Thứ Hai, 11 tháng 7, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 10 tháng 7, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 10 tháng 7, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 10 tháng Bảy, 2022

___________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng trong Phụng vụ hôm nay thuật lại dụ ngôn Người Samari nhân hậu (x. Lc 10:25-37) – chúng ta đều biết dụ ngôn này. Bối cảnh là con đường từ Giêrusalem đi xuống Giêrikhô, nằm bên vệ đường là một người bị cướp sạch và bị đánh đập tàn nhẫn. Một thầy tư tế đi qua nhìn thấy nạn nhân nhưng không dừng lại; ông ta tiếp tục đi. Một thầy Lêvi, người phục vụ trong đền thờ, cũng có thái độ tương tự. Tin mừng cho biết “Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương” (c. 33). Chúng ta đừng quên từ này – “ông chạnh lòng thương”. Đây là điều mà Thiên Chúa cảm thấy mỗi khi Ngài thấy chúng ta đang gặp khó khăn, chúng ta phạm tội, chúng ta đang gặp đau khổ. “Ông chạnh lòng thương người kia”. Thánh sử chỉ rõ rằng người Samari này đang trên hành trình. Vì vậy, mặc dù đã có kế hoạch riêng và đang trên đường đến một nơi xa, nhưng người Samari đó chẳng những không viện cớ mà còn cho phép mình can dự vào, ông cho cho phép bản thân can dự vào những gì đã xảy ra trên đường. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này: chẳng phải Chúa đang dạy chúng ta làm điều đó sao? Hãy nhìn về phía xa, đến cùng đích của chúng ta, đồng thời chú ý đến các bước đi đang thực hiện ở đây và bây giờ để đến được nơi đó.

Điều rất ý nghĩa là những người Kitô hữu đầu tiên được gọi là “người môn đệ của Đường” (xem Cv 9:2). Thật vậy, các tín hữu bắt chước như người Samari – giống như người Samari, người tín hữu đang trên hành trình, là một người lữ hành. Người tín hữu biết rằng mình chưa “đến nơi”, nhưng muốn học hỏi mỗi ngày, theo Chúa Giêsu là Đấng đã phán: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6), “Thầy là đường”. Người môn đệ của Đức Kitô cùng bước đi theo Ngài và do đó trở thành “người môn đệ của Đường”. Người đó đi theo sau Chúa nhưng không đứng im tại chỗ, không, mà luôn tiến bước trên đường. Trên đường đi, người đó gặp gỡ mọi người, chữa lành bệnh tật, thăm các làng mạc và thành phố. Đây là những gì Chúa đã làm, Ngài luôn luôn di chuyển.

Do đó, “người môn đệ của Đường”, tức là người Kitô hữu chúng ta nhận thấy rằng cách suy nghĩ và hành động của chúng ta dần dần thay đổi, ngày càng trở nên phù hợp hơn với cách suy nghĩ và hành động của Thầy. Theo những bước chân của Chúa Kitô, người môn đệ trở thành một người lữ hành, và – giống như người Samari – học cách nhìn động lòng thương. Người đó nhìn và động lòng thương. Trước hết là nhìn: đôi mắt của họ đang rộng mở nhìn thực tế, không khép kín trong lối suy nghĩ của riêng họ một cách ích kỷ. Thay vào đó, thầy tư tế và Lêvi nhìn thấy người đàn ông bất hạnh, nhưng họ đi ngang qua dường như không trông thấy, họ nhìn theo hướng khác. Tin Mừng dạy chúng ta cách nhìn – dẫn dắt mỗi người chúng ta hiểu đúng về thực tế, vượt qua những định kiến ​​và sự độc đoán từng ngày. Vì nhiều người tín hữu đã nép mình sau những giáo điều độc đoán để bảo vệ mình thoát khỏi thực tế. Và Tin mừng dạy chúng ta theo chân Chúa Giêsu, bởi vì việc đi theo Chúa Giêsu dạy chúng ta biết động lòng thương – nhìn và động lòng thương – ý thức về người khác, đặc biệt là những người đau khổ, những người đang túng quẫn, và can thiệp như người Samari, không đi ngang qua nhưng dừng lại.

Đứng trước dụ ngôn trong Tin mừng hôm nay, vấn đề có thể xảy đến là chúng ta đổ lỗi cho người khác hoặc đổ lỗi cho chính mình, chỉ tay vào người khác, so sánh họ với thầy tư tế hoặc Lêvi – “Người đó, người đó tiếp tục đi, người đó không dừng lại…” – hay thậm chí tự trách mình, dằn vặt về những lần không chú ý đến người thân cận. Nhưng cha muốn đề xuất một loại bài tập khác cho tất cả anh chị em, không phải loại bài tập tìm lỗi, không. Chắc chắn, chúng ta phải nhận ra khi nào chúng ta đã vô tâm và tự biện minh cho bản thân. Nhưng chúng ta đừng dừng lại ở đó. Chúng ta phải thừa nhận điều này, đó là một lỗi lầm. Nhưng chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta vượt qua sự thờ ơ ích kỷ của bản thân và đặt chúng ta lên Đường. Chúng ta hãy xin Người giúp chúng ta nhìn và biết động lòng thương, đây là một ân sủng. Chúng ta cần cầu xin Chúa, “Lạy Chúa, xin cho con có thể nhìn thấy, xin cho con có lòng thương xót như Người nhìn đến con và thương xót con”. Đây là lời cầu nguyện mà cha gợi ý cho anh chị em hôm nay. “Lạy Chúa, xin cho con có thể nhìn thấy, xin cho con có lòng thương xót như Người nhìn đến con và thương xót con” – để chúng ta có thể nhìn thấy và động lòng thương xót những người chúng ta gặp trên đường đi, trên hết là những người đau khổ và túng quẫn, để đến gần họ và làm những gì chúng ta có thể để giúp đỡ họ. Nhiều lần khi cha gặp một số người Kitô hữu đến nói về những điều thiêng liêng, cha hỏi họ có làm việc bố thí không. “Thưa có”, người đó nói với cha.

“Vậy cho tôi biết là anh/chị có chạm vào tay người mà anh chị cho tiền không?”

“Không, không, con ném tiền vào rổ.”

“Và anh/chị có nhìn vào mắt người đó không?”

“Dạ không, việc đó không có trong đầu con.”

Nếu anh chị em làm việc bố thí mà không đụng chạm vào thực tế, không nhìn vào mắt của người khốn khó, thì việc bố thí đó là làm cho anh chị em, không phải là cho người khó khăn. Hãy suy nghĩ về điều này. Tôi có đụng chạm đến sự khốn khó không, ngay cả sự khốn khó tôi đang giúp đỡ? Cha để lại cho anh chị em suy nghĩ này – nhìn và động lòng thương.

Xin Mẹ Maria Đồng trinh đồng hành với chúng ta trên hành trình trưởng thành này. Xin Mẹ là Đấng “chỉ cho chúng ta Đường,” tức là Chúa Giêsu, giúp chúng ta ngày càng trở thành “những người môn đệ của Đường” nhiều hơn.

____________________________________

Sau Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Tôi xin chia sẻ với sự khốn khổ của người dân Sri Lanka tiếp tục chịu đựng những tác động của sự bất ổn về chính trị và kinh tế. Cùng với các Giám mục của đất nước, tôi lặp lại lời kêu gọi hòa bình, và tôi xin những người có thẩm quyền không làm ngơ trước tiếng kêu của người nghèo và những nhu cầu thiết yếu của người dân.

Tôi xin gửi suy nghĩ đặc biệt tới người dân Libya, đặc biệt là các bạn trẻ và tất cả những ai đang phải chịu đựng các vấn đề nghiêm trọng về kinh tế và xã hội ở đất nước. Tôi kêu gọi mọi người luôn tìm kiếm các giải pháp thuyết phục mới với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, thông qua sự đối thoại xây dựng và hòa giải dân tộc.

Tôi tiếp tục thể hiện sự gần gũi với người dân Ukraine hàng ngày bị khốn khổ bởi các cuộc tấn công tàn bạo mà người dân bình thường đang phải trả giá. Tôi cầu nguyện cho tất cả các gia đình, đặc biệt là cho các nạn nhân, những người bị thương, những bệnh nhân. Tôi cầu nguyện cho người già và trẻ em. Xin Chúa chỉ ra con đường để chấm dứt cuộc chiến vô nghĩa này.

Hôm nay Ngày Chủ nhật Biển đang được tổ chức. Chúng ta hãy nhớ đến tất cả những người đi biển với lòng quý trọng và biết ơn đối với công việc quý báu của họ, cũng như các vị tuyên úy và tình nguyện viên của tổ chức “Stella Maris”. Tôi phó thác cho Đức Mẹ những người đi biển bị kẹt trong vùng chiến sự để họ có thể trở về nhà.

Tôi gửi lời chào nhóm đến từ Trường Cao đẳng São Tomás từ Lisbon, và các tín hữu đến từ Viseu, Bồ Đào Nha; ca đoàn “Siempre Así” đến từ Tây Ban Nha; các bạn trẻ đến từ Tổng giáo phận Berlin và các ứng viên Thêm sức từ Bolgare (Bergamo). Tôi gửi lời chào đến anh chị em hành hương Ba Lan cũng như những anh chị em đang tham gia cuộc hành hương hàng năm của các gia đình từ Radio Maria đến Đền thánh Częstochowa. Tôi gửi lời chào các linh mục đến từ các quốc gia khác nhau đang tham gia khóa học dành cho các nhà đào tạo chủng sinh do Istituto Sacerdos của Roma tổ chức.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/7/2022]


Công bố Logo Năm Thánh 2025 thắng cuộc sau cuộc thi toàn cầu

Công bố Logo Năm Thánh 2025 thắng cuộc sau cuộc thi toàn cầu

Công bố Logo Năm Thánh 2025 thắng cuộc sau cuộc thi toàn cầu

Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, tổng trường Bộ Tái Truyền giảng Tin mừng, trình bày logo Năm Thánh 2025, ngày 28 tháng Sáu, 2022. | Daniel Ibanez/CNA


Hannah Brockhaus

Vatican City, 28 tháng Sáu, 2022 / 10:40 am


Vị đứng đầu Bộ Tái truyền giảng Tin mừng của Vatican hôm thứ Ba đã công bố Logo Năm Thánh 2025, được chọn sau một cuộc thi trên toàn thế giới.

Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, tổng trưởng Bộ Tái Truyền giảng tin mừng, đã trình bày logo và những công việc chuẩn bị cho năm thánh tiếp theo của Giáo hội Công giáo tại cuộc họp báo ngày 28 tháng Sáu.

Năm Thánh là Năm Ân sủng và hành hương trong Giáo hội Công giáo, thường diễn ra 25 năm một lần. Khẩu hiệu của Năm Thánh 2025 là “Những Người Hành Hương Hy Vọng” — tiếng Latinh “Peregrinantes in Spem”.

Công bố Logo Năm Thánh 2025 thắng cuộc sau cuộc thi toàn cầu

Logo Năm thánh 2025, với khẩu hiệu bằng tiếng Anh.

Đức Cha Fisichella cho biết đã có 294 tác phẩm từ 48 quốc gia tham gia cuộc thi vẽ Logo. Những người tham gia có độ tuổi từ 6 đến 83 tuổi.

Đức Tổng giám mục nói: “Thật ra có nhiều bức vẽ bằng tay của thiếu nhi từ khắp nơi trên thế giới, và thật xúc động khi xem những bức vẽ này là kết quả của trí tưởng tượng và niềm tin đơn sơ.”

Hội đồng xét duyệt chọn ba dự án, được trình lên Đức Giáo hoàng Phanxicô, và ngài chọn logo của ông Giacomo Travisani người Ý thiết kế.

Một thông cáo báo chí của Vatican mô tả logo là “bốn nhân vật cách điệu để tượng trưng cho toàn thể nhân loại từ bốn phương trời trên trái đất.”

Thông cáo nói tiếp: “Họ đang ôm nhau, thể hiện tình đoàn kết và huynh đệ kết nối các dân tộc. Cần lưu ý rằng nhân vật đầu tiên đang ôm thánh giá. Những con sóng bên dưới đổ mạnh để cho biết rằng cuộc sống lữ hành không phải lúc nào cũng ở trên mặt nước phẳng lặng.”

Thông cáo cho biết:“Thường thì các hoàn cảnh cá nhân và biến cố thế giới đòi hỏi ý thức hy vọng mạnh mẽ hơn. Đây là lý do tại sao phần chân thánh giá được kéo dài ra, biến thành một mỏ neo khống chế chuyển động của con sóng. Như chúng ta biết, mỏ neo thường được sử dụng như một phép ẩn dụ cho niềm hy vọng.”

Đức Cha Fisichella cho biết các hội đồng giám mục và cộng đoàn Công giáo có thể sử dụng logo cho các mục đích mục vụ, đồng thời lưu ý rằng việc sử dụng mang tính thương mại bị cấm theo bản quyền của Bộ Tái Truyền giảng Tin mừng duy trì và quản lý.

Đức Cha Fisichella cho biết trang web chính thức của Năm Thánh 2025 sẽ ra mắt sau mùa hè.

Đại Năm Thánh gần đây nhất của Giáo hội Công giáo được tổ chức vào năm 2000 với khẩu hiệu “Chúa Kitô hôm qua, hôm nay, mãi mãi”.

Năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tổ chức Năm Thánh ngoại thường, Năm Thánh Lòng Thương xót.

Đức Tổng Giám mục Fisichella cho biết năm 2024 là năm trước Năm Thánh sẽ tập trung cầu nguyện cho việc chuẩn bị Năm Thánh, và năm 2023 sẽ tập trung vào việc quảng bá các văn kiện chính của Công đồng Vatican II.

Vị đứng đầu Bộ Tái truyền giảng Tin mừng nói: “Năm 2023 sẽ được dành thời gian để xem lại các chủ đề căn bản của bốn Hiến chế Công đồng giúp Giáo hội có thể một lần nữa hít thở lại giáo huấn sâu sắc và luôn hợp thời do Công đồng Vatican II đưa ra, lễ kỷ niệm 60 năm sẽ được cử hành vào ngày 11 tháng Mười.”

Ngài nói thêm: “Vì lý do này, một loạt các tài nguyên thân thiện với người dùng, được viết bằng ngôn ngữ lôi cuốn, đang được soạn thảo để khơi dậy sự ham hiểu biết nơi những người không biết về sự kiện này, và giúp họ đi vào bản chất của Công đồng để khám phá niềm khao khát canh tân đã cho phép Giáo hội bước vào thiên niên kỷ thứ ba một cách có ý thức”.




[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/7/2022]