Thứ Ba, 18 tháng 6, 2019

Đức Thánh Cha kêu gọi hành động trước sự biến đổi khí hậu

Đức Thánh Cha kêu gọi hành động trước sự biến đổi khí hậu
© Vatican Media

Đức Thánh Cha kêu gọi hành động trước sự biến đổi khí hậu

Diễn từ tại cuộc họp ‘Sự Biến đổi Khí hậu và Bằng chứng mới từ Khoa học, Kỹ thuật, và Chính sách’, được tổ chức bởi Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học

27 tháng Năm, 2019 17:44

Ngày 27 tháng Năm, 2019, Đức Thánh Cha Phanxico lặp lại lời kêu gọi hành động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Phát biểu của ngài tại khán phòng Casina Pio IV trong Vatican, nhân dịp cuộc họp “Sự Biến đổi Khí hậu và Bằng chứng mới từ Khoa học, Kỹ thuật, và Chính sách,” được tổ chức bởi Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học.

“Những hiện tượng ngày nay cho thấy không tốt. Những đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch tiếp tục tăng, cho dù các nhà khoa học nói với chúng ta rằng những nhiên liệu hóa thạch đó cần phải ở lại trong lòng đất,” Đức Thánh Cha giải thích. “Cơ quan Năng lượng Quốc tế gần đây báo cáo cho biết những sự đầu tư vào năng lượng sạch tiếp tục giảm sút trong năm thứ hai, dù rằng các chuyên gia liên tục chứng minh cho thấy những ích lợi đối với môi trường của con người xuất phát từ nguồn năng lượng sạch từ gió, mặt trời, và nước đem lại. Chúng ta lại tiếp tục đi theo những con đường xưa cũ vì chúng ta bị vướng vào những tính toán sai lầm và bởi sự sự hủ hóa đối với những lợi ích được hưởng. Chúng ta vẫn đánh giá là lợi nhuận đối với những gì đe dọa đến sự tồn tại của chúng ta … Những hiện tượng của sức trì trệ toàn cầu thật đáng lạ.”

Đức Thánh Cha đề nghị những điểm sau:


  • đánh giá đúng những gì là quan trọng, những gì không cần thiết;
  • sửa lại cho đúng những báo cáo quốc gia và báo cáo doanh nghiệp của chúng ta, để ngăn lại những hoạt động đang tàn phá hành tinh của chúng ta;
  • đặt dấu chấm hết cho sự lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu;
  • mở ra một chương mới của năng lượng sạch và an toàn, chẳng hạn tận dụng những nguồn năng lượng tái sinh như gió, mặt trời, và nước;
  • trên hết, phải hành động một cách thận trọng và có trách nhiệm trong các nền kinh tế để thật sự đáp ứng được nhu cầu của con người, thúc đẩy nhân phẩm, giúp đỡ người nghèo và thoát khỏi sự sùng bái đồng tiền là nguyên nhân gây ra quá nhiều
“Là các nhà quản lý các nền tài chính thế giới, tôi hy vọng rằng quý vị sẽ cùng đồng thuận về một chương trình chung phù hợp với khoa học về khí hậu, với những khám phá mới nhất trong công nghệ năng lượng sạch, và trên hết là phù hợp với đạo đức của phẩm giá con người,” Đức Phanxico nói với mọi người. “Tôi xin quý vị hãy mời gọi các bộ trưởng tài chính của quý vị trên thế giới cùng chung sức trong các nỗ lực và chương trình. Ước mong rằng công cuộc của quý vị với các nhà khoa học, các nhà kỹ thuật và các dân tộc trong đất nước của quý vị, đặc biệt là những người nghèo nhất, đạt được Những Mục tiêu Phát triển Bền vững và Hiệp ước Paris về Khí hậu.”


Toàn văn phát biểu của Đức Thánh Cha

Kính thưa quý vị,

Tôi xin gửi lời chào thân ái đến từng quý vị hiện diện tại đây: ngài Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp quốc và các Bộ trưởng Tài chính từ nhiều quốc gia. Tôi vô cùng cảm kích vì quý vị đã đến Vatican để thảo luận một vấn đề rất quan trọng cho con người và toàn thể tạo vật. Chúng ta đang sống trong một thời đại khi mà lợi tức và thua lỗ dường như được đánh giá quan trọng hơn những mạng sống và cái chết, và khi mà tổng tài sản của một công ty được xem ưu tiên hơn giá trị vô tận của gia đình nhân loại. Quý vị hiện diện ở đây hôm nay nhằm phản ánh về cách để cứu vãn cuộc khủng hoảng sâu rộng này do sự lẫn lộn giữa những điều thuộc đạo đức và những điều thuộc tài chính. Quý vị ở đây để giúp chặn đứng một cuộc khủng hoảng đang đưa thế giới đến thảm họa.

Sự tương thuộc toàn cầu ngày nay buộc chúng ta phải suy nghĩ về một thế giới với một chương trình chung (Tông huấn Laudato Si’, 164). Năm 2015, các quốc gia trên thế giới đã cùng tham gia, bằng sự đồng ý giữa các bên, trong việc ủng hộ hai hiệp ước quan trọng: Những Mục tiêu Phát triển Bền vững và Hiệp ước Khí hậu Paris COP21. Là các nhà lãnh đạo tài chính của đất nước, quý vị có trách nhiệm phải làm việc để đạt được những mục tiêu mà các chính phủ quý vị đã thông qua, vì ích lợi của con người hôm nay và trong tương lai. Đây là một cam kết căn bản. Chúng ta phải đạt được những gì chúng ta đã cùng đồng thuận, vì sự tồn tại và hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc vào nó.

Những hiện tượng ngày nay cho thấy không tốt. Những đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch tiếp tục tăng, cho dù các nhà khoa học nói với chúng ta rằng những nhiên liệu hóa thạch đó cần phải ở lại trong lòng đất. Cơ quan Năng lượng Quốc tế gần đây báo cáo cho biết những sự đầu tư vào năng lượng sạch tiếp tục giảm sút trong năm thứ hai, dù rằng các chuyên gia liên tục chứng minh cho thấy những ích lợi đối với môi trường của con người xuất phát từ nguồn năng lượng sạch từ gió, mặt trời, và nước đem lại. Chúng ta lại tiếp tục đi theo những con đường xưa cũ vì chúng ta bị vướng vào những tính toán sai lầm và bởi sự sự hủ hóa đối với những lợi ích được hưởng. Chúng ta vẫn đánh giá là lợi nhuận đối với những gì đe dọa đến sự tồn tại của chúng ta

Những hiện tượng của sức trì trệ toàn cầu thật đáng lạ. Khoảng hai tuần trước, một số trung tâm nghiên cứu khoa học đã ghi lại nồng độ carbon dioxide trong khí quyển – một trong những nguyên nhân chính của sự nóng lên toàn cầu liên quan đến hoạt động của con người – đã đạt tới ngưỡng 415 phần triệu, mức cao nhất từng được ghi nhận. Trên khắp thế giới, chúng ta đang chứng kiến những đợt nắng nóng, hạn hán, cháy rừng, lũ lụt và các hiện tượng khí hậu cực đoan khác, mực nước biển dâng cao, sự xuất hiện của nhiều bệnh tật và những vấn đề xa hơn cho thấy một linh cảm kinh khủng về những điều còn tồi tệ hơn sẽ xảy đến, trừ khi chúng ta hành động và hành động cấp bách.

Trong cuộc họp hôm nay của quý vị, quý vị đã được nghe từ các nhà khí hậu và chuyên gia hàng đầu. Thông điệp của họ rất rõ ràng và dứt khoát. Chúng ta cần phải hành động quyết liệt để chấm dứt tình trạng phát thải khí nhà kính trong thời hạn muộn nhất là đến giữa thế kỷ, và thậm chí còn làm nhiều hơn thế. Phải giảm đáng kể những nồng độ carbon dioxide để đảm bảo sự an toàn cho ngôi nhà chung của chúng ta. Quý vị cũng nghe nói rằng điều này có thể được thực hiện với chi phí thấp bằng cách sử dụng nguồn năng lượng sạch và cải thiện hiệu quả năng lượng.

Lý trí tự nó làm cho điều này trở nên rõ ràng và trở nên như nền tảng cho hành động chung của chúng ta. Do đó, chúng ta hãy quyết tâm cùng nhau làm việc để đạt được những mục tiêu này:

  • đánh giá đúng những gì là quan trọng, những gì không cần thiết;
  • sửa lại cho đúng những báo cáo quốc gia và báo cáo doanh nghiệp của chúng ta, để ngăn lại những hoạt động đang tàn phá hành tinh của chúng ta;
  • đặt dấu chấm hết cho sự lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu;
  • mở ra một chương mới của năng lượng sạch và an toàn, chẳng hạn tận dụng những nguồn năng lượng tái sinh như gió, mặt trời, và nước;
  • trên hết, phải hành động một cách thận trọng và có trách nhiệm trong các nền kinh tế để thật sự đáp ứng được nhu cầu của con người, thúc đẩy nhân phẩm, giúp đỡ người nghèo và thoát khỏi sự sùng bái đồng tiền là nguyên nhân gây ra quá nhiều
Quý vị là các nhà lãnh đạo tài chính quốc gia; quý vị nắm giữ những sổ sách cho chính phủ. Do vậy, vượt trên tất cả, chúng ta phải chân nhận cuốn sổ của chính sự sống, của phẩm giá con người và sự tồn tại. Vì lợi nhuận nào sẽ mang đến cho con người nếu anh ta được cả thế gian, nhưng lại mất linh hồn? (x. Mc 8:36). Nó là vấn đề của việc cộng thêm nhiều thứ, tính toán cần thiết để cứu cho thế giới chúng ta thoát khỏi sự thờ ơ và khỏi sự sùng bái đồng tiền. Đó là điều mà Chúa Giê-su có ý nói khi Người nói với chúng ta rằng người có tinh thần nghèo khó là có phúc, vì gia tài của họ là nước trời (x. Mt 5:3).

Là các nhà quản lý các nền tài chính thế giới, tôi hy vọng rằng quý vị sẽ cùng đồng thuận về một chương trình chung phù hợp với khoa học về khí hậu, với những khám phá mới nhất trong công nghệ năng lượng sạch, và trên hết là phù hợp với đạo đức của phẩm giá con người. Tôi xin quý vị hãy mời gọi các bộ trưởng tài chính của quý vị trên thế giới cùng chung sức trong các nỗ lực và chương trình. Ước mong rằng công cuộc của quý vị với các nhà khoa học, các nhà kỹ thuật và các dân tộc trong đất nước của quý vị, đặc biệt là những người nghèo nhất, đạt được Những Mục tiêu Phát triển Bền vững và Hiệp ước Paris về Khí hậu.

Khi chương trình chung được sự đồng thuận của các chính phủ của quý vị, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ gặp gỡ trở lại, để tạ ơn Chúa vì lòng thương xót của Người đã giúp chúng ta có thể sửa chữa lại con đường của chúng ta trước khi nó quá muộn. Thời gian là vấn đề cốt lõi. Chúng ta chờ đợi hành động dứt khoát của quý vị vì lợi ích cho toàn nhân loại.

Với những suy tư này, một lần nữa tôi xin bày tỏ lòng tri ân của mình và khẩn xin muôn ơn lành của Chúa đổ xuống trên quý vị. Xin cảm ơn quý vị!

[00933-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/5/2019]


Đức Thánh Cha Phanxico bày tỏ mong muốn đến thăm Iraq năm 2020

Đức Thánh Cha Phanxico bày tỏ mong muốn đến thăm Iraq năm 2020
© PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO

Đức Thánh Cha Phanxico bày tỏ mong muốn đến thăm Iraq năm 2020

Lời cầu nguyện tại Đại hội Họp mặt Tổ chức Cứu trợ các Giáo hội Đông phương (ROACO), bao gồm Trung đông, Ukraine & Đất Thánh

10 tháng Sáu, 2019 14:30

Đức Thánh Cha Phanxico bày tỏ mong muốn đến thăm Iraq năm 2020.

Đức Phanxico bày tỏ điều này khi phát biểu với các thành viên của buổi Họp mặt của Tổ chức Cứu trợ các Giáo hội Đông phương (ROACO) hôm Thứ Hai, 10 tháng Sáu năm 2019 ở Vatican, họ cũng đã tổ chức phiên họp khoáng đại lần thứ 92 ở Roma trong tuần này.

Ngài nói, và thêm những lời ngoài văn bản, “Tôi luôn nghĩ đến Iraq, là nơi tôi có mong ước được đến thăm vào năm tới.” Ngài bày tỏ hy vọng rằng đất nước này với người Ki-tô hữu đã phải lũ lượt chạy trốn trước sự bách hại người Ki-tô hữu “có thể đối mặt với tương lai qua việc theo đuổi hòa bình và cùng chia sẻ ích chung đối với mọi thành phần của xã hội, kể cả tôn giáo, và không bị rơi ngược trở lại những hành vi thù địch được nhen nhúm bởi những xung đột âm ỷ của những thế lực vùng miền.”

Đức Thánh Cha nói thêm, “Tôi cũng không quên Ukraine, với hy vọng rằng dân tộc đó có thể biết được hòa bình; tôi đã cố gắng xoa dịu nỗi đau của họ bằng một sáng kiến bác ái mà nhiều cá nhân và các nhóm thuộc giáo hội đã đóng góp.”

Hướng về Đất Thánh, Đức Thánh Cha nói: “Tôi tin tưởng rằng giai đoạn hai được công bố gần đây về việc nghiên cứu khôi phục Mộ Đá Thánh, trong đó các cộng đoàn Ki-tô hữu của status quo đang làm việc bên cạnh nhau, sẽ gặp gỡ với sự hợp tác toàn tâm toàn ý từ phía tất cả các nhân tố địa phương và quốc tế.

Đức Phanxico cầu nguyện cho “một sự chung sống hòa bình và tôn trọng cho những người sống trong Đất Thánh, như là một dấu chỉ của phúc lành của Chúa cho tất cả mọi người.”

Đức Thánh Cha cũng nhắc lại những cuộc gặp gỡ của ngài ở Bari, trong những chuyến đi gần đây, gồm có ở Abu Dhabi, nơi ngài và đức Đại Imam của Đại học Al Azhar đã ký văn kiện tình huynh đệ nhân loại, và cách thức sự đối thoại phát triển, ban phép lành của ngài, và nhắc nhở những người hiện diện cầu nguyện cho ngài.

Dưới đây là bản dịch tiếng Anh của Vatican cung cấp bài diễn từ soạn sẵn của Đức Thánh Cha Phanxico:


* * *

Các bạn thân mến,

Tôi rất vui được chào đón các bạn trong buổi khai mạc của phiên họp khoáng đại của ROACO lần thứ 92 của các bạn. Tôi xin chào Đức Hồng y Leonardo Sandri, với lời cảm ơn những lời giới thiệu tốt lành của ngài, và xin cảm ơn ngài và toàn thể nhân viên của Bộ, cũng như các bạn và những cơ quan mà các bạn đại diện. Các bạn đã tập họp về từ nhiều nơi trên khắp thế giới, vì sự quan tâm của các bạn cho hiện tại và tương lai của các Giáo hội Công giáo Đông phương.

Từ cuộc họp lần trước của chúng ta, tôi cũng đã có nhiều cơ hội để gặp gỡ những hoàn cảnh liên quan đến công việc của Bộ và công việc của từng người các bạn. Tôi nghĩ đến những chuyến Tông du gần đây đến Bulgaria, Bắc Macedonia và Romania, nhưng đặc biệt là ngày tuyệt vời được cầu nguyện và đối thoại với những vị huynh đệ của tôi, các Đức Thượng phụ của Trung Đông, diễn ra ngày 7 tháng Bảy năm trước ở Bari.

Trong những ngày này, các báo cáo của Đại diện Giáo hoàng từ nhiều quốc gia và những diễn giả sẽ giúp các bạn chú ý đến tiếng kêu cầu của tất cả những người trong những năm qua đã bị cướp mất niềm hy vọng. Một lần nữa với lòng đau buồn tôi nghĩ đến tình hình thảm kịch ở Syria và những đám mây đen dường như tập trung che phủ lên nó trên những khu vực bất ổn, những nơi mà nguy cơ xảy ra của một cuộc khủng hoảng nhân đạo thậm chí lớn hơn vẫn còn tồn tại. Những người thiếu lương thực, sự chăm sóc y tế và học đường, cùng với những trẻ mồ côi, những người bị thương và những bà góa, tiếng kêu thấu tới trời. Trái tim của con người có thể vô cảm, nhưng trái tim của Thiên Chúa thì không, đau buồn vì sự thù hận và bạo lực nổ ra giữa những đứa con của Người. Trái tim Người luôn dễ được chạm đến; trái tim đó sẽ chăm sóc họ với tình yêu thương dịu dàng và sức mạnh của một người cha bảo vệ và hướng dẫn họ.

Tôi luôn nghĩ đến Iraq, với hy vọng rằng nó có thể đối mặt với tương lai qua việc theo đuổi hòa bình và cùng chia sẻ ích chúng đối với mọi thành phần của xã hội, kể cả tôn giáo, và không bị rơi ngược trở lại những hành vi thù địch được nhen nhúm bởi những xung đột âm ỷ của những thế lực vùng miền. Tôi cũng không quên Ukraine, với hy vọng rằng dân tộc đó có thể biết được hòa bình; tôi đã cố gắng xoa dịu nỗi đau của họ bằng một sáng kiến bác ái mà nhiều cá nhân và các nhóm thuộc giáo hội đã đóng góp. Trong vùng Đất Thánh, tôi tin tưởng rằng giai đoạn hai được công bố gần đây về việc nghiên cứu khôi phục Mộ Đá Thánh, trong đó các cộng đoàn Ki-tô hữu của status quo đang làm việc bên cạnh nhau, sẽ gặp gỡ với sự hợp tác toàn tâm toàn ý từ phía tất cả các nhân tố địa phương và quốc tế. Và đây là vì lợi ích của một sự chung sống hòa bình và tôn trọng cho những người sống trong Đất Thánh, như là một dấu chỉ của phúc lành của Chúa cho tất cả mọi người.

Chúng ta nghe thấy tiếng kêu cầu của những người trong các chuyến bay, chen chúc trên các con thuyền đi tìm nguồn hy vọng, chẳng biết có bến cảng nào chào đón họ không, trong một Châu Âu mở rộng cửa các cảng của họ cho những con tàu chất đầy những loại vũ khí tinh vi và đắt tiền đủ khả năng thực hiện những cuộc tàn phá không loại trừ cả trẻ em. Ở đây chúng ta có thể nhận ra được tiếng kêu của A-ben thấu lên tới Chúa, khi một năm trước chúng tôi để ý thấy ở Bari, khi chúng tôi cùng chung lời cầu nguyện cho những anh em Ki-tô hữu của mình ở Trung Đông.

Trong những ngày này, cùng với những tiếng nói đau buồn và ai oán, các bạn cũng nghe thấy những tiếng nói của hy vọng và ủi an. Chúng là âm vang của những bàn tay bác ái vươn xa không mệt mỏi đã có thể thực hiện được cũng nhờ vào mỗi người trong các bạn và những cơ quan mà các bạn đại diện. Những sự vươn xa đó tỏ lộ khuôn mặt của Giáo hội và giúp trao tặng sự sống của mình, đặc biệt bằng cách nuôi dưỡng những hy vọng cho những thế hệ tương lai. Người trẻ có quyền được nghe thấy lời cuốn hút và đầy thách đố của Đức Ki-tô. Như chúng ta thường nghe thấy trong Đại hội đồng của Thượng Hội đồng Giám mục Tháng Mười vừa qua, khi người trẻ gặp được một chứng nhân đích thực và khả tín, họ không e sợ đi theo người đó và bắt đầu suy nghĩ về tiếng gọi của riêng họ. Tôi xin các bạn hãy tiếp tục và củng cố những nỗ lực của các bạn, trong những đất nước và những hoàn cảnh mà các bạn hỗ trợ, để giúp cho người trẻ phát triển về nhân cách, thoát khỏi những hình thức thuộc địa hệ tư tưởng và với tâm hồn và tâm trí rộng mở. Hãy giúp họ biết trân quý những cội rễ dân tộc và giáo hội của họ, và khao khát về một tương lai hòa bình và thịnh vượng không bỏ rơi người nào ở đằng sau và không phân biệt đối xử bất kỳ ai. Năm nay, người trẻ của Ethiopia và Eritrea – theo sau nền hòa bình được khao khát mãnh liệt giữa hai quốc gia – đã từ bỏ vũ khí của họ và hiểu được sự thật của những lời Thánh vịnh: “Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu” (Tv 30:12). Tôi chắc chắn rằng người trẻ nghe rất rõ ràng lời kêu gọi đến với tình huynh đệ chân thành và tôn trọng mà chúng tôi đưa ra trong Văn kiện được ký tại Abu Dhabi với Đức Đại Imam của Đại học Al-Ahzar. Hãy giúp tôi làm cho Văn kiện đó được biết đền và làm loan truyền giao ước tốt lành cho tương lai của nhân loại. Và tất cả chúng ta hãy cam kết kiên trì với những thực thể đã thi hành thông điệp của nó trong suốt nhiều năm. Tôi đặc biệt nghĩ đến các học viện giáo dục và huấn luyện, các trường học và đại học, hết sức giá trị và đặc biệt ở Li-băng và trên khắp vùng Trung Đông, với những hội thảo thật sự về sự chung sống và những khóa huấn luyện về lòng nhân đạo dành cho tất cả mọi người.

Tôi xin cảm ơn về tất cả những gì các bạn làm, và tôi cầu nguyện cho các bạn. Và tôi xin các bạn hãy tiếp tục cầu nguyện cho tôi.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/6/2019]