Thứ Năm, 21 tháng 5, 2020

TOÀN VĂN HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Cầu nguyện và sự huyền diệu của Tạo vật

TOÀN VĂN HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Cầu nguyện và sự huyền diệu của Tạo vật
© Vatican Media

TOÀN VĂN HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Cầu nguyện và sự huyền diệu của Tạo vật

‘Cầu nguyện soi sáng cho anh chị em: nói soi sáng cho linh hồn anh chị em, nó soi sáng cho tâm hồn và soi sáng cho khuôn mặt của anh chị em, ngay cả trong những thời gian đen tối nhất, ngay cả trong những lúc buồn phiền nhất’

20 tháng Năm, 2020 13:41


Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:30 sáng trong Thư viện của Điện Tông tòa Vatican.

Tiếp tục loạt giáo lý về việc cầu nguyện, trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung suy tư về chủ đề: “Sự huyền diệu của Tạo vật” (Tv 8:4-5.10).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu.

Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa thánh.

* * *

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục loạt giáo lý về việc cầu nguyện, suy niệm mầu nhiệm của Tạo vật. Sự sống, sự thật đơn giản là chúng ta sống, mở cửa tâm hồn con người ra để cầu nguyện.

Trang đầu tiên của Kinh Thánh giống như một bài tụng ca tạ ơn vĩ đại. Trình thuật về Tạo vật được ngắt quãng bằng những câu điệp khúc, trong đó sự tốt lành và đẹp đẽ của muôn vật sống liên tục được chứng thực. Thiên Chúa trao ban sự sống bằng lời của Người, và mọi sự liền có. Bằng lời của Người, Người đã tách biệt ánh sáng và bóng tối, phân ra ngày và đêm, chu kỳ của các mùa, mở ra một bảng màu đa sắc với muôn vàn thực vật và động vật. Trong khu rừng sinh sôi nảy nở dư tràn này nhanh chóng thoát khỏi sự hỗn độn, và cuối cùng con người xuất hiện. Và sự xuất hiện này bừng lên niềm hân hoan quá đỗi làm cho sự hài lòng và niềm vui mừng tăng lên: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1:31). Một điều tốt lành, và cũng rất đẹp: vẻ đẹp của toàn thể công trình Tạo dựng được nhìn thấy!

Vẻ đẹp và sự huyền diệu của Tạo vật tạo sinh trong tâm hồn con người hoạt động đầu tiên bột phát thành lời cầu nguyện (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2566). Vì vậy điều được nói trong Thánh vịnh Tám mà chúng ta nghe lúc đầu: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (cc. 3-4). Người cầu nguyện chiêm ngắm sự huyền diệu của sự sống quanh mình, người đó ngắm nhìn bầu trời đầy tinh tú trên đầu — và vật lý thiên văn ngày nay cho chúng ta thấy sự bao la của nó — và người đó nhủ thầm rằng phải có một tình yêu như thế nào đằng sau công trình hùng vĩ như vậy! … Và con người là gì trong sự bao la vô tận này?” Thánh vịnh nói: “gần như chẳng là gì,” (x. 89:48): một hữu thể được sinh ra, một hữu thể chết đi, một thụ tạo mỏng giòn. Tuy nhiên, trong toàn thể vũ trụ, con người là thụ tạo duy nhất ý thức được sự dư đầy vẻ đẹp như vậy. Một hữu thể nhỏ bé được sinh ra, chết đi, hôm nay còn và ngày mai mất, là hữu thể duy nhất ý thức được vẻ đẹp này. Chúng ta ý thức được vẻ đẹp này!

Lời cầu nguyện của con người được liên kết gần gũi với cảm xúc trước những kỳ công. Sự vĩ đại của con người chỉ là rất nhỏ nếu so với các chiều kích của vũ trụ. Những chinh phục vĩ đại nhất của con người dường như vô cùng nhỏ bé … và con người chẳng là gì. Trong lời cầu nguyện một cảm thức lòng thương xót được khẳng định mạnh mẽ. Chẳng có điều gì tồn tại một cách ngẫu nhiên: sự huyền bí của vũ trụ nằm trong cái nhìn đầy lòng từ bi của một Đấng. Thánh vịnh khẳng định rằng chúng ta được tạo dựng chẳng thua kém thần linh, được đội mũ triều thiên vinh quang và danh dự (x. 8:5). Sự vĩ đại của con người là mối tương quan của họ với Thiên Chúa: được tôn phong lên của Người. Về bản chất, chúng ta hầu như chẳng là gì, nhỏ bé, nhưng nhờ ơn gọi, bởi tiếng gọi mà chúng ta trở thành con cái của Đức Vua vĩ đại!

Đó là một kinh nghiệm mà rất nhiều người chúng ta từng có. Nếu câu chuyện của cuộc sống, với tất cả những đắng cay của nó, đôi khi có nguy cơ bóp nghẹt ơn cầu nguyện trong chúng ta, vẫn đủ để chiêm ngưỡng một bầu trời đầy sao, một buổi hoàng hôn, một bông hoa … để nhóm lên ánh lửa tạ ơn. Kinh nghiệm này có lẽ là căn bản của trang đầu tiên của Kinh Thánh.

Khi trình thuật kinh thánh về công trình Tạo dựng mở ra, dân tộc Israel không trải qua những ngày hạnh phúc. Một sức mạnh quân thù đã chiếm lĩnh miền đất; nhiều người bị trục xuất, và bây giờ thấy mình trở thành nô lệ trong vùng Lưỡng Hà. Chẳng còn một miền đất của cha ông, một Đền thờ, hoặc đời sống xã hội và tôn giáo — chẳng có gì. Tuy nhiên, chính từ trình thuật vĩ đại về Tạo vật, một số người bắt đầu tìm được lý do để tạ ơn, ngợi khen Thiên Chúa vì sự sống của họ. Lời cầu nguyện là sức mạnh đầu tiên của niềm hy vọng. Bạn cầu nguyện và niềm hy vọng lớn lên, nó tiến tới. Cha muốn nói rằng cầu nguyện mở ra cánh cửa hy vọng. Niềm hy vọng tồn tại, nhưng với lời cầu nguyện tôi mở ra được cánh cửa cho nó. Vì người cầu nguyện bảo vệ cho những sự thật nền tảng; họ là những người lặp đi lặp lại, trước hết là với chính bản thân họ, thứ đến là với người khác, rằng cuộc sống này, bất kể mọi cực nhọc và thử thách, bất kể những ngày khó khăn của nó, vẫn luôn đầy tràn ân sủng để biết kinh ngạc, và nó luôn được giữ gìn bảo vệ.

Người cầu nguyện biết rằng hy vọng thì mạnh mẽ hơn thất vọng. Họ tin rằng tình yêu thì mạnh hơn sự chết, và rằng đến một ngày nó sẽ ca khúc khải hoàn, cho dù có những lúc và theo những cách mà chúng ta không biết. Con người cầu nguyện mang trên khuôn mặt mình những ánh sáng rạng ngời: vì cho dù trong những ngày tối tăm nhất, ánh dương không ngừng chiếu sáng họ. Cầu nguyện soi sáng cho anh chị em: nói soi sáng cho linh hồn anh chị em, nó soi sáng cho tâm hồn và soi sáng cho khuôn mặt của anh chị em, ngay cả trong những thời gian đen tối nhất, ngay cả trong những lúc buồn phiền nhất

Tất cả chúng ta là những người mang theo niềm vui. Anh chị em có nghĩ đến điều này không? Rằng anh chị em là người mang theo Niềm vui? Hay anh chị em thích mang đến tin buồn hơn, những điều làm cho buồn bã? Tất cả chúng ta đều có khả năng mang đến niềm vui. Sự sống này là một ân huệ mà Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta, và nó quá ngắn ngủi để chôn vùi nó trong nỗi buồn, trong sự cay đắng. Chúng ta ngợi khen Thiên Chúa, hạnh phúc đơn sơ với cuộc sống. Chúng ta nhìn vào vũ trụ, chúng ta ngắm xem những vẻ đẹp và chúng ta cũng nhìn đến những thập giá của chúng ta và nói: “Nhưng Người hiện diện; Người tạo dựng chúng con như vậy, cho chính Người.”

Rất cần thiết phải cảm nhận được sự thao thức của tâm hồn dẫn đến lời tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa. Chúng ta là con cái của Đức Vua Vĩ đại, của Đấng Tạo Dựng, có thể đọc được dấu chỉ của Ngài trong mọi Tạo vật, mà ngày nay chúng ta không biết bảo vệ; tuy nhiên, trong Tạo vật là dấu chỉ của Thiên Chúa, là Đấng tác tạo vì yêu. Xin Chúa làm cho chúng ta hiểu được điều này sâu sắc hơn và giúp chúng ta biết nói lời “tạ ơn,” và lời “tạ ơn” đó là một lời cầu nguyện rất đẹp.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

Tiếng Ý

Cha xin chào các tín hữu nói tiếng Ý. Lễ Chúa Lên trời đang gần đến cho cha một cơ hội để kêu gọi những chứng nhân quảng đại của Đức Kitô Sống lại, biết rằng Ngài luôn luôn ở với chúng ta và hỗ trợ chúng ta trên suốt hành trình.

Xin gửi tâm tình đặc biệt đến các bạn trẻ, người già, bệnh nhân và các đôi uyên ương mới. Chúa Giêsu Kitô về trời, để lại một thông điệp và chương trình cho toàn Giáo hội: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ … dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28:19-20). Hãy làm cho mọi người biết lời cứu độ của Đức Kitô, và làm chứng cho lời đó trong cuộc sống hàng ngày; ước mong điều này trở thành lý tưởng và cam kết của anh chị em. Cha ban Phép lành cho tất cả anh chị em!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/5/2020]

Khi Đức Gioan Phaolô II chào cậu bé này, nó đã thay đổi cuộc đời cậu mãi mãi

Đức Gioan Phaolô II chào cậu bé này và điều đó đã thay đổi cuộc đời cậu mãi mãi

Khi Đức Gioan Phaolô II chào cậu bé này, nó đã thay đổi cuộc đời cậu mãi mãi
Gentileza don Francesco Chiarini

19 tháng Năm, 2020

Cha là một trong những ơn gọi của Đức Gioan Phaolô II, được ghi dấu bởi Thiên Chúa qua sự ảnh hưởng của vị giáo hoàng người Ba Lan.

Cha Francesco Chiarini, 39 tuổi, một linh mục của Neocatechumenal Way trong Giáo phận Fermo của Ý, tin rằng ơn gọi của cha có liên quan đến một sự gặp gỡ bất ngờ cha có được lúc còn là cậu bé 8 tuổi. Đức Gioan Phaolô II đến thăm thị trấn quê nhà của cậu Chiarini ngày 30 tháng Mười Hai năm 1988. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, khi đó 67 tuổi, từ trời đáp xuống — theo đúng nghĩa đen: ngài bước xuống từ một máy bay trực thăng, mặc áo choàng đỏ. Một đám đông hân hoan chào đón chuyến tông du của ngài. Ông Kiko Argüello, khi đó 48 tuổi là một trong những nhà sáng lập Neocatechumenal Way, tháp tùng Đức Thánh Cha đến cổng Trung tâm Rao truyền Phúc âm Quốc tế của Porto San Giorgio, nằm trong vùng Marche thuộc trung Ý.

Trong đám đông, một cậu bé người Ý cầm lá cờ nhỏ của Ý cùng với em trai chạy ra xem Đấng Kế vị Thánh Phêrô. Hai cậu bé bị hàng rào sắt ngăn lại. Có vẻ như không thể nào đến nhìn đức giáo hoàng thật gần, nhưng vị thánh nhân tương lai chú ý đặc biệt đến cậu anh; ngài dừng chân trước mặt cậu bé với đôi mắt sáng đang mỉm cười, cậu gần như đang đu bám vào hàng rào đó.

“Hai chúng tôi được cho qua hàng rào,” Cha Chiarini kể với Aleteia. “Đức Giáo hoàng bước đến với tôi — tôi chẳng biết tại sao ngài lại không làm như vậy với em trai tôi đang đứng bên cạnh — và ngài vỗ vỗ vào má tôi, gần giống như cái vỗ nhẹ thân mật. Tôi vẫn còn nhớ mùi hương của ngài.”

Cha Chiarini hiện giờ là một linh mục trẻ, được truyền chức năm 2010 vào Chúa nhật thứ Hai Phục sinh, Lễ Lòng Chúa Thương xót, một lễ được công bố 10 năm trước bởi Đức Gioan Phaolô II.

Cuộc gặp gỡ đó là một khoảnh khắc đặc biệt. Cậu bé cảm thấy có gì đó trong lòng không thể diễn tả được. Cha nói: “Một vài ngày sau, vị linh mục xứ của tôi là Cha Enrico, người mà anh nhìn thấy trong bức ảnh, hỏi tất cả trẻ em trong lớp chuẩn bị Rước Lễ lần đầu rằng chúng tôi muốn làm gì khi lớn lên. Tôi trả lời không chần chừ: ‘một linh mục!’”

Cuộc gặp gỡ diễn ra vào ngày lễ Thánh gia thất Nadarét năm 1988 khi Đức Gioan Phaolô II cử hành Thánh lễ và gửi những gia đình đầu tiên của Trung tâm Quốc tế đó đi như là những nhà thừa sai. Sau đó, họ đi đến các vùng ngoại vi khiêm tốn nhất ở Châu Á và Châu Phi, thành lập các nhóm truyền giáo nhỏ được đồng hành bởi một linh mục.

Những ơn gọi Ngày Giới trẻ Thế giới

Vào tháng Tám năm 1997, Cha Chiarini khi đó 17 tuổi, cha cùng với một nhóm bạn trẻ của Neocatechumenal Way tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ (WYD) ở Paris. Người thanh niên một lần nữa lại cân nhắc đến việc trở thành một linh mục khi anh nghe thấy những lời của Đức Gioan Phaolô II: “Hãy đi theo Chúa Giêsu! Đừng e sợ ‘đời sống mới’ mà Ngài bạn tặng cho các con.”

Cha Chiarini nói: “Đức Gioan Phaolô II vô cùng yêu mến Chúa Giêsu Kitô, và ngài là một chứng nhân cầu nguyện. Điều này mang đến cho ngài sự tự do lớn lao trong mọi điều: nói những điều với người trẻ tuổi và trở thành một thanh niên với những người trẻ.”

Ngày nay, vị linh mục người Ý có bằng tiến sĩ Thần học Kinh Thánh tại Đại học Giáo hoàng Gregorian ở Roma, và là giáo sư tại Viện Thần học Marche ở Fermo, Ý, từ năm 2009.

Yêu thương, đau khổ và thập giá

Quả thật, triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II có ảnh hưởng đối với đời sống của hàng triệu người trẻ. Vào ngày Chúa nhật Lễ Lá năm 1986, Ngày Giới trẻ Thế giới lần đầu tiên diễn ra tại Roma. Nó đã góp phần làm cho Đức Karol Wojtyła nhận được biệt danh là “Giáo hoàng của giới trẻ”, và “Giáo hoàng của những ơn gọi” — ơn gọi gia đình và ơn gọi trở thành những người nam nữ tận hiến.

Cha Chiarini nhìn thấy một tín hiệu hé lộ khác về ơn gọi của mình qua việc cha viết luận án cho bằng cử nhân Thần học về các tác phẩm của một tu sĩ Tây Ban Nha thế kỷ 16, Thánh Gioan Thánh Giá, được xem là đỉnh cao của thần bí thực nghiệm Kitô giáo. Các tác phẩm của thánh nhân (chủ yếu là thơ) đã truyền cảm hứng cho cha Chiarini nghiên cứu về ân sủng nhưng không của tình yêu của Đức Kitô.

Thật ra, khi đó Cha Chiarini vẫn không biết rằng Đức Gioan Phaolô II đã lấy bằng tiến sĩ Thần học (1948) với một luận án về chủ điểm đức tin theo các tác phẩm không của ai khác mà chính là Thánh Gioan Thánh Giá. Hơn nữa, nhiều năm trước, sau cái chết đau buồn của thân phụ, Đức Gioan Phaolô II nhận thấy rằng việc đọc thi ca thánh đã mang lại cho ngài sự an ủi, đồng thời nhận thức về ơn gọi của ngài phát triển qua lòng ngưỡng mộ sự hy sinh của các linh mục Công giáo trong những trại tập trung của Đức Quốc xã.

Cha Chiarini coi sự mật thiết của đời sống cầu nguyện của mình là một mối liên kết tâm linh khác với Đức Wojtyła là người đã đặt mọi quyết định trong tay Thiên Chúa. Mối ràng buộc của cha với Đức Gioan Phaolô II cũng là mối liên kết với chính thân phụ của cha, là người đã chết trước đó một thời gian và là người rất sùng kính vị thánh người Ba Lan. Thân phụ của Cha Chiarini cầu nguyện với Thánh Gioan Phaolô II, khẩn xin nhờ sự can thiệp của ngài, Chúa sẽ bảo vệ gia đình ông, giúp cho những người trẻ mà ông giảng dạy giáo lý và ban cho ông sức khỏe. Thông điệp của Đức Giáo hoàng Wojtyła đã làm vững mạnh sự hiệp nhất gia đình Cha Chiarini.

Đức Gioan Phaolô II: một nguồn cảm hứng

“Chúa giúp tôi sống ơn gọi. Càng bước đi trên con đường của người linh mục, tôi càng cảm nhận được sự từ bỏ mình (kenosis), và tôi càng tin tưởng hoàn toàn vào tình yêu của Người, từ đó tăng thêm khả năng của tôi để phục vụ và ở giữa những người trẻ. Đức Gioan Phaolô II yêu mến Chúa Kitô, vì vậy đám đông đi theo ngài. Tôi cảm nhận một ‘tình yêu nhưng không’, mà ‘tôi không xứng đáng được nhận,’ nhưng mỗi ngày, Chúa đến tìm tôi, mặc dù tôi chẳng là gì ngoài một linh mục nghèo. Trong khi tôi tự do, tôi cảm thấy được Chúa Kitô chọn và an ủi.”

Cha Chiarini nói rằng cha nhận được gấp trăm lần so với những gì cha đã cho đi. Như một ví dụ cho ân huệ của Chúa hoạt động qua cha, cha kể cho chúng tôi về việc cha đã tham gia một giải vô địch bóng đá nghiệp dư quốc tế mà cha chơi khi đang theo học tại một chủng viện ở Đài Loan. Trong trận đấu vòng loại cuối cùng, cha đã ghi bàn thắng quyết định, và ngay lập tức thủ môn của đội đối phương, trong cơn thịnh nộ mù quáng do thất bại, đã tấn công và đánh gãy chân Cha Chiarini (tibia and fibula).

Trước khi rời sân, mặc dù đau đớn, Cha Chiarini cảm thấy cần phải làm một cử chỉ mà cha nói nó không xuất phát từ cha, mà là từ Chúa. Trước khi lên cáng và được đưa đến nhà thương, nơi sau đó cha sẽ trải qua ca phẫu thuật, cha nắm lấy tay chàng thanh niên người Canada đã làm cha bị thương, nhìn thẳng vào mắt anh và nói: “Tôi tha thứ cho bạn!”

Cha Chiarini nói: “Người thanh niên kia là một người vô thần, nhưng anh ta đến thăm tôi trong nhà thương. Mặc dù anh ấy không biết tìm tôi ở đâu, nhưng anh ta đã làm mọi việc có thể để nói chuyện với tôi trước khi cuộc phẫu thuật. Có lẽ Chúa đã đặt lời tha thứ trên miệng tôi để cứu chàng trai trẻ này.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/5/2020]