Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022

ĐTC Phanxicô: “Chúng ta hãy làm những gì có thể để ngăn chặn chiến tranh và mở ra những con đường dẫn đến hòa bình”

“Chúng ta hãy làm những gì có thể để ngăn chặn chiến tranh và mở ra những con đường dẫn đến hòa bình”

Đức Thánh Cha nói với những người tham dự buổi yết kiến của các cộng đồng Do Thái

ĐTC Phanxicô: “Chúng ta hãy làm những gì có thể để ngăn chặn chiến tranh và mở ra những con đường dẫn đến hòa bình”

Vatican Media


*******

Sáng nay, tại Điện Tông Tòa Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các tham dự viên của Cuộc họp Ban Chấp hành Liên đoàn Do Thái Thế giới.

Sau đây là diễn từ của Đức Thánh Cha trước những người hiện diện trong buổi gặp gỡ:

____________________________________________________

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa các vị đại diện của Liên đoàn Do Thái Thế giới,

Tôi xin gửi tới quý vị sự chào đón huynh đệ. Tôi xin cảm ơn ngài Đại sứ Lauder vì những lời tốt đẹp của ông. Chuyến thăm này minh chứng và củng cố những mối quan hệ bằng hữu đoàn kết chúng ta. Từ thời Công đồng Vatican II, Liên đoàn của quý vị đã đối thoại với Ủy ban về các Quan hệ Tôn giáo với người Do Thái, và trong nhiều năm đã tài trợ cho các cuộc gặp gỡ rất được quan tâm.

Chúng ta, người Do Thái và người Công giáo, cùng có chung những kho tàng tinh thần vô giá. Chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Đấng tạo thành trời đất, Đấng không chỉ tạo dựng nên loài người, mà còn tạo dựng nên mỗi con người theo hình ảnh của Người (x. St 1:26). Chúng ta tin rằng Đấng Toàn năng không xa cách với sự tạo vật của Người, mà đã tỏ lộ chính mình, không chỉ thông truyền với một số ít người riêng biệt, mà nói với chúng ta như một dân tộc. Qua đức tin và việc đọc Kinh Thánh được lưu truyền trong các truyền thống tôn giáo của chúng ta, chúng ta có thể đi vào mối quan hệ với Người và cộng tác với ý muốn quan phòng của Người.

Cũng vậy, chúng ta cùng có một quan điểm tương tự về những điều sau hết, được định hình bởi niềm tin rằng trên hành trình của cuộc sống, chúng ta không tiến về hư vô, nhưng hướng tới cuộc gặp gỡ với Đấng Tối Cao, Đấng quan tâm đến chúng ta. Một cuộc gặp gỡ với Đấng đã hứa với chúng ta, vào ngày sau hết, một vương quốc hòa bình vĩnh cửu, nơi mọi thứ đe dọa đến sự sống và sự chung sống của con người sẽ chấm dứt. Thế giới của chúng ta bị đánh dấu bởi bạo lực, áp bức và bóc lột, nhưng những điều này không có tiếng nói sau cùng. Lời hứa trung tín của Đấng Hằng Hữu nói với chúng ta về một tương lai cứu độ, về trời mới đất mới (x. Is 65:17-18; Kh 21:1), nơi hòa bình và niềm vui sẽ cư ngụ đời đời, nơi cái chết sẽ vĩnh viễn bị loại trừ, nơi Người sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt (x. Is 25:7-8) và sẽ không còn khóc thương, kêu than hay đau đớn (x. Kh 21:14). Chúa sẽ dẫn đến tương lai này; quả thực chính Người là tương lai của chúng ta. Dù có thể có những quan niệm khác nhau trong Do Thái giáo và Kitô giáo về cách thức sự ứng nghiệm này sẽ xảy ra, nhưng lời hứa đầy an ủi mà chúng ta cùng có chung vẫn còn đó. Nó động viên niềm hy vọng của chúng ta, và cả cam kết của chúng ta để đảm bảo rằng thế giới mà chúng ta đang sống và lịch sử mà chúng ta tạo ra phản ánh sự hiện hữu của Đấng đã kêu gọi chúng ta thờ phượng Người và trở thành những người bảo vệ anh chị em của chúng ta.

Các bạn thân mến, dưới ánh sáng di sản tôn giáo mà chúng ta cùng chia sẻ, chúng ta hãy coi hiện tại như một thách đố kết hiệp chúng ta, như một động lực để cùng nhau hành động. Hai cộng đồng đức tin của chúng ta được giao phó nhiệm vụ làm việc để làm cho thế giới trở nên huynh đệ hơn, chống lại các hình thức bất bình đẳng và thúc đẩy công bình lớn hơn, để hòa bình không còn là một lời hứa ở thế giới bên kia, mà trở thành hiện thực trong thế giới của chúng ta. Con đường chung sống hòa bình bắt đầu với công bình, cùng với sự thật, yêu thương và tự do, là một trong những điều kiện căn bản cho hòa bình dài lâu trên thế giới (x. ĐGH Gioan XXIII, Tông huấn Hòa bình trên thế giới, 18, 20, 25). Biết bao con người, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, bị xúc phạm phẩm giá do hậu quả của sự bất công đang tàn phá thế giới của chúng ta và là nguyên nhân sâu xa của không biết bao cuộc xung đột, là đầm lầy sinh ra chiến tranh và bạo lực! Đấng đã tạo dựng vạn vật theo trật tự và hài hòa thúc giục chúng ta đòi lại vùng đầm lầy bất công đang nhấn chìm sự chung sống huynh đệ trên thế giới, ngay cả khi sự tàn phá môi trường làm tổn hại đến sức khỏe của trái đất.

Các sáng kiến ​​chung và cụ thể nhằm thúc đẩy công bình kêu gọi lòng can đảm, sự hợp tác và sáng tạo. Và chúng được hưởng lợi rất lớn nhờ đức tin, nhờ khả năng đặt niềm tin tưởng vào Đấng Tối Cao và cho phép bản thân được Người hướng dẫn, thay vì chỉ nhắm đến những lợi ích thế gian chóng qua và thiển cận, được đánh dấu bằng việc tư lợi và không có khả năng ôm lấy toàn bộ. Thay vào đó, đức tin làm cho chúng ta một lần nữa nhận ra rằng mọi người nam và nữ đều được tạo dựng theo hình ảnh của Đấng Tối Cao, và được kêu gọi hành trình tiến về vương quốc của Người. Kinh Thánh cũng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có thể đạt được rất ít hoặc không đạt được gì nếu Thiên Chúa không ban cho chúng ta sức mạnh và ơn linh ứng: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127:1). Nói cách khác, những sáng kiến ​​chính trị, văn hóa và xã hội của chúng ta để có một thế giới tốt đẹp hơn – cái mà quý vị gọi là Tikkun Olam – sẽ không bao giờ thành công nếu không có lời cầu nguyện và không có sự cởi mở huynh đệ với các tạo vật khác nhân danh Đấng Tạo Hóa duy nhất, Đấng yêu thương sự sống và chúc phúc cho những ai là những người xây dựng hòa bình.

Thưa anh chị em, ngày nay ở nhiều nơi trên thế giới, hòa bình đang bị đe dọa. Chúng ta cùng nhau nhận ra rằng chiến tranh, mọi cuộc chiến tranh, luôn luôn và ở mọi nơi là một thất bại cho toàn thể nhân loại! Tôi nghĩ đến cuộc xung đột ở Ukraine, một cuộc chiến lớn và phạm thánh đang đe dọa người Do Thái cũng như người Kitô giáo, cướp khỏi tay họ những người thân yêu, nhà cửa, tài sản và chính mạng sống của họ! Chỉ có một quyết tâm nghiêm túc xích lại gần nhau hơn và sự đối thoại huynh đệ mới có thể đặt nền móng cho hòa bình. Là người Do Thái giáo và Kitô giáo, chúng ta hãy tìm cách làm tất cả những gì có thể làm được để chấm dứt chiến tranh và mở ra những con đường cho hòa bình.

Các bạn thân mến, tôi xin chân thành cảm ơn các bạn vì chuyến thăm này. Xin Đấng Tối Cao, Đấng có “kế hoạch thịnh vượng chứ không phải tai ương” (Gr 29:11), chúc phúc cho những việc làm tốt lành của các bạn. Xin Người đồng hành với các bạn trên hành trình của các bạn và dẫn dắt chúng ta cùng nhau đi trên con đường hòa bình. Shalom!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/11/2022]


Đức Thánh Cha Phanxicô trải lòng về tuổi già và gia đình

Đức Thánh Cha Phanxicô trải lòng về tuổi già và gia đình

Đức Thánh Cha Phanxicô trải lòng về tuổi già và gia đình

Antoine Mekary | ALETEIA

Isabella H. de Carvalho 

18/11/22


Đức Thánh Cha nói về một tuổi già “lặng lẽ và mộ đạo” và tình cảm của ngài đối với vùng quê hương của gia đình ngài.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo La Stampa của Ý, xuất bản vào ngày 18 tháng Mười Một năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về tuổi già của ngài và vùng quê hương của gia đình ngài ở Piedmont, một vùng thuộc miền bắc nước Ý. Thật ra, ngày mai ngài sẽ đến thành phố Asti, thuộc vùng này của Ý, trong chuyến đi hai ngày để gặp gỡ họ hàng và chúc mừng sinh nhật lần thứ 90 của người chị họ.

Tuổi già “lặng lẽ và mộ đạo”

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha Phanxicô tâm sự rằng ngài suy tư “mỗi ngày” trong cuộc sống của ngài, theo lời khuyên của Thánh Inhaxiô thành Loyola, người sáng lập Dòng Tên. Đức Giáo hoàng sẽ bước sang tuổi 86 vào giữa tháng Mười Hai.

Năm tới vào tháng Ba, Đức Thánh Cha dự kiến sẽ cử hành lễ kỷ niệm 10 năm triều đại giáo hoàng của ngài. Trả lời câu hỏi liệu ngài có vui khi trở thành Giáo hoàng không, ngài nói:

“Nhờ ơn gọi của tôi, tôi luôn được hạnh phúc ở những nơi mà Chúa đặt tôi vào và sai tôi đi. Nhưng không phải vì ‘tôi đã giành được một điều gì đó’ — Tôi chẳng giành được bất cứ điều gì ... đây là một sự phục vụ, và Giáo hội đã yêu cầu tôi làm điều đó; tôi đã không nghĩ rằng mình sẽ được bầu chọn, nhưng Chúa muốn điều đó. Vì vậy, việc diễn ra. Và tôi làm những gì tôi có thể, mỗi ngày, cố gắng không bao giờ dừng lại.”

Đề cập đến tuổi già của mình, Đức Thánh Cha, người sẽ mừng sinh nhật lần thứ 86 vào ngày 17 tháng Mười Hai, tâm sự rằng ngài sống tuổi già với “sự thanh thản, bình an lớn lao, niềm vui đích thực và lòng mộ đạo”.

“Tôi cảm thấy một tuổi già yên tĩnh và tu đức,” ngài quả quyết và trích dẫn một câu thơ trong bài thơ của tác giả người Đức Friedrich Hölderlin: “Es ist ruhig, das Alter, und fromm.”

Đức Thánh Cha cũng giải thích rằng ngài tìm thấy Thiên Chúa nơi những người ngài gặp gỡ, “trong mỗi người các bạn.” Đứng trước sự đau khổ, ngài ca ngợi đức tính im lặng. “Rất nhiều người đau khổ và sầu muộn không cần những bài giảng thuyết, […] mà chỉ cần ai đó nắm lấy tay họ và để họ nói, trút bầu tâm sự.”

Những tiết lộ của vị Giáo hoàng người Piedmont

Vào đêm trước ngày khởi hành đi Asti, Đức Thánh Cha tâm sự rằng ngài muốn “dành vài giờ” với những người thân của mình, ở vùng quê hương của gia đình ngài. Ngài nhấn mạnh rằng ngài đã ở đó “thường xuyên” trước khi ngài được bầu chọn và ngài đã từng dừng lại ở Piedmont trên đường đến Roma để gặp những người anh chị em họ của thân phụ ngài. “Chúng tôi rất thân thiết. Với người chị họ lớn tuổi của tôi, chị Carla, chúng tôi thường nói chuyện điện thoại,” Đức Thánh Cha nói, ngài cũng sẽ gặp năm người anh chị em họ khác trong thời gian ở đây.

Trong một câu trả lời rất riêng tư, Đức Thánh Cha đã bày tỏ tình cảm của mình đối với ngôn ngữ Piedmont.

“Khi tôi được 13 tháng tuổi, mẹ tôi sinh con thứ hai, và ông bà tôi sống cách nhà chúng tôi 30 mét: Bà tôi đến đón tôi, tôi ở với những người nói tiếng Piemonte. Bạn có thể nói rằng tôi ‘đã thức dậy với cuộc sống’ bằng tiếng Piedmontese.

Sau đó, Đức Thánh Cha đã trích dẫn một bài thơ của nhà thơ Nino Costa, đến từ Turin, thủ phủ của vùng Piedmont. Bà của Đức Giáo hoàng Phanxicô “Nonna Rosa” đã dạy ngài bài thơ, có tên là “Rassa nostrana” (“sắc tộc bản địa”):

“Thẳng thắn chân chất, họ là người như thế: đầu óc thẳng thắn, mạch chắc, gan lành, ít nói nhưng biết điều họ đang nói, thậm chí bước đi chậm nhưng đi xa. Những người không tiếc thời gian và mồ hôi – những người địa phương tự do và cứng cỏi – Cả thế giới biết họ là ai và khi họ đi ngang qua… cả thế giới dõi theo họ.”

Đức Thánh Cha giải thích rằng những người ở quê hương của ngài là “những người không lãng phí thời gian và không sợ công việc nặng nhọc và họ đi kiếm bánh ở các quốc gia khác trên thế giới như Argentina, Brazil, Pháp, Đức.”

Ngài nói: “Đó là một câu chuyện, câu chuyện của ‘Rassa nostrana’, kể về cuộc đời của Nonna Rosa, một phụ nữ ngoan cường. Và tôi cảm thấy mình là một phần của cuộc hành trình này.”

Ngài cũng nhắc lại một món ăn đặc sản của vùng Piemonte, “bagna caoda,” được làm từ cá trống, dầu ô liu và tỏi và được chế biến theo nhiều cách khác nhau tùy theo địa phương trong vùng. Khen ngợi thực tế là món ăn và rượu vang của vùng Piemonte “rất nổi tiếng”, Đức Thánh Cha giải thích rằng gia đình ngài trồng nho ở Bricco Marmorito, trong khu vực Portacomaro thuộc đô thị Asti, và những người chú bác và ông của ngài đã kinh doanh rượu vang. “Tôi gặp một người anh em họ, kết hôn với một trong những người chị em họ đầu tiên của cha tôi: ông rất am tường, nếu bạn đưa cho ông ấy một ly rượu mà không nói cho ông biết đó là gì, ông ấy sẽ biết ngay nó là gì. Tôi rất ấn tượng với khả năng này.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/11/2022]