Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2018

Huấn từ của Đức Thánh Cha với các đôi vợ chồng trong Nhà thờ chính tòa tạm thời Thánh Mary ở Dublin

Huấn từ của Đức Thánh Cha với các đôi vợ chồng trong Nhà thờ chính tòa tạm thời Thánh Mary ở Dublin
© Vatican Media

Huấn từ của Đức Thánh Cha với các đôi vợ chồng trong Nhà thờ Chính tòa Thánh Mary ở Dublin

‘Thế giới của chúng ta cần một cuộc cách mạng tình yêu!’

25 tháng Tám, 2018 18:23

Đức Thánh Cha có bài huấn từ trước 350 đôi vợ chồng và đính hôn trong Nhà thờ Chính tòa Tạm thời Thánh Mary lịch sử của Dublin ngày 25 tháng Tám, 2018. Văn bản bài huấn từ (tiếng Anh) dưới đây của ngài do Vatican cung cấp:

******

Các bạn thân mến,

Cha thật vui khi chúng ta có thể gặp gỡ trong ngôi Nhà thờ Chính tòa Tạm thời Thánh Mary lịch sử, là ngôi nhà thờ với năm tháng đã chứng kiến không biết bao nhiêu Lễ Cử hành Bí tích Hôn phối. Không biết bao nhiêu sự yêu thương đã được bày tỏ, và không biết bao nhiêu ơn sủng đã được đón nhận trong thánh địa này! Tôi xin cảm ơn Đức Tổng Giám mục Martin về sự đón tiếp nồng hậu của ngài. Cha đặc biệt vô cùng hạnh phúc được đến đây với tất cả anh chị em, những đôi đã đính hôn và đã kết hôn thuộc mọi chặng đường khác nhau trên hành trình của bí tích tình yêu.

Cha đặc biệt cảm ơn chứng ngôn của Vincent và Teresa, họ đã kể cho chúng ta về kinh nghiệm năm mươi năm hôn nhân và đời sống gia đình của họ. Xin cảm ơn những lời động viên và đầy thử thách của ông bà gửi đến cho thế hệ trẻ là những đôi vợ chồng mới cưới và những cặp đính hôn, không chỉ ở Ireland này nhưng cả trên toàn thế giới. Biết lắng nghe những người lớn tuổi, lắng nghe ông bà của chúng ta là điều vô cùng quan trọng! Chúng ta có nhiều điều để học từ kinh nghiệm của ông bà về đời sống hôn nhân được nâng đỡ mỗi ngày bởi ơn sủng của bí tích. Để cùng nhau phát triển trong “quan hệ đối tác của cuộc sống và tình yêu” này, ông bà đã trải qua nhiều niềm vui, và chắc chắn cũng không ít những sự phiền muộn. Cùng với những đôi vợ chồng đã đi được một quãng đường dài trên hành trình này, ông bà là những người trông coi bảo vệ ký ức chung. Chúng ta sẽ luôn cần những chứng tá đầy niềm tin của ông bà. Đó là một nguồn gia tài quý báu cho những đôi vợ chồng trẻ là những người đang nhìn về tương lai với một lòng phấn khởi và hy vọng, và có lẽ … chạm đến một chút xao động!

Cha cũng cảm ơn những đôi vợ chồng trẻ đã hỏi cha nhiều câu hỏi rất thẳng thắn. Đó là những câu hỏi không dễ trả lời! Denis và Sinead đang chuẩn bị tiến bước trên hành trình tình yêu mà theo chương trình của Chúa, buộc phải là một cam kết trọn đời. Hai người hỏi làm sao để họ có thể làm cho người khác nhìn thấy rằng hôn nhân không đơn giản là một tục lệ nhưng là một ơn gọi, một quyết định trọn đời yêu thương, hỗ trợ và bảo vệ lẫn nhau?

Chắc chắn chúng ta phải thừa nhận rằng ngày nay chúng ta không quen với bất cứ điều gì kéo dài trọn đời. Nếu tôi cảm thấy đói hay khát, tôi có thể ăn; nhưng cảm giác no không kéo dài được một ngày. Nếu tôi có một công việc, tôi biết rằng tôi có thể bị mất công việc đó dù tôi không muốn, hoặc tôi có thể chọn một nghề nghiệp khác. Thậm chí còn khó mà theo dõi kịp với thế giới vì quanh ta nó thay đổi liên tục, như là những con người đến và đi trong cuộc đời của chúng ta, hay như những lời hứa được đưa ra nhưng thường bị phá vỡ hoặc không hoàn thành. Có lẽ điều mà chúng con thực sự muốn hỏi cha là một điều thậm chí còn căn bản hơn thế: liệu có một điều gì đó quý giá tồn tại dài lâu? Ngay cả chính tình yêu? Chúng ta đều biết ngày nay thật quá dễ dàng để chúng ta thấy mình bủa vây bởi một thứ “văn hóa tạm bợ,” sự phù du. Văn hóa đó tấn công ngay vào gốc rễ trong những giai đoạn trưởng thành của chúng ta, sự phát triển trong hy vọng và yêu thương. Làm sao chúng ta trải nghiệm được “tính bền vững thật sự” trong cái văn hóa phù du này?

Đây chính là điều cha muốn nói với anh chị em. Trong tất cả những điều tạo sự phong phú nơi con người, thì hôn nhân là điều duy nhất. Chính từ một tình yêu mà nó tạo sinh sự sống mới. Nó bao gồm tính trách nhiệm tương quan đối với việc truyền lại món quà sự sống của Thiên Chúa, và nó tạo ra một môi trường vững chắc để sự sống mới có thể lớn lên và phát triển mạnh mẽ trong đó. Kết hôn trong Giáo hội, bí tích hôn phối, chia sẻ theo một cách rất đặc biệt mầu nhiệm tình yêu đời đời của Thiên Chúa. Khi một người nam và một người nữ Ki-tô hữu bước vào mối dây ràng buộc của hôn nhân, ơn Chúa làm cho họ có thể tự do thề hứa với nhau một tình yêu duy nhất và vĩnh viễn. Do đó sự kết hiệp của họ trở thành một dấu chỉ bí tích của giao ước mới và đời đời giữa Thiên Chúa và hiền thê của Người, là Giáo hội. Chúa Giê-su luôn luôn hiện diện ở giữa. Người giúp họ vững bước trong suốt cuộc đời với món quà cho đi lẫn nhau, với lòng chung thủy và với sự hiệp nhất không thể chia lìa (x. Tông huấn Gaudium et Spes, 48). Tình yêu của Người là một đá tảng và là một nơi nương náu trong những lúc thử thách, nhưng quan trọng hơn thế, là một nguồn mạch để phát triển liên tục trong tình yêu tinh tuyền và vững bền.

Chúng ta biết rằng tình yêu là ước mơ của Thiên Chúa cho chúng ta và cho toàn thể gia đình nhân loại. Xin anh chị em đừng bao giờ quên điều này! Thiên Chúa có một ước mơ cho chúng ta và Ngài kêu gọi chúng ta hãy biến nó thành của riêng chúng ta. Vậy đừng e sợ ước mơ đó! Hãy ấp ủ nó và cùng nhau mơ ước nó mỗi ngày. Bằng cách này, anh chị em sẽ có thể hỗ trợ lẫn nhau với niềm hy vọng, sức mạnh, và sự tha thứ trong những thời điểm khi con đường trở nên gồ ghề và thật khó khăn để nhìn thấy đoạn đường phía trước. Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa trói buộc Ngài phải trung tín với giao ước của Ngài, ngay cả khi chúng ta làm Ngài phiền lòng hay yếu đuối trong tình yêu. Người nói với chúng ta: “Ta sẽ không bỏ rơi ngươi. Ta sẽ không ruồng bỏ ngươi!” (Dt 13:5). Là vợ chồng, hãy xức dầu cho nhau bằng những lời hứa đó, mỗi ngày cho đến trọn đời. Và đừng bao giờ từ bỏ ước mơ!

Stephen và Jordan là đôi vợ chồng mới cưới và họ hỏi cha câu hỏi rất quan trọng là bằng cách nào cha mẹ có thể truyền lại đức tin cho con cái của họ. Cha biết rằng Giáo hội ở Ireland này đã chuẩn bị rất kỹ những chương trình giáo lý để dạy đức tin trong các trường học và giáo xứ. Đương nhiên điều này là quan trọng. Tuy nhiên, nơi đầu tiên và quan trọng nhất để truyền lại đức tin là gia đình, qua mẫu gương âm thầm mỗi ngày của cha mẹ là người yêu mến Thiên Chúa và tín thác vào lời của Người. Chính ở đó, trong “hội thánh tại gia” đó, con cái học được ý nghĩa của sự trung tín, sự chính trực, và sự hy sinh. Chúng nhìn thấy cách cha mẹ giao tiếp với nhau, cách họ chăm sóc cho nhau và cho người khác, cách họ yêu mến Thiên Chúa và yêu mến Giáo hội. Bằng cách này, con cái có thể hít thở được không khí tươi mới của Tin mừng và học cách thấu hiểu, đánh giá và hành động theo một cách xứng đáng với gia tài của đức tin chúng đã đón nhận. Đức tin được truyền lại “trên bàn trong gia đình,” qua những cuộc chuyện trò bình thường, qua ngôn ngữ mà chỉ tình yêu trung tín biết cách nói lên.

Vì vậy hãy cầu nguyện với nhau như một gia đình; hãy nói đến những điều tốt lành và thánh thiện; hãy để cho Mẹ Maria đi vào đời sống của gia đình anh chị em. Hãy kỷ niệm những ngày lễ của người Ki-tô giáo. Hãy sống trong tình liên đới sâu đậm với những người đau khổ và đang sống bên những lề xã hội. Khi anh chị em làm như vậy với con cái của mình, tâm hồn chúng dần dần được lấp đầy với lòng yêu thương quảng đại dành cho tha nhân. Điều này dường như đã quá rõ ràng với chúng ta, nhưng đôi khi chúng ta hơi lãng quên một chút. Con cái của anh chị em sẽ học cách chia sẻ những sự tốt lành của trái đất với mọi người nếu chúng chúng nhìn thấy cách cha mẹ chăm sóc cho những người khác nghèo khó hơn hoặc kém may mắn hơn. Nói tóm lại, con cái của anh chị em sẽ học từ chính anh chị em cách sống một đời sống Ki-tô hữu; anh chị em sẽ là những nhà giáo dục đầu tiên trong đức tin cho chúng.

Những nhân đức và chân lý mà Chúa dạy chúng ta không còn được phổ biến rộng rãi trong thế giới ngày nay nữa, một thế giới không còn mấy quan tâm đến người cô thế, người dễ bị xúc phạm và tất cả những người mà nó cho rằng “vô dụng.” Thế giới bảo chúng ta phải trở nên mạnh mẽ và độc lập, không cần quan tâm lắm đến những người cô đơn hay buồn chán, người bị chối bỏ hoặc bệnh tật, những thai nhi chưa ra đời hay đang hấp hối. Lát nữa cha sẽ đi riêng đến thăm một vài gia đình đang phải đối mặt với những thách đố nặng nề và khó khăn thật sự, nhưng họ là những người đang được thể hiện sự yêu thương và hỗ trợ bởi các Cha Dòng Capuchin. Thế giới của chúng ta cần một cuộc cách mạng tình yêu! Hãy để cho cuộc cách mạng đó bắt đầu từ chính anh chị em và gia đình anh chị em! Vài tháng trước có người nói với cha rằng chúng ta đang đánh mất khả năng yêu thương. Chầm chậm nhưng đúng là vậy, chúng ta đang quên đi ngôn ngữ chỉ thị của sự quan tâm chăm sóc, sức mạnh của lòng nhân hậu. Sẽ không thể có cuộc cách mạng tình yêu nếu không có một cuộc cách mạng lòng nhân hậu! Qua mẫu gương của anh chị em, ước mong rằng con cái của anh chị em được dẫn dắt để trở nên một thế hệ tử tế hơn, yêu thương hơn, và tràn đầy đức tin hơn, vì sự canh tân của Giáo hội và của toàn xã hội Ireland.

Bằng cách này, tình yêu của anh chị em, là quà tặng của Thiên Chúa, sẽ cắm rễ sâu hơn nữa. Không gia đình nào có thể phát triển được nếu nó quên đi cội nguồn của mình. Trẻ em sẽ không phát triển trong tình yêu nếu chúng không học được cách nói chuyện với ông bà. Vì vậy hãy để cho tình yêu của anh chị em đâm rễ sâu! Chúng ta đừng bao giờ quên rằng “tất cả mọi bông hoa nở trên cây đều xuất phát từ những gì chôn giấu bên dưới nó” (Bernárdez).

Cùng với Giáo hoàng, ước mong rằng các gia đình của toàn thể Giáo hội, đại diện trong tối hôm nay là những đôi vợ chồng già và trẻ, cùng tạ ơn Thiên Chúa vì món quà đức tin và ơn sủng của hôn nhân Ki-tô giáo. Để đáp lại, chúng ta hãy hứa với Chúa rằng chúng ta sẽ phục vụ để chuẩn bị cho vương quốc thánh thiện, công bằng và bình an của Người đến bằng sự trung tín của chúng ta với những lời thề hứa chúng ta đã nói lên, và bằng sự kiên định của chúng ta trong tình yêu! Cha ban phép lành cho tất cả anh chị em, và gia đình anh chị em và những người thân yêu.

[01263-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]


[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/8/2018]


PHỎNG VẤN Ở DUBLIN: Từ nghiện rượu đến thánh nhân sẽ được tuyên phong

PHỎNG VẤN Ở DUBLIN: Từ nghiện rượu đến thánh nhân sẽ được tuyên phong
Ảnh của phóng viên Vatican của Zenit, Deborah Castellano Lubov

PHỎNG VẤN Ở DUBLIN: Từ người nghiện rượu trở thành thánh nhân tương lai

Đức Thánh Cha nhắc lại mẫu gương Đấng Đáng kính Matt Talbot

25 tháng Tám, 2018 16:17

Giáo xứ Đức Mẹ Lộ Đức nằm trên đường Sean McDermott của Dublin. Đây không phải là một quận dành cho du khách, nên không có sách hướng dẫn giới thiệu các quầy bar để bạn có thể tìm một ly bia Guinness, hay một ly whiskey đặc biệt của địa phương. Nhưng với những ai có thói quen uống quá chén, có lẽ đến thăm nơi này cũng là một ý tưởng hay.

Ngay cả với Đấng Đáng kính Matt Talbot, được chôn ở đây, cũng đã là một người nghiện rượu. Bây giờ đang bắt đầu tiến trình phong chân phước cho ngài, và có thể chẳng bao lâu nữa sẽ là “Thánh” được tuyên phong.

Tuy nhiên, Talbot, sinh năm 1856, là con thứ hai trong gia đình 12 người con, đã được xem là thánh bổn mạng cho những người đang phải chiến đấu với tình trạng nghiện rượu. Khi đó tình trạng nghiện rượu ở Ireland là một tai họa cho những gia đình nghèo như gia đình Talbot. Và phải bắt đầu đi làm từ năm 12 tuổi, công việc đóng chai bia, rồi sau đó là bốc dỡ rượu whiskey xuống tàu ở cảng, thực sự không giúp gì được ngài. Năm 27 tuổi, bị khánh kiệt và hư hỏng bởi sự trụy lạc, ngài thề bỏ rượu trong ba tháng. Từ lúc đó, ngài tuyệt nhiên không đụng chạm đến rượu trong suốt phần đời còn lại, dành trọn tâm trí cho việc cầu nguyện, làm bác ái, gia nhập Dòng Ba Phanxico, và hoạt động xã hội, là người sáng lập của Phong trào Công nhân Ki-tô hữu.

Năm 1972, di hài của ngài được bốc khỏi mộ trong Nhà thờ Đức Mẹ Lộ đức ở đường Sean McDermott, Dublin, trong địa phương ngài đã sống trọn đời. Ngày 3 tháng Mười năm 1975, Đức Giáo hoàng Phaolo VI tôn ngài lên bậc “đáng kính,” với sắc chỉ công nhận những “nhân đức anh dũng” của ngài. Hôm nay thứ Bảy, 25 tháng Tám, bản tin cho biết khi đến Dublin Đức Thánh Cha Phanxico đã dừng chân tại đây để tôn kính sợi dây xích được tìm thấy dưới những quần áo của ngài Talbot khi ngài qua đời đột ngột vì đau tim ở tuổi 69, lúc đang trên đường đi dự Lễ Chúa Ba Ngôi ngày Chúa nhật, 7 tháng Sáu, 1925. Sợi dây xích là dấu chỉ của lòng sùng kính và đền tội.

Các nhà tổ chức cho biết việc dừng chân của Đức Thánh Cha được lên lịch là rất ngắn và chỉ ở bên ngoài nhà thờ, nhưng Đức Thánh Cha lại quyết định đi vào và cầu nguyện trước thánh tích. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II cũng đã được lên lịch dừng chân tại đây trong chuyến viếng thăm năm 1979 của ngài, nhưng bị hết thời gian. Dưới đây là cuộc nói chuyện với linh mục coi xứ Dòng Salêdiêng, Cha Michael Casey:

***

Nơi mà chúng ta đang đứng ở đây, Đền thờ Matt Talbot, có phải rất nổi tiếng?

Nó rất nổi tiếng ở Hoa kỳ, Anh, và ở một số vùng của Úc. Thánh Gioan Phaolo II đã có lòng sùng mộ rất lớn dành cho bậc đáng kính Matt Talbot, và ngài đã viết một quyển sách nhỏ về đời sống của đức Matt Talbot và ngài có hy vọng rất lớn rằng ngài có thể phong thánh cho đức Matt Talbot.

Kể cả Đức Giáo hoàng Phaolo VI, khi ngài vẫn còn là hồng y, ngài đã đến Dublin và viếng mộ của đức Matt Talbot. Ngài là giáo hoàng nâng đức Matt Talbot lên bậc đáng kính.


Ireland rất nổi tiếng về những loại nước uống có cồn phổ thông như bia, whiskey…. Cha có ý kiến gì về vấn đề nghiện rượu ngày nay? Vào thời của Đức Matt Talbot, giữa thế kỷ 19 và 20, vấn đề đó là rất phổ biến Bây giờ có vậy không?

Lúc đó, rượu là loại thuốc theo “lựa chọn” của ngài Matt. Và nó đã trở thành một phần lịch sử của chúng tôi. Một số người tìm đến với rượu để đương đầu với những thách đố và đối mặt với những đau khổ của cuộc sống. Nó vẫn là một thách đố đối với chúng tôi, với xã hội Ireland của chúng tôi, nhưng đáng buồn là không chỉ có rượu, có nhiều thứ thuốc phiện khác trên thị trường, thỏa sự lựa chọn cho nhiều người.

Vì vậy nghiện chắc chắn là một hiện tượng của một sự khao khát sâu thẳm nào đó hoặc đói, không chỉ là tinh thần. Và đó là lý do tại sao đời sống của ngài Matt Talbot lại cho chúng ta một sự động viên và hy vọng cho con người. Đời sống của ngài dạy cho chúng ta rằng khi chúng ta có một cơn đói và khát, chúng ta cần phải tìm hiểu chúng ta đang thật sự tìm kiếm điều gì, điều gì có thể làm thỏa mãn chúng ta. Và đó không phải là rượu hay thuốc phiện. Và với cơn khát của Matt, đó là Thiên Chúa Hằng Sống.


Liệu đức tin có đủ để vượt qua được những loại nghiện như nghiện rượu không?

Tôi nghĩ một cách công bằng cho xã hội và chính phủ Ireland, tôi cho rằng họ đang cố gắng áp dụng những luật khác nhau để hạn chế sự sử dụng quá mức rượu và giúp mọi người có một thái độ khác đối với nó. Chúng tôi thường nói rằng chúng tôi không nhìn thấy người ta say rượu ở những quốc gia khác của Châu Âu, trong khi ở đây trong Ireland này chúng tôi có khuynh hướng uống vô độ, điều đó gây ra những hậu quả tàn phá đối với gia đình và các mối quan hệ.

Vì vậy nó là một vấn đề, một vấn đề mà chúng tôi biết rõ rằng nó đang tồn tại trong xã hội Ireland. Nhưng nó là một thách đố, một cuộc chiến mở, một nền giáo dục, nhắm vào những lớp người trẻ, để giúp họ đưa ra những chọn lựa tích cực hơn.


Các cha làm gì để thúc đẩy mẫu gương và sự sùng kính dành cho Bậc Đáng Kính Matt Talbot? Có những hoạt động đặc biệt nào không?

À, nhóm của chúng tôi ở đây, chúng tôi là người trông coi nhà thờ này nơi lưu giữ thánh tích của ngài. Chúng tôi ở đây chủ yếu là chào đón mọi người, những khách hành hương, nói chuyện, đưa thông tin lên website, vân vân. Một trong các linh mục, Cha Brian Lawless, là phó thỉnh cáo viên. Ở tầm mức quốc gia và quốc tế, ngài đang cố gắng thúc đẩy vụ án phong thánh theo nhiều con đường khác nhau.


Điểm quan trọng của chuyến viếng thăm của Đức Phanxico đến đây là gì?

Cuộc viếng thăm nơi này không có trong chương trình ban đầu, nhưng tôi nghĩ Đức Tổng Giám mục của Dublin [Diarmuid] Martin, và chính Đức Phanxico, cảm thấy rất thân thương với cộng đoàn này, vì nó là một cộng đoàn có những cuộc chiến đấu của riêng nó, những thách đố của riêng nó, và có những con người với đức tin vững mạnh. Vì vậy tôi cho rằng các ngài cảm thấy rất thân thương ở đây. Tôi nghĩ nó là một hành động mang tính dấu chỉ khi ngài đặt chân lên mảnh đất thánh là quê hương của chúng tôi. Đó là một điều vô cùng đặc biệt cho chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy được chúc phúc và được động viên vì sự hiện diện của ngài.


Theo chương trình, Đức Thánh Cha chỉ dừng lại ở bên ngoài nhà thờ, nhưng rõ ràng Đức Phanxico thường không làm đúng chương trình, vậy cha có hạnh phúc khi ngài bước vào trong nhà thờ cầu nguyện trước thánh tích?

Chúng ta biết, Đức Phanxico thường làm mọi người ngạc nhiên … Thật tuyệt vời khi ngài quyết định tiến vào bên trong! Vẫn biết ngài có rất ít thời gian, nên chúng tôi dự định đem thánh tích của Đức Matt Talbot ra ngoài, để cho ngài chiêm ngưỡng: một trong những thánh tích đó là sợi dây xích mà Ngài Matt Talbot dùng như một phần của lòng sùng kính Mẹ Maria. Nó trở nên rất quan trọng vì khi ngài qua đời và khi ngài đến nhà thương, các y tá nhìn thấy sợi dây xích và thắc mắc không biết con người này là ai. Thánh tích khác đó là một thánh giá rất thân thương mà ngài Matt đặt trong phòng của ngài. Phòng của ngài là một dạng phòng đan tu. Vì vậy, chúng tôi rất vui vì Đức Phanxico nhìn thấy những thánh tích này, và vì ngài đã đến và cầu nguyện ở đây!


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/8/2018]