Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2022

Thần Khí đang nói gì với các Giáo hội ở Châu Á?

Thần Khí đang nói gì với các Giáo hội ở Châu Á?

Thông điệp Video gửi Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Châu Á

Thần Khí đang nói gì với các Giáo hội ở Châu Á?

© Vatican Media


*******

Sau đây chúng tôi đăng lại nội dung Thông điệp Video của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tới các thành viên tham dự Đại Hội đồng nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Châu Á (FABC), sẽ diễn ra tại Trung tâm Mục vụ Baan Phu Waan tại Bangkok, Thái Lan, từ ngày 12 đến ngày 30 tháng Mười năm 2022:

_____________________________________________

Thông điệp Video của Đức Thánh Cha


Thưa anh em,

Thành viên của Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Châu Á, anh em đã bắt đầu cuộc họp các Giám mục năm 1970, và khi Đấng Tiền nhiệm của tôi là Thánh Phaolô VI đến thăm Châu Á, ngài tìm thấy một châu lục với số lượng cư dân khổng lồ, phần lớn là người trẻ, và Châu Á được xem là quê hương của sự đa dạng về văn hóa và tôn giáo.

Các Giám mục lưu ý rằng người dân đã thức tỉnh từ định mệnh thuyết sang một đời sống xứng đáng với con người; người trẻ cũng thức tỉnh, họ trở nên duy tâm, nhận thức, quan tâm, nôn nóng và bồn chồn; các xã hội đa dạng về văn hóa đã thức tỉnh để trở thành một cộng đồng đích thực của các dân tộc.

Điều này có nghĩa là Giáo hội ở Châu Á đang được kêu gọi để trở thành Giáo hội của người nghèo, Giáo hội của người trẻ, và một Giáo hội đối thoại với những người Châu Á thuộc các giáo phái khác một cách đích thực hơn.

Bây giờ anh em đến với nhau, và tôi mong muốn được đồng hành với anh em theo cách nào đó trong công cuộc của tình huynh đệ và trao đổi những ý tưởng mà anh em sẽ thực hiện. Điều quan trọng là các Hội đồng Miền phải đạt được sự nhất quán nhất định, vì khi thực hiện như vậy, Giáo hội được hình thành, được củng cố trên hành trình, và câu hỏi nền tảng là: Thần Khí đang nói gì với các Giáo hội ở Châu Á? Và đó là câu hỏi mà anh em phải trả lời.

Hãy tiến lên phía trước, hãy để giáo dân đảm nhận phép rửa của họ, chức năng của họ là giáo dân, và tôn trọng tính riêng biệt của mỗi người, bởi vì Giáo hội là phổ quát chứ không phải là Giáo hội đồng nhất, không: Giáo hội là phổ quát, tôn trọng tính đặc thù của mọi Giáo hội.

Xin Chúa chúc lành cho anh em. Tôi cầu nguyện cho anh em, và xin anh em cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh em.


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/10/2022]


“Thật đáng buồn, lịch sử cho thấy sự đi giật lùi”

“Thật đáng buồn, lịch sử cho thấy sự đi giật lùi”

Xung đột và tình hình tị nạn kéo dài không thể trở thành tình trạng “bình thường mới”

“Thật đáng buồn, lịch sử cho thấy sự đi giật lùi”

© Cáritas Polonia


*******

Phát biểu của ngài Trưởng Phái đoàn Tòa Thánh tại Phiên họp thứ 73 của Ủy ban Điều hành Chương trình Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR)

Dưới đây chúng tôi công bố bài phát biểu của Tiến sĩ Francesca Di Giovanni, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực Đa phương của Phân bộ Ngoại giao với các Quốc gia và Tổ chức Quốc tế, Trưởng Phái đoàn của Tòa thánh, phát biểu hôm nay tại Phiên họp thứ 73 của Ủy ban Điều hành Chương trình Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 14 tháng Mười năm 2022 tại Geneva, Thụy Sĩ:

Bài phát biểu của Tiến sĩ Francesca Di Giovanni.

________________________________________


Phát biểu của Tiến sĩ Francesca Di Giovanni, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đa phương, Phân bộ Ngoại giao với các Quốc gia và Tổ chức Quốc tế,

Trưởng phái đoàn Tòa thánh tại Ủy ban điều hành Chương trình Cao ủy Tị nạn Liên hợp quốc lần thứ 73

Geneva, 10 tháng Mười, 2022


Thưa ngài Chủ tịch,

Thưa ngài Ủy viên Cao ủy,

Thưa quý ngài và quý vị Đại biểu,

Ủy ban Điều hành họp vào thời điểm khi tình trạng bạo lực, bắt bớ và xung đột làm rạn nứt ý thức về tình huynh đệ và sự hiệp nhất của gia đình nhân loại chúng ta.

Tháng trước, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã phân tích mối lo ngại này bằng cách nêu rõ rằng, “sau hai cuộc chiến tranh thế giới kinh hoàng, dường như thế giới đã học được cách tiến dần tới việc tôn trọng nhân quyền, luật pháp quốc tế và các hình thức hợp tác khác nhau. Thật không may, lịch sử cho thấy sự đi giật lùi. Không những các cuộc xung đột ngày càng gia tăng, mà các trường hợp về chủ nghĩa dân tộc thiển cận, cực đoan, hung hăng và hiếu chiến đang tái xuất hiện (xem Tông huấn Fratelli Tutti, 11), và các cuộc chiến tranh đô hộ mới, […] đang gây ra sự hủy diệt ở khắp nơi. Nhiều cuộc xung đột vũ trang hiện tại đang là mối quan tâm rất lớn. Tôi đã nói rằng đó là một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba đang diễn ra “theo từng vùng” – có lẽ lúc này chúng ta có thể nói rằng nó đang “dốc toàn lực” – đưa con người và hành tinh vào mối nguy hiểm lớn hơn bao giờ hết.” 1 Chính trong thời điểm lịch sử đầy kịch tính này, những con số kỷ lục người di tản đã vượt xa các giải pháp lâu bền và khả năng viện trợ nhân đạo hiện có.

Trong khi cái nhìn của chúng ta chắc chắn hướng về Ukraine, chúng ta không bao giờ được quên cuộc khủng hoảng toàn cầu về tình liên đới và nhân đạo mà chúng ta đang đối mặt. Chính trong bối cảnh mở rộng hơn này, Tòa Thánh theo dõi với sự quan ngại về những hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine, trong đó có việc bị trục xuất, đồng thời bày tỏ lòng tri ân đối với tất cả những người đã chào đón, trong tinh thần huynh đệ và lòng quảng đại thực sự. Đồng thời, Tòa thánh kêu gọi tất cả các Quốc gia làm mọi cách có thể để chấm dứt chiến tranh và tái cam kết đối thoại thật sự vì hòa bình dài lâu. Tình trạng này là không bền vững, tuy nhiên nó cũng không phải là không tránh được!

Thưa ngài Chủ tịch,

Tác động ngày càng lớn của tình trạng biến đổi khí hậu và thiên tai đối với tình hình di tản cưỡng bức đòi hỏi mức độ phản ánh sâu sắc và hành động cụ thể hơn. Và đó là một thực tế khắc nghiệt đối với người nghèo và dễ bị tổn thương. Trong khi vẫn có những sáng kiến cụ thể, cần phải có một cách tiếp cận mang tính quốc tế và thể chế hài hòa hơn nhằm tái khẳng định nhiệm vụ bảo vệ của UNHCR.

Đồng thời, Tòa Thánh khẩn thiết kêu gọi có những tiến bộ cụ thể và hiệu quả hơn đối với các giải pháp lâu dài nói chung. Một số lượng đáng kể người tị nạn tiếp tục bơ vơ trong tình trạng bị lãng quên, không thể trở về nhà hoặc hòa nhập trong đất nước nơi họ tị nạn. Trong những trường hợp như vậy, việc tái định cư sang nước thứ ba là cần thiết. Điều quan trọng hàng đầu là tìm ra những con đường thay thế cho các giải pháp kịp thời, lâu dài. 2

Xung đột và tình hình tị nạn kéo dài không thể trở thành trạng thái “bình thường mới”. Những người tị nạn và người di tản là con người và vì thế họ là đối tượng được hưởng các quyền và nghĩa vụ, không phải đối tượng để hỗ trợ. Về vấn đề này, Tòa thánh bày tỏ lòng biết ơn đối với các Quốc gia đã tăng hạn ngạch tái định cư và nhiều tổ chức trung gian được truyền cảm hứng từ đức tin đã cộng tác với các quốc gia đó. Như Đức Giáo hoàng Phanxicô khẳng định, xây dựng tương lai với người di cư và tị nạn cũng có nghĩa là công nhận và đánh giá cao những đóng góp của họ, phát triển trong tình nhân ái và cùng nhau xây dựng ý thức đoàn kết ngày càng mạnh mẽ hơn. 3

Ở đây, Tòa Thánh ghi nhận rằng tình liên đới được thể hiện bởi một số Quốc gia xứng đáng được ghi nhận cách đặc biệt. Tuy nhiên, tình liên đới hay lòng quảng đại đều không phải là nguồn lực vô tận, và chúng ta không thể để sự gần gũi về địa lý là yếu tố duy nhất quyết định trách nhiệm chung của chúng ta đối với việc bảo vệ hoặc mức hỗ trợ nhân đạo.

Thưa ngài Chủ tịch,

Về vấn đề này, Tòa thánh nhắc lại mối quan ngại rằng một số Quốc gia đã tăng thêm gánh nặng cho các cộng đồng tiếp nhận thông qua một chiến lược đối ngoại không bền vững, né tránh trách nhiệm trực tiếp đối với các dòng di cư lớn, hỗn hợp thông qua các thỏa thuận ngăn người di cư ở những điểm chiến lược trên hành trình của họ. Việc đẩy trách nhiệm như vậy không dẫn đến các giải pháp lâu bền và hiệu quả hơn. Thay vào đó, nó khiến nhiều người tị nạn chuyển qua những con đường thay thế thậm chí còn nguy hiểm hơn để tìm kiếm sự bảo vệ.

Thưa ngài Chủ tịch,

Trước khi kết luận, một lần nữa Tòa Thánh muốn công khai bày tỏ mối quan tâm đến việc sử dụng “Kết luận” của Ủy ban Điều hành nhằm thúc đẩy một số chương trình hành động và hệ tư tưởng, thay vì hướng dẫn cần thiết cho UNHCR giải quyết các nhu cầu cụ thể của người tị nạn và các cộng đồng tiếp nhận. Cách tiếp cận “nhận hoặc bỏ” được sử dụng bởi một số Phái đoàn, bao gồm cả các diễn đàn khác của Liên hợp quốc, làm suy yếu ý chí chính trị và chủ nghĩa đa phương. Phái đoàn mong muốn trở lại đối thoại thiện chí và sẵn sàng làm việc với các Quốc gia khác nhìn thấy giá trị trong việc tái xây dựng các nền tảng của sự đồng thuận thật sự.

Thưa ngài Chủ tịch,

Cuối cùng, về vấn đề này, chúng tôi lưu ý rằng ngày càng có nhiều giải pháp phân mảnh, điều này chỉ làm gia tăng những căng thẳng và chia rẽ. 4 Sẽ là thiển cận nếu chỉ tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ trong khi bỏ qua “các hiện tượng” của những cuộc khủng hoảng khác nhau mà gia đình nhân loại đang phải đối mặt tại thời điểm này. Vì những lý do đó, Tòa Thánh mong muốn đưa ra một phản ánh chung sâu sắc hơn về những nguyên nhân gốc rễ của việc di tản cưỡng bức. Nó bao gồm việc tập trung mọi nỗ lực để bảo đảm các điều kiện cần thiết cho mọi người được sống trong hòa bình, an ninh và phẩm giá tại quốc gia quê hương của họ. Nó cũng đòi hỏi những nỗ lực song song để thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc hòa giải. Đối với vấn đề này, “cần phải chuyển từ các chiến lược sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự sang một kế hoạch vì nền hòa bình toàn cầu: nói không với một thế giới bị chia rẽ giữa các cường quốc xung đột; nói có với một thế giới hợp nhất giữa các dân tộc và các nền văn minh tôn trọng lẫn nhau.” 5

Thưa ngài Ủy viên Cao Ủy, Tòa Thánh chúc mừng việc tiếp tục nhiệm kỳ của ngài, và cam kết cùng nhau làm việc vì lợi ích của những người tị nạn trên khắp thế giới.

Xin cảm ơn ngài Chủ tịch.

_________________

1 Cf. Pope Francis, Address to the Pontifical Academy of Science, 10 September 2022.

2 Cf. Pope Francis, Encyclical Letter Fratelli Tutti § 130

3 Cf. Pope Francis, Message for the 108th World Day of Migrants and Refugees, 25 September 2022.

4 Cf. Statement by His Eminence Cardinal Parolin, Secretary of State of His Holiness Pope Francis, at the General Debate

of the High-Level Week at the Opening of the 77th Session of the United Nations General Assembly, 24 September 2022. 5 Cf. Pope Francis, Words after the Angelus, 3 July 2022


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/10/2022]