Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

Vận động viên giành huy chương vàng Olympic người Philippines chia sẻ Linh Ảnh cho toàn thế giới xem

Vận động viên giành huy chương vàng Olympic người Philippines  chia sẻ Linh Ảnh cho toàn thế giới xem

Vận động viên Olympic người Philippines giành huy chương vàng chia sẻ Linh Ảnh cho toàn thế giới xem

Vincenzo PINTO | AFP

Cerith Gardiner

27/07/21


Trên bục vinh quang Hidilyn Diaz ăn mừng với Linh Ảnh Đức Mẹ.

Có rất nhiều cảm xúc khi Hidilyn Diaz đứng lên bục nhận huy chương vàng Olympic — chiếc huy chương đầu tiên cho Philippines.

Cô gái 30 tuổi vẫn giữ nguyên động tác chào khi bài quốc ca của đất nước đang vang lên, trong khi nước mắt lăn dài trên khuôn mặt. Chị không chỉ đánh bại kỷ lục cá nhân của mình bằng cách cố gắng nâng và giữ vững trọng lượng 493,8 pound (xấp xỉ 224 kg) trên đầu, chị còn đánh bại kỷ lục thế giới ở hạng mục cử tạ 55kg (hoặc 121 pound).

Buổi lễ diễn ra tại Tokyo hôm thứ Hai còn đặc biệt hơn khi vận động viên Olympic này giơ cao huy chương của mình cho đám đông nhìn thấy. Tuy nhiên, nó không phải là chiếc huy chương vàng lấp lánh mà chị đang nâng lên, mà chính là Linh Ảnh Đức Mẹ mà chị đeo trên cổ.

Nhà tân vô địch bày tỏ sự ngạc nhiên khi có thể nâng được mức tạ ấn tượng, chị chia sẻ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ với Rappler:

“Hôm qua tôi không nghĩ là mình lại nâng được. Tôi nghĩ đó chính là nhờ Chúa và tất cả những người đã cầu nguyện cho tôi ngày hôm qua. Tôi rất biết ơn những người đã cầu nguyện và thực hiện tuần cửu nhật”.

Huy chương của Diaz rõ ràng là rất quý giá đối với chị, cùng với lời cầu nguyện của tất cả những người đã ủng hộ chị trên con đường chiến thắng. Như chị giải thích trong Spin.Ph, một người bạn của chị đã tặng cho chị linh ảnh, và làm tuần cửu nhật cho chị, như bản dịch dưới đây chia sẻ:

“Anh ấy đã làm tuần cửu nhật trong chín ngày, sau đó tôi cũng thực hiện tuần cửu nhật. [Đó là một] dấu hiệu của những lời cầu nguyện và niềm tin vào Mẹ Maria và Chúa Giêsu Kitô.”

Vận động viên Olympic người Philippines giành huy chương vàng chia sẻ Linh Ảnh cho toàn thế giới xem


Những lời cầu nguyện của chị và lời cầu nguyện của tất cả bạn bè, gia đình và người hâm mộ của chị chắc chắn đã được đáp lời. Philippines đã tranh tài trong Thế vận hội suốt 97 năm, và chiến thắng đầu tiên của Diaz cho quốc gia chắc chắn sẽ là lý do để ăn mừng lớn.

Điều này lại càng trở nên đặc biệt hơn khi bạn thấy rằng đất nước đã áp dụng một số biện pháp hạn chế cách ly nghiêm ngặt nhất trên thế giới trong thời gian đại dịch, khiến cho việc tập luyện trở nên vô cùng khó khăn.

Đã giành được huy chương bạc tại Thế vận hội ở Rio năm 2016, trong Thế vận hội lần thứ 4, Diaz bị mắc kẹt ở Malaysia mà không có thiết bị tập luyện, chỉ có những cây sào và các chai nước thay cho những quả tạ, và một sức mạnh của ý chí chỉ có được từ trời ban xuống.

Nhà vô địch chia sẻ với ABS-CBN News, “Chúng tôi nghĩ điều đó là không thể, tôi cũng nghĩ điều đó không thể xảy ra, đại dịch này, chúng ta đang ở trong trận đại dịch, Thế vận hội là không thể. Nhưng bây giờ chúng tôi đang ở đây. Vì vậy, chúng tôi có thể làm được. Đừng bỏ cuộc. Dù gặp khó khăn và thử thách gì đi nữa, chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa, Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta.”

Vì vậy, được trang bị với Linh Ảnh và niềm tin mãnh liệt của mình, Diaz đã vượt quá mọi sự mong đợi. “Tôi thật ngạc nhiên vì tôi đã làm được điều đó. Thiên Chúa thật phi thường,” chị nói trong một phỏng vấn với Gretchen Ho của kênh Cignal TV.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/7/2021]


Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 25 tháng Bảy, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 25 tháng Bảy, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô


Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 25 tháng Bảy, 2021

_________________________________



Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng của phụng vụ Chúa Nhật tuần này thuật lại biến cố nổi tiếng về việc hóa bánh và cá ra nhiều, qua đó Chúa Giêsu cho khoảng năm ngàn người đến nghe Ngài giảng dạy được ăn (xem Ga 6:1-15). Thật thú vị khi nhìn thấy phép lạ này diễn ra như thế nào: Chúa Giêsu không tự tạo ra bánh và cá, mà Ngài thực hiện với những gì các môn đệ mang đến cho Ngài. Một người trong số họ nói: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” (câu 9). Như vậy là rất ít, nó chẳng là gì, nhưng như vậy là đủ cho Chúa Giêsu.

Bây giờ chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí của cậu bé đó. Các môn đệ yêu cầu cậu bé chia sẻ mọi thứ cậu có để ăn. Đó có vẻ là một đề xuất không hợp lý, hay nói đúng hơn là bất công. Tại sao lại lấy đi của một người, mà đó lại là một đứa trẻ, những gì người đó mang theo từ nhà và có quyền giữ cho riêng mình? Tại sao lại lấy đi của một người những gì không đủ để nuôi tất cả mọi người? Về mặt con người, nó là phi lý. Nhưng đối với Chúa thì không. Trái lại, nhờ món quà trao tặng nhưng không và rất anh hùng mà Chúa Giêsu có thể nuôi sống mọi người. Đây là một bài học lớn cho chúng ta. Nó cho chúng ta biết rằng Chúa có thể làm được rất nhiều với những thứ nhỏ bé chúng ta trao cho Ngài sử dụng. Thật tốt biết bao khi chúng ta tự hỏi mình mỗi ngày: “Hôm nay tôi mang gì đến cho Chúa Giêsu?” Ngài có thể làm được nhiều điều với lời cầu nguyện của chúng ta, với một cử chỉ bác ái đối với người khác, thậm chí với sự đau khổ của chúng ta dâng lên cho lòng thương xót của Ngài. Những điều nhỏ nhặt của chúng ta dâng lên Chúa Giêsu, và Ngài thực hiện phép lạ. Đây là cách hành động yêu thích của Thiên Chúa: Ngài làm những việc lớn lao, bắt đầu từ những điều nhỏ bé, những điều được cho đi một cách nhưng không.

Tất cả các nhân vật vĩ đại của Kinh thánh - từ tổ phụ Ápraham, đến Mẹ Maria, đến cậu bé hôm nay - đều thể hiện luận lý của sự nhỏ bé và cho đi. Luận lý của sự nhỏ bé và cho đi. Luận lý của sự cho đi rất khác so với chúng ta. Chúng ta cố gắng tích lũy và tăng thêm những gì chúng ta đã có, nhưng Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta cho đi, giảm bớt đi. Chúng ta thích thêm nữa, chúng ta thích cộng thêm; Chúa Giêsu thích trừ bớt đi, bớt đi một thứ gì đó để cho người khác. Chúng ta tăng gấp bội cho bản thân; Chúa Giêsu đánh giá cao điều đó khi chúng ta biết chia sẻ với người khác, khi chúng ta chia sẻ. Điều thú vị là trong các trình thuật về phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều trong các sách Phúc âm, động từ “gấp lên nhiều lần” không bao giờ xuất hiện: không. Ngược lại, các động từ được sử dụng mang nghĩa ngược lại: “bẻ ra”, “trao cho”, “phân phát” (xem câu 11; Mt 14:19; Mc 6:41; Lc 9:16). Nhưng động từ “gấp lên nhiều lần” không được sử dụng. Chúa Giêsu nói, phép lạ thật sự không phải là sự nhân lên gấp bội, nó tạo ra sự hão huyền và quyền lực, mà chính là sự chia sẻ làm tăng thêm tình yêu thương và cho phép Thiên Chúa thực hiện những điều kỳ diệu. Chúng ta hãy cố gắng chia sẻ nhiều hơn: chúng ta hãy thử cách Chúa Giêsu dạy chúng ta.

Ngay cả ngày nay, sự gia tăng của cải lên gấp bội cũng không thể giải quyết các vấn đề nếu không có sự chia sẻ công bằng. Thảm kịch của nạn đói hiện trong tâm trí, nó đặc biệt ảnh hưởng đến những trẻ nhỏ. Con số tính toán chính thức cho biết mỗi ngày trên thế giới có khoảng bảy nghìn trẻ em dưới 5 tuổi chết do suy dinh dưỡng, vì các bé không có được những gì chúng cần để sống. Đứng trước những điều ô nhục như vậy, Chúa Giêsu cũng ngỏ lời mời gọi chúng ta, một lời mời tương tự như lời mời gọi mà cậu bé có thể đã nhận được trong Tin Mừng, một cậu bé không có tên tuổi và là người mà tất cả chúng ta có thể tìm thấy chính mình trong đó: “Hãy can đảm, hãy cho đi những gì ít ỏi mà bạn có, tài năng của bạn, của cải của bạn, hãy sẵn sàng trao chúng cho Chúa Giêsu và cho anh chị em của bạn. Đừng sợ, sẽ chẳng có điều gì bị mất đi, vì nếu bạn chia sẻ thì Chúa sẽ nhân lên gấp bội. Hãy gạt bỏ sự nhún nhường giả tạo của cảm giác bất xứng, hãy tin tưởng vào bản thân. Tin vào tình yêu, tin vào sức mạnh của sự phục vụ, tin vào sức mạnh của sự vô vị lợi.”

Xin Mẹ Maria Đồng Trinh, Đấng đã thưa “xin vâng” trước lời đề nghị chưa từng xảy ra, giúp chúng ta biết mở rộng lòng cho lời mời gọi của Chúa và trước những nhu cầu của tha nhân.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/7/2021]