Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

Văn bản cuộc đối thoại của Đức Thánh Cha với các Giám mục Ba lan (Phần 2)

Văn bản cuộc đối thoại của Đức Thánh Cha với các Giám mục  Ba lan (Phần 2)

Lòng thương xót, giáo xứ, hệ tư tưởng giới tính, di dân và các chủ đề khác
4 tháng 8, 2016
pope francis
L'Osservatore Romano
Đức ông Slawoj Leszek Glodz (Tổng giám mục Gdansk):
Thưa Đức Thánh Cha Phanxico, chúng con thật cảm kích vì Đức Thánh Cha suy tư nhấn mạnh thêm về giáo huấn lòng thương xót, điều mà Thánh Gioan Phaolo II thực sự đã bắt đầu tại đây ở Krakow. Tất cả chúng ta đều biết rằng chúng ta đang sống trong một thế giới bị thống trị bởi những bất công: người giàu trở nên giàu hơn, người nghèo thì thống khổ hơn; rồi nạn khủng bố, rồi có những kiểu đạo đức và luân lý tự do, bỏ qua Thiên Chúa … Và câu hỏi của con là: chúng ta có thể áp dụng giáo huấn lòng thương xót như thế nào, và đặc biệt cho ai? Đức Thánh Cha đã đưa ra một liều thuốc được gọi là “lòng thương xót,” mà chính con đã uống: xin cảm ơn người với sự giới thiệu liều thuốc ...
Đức Thánh Cha Phanxico:
… nhưng bây giờ là “lòng thương xót cộng” để làm: nó phải mạnh hơn nữa!
H.E. Đức ông Slawoj Leszek Glodz:
… vâng, và cảm ơn người vì cái “cộng” này. Chúng con cũng đã có chương trình “cộng” được chính phủ đưa ra cho nhiều gia đình. Cái “cộng” này bây giờ đang là thời thượng. Cho ai và như thế nào, đặc biệt, có nên đưa nó ra không? Quay lại vấn đề ban đầu, ai là mục tiêu cho giáo huấn của lòng thương xót? Xin cảm ơn người.
Đức Thánh Cha Phanxico:
Cảm ơn Đức ông. Câu hỏi này về lòng thương xót không phải điều tự phát trong đầu của cha. Nó là một quá trình. Nếu chúng ta nghĩ đến Chân phước Phaolo VI, ngài đã có một ít đề cập đến lòng thương xót. Rồi, Thánh Gioan Phaolo II là vị khổng lồ của lòng thương xót, với Thông điệp Dives in Misericordia (Thiên Chúa giàu lòng thương xót), tôn phong Thánh Faustina, và rồi sau đó là tuần Bát nhật Phục sinh: ngài đã qua đời vào buổi tối của ngày đó. Nó đã là một quá trình, trong nhiều năm, trong Giáo hội. Chúng ta nhận thấy Thiên Chúa yêu cầu phải làm sống lại thái độ lòng thương xót này trong Giáo hội giữa các tín hữu. Người là Đấng giàu lòng thương xót tha thứ tất cả. Một bức ảnhTrung cổ đã làm cho xúc động rất nhiều, đó là bức ảnh trong Vương cung Thánh đường Thánh Mary Magdalena ở Vezelay, Pháp, nơi bắt đầu của đường hành hương Camino of Santiago. Trong bức ảnh đó, một mặt là ảnh Giu-đa treo cổ, đôi mắt mở, lưỡi lè ra, và mặt bên kia là Người Mục tử nhân lành đang khiêng anh ta (Giu-đa) theo người. Và nếu chúng ta nhìn kỹ, chăm chú vào khuôn mặt của Người Mục tử nhân lành: ở một bên đôi môi của người buồn bã, nhưng ở bên kia môi đang mỉm cười. Lòng thương xót là một màu nhiệm; đó là một màu nhiệm; đó là màu nhiệm của Thiên Chúa. Cha được phỏng vấn tại đó, sau đó một quyển sách được xuất bản với tựa đề Tên của Thiên Chúa là Lòng thương xót (The Name of God Is Mercy), nhưng nó không phải là cụm từ của báo chí. Cha nghĩ chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót – ít nhất trong Tin mừng, Chúa Giê-su được mô tả như vậy. Người trách phạt để hoán cải. Và rồi các dụ ngôn về lòng thương xót, và cách Người muốn giải thoát chúng ta … Khi đến thời gian viên mãn, Người sai Con Người xuống sinh ra từ một người phụ nữ: mang xác thịt con người; Người đã giải thoát chúng ta bằng bằng máu thịt của Người; không phải bằng sự sợ hãi nhưng bằng máu thịt của Người. Từ đó qua Giáo hội chúng ta lãnh nhận được quá nhiều ân sủng.
Và rồi Người nhìn thấy thế gian trở nên bệnh tật với sự bất công, bệnh tật vì thiếu yêu thương, vì trụy lạc. Điều này là đúng, điều này là thật. Hôm nay trên máy bay, khi đang nói về người linh mục ngoài 80 tuổi bị giết ở Pháp: có chỗ cha đã nói rằng thế giới đang có chiến tranh, rằng chúng ta đang sống trong Chiến tranh Thế giới thứ Ba từng vùng. Chúng ta hãy nghĩ đến Nigeria … Những  hệ tư tưởng, nhưng hệ tư tưởng của ngày nay là gì, và nó quả thực là trung tâm và là mẹ đẻ của tham nhũng, của chiến tranh? Nó chính là sự sùng bái đồng tiền. Người nam người nữ không còn ở đỉnh cao nhất của tạo hóa nữa, thần tượng là đồng tiền được đặt vào đó, và mọi thứ được mua và bán bằng tiền. Tiền là trung tâm điểm.  Con người đang bị bóc lột. Và còn nạn buôn người ngày nay thì sao? Nó luôn luôn là như vậy: sự tàn bạo! Cha có nói chuyện này với một người đứng đầu chính phủ và ông nói với cha: “Xưa và nay luôn luôn lúc nào cũng có sự tàn bạo. Vấn đề bây giờ là chúng ta nhìn thấy nó trên TV, nó đến quá gần với cuộc sống của chúng ta.” Xưa và nay luôn luôn lúc nào cũng có sự tàn bạo –  giết người vì tiền — bóc lột vì tiền, bóc lột tạo hóa. Khi một vị đứng đầu một chính phủ ở Châu Phi mới được bầu gần đây đến tham dự buổi triều yết, ông nói với  cha: “Hoạt động chính phủ đầu tiên mà con làm là tái trồng rừng trong nước, rừng đã bị phá hủy và tàn phá.” Chúng ta không chăm sóc tạo vật! Và điều này  có nghĩa có nhiều người nghèo hơn, nhiều tham nhũng hơn.
Nhưng chúng ta nghĩ sao khi 80% — nhiều hơn hoặc ít hơn, trông rất đẹp trên con số thống kê, và nếu không phải 80 thì 82 hay 78 – của cải giàu có nằm trong tay dưới 20% dân số. “Cha ơi, đừng nói như vậy, nó làm cha giống như Cộng sản vậy!” Không, không, đây là những con số thống kê! Và ai trả giá cho điều này? Người dân trả, dân của Chúa: các em gái bị bóc lột, giới trẻ không việc làm. Ở Ý, độ tuổi từ 25 đổ xuống có tới 40% không có việc làm; ở Tây ban nha nó là 50%; ở Croatia 47%. Tại sao? Vì có một nền kinh tế bôi trơn tạo cơ hội cho tham nhũng phát triển. Scandalized, một người Công giáo vĩ đại, nói với cha rằng ông đến gặp một người bạn là chủ doanh nghiệp của ông, người kia nói rằng: “Để tôi cho anh thấy cách tôi kiếm được 20.000 đô-la mà không cần phải rời khỏi nhà.” Và với một cái máy tính, ông ta làm một thương vụ, cha chẳng biết là loại gì, và bán nó sang Trung Quốc: trong 20 phút, chưa đến 20 phút, ông ta kiếm được 20.000 đô-la. Mọi việc đều có bôi trơn. Và rồi giới trẻ không có văn hóa làm việc, vì họ không có việc làm! Trái đất đang chết, vì nó bị bóc lột không có sự khôn ngoan. Và chúng ta cứ thế tiến tới. Thế giới đang nóng dần lên, tại sao? Vì chúng ta phải kiếm — phải có thu nhập. “Chúng ta đã rơi vào sự sùng bái đồng tiền,” một vị Đại sứ đã nói với cha điều này khi ông đến trình Ủy nhiệm thư. Nó là sự sùng bái thần tượng.
Lòng Chúa thương xót là chứng tá, chứng tá của quá nhiều người, của quá nhiều người nam và nữ, giáo dân, giới trẻ là những người gắn chặt với công việc, ví dụ ở Ý, phong trào hợp tác. Vâng, có những người quá là mánh khóe, nhưng điều tốt vẫn luôn được thực hiện, những việc tốt luôn được thực hiện. Rồi có những hội đoàn chăm sóc bệnh nhân: họ là những hội đoàn rất mạnh. Chúng ta nên đi theo con đường đó, hãy làm những điều để phẩm giá con người được lớn lên. Nhưng điều Đức ông nói là đúng. Chúng ta đang trải qua tình trạng mù tôn giáo (religious illiteracy), tới mức trong một số Đền thờ trên thế giới mọi thứ rất lẫn lộn: người ta đến cầu nguyện; có những cửa hàng trong đó người ta mua được những đồ thờ phụng, tràng hạt Mân côi ...nhưng cũng có những cửa hàng bán những đồ mê tín, vì sự cứu rỗi được tìm kiếm ở trong sự mê tín, trong tình trạng mù tôn giáo, chủ nghĩa tương đối làm lẫn lộn điều này và điều kia. Và giáo lý rất cần thiết ở đó, giáo lý sự sống. Giáo lý không chỉ cho những ý tưởng, nhưng là đồng hành trên hành trình. Đồng hành là một trong những thái độ quan trọng nhất!” Để đồng hành với sự lớn lên của đức tin; đó là công việc rất tuyệt vời và giới trẻ mong chờ điều này! Giới trẻ mong chờ … “Nhưng nếu tôi bắt đầu nói, họ cảm thấy chán!” Nhưng hãy cho họ công việc để làm, như những việc đã được làm, trong suốt 15 ngày của kỳ nghỉ hè giúp xây dựng chỗ ở cho người nghèo, hay bảo họ làm một điều gì đó để họ bắt đầu cảm thấy họ hữu ích. Và hãy để cho hạt giống của Chúa rơi vào đó, dần dần. Mọi việc không có hiệu quả nếu chỉ bằng lời nói. Chúng ta phải giải quyết tình trạng mù tôn giáo ngày nay bằng ba ngôn ngữ, bằng ba cách nói: ngôn ngữ của trí óc, ngôn ngữ của trái tim và ngôn ngữ của đôi tay – cả ba hài hòa với nhau.
Cha không biết … Cha nói nhiều quá! Đó là những ý tưởng cha gửi các đức cha. Các đức cha, với sự khôn ngoan của mình, sẽ biết phải làm gì, nhưng luôn phải có một Giáo hội cất bước ra đi. Khi tôi dám nói rằng có một câu ngắn trong sách Khải huyền: “Ta đứng trước cửa và gõ” (3:20):  Người gõ cửa, nhưng cha đang tự hỏi không biết bao nhiêu lần Thiên Chúa đã gõ cửa từ bên trong, để chúng ta mở cửa cho Người và Người có thể bước ra cùng với chúng ta và đem Tin mừng ra ngoài. Đừng đóng lại, hãy mở ra! Bước ra, đi ra! Xin cảm ơn Đức ông.


(Còn tiếp Phần 3 ...)





[Văn bản gốc: Tiếng Ý]  [Bản dịch của ZENIT]

[Nguồn: ZENIT]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 06/08/2016]