Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

Tại sao Người Nhện có mặt tại buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô?

Tại sao Người Nhện có mặt tại buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô?

Tại sao Người Nhện có mặt tại buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô?

Mattia Villardita, một thanh niên 28 tuổi người Ý, hóa trang thành Người Nhện, tham dự buổi tiếp kiến chung tại Vatican, ngày 23 tháng 6 năm 2021./ Pablo Esparza/CNA.

Hannah Brockhaus

Vatican City, 23 tháng Sáu, 2021 / 05:35 am


Những người tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần của Đức Thánh Cha Phanxicô vào thứ Tư, và những người theo dõi qua truyền hình trực tiếp, đã rất ngạc nhiên khi thấy ngồi giữa đám đông là một người đàn ông mặc trang phục bó sát màu đỏ và xanh được trang trí bằng một mạng nhện màu bạc.

Tại sao Người Nhện có mặt tại buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô?
Tại sao có mặt Người Nhện ở Vatican?/ Vatican Media.

Người đàn ông trong bộ đồ hóa trang là Mattia Villardita, 28 tuổi, người Ý, hóa thành nhân vật trong truyện tranh để thăm những bệnh nhi tại các bệnh viện trên khắp đất nước.

Anh nói với CNA, “Tôi cố gắng làm dịu bớt phần nào sự đau khổ của các bệnh nhi trong bệnh viện.”

Tại sao Người Nhện có mặt tại buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô?

Villardita đã có mặt tại buổi tiếp kiến chung ngày 23 tháng Sáu, được tổ chức trong sân San Damaso, để gặp Đức Giáo hoàng Phanxicô và tặng ngài chiếc mặt nạ Người Nhện của mình./ Vatican Media.

“Tôi là người Công giáo và tôi rất vui vì trải nghiệm này,” Villardita nói sau đó, và cho biết rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô đã biết anh là ai và về “sứ mệnh” của anh.

Anh nói, “Ngài bảo tôi hãy chụp nhiều ảnh selfie với các trẻ em trong quảng trường.”

Tại sao Người Nhện có mặt tại buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô?

Năm ngoái, Villardita đã được phong tặng Huân chương Cavalier của nước Cộng hòa Ý, một vinh dự được tổng thống Ý phong tặng cho anh ta vì những hành động của anh như một “người hùng hàng ngày”./ Hannah Brockhaus/CNA.

Peter Parker nói với CNA rằng ngoài đời thực anh có một công việc làm ban ngày, nhưng anh dùng thời gian rảnh rỗi của mình hóa trang và đi thăm các nhà thương.

Tại sao Người Nhện có mặt tại buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô?

Và tại sao lại là Người Nhện?/ Hannah Brockhaus/CNA.

Anh giải thích, “Đó là nhân vật yêu thích của tôi từ khi còn bé.”

Anh nói, “Tất cả điều này bắt đầu từ một câu chuyện cá nhân. Tôi đã từng là một bệnh nhân suốt 19 năm trong Bệnh viện Nhi Gaslini ở Genoa, bởi vì tôi sinh ra đã bị dị tật bẩm sinh.”

Tại sao Người Nhện có mặt tại buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô?

Khi còn nhỏ, Villardita đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật và mất nhiều tháng để hồi phục trong phòng bệnh./ Hannah Brockhaus/CNA.

Anh giải thích, “Và kinh nghiệm đó đã giúp tôi hỗ trợ những bệnh nhi và gia đình của họ.”

Villardita đã khởi động dự án “Superheroes in the Ward” (Siêu anh hùng trong bệnh viện” của anh hai năm trước. Một số bạn bè tình nguyện cùng với anh ấy, cũng hóa trang thành các nhân vật nổi tiếng.

Tại sao Người Nhện có mặt tại buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô?

Và người hâm mộ Người Nhện đã không để đợt bùng phát COVID-19 năm ngoái làm anh chậm bước. Khi nước Ý thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, anh xây dựng một dịch vụ video thoại để các trẻ em vẫn có thể gặp và nói chuyện với siêu anh hùng yêu thích của các em./ Hannah Brockhaus/CNA.

Anh đã thực hiện hơn 1.400 cuộc gọi video trước khi đích thân trở lại bệnh viện vào tháng Mười Hai.

Khi bắt tay với Đức Giáo hoàng Phanxicô, Người Nhện bán thời gian này đã trình bày với ngài về sự đau khổ của các trẻ em và gia đình của các em mà anh chứng kiến hàng ngày.

Giây phút đó “rất, rất cảm động,” anh nói.





[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/6/2021]


Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 23 tháng Sáu, 2021

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 23 tháng Sáu, 2021

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 23 tháng Sáu, 2021


Buổi Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra trong sân San Damaso của Điện Tông tòa Vatican. Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha bắt đầu một hành trình giáo lý mới, tập trung vào Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát - 1. Giới thiệu (Bài đọc Kinh Thánh: Gl 1: 2-5).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

*****

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Thư gửi tín hữu Galát - 1. Giới thiệu Thư gửi tín hữu Galát

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Sau hành trình dài tập trung nói về việc cầu nguyện, hôm nay chúng ta bắt đầu một hành trình giáo lý mới. Cha hy vọng rằng với hành trình cầu nguyện đó, chúng ta đã thành công trong việc cầu nguyện tốt hơn một chút, cầu nguyện nhiều hơn một chút. Hôm nay, cha muốn suy gẫm về một số chủ đề do Thánh Tông đồ Phaolô gợi ra trong Thư gửi tín hữu Galát. Đó là một Thư rất quan trọng, cha thậm chí có thể nói nó mang tính quyết định, không những để hiểu rõ hơn về Thánh Tông đồ, mà trên hết là để xem xét một số chủ đề mà ngài đề cập rất sâu sắc, cho thấy vẻ đẹp của Tin Mừng. Trong Thư này, Thánh Phaolô đưa ra nhiều điểm tham khảo về tiểu sử cho phép chúng ta hiểu về sự trở lại của ngài và quyết định dâng cuộc đời để phụng sự Chúa Giêsu Kitô. Ngài cũng đề cập đến một số chủ đề rất quan trọng đối với đức tin, chẳng hạn như sự tự do, ân sủng và lối sống Kitô giáo, là những chủ đề rất có tính thời sự vì chúng đề cập đến nhiều khía cạnh của đời sống Giáo hội ngày nay. Bức thư này rất mang tính thời sự. Nó dường như được viết cho thời đại của chúng ta.

Đặc điểm đầu tiên nổi lên trong Thư này là công cuộc truyền giáo vĩ đại được thực hiện bởi Thánh Tông đồ, ngài đã đến thăm các cộng đoàn ở Galát ít nhất hai lần trong các chuyến đi truyền giáo của ngài. Thánh Phaolô nói chuyện với các Kitô hữu của vùng lãnh thổ đó. Chúng ta không biết chính xác ngài đang đề cập đến khu vực địa lý nào, cũng như không thể nói chắc chắn về ngày ngài viết Thư này. Chúng ta chỉ biết rằng người Galát là một dân tộc Celt cổ đại, sau nhiều thăng trầm, họ đã định cư trong khu vực rộng lớn của Anatolia, nơi có thủ phủ là thành Ancyra, ngày nay là Ankara, thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ. Thánh Phaolô chỉ kể rằng, do bệnh tật ngài buộc phải ở lại vùng đó (xem Gl 4,13). Thay vào đó, Thánh Luca trong Công vụ Tông đồ tìm thấy một động lực thiêng liêng nhiều hơn. Ngài nói rằng “các ông đi qua miền Phyghia và Galát, vì Thánh Thần ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở Axia” (16: 6).

Hai sự kiện không mâu thuẫn với nhau: đúng hơn, chúng chỉ ra rằng con đường loan báo Tin Mừng không phải lúc nào cũng tùy thuộc vào ý muốn và kế hoạch của chúng ta, nhưng đòi hỏi một sự sẵn sàng cho phép bản thân được định hình và đi theo những con đường khác mà chúng ta không nhìn thấy trước được. Trong số anh chị em, có một gia đình đã chào tôi: họ nói rằng họ phải học tiếng Latvia, và tôi không biết ngôn ngữ nào khác, vì họ đến vùng đất đó với tư cách là các nhà truyền giáo. Ngày nay Thần Khí tiếp tục đưa nhiều nhà truyền giáo rời bỏ quê hương và đến một đất nước khác để thi hành sứ mệnh của họ. Tuy nhiên, những gì chúng ta chắc chắn nhìn thấy là trong công cuộc truyền bá Phúc âm không mệt mỏi của ngài, Thánh Tông đồ đã thành công trong việc thành lập một số cộng đoàn nhỏ rải rác khắp vùng Galát. Khi đến một thành phố, đến một khu vực, Thánh Phaolô không bắt tay ngay vào việc xây dựng một nhà thờ chính tòa, không. Ngài xây dựng các cộng đoàn nhỏ là men bột cho nền văn hóa Kitô giáo của chúng ta ngày nay. Ngài bắt đầu bằng việc xây dựng các cộng đoàn nhỏ. Và những cộng đoàn nhỏ này phát triển, họ lớn mạnh và họ tiến bước. Ngày nay, phương pháp mục vụ này cũng được sử dụng trong các khu vực truyền giáo. Tuần trước tôi nhận được một lá thư từ một nhà truyền giáo ở Papua New Guinea, nói với tôi rằng ngài đang rao giảng Tin Mừng trong rừng, cho những người thậm chí không biết Chúa Giêsu Kitô là ai. Thật là đẹp! Một người bắt đầu bằng cách hình thành các cộng đoàn nhỏ. Ngay cả ngày nay, phương pháp rao giảng Tin mừng này vẫn là phương pháp rao giảng Tin mừng thuở ban đầu.

Điều chúng ta cần lưu ý là mối quan tâm mục vụ của Thánh Phaolô, tất cả đều luôn rực cháy. Sau khi thành lập các Hội thánh này, ngài nhận thức được mối nguy hiểm rất lớn đối với sự phát triển đức tin của họ - người mục tử giống như một người cha hay một người mẹ ngay lập tức ý thức được những nguy hiểm đối với con cái của họ. Chúng phát triển, và những mối nguy hiểm xuất hiện. Như có người nói, “Những con kền kền đến tàn phá cộng đồng”. Thật vậy, một số người Kitô hữu xuất thân từ Do Thái giáo đã thâm nhập vào các hội thánh này, và bắt đầu gieo rắc những giáo lý trái ngược lại với lời dạy của Thánh Tông đồ, thậm chí đi tới mức làm mất danh dự ngài. Họ bắt đầu với giáo lý - “Điều này thì không, điều đó thì được”, và rồi họ phỉ báng Thánh Tông đồ. Đó là cách thức thường thấy: ngầm phá hoại thẩm quyền của Thánh Tông đồ. Như chúng ta có thể thấy, ngay từ xa xưa đã có thói quen đôi khi tự cho mình là người duy nhất nắm giữ sự thật, sự tinh ròng, và nhằm mục đích làm giảm giá trị công việc của người khác, thậm chí là vu khống. Những người chống đối Phaolô cho rằng ngay cả dân ngoại cũng phải chịu phép cắt bì và sống theo các quy định của Luật Môsê. Họ quay trở lại với những cách thực hành trước đây, những sự thực hành đã được Tin Mừng thay thế. Vì thế, người Galát phải từ bỏ bản sắc văn hóa của mình để tuân theo các chuẩn mực, những quy định và phong tục đặc trưng của người Do Thái. Không chỉ vậy, những kẻ chống đối đó còn cho rằng Phaolô không phải là tông đồ thực sự và do đó không có thẩm quyền để rao giảng Tin mừng. Chúng ta hãy nghĩ sự việc trong các cộng đoàn hoặc giáo phận Kitô giáo, đầu tiên họ bắt đầu bằng những câu chuyện, và sau đó họ kết thúc bằng cách làm mất uy tín của vị linh mục hoặc giám mục. Đó chính là con đường của người ác, của những người gây chia rẽ, những người không biết xây dựng. Và trong Thư gửi tín hữu Galát, chúng ta nhìn thấy tiến trình này.

Người Galát thấy mình đang ở trong một tình huống khủng hoảng. Họ phải làm gì? Vâng nghe và tuân giữ những điều Thánh Phaolô đã giảng cho họ, hay lắng nghe những người rao giảng mới buộc tội ngài? Có thể dễ dàng hình dung ra tình trạng bất an đang phủ kín tâm hồn họ. Đối với họ, được biết Chúa Giêsu và tin vào công trình cứu chuộc được hoàn tất bởi cái chết và sự phục sinh của Ngài, thực sự là khởi đầu của một đời sống mới, một cuộc sống tự do. Cuối cùng, họ đã dấn bước trên con đường cho phép họ được tự do, mặc dù thực tế là lịch sử của họ đan xen với nhiều hình thức nô lệ bạo lực, nhất là đã khiến họ phải chịu phục tùng hoàng đế La Mã. Do đó, đứng trước những chỉ trích từ các người giảng đạo mới, họ cảm thấy lạc lõng và không biết phải có thái độ như thế nào: “Nhưng ai đúng? Là Phaolô, hay những người bây giờ đến giảng dạy những điều khác? Tôi nên nghe ai đây?” Nói tóm lại, có rất nhiều điều đang bị đe dọa!

Tình trạng này không khác nhiều đối với kinh nghiệm của nhiều người Kitô hữu ngày nay. Quả thật, ngày nay cũng không thiếu những người rao giảng, đặc biệt là thông qua các phương tiện truyền thông mới, có thể làm xáo trộn các cộng đoàn. Họ trình bày chủ yếu không phải để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa, Đấng yêu thương loài người trong Chúa Giêsu, Đấng chịu Đóng đinh và Phục sinh, nhưng, như là “những người nắm giữ chân lý” đích thực - họ tự gọi họ như vậy - để khẳng định cách tốt nhất để trở thành người Kitô hữu.Và họ khẳng định mạnh mẽ rằng Kitô giáo đích thực là đạo mà họ đang tuân giữ, thường được đồng nhất với một số hình thức của quá khứ, và giải pháp cho các cuộc khủng hoảng ngày nay là quay trở lại để không đánh mất tính chính thống của đức tin. Cũng vậy, ngày nay có một sự cám dỗ thu mình vào một số điều chắc chắn có trong truyền thống của quá khứ. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể nhận ra những người này? Chẳng hạn, một trong những dấu vết của cách thực hành này là tính thiếu linh hoạt. Trước lời rao giảng của Tin Mừng làm cho chúng ta tự do, làm cho chúng ta vui mừng, thì những người này lại cứng nhắc. Luôn luôn là sự cứng nhắc: bạn phải làm thế này, bạn phải làm thế kia… Tính thiếu linh hoạt là điểm đặc trưng của những người này. Nghe theo lời dạy của Thánh Tông đồ Phaolô trong Thư gửi tín hữu Galát sẽ giúp chúng ta hiểu được phải đi theo con đường nào. Con đường được Thánh Tông đồ chỉ ra là con đường giải phóng và luôn luôn mới của Chúa Giêsu, Đấng chịu Đóng đinh và Phục sinh; đó là con đường rao giảng đạt được qua sự khiêm nhường và tình huynh đệ - những người thuyết giảng mới không biết đến khiêm nhường là gì, tình huynh đệ là gì. Đó là con đường của sự tín thác nhu mì và vâng phục - những người giảng thuyết mới không biết đến sự nhu mì hay vâng phục. Và con đường nhu mì và vâng phục này đưa đến sự chắc chắn rằng Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo hội trong mọi thời đại. Cuối cùng, niềm tin vào Chúa Thánh Thần trong Giáo hội dẫn đưa chúng ta tiến bước và sẽ cứu thoát chúng ta.

_______________________________________________

Lời chào bằng tiếng Anh

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Ước mong việc cử hành Lễ Trọng mừng Sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả ngày mai thúc đẩy chúng ta bắt chước chứng tá khiêm nhường của ngài trước Chiên Thiên Chúa. Cha khấn xin niềm vui và sự bình an của Chúa đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc phúc cho anh chị em.


_______________________________________________


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/6/2021]