Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

Tiếp kiến chung của ĐTC Phanxicô ngày 26.04.2023: “Lời cầu nguyện của họ là sức mạnh vô hình nâng đỡ sứ vụ”

Đức Thánh Cha nói về đời sống Đan viện: “Lời cầu nguyện của họ là sức mạnh vô hình nâng đỡ sứ vụ”

Bài giáo lý thứ 12 của Đức Thánh Cha về nhiệt huyết loan báo Tin Mừng

Tiếp kiến chung của ĐTC Phanxicô ngày 26.04.2023: “Lời cầu nguyện của họ là sức mạnh vô hình nâng đỡ sứ vụ”
Vatican Media

*******

Buổi tiếp kiến sáng nay được tổ chức lúc 9:00 sáng tại Quảng trường Thánh Phêrô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về nhiệt tâm Loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu, tập trung suy ngẫm về chủ đề “Các chứng nhân: đời sống đan tu và sức mạnh chuyển cầu. Thánh Grêgôriô Narek.” (Bài đọc: Is 53:11-12).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

___________________________________________


Nhiệt tâm loan báo Tin Mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu. 2. Các chứng nhân: đời sống đan tu và sức mạnh chuyển cầu. Thánh Gregory xứ Narek

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục loạt bài giáo lý về các chứng nhân của lòng nhiệt thành loan báo Tin mừng. Chúng ta đã bắt đầu với Thánh Phaolô, và lần trước chúng ta đã nhìn đến các vị tử đạo là những người loan báo Chúa Giêsu bằng chính cuộc sống của họ, đến mức hiến mạng sống của họ cho Ngài và cho Tin Mừng. Nhưng còn có một chứng tá vĩ đại khác xuyên suốt lịch sử đức tin: đó là chứng tá của các tu sĩ nam nữ, những người anh chị em đã từ bỏ chính mình và từ bỏ thế gian để noi gương Chúa Giêsu trên con đường khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục và chuyển cầu lên Chúa cho tất cả mọi người. Cuộc sống của họ tự nói lên tất cả, nhưng chúng ta có thể đặt câu hỏi: những người sống trong các tu viện có thể giúp ích cho việc loan báo Tin Mừng bằng cách nào? Chẳng phải là họ sẽ làm tốt hơn nếu dồn sức cho sứ mệnh sao? Ra khỏi tu viện và rao giảng Tin Mừng, bên ngoài… bên ngoài tu viện? Trong thực tế, các đan sĩ là trái tim đang đập của việc loan báo. Điều này thật lạ lùng: họ là trái tim đang đập. Lời cầu nguyện của họ là dưỡng khí cho tất cả các chi thể của Nhiệm thể Chúa Kitô, lời cầu nguyện của họ là sức mạnh vô hình duy trì sứ vụ.

Không phải ngẫu nhiên mà bổn mạng của các hội truyền giáo là một nữ tu sĩ, Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Chúng ta hãy lắng nghe cách thánh nữ khám phá ra ơn gọi của mình – chị viết: “Tôi hiểu rằng Giáo hội có một Trái tim và Trái tim này bừng cháy tình yêu. Tôi hiểu rằng chỉ có Tình yêu mới khiến các thành viên của Giáo hội hành động, rằng nếu Tình yêu không còn nữa thì các tông đồ sẽ không rao giảng Tin Mừng và các vị tử đạo sẽ không đổ máu họ ra. Tôi hiểu rằng tình yêu đó bao gồm tất cả các ơn gọi. … Rồi, trong niềm vui sướng tột độ, tôi đã kêu lên: Ôi lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con.... ơn gọi của con, cuối cùng con đã tìm thấy nó.... ơn gọi của con là tình yêu! … Trong trái tim của Giáo hội, Mẹ của con, con sẽ là Tình yêu” (Tự truyện “B”, ngày 8 tháng 9 năm 1896). Những người sống đời chiêm niệm, các đan sĩ nam nữ: những người cầu nguyện, làm việc, cầu nguyện trong thinh lặng cho toàn thể Giáo hội. Và đây là tình yêu: đó là tình yêu được thể hiện qua việc cầu nguyện cho Giáo hội, làm việc cho Giáo hội, trong các đan viện.

Tình yêu này dành cho mọi người đã truyền cảm hứng cho đời sống của các nam nữ tu sĩ, và được chuyển thành lời cầu nguyện chuyển cầu của họ. Về vấn đề này, cha muốn đưa ra cho anh chị em mẫu gương của Thánh Grêgôriô Narek, Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngài là một tu sĩ người Armenia, sống vào khoảng năm 1000, ngài đã để lại một quyển sách cầu nguyện, trong đó thể hiện đức tin của người Armenia, những người đầu tiên theo Kitô giáo; một dân tộc, cùng với thập giá của Chúa Kitô, đã phải chịu quá nhiều đau khổ trong suốt lịch sử. Và Thánh Grêgôriô đã dành gần như cả cuộc đời của ngài trong đan viện Narek. Ở đó, ngài đã học cách nhìn vào trong sâu thẳm tâm hồn con người, và bằng cách kết hợp thơ ca và cầu nguyện với nhau, ngài đã đánh dấu đỉnh cao của văn học và tinh thần Armenia. Điều nổi bật nhất về ngài là tình liên đới phổ quát mà ngài là người diễn giải. Và giữa các nam nữ đan sĩ có một tình liên đới phổ quát: bất cứ điều gì xảy ra trên thế giới, đều tìm thấy một vị trí trong trái tim, trong trái tim của họ, và họ cầu nguyện, và họ cầu nguyện.

Trái tim của các tu sĩ nam nữ là trái tim thu bắt tín hiệu như cây ăng-ten, nó thu nhận những gì xảy ra trên thế giới, và cầu nguyện và chuyển cầu cho điều này. Và theo cách này: họ sống kết hiệp với Chúa và với mọi người. Và một vị đan sĩ nói: “Tôi đã tự nguyện nhận hết mọi lỗi lầm, từ tổ tông cho đến con cháu cuối cùng, và tôi xin gánh lấy trách nhiệm về những lỗi lầm đó”. Đó là điều Chúa Giêsu đã làm: họ tự gánh lấy những vấn đề của thế giới, những khó khăn, bệnh tật, nhiều thứ, và họ cầu nguyện cho những điều đó. Và đây là những nhà truyền giáo vĩ đại. Các tu viện là… nhưng làm sao họ có thể vừa sống tách biệt vừa truyền giáo? Đúng vậy… bởi vì bằng lời nói, chẳng hạn với lời chuyển cầu và công việc hằng ngày, họ là nhịp cầu trung gian cho mọi người và các tội lỗi. Họ khóc, thậm chí rơi nước mắt, họ khóc cho tội lỗi của mình – xét cho cùng, tất cả chúng ta đều là tội nhân – và họ cũng khóc cho tội lỗi của thế giới, và họ cầu nguyện và chuyển cầu bằng đôi tay và trái tim dâng lên.

Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về điều này – nếu tôi có thể cho phép mình sử dụng từ ngữ – “nguồn dự trữ” mà chúng ta có trong Giáo hội: họ là sức mạnh thực sự, sức mạnh thực sự đưa Dân Chúa tiến bước, và đây là nơi dẫn đến thói quen của người dân – Dân Chúa – thường nói “Xin cầu nguyện cho tôi, xin cầu nguyện cho tôi”, khi họ gặp một người nam nữ thánh hiến, bởi vì họ biết có một lời cầu thay nguyện giúp. Sẽ rất hữu ích cho chúng ta – trong khả năng chúng ta có thể – đến thăm một tu viện, bởi vì ở đó mọi người cầu nguyện và làm việc. Mỗi người có những quy tắc riêng, nhưng đôi tay của họ luôn bận rộn: dấn thân vào công việc, dấn thân vào cầu nguyện. Xin Chúa ban cho chúng ta những tu viện mới, xin Chúa ban cho chúng ta những tu sĩ nam nữ mới để đưa Giáo hội tiến lên bằng lời chuyển cầu của họ. Cảm ơn anh chị em.

_______________________________________


Lời chào đặc biệt

Cha xin gửi lời chào thân ái đến anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh tham dự buổi tiếp kiến hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ Anh, Đan Mạch, Malta, Kenya, Kuwait, Úc, Indonesia, Việt Nam, Philippines và Hoa Kỳ. Trong niềm vui của Chúa Kitô Phục Sinh, tôi khẩn xin cho anh chị em và gia đình lòng thương xót của Thiên Chúa là Cha chúng ta. Xin Chúa chúc lành cho tất cả các bạn!



[Nguồn: vatican.va]; [exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/4/2023]


ĐTC Phanxicô gặp các tham dự viên của Phiên họp khoáng đại lần thứ hai của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống

“Giáo dân và Thừa tác vụ trong Giáo hội Hiệp hành”

Phiên họp khoáng đại lần thứ hai của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống

ĐTC Phanxicô gặp các tham dự viên của Phiên họp khoáng đại lần thứ hai của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống
Vatican Media

*******

Sáng nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các tham dự viên của Phiên họp khoáng đại lần thứ hai của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống trong Điện Tông tòa Vatican.

Sau đây là diễn từ ngài gửi đến họ trong buổi gặp gỡ:

________________________________________


Diễn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến!

Tôi xin chào mừng tất cả anh chị em tham dự Phiên họp khoáng đại lần thứ hai của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, và tôi xin cảm ơn Đức Hồng y Farrell vì những lời tốt đẹp của ngài.

Tôi xin cảm ơn anh chị em vì công việc đã được hoàn thành trong những năm vừa qua và vì cam kết mà anh chị em dành cho công việc trong tất cả các lĩnh vực theo năng lực của mình. Những việc này liên quan đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người: gia đình, người trẻ, người già, các hiệp hội tín hữu, và nói cách tổng quát hơn là giáo dân sống trong thế giới với những niềm vui và khó khăn của họ. Tôi có thể nói rằng anh chị em là một Bộ “bình dân”, và điều này thật đẹp! Xin nhớ rằng: anh chị em đừng bao giờ đánh mất đặc tính gần gũi này với con người trong thời đại chúng ta. Sự gần gũi, tôi nhấn mạnh điều đó.

Trong những ngày này, anh chị em quy tụ để cùng nhau suy tư về chủ đề: Giáo dân và thừa tác vụ của Giáo hội hiệp hành.

Nói chung, khi nói về các thừa tác vụ, chúng ta nghĩ ngay đến các thừa tác vụ “được thiết lập”: người đọc sách, người giúp lễ, giáo lý viên – là những thừa tác vụ phổ biến và đã được suy tư rất nhiều. Các thừa tác vụ này đặc trưng bởi sự can dự công khai của Giáo hội – một hành động cụ thể của thể chế – và sự xuất hiện nhất định. Những thừa tác vụ đó được kết nối với thừa tác vụ chức thánh, vì chúng bao gồm nhiều hình thức tham gia khác nhau vào công việc phù hợp với họ, ngay cả khi công việc đó không đòi hỏi bí tích Truyền chức.

Tuy nhiên, các thừa tác vụ được thiết lập không đại diện cho toàn bộ phạm vi thừa tác vụ của Giáo hội rộng lớn hơn, và kể từ thời các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, liên quan đến tất cả các tín hữu (x. Tông thư ban hành Tự sắc Antiquum ministerium, 2). Đáng tiếc là nó được nói đến rất ít, nhưng anh chị em đã dành riêng Phiên họp khoáng đại của mình cho nó.

Trước hết, chúng ta tự hỏi: nguồn gốc của thừa tác vụ trong Giáo hội là gì?

Chúng ta có thể xác định hai câu trả lời căn bản.

Thứ nhất là: Phép rửa. Thật vậy, chức tư tế chung của tất cả các tín hữu bắt nguồn từ đó và qua đó được thể hiện trong các thừa tác vụ. Thừa tác vụ giáo dân không dựa trên bí tích Truyền chức, mà dựa trên Bí tích Rửa tội, vì sự thật là tất cả những người đã được rửa tội – giáo dân, người độc thân, các đôi vợ chồng, linh mục, tu sĩ – đều là Christofideles, là những người tin vào Chúa Kitô, là các môn đệ của Người, và do đó buộc phải tham gia vào sứ mệnh mà Ngài đã trao phó cho Giáo hội, cũng thông qua việc đảm nhận các thừa tác vụ đã được xác định.

Câu trả lời thứ hai là: các ơn của Chúa Thánh Thần. Thừa tác vụ của các tín hữu, và đặc biệt là của giáo dân, bắt nguồn từ đặc sủng mà Chúa Thánh Thần phân phát trong Dân Chúa để giáo hóa (x. ibid.): trước hết xuất hiện một đặc sủng, được Thần Khí linh hứng; sau đó, Giáo Hội nhìn nhận đặc sủng này như một công việc phục vụ hữu ích cho cộng đoàn; cuối cùng, trong giai đoạn thứ ba, nó được giới thiệu và một thừa tác vụ cụ thể lan tỏa.

Và rồi ngày càng thấy rõ hơn tại sao thừa tác vụ của Giáo hội không thể chỉ thu hẹp vào các thừa tác vụ đã được thiết lập, mà đúng hơn là bao trùm một phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Ngoài ra, ngày nay cũng như trong các cộng đoàn tiên khởi, đứng trước những nhu cầu mục vụ cụ thể, mà không cần dùng đến việc thiết lập các thừa tác vụ, các mục tử có thể ủy thác một số chức năng bổ sung cho giáo dân, nghĩa là các sự phục vụ tạm thời, như trong trường hợp công bố Lời Chúa, trao Thánh Thể.

Ngoài ra, bên cạnh các thừa tác vụ được thiết lập, những việc phục vụ bổ sung và các trách vụ thường xuyên được ủy thác khác, giáo dân có thể thi hành nhiều công việc, thể hiện sự tham gia của họ vào chức năng ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô: không chỉ trong Giáo hội, mà còn trong các môi trường nơi họ hòa nhập. Có một số việc phục vụ mang tính bổ sung, nhưng có những sự phục vụ khác xuất phát từ nguồn gốc bí tích rửa tội của giáo dân.

Trước hết, tôi nghĩ đến những đòi hỏi liên quan đến các hình thức nghèo khó cũ và mới, cũng như những di dân, họ khẩn thiết đòi hỏi hành động chào đón và tình liên đới. Trong những lĩnh vực này của đức ái, nhiều sự phục vụ có thể phát sinh dưới hình thức các thừa tác vụ đích thực. Đó là một không gian dấn thân rộng lớn cho những ai muốn sống theo cách thiết thực sự gần gũi của Chúa Giêsu, trong mối tương quan với người khác, mà họ thường cảm nghiệm trực tiếp. Do đó, thừa tác vụ không chỉ đơn thuần là một cam kết xã hội, mà còn là một điều gì đó rất đẹp và mang tính cá nhân, một chứng tá Kitô giáo đích thực.

Rồi tôi nghĩ đến gia đình, mà tôi biết anh chị em đã cùng suy tư trong Phiên họp khoáng đại này, xét đến một số thách đố trong việc chăm sóc mục vụ gia đình, bao gồm các tình huống khủng hoảng hôn nhân, các vấn đề của những người ly thân và ly dị và những người sống trong một cuộc hôn nhân mới hoặc có tái hôn. Trong Tông huấn Christofideles laici khẳng định rằng có những thừa tác vụ có nền tảng bí tích trong Hôn nhân chứ không chỉ trong Bí tích Rửa tội và Thêm sức (số 23). Trong Tông huấn Familiaris consortio, sứ mệnh giáo dục của gia đình được nói đến như một thừa tác vụ loan báo Tin Mừng, làm cho gia đình trở thành một nơi khai tâm Kitô giáo đích thực (x. số 39). Và trong Tông huấn Evangelii nuntiandi nhắc lại rằng bản chất truyền giáo có trong ơn gọi hôn nhân cũng được thể hiện bên ngoài gia đình, khi gia đình trở thành “người loan báo Tin Mừng cho nhiều gia đình khác và của khu xóm mà gia đình đó là một phần của nó” (x. số 71). Tôi sẽ tạm dừng lại một chút ở đây, vì tôi đã trích dẫn trong Tông huấn Evangelii nuntiandi. Tông huấn này của Thánh Phaolô VI vẫn có giá trị cho đến ngày nay, nó vẫn mang tính thời sự. Xin hãy cầm nó lên, đọc lại nó, rất hợp thời. Với rất nhiều điều, khi người ta tìm lại được (người ta nói): “Ồ, ngài Montini nhìn xa trông rộng”. Ở đó anh chị em có thể thấy tầm nhìn xa trông rộng của vị thánh vĩ đại đã lãnh đạo Giáo hội.

Tôi đã trích dẫn một số ví dụ về thừa tác vụ giáo dân, mà có thể thêm vào đó nhiều ví dụ khác, được các nhà chức trách giáo hội thừa nhận theo nhiều cách khác nhau như là những sự thể hiện về thừa tác vụ của Giáo hội theo nghĩa rộng.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ một điều: các thừa tác vụ, những sự phục vụ, các công việc này không bao giờ được trở nên tự quy chiếu. Tôi thấy giận khi nhìn thấy các thừa tác viên giáo dân “tự mãn” – thứ lỗi cho cách diễn đạt – bởi thừa tác vụ này. Đây là thừa tác, nhưng không phải là Kitô giáo. Họ là những thừa tác viên ngoại giáo, họ kiêu ngạo, phải không? Hãy thận trọng với điều này: không bao giờ được thành tự quy chiếu. Phục vụ là một chiều, nó không phải là một chuyến đi khứ hồi: điều đó sẽ không bao giờ đúng. Mục đích của những công việc đó vượt xa hơn thế, và chính điều đó mang lại “các giá trị Kitô giáo trong các lĩnh vực xã hội, chính trị và kinh tế” (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 102). Đây là sứ mệnh được giao phó trước hết cho các giáo dân, để những hoạt động của họ không chỉ giới hạn vào “các nhiệm vụ trong Giáo hội, mà không có cam kết thực sự trong việc áp dụng Tin Mừng vào việc biến đổi xã hội” (nt.). Có khi anh chị em nhìn thấy những giáo dân và họ dường như mặc định là linh mục. Xin vui lòng: hãy làm sạch vấn đề này.

Sau đó, khi xem xét các hình thức mục vụ khác nhau mà chúng ta đã kể ra, sẽ rất hữu ích nếu đặt câu hỏi cuối cùng: chúng có điểm chung gì?

Hai điều: sứ mệnh và phục vụ. Thật vậy, tất cả các các tác vụ là sự thể hiện sứ mệnh duy nhất của Giáo hội, và tất cả đều là những hình thức phục vụ tha nhân. Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh rằng gốc rễ của thuật ngữ thừa tác vụ (ministry) có từ trừ (minus), có nghĩa là “thứ yếu” (minor). Và Chúa Giêsu đã nói như vậy: ai lãnh đạo thì hãy làm cho mình trở nên nhỏ bé nhất, nếu không thì người đó không biết cách lãnh đạo. Đó là một chi tiết nhỏ, nhưng có tầm quan trọng lớn. Những ai theo Chúa Giêsu không ngại biến mình thành “thấp kém”, “nhỏ bé”, để phục vụ tha nhân. Thật vậy, chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10:43-44). Đây là động lực thật sự phải truyền cảm hứng cho bất kỳ người tín hữu nào đảm nhận nhiệm vụ của Giáo hội, bất kỳ cam kết nào để làm chứng tá Kitô giáo trong thực tại nơi họ sống: sẵn sàng phục vụ anh em, và trong họ, phục vụ Chúa Kitô. Bằng cách này, tất cả những người đã chịu phép rửa mới có thể khám phá ra ý nghĩa cuộc sống của họ, hân hoan cảm nhận mình là “một sứ vụ trên mặt đất này” (nt., 273), nghĩa là, được kêu gọi, theo những cách thức và hình thức khác nhau, để “ đem lại ánh sáng, phúc lành, sự chấn hưng, nâng dậy, chữa lành và giải thoát” (nt.), và cho phép mình được đồng hành.

Anh chị em thân mến, một lần nữa xin cảm ơn anh chị em vì công việc anh chị em thực hiện để phục vụ Dân thánh trung thành của Chúa. Xin Đức Mẹ đồng hành với anh chị em và ban cho anh chị em những ơn Chúa Thánh Thần. Tôi chúc lành cho anh chị em, và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/4/2023]


Thứ Hai, 24 tháng 4, 2023

Huấn từ Kinh Lạy Nữ Vương của ĐTC Phanxicô ngày 23.04.2023: “Mỗi tối, hãy đọc lại hành trình với Chúa Giêsu: mở lòng ra với Ngài”

“Mỗi tối, hãy đọc lại hành trình với Chúa Giêsu: mở lòng ra với Ngài”

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước Kinh Lạy Nữ Vương

Huấn từ Kinh Lạy Nữ Vương của ĐTC Phanxicô ngày 23.04.2023: “Mỗi tối, hãy đọc lại hành trình với Chúa Giêsu: mở lòng ra với Ngài”
© Vatican Media

*******

Lúc 12 giờ trưa hôm nay, Chúa Nhật III Phục Sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông Tòa để đọc Kinh Lạy Nữ Vương với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước Kinh Kính Đức Mẹ:

___________________________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Vào Chúa Nhật III Phục Sinh này, Tin Mừng thuật lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu Phục Sinh với các môn đệ về làng Emmau (x. Lc 24:13-35). Đây là hai môn đệ đã bỏ cuộc sau cái chết của Thầy, quyết định rời Giêrusalem để trở về nhà vào ngày Lễ Vượt Qua. Có lẽ họ hơi khó chịu vì đã nghe thấy những người phụ nữ ra mộ trở về và nói rằng Chúa như thế… họ bỏ đi. Và trong khi họ vừa đi vừa buồn bã nói về những gì đã xảy ra, Chúa Giêsu xuất hiện bên cạnh họ, nhưng họ không nhận ra Người. Chúa hỏi họ tại sao họ lại buồn như vậy, và họ nói với Ngài: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay” (câu 18). Và Chúa Giêsu trả lời: “Chuyện gì vậy?” (câu 19). Và họ kể cho Người toàn bộ câu chuyện, và Chúa Giêsu khiến họ kể lại câu chuyện cho Người. Sau đó, trong khi họ đang đi, Người giúp họ giải thích lại các sự kiện theo một cách khác, dưới ánh sáng của các lời tiên tri, của Lời Chúa, của tất cả những gì đã được loan báo cho dân Israel. Đọc lại: đó là điều Chúa Giêsu làm với họ, giúp họ đọc lại. Chúng ta cùng tập trung vào khía cạnh này.

Thật vậy, đối với chúng ta, điều quan trọng là cùng với Chúa Giêsu đọc lại lịch sử của chúng ta: câu chuyện về cuộc đời chúng ta, về một giai đoạn nào đó, về thời đại của chúng ta, với những thất vọng và hy vọng của nó. Ngoài ra, cũng giống như hai người môn đệ, chúng ta khi đối mặt với những gì xảy đến, có thể thấy mình bị mất phương hướng trước những biến cố này, đơn độc và hoang mang, với nhiều câu hỏi và lo lắng, thất vọng, nhiều điều. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy kể mọi sự với Chúa Giêsu một cách chân thành, không sợ làm phiền Ngài: Ngài lắng nghe; không sợ nói sai, không xấu hổ trước việc chúng ta phải đấu tranh để hiểu. Chúa vui mừng mỗi khi chúng ta mở lòng ra với Người; chỉ bằng cách này, Người mới có thể nắm tay chúng ta, đồng hành với chúng ta và làm cho tâm hồn chúng ta bừng cháy trở lại (x. c. 32). Cũng vậy, chúng ta cũng giống như các môn đệ Emmau, được mời gọi dành thời gian với Người để khi chiều đến, Người sẽ ở lại với chúng ta (x. c. 29).

Có một cách rất tốt để làm việc này, và hôm nay cha muốn đề nghị với anh chị em: đó là dành ra một chút thời gian, vào mỗi buổi tối, để thực hiện việc kiểm tra lương tâm ngắn gọn. Điều gì đã xảy ra hôm nay trong tôi? Đó là câu hỏi. Đó là vấn đề đọc lại một ngày với Chúa Giêsu, đọc lại ngày của tôi: mở lòng ra với Người, mang đến cho Chúa những con người, những chọn lựa, những sợ hãi, những vấp ngã và hy vọng, tất cả những gì đã xảy ra; dần dần học cách nhìn mọi thứ bằng con mắt khác, bằng con mắt của Chúa chứ không chỉ của riêng chúng ta. Từ đó, chúng ta có thể sống lại kinh nghiệm của hai môn đệ. Trước tình yêu của Chúa Kitô, ngay cả những điều dường như rất mệt mỏi và không thành công cũng có thể xuất hiện dưới một ánh sáng khác: một thập giá khó chấp nhận, quyết định tha thứ cho một hành vi xúc phạm, một cơ hội sửa lỗi bị bỏ lỡ, công việc nhọc nhằn, sự chân thành với cái giá phải trả, và những thử thách của đời sống gia đình có thể hiện ra với chúng ta dưới một ánh sáng mới, ánh sáng của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, Đấng biết cách biến mọi vấp ngã thành một bước tiến. Nhưng để làm được việc này, điều quan trọng là chúng ta phải từ bỏ sự phòng thủ: dành thời gian và không gian cho Chúa Giêsu, không giấu giếm Ngài bất cứ điều gì, mang đến cho Ngài những đau khổ của chúng ta, cho phép chúng ta bị tổn thương bởi sự thật của Ngài, cho phép trái tim chúng ta rung động trước hơi thở của Lời Người.

Chúng ta có thể bắt đầu từ hôm nay, dành một phút cầu nguyện trong buổi tối hôm nay, trong đó chúng ta tự hỏi: ngày hôm nay của tôi thế nào? Niềm vui của nó là gì, nỗi buồn của nó là gì, những chuyện thường ngày đó là gì, chuyện gì đã xảy ra? Đâu là những viên ngọc trong ngày, có thể bị ẩn giấu, phải cảm tạ? Những gì tôi đã làm có mang chút yêu thương không? Và đâu là những vấp ngã, những buồn phiền, những hoài nghi và sợ hãi phải mang đến cho Chúa Giêsu để Ngài mở ra cho tôi những con đường mới, nâng tôi lên và khích lệ tôi? Xin Mẹ Maria, Vị Trinh Nữ khôn ngoan, giúp chúng ta nhận ra Chúa Giêsu đang đồng hành với chúng ta và đọc lại – đọc lại – mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta trước mặt Người.

___________________________________________________


Sau Kinh Lạy Nữ Vương

Anh chị em thân mến!

Hôm qua, tại Paris, Cha Henri Planchat, linh mục Dòng Thánh Vinh Sơn Phaolô, tu sĩ Ladislas Radigue và ba linh mục bạn thuộc Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã được phong chân phước. Là những mục tử với lòng nhiệt thành tông đồ, các ngài đã hiệp nhất trong việc làm chứng cho đức tin đến mức tử đạo, mà các ngài đã chịu ở Paris vào năm 1871, trong thời kỳ được gọi là “Công xã” Paris. Chúng ta dành một tràng pháo tay cho các Tân Chân Phước!

Hôm qua là Ngày Trái đất. Tôi hy vọng rằng cam kết chăm sóc tạo vật luôn đi đôi với tình liên đới hiệu quả với những người nghèo nhất.

Thật đáng buồn, tình hình ở Sudan vẫn còn nghiêm trọng, do đó tôi lặp lại lời kêu gọi hãy chấm dứt bạo lực càng sớm càng tốt và quay trở lại con đường đối thoại. Tôi mời gọi mọi người cầu nguyện cho anh chị em người Sudan của chúng ta.

Thứ Sáu tới, tôi sẽ đến Budapest, Hungary, trong ba ngày, để hoàn tất chuyến đi tôi đã thực hiện năm 2021 nhân dịp Đại hội Thánh thể Quốc tế. Đây sẽ là cơ hội để một lần nữa ôm lấy Giáo hội và dân tộc rất đỗi thân thương đối với tôi. Đó cũng sẽ là một hành trình đến Trung Âu, nơi những luồng gió lạnh của chiến tranh vẫn tiếp tục thổi qua, trong khi sự di tản của quá nhiều người đặt ra những vấn đề nhân đạo cấp bách trong chương trình nghị sự. Anh chị em Hungary thân mến, giờ đây, tôi xin gửi đến anh chị em những lời chào thân ái, vì tôi mong được đến thăm anh chị em như một người hành hương, người bạn và người anh em của tất cả mọi người, và gặp gỡ các giới chức chính quyền, các giám mục, linh mục và những người tận hiến, các bạn trẻ, cộng đồng đại học và người nghèo. Tôi biết các bạn đang nỗ lực rất nhiều để chuẩn bị cho việc tôi đến: Tôi xin chân thành cảm ơn các bạn vì điều này. Và tôi xin tất cả anh chị em hãy đồng hành với tôi trong cuộc hành trình này bằng những lời cầu nguyện.

Và chúng ta đừng quên những người anh chị em Ukraine của chúng ta, vẫn còn bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến hiện tại.

Cha thân ái gửi lời chào tất cả anh chị em người Rôma và những người hành hương từ Ý và nhiều quốc gia – cha nhìn thấy những cờ của rất nhiều quốc gia – đặc biệt là của Salamanca và các sinh viên Albacete, cũng như nhóm Veneto-Trentino của Dòng Malta Quân đoàn cứu trợ.

Cha xin chào các tín hữu của Ferrara, Palermo và Grumello del Monte; cộng đoàn Trường Giáo phận Lodi; các bạn trẻ của các thị trấn trong các giáo phận Alba, Bergamo, Brescia, Como và Milan; các ứng sinh lãnh nhận Bí tích Thêm sức đến từ nhiều giáo xứ của nước Ý; các học sinh Trường Thánh Tâm Cadonenghe; hợp tác xã “Volœntieri” đến từ Casoli và nhóm “Mototurismo” đến từ Agna.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc, và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/4/2023]


ĐTC Phanxicô tiếp Phái đoàn “Các nhà lãnh đạo liên tôn từ Greater Manchester”

‘Một nhu cầu cấp thiết đó là bảo vệ môi trường để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu’

Vương quốc Anh: Phái đoàn “Các nhà lãnh đạo liên tôn từ Greater Manchester”

ĐTC Phanxicô tiếp Phái đoàn “Các nhà lãnh đạo liên tôn từ Greater Manchester”
Vatican Media

*******

Sáng nay trong buổi yết kiến, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Phái đoàn “Các nhà lãnh đạo liên tôn từ Greater Manchester” (Vương quốc Anh).

Dưới đây lời chào của Đức Thánh Cha gửi đến họ trong cuộc gặp gỡ:

______________________________________________________


Lời chào của Đức Thánh Cha

Các bạn thân mến,

Tôi rất vui được chào đón các bạn và tôi cảm ơn Đức Giám mục John Arnold vì những lời của ngài. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với những nỗ lực của các bạn, với vai trò là các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị, nhằm nâng cao nhận thức về nhu cầu cấp thiết để bảo vệ môi trường và hành động cụ thể để giải quyết những tác động của biến đổi khí hậu.

Chứng tá hiệp nhất của các bạn vô cùng hùng hồn, vì lịch sử thành phố của các bạn gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp, với di sản về sự tiến bộ kinh tế và kỹ thuật to lớn, cùng với tác động xấu đối với môi trường tự nhiên và con người. Trên thực tế, ngày càng cho thấy rõ ràng cam kết hiện tại của chúng ta trong việc bảo vệ món quà công trình sáng tạo của Thiên Chúa phải là một phần trong nỗ lực chung nhằm thúc đẩy một hệ sinh thái toàn diện biết tôn trọng phẩm giá và giá trị của mỗi con người và nhận thức được những tác động kinh khủng của sự suy thoái môi trường đối với đời sống của những người nghèo. Tóm lại, chúng ta cần phải thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng môi trường và xã hội của thời đại chúng ta không phải là hai khủng hoảng riêng biệt mà là một (x. Laudato Si’, 139). Chắc chắn, điều này đòi hỏi phải tạo ra các mô hình kinh tế mới và có tầm nhìn xa. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi một sự quyết tâm chiến thắng văn hóa lãng phí “vứt bỏ” do chủ nghĩa tiêu dùng ngày nay và bởi sự thờ ơ toàn cầu tạo ra ngăn cản những nỗ lực giải quyết các vấn đề thuộc con người và xã hội này dưới ánh sáng của lợi ích chung.

Các bạn thân mến, nhóm của các bạn thật đáng quý bởi minh chứng chung về khía cạnh đạo đức và tôn giáo đối với nghĩa vụ bảo vệ môi trường của chúng ta như một món quà Chúa ban kêu gọi việc quản lý có trách nhiệm của chúng ta. Trong những cộng đồng của các bạn, và được hướng dẫn bởi sự khôn ngoan của những truyền thống khác nhau của các bạn, các bạn đóng một vai trò quan trọng trong sự đóng góp cho việc “hoán cải môi sinh” vô cùng cần thiết dựa trên các giá trị tôn trọng thiên nhiên, sự điều độ, sự liên đới của con người và quan tâm đến tương lai của xã hội chúng ta. Một khía cạnh quan trọng của sự đóng góp này là cam kết của các bạn trong việc rèn luyện trí tuệ và tâm hồn của lớp người trẻ, với tư cách là những người có niềm tin, đồng thời ủng hộ yêu cầu của họ về việc thay đổi hướng đi và về các chính sách có tầm nhìn xa với mục tiêu hướng tới sự phát triển con người bền vững và toàn diện.

Các bạn thân mến, để cảm ơn các bạn đã đến thăm, tôi xin gửi đến các bạn những lời nguyện chúc tốt lành cho công việc và các dự định của các bạn. Tôi khẩn xin ơn khôn ngoan, sức mạnh và sự bình an của Chúa đổ xuống trên tất cả các bạn. Và tôi xin các bạn hãy nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện của mình.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/4/2023]


Thứ Ba, 18 tháng 4, 2023

Tiếp kiến chung 12.04.2023: Đặc điểm của lòng nhiệt thành truyền giáo thực sự là gì?

Đặc điểm của lòng nhiệt thành truyền giáo thực sự là gì?

Bài giáo lý thứ mười của Đức Thánh Cha về nhiệt huyết rao giảng Tin Mừng

Tiếp kiến chung 12.04.2023: Đặc điểm của lòng nhiệt thành truyền giáo thực sự là gì?
© Vatican Media

*******

Buổi tiếp kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9 giờ sáng tại Quảng trường Thánh Phêrô, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu, tập trung suy tư về chủ đề “Các chứng nhân: Thánh Phaolô. 2” (Bài đọc: Êp 6:13-15).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng các ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện. Sau đó, ngài đưa ra lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm 60 năm Tông huấn “Pacem in Terris” của Thánh Gioan XXIII, rơi vào ngày hôm qua.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

___________________________________________________


Bài Giáo lý. Nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu. 9. Các chứng nhân: Thánh Phaolô. 2

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hai tuần trước, sau khi nhìn thấy lòng nhiệt thành riêng của Thánh Phaolô đối với Tin Mừng, giờ đây chúng ta có thể suy tư sâu hơn về lòng nhiệt thành đối với Tin Mừng khi chính ngài nói về điều đó và miêu tả nó trong một số bức thư của ngài.

Nhờ kinh nghiệm bản thân, Thánh Phaolô không phải là không ý thức được mối nguy hiểm của lòng nhiệt thành bị bóp méo, đi sai hướng. Chính ngài đã rơi vào vòng nguy hiểm này trước cú ngã ngựa theo ý Quan phòng trên đường đi Đamát. Đôi khi chúng ta phải đứng trước một lòng nhiệt thành bị sai hướng, khăng khăng kiên trì tuân giữ các chuẩn mực thuần túy thuộc con người và lỗi thời đối với cộng đoàn Kitô hữu. Thánh Tông Đồ viết: “Họ nhiệt thành với anh em không phải vì mục đích tốt” (Gl 4:17). Chúng ta không thể bỏ qua sự nóng lòng của một số người cống hiến hết mình cho những mục tiêu sai lệch ngay chính trong cộng đoàn Kitô hữu; người ta có thể khoe khoang về một lòng nhiệt thành truyền giáo giả tạo trong khi thực sự theo đuổi hư vinh hoặc niềm tin của bản thân hoặc một chút yêu bản thân.

Vì lý do này, chúng ta tự hỏi, theo Thánh Phaolô, những đặc điểm của lòng nhiệt thành truyền giáo thực sự là gì? Bản văn mà chúng ta đã nghe ở phần đầu có vẻ hữu ích cho việc này, một danh sách các “vũ khí” mà Thánh Tông đồ chỉ ra cho trận chiến thiêng liêng. Trong số đó là sự sẵn sàng truyền bá Tin Mừng, được một số người dịch là “lòng nhiệt thành” – người này nhiệt thành lan truyền những ý tưởng này, những điều kia – và được gọi là “chiếc giày”. Tại sao? Lòng nhiệt thành dành cho Tin Mừng liên quan thế nào đến những gì bạn mang trên đôi chân? Phép ẩn dụ này lấy từ một trích đoạn của tiên tri Isaia, nói như sau: “Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Xi-on rằng: ‘Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị.’” (52:7).

Ở đây cũng vậy, chúng ta thấy nói đến bàn chân của người báo trước tin vui. Tại sao? Bởi vì người đi rao giảng phải di chuyển, phải bước đi! Nhưng chúng ta cũng lưu ý rằng trong bản văn này, Thánh Phaolô nói về giày dép như một phần của bộ giáp bảo vệ, tương tự như trang bị của một người lính khi ra trận: khi chiến đấu, điều cần thiết là đôi chân phải có điểm tựa vững chắc để tránh những cạm bẫy của địa hình – bởi vì kẻ thù thường rải đầy cạm bẫy trên chiến trường – và để có sức mạnh chạy và di chuyển đúng hướng. Vì vậy, giày là để chạy và để tránh tất cả những thứ này của kẻ thù.

Lòng nhiệt thành truyền giáo là chỗ dựa cho việc loan báo, và những người loan báo phần nào giống như đôi chân của thân thể Chúa Kitô là Giáo hội. Không có sự loan báo nếu không có di chuyển, không có sự “đi ra ngoài”, không có sáng kiến. Điều này có nghĩa là không có Kitô hữu nếu không sự di chuyển; không có Kitô hữu nếu người Kitô hữu không bước ra khỏi chính mình để lên đường và mang đi sự loan báo. Không có sự loan báo nếu không có di chuyển, không có bước đi. Người ta không thể đứng yên để loan báo Tin Mừng, nhốt mình trong một văn phòng, tại bàn làm việc hoặc máy tính, tranh luận như những “anh hùng bàn phím” và thay thế tính sáng tạo của việc loan báo bằng những ý tưởng sao chép và dán từ chỗ này chỗ kia. Tin Mừng được loan báo bằng cách di chuyển, bằng cách bước đi, bằng cách lên đường.

Thuật ngữ được Thánh Phaolô sử dụng để chỉ giày dép của những người mang Tin Mừng là một từ của tiếng Hy Lạp có nghĩa là sẵn sàng, chuẩn bị, sốt sắng. Nó trái ngược với sự cẩu thả là đặc điểm không tương thích với tình yêu. Thật vậy, ở chỗ khác, thánh Phaolô nói: “Nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa” (Rm 12:11). Thái độ này là thái độ bắt buộc trong Sách Xuất Hành để cử hành hy tế giải thoát trong Lễ Vượt Qua: “Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã: đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa. Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập” (12:11-12a).

Một sứ giả sẵn sàng ra đi, và biết rằng Chúa đi ngang qua cách bất ngờ. Vì vậy, người đó phải thoát khỏi những kế hoạch và chuẩn bị cho một hành động mới và bất ngờ: chuẩn bị cho những điều bất ngờ. Một người loan báo Tin Mừng không thể bị hóa thạch trong những cái lồng của sự hợp lý hoặc ý tưởng rằng “mọi việc luôn luôn được thực hiện theo cách này,” nhưng sẵn sàng đi theo sự khôn ngoan không thuộc về thế gian này, như Thánh Phaolô đã nói khi nói về chính ngài: “Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa” (1 Cr 2:4-5).

Thưa anh chị em, đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải sẵn sàng cho sự mới mẻ của Tin Mừng, thái độ này bao gồm động lực, chủ động, đi trước. Nghĩa là không bỏ qua những cơ hội loan báo Tin Mừng bình an, sự bình an mà Chúa Kitô trao ban nhiều hơn và tốt hơn thế gian ban tặng.

Và vì lý do này, tôi khuyên anh chị em hãy trở thành những nhà rao giảng Tin Mừng luôn di chuyển, không sợ hãi, tiến bước, để mang vẻ đẹp của Chúa Giêsu, mang đến sự mới mẻ của Chúa Giêsu, Đấng thay đổi mọi sự. “Vâng, thưa Cha, Ngài thay đổi niên lịch, bởi vì bây giờ chúng ta tính các năm bắt đầu từ Chúa Giêsu…” Nhưng có phải Ngài cũng thay đổi tâm hồn không? Và anh chị em có sẵn sàng để Chúa Giêsu thay đổi tâm hồn của anh chị em không? Hay bạn là một Kitô hữu hờ hững, không di chuyển? Anh chị em hãy suy nghĩ về điều đó: Anh chị em có phải là người nhiệt thành với Chúa Giêsu không, anh chị em có đang tiến bước không? Xin hãy dành chút suy nghĩ về điều đó.

____________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha xin gửi lời chào thân ái đến những anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh tham gia buổi tiếp kiến hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ Thụy Điển, Thụy Sĩ, Canada và Hoa Kỳ. Trong niềm vui của Chúa Kitô Phục Sinh, cha khẩn xin lòng thương xót của Thiên Chúa là Cha chúng ta đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em!

_________________________________________________

LỜI KÊU GỌI

Hôm qua đánh dấu kỷ niệm 60 năm tông huấn Pacem in terris, mà Thánh Gioan XXIII đã gửi cho Giáo hội và thế giới tại thời gian đỉnh điểm căng thẳng giữa hai khối đối lập trong cái gọi là Chiến tranh Lạnh. Đức Giáo hoàng mở ra trước mắt mọi người một chân trời rộng lớn để nói về hòa bình và xây dựng hòa bình: kế hoạch của Thiên Chúa dành cho thế giới và gia đình nhân loại. Thông điệp đó là một ơn lành thực sự, giống như một cái nhìn thoáng về sự an bình giữa những đám mây đen. Thông điệp của tông huấn rất hợp thời. Chỉ cần trích dẫn đoạn sau đây: “mối quan hệ giữa các quốc gia, cũng như giữa các cá nhân, không được quy định bằng vũ lực, mà phải tuân theo các nguyên tắc của lý trí đúng đắn: nghĩa là, các nguyên tắc của sự thật, công bằng và sự hợp tác mạnh mẽ và chân thành.” Tôi mời gọi các tín hữu và những người thiện chí hãy đọc Tông huấn Pacem in terris, và tôi cầu nguyện cho các Nguyên thủ Quốc gia có thể được truyền cảm hứng bởi Tông huấn khi đưa ra các kế hoạch và quyết định của họ.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/4/2023]


Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Satan “không có cơ hội nếu có lời cầu nguyện”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Satan “không có cơ hội nếu có lời cầu nguyện”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Satan “không có cơ hội nếu có lời cầu nguyện”

Antoine Mekary | ALETEIA

I.Media for Aleteia - Isabella H. de Carvalho

11/04/23


Đức Thánh Cha Phanxicô nói về cách ma quỷ tấn công Giáo hội và cách ngài đối phó với việc trừ quỷ, trong một quyển sách mới của một nhà báo người Ý về chủ đề này.

Trong một cuộc phỏng vấn ngắn được đăng trong quyển sách “Esorcisti contro Satana” (“Những nhà trừ quỷ chống lại Satan”) của nhà báo người Ý Fabio Marchese Ragona, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ma quỷ “không có cơ hội nếu có lời cầu nguyện”. Trong chương này, Đức Thánh Cha nói về việc ma quỷ tấn công Giáo hội và các tín hữu như thế nào và cách thức ngài đối phó với những trường hợp đó trong cương vị là Giáo hoàng và tổng giám mục.

Ngài giải thích: “Điều chắc chắn là ma quỷ cố gắng tấn công tất cả mọi người không loại trừ ai, và trên hết hắn cố gắng tấn công những người có nhiều trách nhiệm hơn trong Giáo hội hoặc trong xã hội. Ngay cả Chúa Giêsu cũng bị ma quỷ cám dỗ, chúng ta cũng có thể nghĩ đến trường hợp Simon Phêrô là người mà Chúa nói: ‘Satan, hãy tránh xa Ta.’ Do đó, ngay cả Giáo hoàng cũng bị ma quỷ tấn công.”

Trên thực tế, Đức Giáo hoàng đã cân nhắc việc ngài có thể “khiến Ma quỷ tức giận, bởi vì [ngài] theo Chúa và làm theo những gì Tin mừng nói.”

“Điều đó làm hắn khó chịu,” ngài nói thêm, và giải thích rằng ngài chắc chắn ma quỷ “thật sự vui mừng” nếu ngài phạm tội.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “Hắn tìm kiếm sự sa ngã của con người, nhưng hắn không có cơ hội nếu có lời cầu nguyện”. Quả thật, kể từ khi được bầu chọn, Đức Phanxicô luôn xin các tín hữu và tất cả những người nói chuyện với ngài cầu nguyện cho ngài.

Cuốn sách, hiện chỉ có phiên bản tiếng Ý, nói về việc trừ quỷ nói chung đồng thời trích dẫn lời chứng của các linh mục trừ quỷ và của các nạn nhân bị quỷ nhập. Một chương ngắn được dành riêng cho cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha Phanxicô.


Theo Chúa Kitô để tránh những cuộc tấn công vào Giáo hội và linh hồn con người

Trả lời câu hỏi của nhà báo trích dẫn Thánh Phaolô VI khi nói rằng Satan cũng có thể vào Đền Thờ của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha đồng ý và nói rằng ma quỷ cố gắng “gieo rắc bất hòa và khiến người này chống lại người kia” và rằng “chia rẽ và tấn công luôn là” công việc của ma quỷ.

Đức Thánh Cha giải thích: “Sự cứu rỗi duy nhất là đi theo con đường do Chúa Kitô chỉ dẫn.”

Ngài cũng cảnh báo chống lại những “con quỷ lịch sự” chiếm hữu các linh hồn.

Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Linh hồn, không quan tâm đến việc kiểm tra lương tâm, không để ý gì, hoặc do sự nguội lạnh thiêng liêng đã để ma quỷ đi vào. Những con quỷ này rất kinh khủng. Bởi vì chúng giết chết bạn. Đó là sự chiếm hữu tồi tệ nhất. Tính trần tục thiêng liêng bao gồm tất cả những điều này. Không có lối thoát: ma quỷ hoặc hủy diệt trực tiếp bằng chiến tranh và bất công, hoặc hắn làm việc đó một cách lịch sự, theo một cách rất ngoại giao, như Chúa Giêsu kể lại.”


Đức Thánh Cha Phanxicô với việc trừ quỷ

Đức Phanxicô bảo đảm rằng ngài chưa bao giờ thực hành việc trừ quỷ, dù với tư cách là giáo hoàng hay là tổng giám mục và linh mục trước đây. Tuy nhiên, ngài nói rằng trong một số trường hợp, ngài đã gửi những người nói rằng họ bị quỷ ám đến gặp hai “linh mục chuyên gia”, những người này “không phải là người chữa lành” mà thực tế là “người trừ quỷ”, ngài nói rõ.

Một người là Cha Carlos Alberto Mancuso, nhà trừ quỷ của Giáo phận La Plata, và người kia là linh mục Dòng Tên Nicolas Mihaljevic.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích: “Về sau, cả hai Cha nói với tôi rằng chỉ có hai hoặc ba người trong số họ thực sự là nạn nhân bị quỷ nhập”. Ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân biệt những trường hợp bị quỷ nhập này, trong đó ma quỷ ở “trong thân thể” với những trường hợp “bị ma quỷ ám ảnh” thường gặp hơn.

Ngài nói rằng nếu cần phải trừ quỷ, thì bây giờ khi là Giáo hoàng, ngài sẽ lặp lại cách thực hiện đó là xin “sự hỗ trợ của một nhà trừ quỷ giỏi”.


Trừ quỷ ở Vatican?

Trong chương dành riêng cho cuộc phỏng vấn của Đức Phanxicô, ngài từ chối bình luận về một trường hợp do nhà báo trình bày với ngài liên quan đến một nữ tu bị quỷ ám vào năm 2018, nói rằng ma quỷ dường như bày tỏ sự thù ghét đối với Giáo hoàng. Năm 2014, Tòa thánh đã bác bỏ tin đồn rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô đã thực hiện nghi thức trừ quỷ cho một người đàn ông Mexico bị co giật ở Quảng trường Thánh Phêrô, nói rằng Đức Giáo hoàng chỉ cầu nguyện cho ông ta bằng cách đặt tay lên ông ta.

Vatican không có những nhà trừ quỷ, không như Giáo phận Rôma. Quyển sách của nhà báo người Ý trích lời Cha Vincenzo Taraborelli, làm việc tại giáo xứ Santa Maria ở Traspontina, ngay cuối đường dẫn đi từ Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.

Cuốn sách cũng đề cập đến một hồng y ẩn danh, người đã thực hiện các nghi thức trừ quỷ trong nội ô Vatican trong 40 năm qua.

Theo tác giả của quyển sách, Đức Hồng Y Ernest Simoni người Albania và Đức Hồng Y Ivan Dias người Ấn Độ – đã qua đời năm 2017 – cũng đã thực hiện các nghi thức trừ quỷ.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói khá thường xuyên về ma quỷ, những chiến thuật của ma quỷ và cách tránh xa hắn. Dưới đây là một số ví dụ:






[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/4/2023]


Thứ Hai, 17 tháng 4, 2023

Kinh Lạy Nữ Vương ngày 17.04.2023: “Những dấu thương trên tay và chân của Chúa là bằng chứng về tình yêu của Ngài”


“Những dấu thương trên tay và chân của Chúa là bằng chứng về tình yêu của Ngài”

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương ngày 17.04.2023: “Những dấu thương trên tay và chân của Chúa là bằng chứng về tình yêu của Ngài”

© Vatican Media

********

Vào lúc 12 giờ trưa hôm nay, Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh hay Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông Tòa để đọc Kinh Lạy Nữ Vương với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh kính Đức Mẹ:

______________________________________________________


Trước Kinh Lạy Nữ Vương

Anh chị em thân mến, Buongiorno!

Hôm nay, Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, Tin Mừng thuật lại hai lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, và đặc biệt là với ông Tôma, “tông đồ cứng lòng” (x. Ga 20:24-29).

Trên thực tế, Tôma không phải là người duy nhất phải đấu tranh để tin. Thật ra, phần nào đó ông đại diện cho tất cả chúng ta. Thật vậy, không phải lúc nào cũng dễ dàng để tin tưởng, nhất là như trong trường hợp của ông, ông đã phải chịu một sự thất vọng ghê gớm. Và sau sự thất vọng lớn như vậy, thật khó để tin. Ông đã theo Chúa Giêsu trong nhiều năm, chấp nhận rủi ro và chịu đựng những khó khăn. Nhưng Thầy đã bị đóng đinh trên thập giá như một tên tội phạm, và chẳng một ai giải cứu Thầy. Không ai đã làm bất cứ điều gì! Thầy đã chết và mọi người đều sợ hãi. Làm sao ông có thể tin tưởng trở lại? Làm sao ông có thể tin được những thông tin nói rằng Thầy còn sống? Có một sự nghi ngờ trong ông.

Tuy nhiên, Tôma cho thấy ông rất can đảm. Trong khi những người khác đóng cửa ẩn mình trong Phòng Tiệc Ly vì sợ hãi, thì ông ra ngoài, có nguy cơ bị ai đó nhận ra, báo cáo và bắt giữ ông.

Thậm chí chúng ta có thể nghĩ rằng, với lòng can đảm đó, ông xứng đáng được gặp Chúa Phục Sinh hơn những người khác. Thay vì vậy, chính vì ra ngoài nên Tôma đã không có mặt khi Chúa Giêsu hiện ra lần đầu tiên với các môn đệ vào buổi tối Phục Sinh, do đó đã đánh mất cơ hội đó. Ông đã rời bỏ cộng đoàn. Làm thế nào ông có thể lấy lại cơ hội? Chỉ bằng cách trở lại với những người khác, trở lại gia đình mà ông đã bỏ lại phía sau, sợ hãi và buồn bã. Khi đó, khi ông trở lại, họ nói với ông rằng Chúa Giêsu đã đến, nhưng khó mà tin được – ông muốn nhìn thấy những vết thương của Chúa. Và Chúa Giêsu đã làm ông thỏa mãn: tám ngày sau, Người lại hiện ra giữa các môn đệ và cho họ thấy những vết thương của Người, ở tay, ở chân của Người, những dấu thương này là bằng chứng tình yêu của Người, là những kênh luôn rộng mở của lòng thương xót của Chúa.

Chúng ta hãy suy tư về những sự thật này. Để tin, Tôma muốn có một dấu hiệu phi thường – chạm vào những vết thương. Chúa Giêsu chỉ cho ông thấy những vết thương đó, nhưng theo cách bình thường, đến trước mặt mọi người, trong cộng đoàn chứ không phải bên ngoài. Như thể Chúa nói với ông: nếu con muốn gặp Ta, đừng tìm kiếm đâu xa, hãy ở lại trong cộng đoàn, với những người khác. Đừng bỏ đi… hãy cầu nguyện với họ… bẻ bánh với họ. Và Chúa cũng nói điều này với chúng ta. Đó là nơi con sẽ tìm thấy Ta; đó là nơi Ta sẽ chỉ cho con thấy những dấu thương đã ghi dấu trên thân thể Ta: những dấu chỉ của Tình Yêu chiến thắng thù ghét, của Sự Tha Thứ giải trừ hận thù, những dấu chỉ của Sự Sống chiến thắng sự chết. Chính ở đó, con sẽ khám phá ra khuôn mặt của Ta trong cộng đoàn, khi con chia sẻ những giây phút hoài nghi và sợ hãi với anh chị em của mình, thậm chí bám chặt lấy họ hơn. Không có cộng đoàn thì khó tìm gặp được Chúa Giêsu.

Anh chị em thân mến, lời mời gọi đối với Tôma cũng có giá trị đối với chúng ta. Chúng ta, chúng ta tìm Đấng Phục Sinh ở đâu? Trong một sự kiện đặc biệt nào đó, trong một sự thể hiện tôn giáo ngoạn mục hay đáng kinh ngạc nào đó, nhưng thuần túy chỉ ở mức độ cảm xúc hay giật gân? Hay đúng hơn là ở trong cộng đoàn, trong Giáo hội, chấp nhận thách đố ở lại đó, cho dù nó không hoàn hảo? Mặc dù có tất cả những hạn chế và thất bại của nó, đó là những hạn chế và thất bại của chúng ta, Giáo hội Mẹ của chúng ta là Thân thể của Chúa Kitô. Và chính ở đó, trong Thân Thể của Chúa Kitô, bây giờ và mãi mãi, những dấu chỉ vĩ đại nhất về tình yêu của Người được tìm thấy ở đó. Tuy nhiên, chúng ta tự hỏi, nếu nhân danh tình yêu này, nhân danh những vết thương của Chúa Giêsu, liệu chúng ta có sẵn sàng rộng mở vòng tay đón nhận những người bị tổn thương bởi cuộc sống, không loại trừ một ai ra khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng đón nhận tất cả mọi người – mỗi người như một người anh em, như một người chị em, như Chúa chào đón mọi người. Chúa chào đón tất cả mọi người.

Xin Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, giúp chúng ta yêu mến Giáo hội và biến Giáo hội thành ngôi nhà chào đón mọi người.

______________________________________________________


Sau Kinh Lạy Nữ Vương

Anh chị em thân mến,

Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi với tất cả những anh chị em của chúng ta, đặc biệt là ở Đông phương, đang cử hành lễ Phục sinh hôm nay: Anh chị em thân mến, xin Chúa Phục sinh ở cùng anh chị em và đổ đầy Chúa Thánh Thần cho tất cả anh chị em! Chúc mừng lễ Phục sinh đến tất cả các bạn!

Và thật không may, trái ngược hoàn toàn với thông điệp Phục sinh, chiến tranh vẫn tiếp diễn và chúng tiếp tục gieo rắc cái chết theo những cách khủng khiếp. Chúng ta đau buồn trước những hành động tàn ác này và chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân, cầu xin Chúa cho thế giới không bao giờ phải trải qua sự kinh hoàng về cái chết bạo lực do bàn tay con người gây ra, mà là sự quý trọng sự sống mà Ngài ban cho và đổi mới bằng ân sủng của Ngài!

Tôi đang quan tâm theo dõi các sự kiện đang diễn ra ở Sudan. Tôi gần gũi với người dân Sudan, đã chịu thử thách quá lớn, và tôi mời gọi anh chị em hãy cầu nguyện để họ có thể hạ vũ khí và chọn con đường hòa bình và hòa hợp.

Và tôi đang nghĩ đến những anh chị em của chúng ta ở cả Nga và Ukraine đang cử hành lễ Phục sinh. Xin Chúa ở bên họ và giúp họ tạo hòa bình!

Cha xin chào tất cả anh chị em đến từ Rôma và những anh chị em hành hương, đặc biệt là các nhóm cầu nguyện đang nuôi dưỡng linh đạo Lòng Chúa Thương Xót, hôm nay tập trung tại Đền Thờ Chúa Thánh Thần ở Sassia. Và, để hiểu rõ cảm xúc của các tín hữu trên khắp thế giới, cha xin hướng lòng tri ân đến Thánh Gioan Phaolô II, mục tiêu của những suy luận xúc phạm và vô căn cứ trong những ngày qua.

Cha xin chào các nhóm đến từ Pháp, Brazil, Tây Ban Nha, Ba Lan, Litva; các thiếu nhi trường Cao đẳng Saint-Jean de Passy từ Paris, cùng các thầy cô giáo và gia đình của các em. Cha xin chào các tín hữu đến từ Pescara, các sinh viên đến từ Scuola Santa Maria ad Nives từ Genoa, và các thiếu nhi đến từ Marcheno, Brescia.

Tôi xin chào những người lính cứu hỏa từ nhiều quốc gia Châu Âu, tập trung tại Rôma cho một cuộc thao diễn lớn trước công chúng. Xin cảm ơn sự phục vụ của các bạn! Và tôi muốn nói với bạn một điều: khi tôi cầu nguyện cho các bạn, tôi xin một ơn: rằng các bạn không có việc làm!

Cha chúc mọi người Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/4/2023]


Vị Linh mục kể chuyện bị trục xuất khỏi Nicaragua trong Tuần Thánh: bị bỏ ở biên giới

Vị Linh mục kể chuyện bị trục xuất khỏi Nicaragua trong Tuần Thánh: bị bỏ ở biên giới

Vị Linh mục kể chuyện bị trục xuất khỏi Nicaragua trong Tuần Thánh: bị bỏ ở biên giới


Diego Lopez Marina

ACI Prensa Staff, 11 tháng Tư, 2023 / 04:00 am


Cha Donaciano Alarcón, một nhà truyền giáo dòng Claret bị chế độ độc tài trục xuất khỏi Nicaragua, đã mô tả cách thức chính quyền đưa ra những cáo buộc vô căn cứ chống lại Cha, đưa Cha đến biên giới với Honduras, và bỏ mặc Cha cho số phận.

“Họ bỏ tôi vào một chiếc xe tuần tra cùng với hai sĩ quan cảnh sát và đưa tôi đến biên giới. Họ bắt tôi vượt qua biên giới và nói rằng tôi hiện đang ở nước ngoài và không thể quay lại được nữa,” Cha Alarcón nói với Đài phát thanh Hogar của Tổng giáo phận Panama.

Hiện tại, vị linh mục người Panama đã an toàn tại thành phố San Pedro Sula ở Honduras sau khi bị cảnh sát của chế độ bắt giữ vào ngày 3 tháng Tư, nhằm ngày Thứ Hai Tuần Thánh, khi kết thúc Thánh Lễ Truyền Dầu.

Nhà truyền giáo làm việc tại Giáo xứ Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu ở thị trấn San José de Cusmapa thuộc Giáo phận Estelí.

Cha Ismael Montero Toyos, bề trên tỉnh dòng Claret ở Trung Mỹ, nói với Đài phát thanh Hogar rằng Cha Alarcón “đã bị theo dõi nhiều ngày trước đó” và vào ngày 3 tháng Tư, lợi dụng việc “Cha đi dự Thánh lễ và không có mặt tại nhà, họ bắt Cha và đưa Cha đến biên giới với Honduras.”

“Tạ ơn Chúa, chúng tôi có những người mà chúng tôi quen biết ở đó và Cha ngủ ngon ở San Marcos de Colón và đi đến San Pedro de Sula, nơi chúng tôi có một cộng đồng truyền giáo Claret khác. Cha ổn về mặt thể chất, nhưng tình hình hơi khó khăn vì họ đã đưa Cha đi mà không báo trước,” Cha Montero giải thích.

Theo một báo cáo do tổ chức phi chính phủ Blue and White Monitoring (màu cờ Nicaragua) công bố ngày 7 tháng 4, ít nhất 15 người Nicaragua, chủ yếu là những người chống đối chế độ và những tín hữu Công giáo cũng như một nhà báo, đã bị cảnh sát bắt giữ tại Nicaragua trong Tuần Thánh.

Cha Alarcón nói rằng các linh mục đã “ở trong hoàn cảnh không thoải mái vì họ không thể nói về bất cứ điều gì.”

Vị linh mục Dòng Claret cam đoan rằng Cha chưa bao giờ nói “về chính trị” bởi vì ngài không quan tâm đến nó, nhưng “tôi không ngần ngại nói về vấn đề công bằng trong Thánh lễ vào các ngày Chúa nhật.”

Vị linh mục người Panama phủ nhận một số báo cáo nói rằng Cha bị trục xuất vì tổ chức một cuộc rước kiệu ngoài trời hoặc Chặng Đàng Thánh Giá, những cách thể hiện lòng đạo đức bình dân bị chế độ độc tài Daniel Ortega cấm vào tháng Hai năm nay.

Cha nói: “Tôi không tổ chức rước kiệu vì bị cấm và tôi là người đầu tiên nói với mọi người rằng những cuộc rước kiệu đó sẽ không diễn ra.”


Cha bị trục xuất

Cha Alarcón kể lại rằng cảnh sát đến nhà xứ vào buổi sáng và cảnh báo rằng Cha phải “nhớ những quy định” về Tuần Thánh do chế độ đưa ra.

Cha nói: “Tôi đưa cho họ một chương trình về nơi tôi sẽ có mặt trong Tuần Thánh. Nhưng tại hầu hết các nhà thờ nơi tôi đến, họ đều ở bên ngoài nhà thờ.”

Vị linh mục giải thích rằng một ngày trước khi bị trục xuất, Cha đã không cử hành Thánh lễ vào Chúa nhật Lễ Lá mà thay vào đó Cha đã đi đến một nhà nguyện khác. Thay thế cho ngài, có một linh mục khác giúp ngài Tuần Thánh và phụ trách cử hành Thánh Lễ.

“Tôi đi lấy áo chùng trắng dự Thánh Lễ Truyền Dầu (vào Thứ Hai của Tuần Thánh) ở Estelí và sau đó tôi nhận được một video trong đó mọi người trông có vẻ lo lắng. Có vẻ như vị linh mục ở đó đã ra ngoài để làm phép những cành lá tại cửa nhà thờ và người cảnh sát nói với Cha rằng ngài không thể làm việc đó. Khi vị linh mục vào trong, mọi người trở nên lo lắng và bắt đầu nói với cảnh sát,” Cha nói.

Cha tiếp tục nói: “Sáng hôm sau, khi chúng tôi đi dự Lễ Truyền Dầu, họ đột ngột ngăn chúng tôi lại và nói với tôi rằng họ sẽ trục xuất tôi ra khỏi đất nước. Họ nói rằng họ sẽ bỏ tù tôi vì tôi đã xúi giục mọi người, rằng tôi đang dành tất cả các bài giảng nói về Đức Giám mục Álvarez của chúng tôi, người đang ở trong tù và tôi đang tổ chức đi Chặng Đàng Thánh Giá.”

Tuy nhiên, Cha Alarcón đã chỉ ra cho chính quyền thấy rằng mọi điều chống lại Cha đều là “dối trá”. Tuy nhiên, cảnh sát buộc tội Cha kích động một cuộc “bạo loạn” trong nhà thờ.

“Tất cả chỉ là dối trá, tôi chỉ đi tìm áo chùng trắng của tôi và quay lại,” Cha nhấn mạnh.

“Viên cảnh sát nói với tôi rằng ông ta đưa ra một cảnh báo. Nhưng chúng tôi đã đi dự Thánh Lễ Truyền Dầu, chúng tôi sẽ ăn trưa với linh mục đồng nghiệp của tôi và hai người khác, và họ hỏi giấy tờ của tôi và nói với tôi rằng tôi phải đi cùng họ,” Cha kể lại.

Sau đó, Cha nói rằng họ bắt Cha lên xe tuần tra với hai cảnh sát và đưa Cha đến biên giới.

Cha kể: “Họ bắt tôi vượt qua biên giới và nói rằng tôi đã ra nước ngoài và không thể quay lại nữa. Tôi không biết phải làm gì, nên tôi tìm một chỗ ngồi xuống. Một số phụ nữ nhìn thấy tôi và tôi kể cho họ về điều đó. Họ ôm tôi, tôi mủi lòng một chút và họ giúp tôi gọi điện thoại cho cha tôi và tôi được một gia đình ở San Marcos de Colón đón về nhà.”

Cha Alarcón lưu ý rằng mặc dù cảnh sát không sử dụng vũ lực, nhưng cách họ trục xuất ngài thật là “đáng xấu hổ”.

Theo một báo cáo gần đây do luật sư và nhà nghiên cứu Martha Patricia Molina chuẩn bị, hơn 3.000 cuộc rước trong Tuần Thánh đã bị cấm bởi chế độ độc tài ở Nicaragua trong năm nay.

Daniel Ortega, người đứng đầu Mặt trận Giải phóng Quốc gia Sandinista (FSLN), một nhóm du kích trở thành đảng chính trị, đã nắm quyền từ năm 2007.

Tay trong tay với vợ là bà Rosario Murillo và là phó tổng thống, ông Ortega thi hành chế độ chuyên chế với bàn tay sắt trừng phạt mọi sự chỉ trích và bất đồng chính kiến.

Nhà độc tài Nicaragua đang đàn áp mạnh mẽ Giáo hội Công giáo vì Giáo hội này đi đầu trong việc bảo vệ nhân quyền. Một trong những mục tiêu gần đây nhất của ông Ortega là Đức Cha Rolando Álvarez của giáo phận Matagalpa, bị chế độ kết tội “phản quốc” và bị kết án 26 năm 4 tháng tù.



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/4/2023]