Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxico 18 tháng Mười, 2017

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxico 18 tháng Mười, 2017

‘Phúc cho những ai chết trong vòng tay của Thiên Chúa’
18 tháng Mười, 2017
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxico 18 tháng Mười, 2017
© L'Osservatore Romano
“Phúc cho những ai chết trong vòng tay của Thiên Chúa,” là chủ đề của bài giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi Tiếp Kiến Chung ngày 18 tháng Mười, 2017 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây ngài gặp gỡ các nhóm người hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.
Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện. Sau đó ngài lên tiếng thỉnh cầu cho người dân Somalia, bị tấn công trong những ngày vừa qua trong một vụ khủng bố làm 300 người chết.
* * *
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxico 18 tháng Mười, 2017

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em rất thân mến, xin chào anh chị em!
Hôm nay tôi muốn so sánh niềm hy vọng của người Ki-tô hữu với thực tại của cái chết, một thực tại mà nền văn minh hiện đại có khuynh hướng muốn xóa bỏ. Rồi, khi cái chết đến cho một người thân của chúng ta hoặc cho chính chúng ta, chúng ta thấy mình chưa được chuẩn bị, bị lấy mất thậm chỉ cả một “ký tự” phù hợp để ráp nối thành những từ có ý nghĩa về sự bí ẩn của nó, và trong mọi trường hợp nó vẫn còn ở đó. Nhưng những dấu hiệu đầu tiên của nền văn minh con người thực sự đều phải đi qua sự bí ẩn này. Chúng ta có thể nói rằng con người sinh ra với việc kính nhớ tổ tiên.
Những nền văn minh trước chúng ta đã có can đảm nhìn thẳng vào khuôn mặt của cái chết. Nó là một biến cố được những người già kể chi tiết cho các thế hệ mới, như là một thực tại không thể tránh khỏi bắt buộc con người phải sống vì một điều gì đó tuyệt đối. Thánh vịnh 90 viết: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (c. 12). Đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí chúng ta được khôn ngoan! — những từ ngữ đưa chúng ta vào một quan điểm hiện thực lành mạnh, xua tan đi ảo tưởng về sức mạnh tuyệt đối. Chúng ta là gì? Chúng ta “hầu như chẳng là gì,” một câu Thánh vịnh khác nói như vậy (x. 88:48); những ngày trong đời của chúng ta trôi qua rất nhanh: dù cho chúng ta có sống 100 tuổi, cuối cùng thì vẫn thấy tất cả qua đi như một tia chớp lóe lên. Rất nhiều lần tôi nghe những người già nói: “Đối với con cuộc sống trôi qua như một tia chớp …”
Như vậy cái chết tước mất sự sống của chúng ta. Nó làm cho chúng ta khám phá ra rằng những hành động kiêu ngạo của chúng ta, sự thịnh nộ của chúng ta, lòng thù hận của chúng ta đều là sự phù phiếm, hoàn toàn phù phiếm. Chúng ta cảm thấy tiếc rằng chúng ta đã không yêu thương đủ và chúng ta đã không đi tìm những gì là quan trọng. Nhưng nếu ngược lại, chúng ta lại thấy những gì chúng ta đã gieo trồng là thực sự tốt lành: những yêu thương mà chúng ta đã hy sinh bản thân, và bây giờ đang cầm lấy tay của chúng ta.
Chúa Giê-su làm sáng tỏ mầu nhiệm của sự chết của chúng ta. Với quyền năng của Người, Người cho phép chúng ta cảm thấy buồn sầu khi một người thân ra đi. Người đã “vô cùng” đau buồn trước mộ của người bạn của Người là La-da-rô, và Người “đã khóc” (Ga 11:35). Trong thái độ này của Người, chúng ta cảm nhận Chúa Giê-su rất gần gũi — là người anh của chúng ta. Người đã khóc cho người bạn La-da-rô của Người.
Và rồi Chúa Giê-su cầu nguyện lên Chúa Cha, nguồn mạch sự sống, và ra lệnh cho La-da-rô bước ra khỏi mộ đá. Và việc đã xảy ra như vậy. Niềm hy vọng của người Ki-tô hữu được rút ra từ sự kiện này, qua đó Chúa Giê-su đã phục hồi cái chết của con người: nếu nó hiện hữu trong Tạo vật, nó là một vết sẹo làm hư đi bản thiết kế tình yêu của Thiên Chúa, và Đấng Cứu Độ muốn chữa lành nó.
Ở một chỗ khác trong các Tin mừng kể về một người cha có đứa con gái ốm nặng, và ông chạy đến Chúa Giê-su với niềm tin mãnh liệt rằng Người sẽ cứu sống con gái ông (x. Mc 5:21-24.35-543). Không có một hình ảnh nào cảm động bằng hình ảnh của một người cha hay người mẹ có đứa con ốm nặng. Và Chúa Giê-su ngay lập tức đi cùng với người đàn ông đó, tên là Dai-rô. Trên đường đi một người từ nhà của ông Dai-rô đến báo rằng đứa con gái đã chết, và không cần phải làm phiền Thầy nữa. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nói với ông Dai-rô: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi!” (Mc 5:36). Chúa Giê-su biết rằng người đàn ông đó có thể có thái độ phản ứng tức giận và tuyệt vọng, vì đứa con gái bé nhỏ đã chết, và Người đề nghị ông nhen nhúm một ngọn lửa nhỏ trong lòng: hãy tin. “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” “Ông đừng sợ, hãy cứ tiếp tục giữ cho ngọn lửa đó cháy lên!” Và rồi, khi về đến nhà, Người đánh thức đứa con gái từ cõi chết và trao lại cô bé cho những người thân yêu của bé.
Chúa Giê-su đặt chúng ta trên “chóp đỉnh” này của niềm tin . Với Mác-ta đang khóc trước cái chết của người em trai La-da-rô, Người đưa ra ánh sáng của một tín điều: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?” (Ga 11: 25-26). Đó là điều Chúa Giê-su lặp lại với mỗi người chúng ta khi cái chết đến xé toạc cấu trúc sự sống và những tình cảm yêu thương. Toàn bộ sự sống của chúng ta đang chập chờn ngoài kia, giữa sườn dốc của niềm tin và vách dựng đứng của nỗi sợ hãi. Chúa Giê-su nói: Ta không phải là sự chết, Ta là sự phục sinh và là sự sống: con có tin điều này không? Con có tin điều này không?” Chúng ta, những anh chị em trong Quảng trường hôm nay, có tin điều này không?
Tất cả chúng ta đều vô cùng nhỏ bé và mong manh trước sự huyền nhiệm của cái chết. Tuy nhiên, thật là một hồng ân nếu trong giây phút đó chúng ta giữ lấy trong tâm hồn một ngọn lửa nhỏ của niềm tin! Chúa Giê-su sẽ dẫn tay chúng ta, cũng như Người đã dẫn tay đứa con gái của ông Dai-rô, và một lần nữa lặp lại: “Talita kum,” “Này bé, trỗi dậy đi!” (Mc 5:41). Người sẽ nói điều đó với chúng ta, với mỗi người chúng ta: “Hãy thức dậy, hãy trỗi dậy!” Bây giờ tôi mời anh chị em hãy nhắm mắt lại và nghĩ đến giây phút đó của cái chết của chúng ta. Mỗi chúng ta hãy nghĩ đến cái chết của mình và hình dung ra giây phút đó sẽ đến, khi Chúa Giê-su cầm tay chúng ta và nói với chúng ta: “Hãy đến, hãy đến với ta, hãy trỗi dậy.” Niềm hy vọng sẽ chấm dứt ở đó và nó biến thành thực tại, thực tại của sự sống. Hãy nghĩ về nó: chính Chúa Giê-su sẽ đến với mỗi người chúng ta và sẽ cầm tay của chúng ta, với lòng nhân hậu của Người, sự nhân lành của Người, tình yêu của Người. Và mỗi người hãy lặp lại lời của Chúa Giê-su trong lòng: “Hãy thức dậy, hãy đến. Hãy thức dậy, hãy đến. Hãy thức dậy, hãy trỗi dậy!”
Đây là niềm hy vọng của chúng ta khi đứng trước cái chết. Với những ai tin, nó sẽ là một cánh cửa hoàn toàn rộng mở; với những ai hoài nghi nó sẽ là một tia sáng lọt qua khe cửa chưa hoàn toàn khép chặt. Tuy nhiên, với tất cả chúng ta đó sẽ là một ơn sủng, khi ánh sáng này, ánh sáng của sự gặp gỡ với Chúa Giê-su, sẽ tỏa sáng trên chúng ta.
[Văn bản chính: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester - ZENIT]

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha
Tôi bày tỏ sự đau buồn vì cuộc tàn sát xảy ra một vài ngày trước ở Mogadishu, Somalia, nó để lại hơn 300 người chết, trong số đó có nhiều trẻ em. Hành động khủng bố này đáng bị lên án mạnh mẽ nhất, vì nó trút xuống một dân tộc đã cố gắng rất nhiều. Tôi cầu nguyện cho những người đã chết và những người bị thương, cho gia đình của họ và cho toàn thể dân tộc Somalia. Tôi khẩn xin ơn hoán cải cho những người gây ra bạo lực và động viên tất cả mọi người hãy hoạt động cho hòa bình trong vùng đất tử đạo đó, cho dù gặp nhiều khó khăn rất lớn.
[Văn bản chính: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester - ZENIT]

JF

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 19/10/2017]


Những lời giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter 6 tháng Mười - 16 tháng Mười

Những lời giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter 6 tháng Mười - 16 tháng Mười

Những lời giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter 6 tháng Mười - 16 tháng Mười




6 tháng Mười: Chúng ta phải bảo đảm rằng Internet là một nơi an toàn và đầy đầy tính nhân văn cho trẻ em: một mạng lưới không giăng bẫy các bé nhưng giúp các bé phát triển.

7 tháng Mười: Kinh Mân Côi là sự tổng hợp những mầu nhiệm của Đức Ki-tô: chúng ta chiêm ngưỡng những mầu nhiệm đó cùng với Mẹ Maria, Mẹ giúp chúng ta chiêm ngắm bằng đôi mắt đức tin và yêu tình yêu của Mẹ.

8 tháng Mười: Khi anh chị em phải trải qua cay đắng, hãy đặt niềm tin nơi tất cả những người vẫn còn đang miệt mài hoạt động cho điều tốt lành: sự khiêm nhường của họ đang gieo hạt giống cho một thế giới mới.

9 tháng Mười: Tìm kiếm hòa bình là một trách nhiệm mở rộng không ngừng, một trách nhiệm không bao giờ kết thúc và một trách nhiệm đòi hỏi sự cam kết của tất cả mọi người.

10 tháng Mười: Thiên Chúa không bao giờ làm thất vọng! Người đã gieo hạt giống hy vọng trong tâm hồn chúng ta để nó có thể trổ sinh hoa trái.

11 tháng Mười: Cũng như Thánh Gio-an XXIII, Đấng chúng ta kính nhớ hôm nay, chúng ta hãy làm chứng tá cho sự nhân lành và lòng thương xót của Người trước Giáo hội và thế giới.

12 tháng Mười: Tượng Đức Bà Aparecida được những người lao động nghèo tìm thấy. Nguyện xin Mẹ Maria ban phúc lành cho tất cả chúng ta, và đặc biệt cho những người đang tìm kiếm việc làm.

13 tháng Mười: Trong dịp kỷ niệm 100 năm những lần hiện ra của Đức Mẹ Fatima, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì muôn ơn lành mà chúng ta được đón nhận dưới sự bảo trợ của Mẹ.

14 tháng Mười: Chúng ta được kêu gọi để bảo vệ và giữ gìn sự sống con người, đặc biệt trong cung lòng người mẹ, tuổi thơ, tuổi già và người khuyết tật tâm lý và thể lý.

15 tháng Mười: Cùng với các Thánh, hãy để cho niềm vui và vẻ đẹp của Tin mừng chiếu tỏa qua chứng tá của cuộc sống chúng ta.

16 tháng Mười: Bảo đảm quyền của mọi người đối với lương thực và dinh dưỡng là một mệnh lệnh chúng ta không thể làm ngơ. Nó là một quyền không có sự ngoại lệ!





[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 17/10/2017]