Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

Tại sao quá khó để chấm dứt chiến tranh ở Syria: Phỏng vấn tại hội thảo

Tại sao quá khó chấm dứt chiến tranh ở Syria: Phỏng vấn tại hội thảo

23 tháng Chín, 2018
Tại sao quá khó để chấm dứt chiến tranh ở Syria: Phỏng vấn tại hội thảo
Aaref WATAD | AFP


Và Vatican luôn cập nhật thông tin về những khủng hoảng nhân đạo quá phức tạp như thế nào.

Một hội nghị chuyên đề về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Iraq và Syria được tổ chức bởi Bộ Thăng tiến sự Phát triển Con người Toàn diện tại Đại học Giáo hoàng Urban ngày 13 và 14 tháng Chín. “Chúng ta không thể tách tương lai của một đất nước rời khỏi tương lai của người Ki-tô hữu, những người đang sống ở đó,” Đức Giám mục Pascal Gollnisch nói, ngài là tổng giám đốc của hiệp hội L’Œuvre d’Orient, “Công cuộc cho Phương Đông,” một hiệp hội Công giáo Pháp hoạt động giúp đỡ người Ki-tô hữu ở phương Đông.

I.Media for Aleteia trao đổi với Đức Giám mục.

Điều quan tâm của Vatican khi tổ chức hội nghị chuyên đề này là gì?

Điều quan trọng nhất là các giới chức của Tòa Thánh có thể gặp gỡ với các tổ chức đang hoạt động trực tiếp tại vùng này. Tây Phương không được biến người Ki-tô hữu ở Đông Phương trở thành trụ cột thứ năm của Tây Phương hoặc trở thành những người giám hộ cho họ. Đây là điều tổ chức Nhà nước Hồi giáo nói: Người Ki-tô giáo ở Iraq và Syria là những kẻ đồng lõa với Tây Phương, và đó là kẻ thù của chúng ta. Chúng ta phải bảo đảm rằng những ích lợi của người Ki-tô hữu Đông Phương phải bao gồm việc có được toàn quyền công dân. Chúng ta phải đấu tranh vì quyền công dân trọn vẹn cho tất cả mọi người, chứ không chỉ riêng cho những nhóm thiểu số được ưu ái nào đó. Khi sử dụng cụm từ “những nhóm thiểu số,” chúng ta phải nghĩ đến nhiều nhóm thiểu số khác nhau, nhưng cụm từ “nhóm thiểu số” cũng có hàm ý rằng tình trạng của họ không thuộc tầng lớp quan trọng.

Vị trí của Tòa Thánh như thế nào liên quan đến cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria và Iraq?

Phải hiểu rằng Tòa Thánh hoạt động đa dạng. Trước hết là hoạt động ngoại giao, với hoạt động của các khâm sứ, những vị với đường lối ngoại giao lâu đời nổi tiếng về tính thận trọng. Rồi có hoạt động liên tôn: Iraq và Syria là những quốc gia với đa phần là Hồi giáo, và rồi công cuộc đại kết và đối thoại liên tôn đang được thực hiện. Đó cũng là một con đường hoạt động khác. Và cuối cùng là hoạt động nhân đạo. Chúng ta không thể tách tương lai của một đất nước rời khỏi tương lai của những người Ki-tô hữu trong quốc gia đó. Ích lợi của việc duy trì người Ki-tô hữu trong một đất nước cũng là để cho đất nước đó phát triển. Đức Gioan Phaolo II khẳng định rằng tình hình của người Ki-tô hữu thể hiện tình hình của toàn thể đất nước. Tất cả đều ngang bằng nhau, và Đức Thánh Cha có thể đưa ra một quan điểm toàn cầu. Nhưng trong hoạt động cụ thể, mỗi bên đều bổ sung cho nhau.

Và Vatican cập nhật tình hình về những hoạt động trợ giúp cho cuộc khủng hoảng nhân đạo quá phức tạp như thế nào?

Một cuộc nghiên cứu toàn diện đã được thực hiện trong suốt nhiều tháng bởi Bộ Thăng tiến sự Phát triển Con người Toàn diện. Điều này giúp chúng tôi có thể có được một hình ảnh rõ hơn về hoạt động của Giáo hội ở Syria và Iraq, và hiểu được những gì Giáo hội Công giáo mang đến cho những quốc gia này. Chẳng ai trong chúng ta biết được những người khác đang làm gì, vì vậy cuộc nghiên cứu này là cần thiết. Thậm chí ngay trong Caritas, hiệp hội “Secours Catholique” của Pháp có thể trợ giúp, nhưng không biết là chi nhánh Caritas của Úc đang làm gì. Cuộc nghiên cứu này là rất toàn diện.

Chúng ta có thể vạch ra một giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng của Syria không?

Trong cuộc nội chiến tàn khốc này, ngay cả với một vị tiên tri nào đó sẵn sàng đến với cuộc đối thoại, thì ngay trong trại của ông ta, ông ta sẽ được đáp lại thế này: “Cái gì? Anh muốn dừng tất cả mọi thứ trước một chiến thắng cuối cùng ư? Vậy thì tất cả những người anh em và họ hàng của chúng tôi chết vô ích hả? Anh phản bội họ.” Điều này thật phi lý, và hoàn toàn theo cảm tính. Đó là lý do tại sao rất khó dừng các cuộc nội chiến. Nếu hai quốc gia gây chiến với nhau, chúng ta có thể chắc chắn rằng các chính phủ sẽ thương thuyết với nhau. Nhưng khi mà sự xung đột xảy ra giữa các gia đình hoặc trong các gia đình, thì nó rất khó. Chúng ta phải hiểu rằng không phải một bên toàn người tốt và một bên toàn người xấu.

Tôi tiếc là đôi khi đường lối ngoại giao của Tây phương — sẵn sàng áp đảo Damascus bằng những sự lên án buộc tội tất cả những hành vi xấu — đang đưa ra những đề nghị không phù hợp: chẳng hạn ngày nay không ai có thể lôi Bashar al-Assad ra Tòa án Hình sự Quốc tế. Chúng ta đang đứng trước một tình hình vô cùng phức tạp, nhưng muốn gom những con người tốt về một bên và đưa những tay hung hãn sang một bên là suy nghĩ rất trẻ con, vì thực tại hoàn toàn phức tạp hơn nhiều.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/9/2018]

Đức Thánh Cha thăm Nhà Bảo tàng Occupations and Freedom Struggles ở Vilnius

Đức Thánh Cha thăm Nhà Bảo tàng Occupations and Freedom Struggles ở Vilnius
Vatican Media Screenshot

Đức Thánh Cha thăm Nhà Bảo tàng Occupations and Freedom Struggles ở Vilnius

‘Lạy Chúa, trong nơi tưởng nhớ này, chúng con khẩn cầu rằng tiếng kêu khóc của Người giữ chúng con biết cảnh tỉnh.’

23 tháng Chín, 2018 17:05

Ngày 23 tháng Chín, 2018, Đức Thánh Cha Phanxico đến thăm Nhà Bảo tàng Occupations and Freedom struggles (Sự chiếm đóng và những cuộc chiến vì tự do) ở Vilnius. Dưới đây là văn bản (tiếng Anh) của Vatican cung cấp lời cầu nguyện ngài dâng lên tại đó mang một ý nghĩa rất lớn đối với người dân Lithuania.

******

“Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Người lại bỏ rơi con?” (Mt 27:46)

Lạy Chúa, tiếng kêu của Người lại tiếp tục vang lên. Nó vang lên bên trong những bức tường này nhắc lại những đau khổ mà quá nhiều người con cái của dân tộc này phải chịu đựng. Người Lithuania và người của các dân tộc khác đã trả giá bằng sinh mạng của họ vì sự thèm khát quyền lực tối cao của những người đi tìm sự thống trị tuyệt đối.

Ôi lạy Chúa, tiếng kêu của Người vang vọng lên trong tiếng kêu của những người vô tội, họ cùng kết hiệp với người, kêu thấu lên trời cao. Đó là ngày Thứ Sáu Thương Khó của đau khổ và cay đắng, của sự bỏ mặc và bất lực, của sự hung tàn và vô nghĩa mà người dân Lithuania ở đây đã phải gánh chịu do hậu quả của lòng tham vô đáy đè nặng và làm mù con tim.

Lạy Chúa, trong nơi tưởng nhớ này, chúng con khẩn cầu rằng tiếng kêu khóc của Người giữ chúng con biết cảnh tỉnh. Lạy Chúa, để tiếng kêu của Người giải thoát chúng con khỏi căn bệnh tinh thần vẫn tồn tại như một sự cám dỗ không ngơi đối với dân tộc chúng con: lãng quên những kinh nghiệm và những đau thương của những người đã đi trước chúng con.

Trong tiếng kêu của Người, và trong cuộc sống của tất cả những người đã chịu đau khổ rất nhiều trong quá khứ, ước mong rằng chúng con tìm được lòng can đảm để cam kết một cách dứt khoát cho hiện tại và cho tương lai. Ước mong rằng tiếng kêu đó động viên chúng con không đầu hàng trước những trào lưu của ngày nay, trước những khẩu hiệu sáo rỗng, hay trước những cố gắng cắt xén hoặc tước mất phẩm giá mà Người đã tặng ban cho bất kỳ ai.

Lạy Chúa, nguyện xin cho Lithuania có thể trở thành một tia sáng hy vọng. Nguyện xin cho đất nước trở thành một vùng đất của ký ức và hành động, không ngừng cam kết chiến đấu chống lại mọi hình thức bất công. Nguyện xin cho Lithuania thúc đẩy những nỗ lực sáng tạo để bảo vệ quyền cho mọi người, đặc biệt những người cô thế nhất và mong manh nhất. Và nguyện xin cho Lithuania trở thành một người thầy trên con đường hòa giải và hòa hợp cho tất cả.

Lạy Chúa, xin ban ơn để chúng con không trở nên điếc trước tiếng khẩn nài của tất cả những người đang kêu khóc thấu lên đến trời cao trong thời đại của chúng con hôm nay.

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/9/2018]