Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

Thông tin cập nhật về đầu gối của Đức Giáo hoàng: ngài có thể bước đi, nhưng rất ít; đang được điều trị

Thông tin cập nhật về đầu gối của Đức Giáo hoàng: ngài có thể bước đi, nhưng rất ít; đang được điều trị

Thông tin cập nhật về đầu gối của Đức Giáo hoàng: ngài có thể bước đi, nhưng rất ít; đang được điều trị

Antoine Mekary | ALETEIA

I.Media for Aleteia 

04/05/22


Đức Giáo hoàng nói rằng ngài hy vọng nó “sẽ sẽ qua nhanh.”

Một lần nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô xin lỗi vì không thể bước ra để chào đám đông tại buổi tiếp kiến chung ngày 4 tháng 5 năm 2022 mà ngài chủ trì tại Quảng trường Thánh Phêrô. Hiện đang được tiêm thuốc, ngài nói rằng ngài hy vọng tình trạng của đầu gối phải của ngài chỉ là tạm thời.

Vị Giáo hoàng 85 tuổi giải thích vào cuối buổi tiếp kiến: “Đáng tiếc cha không thể đến bên anh chị em vì căn bệnh ở đầu gối của cha. Vì lý do này, cha xin lỗi vì phải ngồi mà chào anh chị em.”

Và ngài mong rằng: “Hy vọng rằng điều này sẽ qua nhanh và cha sẽ có thể đến với anh chị em trong những buổi tiếp kiến sau.”

Thông tin cập nhật về đầu gối của Đức Giáo hoàng: ngài có thể bước đi, nhưng rất ít; đang được điều trị


Đến Quảng trường Thánh Phêrô vào khoảng 9 giờ sáng, Đức Giám mục của Roma ngồi trên xe giáo hoàng chạy qua đám đông. Khi ngang qua các lối đi, ngài ban phép lành cho một số trẻ em được các vệ sĩ của ngài bế lên, và thực hiện thói quen đổi mũ sọ của ngài, mỉm cười thanh thản.

Ngài bước xuống xe giáo hoàng phía sau bục lễ đài và bước đến chỗ ngồi, mặc dù có sự khó khăn rõ rệt. Ngài được hỗ trợ bởi một vị giáo sĩ cấp cao.

Cái may trong cái họa

Trong một phỏng vấn với nhật báo Corriere della Sera xuất bản ngày 3 tháng Năm, Đức Giáo hoàng cho biết ngài bị “rách dây chằng.”

Ngài giải thích, “Tôi sẽ phải trải qua một cuộc phẫu thuật [...] và chúng ta sẽ thấy”. Theo thông tin của chúng tôi, Đức Giáo hoàng đã được tiêm một mũi, nhưng chưa có chi tiết nào được tiết lộ về cuộc giải phẫu.

“Tôi đã bị tình trạng này một thời gian. Tôi không thể bước đi,” vị đứng đầu Giáo hội Công giáo nói với nhật báo Ý. Trong khi các bác sĩ chỉ định nghỉ ngơi hoàn toàn, ngài dường như lại cảm thấy khó chịu theo ý nghĩa tinh thần, nói rằng, “Nhưng một chút đau đớn có thể biến thành khiêm tốn, cái may trong cái họa …” Trước đó ngài nói với những người hành hương từ Slovakia rằng ngài đang dâng lên “sự hèn mọn” cho họ.

Vào thứ Hai, Đức Thánh Cha đã tổ chức các buổi tiếp kiến tại Casa Santa Marta, nơi ngài đang sống, như đã làm sáng nay với Thủ tướng Nhật Bản, không phải trong Điện Tông Tòa, để tránh phải di chuyển.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/5/2022]


SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI 2022 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI 2022 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI 2022 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Được gọi để xây dựng Gia đình Nhân loại

*****

 

Anh chị em thân mến,

Tại thời điểm khi những cơn gió lạnh của chiến tranh và áp bức đang thổi qua và khi chúng ta thường xuyên gặp phải những dấu hiệu phân cực, Giáo hội chúng ta đã và đang thực hiện tiến trình thượng hội đồng: chúng ta nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải đồng hành cùng nhau, nuôi dưỡng tinh thần lắng nghe, tham gia và chia sẻ. Cùng với tất cả những người thiện chí, chúng ta muốn giúp xây dựng gia đình nhân loại, chữa lành vết thương và hướng họ đến một tương lai tốt đẹp hơn. Vào Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 59 này, tôi muốn cùng anh chị em suy ngẫm về ý nghĩa rộng hơn của “ơn gọi” trong bối cảnh của một Giáo hội thượng hội đồng, một Giáo hội lắng nghe Thiên Chúa và thế giới.


Được kêu gọi trở thành những vai chính cùng nhau trong sứ mệnh của Giáo hội

Thượng hội đồng tính, đồng hành cùng nhau, là một ơn gọi cơ bản của Giáo hội. Chỉ bằng cách dựa vào chân trời này thì mới có thể phân định và quý trọng các ơn gọi, những đặc sủng và thừa tác vụ khác nhau. Chúng ta biết rằng Giáo hội tồn tại để rao giảng Tin mừng, để đi ra và gieo hạt giống Tin Mừng trong lịch sử. Sứ mệnh này chỉ có thể được thực hiện nếu tất cả các lĩnh vực hoạt động mục vụ cùng làm việc với nhau và quan trọng hơn là có sự tham gia của tất cả những người môn đệ của Chúa. Vì “nhờ phép rửa, mọi thành phần Dân Chúa trở thành môn đệ truyền giáo (x. Mt 28:19). Tất cả những ai đã được rửa tội, dù ở vị trí nào trong Giáo Hội hay ở mức độ đào luyện nào về đức tin, cũng đều là những nhà truyền giáo” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 120). Chúng ta phải đề phòng tâm lý tách biệt giữa linh mục và giáo dân, coi linh mục là vai chính và giáo dân là người thi hành, và cùng nhau thực hiện sứ mệnh của người Kitô hữu trong vai trò là một Dân tộc của Chúa, giáo dân và mục tử. Toàn thể Giáo hội là một cộng đồng truyền giáo.


Được gọi để trở thành người bảo vệ của nhau và của tạo vật

Không nên hiểu từ “ơn gọi” một cách giới hạn, như một từ chỉ dùng để chỉ về những người theo chân Chúa bằng đời sống tận hiến đặc biệt. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi tham gia vào sứ mệnh của Đức Kitô là tái hiệp nhất một nhân loại bị chia cắt và hòa giải nhân loại với Thiên Chúa. Ngay cả trước khi gặp gỡ Đức Kitô và đón nhận đức tin Kitô giáo, mỗi người nhận được ân huệ sự sống là tiếng gọi căn bản: mỗi chúng ta là một thụ tạo theo ý định của Thiên Chúa và được Người yêu thương; mỗi người chúng ta đều có một vị trí riêng và đặc biệt trong tâm trí của Chúa.

Tại mỗi thời điểm của cuộc đời, chúng ta được mời gọi để cổ vũ tia sáng thiêng liêng này, hiện diện trong trái tim của mỗi người, và do đó góp phần vào sự phát triển của nhân loại được truyền cảm hứng bởi tình yêu và sự chấp nhận lẫn nhau. Chúng ta được kêu gọi trở thành những người bảo vệ lẫn nhau, để củng cố mối dây hòa hợp và chia sẻ, và để chữa lành những vết thương của tạo vật kẻo vẻ đẹp của nó bị phá hủy. Nói cách khác, chúng ta được mời gọi trở thành một gia đình duy nhất trong ngôi nhà chung kỳ diệu của tạo vật, trong sự đa dạng của các yếu tố được hòa giải. Theo nghĩa rộng này, không chỉ có các cá nhân được “ơn gọi”, mà cả các dân tộc, các cộng đoàn và các nhóm thuộc nhiều loại hình khác nhau.


Được kêu gọi để đón nhận ánh mắt của Thiên Chúa

Trong ơn gọi chung vĩ đại này, Thiên Chúa gửi đến một lời kêu gọi cụ thể đối với mỗi người chúng ta. Người chạm đến cuộc sống của chúng ta bằng tình yêu của Người và hướng chúng đến cùng đích của chúng ta, đến một sự viên mãn vượt qua ngưỡng cửa của cái chết. Đó là điều Thiên Chúa muốn nhìn thấy nơi cuộc sống của chúng ta và cách Ngài nhìn thấy chúng vẫn còn.

Michelangelo Buonarroti được cho là đã khẳng định rằng mỗi khối đá đều chứa một bức tượng bên trong nó, và việc khám phá nó là tùy thuộc vào nhà điêu khắc. Nếu điều đó đúng với một nghệ sĩ, thì nó càng đúng hơn với Thiên Chúa biết bao! Nơi người thiếu nữ thành Nadarét, Chúa đã nhìn thấy Mẹ Thiên Chúa. Nơi Simon, người đánh cá, Chúa đã nhìn thấy Phêrô là đá tảng mà Người sẽ xây dựng Hội Thánh của Người. Nơi người thu thuế Lêvi, Chúa nhận ra người tông đồ và thánh sử Matthêu, và ở Saun, một người ráo riết bắt bớ các Kitô hữu, Chúa đã nhìn thấy Phaolô, người tông đồ dân ngoại. Ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa luôn gặp gỡ chúng ta, chạm vào chúng ta, giải thoát chúng ta và biến đổi chúng ta, biến chúng ta thành những con người mới.

Đó là điều xảy ra trong mọi ơn gọi: chúng ta được gặp gỡ bởi ánh mắt của Thiên Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta. Ơn gọi, như sự nên thánh, không phải là một kinh nghiệm đặc biệt dành riêng cho một số ít người. Cũng như có “sự nên thánh của các thánh nhân hàng xóm” (xem Tông huấn Gaudete et Exsultate, 6-9), thì cũng có ơn gọi dành cho mọi người, vì ánh mắt và tiếng gọi của Chúa hướng đến mỗi người.

Theo một câu tục ngữ của miền Viễn Đông, “một người khôn ngoan nhìn quả trứng có thể thấy chim đại bàng; nhìn hạt giống người đó thoáng thấy một cây lớn; nhìn một tội nhân thoáng thấy một vị thánh”. Đó là cách Thiên Chúa nhìn chúng ta: trong mỗi người chúng ta, Ngài nhìn thấy một tiềm năng nào đó, đôi khi chính chúng ta không biết, và trong suốt cuộc đời của chúng ta, Ngài làm việc không mệt mỏi để chúng ta có thể dùng tiềm năng này vào việc phục vụ ích chung.

Ơn gọi trổi lên theo cách này, nhờ nghệ thuật của Thiên Chúa là Nhà điêu khắc sử dụng “đôi tay” của Người để làm cho chúng ta thoát ra khỏi bản thân và trở thành kiệt tác mà chúng ta được kêu gọi trở thành. Lời Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự ích kỷ, đặc biệt có thể thanh tẩy, soi sáng và tái tạo chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy lắng nghe lời ấy, để ngày càng trở nên mở rộng hơn với ơn gọi mà Thiên Chúa trao phó cho chúng ta! Và chúng ta cũng hãy học cách lắng nghe những anh chị em trong đức tin, vì những lời khuyên và gương sáng của họ có thể giúp tiết lộ chương trình của Thiên Chúa, Đấng chỉ cho chúng ta những con đường luôn mới để theo đuổi.


Được kêu gọi để đáp lại ánh mắt của Chúa

Ánh mắt yêu thương và sáng tạo của Thiên Chúa gặp gỡ chúng ta theo cách hoàn toàn riêng biệt trong Chúa Giêsu. Thánh sử Máccô nói với chúng ta rằng, khi nói với người thanh niên giàu có, “Chúa Giêsu nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (10:21). Ánh mắt tràn đầy yêu thương này của Chúa Giêsu đặt trên mỗi người chúng ta. Thưa anh chị em, chúng ta hãy cho phép mình rung động trước ánh mắt đó để cho phép Ngài dẫn dắt chúng ta thoát ra khỏi bản thân mình! Chúng ta cũng hãy học nhìn nhau theo cách đó để tất cả những người mà chúng ta đang sống và gặp gỡ – cho dù họ là ai – đều cảm nhận được chào đón và khám phá ra rằng có một Ai đó đang nhìn họ với lòng yêu mến và mời gọi họ phát triển trọn vẹn tiềm năng của họ.

Cuộc sống của chúng ta thay đổi khi chúng ta đón nhận ánh mắt này. Mọi điều sẽ trở thành một cuộc đối thoại về ơn gọi giữa chúng ta và Thiên Chúa, nhưng cũng là giữa chúng ta và những người khác. Một cuộc đối thoại khi đạt được chiều sâu sẽ khiến chúng ta trở nên chính chúng ta hơn bao giờ hết. Trong ơn gọi tư tế chức thánh, trở thành khí cụ cho ân sủng và lòng thương xót của Chúa Kitô. Trong ơn gọi sống đời thánh hiến để trở thành lời ngợi khen Thiên Chúa và tiên tri về một nhân loại mới. Trong ơn gọi hôn nhân để trở thành món quà cho nhau, trở thành những người trao ban và người thầy của sự sống. Trong mọi ơn gọi và chức vụ của Giáo hội kêu gọi chúng ta nhìn người khác và nhìn thế giới qua đôi mắt của Thiên Chúa, để phục vụ sự thiện và lan tỏa yêu thương bằng những việc làm và lời nói của chúng ta.

Ở đây tôi muốn đề cập đến kinh nghiệm của Tiến sĩ José Gregorio Hernández Cisneros. Khi đang làm bác sĩ ở Caracas, Venezuela, ông muốn trở thành một thành viên Dòng Ba Phan sinh. Sau đó, ông nghĩ đến việc trở thành một tu sĩ và linh mục, nhưng sức khỏe của ông không cho phép. Ông hiểu ra rằng ơn gọi của ông là trong ngành y tế, trong đó ông đã cống hiến hết mình để phục vụ người nghèo. Ông cống hiến hết mình cho những người nhiễm căn bệnh dịch trên toàn thế giới được gọi là “bệnh cúm Tây Ban Nha”. Ông đã chết vì bị một chiếc ô tô đâm phải khi đang rời hiệu thuốc sau khi mua thuốc cho một trong những bệnh nhân lớn tuổi của ông. Là một nhân chứng gương mẫu về ý nghĩa của việc chấp nhận tiếng gọi của Chúa và đón nhận nó cách trọn vẹn, ông đã được phong chân phước cách đây một năm.


Được kêu gọi xây dựng một thế giới huynh đệ

Là người Kitô hữu, chúng ta không chỉ nhận ơn gọi cách riêng; chúng ta cũng được gọi cùng với nhau. Chúng ta giống như những mảnh ghép của một bức tranh khảm. Bản thân mỗi mảnh ghép đều đáng yêu, nhưng chỉ khi chúng được ghép lại với nhau, chúng mới tạo thành một bức tranh. Mỗi người chúng ta đều tỏa sáng như một ngôi sao trong lòng của Chúa và trong bầu trời của vũ trụ. Nhưng đồng thời, chúng ta được kêu gọi để hình thành những chòm sao có thể hướng dẫn và thắp sáng con đường của nhân loại, bắt đầu từ những nơi chúng ta đang sống. Đây là mầu nhiệm của Giáo hội: một sự tán dương những khác biệt, một dấu chỉ và khí cụ của tất cả những gì nhân loại được kêu gọi trở thành. Vì lý do này, Giáo hội phải ngày càng trở nên thượng hội đồng hơn: có khả năng đồng hành cùng nhau, hiệp nhất trong sự đa dạng hài hòa, nơi mọi người có thể tham gia tích cực và nơi mọi người đều có thể đóng góp điều gì đó.

Khi chúng ta nói về “ơn gọi”, thì đó không chỉ là việc lựa chọn cách sống này hay cách sống kia, cống hiến cuộc đời mình cho một thừa tác vụ nào đó hoặc bị cuốn hút bởi đặc sủng của một gia đình tu trì, phong trào hoặc cộng đoàn giáo hội. Đó là về việc biến ước mơ của Chúa thành hiện thực, tầm nhìn tuyệt vời về tình huynh đệ mà Chúa Giêsu đã ấp ủ khi cầu nguyện với Chúa Cha “để tất cả nên một” (Ga 17:21). Mỗi ơn gọi trong Giáo hội, và theo nghĩa rộng hơn trong xã hội, đều góp phần vào một mục tiêu chung: cử hành giữa mọi người sự hòa hợp của các ơn đa dạng được mang đến duy nhất bởi Chúa Thánh Thần. Thưa các linh mục, những người nam nữ thánh hiến, các giáo dân: chúng ta hãy cùng đồng hành và cùng làm việc để làm chứng cho chân lý rằng một đại gia đình nhân loại hiệp nhất trong yêu thương không phải là tầm nhìn không tưởng, mà chính là mục đích mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy cầu nguyện rằng Dân Chúa, giữa những biến cố đầy kịch tính của lịch sử, có thể ngày càng đáp lại nhiều hơn tiếng gọi này. Chúng ta hãy khẩn cầu ánh sáng của Chúa Thánh Thần, để tất cả chúng ta có thể tìm thấy vị trí thích hợp của mình và cống hiến hết mình trong chương trình vĩ đại này của Thiên Chúa!

Roma, Đền Thánh Gioan Lateran, 8 tháng Năm, 2022, Chúa nhật thứ Tư Phục sinh.

PHANXICÔ



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/5/2022]