Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

Thánh Catarina thành Siena, vị tông đồ hòa giải

Thánh Catarina thành Siena, vị tông đồ hòa giải

Hình ảnh của một trong những vị thánh nổi bật nhất của Giáo hội
18 tháng Bảy, 2020

Thánh Catarina thành Siena, vị tông đồ hòa giải


Thánh Catarina thành Siena là “một hiện tượng duy nhất … trong lịch sử (các thánh) dịu dàng nhất, độc đáo nhất và vĩ đại nhất từng được ghi lại.”

Đó là những lời của Đức Giáo hoàng Phaolô VI dùng để miêu tả vị thánh người Ý thuộc thế kỷ 14 trong một buổi tiếp kiến chung vào tháng Tư năm 1969.

Phải nói rằng trong suốt cuộc đời 33 năm của mình, người phụ nữ thành Siena này giống như một cơn gió sống động, lôi cuốn từ những người khiêm nhường đến vĩ đại của thế giới này và hướng họ về với Đức Kitô.

Thánh Catarina sinh năm 1347 tại thời điểm Châu Âu đang trong sự xáo trộn liên tục. Pháp và Anh bị cuốn vào cuộc Chiến Trăm năm. Những thành phố hiện nay thuộc nước Ý chống đối lẫn nhau. Và giáo hoàng, người phải trú ở Avignon, không thể đặt chân lên đất Roma.

Nước Cộng hòa Siena, nơi Thánh Catarina lớn lên, cũng không thoát khỏi tình trạng đó, với các gia đình nắm quyền hành chia rẽ lẫn nhau.

Những chia rẽ và chống đối đánh dấu khoảng giữa thế kỷ 14 có thể nhắc nhở chúng ta về các khía cạnh nhất định trong thế kỷ 21 của chúng ta … Thánh Catarina nhìn thấy sự chia rẽ bạo lực này là không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, người nữ trẻ này đã chẳng được chuẩn bị điều gì ngoài một nền tảng đơn sơ - thánh nữ gần như không biết chữ - để đặt mình vào một vị trí giúp đưa các phe phái gây hấn đến hòa bình. Chẳng có gì khác hơn ngoài một đức tin rực sáng, được nuôi dưỡng bởi những thị kiến từ khi còn rất nhỏ.


"Một nhận thức mới phi thường về lòng thương xót”

Vào một thời điểm khi Kitô giáo đang bị chia rẽ, đặc biệt do những lợi ích chính trị đối chọi nhau giữa các hoàng thân, Thánh Catarina đã yêu cầu họ đối thoại với nhau.

Christiane Rancé, tác giả của một quyển sách viết về thánh nhân nói, “Catherine là một người nữ trẻ không dễ bị khuất phục, can đảm phi thường.”

Rancé cho biết, “Thánh nữ không chịu đầu hàng trước các nhà chức trách muốn ngăn trở ơn gọi của mình: thánh nữ đã không nghe theo cha mẹ, trong thời gian đó, thánh nữ bày tỏ sự không đồng tình với giáo hoàng khi ngài thất bại trong sứ vụ của mình. Nhưng thánh nữ luôn hoàn toàn vâng phục Tin Mừng và tinh thần của Đức Kitô.”

Mẹ Marie des Anges Cayeux, nữ tu Đaminh đã viết luận án tiến sĩ về Thánh Catarina thành Siena, nói rằng thánh nữ “đầy tính thời sự vì sự tự do trong cách nói về tất cả các yếu tố của xã hội, từ những hoàng thân ở vị trí cao nhất đến những người anh em đơn sơ nhất.”

Do đó, được tiếp thêm sức mạnh bởi tính vững chắc của việc rao giảng phúc âm, người nữ trẻ thách đố tất cả mọi người, thậm chí cả giáo hoàng, người mà thánh nữ không ngại nhắc nhở một cách thẳng thắn về những trách vụ của ngài. Đặc biệt, thánh nữ thúc giục ngài rời bỏ Avignon và trở về Roma - một việc mà cuối cùng giáo hoàng đã làm, được chứng thực trong trực giác của ngài qua thị kiến.

Rancé nói rằng Thánh Catarina “hiểu được những mối nguy hiểm của việc thay đổi vị trí và dành thời gian của mình để hòa giải giữa các thành phố với nhau.”

Thánh nữ tin rằng các vị thánh trong tương lai sẽ kêu gọi chấm dứt cuộc chiến dai dẳng này cho thấy thánh nữ “có một nhận thức mới phi thường về lòng thương xót, kêu gọi tha thứ và từ bỏ sự báo thù đối với các thế hệ sắp tới.”


Giữ vững tinh thần Kitô giáo của Châu Âu

Rancé nói, “Trong xã hội bị rạn nứt ngày nay, với các cộng đồng ngày càng chống đối với nhau, Thánh Catarina nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải tha thứ, hòa giải và hiệp thông.”

Tác giả lập luận rằng vị Thánh người Siena ngày nay càng trở nên thích hợp hơn “vì hiện nay, nhân danh các bậc tiền nhân, chúng ta thấy những cá nhân yêu cầu đền bù thiệt hại cho những lỗi lầm mà họ không phải là nạn nhân đối với các nhóm cá nhân không gây ra những tội ác đó. Nó là một cuộc chiến của mọi người chống lại tất cả.”

Jean-Louis Fradon, một nhà viết tiểu sử khác, nói: “Thánh Catarina gặp gỡ mọi người, thánh nữ nói chuyện thẳng thắn và trực tiếp, đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề để thúc đẩy con người yêu thương nhiều hơn.”

Ông quả quyết, “Ngày nay chúng ta phải noi gương thánh nữ để nói chuyện với nhau, như Đức Giáo hoàng Phanxicô thúc giục chúng ta làm.”

Mẹ Marie des Anges đồng ý rằng Thánh Catarina thành Siena vẫn có thể là nguồn cảm hứng cho ngày nay. Tuy nhiên mẹ cảnh báo rằng chúng ta không được tách đời sống và hoạt động của thánh nữ ra khỏi bối cảnh lịch sử của chúng.

Vị nữ tu dòng Đaminh nói: “Luôn có một chiều kích thiêng liêng trong các hành động của Thánh Catarina. Do đó, thánh nữ muốn chấm dứt những chia rẽ vì chúng có hại cho Kitô giáo, và đối với thánh nữ, đưa đến lợi ích cao hơn cho Giáo hội và của các linh hồn.”

Christiane Rancé khẳng định, “Ý định của thánh nữ là duy trì tinh thần Tin mừng ở Châu Âu, nơi muốn có các sức mạnh chính trị ở đó để thực hiện sự công bình của Đức Kitô, mà họ là những người bảo vệ trên trái đất này.”


“Một người yêu của Giáo hội”

Như vậy, chúng ta phải đặt Thánh Catarina vào một thời đại Kitô giáo mà hiện nay chắc chắn không còn?

Chắc chắn không phải, theo Đức Gioan Phaolô II là người vào năm 1999 đã công bố thánh nữ là “đồng bổn mạng của Châu Âu” cùng với các Thánh Brigitte của Thụy Điển và Thánh Edith Stein.

Mười năm sau đó Đức Benedict XVI giải thích rằng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đã đưa ra quyết định này “để Châu Âu sẽ không bao giờ quên nguồn cội Kitô giáo là những nguồn gốc của sự tiến bộ của mình, và tiếp tục rút ra những giá trị nền tảng từ Tin Mừng để bảo đảm cho công bình và sự hòa hợp.”

Vì vậy, Thánh Catarina thành Siena là một sự hỗ trợ trong cuộc tranh luận từ lâu về nguồn gốc Kitô giáo của Châu Âu.

Trong thực tế, đằng sau cam kết với Kitô giáo Tây phương, mong muốn thực sự của Thánh Catarina và cũng là của Giáo hội, là Nhiệm thể của Đức Kitô. Nỗi sợ hãi lớn của thánh nữ là sự ly giáo, mà thánh nhân gọi là “dị giáo”.

Jean-Louis Fradon giải thích: “Thánh nữ là một người yêu của Giáo hội, nhưng Chúa biết rằng thánh nữ đã sống trong một Giáo hội bệnh tật với các giáo sĩ không làm gương mẫu.”

Thật không may, hành động không mệt mỏi của thánh nhân đã không ngăn được cuộc Đại Ly giáo của phương Tây năm 1378, hai năm trước khi thánh nữ qua đời.

Một lần nữa, nhà viết tiểu sử khẳng định, ở đây Thánh Catarina là một sự hỗ trợ vì Giáo hội dường như một lần nữa phải trải qua “những rạn nứt khiến người ta tự hỏi liệu một cuộc ly giáo có thể xảy ra không.”


Một tấm gương nhiệt thành, táo bạo cho ngày nay

Ông tiếp tục, “Thánh Catarina không đặt điều gì lên cao hơn sự hiệp nhất của Giáo hội, và mặc dù thánh nhân kêu gọi các giáo sĩ hãy tuân phục, thánh nhân không bao giờ nghi ngờ về sứ mệnh đã được trao phó cho mình.

Do đó, nó cũng giống như khi bước vào đầu thiên niên kỷ thứ ba này với một luồng gió cải cách đang thổi qua Giáo hội, và nhà nhà thần bí không ngần ngại tham gia.

Fradon lập luận: “Đối với thánh nữ, cải cách Giáo hội không bao gồm những chuyển đổi về thể chế, nhưng là một sự chuyển biến nội tâm, quay trở về với mầu nhiệm vượt qua và một sự gắn bó mật thiết riêng tư với Chúa Kitô.”

Do đó, mối quan tâm của Thánh Catarina phù hợp với Đức Giáo hoàng Phanxico khi ngài tuyên bố trong Tông huấn Evangelii gaudium rằng “việc đổi mới những cấu trúc do yêu cầu của sự chuyển đổi mục vụ chỉ có thể được hiểu dưới ánh sáng này: như là một phần của nỗ lực làm cho những cấu trúc hướng đến sứ mạng nhiều hơn.”

Fradon giải thích, “Như Đức Giáo hoàng Phanxico nói Thánh Catarina muốn một Giáo hội tâm linh hơn và ít trần tục hơn.”

Vì vậy, nó là một thách đố vẫn còn phù hợp bảy thế kỷ sau.

Mẹ Marie des Anges Cayeux giải thích: “Với sự nhiệt thành, sự táo bạo và tự do, Thánh Catarina thúc giục con người trong thời đại của ngài dấn bước trên con đường hoàn thiện, và không ngần ngại nhắc nhở các giáo sĩ về bổn phận phải làm gương của họ.”

Và hãy nghĩ đến Thánh Catarina, là một giáo dân Dòng Ba Đaminh, đã thực hiện việc đó trong khi không mang bất kỳ trách nhiệm nào trong dòng hay tu viện.

Người nữ giáo dân đó đã có thể tạo ra những luồng gió thay đổi trong Giáo hội vẫn còn là một khát vọng cho hôm nay!



[Nguồn: la-croix]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/7/2020]


Caritas Quốc tế công bố Báo cáo Thường niên 2019

Caritas Quốc tế công bố Báo cáo Thường niên 2019

Caritas Quốc tế công bố Báo cáo Thường niên 2019

Tập trung vào cuộc khủng hoảng kinh tế ở Trung Đông và nợ quốc tế

17 tháng Bảy, 2020 14:38

“Chúng ta đang trong một thời điểm thay đổi quan trọng. Biến cố này cũng diễn ra trong tinh thần hy vọng cho tương lai, đặc biệt vào thời điểm nhân loại đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Covid-19 đã làm lộ rõ tính mỏng giòn của sự sống chúng ta. Như Đức Giáo Hoàng Phanxico đã nhắc lại với chúng ta, chúng ta đang đứng trước một khởi đầu mới và thế giới của chúng ta sau Covid-19 sẽ không thể và không còn như trước đây. Caritas Quốc tế sẽ tiếp tục lên tiếng cho những người không có tiếng nói và thúc đẩy sự phát triển con người và sinh thái học toàn diện phù hợp với Tông huấn Laudato Sì, là ‘trung tâm điểm cho hành động của chúng tôi’;” với những lời này Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, Chủ tịch Caritas Quốc tế và là Tổng trưởng Bộ Rao giảng Phúc âm cho các Dân tộc, đã mở đầu cho bài trình bày về Báo cáo thường niên của Caritas Quốc tế, với chủ đề “Caritas là tiếng nói của những người không có tiếng nói, nhìn về tương lai trong thế giới hậu-COVID19.” Trong một hội nghị video được tổ chức hôm qua ngày 16 tháng Bảy, Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, và Tổng thư ký Aactsius John đặc biệt tập trung vào hai hiện tượng cần có sự can thiệp dứt khoát của toàn thể cộng đồng: nợ quốc tế và những trừng phạt kinh tế ở Trung Đông, theo bản tin của Cơ quan Thông tấn Fides.


Ngài Chủ tịch Tagle nói: “Đại dịch đã đưa tổ chức của chúng ta vào cuộc thử thách. Nó khiến chúng ta phải đối mặt với một tình huống chưa từng xảy ra có thể dẫn đến sự gián đoạn của nhiều chương trình, và thậm chí là đóng cửa một số văn phòng. Thay vì vậy, 162 tổ chức Caritas hoạt động ở khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau đã có thể ứng phó kịp thời với tình huống khẩn cấp bằng cách gia tăng các chương trình và tổ chức để tiếp cận những người dễ bị tổn thương nhất, chăm sóc họ, thông báo cho họ về đại dịch.”

Ngài tiếp tục: “Caritas mời tất cả mọi người, đặc biệt là các nhà lãnh đạo, hãy sẵn sàng đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng của đại dịch này không chỉ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mà còn can thiệp kịp thời để hỗ trợ hàng triệu người có nguy cơ bị đói. Chúng ta không thể ngồi im và nhìn những điều kiện sống ngày càng xấu đi của người dân Li Băng, Syria và các quốc gia Trung Đông khác. Người nghèo nhất là nạn nhân của các lệnh trừng phạt kinh tế và mối đe dọa của Covid-19 khiến cuộc sống khó khăn của họ càng trở nên bấp bênh hơn. Nợ quốc tế của các nước nghèo nhất ở Châu Phi, một phần Châu Mỹ Latinh và Châu Á đã có những hậu quả kinh tế và xã hội rõ rệt.”

Tổng thư ký Aloysius John lặp lại: “Tình hình ở Trung Đông đã xấu đi đáng kể trong sáu tháng qua, với những lệnh trừng phạt kinh tế và cấm vận đối với Syria đã góp phần vào đó. Giá cả tăng vọt, mọi người không có điều kiện mua lương thực, suy dinh dưỡng đang lan rộng và sự giận dữ ngày càng tăng đối với cộng đồng quốc tế. Tình hình càng xấu hơn đối với những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ và người già, đã bị ảnh hưởng nặng bởi những cuộc chiến tranh, căng thẳng, trào lưu chính thống, và bây giờ bởi COVID-19.” Ông Aloysius nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt chống lại Syria cũng đã ảnh hưởng đến những nước láng giềng. “Trong những ngày qua, chúng tôi đang theo dõi với mối quan ngại đặc biệt dành cho Li Băng, nơi luôn là mô hình cân bằng cho toàn Trung Đông. Một đất nước luôn luôn là một ‘thông điệp về tự do và là một mẫu gương về chủ nghĩa đa nguyên cho phương Đông và Tây,’ như Thánh Gioan Phaolô II nói. Mặc dù các lệnh trừng phạt và cấm vận không bị áp đặt trực tiếp lên Li Băng, nhưng những hậu quả gián tiếp đối với đất nước – vốn có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Syria – là không thể phủ nhận. Ngày nay tại Lebanon, ước tính 75% tổng dân số cần cứu trợ nhân đạo, đồng nội tệ đã mất 80% giá trị trong những tháng gần đây. Ngoài ra, quốc gia này luôn là điểm xuất phát để giúp đỡ các quốc gia khác như Syria và Iraq, vì vậy nếu tình hình không được cải thiện, hậu quả đối với khu vực này sẽ là thảm họa.”

Trong số những người tham dự hội nghị video, cùng với Cha Michel Abboud là chủ tịch của Caritas Li Băng, còn có Bà Rita Rhayem, Giám đốc Caritas Li Băng, là người nhắc đến tính nghiêm trọng đang hoành hành đất nước. Bà Rita Rhayemgiải thích, “Li Băng đang đối mặt với tình hình kinh tế xấu nhất từ trước đến nay với số lượng người thất nghiệp đáng kể đã bị đẩy xuống dưới mức nghèo khổ. Cuộc khủng hoảng kinh tế này là kết quả của nhiều yếu tố, và ngày càng trở nên trầm trọng hơn do tác động lan rộng của cuộc khủng hoảng và lệnh trừng phạt đối với Syria. Quốc gia tiếp nhận một số lượng lớn người tị nạn và công nhân nhập cư Syria hiện đang trên bờ vực sụp đổ với sự im lặng hoàn toàn từ phía cộng đồng quốc tế. Sự viện trợ được liên kết với những cải cách rất khó thực hiện hoặc phải mất thời gian.”

“Trong khi đó, người Li Băng đang phải trả giá cao; di dân và người tị nạn đang gánh chịu đau khổ. Như Đức Giáo Hoàng Phanxico đã nói trong giờ Kinh Truyền tin ngày 28 tháng Sáu năm 2020: “Li Băng đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị xã hội nghiêm trọng mà đại dịch COVID-19 đã đẩy sự khó khăn tăng cao hơn nữa.”

Giám đốc của tổ chức cũng cho thấy rằng trong khi thế giới đang tìm liệu pháp điều trị Covid-19, thì đại dịch không nằm trong số những ưu tiên, chính bởi vì khi cuộc khủng hoảng bùng nổ, hàng trăm người đã bắt đầu phải tìm kiếm những lựa chọn thay thế để kiếm tiền ăn. “Hình thức trao đổi hàng hóa đã quay trở lại ở Li Băng: Mọi người đã bắt đầu đổi quần áo và giày dép để lấy thức ăn.”

Phòng xã hội của Caritas Li Băng theo dõi tình trạng của những người dễ bị tổn thương nhất để đánh giá tình hình của họ và cung cấp sự hỗ trợ cho những người thiếu thốn nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không thể đáp ứng tất cả các yêu cầu trong những trường hợp khẩn cấp do nguồn nhân lực và kinh tế hạn chế. Rất có nguy cơ phải đóng cửa đối với một số nơi trợ cấp và trường học, và sa thải nhân viên. Trong 5 tháng qua, phòng xã hội Caritas địa phương, phối hợp với giới trẻ, đã phân phát 11. 293 bao thực phẩm, 5.415 bữa ăn nóng và 3.012 phiếu ăn. Ngoài ra, Caritas Li Băng đang hợp tác với Tổ chức Maronite Foundation, nơi cung cấp thực phẩm được phân phối đến các khu vực khác nhau tại Li Băng. Vào tháng Sáu, phòng y tế đã phân phát 50.239 viên thuốc cho 11.425 người trên toàn quốc. Tình hình đang thay đổi đáng kể từng ngày, chúng ta đang chứng kiến những cảnh chưa từng thấy tại đất nước trong những năm qua,”



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/7/2020]