Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

Toàn văn Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha: chúng ta hãy để Chúa thanh tẩy tâm hồn & và trải nghiệm trọn vẹn niềm vui

Toàn văn Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha: chúng ta hãy để Chúa thanh tẩy tâm hồn & và trải nghiệm trọn vẹn niềm vui
© Vatican Media

Toàn văn Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha: chúng ta hãy để Chúa thanh tẩy tâm hồn & và trải nghiệm trọn vẹn niềm vui

Cầu nguyện để chúng ta chuẩn bị thật tốt cho Phục sinh, chúng ta phải giải phóng tâm hồn mình thoát khỏi những sự gian dối

01 tháng Tư, 2020 12:44

Hãy để Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta và chúng ta sẽ trải nghiệm được trọn vẹn niềm vui và bình an.

Đây là điểm trung tâm bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi Tiếp Kiến chung hôm Thứ Tư ngày 1 tháng Tư năm 2020.

Ngài tiếp tục bài giáo lý về các Mối Phúc, và ngài chuyển sang Mối phúc thứ Sáu, là mối phúc hứa rằng tâm hồn sạch sẽ sẽ được thấy mặt Đức Chúa Trời.

Đức Phanxico nhấn mạnh, “Được nhìn thấy Thiên Chúa có nghĩa là có một mối tương quan cá nhân với Ngài.”

Để có được điều đó, chúng ta phải nhìn vào sâu thẳm tâm hồn mình và dành không gian cho Ngài, và tẩy sạch trong chúng ta những gì cản trở trên con đường lên thánh và ngăn chặn sự gần gũi và kết hiệp với Thiên Chúa.

Giữa đại dịch coronavirus đang lây lan trên toàn thế giới, cũng như các Thánh Lễ sáng của Đức Thánh Cha và giờ Kinh Truyền tin, Tiếp Kiến chung cũng được thực hiện riêng trong thư viện tông tòa và được truyền trực tiếp đến tín hữu.

Đức Phanxico nhắc nhở, “Để nhìn thấy Thiên Chúa, chẳng cần phải thay đổi cặp kính đeo mắt, hoặc điểm quan sát, hay thay đổi tác giả thần học dạy cho biết con đường: điều cần thiết là giải phóng tâm hồn khỏi những sự gian dối!”

Ngài nhấn mạnh, “Đây là con đường duy nhất. Đây là điểm trưởng thành quyết định: khi chúng ta nhận biết rằng kẻ thù xấu xa nhất thường ẩn nấp trong tâm hồn chúng ta.”

Đức Phanxico nói, “Trận chiến cao đẹp nhất là trận chiến chống lại những sự dối trá nội tâm gây nên tội của chúng ta. Vì tội thay đổi cách nhìn nội tâm của con người, thay đổi cách đánh giá mọi thứ, làm cho người ta nhìn thấy những điều không thật, hay ít nhất là ít thật nhất.”

Vì vậy, ngài nhắc nhở, điều quan trọng là hiểu được việc “thanh tẩy tâm hồn” là gì.

“Để làm điều đó, chúng ta phải nhớ rằng đối với Kinh Thánh tâm hồn không chỉ chứa đựng những cảm xúc, nhưng là nơi mật thiết nhất của con người, là không gian nội tâm nơi con người là chính mình — theo tinh thần Thánh kinh.”

Ngài nhắc nhở rằng trong Tin mừng Mát-thêu, Thánh nhân viết: “Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!” (6:23).

Ngài nói, “Ánh sáng này là cái nhìn chăm chú của tâm hồn, quan điểm, sự tổng hợp, mà từ đó thực tại được đọc thấy …”

Đặt câu hỏi tâm hồn “thanh sạch” nghĩa là gì, Đức Thánh Cha trả lời: “Người có tâm hồn thanh sạch sống trong sự hiện diện của Chúa, luôn giữ tâm hồn xứng đáng với mối tương quan với Ngài; chỉ qua con đường như vậy thì người đó mới có một đời sống mật thiết, “được kết hiệp” — chính trực, không sầu não nhưng đơn giản.”

Đức Thánh Cha kết thúc tiếp kiến chung bằng một số lời chào và cầu nguyện rằng chúng ta chuẩn bị tốt cho Phục sinh.

Tiếp Kiến chung kết thúc với Phép lành Tòa Thánh của Đức Thánh Cha.

Dưới đây là bản dịch tiếng Anh tóm tắt Tiếp Kiến chung hôm nay của Vatican, và tiếp theo là bản dịch (tiếng Anh) toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha:

***

Dẫn:

Anh chị em thân mến:

Tiếp tục giáo lý về các Mối Phúc, giờ đây chúng ta chuyển đến Mối Phúc thứ sáu, là mối phúc hứa rằng tâm hồn sạch sẽ sẽ được thấy mặt Đức Chúa Trời. Được nhìn thấy Thiên Chúa có nghĩa là có một mối tương quan cá nhân với Ngài. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nhìn vào sâu thẳm tâm hồn mình và dành không gian cho Ngài; như Thánh Augustine nói: “Thiên Chúa còn mật thiết với tôi còn hơn cả chính bản thân tôi” (Confessions, III, 6, 11). Tuy nhiên tâm hồn chúng ta thường chậm chạp và khờ khạo, giống như tâm hồn của các môn đệ trên đường về làng Ê-mau, họ ban đầu chẳng nhận ra Chúa Giê-su ở bên cạnh họ. Như vậy, để nhìn thấy Thiên Chúa đòi hỏi một tiến trình thanh tẩy, qua đó tâm hồn chúng ta được giải thoát khỏi tội là những điều khiến chúng ta bị mù trước sự hiện diện của Ngài. Điều đó buộc phải từ bỏ sự dữ và cho phép Chúa Thánh Thần hướng dẫn và dẫn dắt chúng ta. Một khía cạnh mở rộng để nhìn thấy Thiên Chúa là nhận ra Người trong công trình sáng tạo, trong các Bí tích của Giáo hội, và nơi những người anh chị em của chúng ta, đặc biệt là những người nghèo khổ nhất và cần được giúp đỡ nhất. Nếu chúng ta để cho Thiên Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta thì cuối cùng Ngài sẽ dẫn đưa chúng ta đến cái nhìn đầy ân phúc, ở đó chúng ta sẽ tận hưởng được sự trọn vẹn của niềm vui và bình an trong Nước Thiên Đàng.

Dẫn:

Cha xin chào các tín hữu nói tiếng Anh thông công với mọi người qua phương tiện truyền thông, trong thời gian chúng ta tiếp tục hành trình Mùa Chay tiến đến Phục sinh. Cha khẩn xin sức mạnh và sự bình an từ Chúa Giê-su Ki-tô để xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

[Văn bản chính: tiếng Anh] [Bản dịch của Vatican]


***

TOÀN VĂN HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG

[Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia Forrester của ZENIT]

Tiếp Kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9:30 sáng tại Thư viện của Điện Tông tòa Vatican.

Tiếp tục các bài giáo lý về các Mối Phúc, trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung suy niệm về Mối Phúc thứ sáu: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5:8).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu.

Tiếp Kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta cùng nhau đọc Mối Phúc thứ sáu, là mối phúc hứa sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa, với điều kiện có tâm hồn thanh sạch.

Một câu Thánh vịnh nói: “Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: ‘hãy tìm kiếm Thánh Nhan!’ Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài, xin Ngài đừng ẩn mặt.” (27:8-9).

Ngôn ngữ diễn đạt này cho thấy sự khát khao về một mối quan hệ riêng tư với Thiên Chúa, không phải một cách máy móc, không mơ hồ, không như vậy nhưng là riêng tư, là điều mà Sách Gióp cũng diễn tả như là tín hiệu của một mối quan hệ chân thành. Sách Gióp nói như sau: “Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến” (G 42:5). Và cha thường suy nghĩ rằng đây là con đường của sự sống, của mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta biết Thiên Chúa nhờ nghe thấy, nhưng với kinh nghiệm riêng của chúng ta thì chúng ta sẽ tiến tới, tiến tới, tiến tới và cuối cùng chúng ta sẽ trực tiếp chứng kiến Ngài, nếu chúng ta trung thành … Và đây là sự trưởng thành của Thần Khí.

Chúng ta tiến đến sự mật thiết này như thế nào, để chính mắt chúng ta chứng kiến Thiên Chúa? Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến các môn đệ đi về làng Ê-mau, họ có Chúa đi bên cạnh, “nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người” (Lc 24:16). Chúa mở mắt họ ra ở cuối hành trình với đỉnh điểm là việc bẻ bánh và bắt đầu quở trách: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!” (Lc 24:25). Đó là lời quở trách của lúc đầu. Đây là nguồn gốc của sự đau khổ của họ: tâm hồn khờ khạo và chậm chạp của họ. Và khi tâm hồn ra khờ khạo và chậm chạp thì chẳng nhìn thấy mọi sự. Mọi sự được nhìn thấy như đám mây mù. Đây là sự khôn ngoan của Mối Phúc này: có khả năng chiêm ngưỡng, cần phải nhìn vào trong con người của chúng ta và tạo không gian cho Chúa, vì như Thánh Augustine nói, “Thiên Chúa còn mật thiết với tôi còn hơn cả chính bản thân tôi” (“interior intimo meo,” Confessions, III, 6, 11). Để nhìn thấy Thiên Chúa, chẳng cần phải thay đổi cặp kính đeo mắt, hoặc điểm quan sát, hay thay đổi tác giả thần học dạy cho biết con đường: điều cần thiết là giải phóng tâm hồn khỏi những sự gian dối! Đây là con đường duy nhất. Đây là điểm trưởng thành quyết định: khi chúng ta nhận biết rằng kẻ thù xấu xa nhất thường ẩn nấp trong tâm hồn chúng ta.

Trận chiến cao đẹp nhất là trận chiến chống lại những sự dối trá nội tâm gây nên tội của chúng ta. Vì tội thay đổi cách nhìn nội tâm của con người, thay đổi cách đánh giá mọi thứ, làm cho người ta nhìn thấy những điều không thật, hay ít nhất là ít thật nhất. Vì vậy, điều quan trọng là hiểu được việc “thanh tẩy tâm hồn” là gì. Để làm điều đó, chúng ta phải nhớ rằng đối với Kinh Thánh tâm hồn không chỉ chứa đựng những cảm xúc, nhưng là nơi mật thiết nhất của con người, là không gian nội tâm nơi con người là chính mình — theo tinh thần Thánh kinh. Cũng trong Tin mừng Thánh Mát-thêu nói: “Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!” (6:23). “Ánh sáng” này là cái nhìn chăm chú của tâm hồn, quan điểm, sự tổng hợp, mà từ đó thực tại được đọc thấy (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 143).

Tuy nhiên, tâm hồn “thanh sạch” nghĩa là gì? Người có tâm hồn thanh sạch sống trong sự hiện diện của Chúa, luôn giữ tâm hồn xứng đáng với mối tương quan với Ngài; chỉ qua con đường đó thì người đó mới có một đời sống mật thiết, “được kết hiệp” — chính trực, không sầu não nhưng đơn giản. Như vậy, tâm hồn thanh sạch là kết quả của một tiến trình hàm ý đến sự giải phóng và từ bỏ mình. Sự thanh sạch của tâm hồn được sinh ra theo cách này; người đó đã sống đơn giản về nội tâm, học cách từ bỏ sự dữ trong con người, điều được gọi là cắt bì tâm hồn trong Kinh thánh (x. Đnl 10:16; 30:6; Ed 44:9; Gr 4:4). Sự thanh tẩy tâm hồn này hàm ý chân nhận tâm hồn đang chịu ảnh hưởng của sự dữ. — “Thưa Cha, con cảm thấy thế này, con suy nghĩ thế này, con nhìn thấy thế này, và điều đó thật kinh khủng”: thừa nhận phần kinh khủng, phần bị che mờ bởi sự dữ — để học được nghệ thuật cho phép bản thân luôn luôn được dạy bảo và dẫn dắt bởi Thánh Thần. Con đường của tâm hồn bệnh tật, của tâm hồn tội lỗi, của tâm hồn không thể nhìn thấy mọi sự rõ ràng, vì nó đang trong tội; ánh sáng trọn vẹn của tâm hồn là công việc của Chúa Thánh Thần. Chính Người là Đấng hướng dẫn hành trình này đến sự viên mãn. Như vậy qua hành trình của tâm hồn như vậy, chúng ta đến để “nhìn thấy Chúa.”

Trong cái nhìn ân phúc này có một tương lai, chiều kích cánh chung, như trong tất cả các Mối Phúc: nó là niềm vui của Nước Trời mà chúng ta sẽ đến. Tuy nhiên cũng có chiều kích khác: nhìn thấy Thiên Chúa có nghĩa là hiểu được những dự định của Đấng Quan phòng trong những việc xảy ra với chúng ta, nhận ra sự hiện diện của Ngài trong các Bí tích, sự hiện diện của Ngài trong các anh em, đặc biệt trong những người nghèo và đau khổ, và nhận ra Ngài ở nơi Ngài tỏ lộ (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2519).

Mối Phúc này một phần nào đó là hoa trái của những Mối Phúc trước: nếu chúng ta cảm nhận được cơn khát sự thiện ngụ cư trong chúng ta và ý thức rằng chúng ta sống nhờ lòng thương xót, một hành trình giải phóng bắt đầu, nó kéo dài suốt cuộc đời chúng ta và dẫn đưa chúng ta về Thiên Đàng. Nó là một công cuộc nghiêm túc, một công cuộc Chúa Thánh Thần thực hiện nếu chúng ta cho Ngài không gian để thực hiện nó, nếu chúng ta rộng mở cho hoạt động của Thánh Linh. Vì vậy, chúng ta có thể đó rằng đó là một công trình của Thiên Chúa trong chúng ta — trong những cuộc thử thách và thanh luyện của cuộc sống – và công cuộc này của Thiên Chúa và của Thánh Thần dẫn đến một niềm vui vô biên, đến bình an thật sự. Chúng ta đừng sợ; chúng ta hãy rộng mở cửa tâm hồn của chúng ta cho Chúa Thánh Thần, để Người có thể thanh tẩy chúng ta và dẫn dắt chúng ta tiến tới trên con đường đến niềm vui trọn vẹn này.

[Văn bản chính: tiếng Ý]


Tiếng Ý

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Ý. Cha đặc biệt nghĩ đến các nhóm từ rất lâu đã đăng ký để có mặt hôm nay. Trong đó, có các thiếu nhi Sống đạo thuộc Giáo phận Milan, kết nối đến buổi gặp gỡ này qua phương tiện truyền thông xã hội. Các con thiếu nhi thân mến, cho dù cuộc hành hương của chúng con đến Roma chỉ là trên không gian ảo, nhưng dường như cha vẫn cảm nhận được sự có mặt đầy vui tươi và ồn ào của chúng con, làm cụ thể với nhiều lời nhắn mà các con gửi đến cha: chúng con đã gửi cha rất nhiều, và chúng rất đẹp! Chúng là những lời nhắn đẹp, rất đẹp. Cảm ơn chúng con rất nhiều. Cảm ơn các con vì sự hiệp thông này với các cha. Cầu nguyện cho cha, đừng quên nhé. Cha cảm ơn các con và cha động viên các con hãy luôn sống niềm tin với lòng nhiệt huyết và không mất hy vọng nơi Chúa Giê-su, người Bạn trung thành làm đầy đời sống các con với sự hạnh phúc, cả trong những thời khắc khó khăn này.

Cuối cùng, cha chào các bạn trẻ, các bệnh nhân, người già và các đôi uyên ương mới. Ước mong rằng tuần cuối của Mùa Chay mà chúng ta đang sống có thể thúc đẩy sự chuẩn bị phù hợp cho việc cử hành Phục sinh, dẫn đưa cảm nhận gần gũi hơn với Đức Ki-tô. Cha chúc lành tất cả anh chị em.

[Văn bản chính: tiếng Ý]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/4/2020]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 26-31/4/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 26-31/4/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 26-31/4/2020


26 tháng Ba: Nếu anh chị em thấy cầu nguyện khó khăn, đừng bỏ cuộc. Hãy tĩnh lặng; tạo không gian cho Chúa đi vào; để Ngài nhìn đến anh chị em, và Ngài sẽ đổ đầy sự bình an của Ngài cho anh chị em. #Lent

27 tháng Ba: #Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhiều người đang lo lắng cho người khác - các gia đình không có đủ ăn, người già đang cô đơn, bệnh nhân trong nhà thương - và những người đang cầu nguyện và tìm cách giúp đỡ họ. Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã khơi dậy những cảm thức này trong tâm hồn của người tín hữu.

27 tháng Ba: Chúng ta hãy xin Chúa ban ơn biết chiến đấu chống lại tinh thần của sự dữ, để đối thoại khi cần đối thoại, khi đứng trước tâm hồn giận dữ thì có can đảm để giữ im lặng. #HomilySantaMarta

28 tháng Ba: Từ hàng cột ôm lấy Roma và toàn thế giới này, nguyện xin ơn lành của Chúa đổ xuống trên anh chị em như cái ôm an ủi.

28 tháng Ba: Lạy Chúa, xin đừng để chúng con ở lại với phong ba bão tố. Xin hãy nói với chúng con lần nữa: “Đừng sợ” (Mt 28:5). Và cùng với Thánh Phê-rô, chúng con “trút cả mọi âu lo cho Người, vì Người chăm sóc chúng con” (x. 1 Pr 5:7). 

28 tháng Ba: Trong những ngày này chúng ta bắt đầu nhìn thấy các hậu quả của đại dịch. Có những người đói. Chúng ta bắt đầu nhìn thấy hậu quả. #Chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho các gia đình đang thiếu thốn và đã phải chống chọi với cái đói do đại dịch.

28 tháng Ba: Dân Chúa có cảm thức biết Thần Khí ở đâu, biết được những con đường cứu độ. Dân Chúa đi theo Chúa Giê-su. Họ không thể giải thích tại sao, nhưng họ đi theo Người. Và họ không bao giờ mệt mỏi. #HomilySantaMarta

28 tháng Ba: Nó không phải là thời gian xét xử của Người, nhưng là thời gian xét xử của chúng con: thời gian để chọn điều gì là hệ trọng và điều gì là chóng qua, thời gian để tách bạch điều gì là cần thiết và điều gì là không. Lạy Chúa, nó là thời gian để đưa cuộc sống chúng con trở về con đường với Người, với tha nhân.

28 tháng Ba: Trong #Mùa Chay cha mời gọi anh chị em hãy dừng lại để chiêm ngắm trước Chúa chịu đóng đinh và lặp lại: “Lạy Chúa Giê-su, Ngài yêu con, xin hãy biến đổi con …”.

29 tháng Ba: Cha đang nghĩ đến nhiều người đang khóc. Chúng ta cũng vậy, hãy đồng hành với họ trong lòng. Sẽ chẳng có gì thiệt thòi cho chúng ta để khóc một chút như Chúa đã khóc cho toàn thể dân Người. #PrayTogether

29 tháng Ba: Vô cùng thổn thức và xao xuyến, Người đã khóc (Ga 11:35). Hôm nay chúng ta xin Chúa ban ơn biết khóc trước tất cả những người đang đau khổ do hậu quả của đại dịch. Ước mong hôm nay trở thành một Chúa nhật của những giọt lệ cho tất cả mọi người. #HomilySantaMarta

29 tháng Ba: Trong #Tin mừng hôm nay (Ga 11:1-45), Chúa Giê-su kể cho chúng ta: “Ta là sự sống lại và là sự sống … hãy có lòng tin.” Giữa những đau khổ, hãy tiếp tục tin tưởng, ngay cả khi có vẻ như sự chết chiến thắng. Chúng ta hãy để Lời Chúa khôi phục lại sự sống ở nơi có sự chết.”

29 tháng Ba: Chúng ta là một gia đình nhân loại. Chúng ta hãy chấm dứt tất cả những thù hận. Ước mong rằng cuộc chiến chung sức chống lại đại dịch #COVID-19 làm cho mọi người nhận thức được sự cần thiết vô cùng lớn lao phải củng cố lại những mối dây ràng buộc anh em và chị em. #globalceasefire @antonioguterres @UN

30 tháng Ba: #Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhiều người không thể đương đầu và vẫn còn sợ hãi vì trận đại dịch này. Xin Chúa giúp họ có thêm sức mạnh để đương đầu vì ích lợi của toàn cộng đồng.

30 tháng Ba: Chúa thực hiện công lý cho người phụ nữ vô tội, tha thứ người có tội, kết án những kẻ hư hỏng, giúp những người giả hình hoán cải. Mỗi người chúng ta đều có câu chuyện riêng, tội riêng. Chúng ta hãy nhìn đến Thiên Chúa là Đấng thực thi công lý, nhưng cũng là Đấng vô cùng giàu lòng thương xót. #HomilySantaMarta

30 tháng Ba: Khi chúng ta đứng trước Chúa Giê-su chịu đóng đinh, chúng ta nhìn thấy sâu thẳm tình yêu của Người, là tình yêu phục hồi lại phẩm giá và giữ gìn chúng ta. #Lent

31 tháng Ba: #Chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho những người vô gia cư. Trong thời gian này khi mọi người phải ở nhà, ước mong rằng xã hội trợ giúp họ và Giáo hội chào đón họ.

31 tháng Ba: Chúa Giê-su gánh tội của chúng ta trên mình Ngài đến mức khiến Ngài trở nên như tội nhân. Thật không dễ hiểu được điều này; chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được. Chúng ta chỉ có thể chiêm ngắm, cầu nguyện, và dâng lời tạ ơn. #HomilySantaMarta

31 tháng Ba: Chúa giải phóng và chữa lành tâm hồn, nếu chúng ta kêu cầu Ngài với lòng khiêm nhường và tín thác. #Lent




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 2/4/2020]