Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter 16-21 tháng Một, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter 16-21 tháng Một, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter 16-21 tháng Một, 2018



16 tháng Một: Chúng ta xin Chúa ban cho lòng can đảm để xin sự tha thứ và học cách lắng nghe những gì Người nói với chúng ta.

17 tháng Một: Lắng nghe những giáo huấn hoặc học giáo lý là không đủ. Cần phải sống như Chúa Giê-su đã sống.

18 tháng Một: Thông điệp của Tin mừng là nguồn mạch niềm vui: một niềm vui lan truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và là niềm vui chúng ta được thừa hưởng.

19 tháng Một: Mọi sự sống: từ khởi đầu cho đến lúc kết thúc, từ khi thụ thai đến lúc chết tự nhiên.

20 tháng Một: Không có phương thuốc nào chữa lành nhiều vết thương hiệu quả hơn một trái tim thương xót.

21 tháng Một: Đừng phí thời gian che giấu tâm hồn. Hãy đổ đầy cuộc sống bằng Thần Khí!



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 22/1/2018]


Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ ở Iquique, Chile (Toàn văn) & Lời chào cuối Lễ

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ ở Iquique, Chile (Toàn văn) & Lời chào cuối Lễ

‘Mỗi người chúng ta được mời gọi để trở thành một phần trong phép lạ cho người khác’

18 tháng Một, 2018
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ ở Iquique, Chile (Toàn văn) & Lời chào cuối Lễ
© Vatican Media
Dưới đây là văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong Thánh Lễ ngài dâng trong Khuôn viên Đại học Lobito ở thành phố Iquique của Chile ngày 18 tháng Một, 2018, do Vatican cung cấp, trong chuyến Tông du của ngài đến Chile và Peru, 15-22 tháng Một:


***


“Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê” (Ga 2:11).

Đây là những lời cuối của trích đoạn Tin mừng mà chúng vừa nghe, miêu tả lần xuất hiện công khai đầu tiên của Ngài: tại một bữa tiệc, không hơn không kém. Không thể nào khác hơn, vì Tin mừng là một lời mời gọi liên tục đến với niềm vui. Từ khởi đầu, thiên sứ nói với Mẹ Maria: “Mừng vui lên!” (Lc 1:28). Thiên sứ nói với các mục đồng Mừng vui lên; thiên sứ nói với Êlidabét, một phụ nữ lớn tuổi và hiếm muộn: mừng vui lên; Chúa Giê-su nói với người trộm lành: mừng vui lên vì hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng (x. Lc 23:43).

Trình thuật Tin mừng là một suối nguồn của niềm vui: “Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15:11). Một niềm vui lan tỏa, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, một niềm vui chúng ta đã được thừa hưởng. Vì chúng ta là những người Ki-tô hữu.

Anh chị em đã hiểu rất rõ về điều này, thưa anh chị em thuộc miền bắc Chile thân mến! Anh chị em đã hiểu quá rõ về việc sống đức tin và đời sống trong tinh thần của ngày hội! Cha đến như một người hành hương để cùng hòa nhập với anh chị em để cử hành theo cách sống đức tin rất đẹp này. Những ngày lễ bổn mạng, những điệu múa tôn giáo của anh chị em – có những lúc kéo dài cả tuần lễ – âm nhạc của anh chị em, trang phục, tất cả làm cho miền đất này trở thành một đền thánh của lòng sùng mộ và đời sống thiêng liêng cộng đồng. Vì bữa tiệc không chỉ giữ bên trong nhà thờ, nhưng anh chị em biến toàn thành phố thành một bữa tiệc. Anh chị em biết cách cử hành bằng lời ca và điệu múa ngợi khen “tình cha, sự quan phòng, sự hiện hữu yêu thương và sự trung tín” của Thiên Chúa, và việc này tạo nên “những thái độ nội tâm hiếm tìm thấy ở nơi khác: lòng kiên nhẫn, dấu chỉ của thập giá trong đời sống hàng ngày, sự khách quan, sự mở lòng với người khác, lòng sùng mộ”.[1] Lời của ngôn sứ Isaia trở thành hiện thực: “Bấy giờ sa mạc sẽ trở nên vườn cây ăn trái, và vườn cây ăn trái sẽ được coi như một cánh rừng” (Is 32:15). Miền đất này, được bao quanh bởi sa mạc khô cằn nhất trên thế giới, vẫn tìm cách để mặc lên mình những bộ quần áo dạ tiệc.

Trong không khí lễ hội này, Tin mừng cho chúng ta thấy cách Mẹ Maria làm cho niềm vui đó được liên tục. Mẹ chú ý đến mọi việc diễn ra xung quanh; giống như một người mẹ chu đáo, Mẹ không ngồi im một chỗ. Vì thế Mẹ để ý mọi việc, đến khoảng giữa bữa tiệc và trong không khí vui chung, một điều sắp xảy ra có thể “làm mất đi bầu khí.” Mẹ tiến đến Con của Mẹ và chỉ nói rất đơn giản với Ngài: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2:3).

Cũng như vậy, Mẹ Maria đi qua những thành phố, những con đường, những quảng trường, những ngôi nhà và nhà thương của chúng ta. Maria là Mẹ Đồng Trinh của la Tirana; là Mẹ Đồng Trinh Ayquina ở Calama; là Mẹ Đồng Trinh của Rocks ở Arica. Mẹ chú ý đến tất cả những gì là gánh nặng đè lên tâm hồn chúng ta, rồi Mẹ thì thầm vào tai Chúa Giê-su và nói: “Con xem, “họ hết rượu rồi.”

Mẹ Maria không giữ im lặng. Mẹ bước tới những người phục vụ và nói với họ: “Ngài bảo gì, các anh cứ làm theo” (Ga 2:5). Maria, một người phụ nữ rất ít lời nhưng khi nói là những lời đi thẳng vào vấn đề, cũng đến với mỗi chúng ta và nói đơn giản rằng: “Cứ làm những gì Người bảo con.” Bằng cách này, Mẹ mở đường cho phép lẹ đầu tiên của Chúa Giê-su: làm cho những người bạn của Ngài cảm thấy rằng họ cũng góp phần trong phép lạ. Vì Đức Ki-tô “đến trần gian này không để thực hiện công việc một mình Ngài, nhưng cùng với chúng ta” – Người làm phép lạ với chúng ta – “với tất cả chúng ta, là đầu của một thân thể, trong đó chúng ta là những tế bào sống, tự do và tích cực”.[2] Đây là cách Chúa Giê-su thực hiện những phép lạ: cùng với chúng ta.

Phép lạ bắt đầu khi những người hầu tiến đến các chum nước đựng nước thanh tẩy. Cũng vậy, mỗi chúng ta có thể bắt đầu phép lạ; còn gì hơn thế, mỗi chúng ta được mời gọi để góp phần trong phép lạ cho tha nhân.

Thưa anh chị em, Iquique là một vùng đất của những ước mơ (vì cái tên của nó mang ý nghĩa như vậy trong ngôn ngữ người Aymara). Nó là một vùng đất đã cung cấp nơi trú ngụ cho những người đàn ông và phụ nữ thuộc nhiều dân tộc và văn hóa khác nhau, họ đã phải bỏ lại sau lưng mọi thứ và lên đường ra đi. Khởi hành lên đường luôn mang hy vọng tìm được một cuộc sống tốt đẹp hơn, tuy nhiên như chúng ta biết, lại luôn mang theo những chiếc túi chất đầy nỗi sợ hãi và bấp bênh về tương lai. Iquique là một miền đất của người di cư, điều đó nhắc chúng ta nhớ đến sự lớn lao của những người nam và nữ, toàn thể gia đình, là những người khi đứng trước nghịch cảnh đã không đầu hàng và ra đi tìm sự sống. Tìm sự sống. Họ là hình ảnh của Gia đình Thánh, một gia đình đã phải vượt qua những sa mạc để tiếp tục sống – đặc biệt là những người phải rời bỏ quê hương vì thiếu những nhu cầu thiết yếu nhất cho cuộc sống.

Vùng đất này là vùng đất của những ước mơ, nhưng chúng ta hãy làm việc để bảo đảm rằng nó cũng tiếp tục là một vùng đất của lòng hiếu khách. Một sự hiếu khách như ngày hội, vì chúng ta biết rất rõ rằng khi những cánh cửa bị đóng lại thì sẽ không có niềm vui của người Ki-tô hữu; sẽ không có niềm vui của người Ki-tô hữu khi người khác buộc phải cảm nhận rằng họ là người thừa, khi không có chỗ cho họ ở giữa chúng ta (x. Lc 16:19-31).

Như Mẹ Maria tại Cana, chúng ta hãy cố gắng chú ý nhiều hơn nơi những quảng trường và thành phố của chúng ta, chú ý đến những người mà cuộc sống của họ đã bị “tuột dốc,” những người đã đánh mất – hoặc đã bị cướp mất – những lý do để mừng vui; những người với tâm hồn trĩu buồn. Và chúng ta đừng sợ lớn tiếng và nói: “Họ đã hết rượu rồi.” Tiếng kêu của dân Chúa, tiếng kêu của người nghèo, là một cách cầu nguyện; nó mở tâm hồn chúng ta và dạy chúng ta biết cách quan tâm. Vậy chúng ta hãy quan tâm đến mọi hoàn cảnh bất công và những hình thức bóc lột mới làm cho nhiều anh em chị em của chúng ta bị cướp mất niềm vui của bữa tiệc. Chúng ta hãy quan tâm đến tình trạng thiếu việc làm ổn định, nó tàn phá cuộc sống và gia đình. Chúng ta hãy chú ý đến những người hưởng lợi từ tình trạng khác thường của nhiều người di cư vì họ không biết ngôn ngữ hoặc những người không có giấy tờ “đúng trình tự.” Chúng ta hãy chú ý đến sự thiếu thốn chỗ trú ngụ, đất đai và việc làm của rất nhiều gia đình. Và, như Mẹ Maria, chúng ta hãy nói: Lạy Chúa, họ hết rượu rồi.

Cũng như những gia nhân tại bữa tiệc, chúng ta hãy cho đi những gì chúng ta có, có thể là nhỏ bé thôi. Cũng như họ, chúng ta đừng sợ “giúp một tay.” Mong sao tình đoàn kết của chúng ta trong cam kết vì công bằng trở thành một phần bài ca điệu múa chúng ta dâng lên Chúa. Chúng ta cũng hãy tận dụng lấy cơ hội tốt nhất để học và đón những giá trị, sự khôn ngoan và niềm tin mà những người di cư đem đến trở thành của chúng ta, không khước từ những “cái chum” chứa đầy sự khôn ngoan và lịch sử được mang đến bởi những người tiếp tục đến với miền đất này. Chúng ta đừng tước mất khỏi mình những điều tốt lành mà họ đóng góp.

Và chúng ta hãy cho phép Chúa Giê-su hoàn tất phép lạ bằng cách biến những cộng đoàn và những con tim của chúng ta trở thành dấu chỉ sống động cho sự hiện hữu của Ngài, đó là sự vui mừng và tinh thần lễ hội vì chúng ta đã có kinh nghiệm Thiên Chúa ở cùng chúng ta, vì chúng ta đã học biết cách dành chỗ cho Ngài trong tâm hồn chúng ta. Một niềm vui và tinh thần lễ hội có sức lan tỏa giúp chúng ta không loại trừ bất kỳ ai khỏi công cuộc loan báo Tin Vui này, và chia sẻ tất cả những gì thuộc về văn hóa cội nguồn của chúng ta, để làm phong phú nó với những gì thực sự là của chúng ta, với những truyền thống của riêng chúng ta, với sự khôn ngoan của tiền nhân, để những người mới đến có thể gặp gỡ được sự khôn ngoan và chia sẻ của riêng họ. Đây là sự mừng vui. Đây là nước được biến thành rượu. Đây là phép lạ mà Chúa Giê-su thực hiện.

Nguyện xin Mẹ Maria, với nhiều danh hiệu khác nhau trong miền đất phía bắc được chúc phúc này, tiếp tục thì thầm vào tai Chúa Giê-su, Con của Mẹ: “Họ hết rượu rồi,” và nguyện xin lời của Mẹ tiếp tục tìm được chỗ trong chúng con: “Hãy làm những gì Người bảo các anh.”

_________________________

[1] PHAOLO VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, 48.

[2] THÁNH ALBERTO HURTADO, Meditación Semana Santa para jóvenes (1946)

[Văn bản chính bài giảng của Đức Thánh Cha: tiếng Tây Ban nha]


© Libreria Editrice Vaticana



Lời chào cuối của Đức Thánh Cha

Cuối Thánh lễ này, tôi xin cảm ơn Đức Giám mục Guillermo Vera Soto của Iquique với những chia sẻ rất đẹp thay mặt cho các anh em giám mục và dân Chúa. Cảm giác giống như buổi chào tạm biệt.

Một lần nữa tôi cảm ơn Bà Tổng thống Michelle Bachelet đã mời tôi đến thăm đất nước. Tôi đặc biệt cảm ơn tất cả quý vị đã giúp cho chuyến đi này được diễn ra tốt đẹp: những giới chức dân sự và tất cả những người với chuyên môn của mình đã giúp cho chúng tôi có những thời gian gặp gỡ thú vị.

Cha cũng cảm ơn hàng ngàn anh chị em thiện nguyện với công việc thầm lặng và hy sinh, trên hai mươi ngàn người. Nếu không có sự cam kết và công việc nặng nhọc của họ thì đã không có những chum nước ở đây để Chúa thực hiện phép lạ mang đến cho chúng ta rượu mừng vui. Và cha cũng xin cảm ơn tất cả anh chị em bằng cách này cách khác đã đồng hành với chuyến hành hương này, đặc biệt trong lời cầu nguyện. Cha biết anh chị em đã phải hy sinh để góp phần vào trong những buổi cử hành và gặp gỡ của chúng ta. Cha rất tri ân điều này và cha chân thành cảm ơn anh chị em. Cha cũng cảm ơn các thành viên trong ủy ban tổ chức. Tất cả anh chị em đã làm việc rất vất vả, cảm ơn rất nhiều.

Bây giờ cha tiếp tục chuyến hành hương đế Peru, một đất nước bạn và là anh em của dân tộc Chile vĩ đại này, điều mà chúng ta được kêu gọi phải trân trọng và giữ gìn. Đó là một đất nước tìm được nét đẹp của mình nơi rất nhiều khuôn mặt khác nhau của dân tộc.

Anh chị em thân mến, trong mỗi Thánh Lễ chúng ta cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin Người nhìn đến đức tin của Hội thánh Người, và ban ơn hòa bình và hiệp nhất theo ý của Người.” Cha không biết nói gì hơn với anh chị em vào giây phút cuối của chuyến thăm ngoài lời dâng lên Thiên Chúa: Xin Người hãy nhìn đến đức tin của dân tộc này và ban cho họ sự hiệp nhất và hòa bình!

Cảm ơn, và cha xin anh chị em hãy nhớ cầu nguyện cho cha. Cha rất cảm kích vì sự hiện diện của rất nhiều anh chị em hành hương đến từ những quốc gia anh em Bolivia, Peru, và xin đừng ganh tỵ, và đặc biệt là anh chị em Argentina, vì Argentina là quê hương của cha. Cảm ơn anh chị em Argentina đã đồng hành với cha ở Santiago, Temuco và tại đây ở Iquique. Cảm ơn rất nhiều.

[Văn bản chính lời chào của Đức Thánh Cha: tiếng Tây Ban nha]

© Libreria Editrice Vaticana


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/1/2018]