Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Phép lạ chữa lành người câm điếc

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Phép lạ chữa lành người câm điếc
Vatican Media Screenshot

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Phép lạ chữa lành người câm điếc

‘Quả thật, Chúa Giê-su đến để mở cửa tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta có thể sống trọn vẹn trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân’

09 tháng Chín, 2018 15:09

Dưới đây là bản dịch của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay 9 tháng Chín, 2018, trước và sau khi đọc Kinh Truyền Tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô. Cảnh sát Vatican ước tính đám đông có khoảng 15.000 người.

* * *

Trước Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin mừng Chúa nhật này (x. Mc 7:31-37) đề cập đến việc Chúa Giê-su chữa lành một người câm điếc. Họ mang đến cho Người một người câm điếc và xin Người đặt tay lên anh ta. Nhưng Người lại thực hiện theo cách riêng của Người: trước hết, Người đưa anh ta ra một nơi cách xa đám đông. Trong trường hợp này, cũng như nhiều trường hợp khác, Chúa Giê-su luôn luôn hành động theo ý chí tự do. Người không muốn tạo sự kinh ngạc cho người khác; Người không đi tìm sự nổi tiếng hay thành công, nhưng Người chỉ muốn làm điều tốt lành cho con người. Với mẫu gương này, Người dạy cho chúng ta rằng làm việc tốt lành không cần phải ồn ào, không cần phải phô trương ầm ỹ, không cần phải “gióng trống thổi kèn.” Hãy làm nó trong âm thầm.

Khi Người tránh xa khỏi đám đông, Chúa Giê-su đặt ngón tay trên tai của người câm điếc và lấy nước miếng bôi lên lưỡi anh ta. Hành động này ngụ ý nói về sự Nhập thể. Con Thiên Chúa trở thành người phàm hoàn toàn hòa mình vào trong thực tại của con người: Ngài trở thành con người, vì thế Ngài hiểu được tình trạng đau khổ của con người và Ngài can thiệp bằng hành động thuộc nhân tính của Ngài. Đồng thời Chúa Giê-su muốn người ta hiểu rằng phép lạ xảy ra do sự hiệp nhất của Ngài với Chúa Cha: vì vậy mà Ngài ngước nhìn lên trời. Rồi Ngài kêu lên một tiếng và nói dứt khoát: “Ephphatha,” nghĩa là “hãy mở ra.” Và người đàn ông ngay lập tức được chữa lành: đôi tai của anh ta được mở ra và lưỡi của anh ta được giải thoát. Sự chữa lành của Ngài cho người đàn ông là một “sự mở ra” cho người khác và cho thế giới.

Trình thuật này nhấn mạnh đến sự cần thiết của hai việc chữa lành: trước hết là việc chữa lành căn bệnh đau khổ về thân xác, lấy lại sức khỏe cho thân xác, cho dù điều này cuối cùng cũng không đạt được mức độ tuyệt đối dưới vòm trời của trái đất này, cho dù có rất nhiều nỗ lực của khoa học và y dược. Tuy nhiên, có một sự chữa lành thứ hai, có lẽ khó hơn, và đó là sự chữa lành nỗi sợ hãi; chữa lành sự sợ hãi khiến chúng ta gạt ra bên lề những người đau bệnh, gạt ra bên lề những người đau khổ, người khuyết tật. Và có nhiều hình thức gạt ra bên lề, kể cả tính đạo đức giả hoặc gạt bỏ vấn đề đó; người ta giữ thái độ câm điếc trước những đau khổ của con người gánh chịu bởi những căn bệnh, những nỗi thống khổ, và những khó khăn. Người bệnh và người đau khổ thường trở thành một vấn đề, trong khi đáng ra họ trở thành những cơ hội để thể hiện sự quan tâm và đoàn kết của một xã hội trong việc chữa trị cho những người mong manh nhất.

Chúa Giê-su đã thể hiện cho chúng ta thấy bí mật của phép lạ mà cả chúng ta cũng có thể thực hiện, đó là trở thành những vai chính của từ “Ephphath,” là vai chính của cụm từ “hãy mở ra” mà Người đã lấy lại tiếng nói và thính giác cho người câm điếc. Đó chính là việc mở lòng mình ra trước những thiếu thốn của anh chị em đau khổ đang cần sự giúp đỡ của chúng ta, gạt bỏ tính cố chấp và sự khép chặt cửa lòng. Quả thật, Chúa Giê-su đến để mở cửa tâm hồn chúng ta, là trung tâm điểm sâu thẳm nhất của con người, làm cho chúng ta có thể sống trọn vẹn trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân. Ngài đã trở thành người để con người, được thoát khỏi sự câm điếc của tâm hồn, có thể lắng nghe được tiếng Chúa, tiếng của Tình yêu nói với tâm hồn của con người và từ đó học cách nói ngôn ngữ của tình yêu, biến nó thành hành động thể hiện lòng quảng đại và hy sinh.

Xin Mẹ Maria, Đấng “đã mở” lòng trọn vẹn trước tình yêu của Chúa, khẩn cầu cho chúng ta khả năng trải nghiệm được phép lạ “Ephphatha” mỗi ngày trong đức tin, để sống trong sự kết hiệp với Thiên Chúa và với tha nhân.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



Sau Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Hôm qua tại Loreto đã cử hành Lễ Sinh nhật Đức Maria trong Đền thờ Thánh gia Giáo hoàng và đề xuất linh đạo cho các gia đình: Ngôi nhà của Mẹ Maria, Nhà của mọi gia đình. Chúng ta hãy phó dâng cho Đức Trinh nữ Rất Thánh sáng kiến của Đền thờ và tất cả những người tham gia với nhiều khả năng khác nhau.

Hôm nay tại Strasbourg cử hành Lễ Phong Chân phước cho chị Alfonsa Maria Eppinger, người sáng lập Dòng Nữ tu Chúa Cứu Thế. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa về người phụ nữ can đảm và thông minh này, người chịu đau khổ trong thầm lặng và cầu nguyện, làm chứng tá cho tình yêu của Thiên Chúa đặc biệt đối với tất cả những người đau bệnh về thân xác và trong tâm hồn — chúng ta cùng cho một tràng pháo tay hoan hô vị tân Chân phước!

Cha chào thân ái tất cả anh chị em, người Roma và khách hành hương từ nhiều quốc gia: các gia đình, các nhóm giáo xứ, các hiệp hội.

Cha chào các tín hữu của giáo phận Como, các bạn trẻ tham dự buổi họp mặt của hội Công cuộc của Giáo hội và các ứng sinh Thêm sức của thành phố Prevalle.

Cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Và đừng quên cầu nguyện cho cha nhé.

Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/9/2018]


Ấn độ: Linh mục Công giáo giảng trong Đền thờ Hồi giáo Kerala

Ấn độ: Linh mục Công giáo giảng trong Đền thờ Hồi giáo Kerala
Lũ lụt ở Flooding 2018 - Wikimedia Commons

Ấn độ: Linh mục Công giáo giảng trong Đền thờ Hồi giáo ở Kerala

‘Xin cảm ơn sự cứu trợ của anh chị em sau trận lũ lụt’

07 tháng Chín, 2018 02:55

Đó không phải là nơi mà mọi người hy vọng nhìn thấy một linh mục Công giáo. Nhưng Cơ quan Thông tấn Fides hôm 4 tháng Chín, 2018, cho biết có một lý do rất lớn cho thấy tình đoàn kết.

Một linh mục Công giáo Ấn độ nói trước cộng đồng tín đồ Hồi giáo đang có mặt trong đền thờ cầu nguyện hôm thứ Sáu, cám ơn họ vì sự cứu trợ nhân đạo đã được gửi đến sau các trận lũ lụt gần đây ở Kerala. Theo Fides được biết, Cha Giu-se Puthussery đến thăm đền thờ Juma ở Vechoor trong quận Kottayam, Kerala (tiểu bang miền nam Ấn độ) và có bài cảm ơn trong hội đường cầu nguyện. Linh mục kể lại rằng nhiều tín đồ Hồi giáo, trong tinh thần đoàn kết tương trợ, đã mang thực phẩm và sự hỗ trợ đến cho các nạn nhân lũ lụt tạm lánh nạn trong nhà thờ của cha, thuộc Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly.

Nhà thờ Thánh An-tôn, trong quận Kottayam, cung cấp nơi ở và sự an toàn cho hơn 580 người mất nhà cửa, nạn nhân của trận lụt làm ảnh hưởng đến 12 trong số 14 quận ở bang Kerala hồi trung tuần tháng Tám. Các tổ chức Ki-tô giáo đã cố làm mọi việc có thể để cứu giúp những người di tản và thấy họ đang trong tình trạng vô cùng khẩn cấp, thiếu lương thực và nước uống.

“Tôi liền đi ngay đến Đền thờ, tôi gặp vị giáo sĩ trưởng đền thờ và xin ông giúp đỡ. Sau ngày cầu nguyện, những anh em Hồi giáo đến nhà thờ với số lượng lớn thực phẩm và nước uống,” Cha Puthussery cho Fides biết thông tin. Anh em Hồi giáo cung cấp sự trợ giúp nhân đạo cho người vô gia cư đang tạm lánh nạn trong nhà thờ trong nhiều ngày. “Ngoài thực phẩm và nước uống, những bạn trẻ phục vụ đền thờ cũng cung cấp các loại thuốc trị bệnh,” Cha Puthussery cho biết.

Hiện tại các giới chức của đền thờ – sau cam kết đoàn kết tương trợ – đã làm một động thái khác thường và mang dấu chỉ tiên tri: họ nhường cho linh mục Ki-tô giáo đứng trên bục giảng thường chỉ dành riêng cho một “Maulvi” (giáo sĩ Hồi giáo) và để nói chuyện với các tín đồ.

Linh mục nói với các tín đồ: “Tôi không thể dùng lời để diễn tả hết lòng tri ân của chúng tôi dành cho anh em Hồi giáo vì sự hỗ trợ rất quảng đại họ thể hiện trong suốt thời gian khó khăn.” Trong bài phát biểu kéo dài khoảng 10 phút, vị linh mục Công giáo nói: “Mặc dù trận lụt đã lấy mất của chúng ta nhiều thứ giá trị, nhưng thứ đầu tiên mà nó quét sạch khỏi chúng ta là sự kiêu căng và ích kỷ trong tâm trí.” Cha Puthussery nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxico hãy “xây dựng những chiếc cầu nối, đừng xây những bức tường,” nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tiếp tục sự hợp tác liên tôn để thúc đẩy sự hòa hợp trong xã hội. “Không được cắt đứt mối dây huynh đệ này: chúng ta sẽ phải truyền lại những giá trị mà chúng ta đã tái khám phá trong cơn tai ương này cho các thế hệ sau,” cha nói thêm.

Niyaz Nasser, một trong số hơn 250 người Hồi giáo có mặt trong đền thờ, nói rằng “một kinh nghiệm hoàn toàn khác và rất xúc động” đã được cảm nhận: “Đó là một thời khắc vui mừng và tự hào rất lớn, nó cho chúng ta niềm hy vọng về một tương lai sáng tươi,” Nasser nói.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/9/2018]