland.

Như quý vị cũng biết, lý do của chuyến viếng thăm của tôi là đến tham dự Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới, năm nay được tổ chức tại Dublin. Giáo hội quả thật là một gia đình giữa các gia đình, và ý thức được sự cần thiết phải hỗ trợ các gia đình trong những nỗ lực trung thành và hân hoan đáp lại ơn gọi Thiên Chúa trao phó cho họ trong xã hội. Đại hội không chỉ là một cơ hội cho các gia đình tái khẳng định cam kết của họ trong tình yêu thủy chung, hỗ trợ lẫn nhau và tôn trọng món quà sự sống của Thiên Chúa dưới mọi hình thức của nó, nhưng còn để chứng thực vai trò đặc biệt của gia đình trong việc giáo dục các thành viên của nó và sự phát triển một cấu trúc xã hội lành mạnh và hưng thịnh.

Tôi muốn nhìn thấy Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới như một chứng tá ngôn sứ cho gia tài phong phú của những giá trị luân lý và tinh thần mà mọi thế hệ phải có trách nhiệm vun đắp và bảo vệ. Chúng ta không cần là một tiên tri mới nhận thức được những khó khăn mà các gia đình đang phải đối mặt trong xã hội tiến bộ quá nhanh ngày nay, hoặc lo lắng trước những hệ lụy của những cuộc hôn nhân và đời sống gia đình bị tan vỡ để lại cho tương lai của các cộng đồng ở mọi cấp độ. Gia đình là lớp keo kết dính của xã hội; không thể xem hạnh phúc gia đình như là một điều ngẫu nhiên, nhưng nó phải được thăng tiến và bảo vệ bởi mọi cách thức phù hợp.

Chính gia đình là nơi từng người chúng ta chập chững những bước đi đầu tiên trong đời. Ở đó chúng ta học cách sống chung hài hòa; học cách kiềm chế những bản năng ích kỷ và hòa hợp với những sự khác biệt của chúng ta, và trên hết là học để biết cách phân định và tìm kiếm những giá trị mang lại ý nghĩa và sự trọn vẹn đích thực cho đời sống của chúng ta. Nếu chúng ta nói đến toàn thể thế giới như một gia đình chung, đó là vì chúng ta biết chân nhận những mối dây ràng buộc chung của con người và chúng ta ý thức được tiếng gọi tiến đến sự hiệp nhất và đoàn kết, đặc biệt đối với những anh em hèn mọn nhất của chúng ta. Tuy nhiên rất thường khi chúng ta cảm thấy bất lực trước những tội ác về lòng thù hận chủng tộc và sắc tộc liên tục xảy ra, những xung đột và bạo lực liên miên, sự coi thường nhân vị và nhân quyền căn bản, và khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo. Chúng ta đang rất cần phải tìm lại được ý thức là một gia đình thật sự của các dân tộc trong mọi góc cạnh của đời sống chính trị và xã hội! Và không bao giờ mất hy vọng hay lòng can đảm để kiên vững thực thi mệnh lệnh đạo đức để trở thành những người kiến tạo hòa bình, những người hòa giải và những người bảo vệ của nhau.

Ở đây trong đất nước Ireland, thách đố này có một sự cộng hưởng đặc biệt, đứng trước một cuộc xung đột kéo dài đã chia cách những anh chị em trong một gia đình. Hai mươi năm trước, cộng đồng quốc tế đã chú ý theo dõi các biến cố ở Bắc Ireland và nó dẫn đến việc ký kết Hiệp ước Thứ Sáu Tuần Thánh. Chính phủ Ireland, cùng hợp nhất với các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo và dân sự của Bắc Ireland và Chính quyền nước Anh, cùng với sự hỗ trợ của các nhà lãnh đạo quốc tế khác, đã tạo nên một bối cảnh tạo động lực cho sự ổn định hòa bình đối với cuộc xung đột đã gây ra không biết bao đau đớn cho cả hai bên. Chúng ta hãy tạ ơn cho hai thập niên hòa bình theo sau hiệp ước lịch sử này, đồng thời bày tỏ sự hy vọng mạnh mẽ rằng tiến trình hòa bình sẽ vượt qua mọi trở ngại còn lại và giúp xây dựng một tương lai hòa hợp, hòa giải và tin tưởng lẫn nhau.

Tin mừng nhắc chúng ta nhớ rằng hòa bình thật sự là món quà của Thiên Chúa; nó tuôn đổ từ một tâm hồn được chữa lành và được hòa giải và trải rộng ra để ôm lấy toàn thế giới. Nhưng nó cũng đòi hỏi sự hoán cải về phía chúng ta, như là suối nguồn của những sức mạnh tinh thần cần có thể xây dựng một xã hội đoàn kết, công bình và phục vụ đích thực cho thiện ích chung. Nếu không có nền tảng tinh thần đó, lý tưởng về một gia đình gồm các dân tộc trên toàn cầu có nguy cơ trở thành một cách nói sáo rỗng tầm thường. Liệu chúng ta có thể nói rằng bản thân mục tiêu tạo ra sự thịnh vượng kinh tế sẽ dẫn đến một trật tự xã hội công bằng hơn không? Hay thật ra nó là sự phát triển của một “văn hóa loại bỏ” thuần duy vật làm cho chúng ta ngày càng trở nên thờ ơ trước người nghèo và trước những thành viên không có khả năng tự vệ của gia đình nhân loại, trong đó có những thai nhi, bị tước mất quyền được sống. Có lẽ những thách đố làm lương tâm chúng ta lo lắng nhất trong thời đại này là sự khủng hoảng di cư theo nhóm đông, và nó sẽ không giảm bớt, và cần phải có sự khôn ngoan để đưa ra giải pháp cho nó, một tầm nhìn sâu rộng và một sự quan tâm nhân đạo vượt trên những quyết định của chính trị.

Tôi biết rất rõ về hoàn cảnh của những anh chị em dễ bị xúc phạm nhất của chúng ta – tôi đặc biệt nghĩ đến những người phụ nữ trong quá khứ đã phải chịu đựng những hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Liên quan đến những người dễ bị xúc phạm nhất, tôi thừa nhận vụ bê bối nghiêm trọng ở Ireland do sự lạm dụng các thanh thiếu niên bởi các thành viên của Giáo hội có trách nhiệm bảo vệ và giáo dục lớp người trẻ đó. Sự thất bại của những giới chức thuộc hội thánh – các giám mục, các bề trên dòng, các linh mục và những người khác – trong việc xử lý thích đáng những tội ác ghê tởm này đã làm gia tăng sự oán hận, và để lại một sự đau đớn và xấu hổ cho cộng đoàn Công giáo. Cá nhân tôi xin chia sẻ những cảm nghĩ đó. Đấng tiền nhiệm của tôi, Đức Giáo hoàng Benedict, không đắn đo về từ ngữ khi thừa nhận tính nghiêm trọng của tình hình và đòi buộc rằng những biện pháp “theo tinh thần phúc âm, công bằng và hiệu quả” phải được áp dụng để trả lời lại cho sự phản bội lòng tin này (x. Tông thư gửi người Công giáo Ireland, 10). Những lời nói thẳng thắn và dứt khoát của ngài tiếp tục là một sự khích lệ cho những nỗ lực của giới lãnh đạo Giáo hội để cứu chữa những lỗi lầm trong quá khứ và phê chuẩn những quy phạm nghiêm khắc để bảo đảm rằng những lỗi lầm đó không tái diễn.

Quả thật mỗi trẻ em là một món quà quý giá của Thiên Chúa, phải được thương yêu, được khuyến khích để phát triển tài năng Chúa ban cho bé, và được hướng dẫn để trưởng thành về tinh thần và phát triển nhân cách. Giáo hội ở Ireland, trong quá khứ và hiện tại, đã và đang đóng một vai trò nổi bật trong việc thăng tiến môi trường hạnh phúc cho trẻ em. Niềm hy vọng của tôi là tính nghiêm trọng của những vụ bê bối lạm dụng, sự sa ngã của nhiều người đã được đưa ra ánh sáng, sẽ được dùng để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ thanh thiếu niên và những người lớn dễ bị xúc phạm về phía toàn xã hội nói chung. Về vấn đề này, tất cả chúng ta đều ý thức về tính cấp bách của nhu cầu cung cấp cho lớp người trẻ sự hướng dẫn khôn ngoan và những giá trị sâu thẳm trên hành trình tiến tới bước trưởng thành.

Các bạn thân mến,

Gần chín mươi năm trước, Tòa Thánh là một trong số những tổ chức quốc tế đầu tiên công nhận Nhà nước Ireland Tự do. Sáng kiến đó đã đưa ra tín hiệu khởi đầu cho nhiều năm hợp tác tích cực và hòa hợp, chỉ có một đám mây nhỏ ở phía chân trời. Sự nỗ lực và thiện chí mạnh mẽ gần đây ở cả hai phía đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phục hồi lại những mối quan hệ thân thiện đó vì lợi ích của tất cả.

Các dòng mạch lịch sử quay ngược trở lại hơn một ngàn năm trăm năm trước, khi thông điệp Ki-tô giáo, được rao giảng bởi đức giám mục Palladius và Thánh Patrick, đã tìm được quê hương ở Ireland và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống và văn hóa của Ireland. Nhiều “thánh nhân và các nhà thông thái” được soi dẫn đã rời bỏ các bờ biển quê hương và mang đức tin mới của họ đến các vùng đất khác. Cho đến ngày nay, những cái tên như Columba, Columbanus, Brigid, Gall, Killian, Brendan và nhiều tên khác nữa vẫn được sùng kính trên khắp Châu Âu và còn vượt xa hơn nữa. Đời sống đan viện trên đảo quốc này, như là một nguồn mạch của văn minh và sáng tạo nghệ thuật, đã viết lên một trang huy hoàng trong lịch sử của Ireland và của thế giới.

Ngày hôm nay cũng như trong quá khứ, những con người sống trong đất nước này phấn đấu làm giàu có đời sống của dân tộc bằng sự khôn ngoan của đức tin trao tặng. Ngay trong những giờ phút đen tối nhất của Ireland, họ đã tìm thấy trong đức tin một nguồn mạch của lòng can đảm và trách nhiệm cần thiết để trui rèn một tương lai tự do và phẩm giá, công bình và đoàn kết. Thông điệp Ki-tô giáo đã là một phần không thể thiếu trong kinh nghiệm đó và đã định hình cho ngôn ngữ, tư tưởng và văn hóa của dân tộc trên hòn đảo này.

Lời cầu nguyện của tôi cho đất nước Ireland là khi lắng nghe tính đa chiều của những tranh luận của chính trị và xã hội đương thời, sẽ không quên những thôi thúc mạnh mẽ của thông điệp Ki-tô giáo đã giúp cho dân tộc đứng vững trong quá khứ, và tiếp tục như vậy trong tương lai.

Cùng với những suy tư này, tôi thành khẩn cầu xin ơn khôn ngoan, niềm vui và bình an đổ xuống trên quý vị, và trên toàn thể dân tộc Ireland thân yêu. Cảm ơn quý vị.

[Văn bản bài diễn từ soạn trước của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp]

© Libreria Editrice Vaticana


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/8/2018]