Thứ Hai, 10 tháng 7, 2023

Huấn từ Kinh Truyền tin của ĐTC Phanxicô ngày 9.7.2023: “Thiên Chúa là tình yêu ngày càng trở nên rạng ngời trong chúng ta và qua chúng ta”

“Thiên Chúa là tình yêu ngày càng trở nên rạng ngời trong chúng ta và qua chúng ta”

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ

Huấn từ Kinh Truyền tin của ĐTC Phanxicô ngày 9.7.2023: “Thiên Chúa là tình yêu ngày càng trở nên rạng ngời trong chúng ta và qua chúng ta”

Vatican Media


*******

Vào lúc 12 giờ trưa hôm nay (ND: 09/07/2023), Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

___________________________________________

Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng hôm nay có một lời cầu nguyện tuyệt vời mà Chúa Giêsu thưa cùng Chúa Cha rằng: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11:25). Nhưng Chúa Giêsu đang nói về những điều gì? Và những người bé mọn này là ai lại được mặc khải những điều như vậy? Chúng ta hãy suy niệm về điều này: về những điều mà Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha và về những người bé mọn biết đón nhận những điều đó.

Những điều mà Chúa Giêsu tạ ơn Cha của Ngài. Ngay trước đó, Chúa đã nhắc lại một số công việc của Người: “người mù xem thấy, [...], người cùi được sạch, [...], kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11:5), và Ngài mặc khải ý nghĩa của những điều đó, nói rằng đây là những dấu hiệu cho thấy Thiên Chúa đang làm việc trên thế giới. Như vậy, thông điệp rất rõ ràng – Thiên Chúa mặc khải mình bằng cách giải thoát và chữa lành con người – chúng ta đừng quên điều này, Thiên Chúa mặc khải Người bằng cách giải thoát và chữa lành con người – và Người làm điều này với một tình yêu nhưng không, một tình yêu cứu độ. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu cảm tạ Chúa Cha của Ngài, bởi vì sự vĩ đại của Chúa là tình yêu của Người và Chúa không bao giờ hành động ngoài tình yêu. Nhưng sự vĩ đại trong tình yêu này không thể hiểu được bởi những người tự cho mình là vĩ đại và những người tạo ra một vị thần theo hình ảnh của họ – quyền lực, không khoan dung, hận thù. Nói cách khác, những người tự phụ – tự mãn, kiêu ngạo, chỉ quan tâm đến lợi ích của mình – đó là những người tự phụ, tin rằng họ không cần ai, thì không thể nhận Thiên Chúa là Cha. Về vấn đề này, Chúa Giêsu kể tên cư dân của ba thành phố giàu có vào thời của Ngài – Cô-ra-xin, Bết-sai-đa, Ca-phác-na-um – nơi Ngài đã thực hiện nhiều phép lạ chữa lành, nhưng người dân của những thành phố đó vẫn thờ ơ với lời rao giảng của Ngài. Đối với họ, phép lạ của Chúa chỉ là những sự kiện ngoạn mục, hữu ích cho việc đăng tin và tăng thêm sự đồn đại. Khi sự quan tâm thoáng qua của họ chấm dứt, họ lưu chúng vào kho, có lẽ để bản thân được bận rộn với những điều mới lạ khác của hiện tại. Họ không biết đón nhận những điều cao cả của Thiên Chúa.

Trái lại, người bé mọn biết chào đón những điều đó, và Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha cho họ, Ngài nói: “Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mặc khải Nước Trời cho những người bé mọn. Chúa Giêsu ngợi khen Thiên Chúa vì những con người đơn sơ với tâm hồn thoát khỏi tính tự phụ và tự ái. Người bé mọn là những người, như các trẻ nhỏ, cảm thấy mình thiếu thốn và không tự mãn. Họ mở lòng với Thiên Chúa và cho phép mình kinh ngạc trước các công trình của Chúa. Họ biết cách đọc các dấu hiệu của Chúa, để kinh ngạc trước những phép lạ bởi tình yêu của Người! Cha xin hỏi tất cả anh chị em, và với cha, chúng ta có biết kinh ngạc trước những việc làm của Thiên Chúa hay chúng ta chỉ coi đó là những điều thoáng qua?

Thưa anh chị em, nếu chúng ta suy nghĩ về điều đó, thì cuộc sống của chúng ta có đầy những phép lạ – chúng được đổ đầy bằng những hành động yêu thương, những dấu chỉ về lòng nhân hậu của Chúa. Tuy nhiên, trước những điều này, thậm chí tâm hồn của chúng ta vẫn có thể thờ ơ và trở nên quen, tò mò nhưng không thể kinh ngạc, không cho phép mình bị “ấn tượng”. Một tâm hồn khép kín, một tâm hồn vũ trang, không có khả năng kinh ngạc. Gây ấn tượng là một động từ rất đẹp khiến chúng ta liên tưởng đến phim ảnh. Đây là cách cư xử đúng đắn trước công trình của Thiên Chúa: ghi lại hình ảnh công trình của Chúa trong tâm trí chúng ta để nó khắc sâu vào tâm hồn chúng ta, để sau đó phát triển trong cuộc sống của chúng ta qua nhiều việc lành, để “bức ảnh” này về Thiên Chúa là tình yêu ngày càng trở nên rạng ngời trong chúng ta và thông qua chúng ta.

Và bây giờ, chúng ta hãy tự hỏi: trong cơn lũ của tin tức nhận chìm chúng ta, tôi có biết dừng lại trước những điều vĩ đại của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy hôm nay, những điều mà Thiên Chúa hoàn thành không? Tôi có cho phép mình ngạc nhiên như một đứa trẻ trước những điều tốt đẹp đang âm thầm thay đổi thế giới không? Tôi có bị mất khả năng kinh ngạc không? Và tôi có tạ ơn Chúa Cha mỗi ngày vì công việc của Người không? Xin Mẹ Maria, Đấng vui mừng trong Chúa, làm cho chúng ta có thể kinh ngạc trước tình yêu của Chúa và cảm tạ Người với lòng đơn sơ.

________________________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, một lần nữa tôi đau buồn khi biết rằng máu lại đổ ra ở Đất Thánh. Tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo Israel và Palestine có thể nối lại đối thoại trực tiếp để chấm dứt vòng xoáy bạo lực và mở ra những con đường hòa giải và hòa bình.

Hôm nay là Chúa nhật Biển, dành riêng cho những người làm việc trên tàu thuyền, tại các hải cảng và trong ngành hàng hải. Tôi cảm ơn những người đi biển đã bảo vệ các đại dương khỏi những hình thức ô nhiễm – ngoài công việc của họ – và vớt lên từ đại dương những loại rác thải mà chúng ta đã ném vào đó, nhựa. Các ngư dân thuộc vùng San Benedetto del Tronto đã từng kể cho tôi về hàng tấn nhựa họ vớt lên từ biển, như gần đây chúng ta nhìn thấy trên chương trình Sua Immagine. Tôi cảm ơn các vị tuyên uý và tình nguyện viên của Hội Tông đồ Biển và tôi phó dâng tất cả mọi người dưới sự chở che của Mẹ Maria, Stella maris (Sao Biển). Tôi cũng xin tri ân và nhớ đến tất cả những người làm việc cho hội Mediterranea Saving Humans vì đã cứu các di cư trên biển. Xin chân thành cảm ơn anh chị em!

Và giờ đây cha gửi lời chào anh chị em tín hữu đến từ Roma và những anh chị em hành hương có mặt tại Quảng trường này, bất chấp cái nóng của tháng Bảy! Chúng ta cùng vỗ một tràng pháo tay cho tất cả anh chị em! Cha vui mừng chào cách đặc biệt các nữ hướng đạo sinh và các sinh viên đại học đến từ Leopoli ở Ukraine: cha ban phép lành cho tất cả các con và cha ban phép lành những người thân yêu của các con và dân tộc của các con, những người bị thử thách nặng nề. Chúng ta cầu nguyện cho dân tộc đang chịu quá nhiều đau khổ này. Cha xin chào những anh chị em đến từ Ba Lan và cha nhớ đến cuộc hành hương rất lớn diễn ra hôm nay tại Đền thờ Jasna Góra, ở Częstochowa.

Cha chào các bạn trẻ thuộc phong trào Regnum Christi, các hướng đạo sinh từ Modica, ca đoàn giáo xứ Thánh Stêphanô Quisquina – Agrigento, các thiếu nhi từ Giáo phận Pistoia và các tín hữu đến từ Sacile.

Cha hy vọng tất cả anh chị em có ngày Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/7/2023]


Trong số 266 giáo hoàng, có bao nhiêu vị được tuyên thánh?

Trong số 266 giáo hoàng, có bao nhiêu vị được tuyên thánh?

Trong số 266 giáo hoàng, có bao nhiêu vị được tuyên thánh?

Shutterstock

Larry Peterson

08/07/18


Khoảng một phần ba các đấng kế vị Thánh Phêrô đã chính thức được nâng lên bậc thánh.

Trong số 266 vị giáo hoàng của chúng ta kể từ thời Thánh Phêrô (bao gồm cả Đức Thánh Cha Phanxicô), 82 vị đã được công nhận là các vị thánh được tuyên phong. Tất cả 35 vị giáo hoàng đầu tiên đều được tuyên thánh; 31 vị trong số đó là tử vì đạo.

Khi Đức Phaolô VI được tuyên thánh, ngài trở thành vị giáo hoàng thứ 82 được tuyên thánh. Trước khi Đức Phaolô VI được tuyên thánh, vị được tuyên thánh gần đây nhất là Đức Giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II vào năm 2014. Gần đây nhất, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I được phong chân phước vào năm 2022, tức là chỉ còn một bước nữa là được nâng lên bậc hiển thánh.

Điều thú vị là trong số 82 vị thánh này, chỉ có 8 vị được tuyên thánh kể từ thế kỷ 11. Về con số đó, chúng ta nên nhớ rằng trong 1.000 năm đầu tiên của Giáo hội, có rất ít thủ tục chính thức được thực hiện để tuyên thánh cho một vị thánh.

Tám vị đó là:

Đức Giáo hoàng Bênêđictô IX (#142); Đức Giáo hoàng Grêgôriô VII (#156); Đức Giáo hoàng Grêgôriô X (#193); Đức Giáo hoàng Piô V (#224); Đức Giáo hoàng Piô X (#256); Đức Giáo hoàng Gioan XXIII (#260); Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II (#264); và Đức Giáo hoàng Phaolô VI (#262).

Sau thiên niên kỷ đầu tiên, Giáo hội bắt đầu phát triển một tiến trình có trật tự để xác định tiêu chuẩn của những vị được đề cử tuyên thánh. Vào ngày 4 tháng 7 năm 973, Đức Giáo hoàng Bênêđictô VI đã tuyên thánh cho Đức Giám mục Ulrich của Augsburg. Vì thế, Thánh Ulrich trở thành vị đầu tiên được tuyên thánh bởi một giáo hoàng.

Vào năm 1243, Đức Giáo hoàng Grêgôriô IX khẳng định rằng riêng giáo hoàng mới có thẩm quyền tuyên bố một người nào đó là thánh. Điều này vẫn còn áp dụng đến ngày nay, mặc dù cần lưu ý vai trò đặc biệt của giáo hoàng trong một hình thức tuyên thánh, được gọi là “tuyên thánh tương đương”, khi một giáo hoàng xác nhận lòng sùng kính đối với một vị thánh đã có từ lâu trong Giáo hội. Việc tuyên thánh tương đương này là trường hợp của tu sĩ Dòng Tên Pierre Faber (1506-1546) được Đức Thánh Cha Phanxicô công nhận năm 2013, hay nữ đan viện trưởng Hildegard of Bingen, được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI công nhận.

Giáo luật năm 1917 tuyên bố rằng không thể mở án tuyên thánh cho đến 50 năm sau khi ứng viên qua đời. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã rút ngắn khung thời gian đó xuống còn 5 năm. Đôi khi, khoảng thời gian đó có thể được bỏ qua hoặc rút ngắn, như Đức Bênêđictô XVI đã làm khi Đức Gioan Phaolô II qua đời.

Thời gian chờ đợi trung bình để một người được tuyên thánh sau khi chết là khoảng 180 năm. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được tuyên thánh chỉ 9 năm sau khi ngài qua đời.

Chúng ta gặp gỡ một số vị giáo hoàng đã được tuyên thánh và những vị đã đứng hiên ngang trong suốt nhiều thế kỷ để bảo vệ, và nhiều lần chết để bảo vệ, Giáo hội do chính Chúa Kitô thành lập.

Giáo hoàng #2: Thánh Linô (67-76) Thánh Linô kế vị ngay sau Thánh Phêrô. Sứ vụ được Thánh Phêrô và Thánh Phaolô trao lại cho Đức Linô, sau khi Giáo hội Kitô giáo được thành lập ở Rome. Các nhiệm vụ và trách nhiệm thực tế được giao phó cho Đức Linô hơi mơ hồ vì phẩm trật Giáo hội vẫn đang được thiết lập. Được biết, Đức Linô đã tử vì đạo và ngài được chôn cất gần với Thánh Phêrô. Tên của ngài được nhắc đến trong Lễ quy Roma. Thánh Phaolô cũng đề cập đến Đức Linô trong Thư thứ hai gửi cho Timôthê.

Giáo hoàng #3: Thánh Cletus (76-90) Thánh Giáo hoàng Cletus còn được gọi là Anacletus. Truyền thống kể rằng Đức Cletus đã chia Rome thành 25 giáo xứ và truyền chức một số linh mục. Đức Cletus cũng được nhắc đến trong Lễ quy Roma. Không có ghi chép nào về việc Đức Cletus tử vì đạo và ngài được chôn cất gần vị tiền nhiệm của mình là Đức Thánh Giáo hoàng Linô.

Giáo hoàng #4: Thánh Clêmentê I (88-99) Ngài sinh năm 35 và trở thành giáo hoàng vào khoảng giữa năm 88 và 90. Ngài được chính Thánh Phêrô thánh hiến. Thánh Phaolô đề cập đến Clêmentê trong các thư của ngài với tư cách là một “đồng nghiệp”, vì vậy rõ ràng Đức Clêmentê đã tham gia rất nhiều vào việc hình thành Giáo hội sơ khai.

Thánh Clêmentê được gọi là Tông phụ đầu tiên. Các vị Tông phụ là những người sống ở thế kỷ thứ 1 và thứ 2 và được học trực tiếp từ Mười hai Tông đồ đầu tiên.

Thánh Giáo hoàng Clêmentê, biết cả Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, viết về những điều mà hai vị đại tông đồ này đã nói. Trong số các bài viết của ngài, chúng ta tìm thấy lời dạy rằng các Tông đồ có thẩm quyền phong chức tân giám mục, từ đó đặt nền tảng cho hệ thống hàng Giáo phẩm.

Đức Clêmentê chịu tử đạo theo hình thức bị nhấn chết chìm ngoài biển năm 99.

Giáo hoàng #64: Thánh Grêgôriô I (590-604) hay còn gọi là Thánh Grêgôriô Cả: Khi Đế quốc La Mã gầm lên trước khi sụp đổ, các giáo hoàng lãnh đạo không chịu tuyệt vọng. Các ngài chấp nhận rằng sứ mệnh của các ngài là hoán cải những chiến binh ngoại giáo và hướng tới một xã hội Kitô giáo hòa bình. Một trật tự xã hội mới đang khai sinh.

Khắp Đế quốc La Mã đang sụp đổ, kho tàng của các bộ lạc man rợ đã chinh phục. Lục địa trở nên hỗn loạn. Đức Giáo hoàng Grêgôriô I đến. Một con người có tài thực sự, tinh thần sâu sắc và năng lực rất lớn, Đức Grêgôriô thiết lập tông tòa theo tiến trình sẽ được tuân thủ xuyên suốt thời Trung cổ.

Sinh ra trong một gia đình giàu có ở Rome, ngài trở thành đô trưởng thành phố nhưng rồi đột ngột từ bỏ thế giới vật chất. Ngài dành của cải của mình để thành lập các tu viện và thậm chí biến ngôi nhà nguy nga của mình thành một tu viện. Ngài sống cuộc đời khổ hạnh và sau đó, khi được yêu cầu, đã đảm nhận vai trò là đặc phái viên của Giáo hoàng tại Constantinople. Khi Ngai tòa Phêrô bỏ trống năm 590, người dân Rome đã gây áp lực buộc ngài Grêgôriô phải chấp nhận vị trí này. Ngài chấp nhận và trước khi từ giã dương thế, ngài đã đặt nền móng cho thế giới Kitô giáo thời trung cổ.

Thánh Giáo hoàng Grêgôriô I được gọi là “Cha đẻ của việc phụng tự Kitô giáo” vì thời gian và nỗ lực ngài đã bỏ ra để sửa đổi việc thờ phụng của người Roma (Bình ca Gregorian được đặt theo tên của ngài). Ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh.

Đức Grêgôriô Cả là bổn mạng của của các nhạc sĩ, ca sĩ, sinh viên và nhà giáo.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/7/2023]