Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

Tiếp các tham dự viên Cuộc họp Giáo dục trong Hòa bình và Chăm sóc, 28.11.2022

Tiếp các tham dự viên Cuộc họp vì Giáo dục trong Hòa bình và Chăm sóc, 28.11.2022

Tiếp các tham dự viên Cuộc họp Giáo dục trong Hòa bình và sự Quan tâm, 28.11.2022

*******

Sáng nay, tại Điện Tông tòa Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các sinh viên và các nhà giáo dục tham gia Cuộc họp Giáo dục trong Hòa bình và sự Quan tâm.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước những người hiện diện trong buổi yết kiến:

________________________________________________

Huấn từ của Đức Thánh Cha

Các chàng trai và các cô gái thân yêu, các thầy cô giáo thân mến, xin chào mừng!

Cha rất vui vì các bạn đã nhiệt tình hưởng ứng lời mời gọi của Mạng lưới Trường học Quốc gia vì Hòa bình. Cảm ơn các bạn đã đến! Và cảm ơn tất cả những người đã tổ chức cuộc họp này, đặc biệt là Tiến sĩ Lotti.

Cha xin chúc mừng các con sinh viên, và các nhà giáo dục của các con về chương trình hoạt động và đào tạo phong phú mà các bạn đã thực hiện, mà đỉnh điểm sẽ là cuộc Diễu hành Perugia-Assisi vào tháng Năm năm sau, nơi các bạn sẽ có cơ hội trình bày kết quả công việc của mình và đưa ra những đề xuất.

Assisi giờ đây đã trở thành một trung tâm của thế giới cổ vũ hòa bình, nhờ vào nhân vật đầy sức lôi cuốn là chàng trai trẻ thư thái và nổi loạn đến từ Assisi tên là Phanxicô, người đã rời bỏ gia đình và sự giàu có để theo Chúa và kết duyên với sự nghèo khó Madonna. Người mơ mộng trẻ tuổi đó ngày nay vẫn là nguồn cảm hứng cho tất cả những gì liên quan đến hòa bình, tình huynh đệ, tình yêu thương dành cho người nghèo, môi trường sinh thái và kinh tế. Trong suốt nhiều thế kỷ, Phanxicô đã mê hoặc nhiều người, cũng như ngài đã mê hoặc tôi, trong cương vị Giáo hoàng đã chọn tước hiệu là tên của ngài.

Chương trình giáo dục “Vì Hòa bình, với sự Quan tâm” của các bạn nhằm đáp lại lời kêu gọi về một Công ước Giáo dục Toàn cầu, mà ba năm trước cha đã gửi đến tất cả những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục, để kêu gọi họ thúc đẩy “các giá trị về sự quan tâm đến người khác, hòa bình, công bình, sự thiện, cái đẹp, sự chấp nhận và tình huynh đệ” (Thông điệp Video ngày 15 tháng Mười năm 2020). Và cha rất vui khi thấy rằng không chỉ các trường học, đại học và các tổ chức Công giáo hưởng ứng lời kêu gọi này, mà cả các tổ chức công, thế tục và tôn giáo khác.

Như phương châm của các bạn đã diễn đạt một cách thích đáng, để có được hòa bình, người ta phải biết “quan tâm”. Chúng ta thường nói về hòa bình khi chúng ta cảm thấy bị đe dọa trực tiếp, chẳng hạn như trong trường hợp có thể xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân hoặc một cuộc chiến đang diễn ra ngay trước cửa nhà chúng ta. Cũng như chúng ta quan tâm đến quyền của người di cư khi chúng ta có một người thân hoặc bạn bè đã di cư. Trong thực tế, hòa bình luôn luôn liên quan đến chúng ta, luôn luôn! Cũng như người khác, anh chị em của chúng ta, luôn luôn liên quan đến chúng ta, và chúng ta phải chăm sóc họ.

Một mẫu gương chăm sóc tuyệt vời là người Samari của Tin Mừng, người đã cứu một người lạ mà ông tìm thấy bị thương bên vệ đường. Người Samari không biết người đàn ông bất hạnh kia là người tốt hay kẻ vô lại, giàu hay nghèo, có học hay dốt nát, là người Do Thái, là người Samari như ông hay là ngoại kiều; ông không biết liệu mình có “rước họa vào thân” hay không. Tin mừng kể: “Ông nhìn thấy người kia, và chạnh lòng thương” (Lc 10:33). Ông nhìn thấy người bị thương và động lòng trắc ẩn. Những người khác đến trước ông cũng đã nhìn thấy người đàn ông, nhưng vẫn tiếp tục con đường của họ. Người Samari không tự đặt ra cho mình nhiều câu hỏi như vậy, ông đi theo chuyển động của lòng trắc ẩn.

Trong thời đại của chúng ta cũng vậy, chúng ta có thể gặp được chứng tá xác thực của những người hoặc các tổ chức hoạt động vì hòa bình và chăm sóc cho những người túng thiếu. Ví dụ, chúng ta hãy nghĩ đến những người đã nhận giải Nobel Hòa bình, nhưng cũng có nhiều người vô danh đang âm thầm làm việc vì mục tiêu này.

Hôm nay cha muốn nhắc lại hai chứng nhân. Thứ nhất là Thánh Gioan XXIII. Ngài được gọi là “vị Giáo hoàng tốt lành”, và cũng là “vị Giáo hoàng của hòa bình”, bởi vì trong những năm khó khăn của đầu thập niên 70, được đánh dấu bằng những căng thẳng rất lớn – việc xây dựng Bức tường Berlin, cuộc khủng hoảng ở Cuba, Chiến tranh Lạnh và mối đe dọa hạt nhân – ngài đã công bố Tông huấn nổi tiếng và mang tính tiên tri Pacem in terris. Năm tới sẽ là kỷ niệm lần thứ sáu mươi của Tông huấn, và nó rất hợp thời! Đức Thánh Cha Gioan gửi đến tất cả những người thiện chí, kêu gọi giải pháp hòa bình cho mọi cuộc chiến thông qua đối thoại và giải trừ quân bị. Đó là một lời kêu gọi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm trên thế giới, vượt ra ngoài phạm vi cộng đồng Công giáo, bởi vì nó nắm bắt được nhu cầu của toàn nhân loại, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Đây là lý do tại sao cha mời các bạn đọc và nghiên cứu Tông huấn Pacem in terris, và đi theo con đường này để bảo vệ và truyền bá hòa bình.

Vài tháng sau khi Tông huấn được công bố, một nhà tiên tri khác của thời đại chúng ta, ông Martin Luther King, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1964, đã có bài phát biểu lịch sử trong đó ông nói: “Tôi có một ước mơ”. Trong bối cảnh nước Mỹ bị ghi đậm dấu bởi sự phân biệt chủng tộc, ông đã khiến mọi người mơ ước với ý tưởng về một thế giới công bình, tự do và bình đẳng. Ông nói: “Tôi có một ước mơ: rằng một ngày nào đó bốn đứa con nhỏ của tôi sẽ được sống trong một quốc gia nơi chúng không bị đánh giá bởi màu da mà bởi phẩm chất của chúng”.

Và còn các con, những chàng trai, những cô gái: ước mơ của các con cho thế giới hôm nay và ngày mai là gì? Cha khuyến khích các con hãy ước mơ lớn, giống như Đức Gioan XXIII và ngài Martin Luther King. Và vì thế cha mời các con tham gia vào Ngày Giới trẻ Thế giới sẽ diễn ra tại Lisbon vào năm tới. Những người trong các con đến được sẽ gặp rất nhiều những chàng trai và cô gái khác đến từ khắp nơi trên thế giới, tất cả được hiệp nhất bởi ước mơ về tình huynh đệ đặt nền tảng trên niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng là Hòa bình, là Cha của Đức Giêsu Kitô và là Cha của chúng ta. Và nếu các con không thể trực tiếp đến, cha mời gọi các con hãy theo dõi và tham gia trong mọi trường hợp, bởi vì ngày nay, với các phương tiện truyền thông ngày nay, điều này là có thể.

Cha chúc tất cả các bạn một hành trình tốt lành trong Mùa Vọng mà chúng ta đã bắt đầu hôm qua: một hành trình gồm nhiều cử chỉ hòa bình nhỏ bé mỗi ngày: những cử chỉ đón nhận, gặp gỡ, cảm thông, gần gũi, tha thứ, phục vụ… Những cử chỉ được thực hiện bằng con tim, như những bước chân hướng về Bêlem, hướng về Chúa Giêsu là Vua Hòa bình, hay đúng hơn, chính Ngài là Hòa bình.

Nhà thơ Borges kết thúc, hay đúng hơn, không kết thúc một trong những bài thơ của ông bằng những lời này: “Tôi muốn cảm ơn... ngài Whitman và Thánh Phanxicô Assisi đã viết bài thơ này, vì thực tế bài thơ này không bao giờ kết thúc và hòa quyện với toàn bộ các thụ tạo và sẽ không bao giờ đi đến câu thơ cuối cùng và những thay đổi theo con người”. Ước mong các con cũng vậy, các chàng trai và cô gái, hãy nhận lời mời của nhà thi sĩ để tiếp tục bài thơ của ông, mỗi người hãy thêm lời cảm ơn vào những gì mình muốn. Ước mong mỗi người trong các con trở thành một “nhà thơ hòa bình”! Trở thành những nhà thơ hòa bình: các bạn hiểu chứ? Những nhà thơ của hòa bình.

Cảm ơn các bạn đã đến! Cha ban phép lành cho tất cả các bạn. Và xin các bạn hãy cầu nguyện cho cha. Cảm ơn các bạn.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/11/2022]


Đức Hồng y Sarah: ‘Tự do tôn giáo cũng đang bị đe dọa ở phương Tây’

Đức Hồng y Sarah: ‘Tự do tôn giáo cũng đang bị đe dọa ở phương Tây’

Đức Hồng y Sarah: ‘Tự do tôn giáo cũng đang bị đe dọa ở phương Tây’

Đức Hồng y Robert Sarah | Credit: Daniel Ibanez/CNA.

Hannah Brockhaus

Rome Newsroom, 27 tháng Mười Một, 2022 / 08:00 am


Người Kitô hữu ở phương Tây không nên coi tự do tôn giáo và tự do thờ phượng là điều hiển nhiên, Đức Hồng Y Robert Sarah nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với EWTN News.

Đức Hồng y Sarah, 77 tuổi, nói: “Các mối đe dọa chống lại tự do tôn giáo có nhiều hình thức. Rất nhiều các vị tử đạo tiếp tục chết vì đức tin trên khắp thế giới. Nhưng tự do tôn giáo cũng đang bị đe dọa ở phương Tây.”

Ngài nói thêm: “Đó thường không phải là một mối đe dọa công khai, hay sự thù ghét đức tin,” mà là một “sự thiên vị ngấm ngầm chống lại Kitô giáo”.

Trong cuộc phỏng vấn, sẽ phát sóng trên chương trình Vaticano của EWTN lúc 6 giờ chiều ET vào Chúa nhật, ngày 27 tháng Mười Một, vị hồng y người Guinea đã chỉ ra Sách Xuất hành, kể về 10 bệnh dịch, sự ra đi của người Do Thái và sự hủy diệt của Ai Cập. Ngài nói những sự kiện đó đã diễn ra “để dân Chúa có thể có tự do để thờ phụng Người cách thích đáng.”

“Quyền tự do tôn giáo không được coi là đương nhiên, hoặc bị thỏa hiệp, hoặc bị thờ ơ.”

Đức Hồng y Sarah: ‘Tự do tôn giáo cũng đang bị đe dọa ở phương Tây’

Đức Hồng y Robert Sarah với quyển sách mới nhất của ngài, Catechism of the Spiritual Life (Giáo lý về đời sống thiêng liêng), trong buổi phỏng vấn với EWTN News ở Roma. Credit: Daniel Ibanez/CNA


Đức Hồng Y Sarah đã nói chuyện với EWTN News vào đầu tháng này về quyển sách mới nhất của ngài, “Giáo lý về Đời sống Thiêng liêng,” do Nhà xuất bản EWTN xuất bản bằng tiếng Anh vào tháng Mười.

Quyển sách thứ bảy của Đức Hồng y là một suy tư sâu sắc về bảy bí tích của Giáo hội Công giáo và cách thức để đạt được sự tiến bộ trong đời sống thiêng liêng.

Một trong những chủ đề chính của quyển sách là tầm quan trọng của Thánh lễ và Bí tích Thánh Thể.

“Chúng ta tập trung để cử hành Thánh lễ và rước Chúa của chúng ta trong Bí tích Thánh Thể,” Đức Hồng y Sarah nói trong cuộc phỏng vấn kéo dài một giờ ở Roma.


Ngài chỉ trích điều mà ngài gọi là sự chấp nhận rộng rãi “những hạn chế hà khắc” đối với việc tham dự Thánh lễ trong đại dịch COVID-19.

Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta không thể quên điều này: Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và là tuyệt đỉnh của đời sống Kitô hữu.”

Ngài nói tiếp: “Sự thích nghi có những lúc là cần thiết. Chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều đại dịch hơn và các trường hợp khẩn cấp khác, và sẽ có sự tranh luận về cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này liên quan đến việc cử hành Bí tích Thánh Thể. Điều này là tốt. Nền dân chủ tự do đòi hỏi phải tranh luận, nhưng không bao giờ được quên hoặc bỏ qua tầm quan trọng của việc thờ phượng Thiên Chúa trong cuộc tranh luận. Nền dân chủ tự do không được quên Thiên Chúa.”

Đức Hồng y Sarah: ‘Tự do tôn giáo cũng đang bị đe dọa ở phương Tây’

Đức Hồng y Robert Sarah. Credit: Daniel Ibanez/CNA


Đức Hồng y Sarah trước đây là tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích từ tháng Mười Một năm 2014 đến tháng Hai năm 2021, khi Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận đơn từ nhiệm của ngài.

Đức hồng y đã đệ đơn từ nhiệm lên đức giáo hoàng khi ngài bước sang tuổi 75 vào tháng Sáu năm 2020, theo quy định của Giáo hội.

Khi còn là người đứng đầu phòng phụng vụ, Đức Sarah là vị giám mục Châu Phi cao cấp nhất tại Vatican, nơi ngài đã giữ các vị trí quan trọng kể từ năm 2001.

Ngài Sarah cho biết cuốn sách của ngài tập trung đặc biệt vào các bí tích, cầu nguyện và thập giá.

Đức Hồng y nói: “Đời sống người Kitô hữu phải được xây dựng trên ba trụ cột: crux, hostia và virgo. Thập giá, Thánh Thể và Đức Trinh Nữ Maria. Đây là ba trụ cột mà bạn phải dựa vào đó để xây dựng đời sống Kitô hữu.”

Đức hồng y cho biết việc trở thành tổng trưởng Phòng Phụng tự của Vatican đã thực sự giúp ngài thấy rõ tầm quan trọng của phụng vụ là một khoảnh khắc tuyệt vời và độc đáo “để gặp gỡ trực tiếp Thiên Chúa và được Ngài biến đổi thành một người con của Thiên Chúa và là một người phụng thờ đích thực của Chúa.”

Ngài nói thêm: “Phụng vụ phải đẹp, phải thánh thiêng, và phải yên lặng.”

Ngài cảnh báo việc không nên biến Thánh lễ thành một “sự trình diễn” hay chỉ là một cuộc tụ họp bạn bè, làm mất trọng tâm của việc thờ phượng Thiên Chúa.

Đức Hồng y nói: “Tôi khuyến khích rằng phụng vụ phải ngày càng trở nên thiêng liêng hơn, ngày càng thánh thiện hơn, ngày càng thinh lặng hơn, bởi vì Thiên Chúa thì lặng lẽ, và chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa trong thinh lặng, trong sự tôn thờ. Tôi nghĩ rằng việc đào tạo dân Chúa về phụng vụ là rất quan trọng. Chúng ta có thể cho mọi người thấy được vẻ đẹp, để tôn kính và giữ thinh lặng trong phụng vụ, trong đó cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Kitô được đào sâu.”

Nhận xét về xã hội hiện đại, Đức Hồng y nói: “Thiên Chúa đã bị lãng quên.”

“Tất cả chúng ta đều sống như thể Chúa không tồn tại. Sự nhầm lẫn ngự trị ở khắp nơi. Quá nhiều người thu hẹp cuộc sống của chúng ta, ý nghĩa thực sự của cuộc sống chúng ta, thành cá nhân chủ nghĩa tuyệt đối và chỉ theo đuổi lạc thú chóng qua.”

Ngài nói người Kitô hữu nên đáp lại bằng cách quay trở lại với những điều căn bản của đức tin.

“Chúng ta cần lui khỏi thế gian, đi vào sa mạc, nơi chúng ta có thể học lại những điều căn bản, những điều nền tảng: nhất thần luận, sự mặc khải của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta và Thiên Chúa, Lời của Người, tội lỗi của chúng ta, sự phụ thuộc của chúng ta và việc cần đến lòng thương xót của Người,” ngài nói.

Đức Sarah nói rằng Thiên Chúa, thông qua Giáo hội và các bí tích của Người, “dẫn chúng ta đi vào mối quan hệ ngày càng sâu đậm hơn với Ngài. Và tất cả chúng ta đều cần tìm hiểu lại món quà sâu sắc của Ngài, đó là tình yêu của Chúa.”

Ngài nói, niềm tin vào sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể là một trong những niềm tin nền tảng của Giáo hội, nếu không có niềm tin đó, “Giáo hội sẽ mất đi ý nghĩa sự tồn tại của mình”.

Hồng y cho biết tiếp: “Giáo hội không phải là một tổ chức xã hội để giải quyết các vấn đề di cư hay nghèo đói. Giáo hội có một mục đích thiêng liêng: giải thoát thế giới.”

Ngài nói: “Nếu Chúa Kitô không cư ngụ trong Giáo Hội một cách hữu hình, qua bí tích, thì chúng ta có tin mừng nào để công bố cho thế giới? Ý nghĩa của việc rao giảng Tin Mừng là gì? Khi người Kitô hữu quên đi lý do tại sao mình là Kitô hữu, thì cộng đoàn phải rơi vào sự suy tàn. Họ quên Tin mừng và đánh mất mục đích của mình.”

Đức Hồng Y Sarah cho biết cuộc chiến thiêng liêng vẫn giống như trước đây, ngay cả nhiều giám mục và linh mục không còn nhắc nhở người Công giáo về thực tại của nó. Ngài giải thích rằng vũ khí của chúng ta trong cuộc chiến này là Lời Chúa.

Cần phải “hướng về Thiên Chúa mỗi ngày, không chỉ để được an ủi giữa những nghịch cảnh trần gian, mà còn vì chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Người trong cuộc chiến đấu lớn lao. Tất cả chúng ta đều đang trong cuộc chiến dù có nhận ra nó hay không. Thật tốt khi tất cả chúng ta nhận thức được sự thật đó và bảo đảm rằng mỗi ngày chúng ta đều chiến đấu bên phía của Chúa,” ngài nói.

Đức Hồng y Sarah: ‘Tự do tôn giáo cũng đang bị đe dọa ở phương Tây’

Đức Hồng y Robert Sarah. Credit: Daniel Ibanez/CNA


Đức Hồng y Sarah nói rằng quyển sách “Giáo lý về Đời sống Thiêng liêng” nhằm trả lời cho “sự lẫn lộn ngày nay, bên ngoài và thậm chí cả bên trong Giáo hội”.

“Tôi thấy cần phải trình bày một số suy tư về sự tiến bộ tinh thần của chúng ta trong đời sống thiêng liêng: sự tiến bộ trong mối quan hệ cá nhân và mật thiết của chúng ta với Chúa Giêsu Kitô.”

Ngài nói thêm rằng ngài hy vọng quyển sách sẽ đáp ứng “một nhu cầu sâu sắc của thời đại chúng ta.”

Đức Hồng y nói: “Mỗi người trong chúng ta phải liên tục cố gắng để đến gần Chúa Giêsu Kitô hơn, trở về với Lời của Người, và với sự đơn sơ của đức tin trong mặc khải của Người. Đó là sự đơn sơ của sa mạc, của sự thừa nhận tính lệ thuộc của chúng ta vào Thiên Chúa, và gặp gỡ Người và món quà tình yêu và ân sủng của Chúa, nhờ đó Chúa làm cho chúng ta trở nên giống Người.”

“Đó là lý do tại sao tôi quyết định viết quyển ‘Giáo lý về Đời sống Thiêng liêng.’”




[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/11/2022]