Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

Đức Thánh Cha Phanxico: nếu anh em muốn lòng thương xót, hãy biết nhận mình là những tội nhân

Đức Thánh Cha Phanxico: nếu anh em muốn lòng thương xót, hãy biết nhận mình là những tội nhân

Đức Thánh Cha Phanxico: nếu anh em muốn lòng thương xót, hãy biết nhận mình là những tội nhân
Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ, 21 tháng Chín, 2017
21/09/2017 13:21
(Vatican Radio) Đức Thánh Cha giảng trong Thánh Lễ thứ Năm – Lễ Thánh Mát-thêu Tông đồ Thánh sử – trong nhà nguyện Thánh Marta ở Vatican.
Trong phần giảng sau các Bài đọc trong ngày, trong đó có chính trình thuật của Thánh Mát-thêu miêu tả sự trở lại của ngài và tiếng gọi làm tông đồ, Đức Thánh Cha tập trung vào ba giai đoạn của trình thuật: lời gọi, tiệc mừng và những sự tai tiếng.
Chúa Giê-su vừa chữa lành một người bại liệt thì Người gặp Mát-thêu – một người thu thuế, tức là một nhân vật bị xã hội Do thái khinh miệt và bị coi là kẻ phản bội quê hương và dân tộc – đang ngồi tại bàn thu thuế.
Chúa Giê-su nhìn ông và nói, “Hãy theo tôi,” và Mát-thêu đứng dậy và đi theo Người
Tiếng gọi là bức họa nổi tiếng cảnh này của Caravaggio, Đức Thánh Cha Phanxico nói đến “cái nhìn thiếu cảm tình” của Mát-thêu với một mắt thì nhìn Đấng Cứu Thế còn mắt kia thì nhìn vào cái túi của mình: một cái nhìn thậm chí cảnh giác, nếu không nói là hoàn toàn mang tính gây hấn. Rồi, với cái nhìn đầy lòng thương xót của Chúa Giê-su chuyển tải tình yêu quá mạnh đến mức sức kháng cự của con người chỉ muốn đồng tiền “bị thất bại”: Mát-thêu đứng dậy và đi theo Người.
Đức Thánh Cha Phanxico nói “đó là cuộc chiến giữa lòng thương xót và tội.”
Tình yêu của Chúa Giê-su đã đi vào tâm hồn con người đó, Mát-thêu, vì ông “biết ông là một người có tội,” ông biết “ông không được mọi người yêu mến,” và thậm chí là bị khinh miệt. Đó chính là “ý thức về tội đã mở ra cánh cửa cho lòng thương xót của Chúa Giê-su.” Vì vậy “Mát-thêu để lại mọi thứ” và đi theo một hành trình mới với Chúa Giê-su.
Đây là cuộc gặp gỡ giữa một tội nhân và Chúa Giê-su:
“Đây là điều kiện đầu tiên của ơn cứu độ: cảm thấy mình đang trong sự nguy hiểm. Đây là điều kiện đầu tiên của sự chữa lành: cảm thấy bị bệnh. Cảm nhận mình có tội là điều kiện đầu tiên để nhận được cái nhìn của lòng thương xót. Nhưng chúng ta hãy nghĩ đến cái nhìn của Chúa Giê-su, quá đẹp, quá tốt lành, quá thương xót. Và cả chúng ta cũng vậy, khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta cảm nhận được cái nhìn này trên chúng ta; đó là cái nhìn của tình yêu, cái nhìn của lòng thương xót, cái nhìn cứu thoát chúng ta. Đừng e ngại.”
Mát-thêu – cũng giống như Da-kêu – cảm nhận hạnh phúc, đã mời Chúa Giê-su về nhà dùng bữa. Giai đoạn thứ hai là “tiệc tùng” – một tiệc mừng. Mát-thêu mời bạn bè, “những người trong cùng một hội,” những người tội lỗi và người thu thuế.
Đức Thánh Cha nói rằng việc này nhắc lại lời của Chúa Giê-su trong chương XV của Tin mừng Lu-ca: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn hối cải hơn một trăm người công chính không cần ăn năn hối cải.” Đây là sự vui mừng của sự gặp gỡ với người Cha, sự vui mừng của lòng thương xót. Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng Chúa Giê-su rất hoang phí lòng thương xót, lòng thương xót cho tất cả mọi người.
Rồi đến giai đoạn thứ ba: sự tai tiếng
Người Pha-ri-sêu nhìn thấy những người thu thuế và người tội lỗi ngồi đồng bàn với Chúa Giê-su, và hỏi các tông đồ của Ngài, “Làm sao mà Thầy của các anh lại ngồi ăn chung với mấy người thu thuế và kẻ tội lỗi thế kia?” Và từ đó Đức Thánh Cha Phanxico phân tích rằng, “Một vụ tai tiếng luôn bắt đầu bằng cách hỏi như vầy: ‘Làm sao mà…?” Ngài tiếp tục nói, “Khi anh chị em nghe thấy cách hỏi như vậy, nó bắt đầu có mùi rồi đấy,” và “sau đó là tai tiếng.” Về bản chất, họ bị sốc vì “sự ô uế không chịu thực hiện theo luật.” Họ biết “Giáo lý” rất giỏi, họ biết cách làm sao để đi “trên con đường của Vương quốc Thiên Chúa,” biết “rõ hơn ai hết mọi điều phải được thực thi theo cách nào,” nhưng “họ lại quên lệnh truyền đầu tiên, đó là yêu thương.” Rồi, “họ bị khóa chặt vào những hy tế,” có lẽ họ nghĩ rằng, “Nhưng chúng ta hãy dâng hy lễ lên Thiên Chúa, chúng ta hãy làm tất cả những gì chúng ta phải làm, và tất cả chúng ta được cứu độ.” Tóm lại, họ tin rằng ơn cứu độ đến từ chính bản thân họ, họ cảm thấy an toàn. Đức Thánh Cha Phanxico nói, “Không phải. Thiên Chúa cứu độ chúng ta, giải thoát chúng ta đó là Chúa Giê-su Ki-tô.”
Cách hỏi ‘Làm sao mà …’ đó, câu hỏi chúng ta đã nghe rất nhiều lần từ những người Công giáo khi họ nhìn thấy những hành động của các mối phúc. Làm sao mà? Chúa Giê-su rất rõ ràng: ‘Hãy đi và học.’ Người sai họ đi để học, đúng không? ‘Hãy đi và học ý nghĩa của thương xót là gì. “Đó là những gì ta muốn, và không phải là hy lễ, vì ta không đến để kêu gọi người công chính nhưng là kêu gọi người tội lỗi.” Nếu anh chị em muốn được Chúa Giê-su gọi, hãy biết nhận mình là một tội nhân.”
Nếu anh chị em muốn đón nhận lòng thương xót, hãy biết nhận mình là tội nhân
Vì thế, Đức Phanxico kêu gọi chúng ta biết nhận mình là tội nhân, không phải là “có tội” theo nghĩa trừu tượng nhưng “tội cụ thể.” Ngài nói, rất nhiều tội mà “tất cả chúng ta thường phạm.” Ngài tiếp tục, “Chúng ta hãy trông cậy vào cái nhìn thương xót đầy tình thương yêu đó của Chúa Giê-su.”
Tiếp tục nói về sự tai tiếng đó, ngài nói rằng có rất nhiều người:
“Có rất, rất nhiều người – luôn luôn, thậm chí ngay trong Giáo hội hôm nay. Họ nói, ‘Không, anh không được như vậy, vấn đề rất rõ ràng. Không, không – đó là những kẻ tội lỗi, chúng ta phải tránh xa họ ra.” Rất nhiều vị thánh cũng đã bị bắt bớ hoặc bị nghi ngờ. Chúng ta cứ nghĩ đến Thánh Joan of Arc, bị đưa lên giàn thiêu, vì người ta nghĩ rằng thánh nữ là một phù thủy, và kết án thánh nữ. Một vị thánh! Hãy nghĩ đến Thánh Teresa, bị nghi ngờ là theo dị giáo, nghĩ đến Chân phước [Antonio] Rosmini. ‘Ta muốn tình yêu chứ không cần hy tế.’ Và cánh cửa để đến gặp Chúa Giê-su là nhận ra đúng con người của mình, rằng chúng ta là những tội nhân. Và Ngài đến, và chúng ta gặp gỡ Chúa. Thật tuyệt vời biết bao được gặp gỡ Chúa Giê-su.”

[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 22/09/2017]


Kỷ niệm lần thứ 35 Quỹ Cộng đoàn Shalom

Kỷ niệm lần thứ 35 Quỹ Cộng đoàn Shalom

“Dạy và giúp đối thoại giữa người trẻ, người già”
5 tháng Chín, 2017
Kỷ niệm lần thứ 35 Quỹ Cộng đoàn Shalom
Đức Thánh Cha với Cộng đoàn Shalom © L'Osservatore Romano
Đức Thánh Cha Phanxico đề nghị các thành viên của Cộng đoàn Công giáo Shalom “dạy và giúp đối thoại giữa người trẻ và người già. Họ có sự khôn ngoan, và còn hơn thế nữa, họ đang cần các bạn đánh động vào con tim họ để họ trao cho bạn sự khôn ngoan,” ngài nói về người già.
Sáng nay, 4 tháng Chín, 2017, Đức Thánh Cha tiếp kiến các thành viên của Cộng đoàn Công giáo Shalom kỷ niệm năm thứ 35 của hội, và ngài ban cho họ ơn Đại xá, trùng với chuyến hành hương đến Roma của họ.
Moyses Azevedo, người sáng lập Cộng đoàn, dâng hiến cuộc đời, trước sự hiện diện của Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II năm 1982 để rao giảng phúc âm cho giới trẻ, tham sự buổi gặp gỡ, được tổ chức trong đại sảnh Phao-lô VI.
Dưới đây là bản dịch đầy đủ của ZENIT diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trước các thành viên của Cộng đoàn Shalom, sau khi lắng nghe các chứng ngôn của các bạn trẻ: Juan, Justine và Matteus.

Diễn từ của Đức Thánh Cha
Cảm ơn các con rất nhiều về những chứng ngôn. Cha thắc mắc không biết các con có thể nói bằng tiếng Tây Ban nha không (nói lớn và vỗ tay) chứ đừng nói tiếng Ý để cha có thể diễn tả tốt hơn, tuy nhiên, nói tiếng Ý thì người ta lại nói hơi hơi “portunol” (sự pha tạp không có hệ thống giữa tiếng Bồ Đào nha và Tây Ban nha) và một chút “cocoliche (tiếng Tây Ban nha lai tạp của di dân Ý).
Juan, con tìm thấy ý nghĩa cuộc đời trong lời cầu nguyện. Trong cuộc sống huynh đệ, trong cộng đoàn và trong việc rao giảng phúc âm, nghĩa là, bằng cách cầu nguyện, chia sẻ và rao giảng phúc âm con nhận ra rằng cuộc sống của con có ý nghĩa. Thấy rằng ba động từ mà con dùng để giải thích việc này là những động từ chỉ hành động, chỉ việc thoát ra khỏi bản thân của mình. Con đã thoát ra khỏi bản thân mình trong lời cầu nguyện để gặp gỡ Thiên Chúa; con bước ra khỏi bản thân mình trong việc chia sẻ tình huynh đệ để gặp gỡ anh em, và con bước ra khỏi bản thân mình để ra đi và rao giảng tin vui, và tin vui đó là lòng thương xót, trong một thế giới được đánh dấu bởi sự hy vọng và bởi sự khác biệt.
Đây là điều đáng học hỏi, lòng thương xót phải là xác thực; các con “không thể” chỉ nói về lòng thương xót, các con “phải” làm chứng tá cho nó, các con “phải” chia sẻ nó, các con “phải” thể hiện nó bằng cách thoát ra khỏi bản thân của mình. Để nói về lòng thương xót chúng ta phải xỏ miếng thịt vào cái xiên nướng, bằng không chẳng ai hiểu được nó. Chứng tá đó, là không khóa mình vào bản thân, vào trong những thú vui của riêng mình, nhưng là ra đi, ra đi tìm Thiên Chúa; tìm kiếm Thiên Chúa không phải là dễ, nó là toàn bộ một hành trình … Bước ra ngoài để chia sẻ với tha nhân, không đóng vai là một cậu ấm có đặc ân được cho hết mọi đồ chơi và mọi thứ cho bản thân, nhưng là bước ra ngoài và nói với người khác rằng Thiên Chúa là tốt lành, và rằng Thiên Chúa đang chờ đợi chúng con ngay cả trong những giây phút xấu nhất của cuộc đời. Và có thể đó là một thông điệp của lòng thương xót mà chúng ta có thể cho đi. Không ư?
“Hãy nhớ” trình thuật người con trở về nhà, Lu-ca Chương 15. Có một câu nói rằng: “Người cha nhìn thấy anh ta khi anh ta vẫn còn ở xa xa.” Anh ta (đứa con trai) đã bỏ nhà ra đi ít năm trước, và anh ta đã phung phí hết tiền bạc của mình, nhìn thấy anh ta từ xa xa. Điều này bắt cha phải suy nghĩ mỗi ngày, có thể là người cha thường xuyên lên sân thượng nhà để ngóng xem đứa con có trở về không. Thiên Chúa là như vậy đối với chúng ta, ngay cả trong những giây phút tồi tệ nhất của tội lỗi, thậm chí trong những giây phút khó khăn nhất, và Tin mừng tiếp tục: người cha nhìn thấy anh ta từ xa xa và động lòng thương, động từ này bên tiếng Hê-brơ có nghĩa là “xúc động tận trong sâu thẳm tân hồn, từ tận sâu thẳm tâm hồn người cha và người mẹ là Thiên Chúa.”
“Rồi ông chạy đến và ôm chầm lấy đứa con,” đứa con đó trong tình trạng tồi tệ nhất của tội lỗi, trong tình trạng xấu nhất và khi anh ta tự nhủ rằng tôi sẽ quay trở về với cha tôi, thì người cha đã chờ đợi anh ta. Đó là lòng thương xót. Đừng bao giờ tuyệt vọng. Hơn nữa, dường như Thiên Chúa của chúng ta có một sự chú tâm đặc biệt đối với các tội nhân. Người chờ đợi chúng ta. Vì vậy cha cũng đề nghị với chúng con rằng, hãy tiếp tục thoát ra khỏi bản thân chúng con, và “làm” cho mọi người hiểu rằng có một người Cha đang chờ đợi chúng ta với lòng yêu thương và nhân hậu ngay từ bước đầu tiên chúng ta muốn quay trở về. Đây là những gì chợt đến với cha và cha nói ra với chúng con. Cảm ơn chúng con.
Phá vỡ tấm gương!
Justine, con đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội trong Năm thánh Thương xót — thật dễ thương. Con nhận ra rằng việc con gặp gỡ Thiên Chúa đã làm con thoát khỏi bản thân, không còn tập trung vào bản thân con, dấn thân ra ngoài để đến với niềm vui của cuộc sống với Thiên Chúa và cho Thiên Chúa.
Một trong những điều – ở đây tất cả đều là tuổi trẻ – chúng con cũng vậy, trẻ tuổi ở giai đoạn hai, tất cả đều còn trẻ, một trong những điều làm nổi bật đặc trưng của tuổi thanh xuân và của sự trẻ trung bất diệt của Thiên Chúa – vì Chúa mãi luôn là mùa xuân tuổi trẻ, Ngài là niềm vui, “niềm hân hoan,” niềm vui. Nỗi buồn là nghịch lại với niềm vui, một nỗi buồn mà thật ra nó phát xuất tự bản thân, xuất phát tự bản thân gây ra nỗi buồn, đó là lấy mình làm trung tâm, xem mình là trung tâm.
Bây giờ một hình ảnh hiện lên trong đầu cha, văn hóa mà chúng ta đang sống là rất vị kỷ, rất rất nhiều như vầy (ngài làm một cử chỉ bằng bàn tay của ngài), nó là vấn đề chỉ chú ý vào bản thân, với mức độ yêu mình quá đáng, quá chăm sóc bề ngoài, và vì thế làm ngơ những người khác. Tính yêu mình thái quá gây ra nỗi buồn vì người ta “sống” mà cứ phải “trang điểm” cho linh hồn mỗi ngày, để trông vẻ ngoài tốt hơn giá trị “thật” của họ, quá chăm sóc bề ngoài để người ta “có” nhiều nét đẹp hơn người khác; đó là căn bệnh của cái gương. Các bạn trẻ à, hãy đập vỡ cái gương đi! Đừng nhìn vào mình trong gương, vì cái gương nói đánh lừa bản thân.
Hãy nhìn ra bên ngoài, hãy nhìn vào người khác, hãy thoát ra khỏi thế giới này, khỏi cái văn hóa mà chúng ta đang sống, văn hóa mà chúng con đang lấy làm tiêu chuẩn soi chiếu đó là chủ nghĩa tiêu dùng và xem mình là trung tâm, và nếu một ngày nào đó chúng con muốn xem mình trong gương, cha cho chúng con một lời khuyên: Hãy nhìn vào mình trong gương và cười giễu chính mình! Bữa nào chúng con cứ thử xem. Nhìn và cười vào những gì mình nhìn thấy trong gương, nó sẽ làm tươi mới lại tinh thần chúng con; chúng con có khả năng cười giễu chính bản thân mình. Điều đó đem lại niềm vui và cứu chúng ta thoát khỏi cám dỗ của chủ nghĩa xem mình là trung tâm. Cảm ơn con, Justine.
Nguồn cội của tâm hồn
Matteus, con nói “tiếng Bồ Đào nha của người Brazil,” cha phải hỏi con một câu: Ai giỏi hơn? Pele hay Maradona? (Tất cả bật cười). Con đã vượt qua hang ổ của ma túy một thời gian dài, và nó là một trong những công cụ mà môi trường văn hóa chúng ta đang sống đây kiểm soát chúng ta, và về mặt khác, có vẻ như chúng ta cần phải biến mình trở nên nhẹ nhàng, hư không đối với bản thân, giống như chúng ta là không khí vậy.
Ma túy làm cho chúng ta chối bỏ tất cả những gì thuộc nguồn cội của chúng ta, cội nguồn của thân xác con người, cội nguồn của lịch sử, cội nguồn của các vấn đề, tất cả đều có nguồn cội của nó. Nó quét sạch tất cả mọi cuội nguồn và làm cho chúng con sống trong một thế giới không có nguồn cội, nhổ rễ tất cả những gì thuộc quá khứ, thuộc lịch sử của chúng con, nhổ bật nguồn cội của quê hương chúng con, của gia đình, của tình yêu của chúng con, của tất cả mọi thứ. Con người sống trong một thế giới không có nguồn cội, và đó là thảm kịch của ma túy, tuổi trẻ hoàn toàn bị nhổ rễ hết mọi nguồn cội, chẳng còn một cam kết thật sự nào, tức là chẳng còn một cam kết nào ngay cả đối với thân xác, vì với ma túy chúng con thậm chí chẳng còn cảm nhận được thân xác.
Sau khi đã bước qua được kinh nghiệm hư không đó, và sau khi đã trở lại có ý thức, chúng con sẽ nhìn thấy được mọi cội nguồn ở đó trong tâm hồn của mình. Cha hỏi từng người chúng con, chúng con có ý thức được tất cả những nguồn cội đó trong tâm hồn mình không? Chúng con có ý thức được những cội nguồn của mình không? Chúng con có ý thức được tình yêu của mình không? Chúng con có ý thức được những dự án của mình không? Chúng con có ý thức được khả năng sáng tạo mà chúng con có không? Chúng con có ý thức được rằng chúng con là những nhà thi sĩ trong vũ trụ này để tạo ra những điều mới lạ và đẹp đẽ không?
Thoát khỏi ma túy tức là ý thức được những điều đó. Chứng ngôn của một bạn trong chúng con đã thoát được nó. Chính câu hỏi này đã được đặt ra mà cha vừa hỏi chúng con, mỗi chúng con hãy tự trả lời cho mình: Tôi có ý thức về việc tôi đang đứng trên mặt đất này không, với tất cả những ý nghĩa nguồn cội về lịch sử, về xã hội? — nguồn cội của sự khôn ngoan, của tình yêu, của những chương trình, của khả năng sáng tạo? Và chúng con muốn làm phù hợp với chương trình của Chúa, và chúng con nhận ra rằng đối với chúng con chương trình đó là an ủi những nỗi thống khổ của nhân loại và chúng con “nói”  rằng chúng con “muốn” có hành trình đến thượng hội đồng này. Trong hành trình thượng hội đồng này tất cả chúng ta phải nhận thức được ơn gọi của mình, như chúng con nói, là để nhìn thấy những gì Thiên Chúa muốn nói với chúng ta trên quan điểm của sứ vụ.
Cho đi một cách nhưng không
Cha sẽ nói bằng một cụm từ duy nhất, nó không phải của cha: cho đi một cách nhưng không. Khi chúng con ở đây, khi chúng ta ở đây, đó là vì chúng ta được đem đến đây một cách nhưng không. Xin chúng con, hãy cho đi một cách nhưng không những gì chúng ta đã đón nhận. Hãy cho đi một cách nhưng không những gì chúng ta đã đón nhận. Và cho đi một cách nhưng không làm giàu có tâm hồn của chúng con, nó làm chúng con đi nghịch lại với tính thương mại hóa, nó làm chúng con trở nên hào hiệp, nó dạy cho chúng con biết cách ôm và hôn; nó làm chúng con mỉm cười. Nó làm chúng con thoát khỏi mọi sự quan tâm do tính ích kỷ. Hãy cho đi một cách nhưng không những gì chúng ta đã đón nhận. Đó là lời dạy của mà Ngài đang mời gọi chúng ta áp dụng. Các con đồng ý chứ?
Các thành viên của Cộng đoàn Shalom trả lời: “Vâng!” Đức Thánh Cha nói: “Ôi Chúa tôi, trông mọi người kìa! Hình như thay vì động viên mọi người, cha lại đang cho chúng con một cái chăn bông ấm để vùi đầu ngủ.” (Các bạn trẻ la lên và huýt sáo. Đức Thánh Cha và tất cả mọi người cười.)
Những người lớn, những thành viên lớn tuổi nhất của Cộng đoàn Shalom phải làm gì? Thế giới này đang đòi chúng ta, đòi hỏi ân tứ này, đòi hỏi Cộng đoàn này, cách phục vụ như thế nào? Cách phục vụ như thế nào? Ở đây có một điều rất dễ thương, có những người trẻ tuổi nhất và lớn tuổi nhất. Sự phục vụ mà tất cả chúng ta được đòi hỏi phải thực hiện là sự đối thoại, đối thoại giữa chính chúng ta, truyền cho nhau ngọn đuốc, truyền cho nhau di sản, truyền cho nhau ân tứ, truyền cho nhau cách sống những điều này nhưng cha còn muốn đi xa hơn nữa, và một trong những thách đố mà thế giới ngày nay đang đòi hỏi chúng ta là sự đối thoại giữa người trẻ tuổi và người cao tuổi, và trong vấn đề này cha dựa trên những chứng ngôn của các con.
Đối thoại giữa người trẻ tuổi và người cao tuổi
“Vâng, thưa cha, chúng con đã nghe cha nói điều này rồi,” và chúng con sẽ còn nghe cha nói điều này nhiều lần nữa – đối thoại giữa người trẻ tuổi và người cao tuổi. Người trẻ cần phải lắng nghe người già, và người già cần phải lắng nghe người trẻ. “Và, rồi con sẽ làm gì?” Có thể một bạn trẻ sẽ hỏi như vậy. “Con sẽ làm gì, nói chuyện với một người già ư? Chán vô cùng.”
Cha có kinh nghiệm chứng kiến nó nhiều lần trong giáo phận kia, ví dụ, đến một nhà Dưỡng lão, đến một nhà Chăm sóc Người già và chơi guitar với các cụ, và ôi chao, đúng, các cụ cũng chơi guitar … và rồi cuộc đối thoại tự nó bắt đầu, nó xảy ra, tự nó phát ra, và rồi các bạn trẻ không muốn rời khỏi nơi đó, vì sự thông thái từ những người cao tuổi truyền ra, nhưng là một sự thông thái đụng chạm vào tâm hồn của họ và thúc đẩy họ tiến tới.
Người cao tuổi không phải là những người mà đối với chúng con là bỏ cất vào trong tủ. Người già không phải là người phải cất giấu đi; người già đang chờ giới trẻ đến để làm cho họ nói, để làm cho họ ước mơ và chúng con, những người trẻ tuổi, cần phải đón nhận những ước mơ từ những cụ già đó, những niềm hy vọng đó sẽ làm cho chúng con sống.
Câu trả lời của cha theo kinh nghiệm là những người lớn tuổi hơn của Phong trào Shalom nên dành cho những người trẻ tuổi hơn: hãy dạy và giúp cho sự đối thoại giữa người trẻ và người lớn tuổi. “Có, con có nói chuyện với mẹ con, với ba con …” Không, mẹ và ba của con không phải là người già. “Hãy nói chuyện” với ông với bà của con, cụ thể là thế hệ già. Họ có sự khôn ngoan của họ, và thậm chí còn hơn thế, họ có nhu cầu cần chúng con phải gõ vào trái tim của họ để họ tặng cho chúng con sự khôn ngoan, và đó là lời đề nghị của cha.
Hãy tự cổ vũ cho mình, hãy tự cổ vũ cho mình trong sự đối thoại này; sự đối thoại đó là một lời hứa cho tương lai; sự đối thoại đó sẽ giúp chúng ta tiến tới. Cha không biết cha đã trả lời được cho câu hỏi của chúng con chưa. Rất tốt, cảm ơn chúng con.
Cha không biết chương trình sẽ tiếp tục ra sao … nhưng cha vẫn còn hoài nghi về phần cuối của câu hỏi cuối cùng, về sự đối thoại giữa người trẻ tuổi và người cao tuổi: Moyses trẻ hay già vậy ta? (Cười và vỗ tay)

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 06/09/2017]