Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Mátthêu, Chương 25 – Một tiêu chuẩn của tính khả tín của Kitô giáo

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Mátthêu, Chương 25 – Một tiêu chuẩn của tính khả tín của Kitô giáo

© Vatican Media

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Mátthêu, Chương 25 – Một tiêu chuẩn cho tính khả tín của Kitô giáo

‘Đại dịch là một cuộc khủng hoảng, và chúng ta không trở lại giống như trước đây: hoặc là chúng ta thoát ra khỏi nó một cách tốt hơn, hoặc là chúng ta thoát ra khỏi nó một cách tồi tệ hơn’

19 tháng Tám, 2020 10:01

ZENIT STAFF

 
Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra lúc 9.25 trong Thư viện của Điện Tông tòa Vatican. Đức Thánh Cha tiếp tục những bài giáo lý mới của ngài về sự chữa lành thế giới. Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu. Buổi tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh. Dưới đây là bản dịch (ND: tiếng Anh) không chính thức của Vatican:

***

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Đại dịch đã làm lộ ra cảnh khốn khổ của người nghèo và sự bất bình đẳng lớn đang thống trị thế giới.

Và con virus không phân biệt bất kỳ người nào, cho thấy những bất bình đẳng và kỳ thị rất lớn trên con đường tàn phá của nó. Và nó đã làm cho những tình trạng đó trở nên trầm trọng thêm!

Và vì thế phản ứng đối với đại dịch bao gồm hai mặt. Về một mặt, vấn đề quan trọng là phải tìm ra một cách chữa trị con virus nhỏ xíu nhưng quá kinh hoàng này, nó đã làm cho cả thế giới phải quỳ gối. Về mặt khác, chúng ta cũng phải chữa trị một loại virus lớn hơn, đó là sự bất công xã hội, sự bất bình đẳng về cơ hội, sự gạt bỏ, và thiếu sự bảo vệ những người yếu đuối nhất. Trong cách phản ứng hai mặt để chữa lành này, có một sự lựa chọn theo Tin mừng không thể thiếu được: sự lựa chọn ưu ái cho người nghèo (xem Tông huấn Evangelii gaudium [EG], 195). Và đây không phải là lựa chọn chính trị; cũng chẳng phải là lựa chọn theo ý thức hệ, hay một tùy chọn theo đảng phái … Không. Tùy chọn ưu ái cho người nghèo là trung tâm của Tin mừng. Và người đầu tiên làm việc này là Chúa Giêsu; chúng ta nghe về điều này trong bài đọc trích Thư gửi tín hữu Côrintô được đọc lúc đầu. Vì Người thì rất giàu có, nhưng Người đã chọn trở thành nghèo khó để làm cho chúng ta nên giàu. Người hạ mình trở thành một người giữa chúng ta và vì lý do này, có một lựa chọn ở trung tâm của Tin mừng, ở trung tâm của sự rao giảng của Chúa Giêsu.

Đức Kitô là Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ mình, hạ mình trở nên như người phàm, và Người không chọn một đời sống đặc quyền, nhưng Người chọn lấy thân phận của một người hầu (x. Phil 2:6-7). Người đã hoàn toàn trút bỏ mình bằng cách trở thành một người phục vụ. Người sinh ra trong một gia đình khiêm hạ và làm một người thợ. Từ lúc khởi đầu việc rao giảng, Người đã loan báo rằng trong Nước Thiên Chúa người nghèo thì có phúc (x. Mt 5:3; Lk 6:20; EG, 197). Người đứng giữa những bệnh nhân, giữa người nghèo, người bị loại trừ, thể hiện tình yêu thương xót của Thiên Chúa (xem. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2444). Và rất nhiều lần Người đã bị kết án là một người không thanh sạch vì Người đã đến với người bệnh, đến với người bị phong hủi … và theo luật của thời đó việc này làm cho người ta trở nên ô uế. Và Người đã liều lĩnh gần gũi với người nghèo.

Vì thế, người môn đệ của Chúa Giêsu thừa nhận bản thân qua sự gần gũi với người nghèo, người bé mọn, người bệnh tật và người bị lao tù, người bị loại trừ và bị lãng quên, người không có cơm ăn và áo mặc (x. Mt 25:31-36; CCC, 2443). Chúng ta có thể đọc thấy điều khoản nổi tiếng mà chúng ta sẽ bị phán xét dựa trên đó.

Đó là Chương 25 của Thánh Mátthêu. Đây là tiêu chuẩn then chốt của tính khả tín Kitô giáo (x. Gal 2:10; EG, 195). Một số người có suy nghĩ sai lầm rằng sự yêu thương đặc biệt dành cho người nghèo như vậy là trách nhiệm của một số người, nhưng trong thực tế đó là sứ mạng của Giáo hội nói chung, như Thánh Gioan Phaolô II đã nói. (x. Thánh Gioan Phaolô II, Sollicitudo rei socialis, 42).

“Mỗi cá nhân người Kitô hữu và mọi cộng đoàn được kêu gọi để trở thành khí cụ của Thiên Chúa cho sự giải phóng và thăng tiến xã hội của người nghèo khó” (EG, 187).

Niềm tin, cậy và mến cần phải thúc đẩy chúng ta đến với sự ưu tiên này cho người túng thiếu, [1] là điều cần phải vượt qua sự hỗ trợ cần thiết (x. EG, 198). Thật vậy, nó hàm ý về việc cùng đồng hành, cho phép bản thân được rao giảng phúc âm bởi họ, là những người hiểu rõ được sự đau khổ của Đức Kitô, cho phép bản thân chúng ta “bị lây nhiễm” bởi kinh nghiệm ơn cứu độ của họ, bởi sự khôn ngoan và sáng tạo của họ (xem nt.). Chia sẻ với người nghèo có nghĩa là làm phong phú lẫn nhau. Và, nếu có những cơ cấu xã hội không tốt ngăn cản ước mơ của họ về tương lai, chúng ta phải cùng nhau làm việc để chữa lành cho họ, để thay đổi họ (xem nt., 195). Và chúng ta được dẫn đưa đến điều này bởi tình yêu của Đức Kitô là Đấng yêu thương chúng ta đến tột cùng (xem Ga 13:1), và tiến đến những vùng ngoại vi, những lề xã hội, những tuyến đầu. Đưa những vùng ngoại vi vào trung tâm có nghĩa là tập trung vào đời sống của Đức Kitô, là Đấng “tự ý trở nên nghèo khó” cho chúng ta, để làm cho chúng ta trở nên giàu có “nhờ cái nghèo của Người” (2 Cr 8:9), như chúng ta đã được nghe.

Tất cả chúng ta đều lo lắng về những hậu quả xã hội của đại dịch, tất cả chúng ta. Nhiều người muốn quay lại sự bình thường và khôi phục lại những hoạt động kinh tế. Chắc chắn như vậy, nhưng “sự bình thường” này không được bao gồm cả những bất công xã hội và sự suy kiệt môi trường. Đại dịch là một cuộc khủng hoảng, và chúng ta không trở lại giống như trước đây: hoặc là chúng ta thoát ra khỏi nó một cách tốt hơn, hoặc là chúng ta thoát ra khỏi nó một cách tồi tệ hơn. Chúng ta phải thoát ra khỏi nó một cách tốt hơn, để ngăn chặn sự bất công xã hội và tàn phá môi trường. Ngày nay chúng ta có cơ hội để xây dựng một điều gì đó khác biệt. Chẳng hạn, chúng ta có thể nuôi dưỡng một nền kinh tế phát triển toàn diện cho người nghèo, chứ không chỉ cung cấp sự cứu trợ. Qua điều này tôi không muốn lên án sự cứu trợ: cứu trợ là rất quan trọng. Tôi đang suy nghĩ đến khu vực thiện nguyện, là một trong những cơ cấu tốt nhất của Giáo hội tại Ý. Vâng đúng, cứu trợ thực hiện việc này, nhưng chúng ta phải vượt ra ngoài vấn đề đó, để giải quyết những vấn đề khiến chúng ta phải cung cấp sự cứu trợ. Một nền kinh tế không sử dụng những liệu pháp mà thực tế nó lại đầu độc xã hội, chẳng hạn những lợi tức không kết nối với việc tạo ra những việc làm có phẩm giá (xem EG, 204). Loại lợi tức này phải bị loại ra khỏi nền kinh tế đích thực, là nền kinh tế mang lợi ích đến mọi người (xem Tông huấn Laudato si’ [LS], 109), và có những lúc thờ ơ với sự tàn phá gây ra cho ngôi nhà chung của chúng ta. Sự lựa chọn ưu ái cho người nghèo, sự cần thiết của đạo đức xã hội này đến từ tình yêu của Thiên Chúa (x. LS, 158), truyền cảm hứng cho chúng ta để hình thành và thiết kế nên một nền kinh tế trong đó con người ở vị trí trung tâm, và đặc biệt là những người nghèo nhất. Và nó cũng khuyến khích chúng ta lập chương trình chữa trị cho những loại virus bằng cách ưu tiên cho những người thiếu thốn nhất. Như đối với vaccine cho Covid-19, thật là buồn nếu sự ưu tiên được dành cho những người giàu nhất! Thật buồn nếu vaccine này sẽ trở thành tài sản của quốc gia này hay quốc gia kia, hơn là của chung và dành cho tất cả mọi người. Và thật là một điều xấu hổ nếu tất cả những hỗ trợ kinh tế mà chúng ta đang thực hiện – đa phần đều lấy từ tiền của dân chúng – chỉ tập trung vào việc giải cứu những ngành công nghiệp chẳng góp phần cho việc bao gồm những người bị loại trừ, cho sự thăng tiến những người hèn mọn nhất, cho ích chung hoặc chăm sóc tạo vật (nt.). Có những tiêu chuẩn cho việc lựa chọn những ngành công nghiệp nào được giúp đỡ: đó là những ngành công nghiệp góp phần bao gồm những người bị loại trừ, thăng tiến những người sau rốt, góp phần cho ích chung và chăm sóc tạo vật. Bốn tiêu chuẩn.

Nếu virus lại mạnh lên trong một thế giới bất công với người nghèo và người dễ bị tổn thương thì chúng ta phải thay đổi thế giới đó. Theo tấm gương của Chúa Giêsu, vị bác sĩ của tình yêu toàn diện của nước Trời, nghĩa là chữa lành thân xác, xã hội và tinh thần (x. Ga 5:6-9) – giống như việc chữa lành được Chúa Giêsu thực hiện – chúng ta phải hành động ngay bây giờ, để chữa lành đại dịch gây ra bởi những loại virus nhỏ bé, không thể nhìn thấy, và để chữa lành những căn bệnh gây ra bởi những bất công rất lớn và hữu hình. Tôi đề nghị thực hiện điều này bắt đầu từ tình yêu của Thiên Chúa, đặt những vùng ngoại vi vào trung tâm và những người sau rốt vào vị trí đầu tiên. Đừng quên những tiêu chuẩn mà chúng ta sẽ bị xét xử theo đó, Mátthêu, Chương 25. Chúng ta hãy đem điều này ra thực hành trong việc phục hồi sau đại dịch. Và bắt đầu từ tình yêu hữu hình này – như Tin mừng nói – bám chặt vào hy vọng và đặt nền tảng trong niềm tin, một thế giới tốt lành hơn là có thể.

Bằng không, chúng ta sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng này một cách tồi tệ hơn. Xin Chúa giúp chúng ta, và ban cho chúng ta sức mạnh để vượt qua nó tốt đẹp hơn, đáp ứng cho những thiếu thốn của thế giới hôm nay. Cảm ơn anh chị em.


1 Xem Bộ Giáo lý và Đức tin, Hướng dẫn về một số điểm trong “Thần học Giải phóng”, (1984), 5.

[Bản dịch (ND: tiếng Anh) không chính thức của Vatican]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/8/2020]


Những vị thánh học (dạy học) tại nhà

Những vị thánh học (dạy học) tại nhà

Những vị thánh học (dạy học) tại nhà

Jon Dawson | Flickr CC BY-ND 2.0

 

Meg Hunter-Kilmer

15 tháng Tám, 2020


Giáo dục đã thay đổi rất nhiều qua các thế kỷ, nhưng một số vị thánh được biết đến vì những bài học các ngài dạy hoặc được dạy tại nhà.

Với nhiều cha mẹ đã chọn việc giáo dục con cái của họ tại nhà lần đầu tiên trong năm nay (và sẽ có thêm nhiều người tiếp tục sau những năm dạy con của họ tại nhà), sẽ rất tốt cho các gia đình dạy con tại nhà trên khắp thế giới nếu nhìn đến các vị thánh đã đi trước họ.

Mặc dù chẳng có vị thánh nào ở đây phải học trực tuyến hoặc có rất nhiều chương trình học để lựa chọn, tất cả những vị thánh dạy tại nhà hoặc học tại nhà sau đây là những mẫu gương về cách phát triển sự thánh thiện khi học (và dạy) tại nhà.


Thánh Emilia thành Caesarea (n. 375) được biết đến như là Mẹ của các Thánh. Trong số 10 người con thì ba người là giám mục (một là Tiến sĩ Hội thánh) và có tất cả sáu người là thánh. Trong khi những người con trai của thánh nữ cuối cùng cũng rời nhà và đến trường, Thánh Emilia và mẹ chồng là Thánh Macrina the Elder đã giáo dục tất cả những người con cháu tại nhà khi chúng còn nhỏ, với người con gái đầu của Thánh Emilia (Thánh Macrina the Younger) giúp dạy các em. Đây là nền tảng tri thức của các Thánh Basil Cả và Thánh Gregory thành Nyssa. Cũng như trong các gia đình đông con dạy học tại nhà, anh chị em học hỏi lẫn nhau cũng nhiều như học từ cha mẹ, và cả Thánh Basil và Thánh Gregory xem chị gái Macrina có sự ảnh hưởng to lớn đối với việc đào tạo tri thức và thiêng liêng của các ngài.


Thánh Elizabeth Ann Seton (1774-1821) đã thay đổi bộ mặt của nền giáo dục Hoa Kỳ mãi mãi khi thánh nữ thành lập trường Công giáo miễn phí đầu tiên ở Mỹ. Nhưng trước khi thánh nữ trở thành người tiên phong trong lĩnh vực giáo dục, thánh nữ đã là người mẹ dạy năm đứa con tại nhà. Sau cái chết của chồng, người vợ tân tòng trẻ tuổi trở lại Công giáo tiếp tục giáo dục con cái của mình rất thành công đến mức những đứa trẻ khác cũng bắt đầu tham gia các lớp học của thánh nữ. Dù những người chống Công giáo buộc thánh nữ phải rời khỏi nhà ở Thành phố New York, nhưng Elizabeth Ann đã tìm được một người đỡ đầu là đức Tổng giám mục Baltimore, người đã hỗ trợ khi thánh nữ thành lập một trường học ở Maryland, do dòng mới của thánh nữ điều hành, Dòng Nữ tử Bác ái.


Thánh Francis Choe Kyong-hwan (1805-1839) khi còn trẻ đã nhận thấy rằng việc thực hành tôn giáo của người Công giáo Triều Tiên giảm sút vì họ đã sống qua nhiều thập kỷ không có linh mục. Để đối phó với vấn đề này, Thánh Phanxicô và vợ (Chân phước Maria Yi Seong-rye) đã thành lập một ngôi làng Công giáo nhỏ. Ngoài công việc đồng áng, Phanxicô giáo dục con cái của mình và tất cả các người trong làng, tập trung họ tại nhà của ngài để hướng dẫn đức tin hàng đêm. Khi cuộc đàn áp người Kitô hữu trở nên khốc liệt hơn, Thánh Phanxicô khuyến khích người dân của mình cất giấu tất cả các ảnh tượng thánh để ảnh tượng không bị những người lính làm ô uế; tuy nhiên, không được cất giấu các sách. Ngài nói, “Một người lính ra trận cần những hướng dẫn chiến trường cho mình. Vào thời điểm như lúc này, chúng ta phải học hỏi tất cả các sách một cách nghiêm túc hơn.” Khi những người lính đến bắt người Kitô hữu, Thánh Phanxicô cung cấp cho họ thức ăn và một đêm ngủ ngon giấc. Sáng hôm sau, hàng chục người Kitô hữu theo lính vào nhà ngục một cách bình an vô sự; sau đó một số đã tử vì đạo, gồm cả Thánh Phanxicô và Chân phước Maria. Con trai lớn của hai vị là Tôi tớ Chúa Thomas Choe Yang-up, sau này trở thành linh mục người bản xứ thứ hai của Hàn Quốc.


Thánh Joaquina Vedruna de Mas (1783-1854) đã được giáo dục tại nhà khi còn nhỏ. Mặc dù phong tục của các gia đình khá giả ở Tây Ban Nha là thuê gia sư dạy học, nhưng mẹ của Joaquina đã chọn cách tự giáo dục con cái của mình. Sau khi Joaquina kết hôn, thánh nữ cũng thực hiện như vậy, giáo dục tất cả chín người con của mình kể cả sau khi chồng của thánh nữ bị bệnh kinh niên khiến thánh nữ trở thành góa phụ khi mới 33 tuổi. Khi các con của thánh nữ đã lớn, thánh nữ thành lập một dòng Carmelites cống hiến cho công việc mà thánh nữ đã dành cả đời để thực hiện: dạy học và chăm sóc bệnh nhân.


Các Thánh Louis và Zélie Martin (1823-1894, 1831-1877) gửi những người con gái của các ngài đến trường nội trú khi các bé khoảng tám tuổi, nhưng cho đến thời điểm đó việc học tập được thực hiện ở nhà. Zélie hướng dẫn các con về môn lịch sử và tôn giáo cũng như dạy chúng đọc; Louis tiến hành các kỳ thi, trong đó các con gái của thánh nhân phải tìm cách làm hài lòng cha của chúng. Và khi cô bé Léonie liên tục bị đuổi khỏi trường nơi các chị em theo học, em trở về nhà để được mẹ dạy bảo, mặc dù Zélie khi đó cũng bận rộn với công việc kinh doanh hàng ren để phụ giúp gia đình. Chính trong thời gian này (khi gia đình Martin chọn giải pháp giáo dục người con gái thứ ba tại nhà thay vì gửi đến trường khác), Léonie và Zélie đã tìm thấy sự hàn gắn trong mối quan hệ của họ và Léonie bắt đầu làm chủ được bản tính cố chấp và bất ổn cảm xúc của mình; nhiều năm sau, Léonie được công bố là Tôi tớ Chúa, giống như chị gái của thánh nhân là Thánh Têrêsa trước đó.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/8/2020]