Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

Tiếp phái đoàn các tu sĩ Phật giáo Campuchia: ‘Hoán cải sinh thái’, một dấu hiệu tích cực cho sức khỏe của trái đất

‘Hoán cải sinh thái’, một dấu hiệu tích cực cho sức khỏe của trái đất

Tiếp phái đoàn các tu sĩ Phật giáo Campuchia

Tiếp phái đoàn các tu sĩ Phật giáo Campuchia: ‘Hoán cải sinh thái’, một dấu hiệu tích cực cho sức khỏe của trái đất

Vatican News


*******

Sáng nay, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp phái đoàn các Tu sĩ Phật giáo đến từ Campuchia và sau đây là những lời chào mừng của ngài:

_____________________________________________


Lời chào của Đức Thánh Cha

Thưa các anh em, xin chào anh em!

Tôi xin gửi lời chào mừng nồng ấm đến phái đoàn của quý vị, những người bạn Phật tử thân mến, cũng như các vị đại diện của xã hội dân sự Campuchia. Tôi rất cảm kích về chuyến thăm này nhằm củng cố tình bằng hữu lâu bền của quý vị trong vai trò là các nhà lãnh đạo tôn giáo làm việc để tăng cường sự hợp tác liên tôn, một yếu tố quan trọng của xã hội giúp mọi người có thể chung sống hòa bình như là anh chị em, hòa giải với nhau và với môi trường nơi họ sống.

Vào thời điểm khi gia đình nhân loại và hành tinh của chúng ta đang phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng, quý vị đã chọn “Hoán cải Sinh thái” làm chủ đề thích đáng cho buổi gặp mặt. Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy sự nhạy cảm và mối quan tâm ngày càng tăng đối với sự khỏe mạnh của trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, và đối với những đóng góp quan trọng, được truyền cảm hứng từ niềm tin tôn giáo và truyền thống tinh thần, quý vị có thể cống hiến cho đất nước cao quý của mình trên con đường tiến tới sự chữa lành xã hội và tái thiết kinh tế sau các cuộc khủng hoảng chính trị xã hội trong những thập kỷ gần đây.

Nghèo đói và thiếu tôn trọng phẩm giá của những người bị gạt ra bên lề gây nên nhiều đau khổ và tan vỡ mộng trong thời đại chúng ta; chúng phải được đấu tranh bằng những chiến lược toàn diện nhằm thúc đẩy nhận thức về sự mong manh của môi trường của chúng ta. Có một nhu cầu cấp thiết tìm kiếm các giải pháp tổng hợp dựa trên sự tôn trọng sự phụ thuộc lẫn nhau của gia đình nhân loại và thiên nhiên, thông qua đối thoại ở tất cả các cấp. Vì lý do này, tiếp nối con đường của những đấng tiền nhiệm của tôi đã vạch ra, tôi tiếp tục thúc giục việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, một sự chăm sóc cũng là “tiếng gọi tôn trọng: tôn trọng tạo vật, tôn trọng người lân cận của chúng ta, tôn trọng chính chúng ta và tôn trọng Đấng Tạo Hóa” (Diễn từ trước các Tham dự viên tại cuộc Họp “Đức tin và Khoa học: hướng tới COP26”, ngày 4 tháng Mười năm 2021). Tuy nhiên, điều này không thể xảy ra nếu không có sự thay đổi tâm hồn, thay đổi tầm nhìn và những cách thực hành.

Hoán cải sinh thái diễn ra khi cội rễ của cuộc khủng hoảng môi trường hiện tại của con người được gọi tên; khi sự ăn năn thực sự dẫn đến việc làm chậm lại hoặc dừng lại các xu hướng, các hệ tư tưởng và cách thực hành gây tổn thương và thiếu tôn trọng trái đất, và khi con người cam kết thúc đẩy các mô hình phát triển chữa lành những vết thương do lòng tham, do việc tìm kiếm lợi nhuận tài chính quá mức, thiếu tình liên đới với người lân cận và không tôn trọng môi trường. Hoán cải sinh thái nhằm mục đích biến “những gì đang xảy ra với thế giới thành nỗi đau khổ của chính chúng ta và từ đó khám phá ra điều mà mỗi người chúng ta có thể làm” (Tông huấn Laudato Si’, 19). Nó kêu gọi chúng ta “thay đổi những cơ cấu, thay đổi những thói quen xấu để có thể mơ ước, có thể cùng sáng tạo và cùng nhau hành động để làm hiện thực những tương lai công bằng và bình đẳng” (Lời nói đầu của Tông huấn Laudato Si’ Reader, 13).

Đối thoại cho thấy sự phong phú sâu sắc mà các truyền thống tôn giáo của chúng ta cống hiến để duy trì các nỗ lực tu dưỡng trách nhiệm sinh thái. Khi tuân theo những nguyên lý mà Đức Phật để lại như một di sản cho các đệ tử của Ngài (Pratimoksa), bao gồm việc thực hành metta, không làm hại các sinh vật sống (xem Metta Sutta sn 1.8), và sống một lối sống đơn giản, người Phật tử có thể đạt được lòng từ bi bảo vệ cho tất cả chúng sinh, bao gồm cả trái đất, môi trường sống. Về phần mình, với tư cách là những người quản lý đáng tin cậy, người Kitô hữu hoàn thành trách nhiệm sinh thái của họ khi họ bảo vệ Công trình Tạo dựng, công trình mà Thiên Chúa đã trao phó cho họ “để cày cấy và canh giữ” (St 2:15; x. Laudato Si’, 95; 217).

Một lần nữa tôi xin cảm ơn quý vị vì chuyến viếng thăm, là điều rất cảm kích, và tôi tin rằng thời gian quý vị ở Rome sẽ vừa thú vị vừa phong phú. Tôi cũng chắc chắn rằng cuộc gặp gỡ của quý vị với các vị hữu trách trong Bộ Đối thoại Liên tôn sẽ tạo cơ hội để khám phá thêm những cách thức nhằm thúc đẩy hoán cải sinh thái thông qua những sáng kiến được thực hiện bởi cuộc đối thoại Phật giáo-Kitô giáo ở Campuchia và trong toàn khu vực.

Tôi khẩn xin muôn phúc lành trên cao tuôn đổ trên quý vị và tất cả mọi người trong đất nước cao quý của quý vị.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/1/2023]


Báo cáo: đàn áp Kitô giáo ở mức cao nhất trong 30 năm

Báo cáo: đàn áp Kitô giáo ở mức cao nhất trong 30 năm

Hannah Brockhaus for CNA

18 tháng Một, 2023

Catholic News Agency

Báo cáo: đàn áp Kitô giáo ở mức cao nhất trong 30 năm


Đài kỷ niệm thành lập đảng, Bình nhưỡng, Bắc Triều tiên. (Image: Steve Barker/Unsplash.com)


Rome Newsroom, Jan 18, 2023 / 13:05 pm (CNA).


Theo báo cáo mới nhất của nhóm biện hộ Open Doors, sự bách hại người Kitô hữu đang ở mức cao nhất trong ba thập kỷ.

World Watch List (Danh sách Theo dõi Thế giới) do nhóm Open Doors phát hành ngày 18 tháng Một báo cáo rằng, nói chung, số lượng người Kitô hữu phải đối mặt với sự đàn áp trên toàn thế giới vẫn ở mức xấp xỉ 360 triệu như năm 2022.

Trong danh sách 50 quốc gia đàn áp nhiều nhất, Triều Tiên trở lại vị trí đầu vào năm 2022. Năm trước đó, Afghanistan đã đứng đầu trong bảng xếp hạng sau khi Taliban tiếp quản chính phủ nước này.

Theo ông Cristian Nani, giám đốc người Ý của Open Doors, Afghanistan đứng thứ chín trong danh sách mới nhất vì các Kitô hữu của nước này đã bị giết, bỏ trốn hoặc đang ẩn nấp thật kín đáo.

Ông Nani cho biết tại buổi trình bày World Watch List vào ngày 18 tháng Một tại Hạ viện Ý, còn một số ít Kitô hữu ở lại Afghanistan đang sống như thời Giáo hội sơ khai. “Họ sống đức tin trong bí mật vì đó là cách duy nhất để sống đức tin một cách an toàn.”

Ông Nani giải thích rằng ngày nay có hiện tượng một nhà thờ “tị nạn” ngày càng tăng, do số lượng Kitô hữu chạy trốn khỏi cuộc bách hại.

Các quốc gia khác được phân loại là có mức độ đàn áp Kitô hữu “cực đoan” trong năm nay là Somalia, Yemen, Eritrea, Libya, Nigeria, Pakistan, Iran, Sudan và Ấn Độ.

Báo cáo cho biết ở vùng cận Sahara Châu Phi, bạo lực chống Kitô giáo đã lên đến “mức độ chưa từng thấy”.

Nigeria tiếp tục là tâm điểm của các vụ thảm sát với 5.014 người Kitô hữu bị giết vào năm 2022, gần 90% tổng số người Kitô giáo bị sát hại trên toàn thế giới — 5.621.

Gần 90% vụ bắt cóc được thực hiện nhằm vào người Kitô giáo năm 2022 cũng diễn ra ở Nigeria, nơi ông Nani cho biết có một “ngành kinh doanh” bắt cóc đang diễn ra.

Ông cho biết một kịch bản vô cùng phổ biến là bắt cóc vợ và con gái của một người đàn ông Kitô giáo, họ thường phải chịu đựng bạo lực tình dục và buôn bán tình dục trước khi được thả để đòi tiền chuộc.

Ngoài World Watch List của tổ chức, ông Nani cho biết Open Doors đang làm việc để tìm ra “các giải pháp triệt để” cho tình trạng đàn áp và giúp các Kitô hữu bị bách hại tìm được sự chữa lành và tha thứ, đồng thời “phá vỡ vòng xoáy của bạo lực”.

Ông Andrea Benzo, đặc phái viên bảo vệ tự do tôn giáo tại Bộ Ngoại giao Ý, gọi sự đàn áp Kitô giáo không chỉ là thiếu tự do thờ phượng mà còn là sự thất bại của xã hội.

Ông lưu ý rằng chủ đề “các quyền” ở Ý và các nước phương Tây khác là rất phổ biến trong khi quyền tự do tôn giáo của con người bị bỏ qua.

World Watch List cũng nhấn mạnh đến tình trạng đàn áp Kitô giáo tiếp tục ở Trung Quốc, quốc gia đứng thứ 16 trong danh sách.

Tổ chức cho biết, Trung Quốc “đang thành lập một liên minh quốc tế để định nghĩa lại quyền con người,” trong khi nhiều quốc gia áp dụng “mô hình kiểm soát tập trung quyền tự do tôn giáo của Trung Quốc.”

Một thành viên của Hạ viện Ý, ông Andrea Delmastro Della Vedove, cho biết Ý cần có can đảm để đề xuất các nguyên tắc tự do tôn giáo ở những quốc gia mà quyền tự do tôn giáo không được tôn trọng đúng mức.

Ông nói rằng chính phủ Ý nên gây áp lực lên cộng đồng quốc tế để thúc đẩy chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo.

Ông Delmastro là chủ tịch của một nhóm liên nghị viện nhằm bảo vệ quyền tự do tôn giáo của các Kitô hữu được thành lập vào năm 2019 bởi đảng cánh hữu Fratelli d’Italia (Những người anh em của Ý), một phần của liên minh hiện đang nắm quyền ở Ý.

Ông yêu cầu mọi người hãy cân nhắc những gì xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo và đặt câu hỏi: “Những người anh chị em bị bỏ rơi của chúng ta ở Trung Đông và Trung Quốc nghĩ gì về điều đó?”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã xin cầu nguyện cho các Kitô hữu bị bách hại sau buổi tiếp kiến chung hàng tuần ngày 18 tháng Một. Ngài cho biết ngài cầu nguyện cho Cha Isaac Achi, một linh mục Công giáo đã chết sau khi băng cướp phóng hỏa nhà xứ của ngài ở miền bắc Nigeria vào Chúa nhật.



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/1/2023]