Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017

Do bạo lực, giáo phận của Mexico tránh dâng Lễ Giáng sinh trong những thời điểm nguy hiểm cao

Do bạo lực, giáo phận của Mexico tránh dâng Lễ Giáng sinh trong những thời điểm nguy hiểm cao


Do bạo lực, giáo phận của Mexico tránh dâng Lễ Giáng sinh trong những thời điểm nguy hiểm cao
Quang cảnh thành phố Villahermosa, thuộc Giáo phận Tabasco. Credit: Alfonsobouchot via Wikimedia (CC BY-SA 3.0).
Villahermosa, Mexico, 9 tháng 12, 2017 / 06:08 sáng (ACI Prensa). - Một giáo phận thuộc một trong những tiểu bang xảy ra nhiều bạo lực nhất cho biết giáo phận tránh lên lịch dâng các Lễ Giáng sinh và tuần bát nhật trong những thời điểm “nguy hiểm cao.” Giáo phận cũng yêu cầu cảnh sát tiểu bang bảo vệ giáo hữu.
“Do vấn đề mất an ninh, hầu hết lịch dâng Lễ đều được giữ kín, nhưng chúng tôi cố tránh lên lịch vào những thời gian cụ thể vì có sự nguy hiểm rất lớn,” Cha José Luis Compeán Rueda, linh mục tổng đại diện của Giáo phận Tabasco, nói trong buổi họp báo hôm 3 tháng Mười Hai ở Villahermosa, thủ phủ của tiểu bang Tabasco của Mexico.
El Heraldo de Tabasco tường thuật rằng Cha Compean nói cha đã gặp người đứng đầu Phòng An ninh Cộng đồng của bang Tabasco là Jorge Aguirre Carbajal để nói về sự thiếu an toàn cho dân chúng và cho biết “họ sẽ có những bước đi phù hợp cần thiết.”
Cha nói, “Chúng tôi hy vọng có tình hình khác đi hay các giới chức thành phố sẽ có những biện pháp phù hợp để bảo vệ, không chỉ riêng cho Giáo hội, nhưng cho toàn thể xã hội.”
Cha Compeán cho biết vào thời gian của các lễ hội cuối năm mức độ tội phạm gia tăng vì mọi người được nhận tiền thưởng Giáng sinh và mua quà Giáng sinh.
Một báo cáo tháng Chín do Phòng Quan sát Công dân bang Tabasco soạn thảo tiết lộ rằng năm 2017 Tabasco đứng đầu trong nước về nạn bắt cóc tính trên đầu người.
“Bang Tabasco đứng đầu về năm loại tội phạm: bắt cóc, cướp có tổ chức, cướp cửa hàng, chặn cướp khách qua đường và trộm gia súc,” Julia Arrivillaga, giám đốc của Bộ phận Phân tích và Thống kê của Phòng Quan sát Công dân của bang Tabasco, nói với Televisa.
Trong báo cáo tháng Tám, Trung tâm Truyền thông Công giáo cho biết rằng Tabasco là một trong những bang nguy hiểm nhất cho các linh mục, và Mexico là quốc gia bạo lực nhất cho các linh mục trong vùng Mỹ La-tinh.

Bài này được đăng lần đầu trên cơ quan thông tấn ACI Prensa. Nó được dịch và đăng lại bởi CNA.
[Nguồn: catholicnewsagency]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/12/2017]


Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Tại sao đi Lễ Chúa nhật

Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Tại sao đi Lễ Chúa nhật

“Sự gặp gỡ với Thiên Chúa ngày Chúa nhật cho chúng ta sức mạnh để sống hôm nay với lòng tin tưởng và lòng can đảm và để tiến bước trong hy vọng”
13 tháng Mười Hai, 2017
Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Tại sao đi Lễ Chúa nhật
CTV Screenshot
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức trong Đại sảnh Phao-lô VI, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ Ý và khắp nơi trên thế giới.
Tiếp tục với chủ đề giáo lý về Thánh Lễ, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha phân tích về chủ đề: “Tại sao đi Lễ Chúa Nhật?”
Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu có mặt.
Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Tiếp nối chủ đề giáo lý về Thánh Lễ, hôm nay chúng ta tự hỏi mình câu này: Tại sao lại đi lễ Chúa Nhật?
Cử hành Thánh Lễ Chúa nhật là trung tâm điểm của đời sống Giáo hội (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, s. 2177). Chúng ta là Ki-tô hữu đi tham dự Thánh Lễ ngày Chúa nhật để gặp gỡ Thiên Chúa Phục Sinh, hay đúng hơn nữa là để cho chúng ta được Người gặp gỡ, để lắng nghe Lời Người, để được dự tiệc tại bàn của Người, và từ đó trở nên Giáo hội, nghĩa là, Nhiệm thể sống động của Người trong thế giới hôm nay.
Ngay từ ban đầu, các môn đệ của Chúa Giê-su đã hiểu điều này, các ông đã cử hành sự gặp gỡ Thánh Thể với Thiên Chúa trong ngày của tuần mà người Do thái gọi là “ngày đầu tiên của tuần” và người Roma gọi là “ngày của mặt trời,” vì đó là ngày Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết và Người hiện ra với các môn đệ, nói chuyện với họ, cùng ăn với họ, ban cho họ Thánh Thần (x. Mt 28:1; Mc 16:9.14; Lc 24:1.13; Ga 20:1.19), như chúng ta đã được nghe trong Bài đọc Sách Thánh. Sự đổ tràn đầy ơn Thánh Thần cũng diễn ra trong ngày Chúa nhật, ngày thứ năm mươi sau khi Chúa Giê-su Phục sinh. Vì các lý do này, Chúa nhật là một ngày thánh cho chúng ta, được thánh hiến bởi việc cử hành Thánh Thể, sự hiện diện sống động của Thiên Chúa ở giữa chúng ta và cho chúng ta. Vì thế, chính Thánh Lễ làm cho ngày Chúa nhật trở thành Ki-tô! Ngày Chúa nhật của Ki-tô hữu xoay quanh Thánh Lễ. Đối với một người Ki-tô hữu, ngày Chúa nhật sẽ là gì nếu nó thiếu sự gặp gỡ với Thiên Chúa?
Đáng tiếc, có những cộng đoàn Ki-tô hữu không thể được tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa nhật; tuy nhiên, vào ngày thánh này, họ cũng được mời  gọi để tập họp cầu nguyện nhân danh Chúa, lắng nghe Lời Chúa và giữ lòng khao khát sống động được gặp gỡ Thánh Thể.
Một số xã hội tục hóa đã đánh mất đi ý nghĩa Ki-tô của ngày Chúa nhật được làm tỏa rạng bởi Thánh Lễ. Đây là một tội! Trong những bối cảnh đó, cần phải làm sống lại ý thức này, cần phải phục hồi lại ý nghĩa của việc cử hành này, ý nghĩa của niềm vui của cộng đoàn giáo xứ, của tình liên đới, của sự nghỉ ngơi làm phục hồi lại linh hồn và thể xác (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, cs. 2177-2188). Thánh Thể là thầy dạy của tất cả những giá trị này, từ Chúa nhật này đến Chúa nhật khác. Vì thế, Công đồng Vatican II muốn khẳng định rằng “Chúa nhật là ngày cử hành lễ đầu tiên phải được đề nghị và khắc sâu vào lòng sùng mộ của tín hữu, để nó cũng trở thành một ngày hưởng niềm vui và nghỉ ngơi việc làm” (Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng vụ Thánh), 106).
Hình thức nghỉ ngơi công việc không có trong những thế kỷ đầu: nó là một sự đóng góp đặc biệt của Ki-tô giáo. Theo truyền thống kinh thánh người Do thái nghỉ ngơi vào ngày thứ Bảy, trong khi ở xã hội Roma một ngày nghỉ việc nô lệ trong tuần chưa được nhìn thấy trước. Theo ý nghĩa người Ki-tô hữu sống như con cái chứ không phải như những nô lệ, được làm sống động bởi Thánh lễ, nhờ đó tạo nên ngày Chúa nhật – gần như đã trở thành ngày quốc tế – ngày nghỉ ngơi.
Nếu không có Đức Ki-tô chúng ta bị án phạt, bị thống trị bởi sự nhọc nhằn của mỗi ngày, với những lo âu và sợ hãi về ngày mai. Sự gặp gỡ với Thiên Chúa trong ngày Chúa nhật trao cho chúng ta sức mạnh để sống hôm nay với lòng tin tưởng và lòng can đảm và để tiến bước trong hy vọng. Đây là lý do tại sao người Ki-tô hữu đến để gặp gỡ Chúa vào ngày Chúa nhật trong việc cử hành Thánh Thể.
Sự Hiệp thông Thánh Thể với Chúa Giê-su, Đấng Phục sinh và Hằng sống, cho thấy trước ngày Chúa nhật không có hoàng hôn, khi đó sẽ không còn những mệt nhọc, hay đau thương, hay tang tóc, hoặc nước mắt, nhưng chỉ còn niềm vui được sống trọn vẹn mãi mãi với Chúa. Thánh Lễ Chúa nhật cũng nói đến sự nghỉ ngơi phúc lành này, dạy cho chúng ta, trong suốt tuần lễ, biết phó thác bản thân trong tay của Chúa Cha Đấng ngự trên trời.
Chúng ta phải nói gì với một người nói rằng chẳng cần phải đi Lễ, ngay cả ngày Chúa nhật, vì điều quan trọng chỉ cần sống tốt, yêu thương anh em? Đúng là giá trị của đời sống Ki-tô hữu được đánh giá bởi khả năng yêu thương, như Chúa Giê-su đã nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:35); nhưng làm sao chúng ta có thể thực hành Tin mừng nếu không lấy được năng lượng cần thiết để làm điều đó từ nguồn sức mạnh vô tận của Thánh Thể, từ Chúa nhật này sang Chúa nhật khác? Chúng ta không đến với Thánh Lễ để tặng cho Chúa cái gì đó, nhưng để đón nhận từ Ngài những gì chúng ta thật sự cần. Lời kinh nguyện của Giáo hội nhắc chúng ta điều này, khi thưa lên cùng Chúa: “Chúa không cần lời ca khen của chúng con, nhưng bởi ân sủng của tình yêu của Người, Người mời gọi chúng con cảm tạ Người; những bài ca chúc tụng của chúng con không làm tăng thêm sự cao cả của Người, nhưng ban cho chúng con ân sủng cứu thoát chúng con” (Sách Lễ Roma, Ordinary Preface IV).
Tóm lại, tại sao phải đi Lễ Chúa nhật? Nếu chỉ trả lời rằng đó là giáo huấn của Giáo hội thì không đủ; cách trả lời này giúp giữ được giá trị của Thánh Lễ, nhưng như vậy chưa đủ. Chúng ta là người Ki-tô hữu cần phải tham dự Thánh Lễ Chúa nhật vì ân sủng của Chúa Giê-su, cùng với sự hiện diện sống động của Người trong chúng ta và ở giữa chúng ta, thì chúng ta mới có thể thực hành lệnh truyền của Người, và từ đó trở nên những chứng nhân đáng tin của Người.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/12/2107]