Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Thư viện Điện Tông tòa

Thứ Tư, 27 tháng Một năm 2021





Bài Giáo lý về cầu nguyện - 22. Cầu nguyện với Kinh Thánh

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay cha muốn tập trung vào việc cầu nguyện mà chúng ta có thể thực hiện bắt đầu bằng một trích đoạn Kinh Thánh. Những lời của Kinh Thánh không được viết ra để bị giam cầm trên giấy cói, giấy da, hoặc giấy, nhưng để được đón nhận bởi một người cầu nguyện, làm cho chúng trổ hoa trong tâm hồn họ. Lời Chúa đi vào tâm hồn. Sách Giáo lý khẳng định: “kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh” – không nên đọc Thánh Kinh như một quyển tiểu thuyết, nó phải đi đôi với việc cầu nguyện – “để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người” (số 2653). Đây là nơi mà lời cầu nguyện sẽ dẫn dắt anh chị em, vì nó là cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Câu Kinh Thánh đó cũng được viết cho tôi, cách đây hàng thế kỷ và hàng thế kỷ, để mang đến cho tôi lời của Chúa. Nó được viết cho mỗi người chúng ta. Kinh nghiệm này xảy ra cho tất cả các tín hữu: một trích đoạn Thánh Kinh, đã nghe đi nghe lại nhiều lần, bất chợt nói với tôi vào một ngày nào đó, và soi sáng vào hoàn cảnh tôi đang sống. Nhưng điều cần thiết là tôi, ngày hôm đó, phải có mặt trong cuộc hẹn gặp với Lời. Tôi phải có mặt ở đó, lắng nghe Lời. Mỗi ngày Chúa đều đi ngang qua và gieo một hạt giống vào mảnh đất cuộc đời chúng ta. Chúng ta không biết hôm nay Ngài sẽ tìm thấy một mảnh đất khô cằn, đầy bụi gai, hay thửa đất tốt sẽ làm cho hạt giống mọc lên (xem Mc 4:3-9). Lời Chúa tùy thuộc vào chúng ta, vào việc cầu nguyện của chúng ta, vào tâm hồn rộng mở mà qua đó chúng ta tiến đến với Thánh Kinh. Chúa luôn luôn đi ngang qua và thông qua Thánh Kinh. Và đến đây cha trở lại với lời cha nói tuần trước về điều Thánh Augustinô đã nói: “Tôi sợ khi Chúa đi ngang qua.” Tại sao thánh nhân lại sợ? Sợ rằng thánh nhân sẽ không lắng nghe Ngài. Rằng tôi sẽ không nhận ra Ngài là Thiên Chúa.

Qua lời cầu nguyện một sự nhập thể mới của Ngôi Lời diễn ra. Và chúng ta là “những nhà tạm” nơi Lời Chúa muốn được chào đón và lưu giữ, để những lời đó có thể đến với thế giới. Đây là lý do tại sao chúng ta phải tiếp cận với Thánh Kinh mà không có động cơ thầm kín, mà không khai thác nó. Người tin Chúa không hướng đến Kinh Thánh để ủng hộ quan điểm triết học và đạo đức của riêng mình, nhưng vì người đó trông đợi một cuộc gặp gỡ; người tin Chúa biết rằng những lời đó được viết trong Chúa Thánh Thần, và vì thế Lời phải được chào đón và hiểu trong cùng Thần Khí đó, để sự gặp gỡ có thể xảy ra.

Cha hơi khó chịu một chút khi nghe những người Kitô đọc các câu Kinh Thánh như con vẹt. “Ồ, vâng … Ồ, Chúa nói … Ngài muốn điều này …” Nhưng bạn có gặp được Chúa với câu Kinh Thánh đó chưa? Nó không phải là vấn đề bộ nhớ: nó là vấn đề ghi nhớ của tâm hồn, là điều mở ra cho bạn cuộc gặp gỡ với Chúa. Và lời đó, câu đó, đưa bạn tới gặp gỡ Chúa.

Do đó, chúng ta đọc Thánh Kinh vì Kinh Thánh “đọc chúng ta.” Và đó là một ơn khi có thể nhận ra bản thân mình trong trích đoạn này hoặc nhân vật đó, trong hoàn cảnh này hay hoàn cảnh kia. Thánh Kinh không được viết cho một nhân loại chung chung, nhưng là cho chúng ta, cho tôi, cho bạn, cho những người nam và nữ bằng xương bằng thịt, những người nam và nữ có tên và họ, như tôi, như anh chị em. Và Lời Chúa, được thấm đẫm bởi Chúa Thánh Thần, khi được đón nhận với một tâm hồn rộng mở, không để mọi thứ vẫn nguyên như lúc trước: không bao giờ. Một điều gì đó thay đổi. Và đây là ơn và là sức mạnh của Lời Chúa.

Truyền thống Kitô giáo rất phong phú về những kinh nghiệm và suy tư trong việc cầu nguyện với Thánh Kinh. Đặc biệt, phương pháp “Lectio divina” đã được thiết lập; nó bắt nguồn từ giới tu sĩ, nhưng hiện nay nó cũng được thực hành bởi những người Kitô hữu thường xuyên tới các nhà xứ. Vấn đề trước hết là đọc trích đoạn Thánh Kinh thật chăm chú, hoặc hơn thế: cha muốn nói là “vâng nghe” văn bản, để hiểu thấu đáo ý nghĩa. Sau đó, người ta đi vào cuộc đối thoại với Thánh Kinh, để những lời đó trở thành căn nguyên cho sự suy niệm và cầu nguyện: trong khi vẫn trung thành với văn bản, tôi bắt đầu tự hỏi mình rằng lời đó “nói gì với tôi.” Đây là bước tinh tế: chúng ta không được sa vào những cách giải thích chủ quan, nhưng chúng ta phải là một phần của con đường sống của Truyền thống, nó liên kết mỗi người chúng ta với Thánh Kinh. Bước cuối cùng của Lectio divina là chiêm niệm. Ở đây Lời và suy nghĩ nhường chỗ cho tình yêu, như những người yêu nhau đôi lúc nhìn nhau trong im lặng. Văn bản Thánh Kinh tồn tại, nhưng như một chiếc gương soi, như một một ảnh tượng để chiêm ngưỡng. Và bằng cách này sẽ có sự đối thoại.

Qua cầu nguyện, Lời Chúa ở trong chúng ta và chúng ta ở trong lời. Lời truyền cảm hứng cho những ý định tốt lành và duy trì hành động; nó đem lại cho chúng ta sức mạnh và sự thanh thản, và ngay cả khi lời thách đố chúng ta, nó vẫn mang lại cho chúng ta sự bình an. Vào những ngày “kỳ cục” và rắc rối, nó đảm bảo cho tâm hồn cốt lõi của sự vững tin và yêu thương bảo vệ tâm hồn khỏi sự tấn công của sự dữ.

Theo cách này, Lời Chúa được tạo thành xác thể – cho phép cha sử dụng cách diễn đạt này – nó được tạo thành xác thể nơi những người đón nhận nó trong lời cầu nguyện. Trực giác xuất hiện trong một số văn bản cổ xưa mà những người Kitô hữu hoàn toàn đồng nhất với Lời, đến nỗi, ngay cả khi tất cả các Thánh Kinh trên thế giới bị đốt cháy, thì “khuôn đúc” của nó vẫn được lưu lại vì dấu ấn mà nó đã ghi lại trong cuộc đời của các thánh. Đây là một cách diễn đạt đẹp.

Đồng thời đời sống người Kitô hữu là công việc của sự vâng phục và sáng tạo. Một người Kitô hữu tốt lành phải biết vâng phục, nhưng họ phải sáng tạo. Vâng phục, vì họ lắng nghe Lời Chúa; sáng tạo, bởi vì họ có Chúa Thánh Thần trong lòng, Đấng thúc đẩy họ trở thành như vậy, để dẫn dắt họ tiến bước. Ở đoạn cuối của một dụ ngôn, Chúa Giêsu đưa ra sự so sánh này – Ngài nói, “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình – tâm hồn – cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13:52). Sách Thánh là một kho tàng vô tận. Xin Chúa ban ơn cho tất cả chúng ta để có thể rút ra nhiều hơn nữa từ những lời đó, qua lời cầu nguyện.

____________________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Xin Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng biết trân quý sâu sắc hơn ánh sáng mà Thánh Kinh chiếu soi trên đời sống hàng ngày của chúng ta. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

____________________________________________

LỜI KÊU GỌI

Hôm nay, kỷ niệm ngày giải phóng Trại Hủy diệt Auschwitz của Đức Quốc xã, chúng ta kỷ niệm Ngày tưởng niệm Holocaust Quốc tế. Chúng ta tưởng nhớ các nạn nhân của Holocaust và tất cả những người bị chế độ Đức Quốc xã đàn áp và trục xuất. Tưởng nhớ là một cách biểu đạt của lòng nhân. Tưởng nhớ là một dấu hiệu của văn minh. Ghi nhớ là điều kiện cho một tương lai hòa bình và huynh đệ tốt đẹp hơn. Tưởng niệm cũng có nghĩa là phải cẩn thận vì những điều này có thể xảy ra một lần nữa, bắt đầu từ những đề xuất thuộc ý thức hệ nhằm cứu một dân tộc và cuối cùng lại là tiêu diệt một dân tộc và nhân loại. Hãy chú ý đến cách thức con đường của sự chết, hủy diệt và tàn bạo này đã bắt đầu như thế nào.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/1/2021]


Những vị thánh chống phá thai

Những vị thánh chống phá thai

Những vị thánh chống phá thai

Fondation Jérôme Lejeune/CC BY-SA 3.0 | José Luiz Bernardes Ribeiro/CC BY-SA 3.0 | Public Domain

Meg Hunter-Kilmer

23/01/21

Những người nam và nữ (và 1 thiếu nữ) thánh thiện này của thế kỷ 20 là chứng ngôn toàn cầu cho vẻ đẹp của sự sống.

Khi Hoa Kỳ kỷ niệm 48 năm việc phá thai được hợp pháp hóa, nó khiến những người phò sinh dễ nản lòng. Nhưng trong công việc của chúng tôi cung cấp các nguồn tài nguyên cho các phụ nữ mang thai và bạn đời của họ (đồng thời đấu tranh cho luật tôn vinh phẩm giá của mỗi con người), chúng ta có rất nhiều đấng trung gian đã hoạt động để chống lại việc phá thai ở trần gian cũng như ở trên trời.

Chân phước Luis Belda Soriano de Montoya (1901-1936) là một người chồng Tây Ban Nha và là cha của sáu đứa con. Là một luật sư, Luis đã tham gia nhiều hoạt động tông đồ khác nhau, bao gồm Hội Thánh Vinh Sơn Phaolô, Hội Chầu Đêm khuya, và Hội đồng Giáo phận. Ngoài những nhiệm vụ đó, ngài còn viết bài và nói chuyện khuyến khích việc thực hành đức tin, đặc biệt lên án việc phá thai ngày càng được chấp nhận. Ngài đã chịu tử vì đạo trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha.

Đấng Đáng kính Annie Zelikova (1924-1941) là một cô gái người Moravia rất sùng kính Thánh Thể, tham dự Thánh lễ hàng ngày sau kể từ sau rước lễ lần đầu. Năm 13 tuổi, Annie nghe thấy người mẹ đau khổ của mình khẩn cầu, “Đó là một tội phạm với trời và với trẻ thơ — chị không thể giết nó!” Annie không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng em biết rằng Chúa đang yêu cầu em đền bù cho tội ác này. Em đã dâng lên Chúa cuộc đời mình. Vị linh hướng của em giải thích rằng em đang đền tội cho những vụ phá thai. Em đã nằm liệt hấp hối trong bốn năm, hiến dâng đời mình cho Chúa để an ủi trái tim Người và đền bù cho những vụ phá thai được thực hiện trên khắp thế giới. Em chết vì bệnh lao năm 17 tuổi.

Chân phước Marianna Biernacka (1888-1943) là một người vợ nông dân người Ba Lan trong Đệ Nhị Thế Chiến. Khi con trai của chân phước và người vợ đang mang thai của anh bị chọn đi hành hình, Marianna xin để được chết thay con người con dâu để đứa bé có thể chào đời. Nắm chặt tràng chuỗi mân côi trong tay, Marianna bị giết; con dâu của chân phước sống đến 98 tuổi.

Thánh Gianna Molla (1922-1962) nổi tiếng về cái chết anh dũng của ngài, hiến mạng sống vì đứa con gái chưa sinh của mình. Kết hôn trước sinh nhật thứ 33, Gianna hy vọng có một gia đình đông con trong khi tiếp tục công việc là một bác sĩ. Khi thánh nữ mang thai lần thứ sáu (ngay sau hai lần sảy thai nghiêm trọng), các bác sĩ tìm thấy một khối u trong tử cung. Gianna sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để cứu đứa con gái của mình, mặc dù bác sĩ khuyên nên phá thai. Nhưng Gianna đã chọn một cách để bảo vệ đứa con chưa chào đời, Pietro nhớ lại, “Nếu anh phải chọn giữa em và con, đừng chần chừ: hãy chọn con — em quyết định như vậy. Hãy cứu lấy con.” Đứa trẻ chào đời khỏe mạnh và Gianna qua đời một tuần sau đó.

Tôi tớ Chúa God Dorothy Day (1897-1980) là một người trở lại Công giáo và là người sáng lập phong trào Công nhân Công giáo, một phong trào quốc tế liên đới với người nghèo. Là người mẹ đơn thân, Dorothy đã mất đứa con đầu lòng trong một lần phá thai bất hợp pháp và ân hận về lựa chọn đó ngay cả trước khi trở thành người Công giáo. Mặc dù chị hầu như không bao giờ nói về lần phá thai (vì sợ rằng tấm gương của chị sẽ khuyến khích những phụ nữ khác đưa ra lựa chọn tương tự), chị xem đó là “thảm kịch lớn nhất trong đời chị.” Dorothy là một người đề xướng phi bạo lực rất trực tính, nhưng nói chung chị nói nhẹ nhàng hơn về vấn đề phá thai. Chị lo lắng rằng nếu việc chị đã từng phá thai bị lộ ra, công việc của chị là tiếng nói chống phá thai sẽ làm cho phong trào có vẻ như đạo đức giả. Có lẽ còn hơn thế, chị muốn trở thành tiếng nói của lòng thương xót cho những phụ nữ sau khi phá thai, trong khi vẫn hoàn toàn trung thành với giáo huấn của Giáo hội. Dorothy là một chứng tá đẹp của sự chữa lành mà các cha mẹ có thể tìm thấy sau khi phá thai và con đường Chúa có thể hoạt động trong họ để làm cho họ trở thành những vị thánh vĩ đại.

Đấng Đáng kính Jérôme Lejeune (1926-1994) là một nhà di truyền học nổi bật, là nhà khoa học đã khám phá ra rằng hội chứng Down là kết quả của nhiễm sắc thể 21. Ngài được tán dương bởi cộng đồng y khoa cho đến khi ngài nhận ra rằng công việc của ngài đang được sử dụng để khuyến khích cha mẹ phá bỏ những đứa con của họ. Khi đó, ngài lên tiếng, xin mọi người hãy bảo vệ những đứa trẻ chưa sinh. Làm như vậy là giết chết sự nghiệp và ngài biết điều đó. Vào đêm ngài giành được giải thưởng danh giá, ngài đặt cho khán thính giả của mình câu hỏi về đạo đức đối với việc phá thai. Về nhà, ngài nói với vợ của ngài, “Tối nay anh đã đánh mất giải Nobel.”

Tôi tớ Chúa Maurice Michael Otunga (1923-2003) là con trai của tù trưởng Bakhone ở Kenya. Thay vì đi theo bước chân của cha, Otunga trở lại Đạo Công giáo và vào chủng viện. Ngài được truyền chức linh mục, tấn phong giám mục năm 33 tuổi, và cuối cùng được chọn trở thành hồng y người Kenya đầu tiên. Trong suốt thời gian là Hồng y Tổng Giám mục của Nairobi, ngài Otunga và một người biện hộ trực tính chống lại việc phá thai và ngừa thai. Dù ngài không hợp tác quá nhiều với các nhà lãnh đạo Hồi giáo nói chung, nhưng ngài liên kết với họ trong việc động viên người dân chống lại luật hợp pháp hóa phá thai, nói rằng phá thai (cũng như ngừa thai) là một sự áp đặt của tây phương và người dân thuộc mọi tôn giáo phải chống lại nó. Nhờ một phần trong vai trò lãnh đạo của ngài, phá thai vẫn là bất hợp pháp ở Kenya cho đến khi ngài Otunga qua đời.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/1/2021]