Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 55, 23.01.2021

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 55, 23.01.2021

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 55, 23.01.2021

Sau đây là Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 55, sẽ được tổ chức ngày 16 tháng Năm tại nhiều quốc gia trong năm nay, Lễ Chúa Lên Trời:

***** 

Sứ điệp của Đức Thánh Cha

“Đến mà xem” (Ga 1:46) Truyền thông bằng cách gặp gỡ mọi người với chính con người và hoàn cảnh của họ

Anh chị em thân mến,

Lời mời gọi “đến mà xem,” là một phần của những cuộc gặp gỡ đầu tiên đầy cảm xúc của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài, cũng là một phương thức cho mọi truyền thông đích thực của con người. Để nói lên sự thật của cuộc sống trở thành lịch sử (xem Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 54, 24 tháng Một năm 2020), cần phải vượt qua thái độ thỏa mãn cho rằng chúng ta “đã biết” những điều đó. Thay vì vậy, chúng ta cần phải đến và xem cho chính bản thân, để dành thời gian với mọi người, để lắng nghe những câu chuyện của họ và đối mặt với thực tại, là những điều luôn làm chúng ta ngạc nhiên theo cách này hoặc cách khác. “Hãy mở rộng đôi mắt ngạc nhiên trước những gì bạn thấy, hãy để cho đôi bàn tay của bạn chạm đến sự tươi mới và sinh khí của mọi điều, để khi người khác đọc những gì bạn viết, họ cũng có thể trực tiếp chạm đến kỳ công đầy sức sống của cuộc sống”. Đây là lời khuyên mà Chân phước Manuel Lozano Garrido[1] gửi đến các ký giả đồng nghiệp của ngài. Vì vậy, năm nay, tôi muốn dành Sứ điệp này cho lời mời gọi “đến mà xem” như một động lực thúc đẩy cho toàn bộ ngành truyền thông cố gắng để trở nên rõ ràng và trung thực, trên báo chí, trên internet, trong việc rao giảng hàng ngày của Giáo hội và trong truyền thông chính trị hoặc xã hội. “Đến mà xem!” Đây luôn là con đường mà niềm tin Kitô giáo được thông truyền, từ thời điểm của những cuộc gặp gỡ đầu tiên trên bờ Sông Giođan và trên Biển hồ Galilê.

Lên đường

Trước hết, chúng ta hãy xét đến vấn đề lớn của việc tường thuật tin tức. Những tiếng nói sáng suốt từ lâu đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ khi phóng sự điều tra nguyên bản trên báo chí và truyền hình, đài phát thanh và bản tin trang web đang bị thay thế bởi một bài phóng sự tuân theo một câu chuyện tiêu chuẩn, thường là có dụng ý. Cách tiếp cận này ngày càng giảm bớt khả năng nắm bắt sự thật của mọi việc và cuộc sống cụ thể của con người, và càng giảm bớt nhiều hơn nữa đối với những hiện tượng xã hội nghiêm trọng hơn hoặc những chuyển động tích cực ở mức độ cơ sở. Cuộc khủng hoảng của ngành công nghiệp xuất bản có nguy cơ dẫn đến một bài phóng sự được tạo ra trong phòng biên tập, trước máy tính cá nhân hoặc công ty và trên các mạng xã hội, mà không bao giờ “ra đường”, gặp gỡ trực tiếp con người để nghiên cứu những câu chuyện hoặc để trực tiếp xác minh những hoàn cảnh thực tế. Nếu chúng ta không cởi mở đối với loại hình gặp gỡ này, chúng ta vẫn chỉ đơn thuần là những khán giả, vì tất cả những cải tiến kỹ thuật làm cho chúng ta cảm thấy bị nhấn chìm trong một thực tại rộng lớn và trực tiếp hơn. Bất kỳ một công cụ nào chỉ chứng minh là hữu ích và có giá trị khi nó đạt đến mức độ tạo động lực thúc đẩy chúng ta ra ngoài và nhìn xem những điều mà nếu không chúng ta sẽ không biết, để đăng những bản tin trên internet mà không có ở nơi khác, để cho phép những sự gặp gỡ mà nếu không sẽ không bao giờ xảy ra.

Các Tin mừng là những câu chuyện mới

“Đến mà xem” là những lời đầu tiên Chúa Giêsu nói với các môn đệ, những người tò mò về Ngài sau khi Ngài chịu phép rửa ở sông Giođan (Ga 1:39). Ngài mời họ đi vào mối tương quan với Ngài. Hơn nửa thế kỷ sau, khi Gioan viết Tin mừng của mình, lúc này đã là một ông cụ, ngài thuật lại những chi tiết “đáng tin” cho thấy rằng chính ngài đã có mặt tại các biến cố mà ngài tường thuật và chứng minh tác động của kinh nghiệm đó đối với cuộc đời ngài. Ngài nhấn mạnh, “Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười ”, tức là khoảng bốn giờ chiều (xem câu 39). Ngày hôm sau – Thánh Gioan cũng kể cho chúng ta – Philipphê nói với Nathanaen về cuộc gặp gỡ của ngài với Đấng Mêsia. Người bạn của ngài hoài nghi và hỏi: “Từ Nadarét làm sao có cái gì hay được?” Philipphê không cố gắng chiến thắng người bạn bằng những lý lẽ thuyết phục, mà chỉ nói với người bạn: “Cứ đến mà xem ”(xem câu 45-46). Nathanaen đã đi và xem, và từ thời khắc đó cuộc sống của ông được thay đổi. Đó là cách đức tin Kitô giáo bắt đầu, và cách nó được thông truyền: như kiến ​​thức trực tiếp, sinh ra từ kinh nghiệm, chứ không phải là tin đồn. Những người trong thành nói với người phụ nữ Samari sau khi Chúa Giêsu ở lại trong làng của họ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin, vì chính chúng tôi đã nghe” (Ga 4: 39-42). “Đến mà xem” là phương pháp đơn giản nhất để nhận biết một tình huống. Nó là bài kiểm tra trung thực nhất cho mọi thông điệp, bởi vì, để biết rõ, chúng ta cần phải gặp gỡ, để cho người đứng trước mặt tôi nói, để lời chứng của họ đến được với tôi.

Nhờ sự can đảm của nhiều nhà báo

Báo chí cũng vậy, như một tường thuật thực tế, đòi hỏi khả năng đi đến những nơi mà không một ai khác nghĩ đến: sự sẵn sàng lên đường và mong muốn được nhìn thấy. Tò mò, cởi mở, đam mê. Chúng ta nợ một lời cảm ơn vì lòng can đảm và cam kết của tất cả những người chuyên môn – các nhà báo, những người điều khiển máy quay, biên tập viên, đạo diễn – những người thường liều mạng sống khi thực hiện công việc của họ. Chẳng hạn, nhờ những nỗ lực của họ, bây giờ chúng ta mới biết được những sự gian khổ mà các nhóm thiểu số bị ngược đãi đang phải chịu đựng ở nhiều nơi trên thế giới, rất nhiều trường hợp áp bức và bất công gây ra cho người nghèo và môi trường, và nhiều cuộc chiến tranh mà nếu không sẽ bị bỏ qua. Sẽ là một tổn thất không chỉ cho việc đưa tin, mà cho cả xã hội và cho nền dân chủ nói chung, nếu những tiếng nói đó bị lu mờ dần. Toàn gia đình nhân loại của chúng ta sẽ bị bần cùng hóa.

Nhiều tình hình trong thế giới của chúng ta, thậm chí còn hơn thế nữa trong thời kỳ đại dịch này, đang mời gọi các phương tiện truyền thông “đến mà xem”. Thật vậy, chúng ta có thể có nguy cơ tường thuật về đại dịch, và mọi cuộc khủng hoảng, chỉ qua lăng kính của các quốc gia giàu có hơn, qua cách “giữ hai bộ sổ sách”. Ví dụ, vấn đề về vaccine, và chăm sóc y tế nói chung, có nguy cơ loại trừ những dân tộc nghèo hơn. Ai thông tin cho chúng ta biết về thời gian chờ đợi quá lâu để được điều trị ở các ngôi làng nghèo đói ở Châu Á, Châu Mỹ Latinh và Châu Phi? Những chênh lệch về kinh tế và xã hội ở cấp độ toàn cầu có nguy cơ quyết định thứ tự phân phối vaccine chống Covid, trong đó người nghèo luôn ở cuối hàng và quyền được chăm sóc sức khỏe toàn dân được khẳng định về nguyên tắc, nhưng hiệu quả thực tế lại bị tước bỏ. Tuy nhiên, ngay cả trong thế giới của những nơi may mắn hơn, bi kịch xã hội của các gia đình nhanh chóng rơi vào cảnh nghèo đói phần lớn vẫn còn bị che giấu; những người không còn thấy xấu hổ khi phải xếp hàng chờ đợi trước các tổ chức bác ái để nhận một gói đồ cứu trợ không còn được đưa tin.

Những cơ hội và nguy hiểm tiềm ẩn trên web

Internet, với vô vàn cách diễn đạt của truyền thông xã hội của nó, có thể tăng khả năng đưa tin và chia sẻ, với nhiều con mắt hơn trên thế giới và một dòng chảy ồ ạt liên tục của những hình ảnh và lời kể. Công nghệ kỹ thuật số cung cấp cho chúng ta khả năng thông tin trực tiếp kịp thời là điều thường rất hữu ích. Chúng ta có thể nghĩ đến một số tình huống khẩn cấp nào đó mà internet là nơi đầu tiên đưa tin và truyền tải thông báo chính thức. Nó là một công cụ mạnh mẽ, đòi hỏi tất cả chúng ta phải là những người sử dụng và tiêu dùng có trách nhiệm. Có khả năng tất cả chúng ta đều trở thành chứng nhân cho các biến cố, mà nếu không, các phương tiện truyền thông truyền thống sẽ bỏ qua, đóng góp cho xã hội và làm nổi bật nhiều câu chuyện hơn, bao gồm cả những câu chuyện tích cực. Nhờ Internet chúng ta có cơ hội tường thuật những gì chúng ta xem thấy, những gì đang xảy ra trước mắt chúng ta, và chia sẻ nó với người khác.

Đồng thời, nguy cơ thông tin sai lệch được lan truyền trên mạng xã hội đã trở nên rõ ràng với tất cả mọi người. Chúng ta đã biết rằng có lúc những tin tức và thậm chí hình ảnh có thể dễ dàng bị thao túng, vì bất kỳ lý do nào, đôi khi chỉ đơn giản là vì tính tự ái nhỏ nhặt. Vấn đề quan trọng ở đây không phải là xem Internet là xấu xa, mà là một động cơ thúc đẩy sự phân định và tính trách nhiệm cao hơn đối với nội dung được gửi và nhận. Tất cả chúng ta phải có trách nhiệm với thông tin mà chúng ta tạo ra, với thông tin mà chúng ta chia sẻ, với sự kiểm soát mà chúng ta có thể áp dụng đối với những tin giả bằng cách bóc trần chúng. Tất cả chúng ta đều phải là những chứng nhân của sự thật: đi, xem và chia sẻ.

Không gì có thể thay thế cho cái nhìn trực tiếp mọi việc

Trong truyền thông, không gì có thể thay thế hoàn toàn cho việc trực tiếp xem mọi việc. Một số điều chỉ có thể biết được qua kinh nghiệp trực tiếp. Chúng ta không chỉ đơn thuần làm truyền thông bằng từ ngữ, nhưng bằng đôi mắt chúng ta, giọng nói chúng ta và hành vi của chúng ta. Sự cuốn hút của Chúa Giêsu đối với những người gặp Ngài phụ thuộc vào sự thật mà Ngài giảng dạy; tuy nhiên tính hiệu quả của những gì Ngài nói không thể tách rời khỏi cách Ngài nhìn vào người khác, cách Ngài cư xử với họ, và thậm chí cả cách im lặng của Ngài. Các môn đệ không chỉ lắng nghe những lời Ngài nói; họ nhìn Ngài nói. Quả thật trong Ngài – Logos nhập thể – Ngôi Lời mang lấy một khuôn mặt; Thiên Chúa vô hình đã để cho Người được nhìn thấy, được nghe thấy và được chạm đến, như chính Thánh Gioan kể cho chúng ta (xem 1 Ga 1:1-3). Lời nói chỉ hiệu quả khi nó được “nhìn thấy”, chỉ khi nó liên quan đến chúng ta qua kinh nghiệm, qua đối thoại. Vì lý do này, lời mời “đến mà xem” đã và vẫn tiếp tục là thiết yếu.

Chúng ta nghĩ đến không biết bao nhiêu lời hùng biện trống rỗng, ngay cả trong thời đại của chúng ta, trong tất cả các lĩnh vực của đời sống công cộng, trong kinh doanh cũng như chính trị. Người này hay người kia “nói không dừng nhưng chẳng nói lên được điều gì ... Những lý lẽ của anh ta giống như hai hạt lúa mì được giấu trong hai giạ trấu: bạn sẽ mất cả ngày tìm kiếm trước khi tìm thấy chúng, và khi bạn có được chúng, chúng chẳng đáng để tìm. [2] Những lời sắc bén của nhà viết kịch người Anh cũng áp dụng cho chúng ta là những người làm truyền thông Kitô giáo. Tin vui của Phúc âm lan truyền trên khắp thế giới là kết quả của những cuộc gặp gỡ giữa người với người, giữa tâm hồn với tâm hồn với những người nam và nữ đã chấp nhận lời mời “đến mà xem”, và bị đánh động bởi “vô số” tình người thể hiện qua ánh mắt nhìn, lời nói và cử chỉ của những người làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô. Mọi công cụ đều có giá trị của nó, và người giao tiếp vĩ đại đó là Phaolô thành Tarso chắc chắn sẽ sử dụng email và nhắn tin xã hội. Tuy nhiên, chính đức tin, đức cậy, và đức ái của ngài đã gây ấn tượng cho những người cùng thời với ngài, những người đã nghe ngài giảng hoặc may mắn trải qua thời gian với ngài, để nhìn thấy ngài trong một buổi đối thoại cộng đoàn hoặc trong cuộc trò chuyện cá nhân. Quan sát ngài hành động ở bất cứ đâu, họ tự mình thấy được thông điệp của ơn cứu độ là thật và hiệu quả như thế nào đối với cuộc sống của họ, mà nhờ ơn Thiên Chúa, ngài đã đến rao giảng. Ngay cả nơi nào người tôi tớ của Chúa không thể gặp gỡ riêng, các môn đệ mà ngài sai đến đã làm chứng cho cách sống của ngài trong Đức Kitô (xem 1 Cr 4:17).

Thánh Augustinô nói [3], “Chúng ta có những quyển sách trong tay, nhưng sự thật ở trước mắt chúng ta,” khi ngài nói về sự ứng nghiệm những lời tiên tri trong Sách Thánh. Cũng như vậy, Tin mừng trở nên sống động trong thời đại của chúng ta, bất cứ khi nào chúng ta chấp nhận chứng tá thuyết phục của những người có đời sống được biến đổi bởi sự gặp gỡ với Chúa Giêsu. Trong hai thiên niên kỷ, một chuỗi mắt xích những cuộc gặp gỡ như vậy đã truyền tải tính hấp dẫn của cuộc phiêu lưu Kitô giáo. Vì vậy, thách đố đang chờ đợi chúng ta là làm truyền thông bằng cách gặp gỡ mọi người, tại chính hoàn cảnh của họ và con người của họ.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con bước ra khỏi bản thân của mình,

và lên đường để tìm kiếm sự thật.

Xin dạy chúng con bước ra và nhìn xem,

xin dạy chúng con biết lắng nghe,

không chú ý đến những thành kiến,

hoặc đưa ra những kết luận vội vàng.

Xin dạy chúng con đi đến những nơi không ai sẽ tới,

dành thời gian cần thiết để thấu hiểu,

để chú ý đến những điều trọng yếu,

không bị phân tán bởi những gì không cần thiết,

để phân biệt những vẻ ngoài lừa dối với sự thật.

Xin ban cho chúng con ơn nhận biết nơi Người cư ngụ trong thế giới của chúng con

và lòng trung thực để kể cho người khác những gì chúng con đã xem thấy.

Roma, Đền thờ Thánh Gioan Lateran, 23 tháng Một năm 2021, Vọng Lễ Nhớ Thánh Francis de Sales

PHANXICÔ

_____________________

[1] Nhà báo Tây Ban Nha (1920-1971), được phong chân phước năm 2010.

[2] WILLIAM SHAKESPEARE, The Merchant of Venice, Act 1, Scene 1.

[3] Sermo 360/B, 20.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/1/2021]


Li Băng: “Số người Kitô giáo trong nước đang giảm đi từng ngày”

Li Băng: “Số người Kitô giáo trong nước đang giảm đi từng ngày”

Li Băng: “Số người Kitô trong nước đang giảm đi từng ngày”

Aid to the Church in Need

Tobias Lehner - ACN News

15/01/21

Phỏng vấn linh mục xứ tại nhà thờ chính tòa Công giáo Maronite ở Beirut.

Li Băng vẫn thường nổi bật lên như một mô hình của toàn Trung Đông, đặc biệt do tính ổn định của những mối quan hệ liên tôn trong nước. Tuy nhiên sự cân bằng đã bị nghiêng và ngày càng trở nên bất ổn sau khi có nhiều người Kitô hữu rời bỏ quê hương. Vào tháng Tám năm 2020 Beirut bị rung chuyển bởi một trong những vụ nổ kinh hoàng nhất trong thời bình của lịch sử con người. Hiện nay thủ đô Li Băng đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng về cuộc sống – và trên cả nước – vốn đã bị xấu đi bởi sự quản lý yếu kém về kinh tế và nạn tham nhũng, và cuộc khủng hoảng chính trị và ngân hàng. Cha Jad Chlouk, 38 tuổi, là linh mục xứ tại nhà thờ chính tòa Maronite Thánh George ở Beirut. Cha miêu tả việc Giáo hội hiện diện và giúp đỡ tất cả những người thiếu thốn như thế nào. Bản thân nhà thờ chính tòa cũng đã bị hư hại nghiêm trọng bởi vụ nổ. Tổ chức bác ái mục vụ Công giáo quốc tế và quỹ giáo hoàng Aid to the Church in Need (ACN International) (Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn) đang cấp quỹ cho việc khôi phục lại nhà thờ chính tòa và 16 cơ sở khác của Giáo hội ở Beirut. Phỏng vấn của Tobias Lehner.

Cuộc sống ở Beirut đã không còn như trước kể từ khi vụ nổ bốn tháng trước. Tâm trạng trong thành phố hiện nay như thế nào?

Chúng tôi vẫn còn bị chấn động bởi những gì xảy ra hồi tháng Tám. Những ký ức của ngày kinh hoàng đó thường tái hiện, đặc biệt khi chúng tôi nhìn thấy những ngôi nhà, những nhà thờ, trường học và bệnh viện đổ nát, hoặc khi chúng tôi nghe thấy một tiếng động bất chợt chẳng hạn tiếng sấm. Chúng tôi không thể nào không nhớ lại biến cố đó!

Tâm trạng vẫn đau buồn và lo lắng, nhưng cho dù như thế nào chúng tôi vẫn đang hết sức chuẩn bị bản thân để sống ngày lễ sắp tới và canh tân lại đời sống thiêng liêng của mình.

Những khu vực thuộc Kitô giáo bị ảnh hưởng nặng bởi vụ nổ vào đầu tháng Tám, vì những khu đó gần bến cảng. Nhà thờ Chính tòa Maronite nơi cha là chủ chăn cũng bị thiệt hại nặng nề. ACN đang hỗ trợ việc tái xây dựng. Cho đến nay công việc sửa chữa đã tiến triển đến đâu, khi mùa đông đã bắt đầu vào đỉnh điểm?

Việc phục hồi Nhà thờ Maronite bắt đầu cách đây một tháng, khi chúng tôi thử một số biện pháp tạm thời để tránh thiệt hại thêm do nước mưa chảy qua mái nhà bị hư hại và cửa sổ và cửa ra vào bị vỡ. Chúng tôi dự kiến sẽ hoàn thành việc sửa chữa mái nhà trong vài tuần, trong khi đối với các lỗ hở khác việc sửa chữa các cửa sổ và cửa ra vào bị hư hỏng, công việc này vẫn đang được tiến hành.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến công tác khôi phục và viện trợ nhân đạo ở mức độ nào?

Đại dịch COVID-19 đã làm trì hoãn tiến trình khôi phục nhà thờ chính tòa, đặc biệt trong thời gian 2 tuần phong tỏa, chúng tôi đã phải xin giấy phép đặc biệt để tiến hành công việc, đồng thời luôn tôn trọng các biện pháp an toàn, như giãn cách xã hội, v.v.. Mặt khác, chúng tôi cố gắng duy trì viện trợ nhân đạo, vì với cuộc khủng hoảng kinh tế mà người dân Li Băng hiện đang trải qua, chúng tôi cần hiện diện và gần gũi nhiều hơn với những anh chị em đang gặp khó khăn. Nó khá mạo hiểm, nhưng qua cách áp dụng tất cả các biện pháp an toàn, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình để phục vụ họ tốt hơn.

Ngay sau thảm họa, nhiều người trẻ tuyên bố ý định rời khỏi Li Băng ngay lúc này, vì họ không còn nhìn thấy tương lai nào cho bản thân ở đất nước. Thực tế điều đó đã xảy ra, và nó có ý nghĩa gì cho cộng đoàn Kitô giáo ở Li Băng?

Các số liệu thống kê cho thấy hơn 380.000 đơn xin nhập cư đã được gửi đến các đại sứ quán của EU và các quốc gia Bắc Mỹ, và hầu hết trong số những đơn đó là của người Kitô giáo, những người không may bây giờ cảm thấy mình như người xa lạ chính tại quê nhà. Điều này đang ảnh hưởng tiêu cực đến toàn thể cộng đồng Kitô giáo, vì họ đang mất đi đa phần những gì tươi sáng nhất và tốt nhất, và đặc biệt là lớp người trẻ là tương lai của người Kitô hữu ở đây. Do đó, số lượng người Kitô hữu ở đất nước này đang giảm đi từng ngày, và nó đang ảnh hưởng xấu đến tình hình và gây thêm áp lực cho những người ở lại, trong tình hình họ có thể bị ngược đãi. Đây không phải là một thuyết âm mưu; đây là thực tế mà chúng tôi đã chứng kiến ở các nước láng giềng gần nhất, bao gồm Syria, Iraq, Palestine, Jordan … 

Khi cha hướng về năm mới, cha có lo lắng hơn, hay niềm hy vọng vượt qua sự lo lắng này?

Hy vọng luôn là lương thực hàng ngày của chúng tôi, đặc biệt trong những thời gian đen tối này. Bất chấp mọi thứ, chúng tôi nhìn về tương lai với niềm hy vọng, vì chúng tôi biết rằng Chúa Giêsu Kitô của chúng ta là Chủ của lịch sử, và tất cả lịch sử và cuộc đời của chúng ta ở trong tay Ngài. Với Ngài và nhờ Ngài, chúng ta chắc chắn rằng “mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa” (Rm 8:28).

***

Trong video này, Cha Jad Chlouk giải thích tầm quan trọng của Nhà thờ Chính tòa Beirut:


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/1/2021]