Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Đức Thánh Cha: ‘Trong bóng đêm đen của xung đột này, nguyện xin các tôn giáo là ánh bình minh của hòa bình’

Đức Thánh Cha: ‘Trong bóng đêm đen của xung đột này, nguyện xin các tôn giáo là ánh bình minh của hòa bình’

Pope Francis and Sheikh-ul-Islam Allahshukur Pashazadeh  - RV
Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Sheikh-ul-Islam Allahshukur Pashazadeh - RV
02/10/2016 16:26
(Vatican Radio) Đức Thánh Cha Phanxico đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Hồi giáo cùng tham gia với ngài đưa ra một câu trả lời hiệp nhất cho một thế giới đang bị xung đột dẫn dắt và để cùng nhau xây dựng một tương lai hòa bình.
Phát biểu hôm chiều Chủ nhật trước Đức Sheikh-ul-Islam Allahshukur Pashazadeh, đại giáo chủ Hồi giáo của vùng Caucasus trong một buổi gặp gỡ liên tôn vào cuối chuyến tông du của ngài đến Azerbaijan, Đức Thánh Cha nói rằng ngày nay “chúng ta đang bị thách thức phải đưa ra một câu trả lời không còn có thể chờ đợi được nữa.”
Với Đức Giáo chủ Sheikh – ngài cũng là Chủ tịch của Văn phòng Hồi giáo Caucasus – và là người đã tiếp Đức Thánh Cha trong đền thờ Hồi giáo Aliyev của Baku, Đức Thánh Cha nói: “bây giờ không phải là thời gian dành cho những giải pháp bạo lực hay đột ngột, nhưng là một thời điểm cấp thiết để gắn kết vào những tiến trình hòa giải kiên trì. Vấn đề thực sự của thời đại của chúng ta không phải là đưa các vụ việc riêng của chúng ta ra tố tụng, nhưng là chúng ta đưa ra được những chương trình sự sống gì cho các thế hệ tương lai; làm sao để lại cho các thế hệ đó một thế giới tốt đẹp hơn thế giới chúng ta đã đón nhận.”
Và sau khi nhắc lại lời thỉnh cầu: “không có thêm bạo lực nhân danh Thượng Đế!” Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng chính sự hợp tác mới giúp xây dựng các xã hội tốt đẹp hơn và hòa bình hơn chứ không phải là sự đối kháng.”
“Tình huynh đệ và sự chia sẻ mà chúng ta đang tìm cách để gia tăng thêm sẽ không được đón nhận bởi những người muốn nhấn mạnh đến những chia rẽ, khơi lên những căng thẳng và hưởng lợi từ những đối kháng và khác biệt đó; quả thật, tình huynh đệ và sự chia sẻ được khẩn cầu và khao khát bởi những người mong ước mọi thiện ích chung, và trên tất cả là làm hài lòng Thượng Đế, Đấng Động Lòng Trắc ẩn và Giàu lòng Thương xót, Người mong muốn những đứa con của Người trong một gia đình nhân loại hợp nhất với nhau hơn bao giờ hết và luôn trong sự đối thoại với nhau” ngài nói.
Đức Thánh Cha cũng chỉ ra vai trò quan trọng của các tôn giáo “được kêu gọi để giúp chúng ta hiểu rằng trung tâm của mỗi con người phải vượt ra ngoài chính con người đó, chúng ta được định hướng đến Đấng Tối Cao và đến người khác là anh em của chúng ta,” ngài nói.
“Tôn giáo là một cái la-bàn định hướng cho chúng ta đến điều thiện và giúp chúng ta tránh tội lỗi” ngài nói.
Đức Thánh Cha Phanxico cũng nói rằng với cương vị là các nhà lãnh đạo tinh thần “Chúng ta có một trách nhiệm rất lớn, để đưa ra được những câu trả lời thực sự cho những con người đang tìm kiếm, những người dễ bị lạc lối giữa những mâu thuẫn quay cuồng của thời đại chúng ta.”
Ngược lại, ngài nói, tôn giáo giúp nhận thức được điều thiện và đưa nó vào thực hành và họ được kêu gọi làm như vậy bằng cách xây dựng “một văn hóa gặp gỡ và hòa bình, đặt nền tảng trên sự kiên nhẫn, thấu hiểu, và những bước đi khiêm nhường, cụ thể.”
Về phần mình, xã hội phải luôn luôn vượt qua được cám dỗ lợi dụng những yếu tố tôn giáo: các tôn giáo không bao giờ được biến thành công cụ, và nó cũng không bao giờ được ủng hộ, hay phê chuẩn cho những xung đột hay bất đồng,” ngài nói.
“Trong bóng đêm đen của sự xung đột mà chúng ta hiện tại đang phải gánh chịu,” Đức Thánh Cha Phanxico nói, “nguyện xin các tôn giáo là ánh bình minh của hòa bình.”

Dưới đây là toàn văn bài diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trước Đức Giáo chủ Sheikh và các Đại diện của nhiều cộng đồng tôn giáo khác nhau trong đất nước:

Việc chúng ta họp nhau nơi đây là một phúc lành. Tôi xin cảm ơn Vị Lãnh đạo Hồi giáo của vùng Caucasus, ngài đã đón tiếp chúng tôi với lòng hiếu khách chân tình của ngài, và các vị Lãnh đạo tôn giáo địa phương thuộc Giáo hội Chính Thống giáo, cũng như các vị Lãnh đạo của các Cộng đồng Do thái giáo. Gặp gỡ nhau trong tình huynh đệ trong nơi cầu nguyện này là một dấu chỉ mạnh mẽ, một dấu chỉ cho thấy sự hòa hợp mà các tôn giáo có thể cùng nhau xây dựng, đặt trên nền tảng của những mối quan hệ cá nhân và trên thiện chí của những người có trách nhiệm. Chẳng hạn chúng ta có thể nhìn thấy điều này qua sự trợ giúp cụ thể mà vị Lãnh đạo Hồi giáo đã bảo đảm cho cộng đồng Công giáo ở đây ít nhất nhiều hơn một lần, cùng với sự cố vấn khôn ngoan, theo tinh  thần gia đình, ngài đã chia sẻ với cộng đồng đó. Tôi cũng muốn nhấn mạnh đến những mối quan hệ tốt đẹp giúp kết hiệp những người Công giáo địa phương với cộng đồng Chính thống giáo trong tình huynh đệ vững chắc và sự yêu mến nhau mỗi ngày, đây là một mẫu gương cho tất cả, cũng như tình bạn nồng nàn được chia sẻ với cộng đồng Do thái giáo.
Những ích lợi của sự hòa hợp này được nhìn thấy trên khắp Azerbaijan, một đất nước làm mình nổi  bật lên bằng sự chào đón và sự hiếu khách của nó, bằng những món quà mà tôi đã được trải nghiệm trong ngày đáng nhớ này, một ngày tôi chân thành cảm tạ tri ân. Ở đây có một sự khát khao được bảo vệ di sản của các tôn giáo và, đồng thời, tiếp tục theo đuổi sự mở rộng sâu sắc hơn mang lại kết quả tốt đẹp hơn. Chẳng hạn, Giáo hội Công giáo đã tìm thấy một vị trí và sống trong sự hòa hợp với các tôn giáo khác có số tín đồ đông hơn gấp nhiều lần, cho thấy rằng chính sự hợp tác giúp xây dựng nên những xã hội tốt đẹp hơn và hòa bình hơn chứ không phải là sự đối kháng. Sự gặp gỡ của chúng ta tại đây cũng là tiếp nối của nhiều cuộc gặp gỡ khác được tổ chức tại Baku để thúc đẩy đối thoại và tính đa văn hóa. Mở ra những cánh cửa chào đón và hội nhập có nghĩa là mở ra những cánh cửa tâm hồn của mỗi con người và cánh cửa hy vọng cho tất cả mọi người. Tôi tin chắc rằng quốc gia này, “cửa ngõ của Đông và Tây” (Gioan Phaolo II, Diễn văn tại Nghi thức Chào đón, Baku, 22 tháng 5, 2002), sẽ luôn gieo những hạt giống cho sự cởi mở và gặp gỡ, là những điều kiện không thể thiếu để xây dựng những chiếc cầu hòa bình dài lâu và một tương lai xứng đáng cho nhân loại.
Tình huynh đệ và sự chia sẻ mà chúng ta đang tìm cách để gia tăng thêm sẽ không được đón nhận bởi những người muốn nhấn mạnh đến những chia rẽ, khơi lên những căng thẳng và hưởng lợi từ những đối kháng và khác biệt đó; quả thật, tình huynh đệ và sự chia sẻ được khẩn cầu và khao khát bởi những người mong ước mọi thiện ích chung, và trên tất cả là làm hài lòng Thượng Đế, Đấng Luôn Động Lòng Trắc ẩn và Giàu lòng Thương xót, Người mong muốn những đứa con của Người trong một gia đình nhân loại hợp nhất với nhau hơn bao giờ hết và luôn trong sự đối thoại với nhau. Một nhà thơ vĩ đại, một người con của mảnh đất này, đã viết: “Nếu bạn là con người, hãy hòa nhập với mọi người, vì cùng nhau con người sẽ tiến tới” (Nizami Ganjavi, Sách Alexander, I, Hoàn cảnh đời sống riêng của ông và dòng thời gian trôi qua). Mở tâm hồn chúng ta ra với người khác không dẫn đến tình trạng khó khăn bần cùng nhưng hơn thế là sự phong phú hơn, vì nó làm chúng ta trở nên nhân bản hơn: để nhận biết chúng ta như những người dự phần trong một tập thể lớn hơn và hiểu được rằng đời sống của chúng ta như là một quà tặng cho tha nhân; để nhìn thấy mục tiêu, không phải là những tư lợi riêng, nhưng hơn thế là thiện ích của nhân loại; để hành động không phải theo chủ nghĩa duy tâm trừu tượng hay chủ nghĩa can thiệp, và cũng không phải là sự can thiệp có hại hay những hành động cưỡng bức, nhưng vượt hơn thế phải là sự tôn trọng tính đa dạng của lịch sử, của các nền văn hóa và những truyền thống tôn giáo.
Các tôn giáo có một nhiệm vụ cao cả: giúp cho con người tìm được ý nghĩa của sự sống, giúp họ hiểu được rằng những năng lực giới hạn của con người và những tài sản của thế giới này không bao giờ là tuyệt đối. Nizami một lần nữa lại viết: “Đừng đặt mình một cách vững chãi dựa trên sức mạnh của riêng bạn, vì nếu như thế trên thiên đàng bạn sẽ không tìm được nơi nghỉ ngơi! Của cải của trần gian này không phải là vĩnh cửu; đừng tôn sùng những gì phải héo tàn!” (Leylā và Majnūn, Cái chết của Majnūn trên mồ của Leylā). Tôn giáo được kêu gọi để giúp chúng ta hiểu rằng trung tâm của mỗi con người phải vượt ra ngoài chính con người đó, chúng ta được định hướng đến Đấng Tối Cao và đến người khác là anh em của chúng ta. Bằng cách này, ơn thiên triệu của con người là tiến đến với tình yêu cao quý nhất và chân thực nhất: chỉ một điều này thôi cũng đã là cực điểm của mỗi khát vọng tôn giáo đích thực. Vì, như nhà thơ nói, “tình yêu không bao giờ mờ nhạt, tình yêu không có điểm kết thúc” (Sự tuyệt vọng của Majnūn).
Vì thế con người cần có tôn giáo nếu nó muốn đạt được mục tiêu của nó. Tôn giáo là một cái la-bàn định hướng cho chúng ta hướng đến điều thiện và giúp chúng ta tránh tội lỗi vì nó luôn ẩn nấp ngoài cánh cửa của tâm hồn con người (Sáng thế 4:7). Vì thế, các tôn giáo có một trách vụ giáo dục: giúp tìm ra được những gì là tốt đẹp nhất trong mỗi con người. Chúng ta là những người dẫn đường, có một trách nhiệm to lớn, là đưa ra được những câu trả lời thực sự cho những con người đang tìm kiếm, những người dễ bị lạc lối giữa những mâu thuẫn quay cuồng của thời đại chúng ta. Quả thật, ngày nay như chúng ta đang thấy, về một mặt nào đó, sự thống trị của chủ nghĩa hư vô nơi những người không còn tin vào bất kỳ điều gì ngoài sự thịnh vượng riêng của bản thân, lợi ích và lợi nhuận, nơi những người ném cuộc sống bản thân ra ngoài, trở nên quen thuộc với cách nói, “Nếu Thiên Chúa không tồn tại thì mọi việc đều được chấp nhận” (F.M. Dostoyevsky, Anh em Karamazov, XI, 4.8.9); về mặt khác chúng ta lại thấy nổi lên ngày một nhiều những phản ứng cứng ngắc và theo trào lưu chính thống nơi những người, qua những từ ngữ và hành động bạo lực, tìm cách áp đặt những thái độ cực đoan và cấp tiến là những điều xa cách nhất với Thượng Đế hằng sống.
Ngược lại, các tôn giáo giúp nhận thức rõ điều thiện và đem nó vào thực hành qua những công việc, cầu nguyện và siêng năng trau giồi đời sống nội tâm, được kêu gọi xây dựng một văn hóa gặp gỡ và hòa bình, đặt nền tảng trên sự kiên nhẫn, thấu hiểu, và những bước đi khiêm nhường, cụ thể. Đây là con đường để một xã hội nhân loại được phục vụ tốt nhất. Về phần mình, xã hội phải luôn luôn vượt qua được cám dỗ lợi dụng những yếu tố tôn giáo: các tôn giáo không bao giờ được biến thành công cụ, và nó cũng không bao giờ được ủng hộ, hay phê chuẩn cho những xung đột hay bất đồng.
Hơn nữa, có một kết quả tốt đẹp rút ra từ sự giao thoa đạo đức giữa xã hội và tôn giáo, sự liên kết đáng trọng đó là điều cần được xây dựng và bảo vệ, và là điều tôi muốn gợi lên bằng một hình ảnh rất thân thuộc với quốc gia này. Tôi xin nói đến những cái cửa sổ nghệ thuật quý giá đã có ở đây từ nhiều thế kỷ, được chạm trổ từ gỗ đơn thuần và kính màu (Shebeke). Khi chúng được làm theo phương pháp truyền thống, có một điều đặc trưng rất khác thường: người ta không dùng tới keo dán hay đinh, nhưng gỗ và kính khớp khít lại với nhau qua thời gian sử dụng và những nỗ lực chi tiết tỉ mỉ. Vì thế, gỗ đỡ cho kính và kính để ánh sách xuyên qua. Tương tự như vậy, trách nhiệm của mỗi xã hội dân sự là hỗ trợ cho tôn giáo, tức là để cho ánh sáng chiếu dọi qua, yếu tố không thể thiếu cho đời sống. Để điều này có thể xảy ra, một nền tự do đích thực và có hiệu quả phải được bảo đảm. Không thể dùng những loại “keo dán” nhân tạo, nó bắt buộc con người phải tin, buộc họ phải theo một hệ thống niềm tin được đã được chỉ định và tước mất sự tự do lựa chọn của họ; cũng không cần phải dùng thêm “cây đinh” của sự lợi lộc trần thế bên ngoài, của sự thèm khát quyền lực và tiền bạc. Vì không thể dùng Thiên Chúa cho những tư lợi cá nhân và mục đích ích kỷ; cũng không thể dùng Ngài để biện minh cho bất kỳ hình thức nào của trào lưu chính thống, chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân. Từ nơi mang tính biểu tượng cao quý này, một tiếng kêu thành khẩn lại vang lên một lần nữa: không thể có thêm bạo lực nhân danh Chúa! Nguyện xin cho Danh Cả Thánh của Người được tôn thờ, không bị làm ô uế và bị đánh đổi như một món hàng qua những hình thức của sự thù hận và chống đối của con người.
Chúng ta tán dương lòng thương xót Thiên Chúa được ban tặng cho chúng ta, qua cầu nguyện siêng năng và đối thoại thực sự, “một điều kiện cần thiết cho hòa bình trên thế giới … một bổn phận cho người Ki-tô hữu cũng như những cộng đồng tôn giáo khác” (Tông huấn Niềm vui Tin mừng, 250).Cầu nguyện và đối thoại được đan kết chặt chẽ với nhau: chúng tuôn trào từ một tâm hồn rộng mở và và chuyển thành thiện ích cho tha nhân, từ đó làm phong phú và củng cố vững mạnh cho nhau. Giáo hội Công giáo, tiếp nối Công đồng Vatican II một cách thành tâm “khuyên dạy những đứa con của mình rằng qua đối thoại và sự hợp tác với những tín đồ theo các tôn giáo khác, được thực hiện trong sự khôn ngoan và yêu thương và trong việc làm chứng tá cho đức tin và đời sống của Ki-tô giáo, họ nhận biết, duy trì và thúc đẩy những điều thiện ích, cả tinh thần và đạo đức, cũng như những giá trị văn hóa xã hội được tìm thấy giữa những con người này (CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Tuyên ngôn Nostra Aetate, 2). Điều này không phải là một “thuyết hổ lốn giả tạo” xuề xòa, cũng chẳng phải một “sự cởi mở mang tính ngoại giao khi đồng ý với mọi thứ để tránh né những rắc rối” (Tông huấn Niềm vui Tin mừng, 251), nhưng là một con đường đối thoại với anh em và là một con đường cầu nguyện cho tất cả: đây là những phương tiện để chúng ta “rèn giáo mác nên liềm nên hái” (Is 2:4), để đem yêu thương vào nơi có hận thù, và tha thứ vào nơi có lăng nhục, để không bao giờ mệt mỏi khẩn nài và  lần theo những con đường hòa bình.
Một nền hòa bình thực sự, được thiết lập đặt trên sự tôn trọng lẫn nhau, sự gặp gỡ và chia sẻ, đặt trên ý chí vượt ra khỏi những thành kiến và bỏ qua những sai lầm, đặt trên việc từ bỏ những tiêu chuẩn một chiều và những tư lợi riêng; một nền hòa bình dài lâu, được thúc đẩy bởi sự can đảm vượt qua mọi rào cản, xóa bỏ nghèo đói và bất công, tố cáo và đặt dấu chấm hết cho sự gia tăng các loại vũ khí và đầu cơ trục lợi trái đạo đức trên lưng của những người khác. Máu của quá nhiều người từ đất, ngôi nhà chung của chúng ta, đã kêu lên tới Thiên Chúa (St 4:10). Ngày nay, chúng ta đang bị thách thức phải đưa ra một câu trả lời không còn có thể chờ đợi được nữa: cùng nhau xây dựng một tương lai hòa bình; bây giờ không phải là thời gian dành cho những giải pháp bạo lực hay đột ngột, nhưng là một thời điểm cấp thiết để gắn kết vào những tiến trình hòa giải kiên trì. Vấn đề thực sự của thời đại của chúng ta không phải là đưa các vụ việc riêng của chúng ta ra tố tụng, nhưng là chúng ta đưa ra được những chương trình sự sống gì cho các thế hệ tương lai; làm sao để lại cho các thế hệ đó một thế giới tốt đẹp hơn thế giới chúng ta đã đón nhận. Thiên Chúa, và chính lịch sử, sẽ chất vấn rằng chúng ta đã lấy con người mình theo đuổi hòa bình chưa; những thế hệ trẻ, những người ước mơ một tương lai khác, sẽ trực tiếp đặt câu hỏi này cho chúng ta.
Trong bóng đêm đen của sự xung đột mà chúng ta hiện tại đang phải gánh chịu, nguyện xin các tôn giáo là ánh bình minh của hòa bình, là những hạt giống tái sinh giữa sự hủy diệt của chết chóc, những âm vang của đối thoại lại vang lên liên tục, những con đường gặp gỡ và hòa giải tiến đến những nơi với những nỗ lực hòa giải chính thức dường như chưa trổ sinh kết quả. Đặc biệt trong vùng Caucasus thân thương này, nơi tôi vô cùng ước mong được đến thăm và nơi tôi đến như một người hành hương hòa bình, nguyện xin cho các tôn giáo là những nhân tố tích cực hoạt động để vượt qua những thảm kịch của quá khứ và những căng thẳng của hiện tại. Nguyện xin cho sự giàu có vô giá của những quốc gia này được biết đến và được trân trọng đúng giá trị: những kho báu cổ xưa và gần đây của sự thông thái, của văn hóa và khả giác tôn giáo của người dân của vùng Caucasus, là một nguồn tài nguyên khổng lồ cho tương lai trong vùng và đặc biệt cho văn hóa Châu Âu; chúng là những tài sản chúng ta không thể từ bỏ.

[Nguồn:  en.radiovaticana.va]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 04/10/2016]