Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018

Các bạn trẻ viết suy niệm Chặng Đàng Thánh Giá của Đức Thánh Cha trong Colosseum

Các bạn trẻ viết suy niệm Chặng Đàng Thánh Giá của Đức Thánh Cha trong Colosseum

Được sự phối hợp của Giáo sư Tôn giáo Andrea Monda, các bạn trẻ viết ra những điều xuất phát từ tâm hồn

8 tháng Ba, 2018
Via Crucis
Vài tháng trước khi Thượng Hội đồng về Giới trẻ diễn ra vào tháng Mười 2018, theo truyền thống Chặng đàng Thánh giá tại Hý trường Colosseum của Roma, sẽ diễn ra vào thứ Sáu Tuần Thánh, 30 tháng Ba, 2018, Đức Thánh Cha Phanxico kêu gọi giới trẻ chuẩn bị những lời suy niệm cho 14 chặng đàng. Mười lăm bạn trẻ sẽ khai thác những chủ đề, chẳng hạn ý nghĩa của sự công bằng, cớ vấp ngã của Thập giá, đối thoại và đối mặt.

Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, ông Greg Burke, nói rằng trong một báo cáo công bố ngày 8 tháng Ba, 2018, nhóm giới trẻ sẽ được sự phối hợp của ông Andrea Monda, giáo sư tôn giáo và là nhà văn.

Mười lăm sinh viên trung học và đại học đã chuẩn bị những bài soạn này bằng cách chia những Chặng đàng tùy theo “những gì xuất phát từ tâm hồn của họ” để đọc tại Chặng Đàng. Andrea Monda nói với Vatican News: “Tôi yêu cầu các bạn cứ thể hiện con người thật của họ, đừng nghĩ rằng họ phải viết những bài văn thần học, không bị áp lực trước vấn đề là nó sẽ được đọc trên toàn thế giới, trước mặt Đức Giáo hoàng.”

Vì thế, nhiều chủ đề và cảm xúc dâng trào: “cảm nhận về sự bất công trong sự kết án Chúa Giê-su, cớ vấp ngã và đặc tính khó hiểu của mầu nhiệm này”; “Nghịch lý của Thập giá, điều chỉ có thể hiểu như là một công cụ của sự cứu chuộc theo chiều kích đức tin chứ không phải là một sự ngu xuẩn nghiền nát mọi ý nghĩa của công bằng và nhân đạo.”

Các bạn trẻ cũng nêu lên những điểm suy tư, giáo sư nói: việc đọc lên những sa ngã và sự gánh lấy của Chúa Giê-su như là một loan báo trước về sự Phục sinh, cũng là dấu chỉ sức mạnh của Chúa Giê-su Đấng không cho cái chết là lời nói cuối cùng; hiện thực của người di cư được nhìn trong sự lột trần Chúa Giê-su vì họ cũng “bị tước đoạt hết mọi thứ, nhưng họ vẫn không mất phẩm giá của họ”; trong mầu nhiệm cái chết của Chúa Giê-su, lời nhận xét rằng cái chết là “điều chúng ta không muốn nhìn thấy, điều chúng ta loại bỏ.”

Thông điệp nổi lên trong những suy niệm của các bạn trẻ là lòng khát khao được đồng hành trên đường đời, không bị xét đoán hay bị thương hại, ông Andrea Monda nhấn mạnh: “Được đồng hành bởi Đức Ki-tô trên Con đường Thập giá; Đấng đã ngã xuống và chịu đau đớn, Đấng bị bỏ rơi, bị cô đơn, có thể hiểu rõ đời sống của người thiếu niên và thanh niên phải đối mặt với thế giới thường không có điểm quy chiếu.”

Chặng Đàng Thánh Giá, diễn ra vào buổi tối, sẽ rời khỏi Coloseum lúc 9:15 tối. Nó diễn ra bên trong Colosseum tiến lên đồi Palatine.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/3/2018]



Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Nghi thức Thống hối Thứ Sáu

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Nghi thức Thống hối Thứ Sáu

Ơn sủng của Người liên tục hoạt động trong chúng ta, để củng cố niềm hy vọng rằng tình yêu của Người sẽ không bao giờ cạn, cho dù chúng ta có thể phạm tội chối bỏ sự hiện hữu của Người trong cuộc sống của chúng ta.

9 tháng Ba, 2018
Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Nghi thức Thống hối Thứ Sáu
Vatican Media Screenshot


Dưới đây là văn bản của Vatican cung cấp bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico ngày 9 tháng Ba, 2018, trong nghi thức thống hối tại Vương cung Thánh Đường Thánh Phê-rô ở Roma.

************

Thật là một niềm vui và sự an ủi lớn lao cho chúng ta qua những lời của Thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe: Thiên Chúa yêu chúng ta đến nỗi cho chúng ta được gọi là con của Người, và khi chúng ta được gặp Người, chúng ta sẽ khám phá tình yêu của Người còn vĩ đại hơn rất nhiều (x. 1 Ga 3:1-10.19-22). Không chỉ vậy, tình yêu của Chúa luôn lớn lao hơn bất kỳ điều gì chúng ta có thể tưởng tượng; nó thậm chí vượt ra ngoài bất kỳ một tội nào mà lương tâm có thể tố cáo chúng ta. Tình yêu của Người là tình yêu bất tận, một tình yêu không biên giới. Nó thoát khỏi tất cả những chướng ngại mà chúng ta, về phần chúng ta, muốn đặt ra trước mặt người khác, vì sợ rằng họ có thể tước mất sự tự do của chúng ta.

Chúng ta biết rằng tình trạng của tội làm chúng ta xa cách Thiên Chúa. Nhưng thật ra, tội là con đường chúng ta tự tách mình ra khỏi Thiên Chúa. Tình trạng yếu đuối và bấn loạn vì hậu quả của tội lại là một lý do nữa để Thiên Chúa vẫn ở gần với chúng ta. Sự chắc chắn này phải đồng hành với chúng ta suốt cuộc đời. Lời của Thánh Tông đồ là một sự khẳng định chắc chắn rằng con tim của chúng ta phải tín thác trong tình yêu của Chúa Cha, luôn luôn và dứt khoát: “Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự” (c. 20).

Ơn sủng của Người liên tục hoạt động trong chúng ta, để củng cố niềm hy vọng rằng tình yêu của Người sẽ không bao giờ cạn, cho dù chúng ta có thể phạm tội chối bỏ sự hiện hữu của Người trong cuộc sống của chúng ta.

Chính niềm hy vọng này làm chúng ta nhận ra rằng có những lúc cuộc đời chúng ta bị mất phương hướng, như thái độ của Phê-rô trong trình thuật Tin mừng mà chúng ta nghe. “Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy. Ông Phê-rô sực nhớ lời Đức Giê-su đã nói: "Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần." Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết” (Mt 26:74-75). Vị tông đồ rao giảng phúc âm hoàn toàn tỉnh táo. Tiếng gà gáy làm ông giật mình khi ông đang bị hoang mang mất phương hướng; liền sau đó ông nhớ lại lời của Chúa Giê-su, và cuối cùng bức rèm đã được vén lên. Phê-rô bắt đầu thoáng thấy qua dòng nước mắt Thiên Chúa được tỏ lộ trong Đức Ki-tô, Đấng bị hành hạ và bị lăng nhục, Đấng mà chính ông đã chối, nhưng là Đấng giờ đây chịu chết vì ông. Phê-rô, người đã muốn chết cho Chúa Giê-su, giờ đây nhận ra rằng ông phải để cho Chúa Giê-su chết vì ông. Phê-rô đã muốn dạy cho Thầy của mình; ông muốn đi trước Người. Nhưng, chính Chúa Giê-su tiến lên để chết cho Phê-rô. Phê-rô đã không hiểu được điều này; ông đã không muốn hiểu nó.

Phê-rô bây giờ đứng trước tình yêu của Chúa. Cuối cùng ông hiểu được rằng Chúa yêu ông và yêu cầu ông hãy để cho ông được yêu. Phê-rô nhận ra rằng trước đây ông luôn từ chối để cho bản thân ông được yêu thương. Ông đã luôn từ chối để cho bản thân ông được cứu thoát bởi Chúa Giê-su, và vì vậy ông không muốn Chúa Giê-su yêu thương ông một cách trọn vẹn.

Thật quá khó khăn để cho bản thân chúng ta được yêu! Chúng ta dường như luôn muốn một phần của chúng ta thoát khỏi món nợ của lòng biết ơn, trong khi thực tế chúng ta hoàn toàn mang nợ, vì Thiên Cháu yêu thương chúng ta trước, và bằng tình yêu Người hoàn toàn giải thoát chúng ta.

Giờ đây chúng ta hãy xin Chúa ơn sủng biết được sự vĩ đại của tình yêu của Người, tình yêu quét sạch mọi tội của chúng ta.

Chúng ta hãy để cho tình yêu thanh tẩy chúng ta, để chân nhận được tình yêu thật sự!

[00383-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican

JF


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/3/2018]