Thứ Hai, 2 tháng 5, 2022

Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 1 tháng 5, 2022

Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 1 tháng 5, 2022

Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 1 tháng Năm, 2022

________________________


Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay (Ga 21:1-19) thuật lại việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra lần thứ ba với các Tông đồ. Đó là một cuộc gặp gỡ diễn ra bên bờ Biển hồ Galilê, và trên hết là có Simon Phêrô. Mọi chuyện bắt đầu bằng câu nói của Phêrô với các môn đệ khác: “Tôi đi đánh cá đây” (câu 3). Điều này không có gì lạ, vì ông là một ngư dân, nhưng ông đã bỏ công việc này từ khi bỏ lại lưới trên bờ hồ để đi theo Chúa Giêsu. Và bây giờ, trong khi Đấng Phục sinh đang chờ đợi, Phêrô, có lẽ hơi thất vọng, đã đề nghị với những người khác rằng ông sẽ quay trở lại cuộc sống trước đây của mình. Và các môn đệ khác chấp nhận: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Nhưng “đêm ấy họ không bắt được gì cả” (câu 3).

Điều này có thể xảy ra cho chúng ta, vì mệt mỏi, thất vọng, có lẽ vì lười biếng, quên Chúa và bỏ bê những lựa chọn tuyệt vời mà chúng ta đã thực hiện, để tự bằng lòng với điều gì đó khác. Ví dụ, không dành thời gian để trò chuyện với nhau trong gia đình, thích những trò tiêu khiển cá nhân; chúng ta quên cầu nguyện, để bản thân bị cuốn vào những nhu cầu của riêng mình; chúng ta bỏ bê việc bác ái, với lý do là vì những việc cấp bách hàng ngày. Nhưng, khi làm như vậy, chúng ta lại tìm thấy thất vọng: đó chính là nỗi thất vọng mà Phêrô đã cảm nhận, với tấm lưới trống không, giống như ông. Đó là con đường đưa bạn đi lùi trở lại và không làm bạn hài lòng.

Và Chúa Giêsu làm gì với Phêrô? Người trở lại bờ hồ nơi Người đã chọn ông, Anrê, Giacôbê và Gioan. Ngài không khiển trách các ông – Chúa Giê-su không trách móc, Ngài luôn luôn chạm đến tâm hồn – nhưng dịu dàng gọi các môn đồ: “Này các chú” (câu 5). Rồi Người mời gọi họ, như trước đây, hãy can đảm giăng lưới của họ một lần nữa. Và lần này lưới đầy cá. Thưa anh chị em, khi những tấm lưới trong cuộc sống của chúng ta trống rỗng, không phải là lúc để cảm thấy tủi thân, để vui chơi, để quay trở lại với những thú tiêu khiển cũ. Đó là lúc bắt đầu lại cùng với Chúa Giêsu, đó là lúc tìm lại sự can đảm để bắt đầu lại, đó là lúc phải ra khơi lần nữa với Người. Luôn luôn đối mặt với một sự thất vọng, hoặc một cuộc sống đã mất đi phần nào ý nghĩa – “hôm nay tôi cảm thấy như thể tôi đã đi lùi về phía sau” – hãy lên đường một lần nữa với Chúa Giêsu, hãy bắt đầu lại, dấn thân vào vùng biển sâu! Người đang chờ bạn. Và Người chỉ nghĩ đến bạn, đến tôi, đến mỗi người trong chúng ta.

Ông Phêrô cần “cú sốc” đó. Khi ông nghe Gioan kêu lên: “Chúa”đó!” (câu 7), ông lập tức lao xuống biển và bơi về phía Chúa Giêsu. Đó là một cử chỉ của tình yêu, bởi vì tình yêu vượt ra ngoài tính hữu dụng, tiện lợi hay bổn phận; tình yêu tạo ra điều kỳ diệu, nó truyền cảm hứng cho lòng nhiệt thành sáng tạo, tự do cho đi. Theo cách này, khi Gioan là người nhỏ tuổi nhất nhận ra Chúa, thì chính Phêrô, người lớn tuổi nhất, lại bơi về phía Người. Trong cuộc bơi đó có tất cả sự nhiệt thành mới tìm được của Simon Phêrô.

Anh chị em thân mến, hôm nay Chúa Kitô Phục Sinh mời gọi chúng ta đến với một sự thôi thúc mới – tất cả mọi người, từng người chúng ta – Người mời gọi chúng ta dìm mình trong điều tốt lành mà không sợ mất mát điều gì, không tính toán quá nhiều, không đợi người khác bắt đầu. Tại sao? Đừng chờ đợi người khác, bởi vì để bước ra ngoài gặp gỡ Chúa Giêsu, chúng ta cần phải bỏ qua tính ổn định. Chúng ta cần bỏ qua sự ổn định với lòng can đảm, phục hồi bản thân, nhưng phục hồi bản thân bỏ qua sự ổn định, chấp nhận rủi ro. Chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi có khả năng bột phát lòng quảng đại không, hay tôi kìm hãm những thôi thúc của tâm hồn và khép mình trong những thói quen, trong sự sợ hãi? Hãy lao xuống, hãy dìm mình xuống. Đây là lời của Chúa Giêsu hôm nay.

Và ở cuối đoạn này, Chúa Giêsu hỏi Thánh Phêrô ba lần, câu hỏi là: “Anh có mến Thầy không?” (câu 15-16). Hôm nay Chúa Phục Sinh cũng hỏi chúng ta: Con có yêu mến Thầy không? Bởi vì trong lễ Phục sinh, Chúa Giêsu cũng muốn tâm hồn chúng ta trỗi dậy; vì đức tin không phải là vấn đề về kiến thức, mà là tình yêu. Con có yêu mến Thầy không? Chúa Giêsu hỏi anh chị em, hỏi tôi, hỏi chúng ta, những người với tấm lưới trống không và e sợ phải bắt đầu lại; những người không có can đảm để lao xuống và có lẽ đã đánh mất động lực. Con có yêu mến Thầy không? Chúa Giêsu hỏi. Kể từ đó, Thánh Phêrô hoàn toàn bỏ việc đánh bắt cá và chuyên tâm phục vụ Thiên Chúa và anh chị em của mình đến mức hiến mạng sống của ngài tại đây, nơi chúng ta đang ở hiện nay. Còn chúng ta thì sao, chúng ta có muốn yêu mến Chúa Giêsu không?

Xin Đức Mẹ, Đấng sẵn sàng nói lời “xin vâng” với Chúa, giúp chúng ta khám phá lại động lực để làm việc tốt lành.

____________________________________________

Sau Kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng

Anh chị em thân mến!

Hôm qua, cha Don Mario Ciceri và chị Armida Barelli đã được phong chân phước tại Milan. Cha Don Mario Ciceri là một linh mục phó xứ; ngài hiến dâng cho việc cầu nguyện và giải tội, thăm hỏi bệnh nhân và ở bên cạnh các thiếu niên nam trong nhà nguyện, như một nhà giáo dục nhẹ nhàng và người hướng dẫn an toàn. Gương sáng của một vị mục tử. Armida Barelli là người sáng lập và hoạt náo viên của hội Thanh thiếu nữ Công giáo Tiến hành. Chị đã đi khắp nước Ý để truyền cảm hứng cho các thanh thiếu nữ về sự cam kết đối với giáo hội và dân sự. Chị đã cộng tác với Cha Gemelli để thành lập một tu hội nữ thế tục và Đại học Công giáo Thánh Tâm, hôm nay đang kỷ niệm ngày thường niên và đã đặt tên là “Với trái tim của một người nữ” để tôn vinh chị. Chúng ta dành một tràng pháo tay cho các vị tân Chân phước!

Hôm nay là ngày đầu tháng kính Mẹ Thiên Chúa. Tôi mời gọi tất cả các tín hữu và cộng đoàn cùng lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày cầu nguyện cho hòa bình trong tháng Năm. Suy nghĩ của tôi hướng về thành phố Mariupol của Ukraine, “Thành phố của Mẹ Maria”, bị đánh bom và phá hủy cách tàn ác. Một lần nữa, từ nơi đây, tôi lặp lại lời thỉnh cầu xin thiết lập các hành lang nhân đạo an toàn cho những người dân bị mắc kẹt trong xưởng luyện thép ở thành phố đó. Tôi đau khổ và đã khóc khi nghĩ đến những sự đau đớn của người dân Ukraine, và đặc biệt là những người yếu đuối nhất, người già và trẻ em. Thậm chí có những báo cáo khủng khiếp về việc trẻ em bị tống khứ ra khỏi nhà và trục xuất.

Và trong khi chúng ta đang chứng kiến một sự thoái trào khủng khiếp của nhân loại, cùng với rất nhiều người đau khổ, tôi tự hỏi liệu hòa bình có thật sự đang được tìm kiếm hay không; liệu rằng có ý chí muốn tránh tiếp tục leo thang bằng lời nói và quân sự hay không; liệu rằng mọi việc khả thi đang được thực hiện để khiến vũ khí im tiếng hay không. Tôi xin các bạn, chúng ta đừng đầu hàng trước luận lý của bạo lực, trước vòng xoáy ác độc của vũ khí. Nguyện xin con đường đối thoại và hòa bình được thực hiện! Chúng ta cùng cầu nguyện.

Và hôm nay là Ngày Lao động. Ước mong nó sẽ là một động lực để làm mới những nỗ lực để đảm bảo rằng công việc đem đến phẩm giá ở mọi nơi và cho tất cả mọi người. Và ước mong thế giới việc làm sẽ truyền cảm hứng cho ý chí phát triển một nền kinh tế hòa bình. Và tôi muốn tưởng nhớ đến những công nhân đã chết tại nơi làm việc: đó là một thảm kịch lan rộng, có lẽ quá nhiều.

Hai ngày nữa, ngày 3 tháng Năm, là Ngày Tự do Báo chí Thế giới của UNESCO. Tôi xin tỏ lòng kính trọng đối với các nhà báo đã phải trả giá bằng mạng sống của họ để phục vụ quyền này. Năm ngoái, 47 nhà báo đã bị giết trên toàn thế giới, và hơn 350 người bị bỏ tù. Xin gửi lời cảm ơn đặc biệt đến những người đã can đảm thông báo cho chúng ta biết về những vết thương của nhân loại.

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em, người Roma và anh chị em hành hương từ nước Ý và nhiều quốc gia khác. Đặc biệt, cha gửi lời chào các tín hữu đến từ Tây Ban nha, Bồ Đào nha và Hoa Kỳ, cũng như giáo xứ Nadarét thuộc Giáo hội Thánh Maron và giáo xứ Thánh Rita ở Warsaw. Cha gửi lời chào Ca đoàn Conselve “Năm Thánh” và các sinh viên Mascalucia. Một suy nghĩ đặc biệt xin gửi đến Hiệp hội “Meter” trong nhiều năm đã chiến đấu chống bạo lực và lạm dụng đối với trẻ vị thành niên, luôn luôn bên cạnh những người bé mọn. Và cha cũng gửi lời chào đến các bạn trẻ thuộc hội Immacolata.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc! Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/5/2022]


Vị lãnh đạo Công giáo Hy Lạp người Ukraine nêu chi tiết về phản ứng của Giáo hội đối với chiến tranh

Vị lãnh đạo Công giáo Hy Lạp người Ukraine nêu chi tiết về phản ứng của Giáo hội đối với chiến tranh

Vị lãnh đạo Công giáo Hy Lạp người Ukraine nêu chi tiết về phản ứng đối với chiến tranh của Giáo hội

Facebook I@kyivugcc

John Burger 

29/04/22 - updated on 04/29/22


Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk cho biết các linh mục và giám mục đã tìm cách cứu người ngay từ đầu cuộc xâm lược của Nga.

Vị đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine cho biết ngay từ đầu cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, Giáo hội Công giáo đã làm việc để cứu sống người dân ở những khu vực bị tấn công.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn New Voice of Ukraine của Ukraine, Đức Cha Sviatoslav Shevchuk, Tổng giám mục của Kyiv-Halych, đã trình bày chi tiết về những cách thức mà Giáo hội hỗ trợ người dân Ukraine trên khắp đất nước kể từ khi cuộc chiến bắt đầu ngày 24 tháng Hai.

Ngoài ra, Đức Tổng Giám mục Shevchuk đưa ra những nhận xét của ngài về khả năng của chuyến thăm Ukraine của Đức giáo hoàng, cảm nghĩ của ngài về quyết định đưa một người Ukraine và một người Nga cùng vác thánh giá trong Chặng đàng Thánh Giá thứ Sáu Tuần Thánh của Vatican, và con đường dẫn đến hòa giải.

“Khi những quả tên lửa đầu tiên rơi xuống Kyiv vào sáng ngày 24 tháng Hai, chị có biết chúng tôi ngay lập tức bắt tay làm việc gì không? Tất cả các giám mục, linh mục của chúng tôi, — dù ở Kyiv, Kharkiv, Chernihiv, Sumy, Odessa hay Zaporizhzhia — đều hối hả cứu sống con người”, Đức Cha Shevchuk nói với chị Natalia Rop, người phỏng vấn của NV. “Và mọi việc khác đều là thứ yếu trước mệnh lệnh này — cứu sống và thể hiện giá trị sự sống của con người.”

Đức Cha nói rằng Giáo hội đã xác định ba khu vực trong lãnh thổ Ukraine để giúp quyết định cách thức đáp ứng cho những nhu cầu của người dân trong các hoàn cảnh khác nhau: nơi có hoạt động thù địch, chẳng hạn như thủ đô Kyiv vào thời điểm đó; những nơi tiếp giáp với khu vực đang xảy ra giao tranh, và những khu vực yên bình hơn, chẳng hạn như miền trung và miền tây Ukraine.

Đức Cha nói, “Trong mỗi khu vực, chúng tôi có cách hành động khác nhau trong vai trò là Giáo hội. Trong khu vực chiến sự đang diễn ra, các giám mục và linh mục nhất trí quyết định ở lại với người dân của họ. Chúng tôi ở đó và giúp những người khác rời đi. Chúng tôi đã cố gắng thiết lập các hầm trú bom, cung cấp thức ăn cho người dân, cung cấp quần áo và hàng cứu trợ cần thiết”.

Đức CHa Shevchuk, người được cho là một trong số các nhà lãnh đạo Ukraine nằm trong “danh sách đối tượng thủ tiêu” của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã trải qua những tuần đầu tiên của cuộc chiến trong một ngôi nhà an toàn ở Kyiv, nhưng sau đó trở về nhà của ngài bên cạnh Nhà thờ Chánh tòa Phục sinh của Đức Kitô. Tầng hầm của nhà thờ được dùng làm nơi trú ẩn cho các gia đình trong khu vực.

Nhưng các nhân viên Giáo hội cũng giúp đỡ những người muốn rời khỏi khu vực họ sinh sống – với phương tiện vận chuyển, lời khuyên và những liên lạc – và sắp xếp việc vận chuyển hàng hóa nhân đạo đến các điểm nóng.

Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói: “Chúng tôi đã tạo ra các trung tâm hậu cần và trung tâm hỗ trợ người tị nạn trên đường.” Ngài nói rằng trong những tuần đầu của cuộc chiến, cách duy nhất để đi từ miền đông sang miền tây là theo một con đường quanh co cần 27 giờ lái xe từ Kyiv đến Lviv, thông thường là 5 hoặc 6 giờ lái xe. Tuy nhiên, ngài nói hàng triệu người đã thoát khỏi thủ đô và các khu vực khác theo tuyến đường này.

Đức Cha Shevchuk nói: “Hãy tưởng tượng lượng người khổng lồ trên tuyến đường suốt những ngày này. Và sau đó chúng tôi cố gắng giúp đổ xăng cho những chiếc xe, phát thức ăn cho những người đó, cung cấp quần áo ấm cho họ. Khi có người yêu cầu, chúng tôi tạo cơ hội để họ qua đêm”.

Đồng thời, Đức Cha cho biết, Giáo hội làm việc để vận chuyển hàng hóa nhân đạo từ miền tây sang miền đông. Ngài nói: “Đôi khi các tài xế không đủ can đảm để di chuyển sâu về phía đông. Họ đến các vùng phía nam Kyiv hoặc Zhytomyr hoặc Vinnytsia. Và sau đó cần phải chuyển hàng từ các xe tải lớn sang các xe nhỏ hơn và đưa chúng chạy theo những con đường nội đồng đến nơi đang cần đến chúng nhất.

“Đó là một công việc khổng lồ. Nhưng các trung tâm hậu cần như vậy đã hoạt động cho chúng tôi,” ngài nói. “Tôi đến thăm các trung tâm và rất ấn tượng trước sự khéo léo của các linh mục và tình nguyện viên của chúng tôi. Nếu không có các tình nguyện viên, và sự hưởng ứng tự phát của những người từ các giáo hội khác cùng tham gia vào sứ mệnh của Giáo hội chúng ta, sẽ khó có thể thực hiện được tất cả những việc này”.

Trong khi đó, ở miền Tây Ukraine, đặc biệt là Lviv, các nhân viên Giáo hội đã giúp người tị nạn tìm được nơi trú ngụ và hỗ trợ cho cuộc sống hàng ngày.


Các cộng đoàn Công giáo dưới làn bom đạn

Đức Cha Shevchuk từ chối bình luận về tình hình của các cộng đoàn Công giáo Hy Lạp Ukraine trong những vùng lãnh thổ bị quân Nga chiếm đóng. Ngài nói, “Tốt hơn tôi không nên cho chị biết vì sự an toàn của những người đó. Nhưng tôi sẽ cho biết rằng chúng tôi cố gắng giữ liên lạc với tất cả các linh mục. Cảm tạ Chúa, mọi người đều còn sống. Chúng tôi đang tìm cách để giúp họ. Không ai rời khỏi nơi phục vụ của họ.

Đức Cha nói: “Tôi vô cùng đau lòng với Mariupol”, ngài đề cập đến thành phố cảng trên Biển Azov đã bị bao vây trong hai tháng và gần như đã bị phá hủy hoàn toàn. “Một linh mục của chúng tôi ở Mariupol là một trong những người cuối cùng rời đi theo hành lang nhân đạo. Và tuần trước, nhà Caritas của chúng tôi ở Mariupol đã bị bắn phá từ một chiếc xe tăng, và hai người đã chết. Nói cách khác, Caritas Ukraine, trong vai trò là một cơ quan viện trợ của Giáo hội, đã làm việc ở đó đến bước cuối cùng, ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt như vậy. Hiện tại, chúng tôi không có thông tin mới nhất. Tiền đồn của thừa tác vụ nhân đạo của Giáo hội có lẽ vẫn đang bị tê liệt. Nhưng chúng tôi cố gắng hết sức”.

Ngài nói về hai vùng lãnh thổ đã được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Nga, bao gồm Chernihiv, nơi các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế “sống liên tục dưới các cuộc oanh tạc cùng với người dân của chúng tôi,” và thành phố Slavutych, nơi một linh mục và vợ ông phải chịu đựng một sự thử thách vô cùng đau đớn, nhưng cuối cùng lại rất vui. Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói: “Tôi đã rất lo lắng cho vị linh mục, tôi cầu nguyện cho ngài. Có một thời điểm linh mục tìm cách đột phá đi từ Slavutych đến Kyiv cùng quân đội của chúng tôi để nhận viện trợ nhân đạo. Tôi đã thấy linh mục ở đây, trong Nhà thờ Chánh tòa Thượng phụ.

Đức Cha Shevchuk nói: “Linh mục nói rằng, thật không may ngài không còn khả năng nhanh chóng quay trở lại nữa, vì xe tăng Nga đã khóa chặt con đường mà linh mục đã đến. Vị linh mục đó được tháp tùng bởi một sĩ quan cấp cao, người mà tôi đã ngỏ lời, ‘Thưa sĩ quan, hãy cứu vị linh mục đó giúp tôi. Bởi vì chúng ta luôn có thể thay thế xe tăng và nhà cửa, nhưng tôi không bao giờ có thể thay thế một người như vậy.” Và sau đó bằng cách nào đó, họ đã quay trở lại và tiến vào thành phố bị bao vây. Người vợ đang mang thai của linh mục vẫn ở lại, trải qua thời gian đầu của cuộc chiếm đóng, và sau đó sinh đứa con thứ ba của họ trong một bệnh viện phụ sản tối tăm, lạnh lẽo dưới ánh sáng của nến. Nó giống như một mầu nhiệm Vượt qua. Có một thời điểm khi quân đội Nga vẫn đang tiến vào Slavutych. Tôi ngay lập tức gọi cho linh mục và hỏi, “Cha đang làm gì vậy?” Và linh mục nói: “Con đang đứng cùng với mọi người, cầm thánh giá đứng trước xe tăng của Nga.” Chị hãy thử tưởng tượng xem! Nước mắt tôi trào ra. Và Slavutych đã kiên trì”.


Phản ứng với tranh cãi

Đức Tổng Giám mục Shevchuk đã nói về quyết định gây tranh cãi của Vatican khi đưa một bài suy niệm do một phụ nữ người Ukraine và một phụ nữ Nga cùng viết trong buổi suy niệm Chặng đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh của Vatican. Đức Cha Shevchuk vào thời điểm đó đã chỉ trích chương trình, nói rằng các nhà lên chương trình đã không tính đến bối cảnh quân đội Nga tấn công Ukraine.

Ngài nói, “Chúng tôi đã truyền đạt ý tưởng đó [với Vatican] rất mạnh mẽ, để thay đổi điều gì đó. Một vài điều đã được thay đổi, những điều khác thì không.”

Hai người phụ nữ đã vác thánh giá trong đoàn rước Chặng đàng, nhưng bài suy niệm của họ không được đọc thành tiếng.

Phản ứng trước gợi ý cho rằng cử chỉ này là một nỗ lực thúc đẩy sự hòa giải giữa Nga và Ukraine, Đức Cha Shevchuk cho biết một số điều kiện phải được đáp ứng trước khi có thể tiến hành hòa giải. “Điều kiện đầu tiên là: anh phải ngừng việc giết hại chúng tôi,” ngài nói. “Chúng ta không thể nói về việc chữa lành vết thương trong khi kẻ thù vẫn đang liên tục làm bạn bị thương tổn. Để hòa giải, bạn phải còn sống. Đó là lý do tại sao tôi gọi ý tưởng này là ‘không đúng lúc’, không phải là xấu hay sai lầm, nhưng là không đúng lúc. Để đạt được sự hòa giải trong tương lai, tất cả chúng ta cần phải làm việc rất nhiều. Và cho đến khi điều này được thực hiện, thì vẫn chưa phải là lúc để thảo luận về các hành động hòa giải bằng lời nói hoặc được kịch hóa, đặc biệt là giữa người dân Ukraine và Nga.

Đức Tổng Giám mục tiếp tục: “Yếu tố thứ hai, nếu không có yếu tố này thì không thể bắt đầu tiến trình hòa giải, là lên án các hành vi tội ác, để tìm được công lý cho nạn nhân.

“Ví dụ, sự hòa giải giữa các dân tộc Ba Lan và Đức – được khởi xướng bởi các giám mục Công giáo vào những năm 1960 – sẽ không thể thực hiện được nếu các phiên tòa ở Nuremberg không diễn ra, và nếu hệ tư tưởng của chủ nghĩa Quốc xã không bị lên án. Trong hoàn cảnh của chúng tôi, bất kỳ cuộc đối thoại nào về sự hòa giải giữa người Ukraine và người Nga chỉ có thể diễn ra khi các phiên tòa Nuremberg được tiến hành đối với hệ tư tưởng giết người hiện nay, vốn đã được tuyên bố là trường hợp diệt chủng đối với người Ukraine bởi các ấn phẩm chính thức của Nga, bao gồm cả [hãng thông tấn nhà nước] RIA Novosti. Chúng ta không thể nói đến công lý nếu không có phiên tòa hình sự”.

Vị tổng giám mục cũng được đặt câu hỏi tại sao Đức Giáo hoàng Phanxicô dường như miễn cưỡng lên án Nga đích danh vì hành vi tấn công Ukraine.

Đức Cha Shevchuk lưu ý: “Khi chúng ta theo dõi những cách nói, ngôn ngữ và thuật ngữ riêng của Đức giáo hoàng từ khi bắt đầu cuộc chiến – thì đã có một sự tiến bộ nhất định. Và điều đó thật tốt. Tôi có thể nói rằng ngôn ngữ của ngài đã phát triển về phía Ukraine.”

Đức Cha giải thích rằng Tòa thánh đang “cố gắng duy trì vị thế đứng trên các bên xung đột, để sau đó có thể trở thành người trung gian hòa giải… Và ngày nay yếu tố này thường được sử dụng để cứu sống người Ukraine. Đặc biệt, khi có yêu cầu mở hành lang xanh cho cứu trợ nhân đạo”.

Đã có tin nói về một chuyến thăm Ukraine có thể có của Đức Giáo hoàng Phanxicô, người đã nói với các phóng viên trên chuyến bay từ Malta về Roma rằng ý tưởng này đang “ở trên bàn”.

Đức Cha Shevchuk nói: “Cả chúng tôi và chính phủ đều đang nỗ lực để chuyến thăm này diễn ra.”

Cuối cùng, Đức Cha đã trả lời câu hỏi của người phỏng vấn về tính hợp lệ của cảm giác thù hận và “khát khao trả thù” của người Ukraine đối với những gì nước Nga đã làm ở đất nước của họ, đặc biệt vì cả hai quốc gia đều có truyền thống mạnh mẽ của Chính thống giáo.

“Trong những trường hợp này, tôi đã trải qua một sự chuyển biến nhất định trong quan điểm của mình. Có lần, khi tôi là một giáo sư thần học luân lý và sống trong một thế giới của những ý tưởng đạo đức và tốt đẹp, tôi đã đánh giá một số điều theo cách khác,” ngài nói. “Có những nguyên tắc và chân lý là vĩnh cửu và không thể bị phủ nhận. Không có hoàn cảnh nào có thể lật ngược lại điều răn của Thiên Chúa, “Ngươi chớ giết người.”

“Tuy nhiên, khi tôi nhìn thấy Kyiv của chúng tôi bị đánh bom như thế nào, và sau đó đến thăm tất cả các thành phố và làng mạc khác được giải phóng thoát khỏi sự chiếm đóng, nó đã làm cho tôi khựng lại. Điều này thuộc về sự sống của những con người thật hơn là những ý tưởng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng con người là quan trọng hơn ý tưởng, và tuyên bố của ngài đã cho tôi sự can đảm. Tôi sẽ nói điều này: phản ứng của một người đối với những trường hợp chiến tranh rõ ràng có thể là một sự tức giận.

“Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng người Kitô giáo chúng ta có một nghĩa vụ đặc biệt (nhân tiện đây là một trong những quy tắc của chủ nghĩa khổ hạnh Kitô giáo): biến cảm giác tức giận tự nhiên này trở thành lòng can đảm thông qua quyền năng của Thiên Chúa và lời cầu nguyện. Can đảm là một nhân đức lấy nguyên liệu thô của sự tức giận của chúng ta và biến đổi nó. Và tôi cầu nguyện cách thiết tha rằng trong niềm tin này của chúng ta, khi chứng kiến những tội ác này, chúng ta sẽ biến sự tức giận thuần túy của con người thành cơn thịnh nộ chính đáng, sẽ liên tục đánh động lương tâm của chúng ta, không cho phép chúng ta quên, không cho chúng ta quyền im lặng, không cho chúng ta quyền ngồi thụ động trong giây lát.

Ngài nói: “Chúng ta phải can đảm, kiên cường và tiến tới chiến thắng. Và tôi mong ước điều này cho tất cả chúng ta.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/5/2022]