Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2018

Linh mục Mexico bị sát hại trên đường đi dâng Lễ

Linh mục Mexico bị sát hại trên đường đi dâng Lễ

19 tháng Tư, 2018
Linh mục Mexico bị sát hại trên đường đi dâng Lễ
Coordinación-de-Mandos-Unipol

Giáo hội Mexico lại một lần nữa chịu tang

Chỉ vài phút trước khi bắt đầu Thánh Lễ chính 6:30 chiều thứ Tư, Cha Rubén Alcántara Díaz (50 tuổi) bị sát hại khi ngài đang đi vào trong nhà thờ Nuestra Señora del Carmen, thuộc vùng Cuautitlán Izcalli, một Tiểu bang của Mexico (phía bắc Mexico City, thuộc khu vực ngoại ô của đô thị).

Ít phút sau, cảnh sát khu vực và tiểu bang đến hiện trường cách ly khu vực, nằm giữa hai con đường Miraluna và Miramar thuộc vùng Cumbria phụ cận. Văn phòng Trưởng Tư pháp Tiểu bang Mexico bắt đầu điều tra.

Vụ tấn công tàn độc chưa cho thấy động cơ rõ ràng.

Lời khai của những người làm chứng vẫn còn mâu thuẫn. Tuy nhiên, theo những người sống gần nhà thờ, Cha Alcántara bước vào trong nhà thờ và nói chuyện với hai người giáo dân. Khi ngài chuẩn bị vào trong nhà xứ, ngài liền bị tấn công bởi hai kẻ được cho là tội phạm có vũ trang bằng dao. Những kẻ tấn công đâm linh mục nhiều nhát, khiến ngài tử vong.

Trung tâm Đa Truyền thông Công giáo (CCM), một tổ chức chuyên tố cáo những vụ sát hại các linh mục và bạo lực chống lại các ngài đang gia tăng trong quốc gia Mexico, lên tiếng về vụ sát hại Cha Alcántara và nhắc lại rằng trong suốt nhiệm kỳ sáu năm dưới quyền của Tổng thống Enrique Peña Nieto, 22 linh mục đã bị giết.

“Với sự đau buồn vô hạn chúng tôi xin thông báo về vụ giết hại Cha Rubén Alcántara Díaz, ngài là Linh mục đại diện tư pháp của Giáo phận Izcalli. Thật đáng buồn, đã có 22 linh mục bị giết hại từ trước tới nay dưới chính phủ hiện tại,” CCM đăng tải trên các mạng xã hội của họ.

CMM báo cáo rằng không có bằng chứng tại chỗ về vụ giết hại. Vị linh mục được nhìn thấy có tranh cãi với kẻ sát hại ngài trước lúc vụ tấn công xảy ra, kẻ sát hại ngay sau đó rời khỏi hiện trường. CMM trước đó có bình luận rằng Mexico dẫn đầu ở Châu Mỹ Latinh về sự sát hại giáo sĩ.

Những con số kinh hoàng

Vụ tấn công sát hại gần đây nhất nhắm vào các linh mục Mexico xảy ra trong Tiểu bang Guerrero, ngày 5 tháng Hai, khi Cha Germaín Muñiz García, 39 tuổi, thuộc vùng Mártir de Cuilapan, bị bắn chết cùng với Cha Iván Añorve Jaimes, 37 tuổi, quê gốc ở Acapulco.

Năm 2017, bốn linh mục đã bị giết. Cha Felipe Altamirano Carrillo, một linh mục người thổ dân Nayar, trong vùng Nayarit; Cha Joaquín Hernández, thuộc Giáo phận Saltillo; Cha Luis López Villa, 73 tuổi, thuộc Giáo phận Nezahualcóyotl; và Cha José Miguel Machorro, bị tấn công một cách dã man bằng dao, sau khi dâng Lễ trong Nhà thờ Chính tòa Metropolitan của Mexico City.

Từ khi chính quyền Mexico hiện tại bắt đầu nắm quyền năm 2012, Mexico đã chứng kiến 22 vụ giết hại linh mục. Với 3 vụ trong bốn tháng đầu năm 2018, một lần nữa năm nay cho thấy một năm khủng khiếp với giới linh mục ở Mexico, một quốc gia với tỷ lệ dân số Công giáo đứng hàng thứ hai trên thế giới.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/4/2018]


Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico ở Molfetta

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico ở Molfetta
© Vatican Media

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico ở Molfetta

‘Trong mỗi Thánh Lễ chúng ta được nuôi dưỡng bằng Bánh sự sống và Lời cứu rỗi: chúng ta hãy sống những gì chúng ta cử hành!’


20 tháng Tư, 2018 16:34

Đức Thánh Cha Phanxico đến thăm các thị trấn Alessano và Molfetta thuộc miền nam Ý trong vùng Puglia để kỷ niệm 25 năm ngày qua đời của vị giám mục nổi tiếng người Ý, Don Tonino Bello, ngài được nhớ với công cuộc giúp đỡ người nghèo, người thua thiệt, và thúc đẩy hòa bình. Năm 2007, án phong chân phước của Đức Don Tonino, vị giám mục quá cố của Molfetta-Ruvo-Giovinazzo-Terlizzi, đã được mở.

Khoảng 11 giờ sáng, máy bay trực thăng của Đức Thánh Cha Phanxico, đã khởi hành từ Alessano, đáp xuống Piazza Cala Sant’Andrea, bên cạnh Nhà thờ Chính tòa. Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe hơi đến cảng Molfetta, tại đây ngài chào các tín hữu tại bến cảng, ngài lên sân khấu được dựng để Dâng Lễ. Tại cảng Molfetta, Đức Thánh Cha chủ tế Thánh Lễ. Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico do Văn phòng Báo chí Vatican cung cấp:

***

Những bài đọc mà chúng ta vừa nghe trình bày hai yếu tố trọng tâm cho đời sống Ki-tô hữu: Bánh và Lời Chúa.

Bánh. Bánh là phần lương thực thiết yếu cho sự sống, và trong Tin mừng Chúa Giê-su hiến thân mình dưới hình Bánh sự sống cho chúng ta, dường như nói với chúng ta rằng: “Các con không thể làm việc nếu không có Ta.” Và Người sử dụng cách diễn tả rất mạnh mẽ: “Hãy ăn thịt Con Người và uống máu của Người” (x. Ga 6: 53). Điều này có nghĩa gì? Nghĩa là đi vào mối quan hệ riêng tư mật thiết với Ngài là nền tảng cho đời sống của chúng ta. Thịt và máu. Thánh Lễ là như vậy: đó không phải là một nghi thức đẹp mắt, nhưng là sự kết hiệp thân tình nhất, cụ thể nhất, ngạc nhiên nhất với Thiên Chúa mà chúng ta có thể hình dung: một sự kết hiệp của tình yêu quá thật đến mức được thể hiện dưới hình thức ăn. Đời sống người Ki-tô hữu bắt đầu từ đây, từ bàn tiệc này, nơi Chúa làm chúng ta no nê với tình yêu. Nếu không có Ngài là Bánh sự sống, mọi nỗ lực trong Giáo hội đều trở nên hão huyền, như Đức Don Tonino Bello nhắc lại: “Những việc bác ái là chưa đủ, nếu thiếu tính bác ái trong những công việc. Nếu thiếu tình yêu trong những công việc được thực hiện, nếu thiếu nguồn mạch, nếu thiếu điểm khởi đầu đó là Thánh Thể, bất kỳ trách nhiệm mục vụ nào cũng chỉ là sự khuấy động mọi thứ” [1].

Trong Tin mừng Chúa Giê-su nói thêm: “Kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống” (c. 57). Dường như ý Người là: ai ăn Mình Thánh sẽ cùng trở nên như Chúa. Người là Bánh được bẻ ra cho chúng ta, và ai đón nhận bánh đến lượt họ lại trở nên bánh được bẻ ra, và không làm điều đó vì sự kiêu căng, nhưng là cho đi bản thân vì người khác: người đó không còn sống cho riêng bản thân mình, cho sự thành công của riêng mình, để đạt được một điều gì đó hay trở thành một ai đó, nhưng người ấy sống cho Chúa Giê-su và trở nên như Chúa Giê-su, tức là sống cho người khác. Sống cho là dấu chỉ của những ai ăn Bánh này, nó là “nhãn hiệu đăng ký” của người Ki-tô hữu: sống cho. Chúng ta có thể đặt một bảng bên ngoài nhà thờ: “Sau Thánh Lễ chúng ta không còn sống cho bản thân nữa nhưng là sống cho người khác.” Thật tuyệt vời nếu trong giáo phận Don Tonino Bello này, có một bảng hiệu trên cửa mỗi nhà thờ, để mọi người đọc được: “Sau Thánh Lễ chúng ta không còn sống cho bản thân nữa nhưng là sống cho người khác.” Đức Don Tonino đã sống như vậy: ở giữa anh chị em là một vị Giám mục phục vụ, một Mục tử trở nên một dân tộc, người đứng trước Nhà Tạm đã học cách phục vụ dân Người. Ngài mơ ước một Giáo hội thèm khát Chúa Giê-su và không dung thứ cho mọi điều thuộc trần tục, một Giáo hội “biết cách nhận biết thân thể của Đức Ki-tô trong những nhà tạm rất khó chịu của cảnh nghèo khổ, của sự đau khổ, của sự cô đơn” [2]. Vì ngài nói, “Thánh Thể không chịu đựng được sự ù lì” và không thể để bàn tiệc vẫn còn là “một bí tích chưa trọn vẹn” [3]. Chúng ta hãy tự hỏi mình: Bí tích này có trở nên thiện thực trong tôi không? Cụ thể hơn đó là: Tôi chỉ thích được Thiên Chúa phục vụ tại bàn, hay tôi đứng dậy và phục vụ như Chúa? Và trong cuộc sống tôi có cho đi những gì tôi đón nhận trong Thánh Lễ không? Và với Cộng đoàn chúng ta hãy tự hỏi: sau quá nhiều Thánh Lễ hiệp nhất, chúng ta đã trở nên dân tộc hiệp nhất chưa?

Bánh sự sống, Bánh được bẻ ra quả thật cũng là Bánh bình an. Đức Don Tonino nói rằng “sẽ không có bình an khi chúng ta lấy bánh của mình và đi ăn ở một nơi riêng của mình. […] Bình an là một điều vượt nhiều hơn thế: đó là sự chung vui”. Đó là “cùng ăn bánh với người khác, không chia rẽ, ngồi tại bàn cùng với nhiều người khác nhau,” tại đó “tha nhân là một khuôn mặt để chúng ta khám phá, để chiêm ngưỡng, để yêu mến” [4]. Vì mọi sự xung đột và chiến tranh “đều xuất phát từ việc làm lu mờ đi những khuôn mặt” [5]. Và chúng ta, những người chia sẻ Bánh hiệp nhất và bình an này, được kêu gọi yêu thương mọi khuôn mặt, sửa lại mọi chỗ rạn nứt; trở thành những nhà kiến tạo hoà bình mọi lúc mọi nơi.

Cùng với Bánh sự sống là Lời Chúa. Tin mừng đưa ra những sự tranh luận rất gắt gao về lời của Chúa Giê-su: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (c. 52). Có một hơi hướng của tư tưởng chủ bại trong câu này. Có rất nhiều câu hỏi tương tự như câu này: làm sao Tin mừng có thể giải quyết được những vấn đề của thế giới? Làm việc thiện có ích gì giữa muôn vàn điều ác? Và chúng ta rơi vào sai lầm của những người đó, bị tê liệt khi tranh luận những lời của Chúa Giê-su, thay vì sẵn sàng đón nhận sự thay đổi cuộc sống theo như Người yêu cầu. Họ không hiểu rằng Lời của Chúa Giê-su là bước đi trong cuộc sống, không phải ngồi đó và tranh luận về điều gì là tốt và điều gì là không tốt. Đúng vào ngày Phục sinh, Đức Don Tonino đã mong ước chào đón đời sống mới này, chuyển từ lời nói thành hành động. Từ đó ngài đã đưa ra một sự thúc đẩy chân thành cho những người không có đủ can đảm để thay đổi: “Những chuyên gia phân tích những chi tiết phức tạp. Những người tỉ mỉ tìm kiếm những gì thuận và nghịch. Những người tính toán thể hiện sự cẩn trọng ở mức độ cao nhất trước khi chuyển động” [6]. Sẽ không có câu trả lời cho Chúa Giê-su theo những tính toán và những sự thuận tiện của hiện tại; chỉ có câu “xin vâng” bằng tất cả đời sống của chúng ta cho Người. Người không tìm kiếm những nhận xét của chúng ta, nhưng Người tìm sự hoán cải của chúng ta. Người đi tìm những tâm hồn.

Cùng Lời của Chúa đưa ra, trong bài đọc một, Đức Giê-su Phục sinh đến với Sao-lô và không cho lý do rõ ràng, nhưng yêu cầu ông phải phiêu lưu cuộc sống của ông. Người nói với ông: “Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì” (Cv 9,6). Trước hết là “Đứng dậy.” Việc đầu tiên là tránh không ngồi lỳ trên mặt đất, nhấm nháp sự đau khổ của cuộc đời, bị nỗi sợ hãi tóm lấy. Không biết bao nhiêu lần Đức Don Tonino lặp đi lặp lại: “Hãy đứng dậy!” vì “thật không hợp lý khi ở trước Đấng Phục sinh mà lại không đứng trên đôi chân của mình” [7]. Hãy luôn đứng dậy, ngước nhìn lên, vì người tông đồ của Chúa Giê-su không thể sống bằng lòng với những sự thỏa mãn vụn vặt.

Sau đó Chúa nói với Sao-lô: “Hãy đi vào thành.” Và Người cũng nói với mỗi người chúng ta: “Hãy đi, đừng khóa cửa ở lại trong những không gian an toàn của con, hãy phiêu lưu!” “Phiêu lưu!” Đời sống người Ki-tô hữu phải được đầu tư cho Chúa Giê-su và dành cho tha nhân. Sau khi gặp gỡ Đấng Phục sinh chúng ta không thể chờ đợi, chúng ta không thể hoãn lại; chúng ta phải đi, phải ra đi, bất chấp mọi vấn đề và mọi sự chênh vênh. Chẳng hạn, chúng ta nhìn thấy một Sao-lô, sau khi đối thoại với Chúa Giê-su, dù bị mù vẫn đứng dậy và đi vào thành. Chúng ta nhìn thấy Kha-na-ni-a, người cho dù rất sợ và lưỡng lự, nhưng vẫn nói: “Lạy Chúa, con đây!” (c. 10) và ngay lập tức đi đến với Sao-lô. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi để trở thành những người chủ thể quản thủ của niềm hy vọng Phục sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào của mình, “Cyrenians hân hoan”, như Đức Don Tonino nói; là những người phục vụ cho thế giới, nhưng đã phục sinh, không phải được thuê mướn; không bao giờ tự cản trở mình, không bao giờ đầu hàng. Thật đẹp khi trở thành “những người mang đến hy vọng,” những người phân phát lời Alleluia Vượt qua một cách đơn sơ và hân hoan.

Cuối cùng Chúa Giê-su nói với Sao-lô: “Người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì.” Sao-lô, một con người quả quyết và dứt khoát, im lặng và bước đi, trở nên nhu mì trước Lời của Chúa Giê-su. Ông chấp nhận sự vâng phục, ông trở nên kiên nhẫn, ông hiểu rằng sự sống của ông không còn tùy thuộc vào ông nữa. Ông học tính khiêm nhường. Vì khiêm nhường không có nghĩa là e ngại hay bị ép buộc, nhưng là nhu mì trước Thiên Chúa và từ bỏ mình. Rồi thậm chí có cả những việc chịu nhục cũng nằm trong sự quan phòng, như những gì Sao-lô trải nghiệm thực tế trên đường đến Đa-mát, vì chúng gột sạch đi sự ngạo mạn và để cho Thiên Chúa trổi lên. Và Lời Chúa thực hiện điều này: Lời Chúa giải phóng, khơi dậy, và giữ cho chúng ta tiếp tục tiến bước, đồng thời khiêm nhường và can đảm. Lời Chúa không làm cho chúng ta trở thành những vai diễn chính một cách máy móc và những người vô địch với kỹ năng riêng của mình. Không, Lời Chúa làm chúng ta trở thành những chứng nhân đích thực của Chúa Giê-su, Đấng đã chết và sống lại trên trần gian.

Anh chị em thân mến, Trong mỗi Thánh Lễ chúng ta được nuôi dưỡng bằng Bánh sự sống và Lời cứu rỗi: chúng ta hãy sống những gì chúng ta cử hành! Bằng con đường này, cũng như Đức Don Tonino, chúng ta sẽ trở thành những nguồn mạch của hy vọng, niềm vui và bình an.


[1] «Configurati a Cristo capo e sacerdote»,Cirenei della gioia, (“Configured to Christ, head and priest”, Cyrenians of Joy) 2004, 54-55.

[2] «Sono credibili le nostre Eucarestie?», Articoli, corrispondenze, lettere (“Are our Eucharists credible?”, Articles, corrispondence, letters) 2003, 236.

[3] «Servi nella Chiesa per il mondo» (“Servants in the Church for the World”) ivi, 103-104.

[4] «La non violenza in una società violenta», Scritti di pace, (“Non-violence in a violent society”, Writings of peace) 1997, 66-67.

[5] «La pace come ricerca del volto», Omelie e scritti quaresimali, (“Peace as the search for the face”, Lenten Homilies and Writings), 1994, 317.

[6] «Lievito vecchio e pasta nuova», Vegliare nella notte (“Old leaven and new dough”, Keeping watch at night), 1995, 91.

[7] Lời chào cuối kết Lễ Truyền dầu, 8 tháng Tư, 1993.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/4/2018]