Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

Tiếp kiến chung của ĐTC Phanxicô ngày 30.08.2023

“Từ nghịch cảnh đến nên thánh: Di sản của Thánh Catherine Tekakwitha”

Tiếp kiến chung: Bài giáo lý Nhiệt huyết Rao giảng Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu

Tiếp kiến chung của ĐTC Phanxicô ngày 30.08.2023

Vatican Media


*******

Buổi tiếp kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9 giờ sáng trong Hội trường Phaolô VI.

Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Nhiệt huyết rao giảng Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu, tập trung phân tích chủ đề “Cầu nguyện và phục vụ với niềm vui: Thánh Kateri Tekakwitha, vị thánh người bản địa đầu tiên của Bắc Mỹ” (Bài đọc: 1Tx 5:15-18).

Sau phầm tóm lược bài giáo lý bằng các ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện. Sau đó, ngài đưa ra lời kêu gọi cho Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Tạo vật được cử hành vào ngày 1 tháng Chín năm 2023, khai mạc “Thời gian Sáng tạo” sẽ kéo dài đến ngày 4 tháng Mười, lễ Thánh Phanxicô Assisi.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

______________________________________________


Bài Giáo lý. Nhiệt huyết Rao giảng Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu. 19. Cầu nguyện và phục vụ với niềm vui: Thánh Kateri Tekakwitha, vị thánh người bản địa đầu tiên của Bắc Mỹ

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bây giờ, tiếp tục giáo lý về chủ đề lòng nhiệt thành tông đồ và nhiệt huyết rao giảng Tin Mừng, hôm nay chúng ta nhìn vào Thánh Kateri Tekakwitha, người nữ bản địa Bắc Mỹ đầu tiên được phong thánh. Chào đời vào khoảng năm 1656 tại một ngôi làng thuộc vùng ngoại ô New York, ngài là con gái của một tù trưởng Mohawk chưa rửa tội và người mẹ Kitô giáo người Algonquin, bà đã dạy Kateri cầu nguyện và hát thánh ca tôn vinh Chúa. Nhiều người trong chúng ta cũng được giới thiệu Chúa lần đầu tiên trong môi trường gia đình, đặc biệt là từ mẹ và bà của chúng ta. Đây là cách thức khởi đầu của việc truyền giáo, và quả thực, chúng ta không được quên rằng đức tin luôn được những người mẹ, những người bà truyền đạt bằng phương ngữ này. Đức tin phải được truyền tải bằng phương ngữ, và chúng ta đã đón nhận đức tin bằng phương ngữ từ mẹ và bà của chúng ta. Việc truyền giáo thường bắt đầu như thế này: bằng những cử chỉ đơn sơ, nhỏ bé, chẳng hạn như cha mẹ giúp con cái học cách thưa chuyện với Chúa trong lời cầu nguyện và kể cho con cái nghe về tình yêu thương xót và vĩ đại của Người. Và nền tảng đức tin của Thánh Kateri, và thường là của chúng ta nữa, đã được vun đắp theo cách này. Thánh nhân đã đón nhận nó từ thân mẫu của ngài bằng phương ngữ, phương ngữ của đức tin.

Khi Kateri lên bốn tuổi, một trận dịch đậu mùa nghiêm trọng ập đến với người dân. Cả cha mẹ và em trai thánh nữ đều qua đời, còn chính Kateri thì mang những vết sẹo trên mặt và bị các vấn đề về thị lực. Từ đó trở đi, Kateri phải đối mặt với nhiều khó khăn: đương nhiên là những khó khăn về thể chất do những hậu quả của bệnh đậu mùa, nhưng cũng có cả những hiểu lầm, bắt bớ và thậm chí đe dọa cái chết mà thánh nữ phải chịu đựng sau khi lãnh nhận Phép rửa vào Chúa nhật Phục sinh năm 1676. Tất cả những điều này đã mang đến cho Kateri một tình yêu lớn lao đối với Thập Giá, dấu chỉ vững chắc về tình yêu của Chúa Kitô, Đấng đã hiến mình cho đến cùng vì chúng ta. Thật vậy, việc làm chứng cho Tin Mừng không chỉ là những gì làm vui lòng; chúng ta cũng phải biết cách vác thập giá hàng ngày của mình với lòng kiên nhẫn, tin tưởng và hy vọng. Kiên nhẫn trước những khó khăn, trước thập giá: kiên nhẫn là một nhân đức lớn của người Kitô hữu. Ai không kiên trì thì không phải là một Kitô hữu tốt. Nhẫn nại để bao dung: bao dung với những người có đôi lúc gây khó chịu hoặc khó khăn. Cuộc đời của Thánh Kateri Tekakwitha cho chúng ta thấy rằng mọi thử thách đều có thể vượt qua nếu chúng ta mở lòng ra với Chúa Giêsu, Đấng ban cho chúng ta ân sủng mà chúng ta cần. Sự kiên nhẫn và tấm lòng rộng mở với Chúa Giêsu – đây là công thức để sống tốt.

Sau khi được rửa tội, Kateri buộc phải nương tựa giữa những người Mohawks trong khu truyền giáo của Dòng Tên gần thành phố Montreal. Ở đó, ngài tham dự Thánh lễ mỗi sáng, dành thời gian chầu Thánh Thể, lần hạt Mân côi và sống đời đền tội. Những thực hành thiêng liêng này của thánh nhân đã gây ấn tượng với mọi người trong khu Truyền giáo; họ nhận ra nơi Kateri một sự thánh thiện rất cuốn hút vì nó xuất phát từ tình yêu sâu đậm của thánh nữ đối với Thiên Chúa. Điều này thích đáng cho sự nên thánh: cuốn hút. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta qua sự lôi cuốn; Chúa kêu gọi chúng ta với mong muốn được gần gũi với chúng ta và chúng ta cảm nhận được sự cuốn hút này của Chúa. Đồng thời, thánh nữ dạy cầu nguyện cho các thiếu nhi trong Khu truyền giáo; và qua việc luôn chu toàn các trách nhiệm của mình, bao gồm cả việc chăm sóc người bệnh và người già, thánh nhân nêu gương về sự phục vụ khiêm nhường và đầy yêu thương đối với Thiên Chúa và người lân cận. Đức tin luôn được thể hiện qua việc phục vụ. Đức tin không phải là lớp trang điểm, trang điểm cho linh hồn; không, đó chính là sự phục vụ.

Mặc dù được động viên kết hôn nhưng Kateri vẫn muốn dâng hiến đời mình cho Chúa Kitô hơn. Không thể bước vào đời sống thánh hiến, thánh nữ khấn trọn đời đồng trinh vào ngày 25 tháng Ba năm 1679. Sự lựa chọn này của thánh nữ cho thấy một khía cạnh khác của lòng nhiệt thành tông đồ: đó là sự phó thác hoàn toàn cho Chúa. Dĩ nhiên, không phải ai cũng được kêu gọi thực hiện lời khấn như Kateri, nhưng mọi Kitô hữu đều được mời gọi dâng mình mỗi ngày với trọn vẹn tấm lòng cho ơn gọi và sứ mạng được Thiên Chúa ủy thác, phục vụ Thiên Chúa và tha nhân trong tinh thần bác ái.

Anh chị em thân mến, cuộc đời của Thánh Kateri là một minh chứng nữa cho thấy rằng lòng nhiệt thành tông đồ cũng bao hàm sự kết hợp với Chúa Giêsu, được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện và các bí tích, và ước muốn loan truyền vẻ đẹp của sứ điệp Kitô giáo qua việc trung thành với ơn gọi đặc biệt của mình. Những lời cuối cùng của Thánh Kateri thật đẹp. Trước khi qua đời, thánh nữ nói: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu Chúa”.

Xin cho chúng ta cũng trở nên như Thánh Kateri Tekakwitha, đón nhận được sức mạnh từ Chúa và học cách làm những việc bình thường theo cách phi thường, lớn lên từng ngày trong đức tin, bác ái và lòng nhiệt thành làm chứng cho Chúa Kitô.

Xin chúng ta đừng quên: mỗi người chúng ta đều được mời gọi nên thánh, nên thánh mỗi ngày, nên thánh trong đời sống Kitô hữu bình thường. Mỗi người chúng ta đều có ơn gọi này: chúng ta tiến bước trên con đường này. Chúa sẽ không làm chúng ta thất vọng.

______________________________________________

LỜI KÊU GỌI

Hai ngày nữa, ngày 1 tháng Chín, chúng ta cử hành Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc Chăm sóc Tạo vật, khai mạc Mùa Sáng tạo, sẽ kéo dài cho đến ngày 4 tháng Mười, lễ Thánh Phanxicô Assisi. Vào ngày đó, tôi dự định phát hành Tông huấn Laudato sì thứ hai. Chúng ta cùng với các anh chị em Kitô hữu của chúng ta cam kết chăm sóc Công trình Tạo dựng như một món quà thiêng liêng từ Đấng Tạo Hóa. Cần phải sát cánh cùng các nạn nhân của tình trạng bất công về môi trường và khí hậu, nỗ lực chấm dứt cuộc chiến tranh vô nghĩa trên ngôi nhà chung của chúng ta, một cuộc chiến tranh thế giới kinh khủng. Tôi kêu gọi tất cả anh chị em hãy làm việc và cầu nguyện để một lần nữa nó tràn đầy sức sống.

______________________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha gửi lời chào thân ái đến anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh tham gia buổi tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt là những người đi xe đạp đến từ nước Anh; cha cầu nguyện cho những nỗ lực của họ trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư. Cha cũng chào các lễ sinh đến từ Malta và các nhóm đến từ Hoa Kỳ. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tuôn đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc phúc cho tất cả anh chị em!

Cha thân ái chào anh chị em hành hương nói tiếng Ý. Đặc biệt là các thanh thiếu niên vừa đón nhận bí tích Thêm sức đến từ giáo phận Chiavari – các con đang gây ồn ào đó phải không? Các bạn trẻ thân mến, mới đây các con đã nhận được nguồn ơn tuôn đổ của Chúa Thánh Thần. Hãy cam kết tìm kiếm sức mạnh và lòng can đảm trong Chúa mỗi ngày. Cha gửi lời chào giáo xứ Thánh Gioan Tông đồ ở Barletta đang kỷ niệm 25 năm thành lập: ước mong ngày kỷ niệm này củng cố nơi mỗi người tinh thần đức tin và sự hiệp thông trong Giáo hội. Cha cũng chào ban nhạc Castelvenere và cảm ơn vì sự cam kết về văn hóa và xã hội của họ.

Bây giờ cha hướng suy nghĩ về các bạn trẻ, các bệnh nhân, người già và các đôi vợ chồng mới cưới. Chỉ có Chúa Kitô mới có những lời ban sự sống đời đời: vì thế, cha ước mong anh chị em luôn đi theo Người với tấm lòng rộng mở và nhiệt thành và làm chứng cho Chúa mỗi ngày trong cuộc đời anh chị em.

Và xin chúng ta tiếp tục thể hiện sự gần gũi và lời cầu nguyện của chúng ta cho Ukraine thân yêu và đang bị hành hạ, đang chịu thử thách bởi những đau khổ to lớn.

Cha ban phép lành cho tất cả anh chị em.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/8/2023]


Đức Thánh Cha kêu gọi giúp đỡ những người rơi vào tình trạng “nô lệ cho ma túy”

Đức Thánh Cha kêu gọi giúp đỡ những người rơi vào tình trạng “nô lệ cho ma túy”

Đức Thánh Cha kêu gọi giúp đỡ những người rơi vào tình trạng “nô lệ cho ma túy”

Antoine Mekary | ALETEIA

I.Media

29/08/23


Đằng sau mỗi sự nghiện ngập là “những kinh nghiệm cụ thể, những câu chuyện về sự cô đơn, bất bình đẳng và bị loại trừ” là những điều mà chúng ta không được “thờ ơ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại mối quan ngại về sự thành công của “các chất ma túy mới tác động đến thần kinh” trong giới trẻ. Ngài đã lên tiếng về chủ đề này trong một thông điệp bằng tiếng Ý gửi tới các tham dự viên tại Đại hội các Chuyên gia độc chất Pháp y Quốc tế lần thứ 60, diễn ra tại Rome từ ngày 27 đến ngày 31 tháng Tám năm 2023. Ngài kêu gọi các chính phủ và các quan chức hãy “cúi xuống để nâng đỡ và đưa những người rơi vào tình trạng nô lệ của ma túy trở về với đời sống mới.”

Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa các loại ma túy này là:

Các chất ma túy kích thích thần kinh là những chất khi được đưa vào cơ thể của một người sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động tâm thần, ví dụ như nhận thức, ý thức, sự nhận biết hoặc tâm trạng và cảm xúc. Các chất ma túy kích thích thần kinh nằm trong nhóm chất kích thích thần kinh đa dạng hơn, bao gồm rượu bia và nicotin.

Các loại thuốc có chứa opioid, loại chất gây tỷ lệ tử vong do dùng thuốc quá liều ngày càng tăng, đều nằm trong danh sách này — chẳng hạn chúng chiếm 70.6% tổng số ca tử vong do dùng thuốc quá liều năm 2019 ở Hoa Kỳ.


Giới trẻ bị ma túy lôi cuốn vì sự mới lạ

Trong một lá thư dài, Đức Thánh Cha xót xa về tình trạng gia tăng hiện nay trong việc tiêu thụ các loại ma túy và các chất hướng thần, nhất là đối với thanh thiếu niên và giới trẻ, do việc bán những chất này “trên các thị trường kỹ thuật số của các trang web đen”.

Ngài giải thích sự bùng phát này là do tình trạng bất ổn của những người trẻ “buộc phải tìm kiếm những trải nghiệm mới do nhu cầu muốn đánh giá bản thân qua những trải nghiệm mới lạ, mong muốn khám phá những điều chưa biết” hoặc những người cố gắng “dập tắt nỗi sợ hãi của cảm giác bị loại trừ” và coi đó là một cách “quảng giao với bạn bè của họ”.

Đức Thánh Cha đặc biệt quan tâm đến sự xuất hiện của “các chất kích thích thần kinh mới”, những loại ma túy tổng hợp được làm từ các loại ma túy “cổ điển” rất khó phát hiện, và hiện đang tạo sự “bùng nổ”.

Ngài cũng than thở về việc sử dụng rộng rãi chất doping trong thể thao, một dấu hiệu của “văn hóa hiệu quả và năng suất không cho phép lưỡng lự và thất bại”.


Một trở ngại cho sự phát triển con người toàn diện

Đối với Đức Thánh Cha, “việc cần phải luôn cho thấy khả năng đáp ứng được những kỳ vọng, thể hiện với thế giới bên ngoài một hình ảnh bản thân mạnh mẽ và thành công” là “một trở ngại không thể vượt qua đối với việc theo đuổi sự phát triển con người toàn diện”.

Những người trẻ đứng trước khao khát quá lớn của thế giới này, tìm kiếm trong ma túy “niềm hy vọng đê mê hão huyền có khả năng làm dịu bớt sự nhọc mệt của cuộc sống”.

Đằng sau mỗi sự nghiện ngập là “những kinh nghiệm cụ thể, những câu chuyện về sự cô đơn, bất bình đẳng và bị loại trừ” là những điều mà chúng ta không được “thờ ơ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Ngài kêu gọi chúng ta “cúi xuống để nâng đỡ và đưa những ai rơi vào tình trạng nô lệ của ma túy trở về với cuộc sống mới”.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/8/2023]