Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

Đức Thánh Cha Phanxico dâng Đại Lễ Mình và Máu Cực Thánh Chúa Kitô trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô

Đức Thánh Cha Phanxico dâng Đại Lễ Mình và Máu Cực Thánh Chúa Kitô trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô
© Vatican Media

Đức Thánh Cha Phanxico dâng Đại Lễ Mình và Máu Cực Thánh Chúa Kitô trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô

‘Sự ghi nhớ không phải là điều gì đó riêng tư; nó là con đường kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân.’

14 tháng Sáu, 2020 15:05

Đức Thánh Cha nói về sự ghi nhớ trong bài giảng Đại Lễ Mình và Máu cực Thánh Chúa Kitô. Tuy nhiên, lời của ngài không phải là một ký ức hoài niệm; chúng là những lời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự ghi nhớ về đức tin Kitô giáo.

Bài giảng của Đức Thánh Cha được trình bày tại Thánh Lễ trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Do những phòng ngừa về coronavurs cộng đoàn tham dự Lễ bị giới hạn và thực hiện “giãn cách xã hội” phù hợp.

Đức Thánh Cha Phanxico nói, “Điều vô cùng quan trọng là phải ghi nhớ về sự tốt lành chúng ta đã đón nhận. Nếu chúng ta không nhớ được nó, chúng ta trở thành người xa lạ với chính bản thân mình, là “khách qua đường” của cuộc sống. Không có sự ghi nhớ, chúng ta nhổ bật rễ của mình khỏi tầng đất nuôi dưỡng chúng ta và cho phép bản thân bị cuốn đi như những chiếc lá trước gió.

“Tuy nhiên, nếu chúng ta thật sự ghi nhớ, một lần nữa chúng ta gắn kết chặt chẽ với những mối ràng buộc vững chắc nhất; chúng ta cảm thấy là một phần của lịch sử sống động, kinh nghiệm sống động của một dân tộc. Sự ghi nhớ không phải là điều gì đó riêng tư; nó là con đường kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân. Đó là lý do tại sao trong Kinh Thánh sự ghi nhớ của Thiên Chúa phải được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.”

Đức Thánh Cha tiếp tục giải thích rằng những khó khăn nổi lên khi “chuỗi mắt xích ghi nhớ” bị ngắt quãng. Làm sao người tín hữu có thể nhớ lại những gì chưa được trải nghiệm?

Thánh Lễ chữa lành “ký ức mồ côi” bằng cách trình bày cho người tín hữu những gì họ chỉ được nghe nói nếu không có Thánh Lễ. Qua Bí tích Cực Thánh, Thiên Chúa làm cho chúng ta có thể nhớ lại.

“Chúa biết nó khó khăn như thế nào, Người biết sự ghi nhớ của chúng ta rất yếu kém, và Người đã làm một điều cao vời: Người để lại cho chúng ta một sự kỷ niệm,” Đức Phanxico nói. “Người không chỉ để lại cho chúng ta những lời nói, vì chúng ta rất dễ quên những gì nghe thấy. Người không chỉ để lại cho chúng ta các Sách Thánh, vì chúng ta rất dễ quên những gì mình đọc. Người không để lại cho chúng ta những dấu chỉ, vì chúng ta có thể quên những gì chúng ta nhìn thấy. Người ban cho chúng ta Lương thực, vì không dễ để quên điều chúng ta thật sự nếm trải.”


Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha, của Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):

“Anh em phải nhớ lại tất cả con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã dẫn anh em” (Đnl 8:2). Các bài đọc Sách Thánh hôm nay bắt đầu với mệnh lệnh của ông Môisê: Phải nhớ! Ngay sau đó Môisê nhắc lại: “Đừng kiêu ngạo mà quên Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em” (c.14). Sách Thánh đã được tặng ban cho chúng ta để chúng ta có thể vượt qua bản tính hay lãng quên Thiên Chúa. Điều rất quan trọng là phải nhớ đến điều này khi chúng ta cầu nguyện! Như một Thánh vịnh dạy: “Lạy Chúa, con tưởng nhớ bao việc Ngài làm, tưởng nhớ những kỳ công thuở trước.” (77:11). Nhưng cả những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc đời của riêng chúng ta.

Điều vô cùng quan trọng là phải ghi nhớ về sự tốt lành chúng ta đã đón nhận. Nếu chúng ta không nhớ được nó, chúng ta trở thành người xa lạ với chính bản thân mình, là “khách qua đường” của cuộc sống. Không có sự ghi nhớ, chúng ta nhổ bật rễ của mình khỏi tầng đất nuôi dưỡng chúng ta và cho phép bản thân bị cuốn đi như những chiếc lá trước gió. Tuy nhiên, nếu chúng ta thật sự ghi nhớ, một lần nữa chúng ta gắn kết chặt chẽ với những mối ràng buộc vững chắc nhất; chúng ta cảm thấy là một phần của lịch sử sống động, kinh nghiệm sống động của một dân tộc. Sự ghi nhớ không phải là điều gì đó riêng tư; nó là con đường kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân. Đó là lý do tại sao trong Kinh Thánh sự ghi nhớ của Thiên Chúa phải được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những người cha phải có trách nhiệm kể câu chuyện cho các con của họ, như chúng ta đọc được trong một trích đoạn rất đẹp. “Mai ngày khi con anh em hỏi anh em rằng: ‘Vì sao có các thánh ý, thánh chỉ, quyết định mà Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, đã truyền cho quý vị?’ Anh em sẽ trả lời cho con anh em: ‘Chúng ta xưa làm nô lệ … [hãy nghĩ đến toàn bộ lịch sử bị nô lệ!]. Trước mắt chúng ta, Đức Chúa đã thực hiện những điềm thiêng dấu lạ’” (Đnl 6:20-22). Ngươi sẽ truyền lại ký ức này cho con của ngươi.

Nhưng có một vấn đề: chuyện gì xảy ra nếu chuỗi mắt xích những ký ức bị ngắt quãng? Và làm sao chúng ta có thể nhớ lại những gì chúng ta chỉ được nghe nếu chúng ta chưa thật sự trải nghiệm nó? Chúa biết nó khó khăn như thế nào, Người biết sự ghi nhớ của chúng ta rất yếu kém, và Người đã làm một điều cao vời: Người để lại cho chúng ta một sự kỷ niệm. Người không chỉ để lại cho chúng ta những lời nói, vì chúng ta rất dễ quên những gì nghe thấy. Người không chỉ để lại cho chúng ta các Sách Thánh, vì chúng ta rất dễ quên những gì mình đọc. Người không để lại cho chúng ta những dấu chỉ, vì chúng ta có thể quên những gì chúng ta nhìn thấy. Người ban cho chúng ta Lương thực, vì không dễ để quên điều chúng ta thật sự nếm trải. Người để lại cho chúng ta Bánh trong đó Người thật sự hiện hữu, sống động, và thật, với tất cả hương vị tình yêu của Người. Khi đón nhận Người chúng ta có thể nói: “Người là Chúa; Người nhớ đến tôi!” Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11:24). Hãy làm! Thánh Lễ không đơn thuần là một hoạt động để nhớ lại; nó là một sự kiện: một lần nữa Lễ Vượt qua của Chúa được tái hiện cho chúng ta. Trong Thánh Lễ, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu diễn ra trước mắt chúng ta. Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy: cùng đến với nhau và cử hành Thánh Lễ như một cộng đoàn, như một dân tộc, như một gia đình, để nhớ đến Thầy. Chúng ta không thể thực hiện được nếu không có Thánh Thể, vì đó là sự ghi nhớ của Thiên Chúa. Và nó chữa lành ký ước bị thương tổn của chúng ta.

Trước hết Thánh Lễ chữa lành ký ức mồ côi của chúng ta. Chúng ta đang sống trong một thời đại của cảnh mồ côi rất lớn. Thánh Lễ chữa lành ký ức mồ côi. Quá nhiều người mang những ký ức bị đánh dấu bởi thiếu sự yêu thương và những thất vọng cay đắng do chính những người đáng lẽ phải yêu thương họ gây ra, nhưng thay vì vậy khiến cho con tim họ mồ côi. Chúng ta muốn quay ngược lại và thay đổi quá khứ, nhưng chúng ta không thể. Tuy nhiên, Thiên Chúa có thể chữa lành những vết thương này bằng cách đặt vào trong ký ức của chúng ta một tình yêu lớn lao hơn: tình yêu của Người. Thánh Thể mang chúng ta đến với tình yêu trung tín của Chúa Cha, nó chữa lành cảm giác là những đứa con mồ côi của chúng ta. Nó trao tặng cho chúng ta tình yêu của Chúa Giêsu, nó biến đổi một ngôi mộ từ một điểm chấm hết thành một khởi đầu, và cũng theo cách đó có thể biến đổi đời sống chúng ta. Nó lấp đầy tâm hồn chúng ta với tình yêu an ủi của Chúa Thánh Thần là Đấng không bao giờ bỏ chúng ta một mình và luôn luôn chữa lành những vết thương của chúng ta.

Qua Thánh Thể, Chúa cũng chữa lành ký ức tiêu cực của chúng ta, tính tiêu cực đó quá thường xuyên thấm vào trong tâm hồn chúng ta. Chúa chữa lành ký ức tiêu cực này, nó làm lộ ra trên mặt những điều sai trái đã xảy ra và để lại cho chúng ta suy nghĩ tiếc nuối rằng chúng ta là vô dụng, rằng chúng ta chỉ gây ra lỗi lầm, rằng chính bản thân chúng ta là một sai lỗi. Chúa Giêsu đến để nói với chúng ta rằng điều đó không phải như vậy. Người muốn gần gũi với chúng ta. Mỗi khi chúng ta đón nhận Người, Người nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta rất quý giá, rằng chúng ta là những vị khách Người đã mời đến dự yến tiệc của Người, là những người bạn mà Ngài muốn dùng bữa chung. Và không chỉ bởi vì Ngài quảng đại, nhưng vì Người thật sự thương yêu chúng ta. Người nhìn thấy và yêu vẻ đẹp và sự tốt lành của con người chúng ta. Chúa biết rằng sự dữ và tội lỗi không khẳng định chúng ta; chúng là những căn bệnh, những sự nhiễm trùng. Và Người để để chữa lành chúng bằng Thánh Thể có chứa những kháng thể cho ký ức tiêu cực của chúng ta. Với Chúa Giêsu, chúng ta có thể trở nên miễn nhiễm với sự buồn bã. Chúng ta sẽ luôn luôn nhớ đến những thất bại, những rắc rối, những vấn đề ở nhà, và tại nơi làm việc, những giấc mơ không thành hiện thực. Nhưng sức nặng của nó không đè bẹp chúng ta vì Chúa Giêsu hiện diện thậm chí còn sâu sắc hơn, động viên chúng ta bằng tình yêu của Người. Đây là sức mạnh của Thánh Thể biến đổi chúng ta thành những người mang Chúa đến, là những người mang đến niềm vui, không phải nỗi buồn. Chúng ta là những người tham dự Thánh Lễ hãy tự hỏi mình: chúng ta mang điều gì đến cho thế giới? Có phải đó là nỗi buồn và sự cay đắng của mình, hay niềm vui của Chúa? Chúng ta Rước Lễ và rồi lại tiếp tục phàn nàn, chỉ trích, và cảm thấy tiếc nuối đối với bản thân không? Điều này chẳng cải thiện được gì, trong khi niềm vui của Chúa có thể thay đổi cuộc sống.

Cuối cùng, Thánh Thể chữa lành ký ức khép kín của chúng ta. Những vết thương chúng ta giữ chặt trong lòng tạo ra các vấn đề không chỉ cho chúng ta, mà cho cả người khác. Chúng làm cho chúng ta sợ hãi và hoài nghi. Chúng ta bắt đầu khép kín và cuối cùng trở nên yếm thế và thờ ơ. Những vết thương của mình có thể khiến chúng ta phản ứng với người khác bằng sự lạnh lùng và kiêu căng, trong ảo tưởng rằng bằng cách này chúng ta có thể kiểm soát được tình hình. Nhưng nó chỉ là một ảo tưởng, vì chỉ có yêu thương mới có thể chữa lành sự sợ hãi tận gốc rễ của nó và giải thoát chúng ta khỏi tính quy ngã cầm tù chúng ta. Và đó là điều Chúa Giêsu làm. Người nhẹ nhàng tiến đến chúng ta, trong sự đơn sơ của Mình Thánh. Người trở nên như Bánh bẻ ra để phá vỡ những cái vỏ ích kỷ của chúng ta. Người trao tặng chính mình Ngài để dạy cho chúng ta rằng chỉ bằng cách mở rộng tâm hồn thì chúng ta mới có thể thoát khỏi những rào cản trong lòng, khỏi sự tê liệt của tâm hồn.

Thiên Chúa ban tặng chính mình Ngài cho chúng ta trong sự đơn sơ của tấm bánh, cũng mời gọi chúng ta không lãng phí cuộc đời để đuổi theo vô số những ảo ảnh mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta không thể thiếu chúng, nhưng nó để lại cho chúng ta sự trống rỗng trong tâm hồn. Thánh Thể làm thỏa mãn cơn đói khát của cải vật chất của chúng ta và nhóm lên lòng khát khao phục vụ. Nó nâng chúng ta đứng dậy từ cách sống tiện nghi và biếng nhác, và nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không chỉ là những cái miệng để được bón thức ăn, nhưng cũng là những bàn tay của Người, để giúp cho người khác ăn. Điều thật sự cấp bách hiện nay là chăm sóc cho những người đói ăn và đói phẩm giá, cho những người không có việc làm và cho những người phải chật vật kiếm sống. Và chúng ta phải thực hiện việc này một cách rất thật, thật như Bánh mà Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta. Cần có sự gần gũi đích thực, cũng như các mối dây liên đới thật sự. Trong Thánh Thể, Chúa Giêsu đến gần chúng ta: để chúng ta không quay mặt xa cách những người chung quanh chúng ta!

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tiếp tục cử hành Thánh Lễ: Sự ghi nhớ chữa lành ký ức của chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ quên: Thánh Lễ là sự ghi nhớ chữa lành ký ức, ký ức của tâm hồn. Thánh Lễ phải là gia tài quý báu nhất trong Giáo hội và trong cuộc đời chúng ta. Và chúng ta cũng hãy tái khám phá sự tôn thờ Thánh Thể, tiếp tục công việc của Thánh Lễ trong chúng ta. Việc này sẽ vô cùng tốt lành cho chúng ta, vì nó chữa lành trong tâm hồn chúng ta. Đặc biệt lúc này khi sự thiếu thốn của chúng ta quá lớn.

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/6/2020]


‘Thiên Chúa đã chọn gọi chúng tôi’: câu chuyện của hai anh em được truyền chức linh mục Công giáo cùng một ngày

‘Thiên Chúa đã chọn gọi chúng tôi’: câu chuyện của hai anh em được truyền chức linh mục Công giáo cùng một ngày

‘Thiên Chúa đã chọn gọi chúng tôi’: câu chuyện của hai anh em được truyền chức linh mục Công giáo cùng một ngày
Cha Connor (trái) và Cha Peyton Plessala. Courtesy photo.
Jonah McKeown

Denver Newsroom, 12 tháng Sáu, 2020 / 12:02 sáng MT (CNA). - Peyton and Connor Plessala là hai anh em quê ở Mobile, Alabama. Hai người cách nhau 18 tháng — cách một cấp lớp.

Mặc dù đôi khi có những tranh chấp và cãi vã xảy ra đối với nhiều anh em trai khi lớn lên, nhưng hai người vẫn luôn là những chồi non tốt nhất.

Cha Connor, 25 tuổi, nói với CNA, “Chúng tôi còn gần gũi hơn cả những người bạn thân thiết nhất.”

Là những người trẻ tuổi — ở trường phổ thông, trung học, đại học — phần lớn cuộc sống của họ tập trung vào những điều các bạn có thể hình dung được: học tập, ngoại khóa, bạn bè, bạn gái và thể thao.

Có nhiều con đường mà hai chàng trai có thể chọn cho cuộc sống của mình, nhưng cuối cùng, vào tháng trước, họ đã đến cùng một đích — nằm sấp mặt trước bàn thờ, dâng hiến cuộc đời phục vụ Chúa và Giáo hội Công giáo.

Cả hai anh em đều được thụ phong linh mục vào ngày 30 tháng Năm tại Vương cung Thánh đường Nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Mobile — trong một Thánh lễ riêng, vì đại dịch.

“Vì lý do nào đó, Thiên Chúa đã chọn để gọi cho chúng tôi và Người đã làm. Và chúng tôi thật may mắn có được nền tảng từ cả cha mẹ và nền giáo dục của chúng tôi để biết nghe tiếng gọi đó và sau đó thưa xin vâng,” Cha Peyton nói với CNA.

Cha Peyton, 27 tuổi, nói rằng cha thấy phấn khởi nhất khi bắt đầu giúp các trường Công giáo và nền giáo dục, và cũng bắt đầu giải tội.

“Bạn đã trải qua quá nhiều thời gian trong chủng viện chuẩn bị để mang lại hiệu quả một ngày nào đó. Bạn đã dành quá nhiều thời gian trong chủng viện để nói về những kế hoạch và ước mơ và nhiều điều bạn sẽ làm một ngày trong tương lai giả định này ... bây giờ nó ở đây. Và vì vậy tôi vô cùng háo hức để được bắt đầu.”

‘Các nhân đức tự nhiên’

Ở Nam Louisiana, nơi cha mẹ của anh em nhà Plessala lớn lên, bạn là người Công giáo trừ khi bạn tuyên bố khác đi, Cha Peyton nói.

Cả cha mẹ nhà Plessala đều là bác sĩ y khoa. Gia đình chuyển đến Alabama khi Connor và Peyton còn nhỏ.

Mặc dù gia đình luôn theo đạo Công giáo - và cha Peyton, Connor, cùng em gái và em trai của họ được nuôi dạy trong đức tin - cả hai anh em cho biết họ không phải là một mẫu gia đình “đọc kinh mân côi tại bàn ăn.”

Ngoài việc đưa gia đình đi lễ mỗi Chúa nhật, gia đình Plessala còn dạy cho con cái họ những điều mà Cha Peyton gọi là “những nhân đức tự nhiên” — làm sao để trở thành người tốt, người có phẩm chất; tầm quan trọng của việc lựa chọn bạn bè một cách khôn ngoan; và giá trị của học vấn.

Hai anh em tích cực tham gia các môn thể thao đồng đội, được cha mẹ khuyến khích, cũng giúp họ học theo những đức tính tự nhiên đó.

Chơi bóng đá, bóng rổ, và bóng chày trong nhiều năm đã dạy cho họ giá trị của sự chăm chỉ, tình bạn và làm gương cho những người khác.

Cha Payton nói, “Chúng dạy chúng tôi nhớ rằng khi bạn đi chơi thể thao, và bạn có đeo tên Plessala ở sau lưng áo của bạn, là nó đại diện cho cả một gia đình.”

‘Tôi có thể làm điều này’

Cha Peyton nói với CNA rằng mặc dù đến các trường Công giáo và tham dự các “cuộc nói chuyện về ơn gọi” hàng năm, nhưng cả hai chưa bao giờ thực sự xem chức tư tế là một lựa chọn cho cuộc sống của họ.

Cho mãi đến đầu năm 2011, khi hai anh em cùng đi với các bạn trong lớp đến Washington, D.C. để tham gia cuộc Diễu hành Phò sinh, cuộc tập họp bảo vệ sự sống hàng năm lớn nhất đất nước ở Hoa Kỳ.

Người giám sát nhóm của họ đến từ Trường Trung học Công giáo McGill-Toolen là một tân linh mục, mới ra chủng viện, với sự nhiệt tình và sự vui vẻ đã gây ấn tượng với hai anh em.

Chứng tá của vị giám sát nhóm, và của các linh mục khác mà họ gặp trong chuyến đi đó, đã thôi thúc Connor bắt đầu xem xét việc gia nhập chủng viện ngay sau khi rời trung học.

Mùa thu năm 2012, Connor bắt đầu các môn học tại Đại học chủng viện Thánh Giuse ở Covington, Louisiana.

Peyton cũng cảm thấy tiếng gọi đến với chức tư tế trong chuyến đi đó, nhờ vào tấm gương của vị giám sát — nhưng con đường vào chủng viện của cha không hoàn toàn suôn sẻ như em trai của mình.

Cha nói, “Lần đầu tiên tôi nhận ra: ‘À, tôi có thể làm điều này. [Linh mục này] rất hòa nhã, vui vẻ và có rất nhiều chuyện vui. Tôi có thể làm điều này. Đây là một cuộc sống mà tôi thực sự có thể làm được.”

Cho dù có sự giằng co đối với việc vào chủng viện, Peyton quyết định sẽ theo đuổi kế hoạch ban đầu của mình là học dự bị tại Đại học Louisiana. Cha đã trải qua tất cả ba năm ở đó, hẹn hò với một cô gái cha gặp ở ĐH Louisiana trong hai năm ở đó.

Năm đầu học đại học, cha Peyton trở lại trường trung học của mình để làm người giám sát cho chuyến đi năm đó đến cuộc Tuần hành Phò sinh — cũng chuyến đi đó đã bắt đầu định hướng trở lại với chức tư tế đã có vài năm trước.

Tại một thời điểm trong chuyến đi, trong lúc chầu Thánh Thể, Peyton đã nhận được tiếng gọi của Chúa: “Con có thực sự muốn trở thành một bác sĩ không?”

Rõ ràng câu trả lời là không.

“Và khi tôi nghe được câu đó, tâm hồn cảm thấy bình an hơn trước đó … Có lẽ đã từng có trong cuộc sống của tôi. Tôi biết rằng trong giây phút đó, tôi như là, ‘Tôi sẽ gia nhập chủng viện,” cha Payton nói.

“Ngay khi đó, tôi đã có mục đích của cuộc sống. Tôi có hướng đi và một mục tiêu. Tôi biết tôi là ai.”

Tuy nhiên, sự rõ ràng vừa được phát hiện này phải trả giá — Payton biết rằng cha phải chia tay với bạn gái. Và cha đã làm.

Cha Connor nhớ lại cuộc điện thoại nhận được từ cha Payton, cho biết quyết định gia nhập chủng viện.

Cha Connor nói, “Tôi sửng sốt. Tôi vô cùng phấn khởi vì chúng tôi sẽ lại ở cùng nhau.”

Vào mùa Thu năm 2014, Payton lại cùng chung với em trai mình tại Chủng viện Thánh Giuse.

‘Chúng tôi có thể dựa vào nhau’

Mặc dù Connor và Peyton trước đây luôn là bạn của nhau, nhưng mối quan hệ của họ đã thay đổi — theo hướng tốt đẹp hơn — khi Peyton gia nhập cùng chủng viện với Connor.

Trong phần lớn cuộc đời, Peyton đã vạch ra lối đi cho Connor, khuyến khích người em và cho lời khuyên khi em trai lên trung học, sau khi Peyton đã học được những điều quan trọng ở đó trong một năm.

Bây giờ, lần đầu tiên, Connor cảm thấy theo một cách nào đó giống như người anh — có nhiều kinh nghiệm hơn trong đời sống chủng viện.

Đồng thời, cha nói, mặc dù hai anh em hiện đang theo đuổi cùng một con đường, họ vẫn tiếp cận đời sống chủng viện theo cách riêng của họ, với những ý tưởng riêng, và tiếp cận những thách đố theo cách khác nhau.

Kinh nghiệm đón nhận thách đố trở thành linh mục đã giúp mối quan hệ của hai anh em trưởng thành.

Cha Connor nói, Peyton luôn làm việc của riêng mình vì anh là người anh. Anh là anh cả. Và vì vậy, anh không có một mẫu gương nào để noi theo, trong khi tôi đã làm như vậy.

Và vì vậy, ý nghĩ ập đến: 'Chúng tôi sẽ trở nên như nhau’, là khó khăn hơn cho tôi ... Nhưng tôi nghĩ … Tôi nghĩ trong đó, trong những nỗi đau ngày càng lớn, chúng tôi có thể phát triển và thực sự nhận biết những ân huệ của nhau và những điểm yếu của nhau và từ đó nương tựa vào nhau nhiều hơn ... bây giờ tôi biết những ân ban của anh Peyton nhiều hơn, và anh ấy biết những ân ban của tôi, và vì vậy chúng tôi có thể nương tựa vào nhau.”

Vì có những tín chỉ đại học được chuyển đến từ Đại học Louisiana, Connor và Peyton cuối cùng được xếp cùng lớp thụ phong, mặc dù Connor đã có “hai năm khởi đầu.”

‘Đi lệch ra ngoài con đường của Chúa Thánh Thần’

Bây giờ hai anh em đã được thụ phong, Cha Peyton nói rằng thân phụ mẫu của cha liên tục bị tấn công bởi câu hỏi: “Hai ông bà làm cách nào mà một nửa số con cái của ông bà làm linh mục vậy?”

Đối với Cha Peyton, có hai yếu tố chính trong việc nuôi dạy đã giúp cha và người em trưởng thành là những người Công giáo vững vàng.

Cha nói trước hết cha và người em được học trong các trường Công giáo — các trường với một giá trị đức tin vững vàng.

Nhưng có một điều trong đời sống gia đình nhà Plessala mà đối với cha Peyton thậm chí còn quan trọng hơn.

“Chúng tôi ăn cơm chung mọi tối trong gia đình, cho dù cần phải có việc hậu cần chuẩn bị cho nó,” Cha nói.

“Cho dù chúng tôi có phải ăn lúc 4 giờ chiều vì một trong chúng tôi có buổi thi đấu mà tối hôm đó tất cả chúng tôi đều đến xem, hoặc cho dù chúng tôi phải ăn lúc 9:30 tối, vì tôi về nhà muộn sau buổi thực tập bóng đá ở trung học, bất kể chuyện gì. Chúng tôi luôn luôn cố gắng ăn chung với nhau, và chúng tôi cầu nguyện trước bữa ăn.”

Kinh nghiệm họp gia đình mỗi tối, đọc kinh và dành thời gian cho nhau, đã giúp gia đình gắn kết và hỗ trợ nỗ lực của từng thành viên, hai anh em nói.

Khi hai anh em nói với bố mẹ rằng họ sẽ vào chủng viện, cha mẹ họ rất ủng hộ — mặc dù anh em nghi ngờ rằng mẹ của họ có thể sẽ buồn vì cuối cùng bà sẽ có ít cháu hơn.

Một điều mà cha Connor đã nghe thân mẫu nói nhiều lần khi người ta hỏi cha mẹ đã làm những gì là bà “đã đi lệch ra khỏi khỏi con đường của Chúa Thánh Thần.”

Hai anh em cho biết họ vô cùng tri ân vì bố mẹ luôn ủng hộ ơn gọi của họ. Cha Peyton cho biết cha và cha Connor thỉnh thoảng gặp những người tại chủng viện cuối cùng đã rời bỏ vì cha mẹ họ không ủng hộ quyết định của họ.

Cha Connor nhận xét, “Đúng, cha mẹ biết rõ nhất, nhưng khi nói đến ơn gọi của con cái, Chúa mới là người biết, bởi vì Chúa là người lên tiếng gọi.”

‘Nếu bạn muốn tìm câu trả lời, bạn phải đặt câu hỏi’

Cả Connor và Peyton từng không mong đợi trở thành linh mục. Họ nói cả cha mẹ và anh chị em của họ cũng chẳng mong đợi hoặc nghĩ rằng họ có thể được gọi theo con đường đó.

Nói theo cách của hai anh em, họ chỉ là những “anh chàng bình thường” giữ đức tin của họ, hẹn hò suốt thời trung học, và có rất nhiều sở thích khác nhau.

Cha Peyton nói rằng cả hai đều cảm thấy một sự giằng co lúc đầu đối với chức tư tế cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên.

Cha nói, “Tôi nghĩ rằng mọi chàng trai trẻ thực sự sống đức tin có lẽ đã nghĩ về điều đó ít nhất một lần, vì họ đã biết một linh mục và vị linh mục đó có thể nói, 'Này, bạn nên suy nghĩ về điều này,’” Cha nói.

Nhiều người bạn Công giáo sùng đạo của cha Peyton đã lập gia đình, và cha đã hỏi họ rằng họ có bao giờ nghĩ về chức tư tế một lúc nào đó trước khi quyết định kết hôn không. Cha nói hầu như tất cả nói là có; họ nghĩ về điều đó trong một hoặc hai tuần, nhưng nó không bao giờ đọng lại.

Điều khác biệt đối với cha và cha Connor là ý tưởng về chức tư tế đã không biến mất.

Cha nói, “Nó lưu lại trong tôi và ở lại với tôi trong suốt ba năm. Và rồi cuối cùng thì dường như Chúa nói, “Đến lúc rồi, anh bạn. Đã đến lúc phải thực hiện điều đó.”

“Tôi động viên các bạn trẻ, nếu thực sự đã trải qua một thời gian và nó vẫn ở lại với bạn, cách duy nhất để bạn tìm ra là hãy đi đến chủng viện.”

Gặp gỡ và làm quen với các linh mục, và xem cách họ sống và lý do tại sao, đã rất hữu ích cho cả Peyton và Connor.

Cha Peyton nói, “Đời sống của các linh mục là những điều hữu ích nhất để làm cho những thanh niên khác suy nghĩ về ơn gọi tư tế.”

Cha Connor cũng đồng ý. Đối với cha, làm một cuộc phiêu lưu vào chủng viện khi cha vẫn còn đang trong giai đoạn phân định là cách tốt nhất để cha quyết định liệu Chúa có thật sự gọi cha làm linh mục hay không.

Cha nói, “Nếu bạn muốn tìm một câu trả lời, bạn phải đặt câu hỏi. Và cách duy nhất để hỏi và trả lời câu hỏi về chức tư tế là đi đến chủng viện.”

“Hãy đến chủng viện. Bạn sẽ không thất vọng. Ý tôi là bạn bắt đầu sống một đời sống cầu nguyện dâng hiến, đào tạo, đào sâu vào bản thân, học biết bạn là ai, học những điểm mạnh và điểm yếu của bạn, học hiểu thêm về đức tin. Tất cả đó là những điều tốt.”

Chủng viện không phải là một cam kết vĩnh viễn. Nếu một thanh niên đến chủng viện và nhận thấy chức tư tế không dành cho anh ta, anh ta sẽ chẳng trở nên tệ hơn, cha Connor nói.

“Bạn đã được đào tạo thành một con người tốt hơn, có cái nhìn tốt hơn về bản thân, bạn cầu nguyện nhiều hơn mức độ bình thường nếu bạn không ở trong chủng viện.”

Giống như nhiều người cùng tuổi, con đường của cha Peyton và cha Connor đến với ơn gọi cuối cùng là một con đường quanh co.

Cha Payton nói, “Nỗi đau khổ lớn của thế hệ millennial (thế hệ sinh trong khoảng từ 1981 - 2001) là ngồi quá lâu để cố gắng nghĩ về những điều bạn muốn làm trong cuộc sống đến mức cuộc sống của bạn trôi qua rất nhanh.”

“Và vì vậy, một trong những điều tôi muốn khuyến khích các bạn trẻ tuổi làm nếu bạn đang phân định, là hãy làm ngay điều gì đó về nó.”



[Nguồn: catholicnewsagency]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/6/2020]