Thứ Năm, 6 tháng 8, 2020

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC THÁNH CHA SAU KỲ NGHỈ THÁNG BẢY: Việc chữa lành thế giới

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC THÁNH CHA SAU KỲ NGHỈ THÁNG BẢY: Chữa lành thế giới

© Vatican Media

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC THÁNH CHA SAU KỲ NGHỈ THÁNG BẢY: Việc chữa lành thế giới

‘Chúng ta phải gắn chặt ánh mắt hướng về Chúa Giêsu’

05 tháng Tám, 2020 10:32

ZENIT STAFF

 
Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra lúc 9.25 trong Thư viện của Điện Tông tòa Vatican. Đức Thánh Cha bắt đầu loạt giáo lý về việc chữa lành thế giới. Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu. Buổi tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa thánh. Dưới đây là bản dịch (ND: tiếng Anh) không chính thức của Vatican cung cấp:

***

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Đại dịch tiếp tục gây ra những vết thương sâu sắc, phơi bày sự mong manh của chúng ta. Trên mỗi châu lục có rất nhiều người đã chết, nhiều người nhiễm bệnh. Nhiều người và gia đình đang sống trong một thời gian bấp bênh vì những vấn đề về kinh tế xã hội làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người nghèo nhất.

Vì vậy, chúng ta phải gắn chặt ánh mắt hướng về Chúa Giêsu (xem Dt 12:2): trong trận đại dịch này, mắt chúng ta hãy hướng về Chúa Giêsu; và với niềm vững tin này ôm ấp lấy sự hy vọng về Nước Thiên Chúa mà chính Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta (xem Mc 1:5; Mt 4:17; CCC 2816). Một Vương quốc của sự chữa lành và ơn cứu chuộc đã hiện diện giữa chúng ta (xem Lc 10:11). Một Vương quốc công bình và hòa bình được thể hiện qua những công cuộc của đức ái, qua đó làm tăng thêm niềm hy vọng và củng cố đức tin (xem 1 Cr 13:13). Trong truyền thống Kitô giáo, đức tin, đức cậy và đức ái vượt xa hơn những cảm xúc hoặc thái độ. Chúng là những nhân đức được thấm đẫm trong chúng ta qua ân sủng của Chúa Thánh Thần (xem CCC, 1812, 1813): những ân sủng chữa lành chúng ta và làm cho chúng ta trở thành những người chữa lành, những ân sủng mở ra cho chúng ta các chân trời mới, ngay cả khi chúng ta đang vượt qua những ghềnh thác khó khăn của thời đại mình.

Sự gặp gỡ được đổi mới với Tin mừng của đức tin, cậy, và mến mời gọi chúng ta mang lấy tinh thần sáng tạo và canh tân. Bằng cách này chúng ta sẽ có thể thay đổi gốc rễ của tính yếu đuối về thể xác, tinh thần và xã hội của chúng ta, và những hành vi tàn phá làm chia cách chúng ta với nhau, đe dọa đến gia đình nhân loại và hành tinh chúng ta.

Sứ vụ của Chúa Giêsu đưa ra nhiều tấm gương về sự chữa lành: khi Người chữa lành cho người bị sốt (xem Mc 1:29-34), bị phong hủi (xem Mc 1:40-45), bị bại liệt (xem Mc 2:1-12); khi Người lấy lại ánh sáng của đôi mắt (xem Mc 8:22- 26; Ga 9:1-7), nói được và nghe được (xem Mc 7:31-37). Thật ra, Người chữa lành không chỉ là sự dữ của thân xác – điều này là đúng, sự dữ của thân xác – nhưng Người chữa lành toàn bộ con người. Bằng cách đó, Người cũng đưa con người trở lại với cộng đoàn, vì đã được chữa khỏi; Người giải phóng con người khỏi sự cách ly vì Người đã chữa lành cho họ.

Chúng ta hãy nghĩ đến trình thuật chữa lành rất đẹp cho người bị bại liệt tại Caphácnaum (xem Mc 2:1-12) mà chúng ta nghe lúc bắt đầu buổi tiếp kiến chung. Khi Chúa Giêsu đang giảng dạy tại nhà, bốn người khiêng người bạn bị bại liệt của họ đến với Chúa Giêsu. Họ không thể tiến vào vì đám đông quá nhiều người, họ dỡ mái nhà tạo một lỗ hổng và thả cái chõng xuống ngay trước mặt Người. Chúa Giêsu đang giảng dạy thì nhìn thấy cái chõng thả xuống ngay trước mặt mình. “Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: ‘Này con, con đã được tha tội rồi’.” (c. 5). Và rồi, như một dấu chỉ cụ thể, Người nói thêm: “Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!” (c. 11).

Một câu chuyện chữa lành thật diệu kỳ! Hành động của Đức Kitô là câu trả lời trực tiếp cho niềm tin của những người đó, cho sự cậy trông họ đặt nơi Người, cho tình yêu thương họ dành cho nhau. Và vì thế Chúa Giêsu chữa lành, nhưng Người không chỉ chữa lành riêng chứng bại liệt. Chúa Giêsu chữa lành mọi người, Người tha thứ các tội, Người đổi mới đời sống của người đàn ông bị bại liệt và bạn bè của anh ta. Người làm cho anh ta được tái sinh một lần nữa, chúng ta cứ nói theo cách đó. Đó là một sự chữa lành thân xác và thiêng liêng, chung tất cả, kết quả của sự gặp gỡ riêng tư và với mọi người. Chúng ta hãy hình dung cách thức mà tình bạn này, cùng với niềm tin tưởng của tất cả những con người có mặt trong căn nhà đó, đã phát triển lên như thế nào nhờ vào hành động của Chúa Giêsu, sự gặp gỡ chữa lành với Chúa Giêsu!

Và chúng ta cũng có thể tự hỏi mình: ngày nay, chúng ta có thể giúp chữa lành thế giới bằng cách nào? Là những môn đệ của Chúa Giêsu, Đấng là thầy thuốc của linh hồn và thân xác, chúng ta được kêu gọi để tiếp tục “công cuộc của Người, công cuộc chữa lành và cứu chuộc” (CCC, 1421) theo ý nghĩa về thân xác, xã hội, và thiêng liêng.

Mặc dù Giáo hội thi hành ơn chữa lành của Đức Kitô qua các Bí tích, và dù rằng Giáo hội cung cấp sự chăm sóc sức khỏe tại những nơi xa xôi nhất của hành tinh, thì Giáo hội cũng không phải là chuyên gia trong việc ngăn chặn hoặc chữa trị đại dịch. Giáo hội giúp đỡ người bệnh, nhưng Giáo hội không phải là một chuyên gia. Giáo hội cũng không phải là người đưa ra những chỉ dẫn cụ thể về chính trị xã hội (xem Thánh Phaolô VI, Tông thư Octogesima adveniens, 14 Tháng Năm 1971, số 4).

Đây là công việc của những nhà lãnh đạo chính trị và xã hội. Tuy nhiên, qua các thế kỷ, và dưới ánh sáng của Tin mừng, Giáo hội đã phát triển nhiều nguyên tắc xã hội nền tảng (xem Tóm lược Giáo huấn Xã hội của Giáo hội, 160-208), những nguyên tắc có thể giúp chúng ta tiến tới trong việc chuẩn bị cho tương lai mà chúng ta muốn. Cha kể ra những nguyên tắc chính được liên kết chặt chẽ với nhau: nguyên tắc về phẩm giá con người, nguyên tắc về thiện ích chung, nguyên tắc về lựa chọn ưu tiên cho người nghèo, nguyên tắc về sự phân chia phổ quát của cải, nguyên tắc của sự liên đới, nguyên tắc phụ trợ, nguyên tắc chăm sóc cho ngôi nhà chung. Những nguyên tắc này giúp các nhà lãnh đạo, những những chịu trách nhiệm đối với xã hội, để thúc đẩy sự phát triển, và đồng thời thúc đẩy sự chữa lành cho cơ cấu cá nhân và xã hội như trong trường hợp đại dịch ngày nay. Tất cả những nguyên tắc này diễn tả các nhân đức tin, cậy và mến theo những cách thức khác nhau.

Trong vài tuần tới, cha mời gọi anh chị em cùng nhau giải quyết những câu hỏi cấp bách mà đại dịch đã mang đến cho những căn bệnh xã hội nổi bật. Và chúng ta sẽ làm việc đó dưới ánh sáng của Tin mừng, dưới ánh sáng của các nhân đức thần học và những nguyên tắc của Giáo huấn Xã hội của Giáo hội. Chúng ta sẽ cùng nhau khám phá xem truyền thống xã hội Công giáo có thể giúp gia đình nhân loại chữa lành thế giới đang đau khổ vì những căn bệnh nghiêm trọng này như thế nào. Cha mong ước rằng mọi người sẽ cùng nhau suy tư và hành động, như những người môn đệ của Chúa Giêsu là Đấng chữa lành, để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, tràn đầy hy vọng cho các thế hệ tương lai (xem Tông huấn Evangelii gaudium, 24, tháng Mười Một 2013, số. 183). Cảm ơn anh chị em.

*****

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Hôm qua tại Beirut, gần cảng, có những vụ nổ kinh hoàng gây ra hàng chục người chết, hàng ngàn người bị thương và sự tàn phá nghiêm trọng. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân, cho các gia đình; và chúng ta hãy cầu nguyện cho đất nước Li Băng, để qua sự tận tâm của tất cả các thành phần xã hội, chính trị và tôn giáo của đất nước, họ có thể đương đầu với thời khắc thảm kịch và vô cùng đau thương này, vượt qua được cuộc khủng hoảng tồi tệ mà họ đang gặp phải, cùng với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/8/2020]


Nhà thờ Chính tòa Thánh Elijah ở Aleppo, bị phá hủy trong chiến tranh Syria, vươn dậy từ đống tro tàn

Nhà thờ Chính tòa Thánh Elijah ở Aleppo, bị phá hủy trong chiến tranh ở Syria, vươn dậy từ đống tro tàn
  • SYRIA

  • 17 tháng Bảy, 2020


Nhà thờ Chính tòa Thánh Elijah ở Aleppo, bị phá hủy trong chiến tranh Syria, vươn dậy từ đống tro tàn

Đức Tổng Giám mục Tobji: “Sự khôi phục lại Nhà thờ Chính tòa là bằng chứng cho thấy rằng chúng tôi vẫn ở trong đất nước này. Miệng lưỡi chúng tôi vẫn tiếp tục ca khen Thiên Chúa ở tại nơi này.”

Hôm thứ Hai ngày 20 tháng Bảy, sau nhiều khó khăn trong công cuộc tái xây dựng, Nhà thờ Chính tòa Thánh Elijah thuộc Giáo hội Thánh Maron, nơi đã chịu thiệt hại nặng nề từ các cuộc tấn công bằng súng cối trong chiến tranh, sẽ chính thức được mở cửa trở lại và tái cung hiến.

“Việc khôi phục và tái mở cửa nhà thờ chính tòa vừa mang ý nghĩa tượng trưng vừa thực tế,” Đức Tổng Giám mục Joseph Tobij thuộc Giáo hội Thánh Maron của Aleppo nói trong một cuộc phỏng vấn với tổ chức từ thiện mục vụ Công giáo quốc tế và tổ chức giáo hoàng mục vụ bác ái Công giáo quốc tế Aid to the Church in Need (ACN). “Về ý nghĩa tượng trưng, đó là một thông điệp gửi đến các giáo dân và Kitô hữu ở Aleppo và thế giới rằng chúng tôi vẫn ở trong đất nước này cho dù con số đang thu nhỏ, và việc khôi phục nhà thờ chính tòa là bằng chứng cho điều này. Miệng lưỡi chúng tôi vẫn tiếp tục ca khen Thiên Chúa tại nơi đây bất chấp mọi khó khăn.”

Nhà thờ Chính tòa Thánh Elijah, ở vùng ngoại ô Al Jdeydeh của Aleppo, có lịch sử lâu đời, nhà thờ hiện tại được xây dựng năm 1873 và được nâng cấp năm 1914, thay thế cho nhà thờ nhỏ ban đầu của thế kỷ 15 được xây dựng trên cùng vị trí.

Trong cuộc nội chiến Syria, giữa năm 2012 và 2016, nhà thờ hứng chịu ít nhất ba cuộc tấn công kinh hoàng bằng tên lửa và nhiều cuộc tấn công nhỏ hơn. Tuy nhiên, tổn thất nặng nề nhất xảy ra năm 2013 khi các chiến binh thuộc phiến quân đột kích vào góc thành phố này và cố gắng phá hủy tất cả mọi dấu hiệu của Kitô giáo.

Nhà thờ Chính tòa Thánh Elijah ở Aleppo, bị phá hủy trong chiến tranh ở Syria, vươn dậy từ đống tro tàn

Nhà thờ Chính tòa Thánh Elijah ở Aleppo, bị phá hủy trong chiến tranh ở Syria, vươn dậy từ đống tro tàn

Sau thời gian nằm trong đống đổ nát suốt bốn năm, cuối cùng nhà thờ chính tòa đã có thể mở cửa trở lại cho dịp Giáng sinh 2016, bất chấp tình trạng bị tàn phá của nhà thờ, sau khi khu vực này của thành phố được giải phóng khỏi sự kiểm soát của phiến quân đầu năm đó. “Chúng tôi quyết định gửi một thông điệp hy vọng rằng Con Thiên Chúa đã nhập thế và Người vẫn ở giữa chúng ta, đồng hành với chúng ta trong những buồn phiền và đau đớn, và cùng mang những biến cố đó với chúng ta, để chúng biến thành một đời sống hy vọng, tin tưởng, yêu thương và từ đó trở thành một đời sống thánh thiện,” Đức Tổng Giám mục Tobji giải thích. “Giây phút trong Thánh Lễ khi Chúa Hài đồng Giêsu được đặt trong máng cỏ làm bằng những vật liệu đổ nát của mái nhà thờ sụp xuống thật vô cùng xúc động, khi tôi, và những người tham dự Thánh Lễ, đã khóc và cười cùng lúc, và mọi người vỗ tay và hoan hô vang dậy với sự vui mừng.”

Nhà thờ Chính tòa Thánh Elijah ở Aleppo, bị phá hủy trong chiến tranh ở Syria, vươn dậy từ đống tro tàn

Nhà thờ Chính tòa Thánh Elijah ở Aleppo, bị phá hủy trong chiến tranh ở Syria, vươn dậy từ đống tro tàn

Người Kitô hữu Syria chịu đau khổ rất lớn vì cuộc nội chiến. Trong số 1,5 triệu người Kitô hữu sống trong đất nước trước chiến tranh, hiện nay ước tính chỉ còn một phần ba ở lại. Những con số ở Aleppo cũng tương tự: theo các nguồn tin của ACN có khoảng 180.000 người Kitô hữu trong thành phố trước chiến tranh, trong số đó ước tính không đầy 30.000 người vẫn còn sống ở đó. Nhà thờ Chính tòa phục vụ cho cộng đoàn Công giáo Maron, là cộng đoàn dù không chiếm số đông nhất trong thành phố, tuy nhiên lại cung cấp nguồn cứu trợ chính về xã hội và nhân đạo cho tất cả mọi người. “Mong muốn của chúng tôi đối với việc ở lại là một “Sứ mạng” chứ không chỉ vì chúng tôi đã sinh ra ở đó, hay bởi vì chúng tôi buộc phải ở lại đó ngoài ý muốn của mình. Người Maron chúng tôi không có nơi nào khác để tập họp với nhau ngoài nhà thờ chính tòa này, và quyết định khôi phục lại nó chính là bằng chứng, cũng giống như một gia đình muốn nâng cấp lại căn nhà duy nhất để đem chúng tôi lại với nhau”, Đức Tổng Giám mục giải thích.

Thomas Heine-Geldern, chủ tịch điều hành của ACN Quốc tế, là nơi cung cấp phần lớn kinh phí cho việc khôi phục nhà thờ, đã gửi một thông điệp video tới người dân Aleppo, vì lý do đại dịch coronavirus nên ông không thể tham dự trực tiếp. Ông nói, “Tôi rất buồn vì không thể cùng quý vị tham dự ngày vui này. ACN đã cùng đồng hành với quý vị trong những thời điểm khó khăn nhất, và thật tuyệt vời nếu chúng ta có thể cùng chia vui trong ngày hôm nay. Thật đáng buồn, hoàn cảnh không cho phép; tuy nhiên, chúng ta được nhìn thấy Nhà thờ Chính tòa Thánh Elijah và đó là một phép lạ. Thật tuyệt vời khi thấy nó tỏa rạng với vẻ huy hoàng trước đây của nó. Tôi hy vọng rằng một lần nữa nó sẽ trở thành trung tâm của toàn cộng đồng Kitô giáo, giống như trước cuộc chiến tranh kinh hoàng này.”

Từ năm 2011 đến 2019 ACN Quốc tế đã hỗ trợ 900 dự án tại Syria với tổng giá trị 38 triệu Euro. Hiện tại ACN vẫn đang tài trợ cho hơn 100 dự án nhỏ và lớn hơn trong nước.


[Nguồn: acninternational]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/8/2020]