Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

Viếng Đền thờ Thánh Phêrô, nhà thờ được xây dựng trên mộ của vị giáo hoàng đầu tiên

Viếng Đền thờ Thánh Phêrô, nhà thờ được xây dựng trên mộ của vị giáo hoàng đầu tiên

Antoine Mekary | ALETEIA

Marinella Bandini

05/04/21


Nhà thờ Chặng Đàng Ngày 47: Truyền thuyết kể rằng đích thân hoàng đế Constantine đã đổ 12 giỏ đất để chuẩn bị cho việc xây dựng.



Aleteia mời bạn thực hiện một chuyến hành hương Mùa Chay trên internet đi qua 42 nhà thờ chặng đàng của Roma: mỗi ngày một nhà thờ, từ 17 tháng Hai đến 11 tháng Tư.


Ngày 47

Trong tuần Phục sinh, chuyến hành hương chặng đàng quay trở lại Đền thờ Thánh Phêrô ở Vatican. Chúa Giêsu đã xây dựng Hội thánh trên Thánh Phêrô, và vương cung thánh đường được xây dựng trên mộ của Thánh Phêrô là biểu tượng của Kitô giáo.

Vương cung thánh đường đầu tiên được xây dựng bởi Hoàng đế Constantine vào khoảng năm 325. Để có không gian cho Vương cung thánh đường, cần phải di chuyển hơn 40.000 mét khối đất. Truyền thuyết kể rằng đích thân hoàng đế Constantine đã đổ 12 giỏ đất đầu tiên, mỗi giỏ tôn vinh một vị tông đồ.

Vương cung thánh đường cổ đã bị phá hủy vào thế kỷ 16. Phải mất 120 năm và 22 vị giáo hoàng để xây dựng vương cung thánh đường hiện nay: từ năm 1506, với Đức Julius II, đến năm 1626, khi nhà thờ được thánh hiến bởi Đức Urban VIII. Việc xây dựng quảng trường phía trước vương cung thánh đường được hoàn thành 50 năm sau đó.

Các kiến trúc sư và họa sĩ nổi tiếng nhất thời đó đã làm việc với nhà thờ, bao gồm Bramante, Raphael Sanzio, Michelangelo — người tạo ra mái vòm — và Bernini, họa sĩ chịu trách nhiệm về mái phương du.

Đây là một trong những vương cung thánh đường lớn nhất thế giới: Gian giữa dài 187 mét, tổng chiều dài hơn 200 mét bao gồm cả gian phòng áo đầu nhà thờ. Chiều rộng của gian giữa là 58 mét; chiều rộng tính cả gian bên hông là 137 mét. Mặt tiền, được thiết kế bởi Maderno, rộng 115 mét. Vương cung thánh đường cao khoảng 45 mét, nhưng với mái vòm nhà thờ cao tới 133 mét. Vương cung Thánh đường chiếm một diện tích gần 2 ha và có thể chứa 20.000 tín hữu.

Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng. (Cv 2:32)

* Phối hợp với Văn phòng Truyền thông Xã hội của Khu Tông tòa Rôma.

Viếng Đền thờ Thánh Phêrô, nhà thờ được xây dựng trên mộ của vị giáo hoàng đầu tiên

Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô (nhìn từ trên cao). Vương cung thánh đường được xây dựng trên mộ của Thánh Phêrô.

Viếng Đền thờ Thánh Phêrô, nhà thờ được xây dựng trên mộ của vị giáo hoàng đầu tiên

Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô (nhìn từ trên cao). Vương cung Thánh đường đầu tiên được xây dựng bởi hoàng đế Constantine vào khoảng năm 325.

Viếng Đền thờ Thánh Phêrô, nhà thờ được xây dựng trên mộ của vị giáo hoàng đầu tiên

Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô (ảnh chụp bằng drone). Vương cung Thánh đường hiện tại phải mất 120 năm để hoàn thành và được thánh hiến vào năm 1626.

Viếng Đền thờ Thánh Phêrô, nhà thờ được xây dựng trên mộ của vị giáo hoàng đầu tiên

Quảng trường Thánh Phêrô. Công trình xây dựng quảng trường được hoàn thành vào cuối thế kỷ 17.

Viếng Đền thờ Thánh Phêrô, nhà thờ được xây dựng trên mộ của vị giáo hoàng đầu tiên

Quảng trường Thánh Phêrô, quang cảnh bên trong hàng cột do điêu khắc gia Bernini thiết kế.

Viếng Đền thờ Thánh Phêrô, nhà thờ được xây dựng trên mộ của vị giáo hoàng đầu tiên

Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Mặt tiền rộng 115 mét, được thiết kế bởi kiến trúc sư Carlo Maderno.

Viếng Đền thờ Thánh Phêrô, nhà thờ được xây dựng trên mộ của vị giáo hoàng đầu tiên

Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô (gian giữa). Đây là một trong những vương cung thánh đường lớn nhất thế giới: gian giữa dài 187 mét, tổng chiều dài hơn 200 mét bao gồm cả gian phòng áo đầu nhà thờ.

Viếng Đền thờ Thánh Phêrô, nhà thờ được xây dựng trên mộ của vị giáo hoàng đầu tiên

Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô (cảnh nhìn bên trong mái vòm). Vương cung thánh đường cao khoảng 45 mét, nhưng với mái vòm nhà thờ cao tới 133 mét.

Viếng Đền thờ Thánh Phêrô, nhà thờ được xây dựng trên mộ của vị giáo hoàng đầu tiên

Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Mái vòm được thiết kế bởi họa sĩ Michelangelo, là một trong những vương cung thánh đường lớn nhất thế giới, với đường kính bên trong khoảng 42 mét. Mái vòm nặng khoảng 14.000 tấn.

Viếng Đền thờ Thánh Phêrô, nhà thờ được xây dựng trên mộ của vị giáo hoàng đầu tiên

Một khung cảnh làm liên tưởng đến mái vòm vương cung thánh đường Thánh Phêrô, từ đồi Aventine.

Quý vị đọc về truyền thống của các nhà thờ chặng đàng ở đây. Và xem các nhà thờ trước đây trong cuộc hành hương ở đây.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/5/2021]


Họp báo trình bày Sứ điệp Ngày Thế giới Người Di cư và Tị nạn lần thứ 107 của Đức Thánh Cha Phanxicô (26 tháng Chín 2021), 06.05.2021

Họp báo trình bày Sứ điệp Ngày Thế giới Người Di cư và Tị nạn lần thứ 107 của Đức Thánh Cha Phanxicô (26 tháng Chín 2021), 06.05.2021

Họp báo trình bày Sứ điệp Ngày Thế giới Người Di cư và Tị nạn lần thứ 107 của Đức Thánh Cha Phanxicô (26 tháng Chín 2021), 06.05.2021


Lúc 11.30 sáng nay, một buổi họp báo được truyền hình trực tiếp từ Khán phòng “Gioan Phaolô II” để trình bày về Sứ điệp Ngày Thế giới Người Di cư và Tị nạn lần thứ 107 của Đức Thánh Cha Phanxicô, sẽ được tổ chức vào ngày 26 tháng Chín năm 2021 với chủ đề “Hướng tới một ‘Chúng ta’ ngày càng rộng mở hơn’.” Trong buổi họp báo đoạn video chưa được công bố của Đức Thánh Cha cho chiến dịch chuẩn bị cho Ngày này sẽ được trình chiếu.

Các diễn giả bao gồm: Đức Hồng y Michael Czerny, S.J., thứ trưởng Phòng Di dân và người Tị nạn thuộc Bộ Thúc đẩy sự phát triển Con người Toàn diện; Cha Fabio Baggio, C.S., thứ trưởng Phòng Di dân và người Tị nạn thuộc Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện; Nữ tu Alessandra Smerilli, F.M.A., thứ trưởng thuộc Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện; Đức Giám mục Paul McAleenan, giám mục phó của Westminster (kết nối trực tuyến), và Bà Sarah Teather, giám đốc tổ chức Jesuit Refugee Service Anh quốc (kết nối trực tuyến).

Dưới đây là các bài phát biểu:


Phát biểu của Đức Hồng y Michael Czerny, S.J.

Trong Tông huấn Fratelli tutti, Đức Thánh Cha bày tỏ một cách rõ ràng mối quan tâm của ngài về tương lai sau cuộc khủng hoảng sức khỏe. Điều gì sẽ xảy ra nếu chủ nghĩa cá nhân vị kỷ và chủ nghĩa biệt lập càng trở nên cực đoan hơn, khiến những người dễ bị tổn thương và người bị gạt ra bên lề càng bị bỏ rơi đằng sau xa hơn nữa?

Như ngài trình bày, chúng ta có thể thoát ra khỏi đại dịch và trở nên tốt hơn hoặc tồi tệ hơn. Chúng ta có thể học cách trở thành những người anh chị em tốt hơn, hoặc chúng ta có thể chìm sâu hơn vào nỗi ám ảnh chỉ biết quan tâm đến bản thân, đến “của riêng mình”.

Tình trạng chỉ biết đến bản thân này là điều làm cho hai người qua đường đầu tiên trở nên khác biệt so với Người Samari nhân hậu. Mỗi người đều có ‘lý do chính đáng’ để ngoảnh mặt không nhìn đến người gặp nạn nửa sống nửa chết.

Người Samari đã vượt qua khoảng cách điển hình giữa chúng tahọ. Chẳng có gì lợi lộc, có thể còn bị mất thêm, nhưng vì lòng trắc ẩn đối với một người là nạn nhân của vụ cướp, như trong câu chuyện, hoặc trong đại dịch kinh hoàng ngày nay.

Đức Giáo hoàng cũng sử dụng cách diễn đạt “tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền” liên quan đến tình trạng khẩn cấp covid-19. Tất cả chúng ta đều đang chịu đau khổ theo những cách khác nhau. Điều gì sẽ xảy ra khi những người sống sót trên con thuyền cứu sinh đều phải góp sức chèo vào bờ? Điều gì sẽ xảy ra nếu một số người lấy phần nhiều hơn, khiến những người khác quá yếu phải chèo chống? Nguy cơ xảy ra là tất cả mọi người sẽ chết, cả những người được ăn uống no thỏa và người chết đói đều như nhau. Làm lan tỏa thái độ của Người Samari nhân hậu – tức là chiến thắng tính ích kỷ và biết quan tâm đến tất cả mọi người – là điều cần thiết để tồn tại.

Trong Tông huấn Fratelli tutti, Đức Giáo hoàng trình bày góc nhìn thứ ba về một tương lai nơi sẽ không còn “những người khác”, mà chỉ có “chúng ta”. Chúng ta hãy xây dựng lại gia đình nhân loại với tất cả vẻ đẹp của nó bằng cách chân nhận người khác là sự phong phú, có đủ các tài năng làm cho tha nhân khác biệt với tôi: “sự xuất hiện của những con người khác nhau, đến từ những bối cảnh sống và văn hóa khác nhau, trở thành một món quà”. Chỉ bằng cách đón nhận “món quà” này mới có thể xây dựng được “một chúng ta rộng mở hơn bao giờ hết” và cuối cùng trải rộng ra toàn thể nhân loại.

Câu chuyện Người Samari Nhân hậu là trọng tâm trong Tông huấn Fratelli tutti và hướng dẫn Giáo hội cùng toàn thể nhân loại “Hướng tới một chúng ta ngày càng rộng mở hơn” trong ngôi nhà chung duy nhất của chúng ta.



Phát biểu của Cha Fabio Baggio, C.S.

Ngày Thế giới Người Di cư và Tị nạn lần thứ 107 sẽ được tổ chức vào 26 tháng Chín sắp tới. Một lần nữa trong năm nay, Đức Thánh Cha quyết định công bố trước sứ điệp truyền thống của ngài dành riêng cho ngày này, để có đủ thời gian chuẩn bị cho sự kiện.

Chủ đề được chọn cho sứ điệp năm nay là “Hướng tới một ‘chúng ta’ ngày càng rộng mở hơn”. Như chính Đức Giáo hoàng Phanxicô giải thích, đó là lời kêu gọi để bảo đảm rằng “sau tất cả những điều này, chúng ta sẽ không còn nghĩ đến chữ ‘họ’ và ‘những người đó’, mà chỉ nghĩ về ‘chúng ta’”. (Tông huấn Fratelli tutti, 35). Và chữ “chúng ta” phổ quát này trước hết phải trở thành hiện thực ngay trong Giáo hội, được kêu gọi để tạo ra sự hiệp thông trong sự đa dạng.

Sứ điệp bao gồm sáu điểm chính, tất cả đều liên quan đến chữ “chúng ta” mà chúng ta được kêu gọi xây dựng. Điểm đầu tiên liên quan đến chiều kích của chúng ta, với khao khát phải bao trùm toàn thể nhân loại, phải hoàn toàn phù hợp với chương trình sáng tạo và chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Điểm thứ hai là việc áp dụng “chúng ta” trong Giáo hội, được kêu gọi trở thành một ngôi nhà và một gia đình cho tất cả mọi người đã được rửa tội. Điểm thứ ba nói đến “Giáo hội lên đường” là điều rất gần gũi với Đức Giáo hoàng, được kêu gọi ra ngoài để gặp gỡ “để chữa lành những vết thương và tìm kiếm những người lạc đường… sẵn sàng mở rộng nhà của mình để đón nhận mọi người”. Điểm thứ tư liên quan đến tương lai của các xã hội chúng ta, sẽ chỉ trở nên đa sắc nhờ sự hòa hợp và hòa bình nếu chúng ta học cách chung sống. Điểm thứ năm là chủ đề Đức Giáo hoàng Phanxicô vô cùng quan tâm: Ngôi nhà chung, vì sự chăm sóc nó là cần thiết để bảo đảm một chúng ta biết ý thức trách nhiệm của mình một cách nghiêm túc. Điểm cuối cùng là lời mời cùng nhau ước mơ, với vai trò là một nhân loại, với vai trò là những người bạn đồng hành, nhận biết rằng có một mục tiêu chung mang lại nhiều ý nghĩa hơn cho hành trình.

Để thúc đẩy sự chuẩn bị đầy đủ cho việc tổ chức ngày này, phòng Di dân và người Tị nạn thuộc Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện đã chuẩn bị một chiến dịch truyền thông qua đó sẽ trình bày cụ thể sáu điểm mà Sứ điệp đề xuất. Trong những tháng tới, các phương tiện truyền thông đa phương tiện, tài liệu thông tin và những suy tư của các nhà thần học và chuyên gia sẽ được cung cấp để giúp thúc đẩy Sứ điệp của Đức Thánh Cha.



Phát biểu của Sơ Alessandra Smerilli, F.M.A.

“Thời điểm hiện tại cho thấy rằng chữ “chúng ta” theo ý định của Thiên Chúa đã bị phá vỡ và phân mảnh, bị tổn thương và bị biến dạng”.

Trong lĩnh vực kinh tế, không khó để nhận thấy cái “chúng ta” bị biến dạng này, và đại dịch đã làm cho nó trở nên rõ ràng hơn: tài chính, với nhiệm vụ ban đầu là bao gồm, tập hợp những người có vốn với những người muốn phát triển dự án mà thiếu phương tiện, trong hầu hết các trường hợp đã trở thành sự đầu cơ thuần túy. Người ta nghĩ đến các hoạt động đầu cơ vào thực phẩm, điều có nguy cơ khiến toàn bộ các quốc gia không được tiếp cận với thực phẩm vì tăng giá. Và những người nghèo nhất buộc phải di cư. Hãy nghĩ đến những sự bất bình đẳng ngày càng tăng - về kinh tế, công nghệ, và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Chừng nào luận lý thắng thế vẫn là “điều gì là tốt nhất cho tôi” mà không phải “đâu là phần của tôi trong một chương trình sẽ trở nên tốt nhất cho tất cả chúng ta và cho ngôi nhà chung của chúng ta”, thì sẽ không thể chữa lành một nền kinh tế ốm yếu.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu của hy vọng. Nhiều tổ chức đang cố gắng 'đạt được sự phát triển bền vững, cân bằng, bao gồm hơn'.

Chẳng hạn như Ủy ban Covid do Đức Thánh Cha Phanxicô ủy thác, đang làm việc theo hướng này: Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu chúng tôi “hãy chuẩn bị cho tương lai”. Lương thực, công việc, sức khỏe cho tất cả mọi người là ưu tiên của chúng tôi. Và nhờ tất cả mọi người, chúng tôi có ý nói là tất cả mọi người. Chúng ta có thể làm điều này bằng cách nào? Bằng cách lắng nghe, bằng cách đưa ra tiếng nói cho những người không có tiếng nói, bằng cách tập hợp những người có ý tưởng đổi mới và những người đưa ra quyết định, bằng cách ở đó, với nguồn cảm hứng và quan điểm hiện thực mà chỉ Tin Mừng mới có thể cung cấp.

Một dấu hiệu tuyệt vời khác của hy vọng được kết nối với tiến trình “Nền kinh tế của Francesco”: nhờ lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô để thay đổi nền kinh tế hiện tại và thổi hồn cho nền kinh tế tương lai, hơn 2000 nhà kinh tế trẻ tuổi từ 120 quốc gia trên thế giới đang đào tạo và cùng nhau làm việc trong các dự án nhằm chuyển đổi nền kinh tế. Họ gặp nhau trực tuyến và làm việc trong lĩnh vực của riêng họ. Họ muốn đưa khung cảnh trong cuộc đời của Thánh Phanxicô trở lại trung tâm của nền kinh tế, cụ thể đó là cái ôm với người bệnh phong, điều mà những người giàu có ở Assisi không muốn, giữa những bức bích họa của vương cung thánh đường: họ không muốn người ta biết rằng có những người bệnh phong ở Assisi. Những người bị loại bỏ bị gạt ra khỏi lịch sử. Những người trẻ tuổi của nền Kinh tế Phanxicô muốn những người nghèo, người bị bỏ rơi, bị loại trừ, người di cư và người tị nạn được đặt vào trung tâm của nền kinh tế: cùng với nhau chúng ta có thể khởi đầu lại cho một “chúng ta” mang hương vị của Tin Mừng.

Nếu người già mơ ước, thì người trẻ có thể có tầm nhìn: cùng nhau, vì một chúng ta rộng mở hơn bao giờ hết.



Phát biểu của Đức Giám mục Paul McAleenan

Chúng tôi cảm ơn Đức Thánh Cha vì việc truyền cảm hứng và sự lãnh đạo của ngài, cũng như Sứ điệp hôm nay khuyến khích Giáo hội ở Vương quốc Anh khi chúng tôi làm việc với những người di cư và tị nạn.

Để đạt được “Hướng tới một chúng ta ngày càng rộng mở hơn”, nguyên tắc dẫn đường cho chúng ta phải là chủ đề của chương 4 trong Tông huấn Fratelli Tutti, “Một tâm hồn rộng mở với thế giới”. Tâm hồn này biết rằng những người di cư và tị nạn không đến để chiếm đoạt con đường sống của chúng ta; thay vào đó nó vui mừng về cách họ có thể làm phong phú cho xã hội của chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô hướng sự chú ý của chúng ta đến tính liên kết của nhân loại: các quyết định và hành động của tôi ở đây có ảnh hưởng đến những người khác ở xa. Ba lĩnh vực đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình nhân loại hiện nay. Quyết định cắt giảm ngân sách viện trợ của Vương quốc Anh làm tăng thêm sự đau khổ của những người nghèo nhất thế giới. Các quốc gia tham gia vào việc buôn bán vũ khí mang đến sự khốn khổ không hồi kết cho những người ở các nơi có xung đột. Sự góp phần của chúng ta vào tình trạng khẩn cấp của khí hậu dẫn đến những hậu quả là hạn hán, thảm họa và sự di tản vượt hàng ngàn dặm trường. Hiểu lý do của việc di cư phải bao gồm sự thừa nhận rằng chúng ta không vô tội.

Khi nhà của ai đó bị cháy, chúng ta có nghĩa vụ cung cấp cho họ nơi trú ẩn, bảo vệ và giúp đỡ để họ bắt đầu lại. Để đạt được điều này, Giáo hội ở Vương quốc Anh đã tham gia trên các mặt trận khác nhau; giáo hội Anh phản đối các chính sách tìm cách phân chia người di cư và người tị nạn thành các nhóm, một số được ưu tiên và những người khác bị từ chối; các cơ quan và tổ chức bác ái ở vùng duyên hải phía nam nước Anh và bắc nước Pháp hỗ trợ vật chất và tinh thần cho những người gặp nguy hiểm lớn nhất; các nghi thức tôn vinh sự đóng góp của người di cư cho Giáo hội và xã hội; công nghệ được sử dụng để tiếp cận và nắm bắt được những điều không có trên sổ sách trong đại dịch hiện nay.

Mục đích của Giáo hội là chào đón, bảo vệ và thăng tiến tất cả mọi người, biết rằng đời sống và sự hạnh phúc của con người đang gặp rủi ro, chứ không phải nền an ninh quốc gia.

Các Chính phủ Quốc gia có thể cảm thấy có nghĩa vụ bảo vệ biên giới, để bảo đảm rằng của cải và tài nguyên của một quốc gia được bảo toàn cho riêng công dân của quốc gia đó. Các bài đọc Công vụ Tông đồ trong Mùa Phục sinh nhấn mạnh rằng hành động cứu chuộc của Đức Kitô là dành cho tất cả mọi người không phân biệt nguồn gốc, quốc gia hay ngôn ngữ. Được Thần Khí hướng dẫn, Giáo hội công bố chân lý đó qua việc giúp đỡ những người bị ảnh hưởng và đau khổ và bằng cách thúc đẩy phẩm giá bình đẳng của những người di cư và tị nạn. Cùng với Đức Thánh Cha, chúng tôi khuyến khích hãy rộng mở tâm trí và cõi lòng. Trong xã hội của chúng ta cần phải dành chỗ cho tất cả mọi người, bao gồm cả những người di cư và tị nạn đi tìm một ngôi nhà giữa chúng ta.



Phát biểu của chị Sarah Teather

Xây dựng “một chúng ta ngày càng rộng mở hơn” đòi hỏi một hành trình chung của tất cả mọi người. Đức Thánh Cha nói một cách mạnh mẽ về việc chúng ta đã lạc bước quá xa con đường mà chúng ta cùng nhau tiến bước: ngài nói “một chúng ta theo ý định của Thiên Chúa bị phá vỡ và phân mảnh, bị thương tổn và bị biến dạng.”

Tôi thấy sự tan vỡ này trong kinh nghiệm của những người tị nạn mà chúng tôi cùng đồng hành và phục vụ tại Cơ quan Người tị nạn của Dòng Tên Vương quốc Anh. Đứng trước những người phải trốn chạy khỏi nhà và tìm kiếm nơi trú ẩn, hệ thống tị hộ xây dựng những bức tường nghi vấn để ngăn họ không nhận được sự bảo vệ mà họ cần. Nó giam giữ họ và thực hiện việc truất quyền. Sự truất quyền khiến nhiều người dễ bị lạm dụng và bóc lột, và họ nói về cảm giác đánh mất bản thân qua nhiều năm vật vờ ở bên lề.

Bản thân nền chính trị hung hăng và khép kín gây thương tích cho họ cũng bị thương. Một cộng đồng tan vỡ – một cộng đồng cố gạt những người di cư dễ bị tổn thương ra các vùng ngoại vi – dẫn đến đời sống bị tan vỡ.

Mặc dù vậy, cũng có niềm hy vọng. Chúng tôi thấy điều đó khi những người tị nạn đấu tranh và đòi lại quyền, [...] ngay cả khi hệ thống tị hộ can thiệp vào việc hình thành những mối liên kết giữa con người với nhau. Ví dụ, chúng tôi chứng kiến nhiều người xin tị nạn nghèo túng vẫn tình nguyện hỗ trợ người khác. Bị cấm tham gia vào xã hội thông qua công việc được trả lương, họ tạo ra những con đường mới để đóng góp những ân tứ của họ và sử dụng thời gian một cách có ý nghĩa. Một người phụ nữ trong trại giam giữ đã tham gia một nhóm cầu nguyện cho những người sắp bị chuyển đi. Chị giải thích: “Chúng tôi cầu nguyện cho tất cả mọi người, kể cả những người canh giữ.” Hành động trong tình liên đới với nhau và với những người khác cũng như làm việc tốt đẹp ở những nơi không ai được nhận, những người tị nạn như vậy giúp xây dựng một tương lai chung, một chúng ta rộng mở hơn khước từ chữ người khác và cùng nhau đấu tranh trên hành trình chung tiến tới sự công bằng.

Hy vọng cũng sinh từ các cộng đoàn Kitô giáo được tiếp thêm năng lượng và nguồn cảm hứng qua việc tự tin chào đón những người thuộc các tín ngưỡng và nền văn hóa khác. Trong dự án tổ chức của chúng tôi, các dòng tu và gia đình tiếp nhận những người nghèo khó vô gia cư tìm kiếm nơi nương náu như những vị khách đến nhà của họ.

Chủ nhà và khách xúc động nói về việc này như một trải nghiệm của cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa và tình bạn đầy ngạc nhiên, trong đó cả hai đều được hưởng lợi từ gia tài của cuộc sống chung. Họ cùng nhau xây dựng một nền văn hóa chống lại những chính sách công thù địch nhắm vào người vô gia cư và bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Bằng những cách thức nhỏ bé, cụ thể, tất cả chúng ta đều có thể tham gia vào dự án chung này để xây dựng lại một gia đình nhân loại phổ quát. Bởi vì sẽ có những kho báu được tìm thấy khi chúng ta cùng nhau cố gắng phá bỏ các bức tường ngăn cách giữa chúng ta. Giấc mơ về một gia đình nhân loại là một giấc mơ đáng được hiện thực hóa.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/5/2021]