Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

Diễn từ của Đức Thánh Cha với những nạn nhân của vụ tấn công khủng bố ở Nice

Diễn từ của Đức Thánh Cha với những nạn nhân của vụ tấn công khủng bố ở Nice

“Chúng ta chỉ có thể đáp trả lại những sự hành hung của quỷ dữ bằng hành động của Thiên Chúa, đó là tha thứ, yêu thương và tôn trọng anh em, cho dù người đó có khác biệt với chúng ta”
26 tháng 9, 2016
Victims of Nice attack
L'Osservatore Romano
Thứ Bảy Đức Thánh Cha Phanxico đã tiếp một số thân nhân của những nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố ở Nice hôm 14 tháng 7.
Dưới đây là bản dịch của Zenit văn bản huấn từ của Đức Thánh Cha:
__
Anh chị em thân mến, cha xin lỗi phải nói tiếng Ý, vì tiếng Pháp của cha không tốt lắm.
Cha gặp anh chị em với một cảm xúc thật sâu lắng, anh chị em là những người đang đau khổ cả thân xác và tâm hồn vì, vào ngày mừng kỷ niệm, bạo lực tấn công vào anh chị em một cách mù quáng, chính anh chị em hoặc một trong những người thân của anh chị em, không cần biết cội nguồn và tôn giáo của anh chị em. Cha xin chia sẻ nỗi đau của anh chị em, một nỗi đau thậm chí còn lớn hơn khi cha nghĩ đến những đứa trẻ, thậm chí cả gia đình, mà mạng sống đã bị mất đi một cách đột ngột và kinh hoàng. Cha xin gửi tâm tình thương cảm, sự gần gũi đến anh chị em và lời cầu nguyện cho anh chị em.
Các gia đình thân yêu, cha xin khẩn cầu Chúa Cha, là Cha của tất cả chúng ta trên trời, xin Người đưa những người thân yêu của anh chị em đã qua đời về với Người, để họ có thể tìm được sự an nghỉ và niềm hân hoan nơi cuộc sống vĩnh hằng. Với chúng ta là những người Ki-tô hữu, nền tảng của hy vọng của chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết và phục sinh. Thánh Tông đồ Phaolo bảo đảm với chúng ta rằng: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người” (Rm 6:8-9). Nguyện cho sự vững bền của cuộc sống vĩnh hằng, cũng thuộc về niềm tin của những tín hữu của các tôn giáo khác, trở thành niềm an ủi cho anh chị em trong cuộc sống, và góp phần xây dựng một động lực mạnh mẽ cho niềm tin và tiếp tục hành trình của anh chị em nơi dương thế với lòng dũng cảm.
Cha xin cầu nguyện cùng Thiên Chúa thương xót cho tất cả những người bị thương, có những trường hợp bị tổn hại thân xác nặng nề, trên da thịt hay trong tâm hồn, và cha không quên tất cả những ai, vì vụ việc này, đã không thể tới đây hoặc vẫn còn đang trong bệnh viện. Giáo hội luôn gần gũi với anh chị em và đồng hành với anh chị em bằng tình thương bao la. Với sự hiện diện của Giáo hội bênh cạnh anh chị em trong những giây phút nặng nề này mà anh chị em phải đối mặt, Giáo hội nguyện xin Thiên Chúa đến trợ giúp anh chị em và đặt vào con tim anh chị em sự bình an và huynh đệ.
Thảm kịch mà thành phố Nice trải qua đã khơi gợi lên khắp nơi những hành động đặc biệt của tình đoàn kết và sự đồng lòng. Cha xin cảm ơn những người đã ngay lập tức giúp đỡ các nạn nhân, những người cho đến hôm nay và chắc chắn còn trong một thời gian dài, cống hiến sự hỗ trợ và đồng hành cùng với các gia đình. Cha đang nghĩ đến cộng đoàn Công giáo và Đức Giám mục An-rê Marceau, và cả những phục vụ cứu trợ và những nhóm thiện nguyện, đặc biệt nhóm Alpes-Maritimes Fraternite, cũng có mặt ở đây hôm nay, đã đem đến đại diện của tất cả các tôn giáo, và đây là một dấu chỉ đẹp của hy hy vọng. Cha vui mừng nhìn thấy giữa anh chị em có những mối quan hệ liên tôn rất sống động, và điều này chắc chắn chữa lành các vết thương của những biến cố đau thương này.
Quả thật, thiết lập được một sự đối thoại chân tình và những mối quan hệ huynh đệ giữa tất cả mọi người, đặc biệt giữa những người tuyên xưng một Thiên Chúa thương xót, là một ưu tiên cấp bách mà các nhà lãnh đạo, bất kể chính trị hay tôn giáo, phải tìm cách thúc đẩy và mỗi người được kêu gọi mang theo bên mình. Khi cám dỗ làm một người trở nên co cụm hoặc đáp trả cho sự hận thù bằng thù hận, bạo lực bằng bạo lực, thì một sự hối cải thực sự của con tim là rất cần thiết. Đây là thông điệp mà Tin mừng của Chúa Giê-su nói với tất cả chúng ta. Chúng ta chỉ có thể đáp trả lại những sự hành hung của quỷ dữ bằng hành động của Thiên Chúa, đó là tha thứ, yêu thương và tôn trọng anh em, cho dù người đó có khác biệt với chúng ta.
Anh chị em thân mến, một lần nữa cha xin dâng lời cầu nguyện cho anh chị em và cùng với lòng nhân từ của người Kế nhiệm thánh Phê-rô. Cha cũng sẽ cầu nguyện cho đất nước thân yêu của anh chị em và cho các vị lãnh đạo đất nước, để họ không biết mệt mỏi xây dựng một xã hội công bằng, hòa bình và huynh đệ. Như là một dấu chỉ sự gần gũi của cha, cha xin khẩn cầu cho mỗi người trong anh chị em được sự cứu giúp của Mẹ Maria Đồng trinh và nhiều ơn phúc của Thiên đàng.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.
[Văn bản gốc: Tiếng Ý]  [Bản dịch tiếng Anh của ZENIT]

[Nguồn:  zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 27/09/2016]



Vị linh mục tử đạo trong trại tập trung, được tôn phong chân phước

Vị linh mục tử đạo trong trại tập trung, được tôn phong chân phước

Blessed Engelmar Unzeitig, who was beatified Sept. 24, 2016. Credit: CMM engelmarunzeitig.de.

Chân phước Engelmar Unzeitig, được tôn phong ngày 24 tháng 9, 2016. Credit: CMM engelmarunzeitig.de.

Würzburg, Đức, 26 tháng 9, 2016 / 02:29 pm (CNA/EWTN News).- Cha Engelmar Unzeitig, một linh mục của Hội Thừa sai Mariannhill được mai táng trong trại tập trung Dachau của Đức Quốc xã đã được công nhận là tử vì đạo, được tôn phong chân phước trong một Thánh lễ hôm Thứ Bảy.
Đức Giám mục Friedhelm Hofmann giáo phận Würzburg nói trong bài giảng trong Thánh lễ hôm 24 tháng 9 tại Thánh đường của thành phố rằng Cha Unzeitig, được gọi là "Thiên thần của Dachau", đã đem đến ánh sáng tốt lành của Thiên Chúa vào nơi mà sự hiện diện của cha “ít được mong chờ nhất.”
Cha Unzeitig sống dưới một “chế độ độc tài hung tàn nhất,” Đức Giám mục Hofmann nói, “chúng ta có thể học từ cha tính không chịu khuất phục trước một nhà độc tài, thậm chí một nhà độc tài tư tưởng.”
Ngày hôm sau, khi đoàn hành hương đến Roma tham dự buổi đọc kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha Phanxico nhắc đến lễ tuyên phong, ngài nói rằng “bị giết vì lòng thù hận đức tin” Cha Unzeitig “chống lại lòng thù hận bằng tình yêu, và trả lời cho sự hung tàn bằng lòng nhân hậu. Nguyện xin tấm gương của ngài giúp chúng ta trở nên những chứng nhân cho lòng bác ái và hy vọng thậm chí ngay trong giữa những khổ đau.”
Cha Unzeitig sinh ở vùng bây giờ gọi là Cộng hòa Séc năm 1911, và ngài gia nhập chủng viện lúc 18 tuổi, và trở thành linh mục cho Hội Thừa sai Mariannhill, phương châm của hội là: “Nếu không ai đi: tôi sẽ đi!”
Ngài bị Đức Quốc xã bắt năm 1941, khi ngài chỉ 30 tuổi và làm linh mục vừa được 2 năm, phục vụ ở Đức và Áo.
Bản án của ngài là rao truyền chống lại Đệ Tam Đế Chế trên bục giảng, đặc biệt chống lại cách đối xử với người Do thái. Cha động viên cộng đoàn của cha hãy trung thành với Thiên Chúa và chống lại những dối trá của chính thể Quốc xã.
Để trừng phạt, cha Unzeitig bị chuyển đến một nơi được gọi là “tu viện lớn nhất trên thế giới”: trại tập trung Dachau, nó trở nên nổi tiếng vì con số các thừa tác viên và linh mục bị giam trong những bức tường.
Trại giam giữ khoảng 2.700 giáo sĩ, khoảng 95 phần trăm là linh mục Công giáo từ Ba lan, tạo thành một nơi ở lớn nhất cho các linh mục trong lịch sử của Giáo hội – theo một cách nói.
Khi bị giam trong trại, Cha học tiếng Nga để có thể giúp những đợt tù nhân ồ ạt bị đưa vào từ Đông Âu, và có tiếng ở trong trại như là một thánh nhân.
Trong suốt nhiều năm, Cha Unzeitig vẫn có thể duy trì sức khỏe ổn định trừ cách đối xử tồi tệ đối với ngài. Tuy nhiên,  khi một đợt sóng bệnh thương hàn chết người quét qua trại năm 1945, cha và 19 linh mục khác tình nguyện làm công việc không ai khác muốn làm – chăm sóc cho người bệnh và người hấp hối trong các trại bệnh thương hàn, một án tử tù hầu như chắc chắn. Cha và những người trong nhóm trải qua những ngày tắm rửa và chăm sóc người bệnh, cầu nguyện với họ, và trao các phép cuối cùng.
Bất chấp hoàn cảnh ảm đảm của mình, Cha Unzeitig tìm được sự hy vọng và niềm vui trong đức tin của mình, được minh chứng trong các lá thư cha gửi từ trong trại cho chị gái:
“Bất cứ điều gì em và các cha ở đây làm, bất cứ điều gì chúng em muốn, chắc chắn đơn giản là nhờ ân sủng dẫn đưa và hướng dẫn chúng em. Ân sủng của Thiên Chúa toàn năng giúp chúng em vượt qua được những chướng ngại … tình yêu làm tăng sức mạnh chúng em gấp đôi, làm chúng em có nhiều sáng kiến, làm chúng em cảm thấy hài lòng và được tự do trong tâm hồn. Ước gì mọi người nhận ra được những gì Thiên Chúa dành sẵn cho những ai yêu mến Người!” cha viết.
Trong một thư khác cha viết:
"Ngay cả đằng sau những hy sinh lớn lao nhất và những đau khổ kinh khủng nhất vẫn có Thiên Chúa với tình yêu của người Cha đứng ở đó, Người hài lòng với những ý chí tốt lành của những đứa con của Người và ban tặng cho chúng và những người khác sự hạnh phúc."
Cuối cùng, ngày 2 tháng 3 năm 1945, cha Unzeitig đã không chống chọi được với bệnh thương hàn. Trại Dachau được quân đội Mỹ giải phóng một vài tuần sau vào ngày 29 tháng 4.
Công nhận nhân đức anh dũng của ngài, Cha Engelmar Unzeitig được tuyên gọi là bậc đáng kính bởi Đức Thánh Cha Benedict XVI năm 2009, và Đức Thánh Cha Phanxico chuẩn nhận ngài là vị tử vì đạo vào tháng Giêng, mở ra con đường tuyên phong cho ngài.
Khoảng 1.800 người đến tham dự Lễ tuyên phong tại thánh đường Würzburg. Nhiều vị đại diện từ chính phủ Séc cũng có mặt, cũng như những thành viên Hội Thừa sai Mariannhill và Đức Giám mục Giáo phận nước Áo nơi cha Unzeitig đã phục vụ.
Lễ kính của Cha vào ngày 2 tháng 3, ngày giỗ của ngài.

[Nguồn:  catholicnewsagency]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 27/09/2016]



Chi tiết về chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxico đến Georgia và Azerbaijan

Chi tiết về chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxico đến Georgia và Azerbaijan

Residence of the Georgian Patriarch in Tbilisi which Pope Francis will visit during his September 30th to October 2nd pastoral visit to Georgia and Azerbaijan - RV
Khu Tòa Thượng phụ Georgia ở Tbilisi nơi Đức Thánh Cha Phanxico sẽ đến thăm trong chuyến tông du của ngài đến Georgia và Azerbaijan từ 30 tháng 9 đến 2 tháng 10 - RV
26/09/2016 15:57
(Vatican Radio) Trong buổi họp báo tại văn phòng báo chí Tòa Thánh hôm thứ Hai, phát ngôn viên Vatican, Greg Burke cho biết chi tiết chuyến thăm 3 ngày sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxico đến các nước cộng hòa Georgia và Azerbaijan. Đó sẽ là chuyến tông du thứ 16 của ngài ra khỏi nước Ý và chuyến đi sẽ được tập trung vào các chủ điểm hòa bình và tình huynh đệ, nối tiếp từ thông điệp hòa bình mà ngài đã mang đến nước cộng hòa láng giềng Armenia vào tháng 6.
Theo lịch trình, Đức Thánh Cha sẽ rời Vatican vào sáng thứ Sáu, đi thẳng đến thủ đô Tbilisi của Georgian. Tại đó trước tiên ngài sẽ gặp gỡ tổng thống, các giới chức chính phủ và các đại diện của tổ chức dân sự họp tại dinh tổng thống nguy nga. Từ đó ngài sẽ đến gặp gỡ Đức Đại Thượng phụ Elia là nhà lãnh đạo Chính thống giáo của quốc gia, Đức Đại Thượng phụ cũng đã tiếp Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đến thăm quốc gia mới độc lập năm 1999.
Sự kiện cuối cùng của thứ Sáu sẽ là chuyến thăm đến nhà thờ Thánh Simon the Tanner theo nghi lễ Can-đê Syria, một trong ba nghi lễ khác nhau xây dựng nên cộng đoàn Ki-tô giáo nhỏ bé ở quốc gia Xô-viết cũ. Đức Thánh Cha sẽ cùng với các giám mục theo nghi lễ Can-đê Syria trên khắp thế giới cầu nguyện cho hòa bình ở Syria và Iraq.
Đức Thánh Cha Phanxico bắt đầu ngày hôm sau bằng một Thánh lễ tại một sân vận động ở Tbilisi được gọi theo tên của một trong những cầu thủ bóng đá nổi tiếng nhất của Georgia, một phái đoàn từ Khu Đại Thượng Phụ Chính thống cũng sẽ hiện diện tại Thánh lễ, một dấu hiệu của tình bạn lớn dần bất kể còn nhiều khó khăn về giáo lý vẫn tiếp tục chia rẽ các nhà lãnh đạo của hai Giáo hội.
Vào buổi chiều, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và chủng sinh tại một trong hai giáo xứ Công giáo ở thủ đô, trước khi đến chào thăm hàng trăm người khuyết tật và bé mọn được chăm sóc bởi các thành viên của dòng Các-mê-lô.  Sự kiện cuối cùng của Đức Thánh Cha ở Georgia sẽ là chuyến đến thăm thánh đường thuộc đại thượng phụ ở thành phố Mtshketa cổ xưa gần đó, nằm trong danh sách là một trong những khu vực di sản thế giới của UNESCO.
Ngày cuối cùng của chuyến đi, Đức Thánh Cha sẽ bay từ Tbilisi đến Baku, thủ đô của Azerbaijan, tại đây ngài sẽ dâng Thánh lễ cho cộng đoàn Công giáo bé nhỏ tại nhà thờ giáo xứ duy nhất do dòng Sa-lê-diêng quản lý. Buổi chiều ngài sẽ đến thăm ngoại giao tổng thống và gặp gỡ ngài Sheik  Allashukur Pashazade, nhà lãnh đạo Hồi giáo trong vùng, trước khi tham dự một buổi họp mặt liên tôn với các đại diện của tất cả những cộng đồng tôn giáo khác trong nước.

[Nguồn:  en.radiovaticana.va]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 27/09/2016]