Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

PHỎNG VẤN: Đức Hồng y Urosa người Venezuela nói về sự gặp gỡ với Đức Thánh Cha và cuộc khủng hoảng ở đất nước

PHỎNG VẤN: Đức Hồng y Urosa người Venezuela nói về sự gặp gỡ với Đức Thánh Cha và cuộc khủng hoảng ở đất nước

Ngài nói với ZENIT rằng Đức Thánh Cha khuyến khích các Giám mục Venezuela cùng đồng hành với người dân trong những thời điểm khó khăn, tìm kiếm sự chung sống và hòa bình
9 tháng Sáu, 2017
PHỎNG VẤN: Đức Hồng y Urosa người Venezuela nói về sự gặp gỡ với Đức Thánh Cha và cuộc khủng hoảng ở đất nước
Phỏng vấn Hồng y Urosa với ZENIT - Photo By ZENIT
“Tiến bước bằng công việc mục vụ của chúng tôi, bằng sự đồng hành với người dân trong những thời điểm khó khăn, và dĩ nhiên, giúp theo đuổi mục tiêu chung sống và hòa bình,” là những hướng dẫn mà Đức Thánh Cha Phanxico gửi đến các thành viên của Hội đồng Giám mục Venezuela, trong buổi tiếp kiến riêng với các ngài hôm thứ Năm trong Vatican.
ZENIT có cơ hội nói chuyện với Hồng y Jorge Urosa, ngài giải thích một số chi tiết trong tình hình bi kịch này mà chúng tôi muốn chia sẻ với độc giả.
* * *
ZENIT: Thưa Hồng y, Đức Thánh Cha cho các ngài hướng dẫn như thế nào? Người đưa ra đề nghị gì?
HY Urosa: Đức Thánh Cha lặp lại những gì ngài đã nói với chúng tôi, trong một lá thư rất tâm tình mà ngài gửi cho các Giám mục Venezuela ngày 5 tháng Năm. Ngài động viên chúng tôi tiến bước bằng công việc mục vụ của chúng tôi, bằng sự đồng hành với người dân trong những thời gian khó khăn này, và dĩ nhiên, giúp tìm kiếm sự chung sống và hòa bình. Đó là những ý chính.

ZENIT: Trong cuộc đối thoại của chính phủ với phe đối lập và qua sự trung gian của Giáo hội, có đề cập đến những cuộc bầu cử, phân quyền cho Quốc hội và thả những tù nhân chính trị. Đã có những gì xảy ra?
HY Urosa: Các thỏa thuận đã đạt được ngày 30-31 tháng Mười năm ngoái, nhưng chính phủ không giữ lời và đó là lý do tại sao người dân biểu tình và gây náo loạn.

ZENIT: Thì ra chính phủ không tuân thủ những thỏa thuận, nhưng trong những thỏa thuận đó, liệu có điều nào mà phe đối lập không tuân thủ?
HY Urosa: Họ vẫn chưa bị đòi hỏi bất kỳ điều gì quan trọng vì những điều quan trọng lại chính là những điều chính phủ phải thực hiện.

ZENIT: Một vài ngày trước Đức Thánh Cha nói với một chính trị gia Venezuela: “Tôi là Giáo hoàng của mọi người.” Chúng ta biết điều đó, tuy nhiên, mọi người vẫn muốn nói rằng “ngài thuộc về tôi.”
HY Urosa: Đức Thánh Cha là Giáo hoàng của mọi người, và không ai có thể tuyên bố rằng ngài ưu ái một nhóm chính trị nào đó. Đức Thánh Cha ưu ái hòa bình và sự chung sống của người dân Venezuela và ngài thực sự rất lo lắng, như ngài đã thể hiện qua các lời nói của ngài ngày 30 tháng Tư; ngài vô cùng lo lắng về con số nhiều người chết và bị thương, do sự trấn áp của chính quyền gây ra.

ZENIT: Nhưng cuộc khủng hoảng này đã tồn tại trong một thời gian dài. Đã có những gì thay đổi trong tình hình?
HY Urosa: Có, nhưng nó đã bị làm trầm trọng thêm sau khi chính quyền hủy bỏ các ban thuộc hiến pháp của Quốc hội, được bầu chọn tháng Mười Hai năm 2015, để đưa vào một chính thể khá độc tài, chuyên chế, Mác-xít, cộng sản, mà người dân không chấp nhận. Và việc này đã gây ra, khoảng hai tháng trước, một cuộc nổi loạn chung, và nó bị đàn áp tàn bạo – tôi thậm chí có thể gọi như đàn áp tội phạm, vì họ đã giết 70 người.
Với sự lạm phát cao nhất thế giới, đồng lương không đủ cho nhu cầu của người dân, thực phẩm thì thiếu, có những người bị chết vì thiếu thuốc trị bệnh. Và cần phải giải quyết vấn đề của cái đói.

ZENIT: Có các tù nhân chính trị ở Venezuela không?
HY Urosa: Đã có khoảng một trăm nhưng bây giờ có thêm rất nhiều vì chính quyền đã bỏ tù rất nhiều người chống đối.

ZENIT: Giáo hội đang thực hiện những hành động cụ thể nào để giúp người dân Venezuela, ngoài công tác mục vụ?
HY Urosa: Trong những tháng vừa qua, chúng tôi đã bắt đầu một chương trình những điểm nấu ăn chung, chúng giúp xoa dịu một chút cái đói và đau khổ của người dân.

ZENIT: Và cũng phải nói đến sự cứu trợ nhân đạo của Cariatas và các tổ chức phi chính phủ (NGOs)?
HY Urosa: Đáng buồn, chính quyền không tạo điều kiện cho những dòng cứu trợ đó để giải quyết những vấn đề về lương thực và y tế mà Venezuela đang chịu đựng.

ZENIT: Có những người ở Venezuela nói rằng Đức Thánh Cha thì tốt nhưng các giám mục thì xấu …
HY Urosa: Có những người nói như vậy … Chúng tôi rất vui vì tình cảm mà Đức Thánh Cha dành cho chúng tôi. Chúng tôi đã thể hiện với ngài sự hiệp nhất và đoàn kết. Và chúng tôi rất vui vì kết quả của buổi họp mà chúng tôi đã có.
[Nguồn: zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 10/06/2017]


Đức Thánh Cha Phanxico: tâm hồn mở ra cho ơn sủng và sự ủi an

Đức Thánh Cha Phanxico: tâm hồn mở ra cho ơn sủng và sự ủi an

Đức Thánh Cha Phanxico: tâm hồn mở ra cho ơn sủng và sự ủi an
Đức Thánh Cha Phanxico giảng Lễ trong nhà nguyện Thánh Marta, 12 tháng Sáu, 2017
12/06/2017 14:22
(Vatican Radio) Đức Thánh Cha giảng Lễ trong nhà nguyện Thánh Marta hôm sáng thứ Hai. Trong phần phân tích cho các tín hữu sau các Bài đọc trong ngày, Đức thánh Cha suy tư về món quà ủi an, tập trung đặc biệt vào khả năng tâm linh hữu ích nhất để đón nhận món quà ủi an từ Thiên Chúa và chia sẻ ơn đó với mọi người.
Sự ủi an không phải là dành riêng một mình
Bài đọc trích Thư thứ Hai của Thánh Phao-lô gửi các tín hữu Cô-rinh-tô dạy chúng ta rằng sự an ủi không phải là – Đức Thánh Cha Phanxico nói – “tính cá nhân”:
“Kinh nghiệm của sự an ủi, nó là một kinh nghiệm tâm linh, luôn luôn cần ‘một người khác’ để có thể trở nên trọn vẹn: không ai có thể tự an ủi mình, không ai – và bất cứ ai cố gắng làm như vậy cuối cùng sẽ giống như tự mình nhìn vào gương – nhìn chằm chằm vào gương và cố gắng ‘tự trang điểm cho mình.’ Một người ‘an ủi’ bằng cách khép kín này không làm người đó phát triển được, và không khí người đó hít thở là loại không khí tự vỗ về của tính tự phụ. Đây là sự an ủi tự tạo không làm cho con người phát triển – và nó không phải là sự an ủi thật sự, vì nó khép kín, nó thiếu tính với tha nhân.”
Trong Tin mừng có rất nhiều người, Đức Thánh Cha nói trong bài giảng tại nhà nguyện Thánh Marta. Ví dụ, các luật sĩ, “tự bản thân thấy quá đầy đủ,” người Epulone giàu luôn có yến tiệc trong ngày nghỉ nghĩ rằng ông ta đã quá dư đầy, nhưng mô tả thái độ này rõ nhất đó là lời cầu nguyện của người Pha-ri-sêu trước đền thờ, nói rằng: "Tạ ơn Chúa vì con không như những kẻ khác,” Đức Thánh Cha nhận xét, “Đây là việc tự soi gương, nhìn vào tâm hồn của mình được xây dựng bởi những hệ tư tưởng và tạ ơn Chúa.” Chúa Giê-su vì thế nhìn thấy khả năng nếu theo lối sống như vậy “sẽ không bao giờ trở nên trọn vẹn, bước đến sự viên mãn,” nghĩa là, chiếm được phần hơn.
Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng “các luật sĩ” mà Tin mừng nói đến giống như vầy: “cảm thấy quá đầy đủ. Ngài cũng đưa ra ví dụ của một người giàu có – một tư tế – trong Tin mừng theo Thánh Lu-ca, người mỗi ngày sống với hết tiệc này sang tiệc khác, tin rằng bản thân ông ta như vậy là được “an ủi” – hay đặc biệt nhất là hình ảnh người Pha-ri-sêu cầu nguyện, “Tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác.”
“Người đó nhìn vào con người ông ta trong gương,” Đức Thánh Cha Phanxico nói. “Anh ta ngắm nhìn hình ảnh của anh ta được tô điểm với những ý thức hệ, và tạ ơn Chúa.” Đức Thánh Cha tiếp tục nói rằng Chúa Giê-su cho chúng ta thấy những con người như vậy vì họ đại diện cho một khả năng có thật – có thể đi theo lối sống như vậy thì “con người sẽ không bao giờ bước đến được sự hoàn thiện, mà chỉ đạt được tình trạng tự mãn,” nghĩa là bị đổ đầy con người với tính kiêu căng.
Sự an ủi là món quà và sự phục vụ
Để có thể thực sự đạt được sự an ủi cần có một “người khác.” Trước hết, sự an ủi được đón nhận, vì “chính Thiên Chúa là Đấng an ủi,” Đấng ban cho chúng ta “món quà” này. Và sự an ủi đó cũng lớn lên trong một “người khác,” khi một người được an ủi, lại trở nên nguồn an ủi người khác. “Sự an ủi là một tình trạng chuyển giao từ món quà đón nhận thành sự phục vụ,” Đức Thánh Cha giải thích:
“Sự an ủi đích thực mang ‘kết quả’ hai chiều: nó là một món quà và là một sự phục vụ. Và đúng như vậy, nếu tôi đón nhận sự an ủi của Thiên Chúa như một món quà là vì tôi cần được an ủi. Tôi đang thiếu thốn: để được an ủi, chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta đang thiếu thốn sự ủi an. Chỉ như vậy thì Thiên Chúa mới ngự đến, an ủi chúng ta, và trao cho chúng ta sứ mạng an ủi tha nhân. Cũng không phải dễ dàng có được tâm hồn rộng mở để đón nhận món quà và phục vụ, hai ‘kết quả’ này làm cho sự an ủi trở nên hữu hiệu.”
Giáo huấn của Các Mối Phúc
Rất cần một tâm hồn rộng mở, và để có thể mở rộng, tâm hồn phải hân hoan – và Trích đoạn Tin mừng trong ngày kể cho chúng ta biết rõ “ai là người hân hoan, ai là người ‘được chúc phúc’”:
“Nghèo khó: tâm hồn rộng mở với một tinh thần nghèo khó, sự nghèo khó trong tâm hồn; đó là những người biết cách khóc than như thế nào, những người nhu mì, sự nhu mì của tâm hồn; là những người đói sự công bình, tranh đấu cho công bình; đó là những người hay thương xót, người biết thương xót tha nhân; người có tâm hồn thanh sạch; những người xây dựng hòa bình và những người bị bắt bớ vì công bình, vì yêu mến sự công chính. Đây là những người có tâm hồn rộng mở và Thiên Chúa sẽ đến với món quà là sự an ủi và sứ mạng ủi an tha nhân.”
Những người có tâm hồn khóa chặt
Những người như vậy ngược lại với những người “khóa chặt” là người cảm thấy “tâm hồn giàu có” – nghĩa là, “dư đủ,” nói một cách khác là “những người không cần phải khóc vì họ cảm thấy họ là người công chính,” những kẻ bạo lực không hiểu được sự nhân từ là gì, những kẻ bất công gắn chặt với những việc bất công là những kẻ không có lòng thương xót, những kẻ không bao giờ tha thứ vì họ không cảm thấy cần được tha thứ, “những người có tâm hồn vấy bẩn,” “những kẻ gây ra chiến tranh” chứ không xây dựng hòa bình, những kẻ không bao giờ bị chỉ trích hay bị bắt bớ vì những bất công họ gây ra cho người khác chẳng làm họ phải bận tâm. Đức Thánh Cha Phanxico nói, “những người này có một tâm hồn khóa chặt.” Họ không thấy hạnh phúc vì món quà an ủi không thể đi vào tâm hồn của họ, và vì thế họ cũng không thể trao tặng lại cho người khác.
Hãy mở rộng tâm hồn
Kết luận, Đức Thánh Cha Phanxico kêu gọi các tín hữu hãy suy nghĩ về tâm hồn của riêng mỗi người, tâm hồn họ có rộng mở và có khả năng xin món quà là sự an ủi và rồi tặng lại cho người khác như là món quà từ Thiên Chúa, ngài nói rằng chúng ta cần phải mỗi ngày lặp lại sự cân nhắc này, và cảm tạ Thiên Chúa, Đấng “luôn tìm cách để ủi an chúng ta,” và “kêu gọi chúng ta mở cửa tâm hồn thậm chí chỉ cần một chút xíu.” Và, Đức Thánh Cha nói, “Thiên Chúa sẽ tìm cách để đi vào.”

[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 13/06/2017]