Thứ Năm, 26 tháng 9, 2019

Ca sĩ Opera Andrea Bocelli và Đức Phanxico thực hiện chuyến thăm bất ngờ đến với thanh thiếu niên cơ nhỡ

Ca sĩ Opera Andrea Bocelli và Đức Phanxico thực hiện chuyến thăm bất ngờ đến với thanh thiếu niên cơ nhỡ

Ca sĩ Opera Andrea Bocelli và Đức Phanxico thực hiện chuyến thăm bất ngờ đến với thanh thiếu niên cơ nhỡ

25 tháng Chín, 2019

Đức Thánh Cha đến trung tâm phục hồi Chân trời mới của Công giáo (New Horizons) không thông báo trước, ngồi trên chiếc Ford Focus màu xanh.

Theo tường thuật của Vatican News, Đức Phanxico và giọng ca opera huyền thoại Andrea Bocelli thực hiện chuyến thăm bất ngờ hôm Thứ Ba đến trung tâm Cittadella Cielo, một nơi ở cho các gia đình và thanh thiếu niên thiếu thốn nằm trong thị trấn Frosinone, thuộc vùng Trung Ý.

Trong khi chỉ có vài người biết trước về chuyến thăm, nhưng tin lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, và ngay lập tức một nhóm người qua đường tụ tập đứng tại các cửa ra vào của khu nhà để chào Đức Thánh Cha, ngài sẽ đến trong chiếc Ford Focus màu xanh.



Papa Francesco a Frosinone, visita segreta alla comunità Cittadella Cielo





Khu nhà ở này, là một phần trong mạng lưới nhà ở dành cho người thiếu thốn New Horizon quốc tế, phục vụ chủ yếu cho thanh thiếu niên và các “trẻ em đường phố” nghiện ma túy và cờ bạc, những em tham gia vào con đường mại dâm, và những em vì bất kỳ lý do nào đó đã bị đuổi ra khỏi gia đình.

Được thành lập năm 1994 bởi nhà báo người Ý Chiara Amirante, các cộng đoàn New Horizon hoạt động như “những nhà máy yêu thương” dành cho những người trong các vùng ngoại vi, cung cấp cho người bị gạt ra bên lề một nơi ở, những công cụ để hội nhập trở lại với xã hội, và sự hướng dẫn tinh thần.

Dự án New Horizons là một dự án yêu thích của Đức Thánh Cha, vào ngày 8 tháng Sáu, nhân kỷ niệm 25 năm của cộng đoàn, Đức Thánh Cha gọi đến trung tâm để gửi những lời chúc tốt đẹp nhất và cảm ơn “Piccoli della Gioa,” là những giáo dân tận hiến thi hành sứ mạng này.

Giọng ca tenor Andrea Bocelli đã nói nhiều hơn về niềm tin Công giáo của anh và đã trình diễn tại Đại hội các Gia đình Thế giới của Giáo hội tổ chức tại Dublin, Ireland năm trước.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/9/2019]


TIẾP KIẾN CHUNG: Sách Tông đồ Công vụ và Thánh Tê-pha-nô

TIẾP KIẾN CHUNG: Sách Tông đồ Công vụ và Thánh Stê-pha-nô
Copyright: Vatican Media

TIẾP KIẾN CHUNG: Sách Tông đồ Công vụ và Thánh Tê-pha-nô

‘Ngày nay có nhiều người tử đạo hơn lúc khởi đầu đời sống của Giáo hội, và người tử đạo có ở khắp nơi’

25 tháng Chín, 2019 13:49

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:10 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về sách Tông đồ Công vụ, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích chủ đề: “Tê-pha-nô ‘được đầy ơn Thánh Thần’ (Cv 7:55) giữa diakonia (lòng can đảm) và phúc tử đạo” (Trích sách thánh: trích Tông đồ Công vụ 6:8-10.15).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục đi theo hành trình xuyên suốt Sách Tông đồ Công vụ: hành trình của Tin mừng trên thế giới. Thánh Lu-ca cho thấy hiện thực rất rõ cả về hoa trái của hành trình cũng như nổi lên một số vấn đề giữa cộng đoàn Ki-tô hữu. Ngay từ thuở ban đầu đã luôn có các vấn đề. Làm sao người ta có thể hòa hợp những khác biệt cùng tồn tại với nhau mà không có những sự chống đối và chia rẽ xảy ra? Cộng đoàn không chỉ chào đón riêng người Do Thái, mà kể cả người Hy Lạp, tức là những người từ các khu ngoại kiều, không phải người Do Thái, với văn hóa và sự nhạy cảm riêng và với tôn giáo khác. Ngày nay chúng ta gọi là “lương dân.” Và những người này được chào đón. Sự hiện diện như vậy cho thấy tính cân bằng mong manh và tạm thời, và trước những “tâm điểm” khó khăn xuất hiện, và tâm điểm xấu xa nhất tàn phá cộng đoàn là gì? Đó là chuyện xì xầm, chuyện đồn thổi: người Hy lạp xì xầm vì thiếu sự quan tâm của cộng đoàn dành cho những bà góa của họ.

Các Tông đồ thực hiện một tiến trình phân định, tiến trình bao gồm việc suy xét thấu đáo những khó khăn và cùng nhau tìm kiếm các giải pháp. Họ tìm ra một con đường bằng cách chia nhỏ các công việc để có sự phát triển dễ dàng của toàn thân thể hội thánh, và để tránh việc bỏ bê “dòng chảy” của Tin mừng hoặc sự chăm sóc cho các thành viên nghèo khó nhất.

Các Tông đồ luôn luôn ý thức rằng ơn gọi chính của họ là cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa: cầu nguyện và loan báo Tin mừng, và họ giải quyết vấn đề bằng cách cắt đặt một nhóm gồm “bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan” (Cv 6:3), những người này sau khi được đặt tay, sẽ chăm chú việc phục vụ bàn ăn. Họ là những Thầy Phó tế được cắt đặt cho việc này, cho việc phục vụ. Phó tế trong Giáo hội không phải là linh mục hạng hai, họ có vai trò khác; họ không có vị trí tại bàn thờ, nhưng là phục vụ. Đó là người trông coi việc phục vụ trong Giáo hội. Khi một Phó tế quá quan tâm đến việc bước tới bàn thờ, người đó bị sai lầm. Đây không phải là con đường dành cho người đó. Sự hài hòa giữa việc phục vụ Lời Chúa và phục vụ bác ái đại diện cho lớp men bột làm cho thân thể hội thánh phát triển. Và các Tông đồ cắt đặt bảy người Phó tế, và trong số bảy “Phó tế” đó, Tê-pha-nô và Philip là nổi bật nhất. Tê-pha-nô rao giảng bằng sức mạnh và parrhesia (lòng can đảm), nhưng những lời rao giảng của ông gặp phải sự chống đối mạnh mẽ nhất. Không tìm ra được cách để làm cho ông im miệng, những kẻ thù của ông làm gì? Họ chọn một giải pháp tồi tệ nhất để tiêu diệt một con người: đó là vu khống và làm chứng gian. Và anh chị em biết rằng sự vu khống luôn giết người. “Căn bệnh ung thư hiểm ác” này, xuất phát từ ý muốn phá hủy danh tiếng của một con người, cũng tấn công vào những chi thể khác trong thân thể hội thánh và tàn phá nó nặng nề, khi vì những ích lợi nhỏ nhen hoặc để che giấu những thất bại của một người, thì luôn có một sự liên minh để bôi nhọ một ai đó.

Bị đưa đến Công nghị và bị tố cáo bằng những chứng gian — họ đã làm cùng một điều như vậy với Chúa Giê-su và họ cũng làm như vậy với tất cả các vị tử đạo qua những chứng gian và vu khống — để bảo vệ mình, Tê-pha-nô đọc lại lịch sử sách thánh hướng trọng tâm vào Đức Ki-tô. Và sự Phục sinh của Chúa Giê-su sau khi chết và sống lại là chìa khóa cho toàn bộ lịch sử của Giao ước. Trước sự dư đầy ân ban của nước trời, Tê-pha-nô can đảm lên án thói đạo đức giả như các ngôn sứ và chính Đức Ki-tô đã làm. Và ông nhắc lại cho họ lịch sử rằng: “Có ngôn sứ nào mà cha ông các ông không bắt bớ? Họ đã giết những vị tiên báo Đấng Công Chính sẽ đến; còn các ông, nay đã trở thành những kẻ phản bội và sát hại Đấng ấy” (Cv 7:52). Ông không nói vòng vo, nhưng nói rõ ràng, nói sự thật.

Việc này làm dấy lên những phản ứng bạo lực nơi người nghe, và Tê-pha-nô bị kết án tử, bị kết án ném đá. Tuy nhiên, ông đã cho thấy “căn tính” thật của người môn đệ Đức Ki-tô. Ông không tìm cách bỏ trốn, ông không van nài những cá nhân có thể cứu thoát ông nhưng đặt trọn sự sống của ông vào bàn tay của Chúa, và lời cầu nguyện của Stêphanô rất đẹp, vào thời điểm đó: “Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con” (Cv 7:59) — và ngài chết như một người con của Chúa, tha thứ: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Cv 7:60).

Những lời này của Tê-pha-nô dạy chúng ta rằng không phải những bài diễn thuyết hoa mỹ mới thể hiện được căn tính chúng ta là con cái của Chúa, nhưng chỉ cách phó thác sự sống của chúng ta vào bàn tay của Chúa Cha, và tha thứ cho người đã xúc phạm chúng ta, đó là điều làm cho giá trị đức tin của chúng ta được nhìn thấy.

Ngày nay có nhiều người tử đạo hơn lúc khởi đầu đời sống của Giáo hội, và người tử đạo có ở khắp nơi. Giáo hội hôm nay rất giàu có về những người tử đạo. Giáo hội được thấm đẫm bởi máu, đó là “hạt giống của những Ki-tô hữu mới” (Tertullian, Apologetics, 50, 13) và bảo đảm cho sự phát triển và hoa trái cho Dân Chúa. Người tử đạo không phải là “những vị thánh được vẽ hình,” nhưng chính là những người nam và nữ bằng da bằng thịt — như Sách Khải huyền nói — “đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (7:14). Họ là những người chiến thắng thật sự.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa, để khi nhìn đến các vị tử đạo của hôm qua và hôm nay, chúng ta có thể học được cách sống một đời sống viên mãn, chấp nhận sự tử đạo bằng lòng trung thành mỗi ngày với Tin mừng và thuận theo Đức Ki-tô.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/9/2019]