Thứ Tư, 16 tháng 12, 2020

Li Băng: Phép lạ Giáng sinh của bé Nabil

Li Băng: Phép lạ Giáng sinh của bé Nabil

Nabil và bố của bé là anh Jad sau vụ nổ.

Li Băng: Phép lạ Giáng sinh của bé Nabil

ACN phỏng vấn người sống sót sau vụ nổ Beirut

15 tháng Mười Hai, 2020 01:20

ZENIT STAFF


Ngày 4 tháng Tám lẽ ra là ngày hạnh phúc nhất trong đời của anh Jad, một thanh niên Liban. Vì đó là ngày vợ anh, chị Christelle sinh con trai đầu lòng của họ, bé Nabil, tại Nhà thương Thánh George, ở Beirut.

Hạnh phúc của họ chỉ kéo dài mười lăm phút. Vào lúc 6.07 tối 2.750 tấn amoni nitrat đã phát nổ trong Hanger 13 tại cảng Beirut gần đó. Hơn 200 người chết và hơn 6.500 người bị thương. “Mọi thứ bay trong không khí; Tôi nghĩ rằng chiến tranh đã nổ ra. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là vợ và con tôi. Thật đúng là một phép lạ. Khi tôi nhìn chiếc nôi bé Nabil đang nằm, tôi chỉ biết cảm tạ Chúa. Nó nằm ngay bên dưới khung cửa sổ vỡ vụn, bị phủ kín bởi những mảnh vỡ thủy tinh cắm sâu vào các lớp chăn như những cây xiên. Nhưng Nabil hoàn toàn không bị tổn thương, không hề hấn gì,” người giáo viên 32 tuổi nói với Tổ chức Aid to the Church in Need (Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn).

Jad ẵm đứa con không một thương tích trong vòng tay – và vô cùng kinh ngạc. Một điều gì đó tương tự chắc chắn đã xảy ra tại chuồng chiên bò của Bêlem, cách Beirut khoảng 300 km về phía nam khi Thánh Giuse lần đầu tiên nhìn thấy Hài nhi mới sinh. Vào thời điểm đó, hai nghìn năm trước, Thiên Chúa cũng đã bảo vệ Hài Nhi mới sinh. Nhưng nhà thương Thánh George của Chính Thống giáo, lâu đời nhất và là một trong ba nhà thương lớn nhất cả nước, đã gần như sụp đổ hoàn toàn. Chị Christelle đã được đưa đến một nhà thương khác cách đó 50 dặm (80 km) cùng với bé Nabil.

Đó là những giây phút khó khăn và thử thách đối với ông bố trẻ này. Chúng đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của anh, giống như cuộc đời của Thánh Giuse đã bị thay đổi sau khi được thiên sứ báo mộng, ngài đã đưa Hài nhi và Mẹ của Người trốn sang Ai Cập trong đêm đó (xem Mt 2:14).

“Vụ nổ đã làm thay đổi cuộc đời tôi”, anh Jad nói với ACN trong chuyến thăm của Tổ chức từ thiện đến Beirut. Bất chấp mọi khó khăn, anh nói rằng anh đã làm việc và chiến đấu để xây dựng đất nước “mà tôi yêu quý”. “Nhưng”, anh nói thêm với vẻ thất vọng, “để ở lại, chúng tôi cần an ninh và cảm giác rằng có người quan tâm đến chúng tôi là người Kitô hữu. Chúng tôi cảm thấy thật đơn độc, bị bỏ rơi, bị lãng quên.”

Sự tàn phá gần như vượt ra ngoài niềm tin. 300.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi vụ nổ, đặc biệt tàn phá khu Kitô giáo của thành phố. Hàng ngàn người đang tự hỏi làm thế nào để họ sống sót qua mùa đông. Một lần nữa, Beirut nhắc chúng ta nhớ đến Bêlem, nơi không có quán trọ cho Chúa vào đêm Giáng sinh đầu tiên. Cuộc khủng hoảng xã hội, kinh tế và chính trị ở Li Băng đã đẩy đất nước này lâm vào cảnh nghèo đói cùng cực. Giữa bóng tối mịt mù ấy, ngày nào anh Jad cũng nhớ lại điều kỳ diệu về sự chào đời của đứa con đầu lòng: “Tôi nói đi nói lại với con chúng tôi rằng: ‘Con còn sống vì Chúa Kitô đã cứu con. Mẹ của con và ba đều bị thương, nhưng con chẳng bị một vết xước. Đừng bao giờ quên điều đó. Chúa Giêsu đã ở với con ngay lúc đó. Đừng sợ hãi, Ngài sẽ luôn ở bên con”.

Ba Nhà Thông thái đã mang đến cho Hài nhi ở Bêlem những món quà là vàng, nhũ hương và mộc dược. Anh Jad mong muốn món quà gì cho con mình? Ông bố trẻ trả lời không chút do dự: “Bình an, an toàn – và sức mạnh để vác thập giá của Đức Kitô. Vì gần gũi với Đức Kitô có nghĩa là phải vác thập giá của Ngài. Con trai tôi đã sống thực tế đó kể từ phút thứ mười lăm của cuộc đời nó, và người Kitô giáo ở Li Băng chúng tôi đều biết điều này quá rõ. Chúng tôi đã sống qua các cuộc chiến tranh và bắt bớ. Chúng tôi đang sống vì chúng tôi có một sứ mệnh phải hoàn thành. Chúng tôi phải làm chứng cho Chúa Kitô. Đó là điều thập giá đòi hỏi”.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/12/2020]


Đức Thánh Cha tiếp nhận Ủy nhiệm thư từ một số tân Đại sứ

Đức Thánh Cha tiếp nhận Ủy nhiệm thư từ một số tân Đại sứ

© Vatican Media

Đức Thánh Cha tiếp nhận Ủy nhiệm thư từ một số tân Đại sứ

‘Quý vị bắt đầu sứ mệnh tại một thời điểm đầy thách thức mà toàn gia đình nhân loại đang phải đối mặt’

04 tháng Mười Hai, 2020 14:59

ZENIT STAFF


Hôm thứ Sáu ngày 4 tháng Mười Hai, Đức Thánh Cha đã nhận những quốc thư ủy nhiệm của các đại sứ Jordan, Kazakhstan, Zambia, Mauritania, Uzbekistan, Madagascar, Estonia, Rwanda, Đan Mạch, và Ấn Độ tại Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng các tân đại sứ phục vụ “vào thời điểm thách thức lớn mà toàn gia đình nhân loại đang phải đối mặt.” Trong phát biểu với họ, ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết của hợp tác và đối thoại.


Dưới đây là toàn văn phát biểu của Đức Thánh Cha, văn bản của Vatican (ND: bản tiếng Anh).

Thưa quý ngài,

Thật hân hạnh cho tôi được tiếp quý ngài trình Quốc thư ủy nhiệm quý vị là các Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của quốc gia quý ngài tại Tòa Thánh: Jordan, Kazakhstan, Zambia, Mauritania, Uzbekistan, Madagascar, Estonia, Rwanda, Đan Mạch, và Ấn Độ. Tôi xin quý ngài chuyển những tình cảm trân trọng của tôi đến các vị Nguyên thủ Quốc gia của quý ngài, cùng với lời hứa cầu nguyện cho họ và đồng bào của quý ngài.

Quý ngài bắt đầu sứ mệnh vào thời điểm thách thức lớn mà toàn gia đình nhân loại đang phải đối mặt. Ngay cả trước khi bùng phát COVID-19, rõ ràng năm 2020 sẽ là một năm được đánh dấu bởi các tình trạng khẩn cấp về nhân đạo, do xung đột, bạo lực và khủng bố ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Khủng hoảng kinh tế đang gây ra nạn đói và di cư ồ ạt, trong khi biến đổi khí hậu đang làm gia tăng nguy cơ thiên tai, đói kém và hạn hán. Quả thật, đại dịch đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vốn đã có trong xã hội của chúng ta; khi người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất trong số các anh chị em của chúng ta có nguy cơ bị bỏ rơi, bị loại trừ và bị lãng quên. Cuộc khủng hoảng đã khiến chúng ta nhận ra rằng “chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả chúng ta đều mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời rất quan trọng và cần thiết, tất cả chúng ta đều được kêu gọi cùng chung tay chèo thuyền, mỗi người chúng ta cần an ủi người khác” (Phút cầu nguyện ngoại thường, 27 tháng Ba 2020).

Ngày nay, có lẽ hơn bao giờ hết, thế giới ngày càng toàn cầu hóa hơn khẩn thiết đòi hỏi sự đối thoại và hợp tác chân thành và tôn trọng có khả năng đoàn kết chúng ta trong việc đối phó với những mối đe dọa nghiêm trọng mà hành tinh của chúng ta đang đối mặt và hủy hoại tương lai của các thế hệ trẻ. Trong Thông điệp Fratelli Tutti (Tất cả là anh em) gần đây, tôi bày tỏ mong muốn rằng “trong thời đại của chúng ta, chúng ta có thể góp phần vào việc tái sinh một khát vọng phổ quát về tình huynh đệ bằng cách chân nhận phẩm giá của mỗi con người” (Số 8). Sự hiện diện của Tòa Thánh trong cộng đồng quốc tế nhằm phục vụ lợi ích chung toàn cầu, bằng cách hướng sự chú ý đến các khía cạnh về nhân học, đạo đức và tôn giáo của các vấn đề khác nhau ảnh hưởng đến đời sống của các cá nhân, các dân tộc và toàn thể các quốc gia.

Tôi hy vọng rằng hoạt động ngoại giao của quý ngài với vai trò là đại diện cho các quốc gia của quý ngài tại Tòa thánh sẽ thúc đẩy “văn hóa gặp gỡ” (Fratelli Tutti, 215) cần thiết để vượt qua những khác biệt và chia rẽ thường cản trở hiện thực hóa những lý tưởng và các mục tiêu cao đẹp do cộng đồng quốc tế đề xuất. Thật vậy, mỗi người chúng ta được mời gọi làm việc hàng ngày để xây dựng một thế giới ngày càng công bằng, huynh đệ và hiệp nhất hơn.

Thưa các vị Đại sứ, khi quý vị đảm nhận sứ mệnh của mình tại Tòa thánh, tôi xin gửi đến quý vị những lời nguyện chúc tốt đẹp và tôi bảo đảm với quý vị về sự sẵn sàng của các văn phòng khác nhau của Tòa Thánh để hỗ trợ quý vị hoàn thành trách nhiệm của mình. Tôi khẩn xin muôn ơn lành từ trời đổ xuống trên quý vị và gia đình, những người cộng tác của quý vị, và tất cả đồng bào của quý vị. Cảm ơn quý vị!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/12/2020]