Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

Tiếp kiến chung của ĐTC Phanxicô 29.03.2023: Bài giáo lý thứ 9 về nhiệt tâm rao giảng Tin mừng: “Điều làm thay đổi cuộc đời là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu”

“Điều làm thay đổi cuộc đời là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu”

Bài giáo lý thứ 9 của Đức Thánh Cha về nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng

Tiếp kiến chung của ĐTC Phanxicô 29.03.2023: Bài giáo lý thứ 9 về nhiệt tâm rao giảng Tin mừng: “Điều làm thay đổi cuộc đời là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu”

Vatican Media

*******

Buổi tiếp kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9:00 sáng tại Quảng trường Thánh Phêrô, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý Nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu, tập trung suy niệm về chủ đề “Các chứng nhân: Thánh Phaolô” (Bài đọc: Gl 1:22-24).

Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

_____________________________________________________


Giáo lý. Nhiệt tâm rao giảng Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu. 9. Các chứng nhân: Thánh Phaolô.

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Trong hành trình giáo lý về lòng nhiệt thành tông đồ, hôm nay chúng ta bắt đầu nhìn đến một số nhân vật, theo những cách thức khác nhau và vào những thời điểm khác nhau, đã nêu gương làm chứng cho lòng nhiệt thành đối với Tin Mừng nghĩa là gì. Và chứng nhân đầu tiên tất nhiên là Thánh Tông đồ Phaolô. Cha muốn dành hai bài giáo lý nói về ngài.

Và lịch sử của Phaolô thành Tácsô là tiêu biểu về phương diện này. Trong chương đầu tiên Thư gửi tín hữu Galát, cũng như trong trình thuật của Sách Công vụ Tông đồ, chúng ta có thể thấy rằng lòng nhiệt thành của ngài đối với Tin Mừng xuất hiện sau khi ngài trở lại, và thay thế cho lòng nhiệt thành trước đó của ngài đối với đạo Do Thái. Ngài là một người nhiệt thành đối với luật Môsê của Do Thái giáo, và sau khi trở lại, lòng nhiệt thành này vẫn tiếp tục, nhưng là để công bố, rao giảng về Chúa Giêsu Kitô. Phaolô yêu mến Chúa Giêsu. Saulô – tên riêng của Phaolô – vốn là người rất nhiệt thành, nhưng Chúa Kitô hoán cải lòng nhiệt thành của ông: từ Lề Luật sang Tin Mừng. Lòng nhiệt thành của ông ban đầu muốn phá hủy Giáo hội, về sau lòng nhiệt thành là để xây dựng Giáo hội. Chúng ta có thể đặt câu hỏi: điều gì đã xảy ra, chuyển từ phá hủy sang xây dựng? Điều gì đã biến đổi ở Phaolô? Lòng nhiệt thành của ngài, sự phấn đấu của ngài cho vinh quang của Thiên Chúa, đã được biến đổi như thế nào? Điều gì đã xảy ra ở đó?

Thánh Tôma Aquinô dạy rằng lòng nhiệt thành, theo quan điểm luân lý, không tốt cũng không xấu: việc sử dụng có đạo đức làm cho nó tốt về mặt luân lý, còn tội lỗi làm cho nó xấu đi.[1] Trong trường hợp của Thánh Phaolô, điều làm ngài thay đổi không phải là một ý tưởng hay một sự xác tín đơn giản: đó là cuộc gặp gỡ, đó là cuộc gặp gỡ với Chúa Phục sinh – xin đừng quên điều này, chính cuộc gặp gỡ với Chúa làm thay đổi một cuộc đời – chính cuộc gặp gỡ với Chúa Phục sinh đã biến đổi toàn bộ con người ngài. Bản tính con người của Phaolô, lòng nhiệt thành của ngài đối với Thiên Chúa và vinh quang của Chúa không bị tiêu diệt, nhưng được biến đổi, được “hoán cải” bởi Chúa Thánh Thần. Đấng duy nhất có thể thay đổi tâm hồn chúng ta, biến đổi, đó là Chúa Thánh Thần. Và mọi khía cạnh trong cuộc sống của ngài cũng như vậy. Cũng như trong Bí tích Thánh Thể: bánh và rượu không biến mất, nhưng trở thành Mình và Máu Chúa Kitô. Lòng nhiệt thành của Phaolô vẫn còn, nhưng nó trở thành lòng nhiệt thành của Chúa Kitô. Nó thay đổi hướng nhưng sự nhiệt thành là như nhau. Thiên Chúa được phục vụ với nhân tính của chúng ta, với những quyền và đặc điểm của chúng ta, nhưng cái làm thay đổi mọi sự không phải là một ý tưởng, mà là chính cuộc sống, như thánh Phaolô đã nói: “Ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới – nó biến đổi bạn từ bên trong, cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô biến đổi bạn từ bên trong, nó biến bạn thành một con người khác – “Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5:17). Nếu một người ở trong Đức Kitô, người ấy là thọ tạo mới, đây là ý nghĩa của việc trở thành một thọ tạo mới. Trở thành Kitô hữu không phải là một sự hóa trang làm thay đổi khuôn mặt của bạn, không phải! Nếu bạn là Kitô hữu, tâm hồn của bạn được biến đổi, nhưng nếu bạn là một Kitô hữu hình thức, thì điều này sẽ không xảy ra: những người Kitô hữu bề ngoài, không, họ sẽ không làm được. Sự thay đổi thực sự là thay đổi tâm hồn. Và điều này đã xảy ra với Thánh Phaolô.

Lòng nhiệt thành đối với Tin Mừng không phải là vấn đề hiểu biết hay nghiên cứu – bạn có thể học toàn bộ thần học mà bạn muốn, bạn có thể nghiên cứu Kinh thánh và tất cả những điều đó, và rồi trở thành người vô thần hoặc người theo thế tục. Nó không phải là vấn đề học tập; trong lịch sử đã có nhiều nhà thần học vô thần, không! Học hành là hữu ích nhưng không sinh ra đời sống ân sủng mới; đúng hơn, hoán cải có nghĩa là trải qua cùng kinh nghiệm của sự “vấp ngã và phục sinh” mà Saulô/Phaolô đã trải qua và là nguồn gốc của sự biến chuyển lòng nhiệt thành tông đồ của ngài.

Thật vậy, như Thánh Inhaxiô nói: “Không phải vì biết nhiều, mà là nhận ra và cảm nghiệm mọi sự trong lòng, là điều làm hài lòng và thỏa mãn”. [2] Mỗi người chúng ta, hãy suy nghĩ. “Tôi là một người sùng đạo” – “Tốt” – “Tôi cầu nguyện” – “Vâng” – “Tôi cố gắng tuân giữ các điều răn” – “Vâng” – “Nhưng Chúa Giêsu ở đâu trong cuộc sống của bạn?” – “À, không, tôi làm những điều Giáo hội chỉ thị”. Nhưng Chúa Giêsu, Ngài ở đâu? Bạn đã gặp Chúa Giêsu chưa, bạn đã thưa chuyện với Chúa Giêsu chưa? Nếu bạn đọc Tin Mừng hoặc nói chuyện với Chúa Giêsu, bạn có nhớ Chúa Giêsu là ai không? Và đây là điều mà chúng ta thường rất thiếu; tôi muốn nói đó là một Kitô giáo không phải không có Chúa Giêsu, nhưng với một Chúa Giêsu trừu tượng… Không! Chúa Giêsu đã đi vào cuộc đời bạn như thế nào, Ngài đã bước vào cuộc đời của Phaolô như thế nào, và khi Chúa Giêsu bước vào, mọi thứ đều thay đổi. Đã nhiều lần chúng ta nghe những lời bình luận về con người: “Xem ông ta kìa, ông ta từng là người xấu xa mà bây giờ là một người tốt, bà ta là người tốt … ai đã biến đổi họ? Chúa Giêsu, họ đã tìm thấy Chúa Giêsu. Đời sống Kitô hữu của bạn có thay đổi không? “Không, ít nhiều thì có…”. Nếu Chúa Giêsu không đi vào cuộc đời bạn, thì nó không thay đổi. Bạn chỉ có thể là Kitô hữu bề ngoài. Không, Chúa Giêsu phải đi vào và việc này thay đổi bạn, và điều này đã xảy ra với Phaolô. Đó là việc tìm được Chúa Giêsu, và đây là lý do tại sao Thánh Phaolô nói rằng tình yêu của Đức Kitô thúc đẩy chúng ta, đó là điều đưa bạn tiến tới. Điều tương tự cũng xảy ra, sự biến đổi này, đối với tất cả các thánh, những người đã tiến bước khi họ tìm thấy Chúa Giêsu.

Chúng ta có thể suy nghĩ thêm về sự thay đổi đã diễn ra trong Phaolô, từ một kẻ bắt bớ đã trở thành tông đồ của Chúa Kitô. Chúng ta lưu ý rằng có một nghịch lý trong ông: thật vậy, chừng nào ông còn cảm thấy ông là người công chính trước mặt Chúa, thì ông cảm thấy có quyền ngược đãi, bắt bớ, thậm chí giết chết, như trường hợp của Thánh Stêphanô; nhưng khi được Chúa Phục Sinh soi sáng, ông khám phá ra mình là “kẻ lộng ngôn và bắt đạo” (x. 1Tm 1:13) – đây là điều ông nói về chính mình, “trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo” – thì ông bắt đầu thực sự có khả năng yêu thương. Và đây là con đường. Nếu một người trong chúng ta nói: “À, cảm tạ Chúa, vì con là người tốt lành, con làm điều tốt, con không phạm tội trọng…”, đây không phải là con đường tốt, đây là con đường tự phụ, nó là con đường không làm cho bạn nên công chính, nó khiến bạn hếch mũi lên… Đó là một người Công giáo lịch lãm, nhưng một người Công giáo lịch lãm không phải là một người Công giáo thánh thiện, anh ta lịch lãm. Người Công giáo đích thực, người Kitô hữu đích thực là người đón tiếp Chúa Giêsu trong lòng, đây là điều thay đổi tâm hồn bạn.

Đây là câu hỏi cha đặt ra cho tất cả anh chị em hôm nay: Chúa Giêsu có ý nghĩa gì đối với tôi? Tôi có để cho Ngài đi vào tâm hồn tôi không, hay tôi giữ Ngài ở khoảng cách trong tầm tay với nhưng để Chúa không bước vào bên trong? Tôi có để cho bản thân được Chúa biến đổi không? Hay Chúa Giêsu chỉ là một ý tưởng, một thần học đi trước… Và đây là lòng nhiệt thành, khi một người tìm được Chúa Giêsu và cảm nhận được ngọn lửa, giống như Thánh Phaolô, và phải rao giảng Chúa Giêsu, phải nói về Chúa Giêsu, phải giúp đỡ mọi người, phải làm những điều tốt lành. Khi một người tìm thấy ý tưởng về Chúa Giêsu, người đó vẫn chỉ là một nhà tư tưởng Kitô giáo, và điều này làm công chính, chỉ có Chúa Giêsu làm cho chúng ta trở nên công chính. Xin Chúa giúp chúng ta tìm thấy Chúa Giêsu, gặp gỡ Chúa Giêsu, và xin Chúa Giêsu thay đổi cuộc đời chúng ta từ bên trong và giúp chúng ta giúp đỡ người khác. Cảm ơn anh chị em.

____________________________________________________

[1] Cfr Quaestio “De veritate” 24, 7.

[2] Spiritual Exercises, Annotations, 2, 4.

____________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha xin gửi lời chào thân ái đến anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh tham gia buổi Tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ nước Anh, Ireland, Đan Mạch, Na Uy, Indonesia, Philippines, Canada và Hoa Kỳ. Tôi đặc biệt chào phái đoàn đến từ Đại học Quốc phòng NATO và nhiều sinh viên và các nhà giáo hiện diện. Ước mong hành trình Mùa Chay đưa chúng ta đến lễ Phục sinh với tâm hồn được thanh tẩy và đổi mới bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an trong Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, đổ xuống trên anh chị em và gia đình!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/3/2023]


Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

Bàn làm việc của một vị giáo hoàng trông như thế nào? Chúng tôi đưa các bạn vào bên trong

Bàn làm việc của một vị giáo hoàng trông như thế nào? Chúng tôi đưa các bạn vào bên trong

Bàn làm việc của một vị giáo hoàng trông như thế nào? Chúng tôi đưa các bạn vào bên trong

Văn phòng của Đức Thánh Cha Phanxicô với tượng Thánh Giuse.

Marzena Devoud

27/03/23

Ba vị giáo hoàng, ba phong cách, ba tính cách. Hãy khám phá môi trường làm việc của các ngài qua những bức ảnh và lời chứng sau đây.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể bước vào văn phòng của ba vị giáo hoàng gần đây nhất khi các ngài đang viết những tông huấn, đọc thư đến từ khắp nơi trên thế giới, suy tư về các quyết định sẽ được đưa ra, hoặc suy ngẫm về sứ vụ được giao phó cho các ngài? Chúng ta sẽ thấy gì khi nhìn vào những đồ vật, quà lưu niệm và các hình ảnh làm chứng cho công việc của các ngài?


Đức Phanxicô, Thánh Giuse và “Nước mắt của Thánh Phêrô”

Đức Thánh Cha Phanxicô ít sử dụng văn phòng chính thức của ngài. Rõ ràng ngài thích làm việc trong căn hộ nhỏ của ngài ở khu St. Martha, nơi ngài quyết định tiếp tục sống ở đó sau cuộc bầu cử ngày 19 tháng Ba năm 2013.

Nhưng cho dù đó là văn phòng chính thức ở Điện Tông tòa, nơi ngài tiếp các nhà lãnh đạo thế giới, hay văn phòng nhỏ ở khu St. Martha, thì vị giáo hoàng người Argentina luôn có sự hiện diện gần gũi của vị thánh ngài yêu mến, Thánh Giuse Nadarét.

Bàn làm việc của một vị giáo hoàng trông như thế nào? Chúng tôi đưa các bạn vào bên trong
Nghệ sĩ hài Gad Elmaleh và Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican ngày 23 tháng 12, 2022.

Ngài nói: “Tôi vô cùng yêu mến Thánh Giuse, vì ngài là một người trầm lặng và mạnh mẽ.”

Trên bàn làm việc chính thức của ngài là bức tượng Thánh Giuse đứng cạnh Chúa Giêsu khi còn nhỏ, nhưng Đức Thánh Cha cũng có một bức tượng khác của Thánh Giuse đang ngủ. “Ngay cả khi ngài ngủ, ngài vẫn chăm sóc Giáo hội! Đúng vậy! Chúng ta biết rằng ngài có thể làm việc đó. Vì vậy, khi tôi gặp một vấn đề, một khó khăn, tôi viết trên một tờ ghi chú nhỏ và đặt nó bên dưới Thánh Giuse, để ngài có thể mơ về nó! Nói cách khác, tôi thưa với ngài: xin hãy cầu nguyện cho vấn đề này!” Đức Thánh Cha nói khi gặp gỡ các gia đình trong chuyến đi đến Philippines vào năm 2015.

Lòng sùng kính của Đức Thánh Cha đối với vị dưỡng phụ của Chúa Giêsu rất đặc biệt: thánh nhân đã được vị giáo hoàng dành cho một vị trí đặc biệt ngay từ đầu triều đại giáo hoàng, ngày nhậm chức trùng với ngày lễ kính Thánh Giuse. Ngoài ra, trên huy hiệu giáo hoàng là bông hoa cam tùng cùng là loài cây hương thơm – biểu tượng của sự khiết tịnh và tình yêu – mà Thánh Giuse có thể đã cầm trên tay khi cầu hôn với Mẹ Maria.

Nhưng có một thứ khác đồng hành với Đức Phanxicô trong suốt công việc của ngài: bản sao của một bức họa. Bức tranh “Nước mắt của Thánh Phêrô,” mô tả Thánh Phêrô khóc sau khi phản bội Chúa Giêsu. “Nó khiến tôi nhớ đến ân sủng đó. Có một lời nguyện rất hay nói rằng, ‘Chúa đã khiến nước chảy ra từ tảng đá khi ông Môsê đập vào nó, xin làm cho nước mắt chảy ra từ trái tim chai đá của con.’ Đây là một lời nguyện phụng vụ tuyệt vời, có thể đọc trong Thánh lễ để xin ơn biết nhỏ những giọt nước mắt. Nếu Chúa ban cho chúng ta khả năng khóc, thì đó là để chúng ta sử dụng nó. Không có gì tồi tệ hơn là nỗi sầu khổ mà không được thể hiện bằng nước mắt. Và không có gì khó hơn việc thấu cảm nỗi đau đớn của người thân và nhìn thấy họ nghiến răng để kìm nén không bộc lộ nỗi đau đó. Khóc không phải là dấu hiệu cho thấy một người thiếu hy vọng. Ngược lại,” ngài nói, với tất cả sự đơn sơ và thẳng thắn, trong quyển sách phỏng vấn Từ người nghèo đến Giáo hoàng, từ Giáo hoàng đến thế giới (“Des pauvres au Pape, du Pape au monde,” chỉ có phiên bản tiếng Pháp) xuất bản tháng 3 năm 2022.


Đức Bênêđictô XVI, ký ức về Bavaria và những cây bút chì

Nhìn vào những tấm ảnh của Đức Bênêđictô XVI, người qua đời vào ngày 31 tháng 12 năm 2022, thật ấn tượng khi nhìn thấy văn phòng tại khu Mater Ecclesiae của ngài, nơi ngài làm việc cho đến những tháng cuối đời. Mặc dù Đức Giáo hoàng danh dự đã giảm sút sức khỏe rất nhiều vào thời gian cuối đời, nhưng tâm trí của ngài vẫn minh mẫn cho đến những giây phút cuối.

Bàn làm việc của một vị giáo hoàng trông như thế nào? Chúng tôi đưa các bạn vào bên trong

Văn phòng của Đức Bênêđictô XVI tại khu nhà của Tu viện Mater Ecclesiae, 2019

Ngài vẫn giữ một thời gian biểu nghiêm ngặt, trong đó thời gian làm việc trí óc chiếm vị trí rất quan trọng.

Sau Thánh lễ lúc 7:30 sáng tại nhà nguyện của tu viện, nơi trở thành nhà của ngài từ khi ngài từ chức vào ngày 11 tháng Hai năm 2013, Đức Bênêđictô XVI dành nhiều thời gian trong văn phòng chất đầy sách và kỷ vật của ngài. Trong một bộ phim tài liệu do đài truyền hình Bavarian Bayerischer Rundfunk thực hiện năm 2019, Đức giáo hoàng nhìn vào chiếc bàn làm việc đã đồng hành với ngài suốt 65 năm và nói: “Đó là một hành trình dài.” Và ngài tiết lộ, dí dỏm rằng nó được trang bị một đường dây điện thoại an toàn, có từ thời Munich là mục tiêu của các cuộc tấn công khủng bố.

Trên bàn làm việc của ngài là một cây thánh giá, một bức ảnh của Đức Trinh Nữ Maria với Chúa Hài Đồng Giêsu, một bức tượng Thánh Giuse, một cây nến nhỏ và một bó hoa, ngoài ra còn có những bức ảnh của cha mẹ và anh chị em của ngài, trong đó có một bức chân dung rất đẹp của chị Mary, chị của ngài.

Cách đó không xa là hai bức tranh vẽ các vị thánh ngài yêu mến: Thánh Bênêđictô và Thánh Augustinô, được dâng tặng cho ngài năm 1977 khi còn là Tổng Giám mục München và Freising. Và ngay bên cạnh ghế của Đức Thánh Cha là một món quà lưu niệm đến từ quê hương Bavaria của ngài: một món đồ trang trí bằng bánh gừng được treo bởi các nữ tu, với những dòng chữ viết bằng đá lạnh: “Dahoam is Dahoam” bằng phương ngữ vùng Bavarian, có nghĩa là “không đâu bằng quê hương”. “Tôi vẫn luôn hiệp nhất với Bavaria và hàng đêm tôi phó dâng miền này cho Chúa,” ngài nói trong lời cuối của bộ phim tài liệu.

Bàn làm việc của một vị giáo hoàng trông như thế nào? Chúng tôi đưa các bạn vào bên trong

Đức Bênêđictô XVI trong văn phòng của căn hộ riêng tại Castel Gandolfo, tháng 7 năm 2010

Khi còn là giáo hoàng đương nhiệm, Đức Bênêđictô XVI thích làm việc trong văn phòng trong căn hộ riêng của giáo hoàng tại lâu đài Castel Gandolfo, khu biệt thự mùa hè của các giáo hoàng gần Rôma. Thật vậy, vị giáo hoàng người Đức là người cuối cùng sử dụng nó: theo yêu cầu của Đức Phanxicô, người chưa bao giờ ở đó, khu nhà đã được chuyển thành một bảo tàng mở cửa cho công chúng.

Giống như vị tiền nhiệm, Đức Bênêđictô XVI thích nghỉ hè ở đó để cầu nguyện trong những khu vườn rất đẹp và làm việc trong sự thư thái. Nhìn vào những tấm ảnh, người ta có thể thấy trên bàn của ngài có một chiếc hộp nhỏ bằng da đã sờn. Nó thật ra là một chiếc hộp đựng bút chì, rất giống với chiếc hộp được học sinh sử dụng. Đức Bênêđictô XVI không bao giờ bỏ nó.

Bàn làm việc của một vị giáo hoàng trông như thế nào? Chúng tôi đưa các bạn vào bên trong

Đức Bênêđictô XVI trong văn phòng trong căn hộ riêng tại Castel Gandolfo, tháng 7 năm 2010

Mặc dù ngài nhận được một chiếc máy tính xách tay sau khi bị gãy cổ tay vào tháng 7 năm 2009, nhưng ngài hoàn toàn không quen sử dụng nó. Cha Lombardi, phát ngôn nhân của Vatican, cho biết: “Đặc biệt là trong bối cảnh của công việc sáng tạo, Đức Thánh Cha thích sử dụng bút hơn.” Một số bức ảnh hiếm hoi chứng minh rằng ngài cũng sử dụng bút chì.

“Suy nghĩ của tôi mở rộng chủ yếu thông qua việc viết tay, vì vậy đối với tôi, việc không được viết tay trong sáu tuần thực sự là một thử thách về tính kiên nhẫn,” ngài giải thích với các nhà báo trong thời gian bị gãy xương. Ngay cả trong những văn bản và bài đọc cuối cùng của ngài, những cây bút chì và bút mực vẫn trung thành đồng hành với ngài trong công việc sáng tạo.


Đức Gioan Phaolô II, Chúa Kitô không có bàn tay, Thánh Padre Pio và hoa linh lan

Văn phòng của Đức Gioan Phaolô II ở tầng ba của Điện Tông tòa. Chính từ cửa sổ của căn phòng này, vị giáo hoàng người Ba Lan, được bầu chọn ngày 16 tháng Mười năm 1978, đã xướng Kinh Truyền tin và chia sẻ những suy nghĩ của ngài với các tín hữu tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô vào các buổi chiều Chúa nhật. Nội thất trong điện không có gì lộng lẫy: chỉ có một thư viện với nhiều sách, và một chiếc bàn có các cạnh bị xước nhẹ. Đây là nơi Đức Gioan Phaolô II làm việc hàng ngày.

Bàn làm việc của một vị giáo hoàng trông như thế nào? Chúng tôi đưa các bạn vào bên trong

Đức Gioan Phaolô II tại văn phòng riêng của ngài trong Điện Tông tòa ở Vatican, thập niên 1990.

Trên chiếc kệ sát tường là hai chiếc điện thoại quay số, cùng loại điện thoại trong các bộ phim của thập niên 1960 và 1970. Trên bàn có hai bức ảnh, một ảnh Thánh Padre Pio và ảnh vị Hồng y người Ba Lan Adam Sapieha. Bên cạnh hai ảnh là tượng Chúa Kitô và một tượng nhỏ Mẹ Maria với Chúa Giêsu Hài đồng.

“Khi Đức Thánh Cha bắt đầu công việc mỗi ngày, ngài ngắm nhìn tượng Chúa Kitô không có bàn tay trước mặt mình. Đó là món quà từ một nhà thờ bị phá hủy trong một ngôi làng thuộc Nam Tư cũ,” Đức Tổng Giám mục Mieczyslaw Mokrzycki, thư ký riêng của Đức Gioan Phaolô II, viết trong quyển sách của ngài, Ngài thích các ngày Thứ Ba nhất: Câu chuyện về Cuộc sống Hàng ngày của Chân phước Gioan Phaolô II. Ngay bên cạnh tượng Chúa Kitô là bản sao tượng Đức Mẹ Kazan nổi tiếng của Nga. Ngoài ra còn có một hình ảnh Đức Mẹ Jasna Góra, ảnh mang tính biểu tượng của Ba Lan, và hình ảnh của hai vị thánh đồng hương: Thánh Maximilian Kolbe và Thánh Rafał Kalinowski.

“Nơi đây bao phủ sự tĩnh lặng và yên bình. Nó rất trong lành. Đức Thánh Cha yêu thích không khí trong lành. Ngài thích mở cửa sổ văn phòng của ngài, ngay cả khi trời lạnh,” Đức Tổng Giám mục Mokrzycki nhớ lại. Ngài nói rằng có cảm giác như mùa xuân trong văn phòng của Đức Thánh Cha vì luôn có hoa trên bàn làm việc – thường là những bó hoa nhỏ, khiêm tốn. Ví dụ, vào mùa xuân, các nữ tu mang đến hoa linh lan từ khu vườn Ursuline.

Ngoài ra còn có một bức tượng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội khá lớn, một bức tượng bằng gỗ cũ đặt trên bệ đá nhỏ ở góc văn phòng. Đức Gioan Phaolô II thường dừng lại đó để hôn tượng.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/3/2023]


Tìm kiếm thế giới mới bằng viễn vọng kính Vatican

Tìm kiếm thế giới mới bằng viễn vọng kính Vatican

Các nghiên cứu quang phổ của hơn 1.000 ngôi sao sáng sẽ được thực hiện

Tìm kiếm thế giới mới bằng viễn vọng kính Vatican

aip.de/media/images/VAT

*******

Các nhà thiên văn học từ Viện Vật lý thiên văn Leibniz Potsdam (AIP) và Đài thiên văn Vatican (VO) đã hợp tác để khảo sát quang phổ hơn 1000 ngôi sao sáng được cho là chứa các ngoại hành tinh của chính chúng. Nhóm khảo sát — bao gồm các nhà thiên văn học của Đài Thiên văn Vatican gồm Cha Paul Gabor, SJ, Cha David Brown, SJ, và Cha Chris Corbally, S.J., và kỹ sư của Đài VO Michael Franz — hiện trình bày các giá trị chính xác của 54 thông số quang phổ cho mỗi ngôi sao trong phần đầu tiên của loạt bài báo trên tạp chí Thiên văn học & Vật lý thiên văn và công bố tất cả dữ liệu của nó cho cộng đồng khoa học. Số lượng tham số lớn chưa từng có này sẽ rất cần thiết để giải thích ánh sáng của các vì sao và tìm ra mối liên hệ giữa các đặc tính của các vì sao và các hành tinh có thể tồn tại của chúng.

Tìm kiếm thế giới mới bằng viễn vọng kính Vatican

Các ngôi sao kể những câu chuyện về chúng, và đôi khi về những hành tinh chưa được khám phá của chúng. Ngôn ngữ của chúng là ánh sáng. Ánh sao tiết lộ nhiều thuộc tính vật lý của một ngôi sao, chẳng hạn như nhiệt độ, áp suất, chuyển động, thành phần hóa học, v.v.. Các nhà nghiên cứu phân tích ánh sáng bằng một phương pháp gọi là quang phổ hấp thụ định lượng (quantitative absorption spectroscopy). Để làm được điều này, các kính thiên văn sẽ thu ánh sáng của vì sao và máy quang phổ sẽ phân tích ánh sáng đó theo bước sóng thành một quang phổ giống như cầu vồng, là dấu vết ánh sáng của ngôi sao. Khi các nhà thiên văn học biết được chính xác các tham số này, họ có thể sử dụng chúng để kiểm tra các mô hình lý thuyết của họ về các vì sao. Điều này thường tiết lộ rằng các mô hình có một số thiếu sót hoặc các quan sát về quang phổ của sao vẫn còn thiếu chính xác.

Nhưng đôi khi, nó tiết lộ cho biết một ngôi sao có câu chuyện đầy ngạc nhiên dành cho các nhà thiên văn học. Đó là điều đã thúc đẩy nhóm thực hiện một cuộc khảo sát thật chính xác về các ngôi sao có thể có hành tinh.

Giáo sư Klaus G. Strassmeier, tác giả chính, giám đốc AIP và là điều tra viên chính của cuộc khảo sát, giải thích: “Bởi vì các ngôi sao và hành tinh của chúng hình thành cùng nhau, nên câu hỏi đặt ra là liệu sự tồn tại của một số nguyên tố hóa học nhất định trong bầu khí quyển của sao, hoặc tỷ lệ đồng vị hoặc độ phong phú của chúng, có phải là dấu hiệu của một hệ hành tinh hay không.” Các nhà thiên văn học đã đưa ra giả thuyết rằng số lượng các nguyên tố hóa học khác nhau trong một ngôi sao có thể gợi ý rằng ngôi sao đó có các hành tinh với bề mặt đất (những thế giới đá như Trái đất hoặc Sao Hỏa), có thể gợi ý tuổi của các hành tinh đó, và thậm chí có thể cung cấp manh mối rằng ngôi sao đã “ăn” một số hành tinh của nó. Điều này cần được nghiên cứu kỹ hơn và dữ liệu hiện được công bố là cơ sở cho việc này.

Trong số hơn 5000 ngoại hành tinh đã được xác nhận (các hành tinh quay quanh những ngôi sao khác ngoài Mặt trời), 75% được phát hiện trong không gian bằng cách quan sát ánh sáng của các ngôi sao bị yếu đi do các hành tinh đi qua phía trước chúng. Sứ mệnh Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh (TESS) của NASA đã phát hiện ra các ngoại hành tinh theo cách này. Nó thu về nhiều ngoại hành tinh hơn khi quan sát những phần bầu trời xa hoàng đạo nhất (mặt phẳng mà Trái đất quay quanh Mặt trời), được gọi là các cực hoàng đạo. Những đài quan sát ở bán cầu bắc có thể quan sát cực bắc hoàng đạo và cuộc khảo sát này về những ngôi sao có thể chứa hành tinh trong vùng này được đặt tên là cuộc khảo sát Vatican-Potsdam Northern Ecliptic Pole (VPNEP).

Cuộc khảo sát tập trung vào trường quan sát phong phú nhất của TESS, một vùng bầu trời có kích thước gấp khoảng 4000 lần kích thước trăng tròn. Tất cả khoảng 1.100 ngôi sao có khả năng chứa hành tinh trong vùng này được nghiên cứu. Kính viễn vọng cần tới 1,5 giờ đồng hồ để thu đủ ánh sáng của một ngôi sao nhằm tạo ra một quang phổ chất lượng cao. Với mỗi ngôi sao cần vài ba lần ghé thăm thì phải mất 5 năm để hoàn thành cuộc khảo sát.

Cuộc khảo sát đã sử dụng kính viễn vọng tại hai địa điểm: tại Arizona, Kính viễn vọng Alice P. Lennon của VO và Cơ sở Vật lý thiên văn Thomas. J. Bannan (Kính viễn vọng Công nghệ Tiên tiến của Vatican hay VATT) đã cung cấp ánh sáng cho Thiết bị Phân cực và Quang phổ Potsdam Echelle (PEPSI) của AIP. Những quang phổ được ghi lại của các ngôi sao nhỏ hơn với độ chính xác chưa từng có. Ở Tenerife, Đài quan sát STELLA (StellTELLar Activity) của AIP đã sử dụng Máy quang phổ STELLA Echelle để thu ánh sáng của các ngôi sao khổng lồ với độ chính xác thấp hơn nhưng vẫn ở mức cao.

Tiến sĩ Martina Baratella, một trong những nhà nghiên cứu sau tiến sĩ của AIP tham gia vào cuộc khảo sát, nhận xét: “Quang phổ cho thấy các nguyên tố nằm trong số những nguyên tố khó quan sát nhất”. Các tỷ lệ phong phú như carbon với sắt hoặc ma-giê với oxy gợi ý về sự tồn tại và tuổi của các hành tinh đá chưa từng nhìn thấy.

Giáo sư Strassmeier cho biết thêm: “Trong khi phải mất thời gian để phân tích đầy đủ dữ liệu từ cuộc khảo sát, nhưng chúng tôi hy vọng sẽ sớm công bố những khám phá tiếp theo”.

Cha Gabor nhận xét: “Auguste Comte, người sáng lập thực chứng luận của Pháp, từng viết rằng chúng ta sẽ không bao giờ biết những ngôi sao được tạo nên từ gì. Ông không biết rằng ánh sáng của sao mang theo ‘những dấu vân tay’ có thể cho chúng ta biết rất nhiều điều về các vì sao. Công trình tạo dựng dường như được tạo ra để cho phép chúng ta hiểu được nó — một sự tương đồng với những gì được mặc khải trong Kinh thánh cho chúng ta biết về cách thức Thiên Chúa muốn được biết đến.”

Tìm kiếm thế giới mới bằng viễn vọng kính Vatican

Các lĩnh vực nghiên cứu chính tại AIP là từ trường vũ trụ và vật lý thiên văn ngoài thiên hà. Một phần đáng kể trong các nỗ lực của viện nhằm phát triển công nghệ nghiên cứu trong các lãnh vực quang phổ, kính thiên văn robot và e-science. AIP là sự kế thừa của Đài Quan sát Berlin được thành lập năm 1700 và của Đài quan sát vật lý thiên văn Potsdam được thành lập năm 1874. Đài Quan sát Potsdam là đài quan sát đầu tiên trên thế giới làm nổi bật lĩnh vực nghiên cứu vật lý thiên văn.

Đài quan sát Vatican (VO) là sự kế thừa của các đài quan sát được Tòa thánh thành lập và hỗ trợ từ năm 1572. Trụ sở chính của đài đặt tại biệt thự mùa hè của giáo hoàng ở Castel Gandolfo. Nhờ cộng tác với Đại học Arizona ở Tucson, VO có một kính viễn vọng đặt trên Núi Graham (70 dặm hay 110 km về phía đông bắc của Tucson, 10.500 bộ hay 3200 m trên mực nước biển).

Vatican Observatory 2021 Annual Report featuring article “say ‘PEPSI, please’” on the VO and this project:



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/3/2023]


Thứ Hai, 27 tháng 3, 2023

Kinh Truyền tin của ĐTC Phanxicô ngày 26.03.2023: “Chúa Giêsu ban sự sống ngay cả khi dường như không còn hy vọng”

“Chúa Giêsu ban sự sống ngay cả khi dường như không còn hy vọng”

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước Kinh Truyền Tin

Kinh Truyền tin của ĐTC Phanxicô ngày 26.03.2023: “Chúa Giêsu ban sự sống ngay cả khi dường như không còn hy vọng”

Vatican Media

*******

Lúc 12 giờ trưa hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông Tòa để đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ Kinh Truyền tin:

____________________________________________________


Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Chúa Nhật V Mùa Chay hôm nay, Tin Mừng trình bày cho chúng ta sự sống lại của anh Ladarô (x. Ga 11:1-45). Đây là phép lạ cuối cùng của Chúa Giêsu được thuật lại trước Phục sinh: sự sống lại của Ladarô là người bạn của Chúa. Ladarô là người bạn thân của Chúa Giêsu, biết tin người bạn sắp chết; Ngài bắt đầu cuộc hành trình của mình, nhưng đến nhà người bạn bốn ngày sau khi đã an táng, khi mọi hy vọng đã tắt. Tuy nhiên, sự hiện diện của Người nhóm lại một chút tin tưởng trong lòng hai chị em Mácta và Maria (x. c. 22, 27). Họ bấu víu vào tia sáng này, vào chút hy vọng nhỏ bé này, bất chấp đau khổ của họ. Chúa Giêsu mời gọi họ hãy có lòng tin, và yêu cầu mở cửa mộ. Sau đó, Người cầu nguyện với Chúa Cha và gọi Ladarô: “Hãy ra khỏi mồ!” (câu 43). Và Ladarô sống lại và bước ra. Đây chính là phép lạ, như vậy đó, rất đơn giản.

Thông điệp rất rõ ràng: Chúa Giêsu ban sự sống ngay cả khi dường như mọi hy vọng đã vụt tắt. Có những lúc, chúng ta cảm thấy vô vọng – điều này xảy ra với tất cả chúng ta – hoặc gặp những người đã từ bỏ mọi hy vọng: cay đắng vì những kinh nghiệm tồi tệ, trái tim bị tổn thương không thể có hy vọng. Vì một mất mát đau thương, một căn bệnh, một thất vọng cay đắng, chịu đựng một điều sai quấy hoặc phản bội, một lỗi lầm nghiêm trọng đã phạm… mà họ đã từ bỏ hy vọng. Đôi khi chúng ta nghe có người nói rằng “Hết cách rồi!”, và đóng sập cánh cửa của mọi hy vọng. Đó là những khoảnh khắc khi cuộc sống dường như là một ngôi mộ bị niêm phong: mọi sự đều tăm tối, và xung quanh chúng ta chỉ thấy đau khổ và tuyệt vọng. Phép lạ hôm nay nói với chúng ta rằng không phải như vậy, đây không phải là dấu chấm hết, rằng trong những thời khắc này, chúng ta không đơn độc; trái lại, chính trong những lúc này, Chúa đến gần hơn bao giờ hết để phục hồi sự sống cho chúng ta. Chúa Giêsu khóc: Tin Mừng thuật rằng Chúa Giêsu khóc trước mộ Ladarô, và hôm nay Chúa Giêsu cũng khóc với chúng ta, như Người đã có thể khóc cho Ladarô: Tin Mừng lặp lại hai lần rằng Người thổn thức (x. c. 33, 38), nhấn mạnh việc Chúa đã khóc (xem câu 35). Đồng thời Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta không ngừng tin tưởng và hy vọng, đừng để bản thân bị những cảm xúc tiêu cực đè bẹp làm mất đi những giọt nước mắt của chúng ta. Người đến gần các ngôi mộ của chúng ta và nói với chúng ta như sau: “Đem phiến đá này đi” (c. 39). Trong những lúc như vậy, chúng ta dường như có một tảng đá bên trong, và người duy nhất có thể loại bỏ nó là Chúa Giêsu, với lời của Người: “Hãy đem phiến đá này đi”.

Chúa Giêsu cũng nói điều này với chúng ta. Hãy đem phiến đá này đi: nỗi đau đớn, những lỗi lầm, kể cả những thất bại, đừng giấu kín chúng trong lòng, trong căn phòng tối tăm, cô đơn, đóng kín. Hãy đem phiến đá này đi: hãy trút bỏ hết những gì bên trong ra. “À, nhưng tôi thấy xấu hổ”. Chúa phán: hãy tin tưởng ném nó cho Ta, Ta sẽ không giận đâu; đừng ngại ném nó cho Ta, bởi vì Ta ở bên con, Ta quan tâm đến con và Ta muốn con bắt đầu sống trở lại. Và, như đã làm với Ladarô, Người lặp lại với mỗi người chúng ta: Hãy ra khỏi mồ! Hãy trỗi dậy, quay trở lại con đường, lấy lại sự tự tin của bạn! Đã bao lần trong đời chúng ta gặp tình trạng như thế, trong hoàn cảnh không còn sức để vực dậy nữa. Và Chúa Giêsu phán: “Hãy đi, hãy bước đi! Ta ở với con”. Chúa Giêsu nói “Ta sẽ nắm lấy tay con, giống như khi con còn là một đứa trẻ chập chững những bước đi đầu đời.”

Anh chị em thân mến, hãy tháo bỏ những gông cùm đang trói buộc anh em (x. c. 45); xin đừng đầu hàng trước sự bi quan làm anh chị em chán nản, đừng đầu hàng trước nỗi sợ hãi đang cô lập anh chị em, đừng đầu hàng trước sự nản lòng do ký ức về những kinh nghiệm tồi tệ gây ra, đừng đầu hàng trước nỗi sợ hãi làm tê liệt. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ta muốn con được sống và tự do, Ta sẽ không bỏ rơi con và Ta ở với con! Mọi thứ đều tối tăm, nhưng Ta ở bên con! Đừng để mình bị giam cầm bởi nỗi đau, đừng để niềm hy vọng bị lụi tàn. Này anh, này chị hãy sống lại!”. “Làm sao tôi có thể làm được điều này?”. “Hãy nắm lấy tay Ta”, và Chúa nắm lấy tay chúng ta. Anh chị em hãy để cho mình được kéo ra: và Chúa có thể làm điều đó, trong những thời khắc đen tối xảy ra với tất cả chúng ta.

Anh chị em thân mến, trích đoạn này trong chương 11 của Tin Mừng theo Thánh Gioan là trích đoạn rất hay, là một bài thánh ca về sự sống, và trích đoạn này được công bố khi Phục Sinh gần kề. Có lẽ chúng ta vào lúc này đây cũng đang mang trong lòng một gánh nặng hoặc một đau khổ nào đó dường như đè bẹp chúng ta; một điều gì đó thật tồi tệ, một tội xưa cũ nào đó mà chúng ta không thể nói ra, lỗi lầm nào đó của thời trẻ, anh chị em không bao giờ biết được. Những điều xấu cần phải lộ diện. Và Chúa Giêsu nói: “Hãy bước ra khỏi mồ!”. Vì vậy, đây là lúc để cất viên đá đi và tiến về phía Chúa Giêsu, Đấng đang ở gần. Chúng ta có thể mở lòng với Ngài và phó thác những lo lắng của chúng ta cho Ngài không? Chúng ta sẽ làm điều đó chứ? Liệu chúng ta có thể mở cửa ngôi mộ của những vấn đề, liệu chúng ta có khả năng, và nhìn qua ngưỡng cửa, hướng tới ánh sáng của Ngài, hay chúng ta e sợ việc này? Và về phần mình, như những tấm gương nhỏ của tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta có cố gắng chiếu sáng những môi trường chúng ta đang sống bằng lời nói và cử chỉ của cuộc sống không? Chúng ta có làm chứng cho niềm hy vọng và niềm vui của Chúa Giêsu không? Chúng ta, tất cả chúng ta là những tội nhân? Và tôi cũng muốn nói một lời với các cha giải tội: anh em thân mến, đừng quên rằng anh em cũng là những tội nhân, và anh em ở tòa giải tội không phải để tra tấn, nhưng để tha thứ, và tha thứ mọi sự, như Chúa đã tha thứ mọi sự. Xin Mẹ Maria, Mẹ của niềm Hy vọng, đổi mới trong chúng ta niềm vui vì không thấy cô đơn và tiếng gọi mang ánh sáng vào trong bóng tối vây quanh chúng ta.

________________________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Hôm qua, Lễ Trọng Lễ Truyền Tin, chúng ta đã lập lại việc thánh hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, với niềm xác tín rằng chỉ có việc hoán cải tâm hồn mới có thể mở ra con đường dẫn đến hòa bình. Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho người dân Ukraine đang chịu đau khổ.

Và chúng ta cũng hãy gần gũi các nạn nhân trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Số tiền thu được từ đợt quyên góp đặc biệt diễn ra ngày hôm nay tại tất cả các giáo xứ trên khắp nước Ý đều dành cho họ. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho người dân của bang Mississippi, bị một cơn lốc xoáy tàn phá.

Cha xin chào tất cả anh chị em, người dân Rôma và anh chị em hành hương đến từ nhiều quốc gia, đặc biệt là anh chị em đến từ Madrid và Pamplona, và anh chị em người Mexico; cũng như người dân Peru, tiếp tục cầu nguyện cho sự hòa giải và hòa bình ở Peru. Chúng ta phải cầu nguyện cho Peru, đất nước đang chịu nhiều đau khổ.

Cha chào các tín hữu của Zollino, Rieti, Azzano Mella và Capriano del Colle, Bellizzi, Crotone và Castelnovo Monti với Unitalsi; và cha xin chào các ứng viên Thêm sức đến từ Pavia, Melendugno, Cavaion và Sega, Settignano và Prato; các bạn trẻ của Ganzanigo, Acilia và Longi; và Hiệp hội Amici del Crocifisso của Marches.

Tôi xin gửi lời chào đặc biệt tới phái đoàn của Lực lượng Không quân Ý đang kỷ niệm 100 năm thành lập. Tôi chúc các bạn mọi sự tốt lành trong ngày kỷ niệm này, và tôi khuyến khích các bạn luôn làm việc để xây dựng công lý và hòa bình.

Cha cầu nguyện cho tất cả anh chị em; và xin hãy cầu nguyện cho cha. Và cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/3/2023]


Người Kitô giáo và Hồi giáo: những người thúc đẩy tình yêu thương và tình bằng hữu

Người Kitô giáo và Hồi giáo: những người thúc đẩy tình yêu thương và tình bằng hữu

Thông điệp của Bộ Đối thoại Liên tôn trong tháng Ramadan

Người Kitô giáo và Hồi giáo: những người thúc đẩy tình yêu thương và tình bằng hữu

Vatican News


*******

Nhân dịp tháng Ramadan và lễ ‘Id al-Fitr 1444 H. / 2023 A.D., Bộ Đối thoại Liên tôn gửi đến người Hồi giáo trên khắp thế giới một thông điệp chúc mừng với tựa đề: Người Kitô giáo và Hồi giáo: Những người thúc đẩy tình yêu thương và tình bằng hữu.

Sau đây là văn bản Thông điệp, được ký bởi Đức Hồng y Tổng trưởng Miguel Ángel Ayuso Guixot, M.C.J., và ngài Thư ký của Bộ, Đức ông Indunil Kodithuwakku Janakaratne Kankanamalage:

_________________________________________________


Người Kitô giáo và Hồi giáo:

Những người thúc đẩy tình yêu thương và tình bằng hữu

Thưa anh chị em Hồi giáo,

Tháng Ramadan là vô cùng quan trọng đối với anh chị em, nhưng cũng quan trọng đối với các bạn bè, những người láng giềng và người theo tôn giáo khác, đặc biệt là người Kitô giáo. Tình bạn hiện tại được củng cố và những tình bạn mới được xây dựng, mở đường cho sự chung sống hòa bình, hòa hợp và vui mừng hơn. Điều này phù hợp với ý muốn nước trời dành cho các cộng đồng của chúng ta, và dành cho tất cả các thành viên và các cộng đồng của gia đình nhân loại.

Các bạn thân mến, chúng ta biết rằng sự chung sống hòa bình và thân thiện phải đối mặt với nhiều thách thức và đe dọa: chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa cấp tiến, luận chiến, tranh luận và bạo lực có động cơ tôn giáo. Các mối đe dọa được thúc đẩy bởi văn hóa thù hận. Do đó, chúng ta cần tìm ra những phương cách thích hợp nhất để chống lại và đánh bại văn hóa đó, đồng thời đề cao tình yêu thương và tình bằng hữu, đặc biệt giữa người Hồi giáo và Kitô giáo, nhờ những mối dây liên kết chúng ta. Đây là lý do tại sao chúng tôi thấy rằng đây là cơ hội để chia sẻ một số suy nghĩ với các bạn về vấn đề này, hy vọng cũng nhận được những suy nghĩ của các bạn.

Tất cả bắt đầu từ thái độ của chúng ta đối với nhau, đặc biệt khi có những khác biệt giữa chúng ta về tôn giáo, sắc tộc, văn hóa, ngôn ngữ hoặc chính trị.

Những khác biệt có thể bị xem là một mối đe dọa, nhưng mọi người đều có quyền đối với bản sắc riêng của mình với các thành phần đa dạng của nó, nhưng không bỏ qua hoặc quên đi những điểm chung của chúng ta: “Mọi dân tộc đều thuộc về một cộng đoàn, cùng chung một nguồn gốc, vì Thiên Chúa đã cho toàn thể nhân loại sinh sống trên khắp mặt địa cầu. Họ lại có cùng một mục đích tối hậu là Thiên Chúa, Ðấng vẫn hằng trải rộng sự quan phòng, chứng tích lòng nhân hậu và ý định cứu độ cho hết mọi người, cho đến khi những người được chọn hiệp nhất với nhau trong Thành Thánh, rạng ngời ánh vinh quang Thiên Chúa, nơi muôn dân bước đi trong ánh sáng Ngài” (Tuyên ngôn về Liên lạc của Giáo hội với các Tôn giáo ngoài Kitô giáo, Nostra Aetate, 28 tháng 10, 1965, s. 1).

Thật không may, những thái độ và hành vi tiêu cực đối với người khác biệt với chúng ta là rất nhiều: nghi ngờ, sợ hãi, kình địch, phân biệt đối xử, loại trừ, ngược đãi, bút chiến, lăng mạ và nói xấu sau lưng, v.v..

Các nền tảng truyền thông xã hội là không gian phổ biến cho những hành vi có hại như vậy, biến vai trò của chúng từ chỗ là những phương tiện giao tiếp và tình bằng hữu trở thành công cụ cho tình trạng thù địch và chiến đấu. Về vấn đề này, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: “Dù các cá nhân giữ tình trạng cô lập có tính hưởng thụ và thoải mái của mình, họ có thể chọn một dạng gắn kết sốt sắng và thường xuyên, trong đó họ rõ ràng cổ vũ thái độ thù địch, những lăng mạ, lạm dụng, phỉ báng, và ngôn ngữ bạo lực có sức hủy diệt người khác – và những điều này được thể hiện một cách thiếu kiềm chế, theo cách không thể tồn tại trong thế giới thực mà không xé nát vụn chúng ta. Sự gây hấn xã hội đã tìm thấy chỗ ‘tốt nhất’ của nó để lan tỏa xuyên qua các máy tính và các thiết bị di động” (Tông huấn Fratelli Tutti, ngày 3 tháng 10 năm 2020, s. 44).

Đối lập với những hành vi tiêu cực nêu trên, là sự tôn trọng, tốt bụng, lòng nhân hậu, tình bằng hữu, sự quan tâm lẫn nhau cho tất cả mọi người, tha thứ, hợp tác vì ích chung, giúp đỡ tất cả những người gặp khó khăn và chăm sóc môi trường, để giữ cho “ngôi nhà chung” của chúng ta là một nơi an toàn và dễ chịu, nơi chúng ta có thể chung sống trong hòa bình và tươi vui.

Chúng ta không thể ngăn chặn và chống lại văn hóa hận thù, và thúc đẩy văn hóa yêu thương và bằng hữu, nếu không có một nền giáo dục lành mạnh cho các thế hệ tương lai trong mọi không gian nơi họ được đào tạo: trong gia đình, ở trường học, nơi thờ tự, và trên truyền thông xã hội.

Do đó, một thế giới nơi công lý, hòa bình, tình huynh đệ và sự thịnh vượng ngự trị làm hài lòng Đấng Toàn năng và mang lại niềm vui, kêu gọi cam kết chung và chân thành của chúng ta.

Anh chị em Hồi giáo thân mến, cầu chúc anh chị em được hưởng phúc lành dồi dào của Đấng Toàn năng trong tháng Ramadan và cử hành lễ ‘Id al-Fitr trong niềm vui của lòng trung thành và tình yêu đối với Đấng Toàn năng và tất cả những người mà anh chị em sống cùng hoặc gặp gỡ.

Vatican, 3 tháng 3, 2023

Hồng y Miguel Ángel Cardinal Ayuso Guixot, MCCJ

Tổng trưởng

Đức ông Indunil Kodithuwakku Janakaratne Kankanamalage

Thư ký



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/3/2023]


Thứ Năm, 23 tháng 3, 2023

Tiếp kiến chung của ĐTC Phanxicô - Bài giáo lý thứ tám về nhiệt tâm rao giảng Tin mừng: Phương cách đầu tiên để loan báo Tin mừng: chứng tá

Phương cách đầu tiên để loan báo Tin mừng: chứng tá

Bài giáo lý thứ tám về nhiệt tâm rao giảng Tin mừng

Tiếp kiến chung của ĐTC Phanxicô

Vatican Media

*******

Bài giáo lý. Nhiệt tâm rao giảng Tin mừng: lòng nhiệt thành truyền giáo của người tín hữu 8. Phương cách đầu tiên để loan báo Tin mừng: chứng tá” (Tông huấn Evangelii nuntiandi)

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta sẽ lắng nghe “magna carta” (hiến chương) về việc rao giảng Tin Mừng trong thế giới đương đại: Tông Huấn Evangelii nuntiandi của Thánh Phaolô VI (EN, 8 tháng 12, 1975). Nó mang tính thời sự, viết từ năm 1975 nhưng giống như mới viết hôm qua. Loan báo Tin mừng không chỉ là việc truyền bá giáo lý và luân lý đơn thuần. Trước hết và trên hết, đó là làm chứng – người ta không thể loan báo Tin Mừng nếu không làm chứng – chứng tá của cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể trong đó ơn cứu độ được nên trọn. Một chứng tá không thể thiếu, bởi vì, trước hết, thế giới “kêu nài những người rao giảng Tin Mừng hãy nói về một Thiên Chúa mà họ đã biết và tiếp xúc” (EN, 76). Không phải để truyền bá một hệ tư tưởng hoặc một “giáo lý” về Thiên Chúa, không phải. Đó là thông truyền Thiên Chúa đang sống trong tôi: đây là chứng tá, và hơn thế nữa, bởi vì “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng” (nt., 41). Như vậy, chứng tá của Đức Kitô đồng thời là phương tiện đầu tiên của việc loan báo Tin Mừng (x. nt., và là điều kiện thiết yếu để nó trở nên hữu hiệu (x. nt., 76), để việc loan báo Tin Mừng có thể trổ sinh hoa trái. Là chứng nhân.

Cần phải nhớ rằng chứng tá cũng bao gồm đức tin được tuyên xưng, nghĩa là sự gắn bó xác tín và rõ ràng với Thiên Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Đấng đã tạo dựng chúng ta vì tình yêu và cứu chuộc chúng ta. Một đức tin biến đổi chúng ta, biến đổi các mối tương quan của chúng ta, các tiêu chí và giá trị quyết định những lựa chọn của chúng ta. Do đó, chứng tá không thể tách rời khỏi sự nhất quán giữa điều người ta tin và điều người ta công bố, và điều người ta sống. Một người không đáng tin chỉ bằng cách tuyên bố một học thuyết hay một hệ tư tưởng, không. Một người đáng tin khi có sự hài hòa giữa những gì người đó tin và sống. Nhiều Kitô hữu chỉ nói rằng họ tin, nhưng họ sống theo một cách khác, như thể họ không tin. Và đó là đạo đức giả. Ngược lại với chứng tá là đạo đức giả. Rất nhiều lần chúng ta nghe nói: “À, người này đi lễ Chúa nhật hàng tuần nhưng anh ta lại sống như thế này, thế kia”: sự thật là vậy, đó là phản chứng.

Mỗi người chúng ta đều phải trả lời ba câu hỏi căn bản, được Đức Phaolô VI đặt ra theo cách này: “Anh chị em có tin điều anh chị em đang rao giảng không? Anh chị em có sống những gì anh chị em tin không? Anh chị em có rao giảng những gì anh chị em sống không? (x. sđd.). Có sự hài hòa: anh chị em có tin những gì anh chị em rao giảng không? Anh chị em có sống những gì anh chị em tin không? Anh chị em có rao giảng những gì anh chị em sống không? Chúng ta không thể hài lòng với câu trả lời dễ dàng, được đóng gói sẵn. Chúng ta được kêu gọi chấp nhận rủi ro của việc tìm kiếm, cho dù không ổn định, hoàn toàn tin tưởng vào hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong mỗi người chúng ta, thúc đẩy chúng ta ngày càng tiến xa hơn: vượt ra ngoài ranh giới của chúng ta, vượt qua những rào cản của chúng ta, vượt qua những giới hạn thuộc bất kỳ loại nào của chúng ta.

Theo nghĩa này, chứng tá của đời sống Kitô hữu bao hàm một hành trình nên thánh, đặt nền tảng trên Bí Tích Rửa Tội, làm cho chúng ta “được thông phần vào thần tính, và do đó, thật sự đã trở nên thánh” (Hiến Chế Tín Lý Lumen gentium, 40). Sự nên thánh không dành riêng cho một số ít; đó là quà tặng của Thiên Chúa và đòi hỏi phải được đón nhận và làm trổ sinh hoa trái cho chính chúng ta và cho người khác. Được Thiên Chúa tuyển chọn và yêu thương, phải đem tình yêu này đến cho tha nhân. Đức Phaolô VI dạy rằng lòng nhiệt thành rao giảng Tin mừng của chúng ta phải được xuất phát từ sự thánh thiện thật sự của một cuộc sống được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện, và nhất là bằng lòng yêu mến đối với phép Thánh Thể, việc rao giảng Tin Mừng gia tăng sự thánh thiện nơi những người thực hiện nó (x. EN, 76). Đồng thời, nếu không có sự thánh thiện, những lời của người loan báo Tin Mừng “khó mà đi vào lòng con người thời đại hôm nay”, và “có nguy cơ trở thành uổng công và vô hiệu” (sđd.).

Do đó, chúng ta phải ý thức rằng việc loan báo Tin Mừng không chỉ nhắm riêng đến những người khác, những người tuyên xưng các niềm tin khác hoặc không tuyên xưng niềm tin nào, mà còn là cho chính chúng ta là những người tin vào Chúa Kitô và là những thành viên tích cực của Dân Chúa. Và chúng ta phải hoán cải mỗi ngày, đón nhận lời Chúa và thay đổi cuộc sống của chúng ta: mỗi ngày. Và đây là cách tâm hồn được loan báo Tin mừng. Để làm chứng cho điều đó, Giáo hội cũng phải bắt đầu bằng việc rao giảng Tin mừng cho chính mình. Nếu Giáo hội không rao giảng Tin mừng cho chính mình, thì Giáo hội vẫn là một viện bảo tàng. Thay vào đó, chính bằng cách rao truyền Tin mừng cho bản thân mà Giáo hội liên tục được cập nhật. Giáo hội phải không ngừng lắng nghe những gì Giáo hội tin, lắng nghe những lý do để Giáo hội hy vọng, lắng nghe điều răn mới của tình yêu. Giáo Hội, một Dân Chúa đắm chìm trong thế gian, và thường bị cám dỗ bởi các ngẫu thần – có rất nhiều ngẫu thần – và Giáo Hội luôn cần được nghe loan báo về các công trình của Thiên Chúa. Tóm lại, điều này có nghĩa là Giáo Hội luôn có nhu cầu được loan báo Tin Mừng, Giáo Hội cần đọc Tin Mừng, cầu nguyện và cảm nhận sức mạnh của Thần Khí biến đổi tâm hồn mình (x. EN, 15).

Một Giáo hội rao giảng Tin Mừng cho chính mình để loan báo Tin Mừng là một Giáo hội được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, buộc phải bước đi trên con đường có nhiều đòi hỏi, con đường hoán cải và canh tân. Điều này cũng đòi hỏi khả năng thay đổi những cách hiểu và sống sự hiện diện rao truyền Tin mừng của mình trong lịch sử, tránh trú ẩn trong những vùng được bảo vệ theo luận lý “mọi việc luôn được thực hiện theo cách này”. Chúng là những nơi trú ẩn làm cho Giáo hội trở nên ốm bệnh. Giáo hội phải tiến lên, phải liên tục phát triển; theo cách này, Giáo hội sẽ vẫn trẻ trung. Giáo hội hoàn toàn hướng về Thiên Chúa, do đó là một người tham gia vào chương trình cứu độ nhân loại của Ngài, đồng thời, hoàn toàn hướng về nhân loại. Giáo hội phải là một Giáo hội gặp gỡ đối thoại với thế giới đương đại, dệt nên những mối tương quan huynh đệ, tạo ra những không gian gặp gỡ, thực hiện những việc thực hành tốt của lòng hiếu khách, chào đón, công nhận và hội nhập người khác và điều khác, và quan tâm đến ngôi nhà chung là tạo vật. Đó là, một Giáo hội gặp gỡ đối thoại với thế giới đương đại, đối thoại với thế giới đương đại, nhưng cũng gặp gỡ Chúa mỗi ngày, đối thoại với Chúa, và cho phép Chúa Thánh Thần, tác nhân của việc loan báo Tin Mừng, đi vào. Không có Chúa Thánh Thần chúng ta chỉ có thể quảng cáo Giáo hội chứ không thể truyền giáo. Chính Thần Khí trong chúng ta thúc đẩy chúng ta hướng tới việc rao giảng Tin Mừng, và đây là sự tự do đích thực của con cái Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, tôi xin mời anh chị em đọc đi đọc lại Tông huấn Evangelii nuntiandi: Tôi nói thật với anh chị em, tôi thường xuyên đọc tông huấn này, bởi vì đó là kiệt tác của Thánh Phaolô VI, nó là di sản ngài để lại cho chúng ta, để truyền giáo.

____________________________________


Lời chào đặc biệt

Cha xin gửi lời chào thân ái đến anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh tham gia buổi tiếp kiến hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ nước Anh, Indonesia, Philippines và Hoa Kỳ. Xin cho hành trình Mùa Chay của chúng ta đưa chúng ta đến lễ Phục sinh với tâm hồn được thanh tẩy và đổi mới nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Cha khẩn xin niềm vui và bình an trong Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, đổ xuống trên anh chị em và gia đình.

________________________________________

LỜI KÊU GỌI

Hôm nay là Ngày Nước Thế giới. Những lời của Thánh Phanxicô thành Assisi hiện lên trong tâm trí tôi: “Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì Chị Nước, thật ích lợi và khiêm nhu, quý hóa và trinh trong”. Bằng những lời đơn sơ này, chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp của tạo vật và nhận thức được những thách đố liên quan đến việc chăm sóc tạo vật. Trong những ngày này, Hội nghị về Nước lần thứ hai của Liên hợp quốc đang diễn ra tại New York. Tôi cầu nguyện để có một kết quả thành công và hy vọng rằng sự kiện quan trọng này sẽ thúc đẩy các sáng kiến hỗ trợ những người đang phải chịu cảnh khan hiếm nước, là thành phần căn bản. Nước không thể bị lãng phí và lạm dụng hoặc là nguyên nhân của chiến tranh, mà phải được bảo tồn vì lợi ích của chúng ta và của các thế hệ tương lai.

Thứ Bảy sẽ là Lễ Trọng Truyền Tin, và chúng ta nghĩ đến ngày 25 tháng Ba năm ngoái, khi Giáo hội và toàn nhân loại, cùng với tất cả các giám mục trên thế giới, đặc biệt là Nga và Ukraine, được thánh hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Chúng ta đừng mệt mỏi phó dâng nền hòa bình cho Đức Nữ Vương Hòa Bình. Do đó, tôi mời gọi tất cả mọi người tín hữu và cộng đoàn, đặc biệt là các nhóm cầu nguyện, hãy lập lại hành động tận hiến cho Đức Mẹ vào ngày 25 tháng Ba hàng năm, để Mẹ, là Mẹ, gìn giữ tất cả chúng ta trong sự hiệp nhất và bình an.

Và chúng ta đừng quên, trong những ngày này, Ukraine đang hỗn loạn, đang phải đau khổ rất nhiều.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/3/2023]


Thứ Ba, 21 tháng 3, 2023

Đức Thánh Cha gặp các đại diện Phật giáo Nhân văn của Đài Loan: “Văn hóa gặp gỡ xây dựng những cầu nối và mở ra những cánh cửa dẫn đến các giá trị và nguyên tắc thiêng liêng”

“Văn hóa gặp gỡ xây dựng những cầu nối và mở ra những cánh cửa dẫn đến các giá trị và nguyên tắc thiêng liêng”

Đức Thánh Cha gặp các đại diện Phật giáo Nhân văn của Đài Loan

© Vatican News

*******

Sáng nay, tại Điện Tông tòa Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Phái đoàn Hiệp hội Phật giáo Nhân văn Thống nhất (Đài Loan) và sau đây là diễn từ của ngài:

______________________________________________________


Diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa Hòa Thượng Viện Trưởng, thưa anh chị em!

Tôi hân hạnh được chào đón quý vị đại diện cho Phật giáo Nhân văn của Đài Loan, và đại diện của Giáo hội Công giáo.

Sự hiện diện của quý vị hôm nay minh chứng cho tinh thần tình bằng hữu và hợp tác mà quý vị đã vun đắp với tư cách là những tín đồ, có nền tảng vững chắc trong hành trình tôn giáo của quý vị. Cuộc gặp gỡ của chúng ta diễn ra một thời gian ngắn sau khi Hòa Thượng Hsing Yun viên tịch, vị tổ sáng lập Tu viện Phật Quang Sơn. Nổi tiếng thế giới vì những đóng góp cho Phật giáo Nhân văn, ngài cũng là một bậc thầy về lòng hiếu khách giữa các tôn giáo.

Chuyến thăm của quý vị, mà quý vị gọi là một cuộc hành hương giáo dục, cho thấy một cơ hội đặc biệt để thúc đẩy văn hóa gặp gỡ, trong đó chúng ta mạo hiểm mở lòng ra với người khác, tin tưởng rằng chúng ta sẽ khám phá ra nơi họ những người bạn và anh chị em, và trong tiến trình tìm hiểu và khám phá thêm về bản thân. Vì khi chúng ta có kinh nghiệm với những người khác trong sự đa dạng của họ, chúng ta được động viên vượt ra ngoài bản thân và chấp nhận cũng như nắm lấy sự khác biệt của chúng ta.

Một cuộc hành hương giáo dục liên tôn giáo có thể là một nguồn phong phú tuyệt vời, mang lại nhiều cơ hội để chúng ta gặp gỡ nhau, học hỏi lẫn nhau và trân trọng những kinh nghiệm khác nhau của chúng ta. Văn hóa gặp gỡ xây dựng những cầu nối và mở ra những cánh cửa dẫn đến các giá trị thiêng liêng và những xác tín truyền cảm hứng cho người khác. Nó phá bỏ các bức tường ngăn cách con người và giam giữ họ trong những định kiến, thành kiến hoặc sự thờ ơ.

Cuộc hành hương giáo dục đến những nơi linh thiêng của một tôn giáo – giống như cuộc hành hương quý vị đang thực hiện – cũng có thể làm phong phú thêm sự đánh giá của chúng ta về những khác biệt trong cách tiếp cận thần tính của tôn giáo đó. Những kiệt tác nghệ thuật tôn giáo bao quanh chúng tôi ở Vatican và khắp Rôma phản ánh niềm xác tín rằng, trong Chúa Giêsu Kitô, chính Thiên Chúa đã trở thành một “người lữ hành” trong thế gian này vì tình yêu thương dành cho gia đình nhân loại của chúng ta. Đối với các Kitô hữu, Thiên Chúa đã trở thành một người giữa chúng ta trong nhân tính của Chúa Giêsu, tiếp tục dẫn dắt chúng tôi trong cuộc lữ hành thánh thiện, nhờ đó chúng ta phục hồi và phát triển để trở nên giống như Ngài, và do đó chúng ta trở nên, theo lời của Thánh Phêrô, “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1:4).

Xuyên suốt dòng lịch sử, các tín đồ tôn giáo đã tạo ra những khoảng thời gian và không gian thiêng liêng như những ốc đảo gặp gỡ, nơi con người có thể đón lấy nguồn cảm hứng cần thiết để sống khôn ngoan và tốt lành. Bằng cách này, họ góp phần vào việc giáo dục toàn diện nhân vị, bao gồm “khối óc, đôi tay, tâm hồn và linh hồn” và do đó dẫn đưa họ đến kinh nghiệm về “vẻ đẹp và sự hài hòa của trọn vẹn con người” (Gặp gỡ các Tôn giáo và Giáo dục: Hướng tới Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục, ngày 5 tháng Mười năm 2021).

Những ốc đảo gặp gỡ như vậy thậm chí còn cần thiết hơn trong thời đại của chúng ta, được đánh dấu bởi “sự liên tục gia tăng những thay đổi ảnh hưởng đến con người và hành tinh, cộng với nhịp sống và công việc ngày càng căng thẳng” (Tông huấn Laudato si’ 18). Thực tế này cũng ảnh hưởng đến đời sống và văn hóa tôn giáo, đồng thời kêu gọi việc đào tạo và giáo dục giới trẻ cách thích đáng về những chân lý vượt thời gian cũng như những phương pháp cầu nguyện và xây dựng hòa bình đã được thử nghiệm. Ở đây, một lần nữa cần lưu ý rằng, “tôn giáo luôn có mối quan hệ chặt chẽ với giáo dục, hoạt động tôn giáo gắn liền với hoạt động giáo dục, kinh viện và học thuật. Như trong quá khứ, cũng như trong thời đại của chúng ta, với sự khôn ngoan và nhân văn của các truyền thống tôn giáo của chúng ta, chúng ta mong muốn trở thành tác nhân kích thích cho một hoạt động giáo dục đổi mới có thể thúc đẩy tình huynh đệ phổ quát trong thế giới của chúng ta” (Gặp gỡ các Tôn giáo và Giáo dục, cit.).

Các bạn thân mến, tôi hy vọng rằng chuyến hành hương giáo dục này sẽ dẫn dắt các bạn, được hướng dẫn bởi tư tưởng của Đức Phật là vị thầy thiêng liêng của các bạn, đến một cuộc gặp gỡ sâu sắc hơn với chính mình và với người khác, với truyền thống Kitô giáo, và với vẻ đẹp của trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta. Mong rằng chuyến viếng thăm của các bạn đến Rôma đầy tràn những khoảnh khắc gặp gỡ đích thực có thể trở thành những cơ hội quý giá để phát triển kiến thức, sự khôn ngoan, đối thoại và hiểu biết.

Tôi cảm ơn các bạn đã đến thăm, và tôi cầu xin phúc lành Nước Trời đổ xuống trên các bạn. Cảm ơn các bạn.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/3/2023]