Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Những nhà rao giảng niềm hy vọng hôm nay

Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Những nhà rao giảng niềm hy vọng hôm nay

‘Một người Ki-tô hữu không phải là một tiên tri của ngày chung thẩm’
4 tháng Mười, 2017
Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Những nhà rao giảng niềm hy vọng hôm nay
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:40 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ khắp nơi trên thế giới.
Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha phân tích về chủ đề “Những Người rao giảng niềm hy vọng hôm nay.”
Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện.
Buổi Tiếp kiến chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha



Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Trong bài giáo lý này, tôi muốn nói về chủ đề “Những Người Rao Giảng niềm Hy vọng Hôm nay.” Tôi rất vui được nói về chủ đề này trong ngày đầu tháng dành đặc biệt cho công cuộc truyền giáo, và cũng là ngày lễ kính Thánh Phanxico Assis, là một vị thừa sai vĩ đại của niềm hy vọng!
Quả thật, một người Ki-tô hữu không phải là một nhà tiên tri của ngày chung thẩm. Chúng ta không phải là những tiên tri của ngày chung thẩm. Bản chất của việc loan báo này hoàn toàn ngược lại, ngược lại với ngày chung thẩm: Chính Chúa Giê-su, Đấng đã chết vì yêu và Đấng mà Thiên Chúa đã cho sống lại vào buổi sáng Phục sinh. Và đây là điểm cốt lõi đức tin của người Ki-tô hữu. Nếu các Tin mừng kết thúc ở việc chôn cất Chúa Giê-su, câu truyện của vị ngôn sứ này chắc chắn được thêm vào cùng với tiểu sử của nhiều vị anh hùng đã hy sinh mạng sống vì một lý tưởng. Tin mừng khi đó trở thành một quyển sách giáo dục và an ủi, nhưng không phải là công bố niềm hy vọng.
Tuy nhiên, các Tin mừng không khép lại với Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, các sách còn vượt xa hơn; và chính nhờ vào phần vượt qua này đã làm biến đổi cuộc đời của chúng ta. Các môn đệ của Chúa Giê-su đã ngã lòng trong ngày thứ Bảy đó sau sự đóng đinh của Người; tảng đá đó lăn vào che cửa của ngôi mộ cũng đã khép lại thời gian ba năm các ông sống trong hân hoan với người Thầy làng Na-da-rét. Dường như mọi việc đã chấm hết, và với một số người, thất vọng và sợ hãi, đã rời bỏ Giê-ru-sa-lem.
Nhưng Chúa Giê-su sống lại! Biến cố ngoài sức tưởng tượng này làm đảo lộn và lật tung trí óc và con tim của các môn đệ, vì Đức Giê-su không chỉ sống lại cho riêng bản thân của Người: để rồi sự phục sinh đó trở thành một đặc quyền gây ra những ghen tức. Người về với Chúa Cha vì Người muốn mọi người được chia sẻ sự Phục sinh của Người, và nâng mọi loài thụ tạo lên cao. Và trong ngày Lễ Ngũ Tuần, hơi thở của Thần Khí đã biến đổi các môn đệ. Các ông không những có tin vui để mang đến mọi người, nhưng chính bản thân các ông đã biến đổi hoàn toàn khác với trước đó, dường như tái sinh trong một đời sống mới. Sự Phục sinh của Chúa Giê-su biến đổi chúng ta bằng sức mạnh của Thần Khí. Chúa Giê-su hằng sống, Người đang ở giữa chúng ta, Người đang hiện diện và ban tặng sức mạnh biến đổi đó.
Thật đẹp biết bao khi nghĩ rằng chúng ta là những sứ giả cho sự Phục sinh của Chúa Giê-su không chỉ bằng lời nói nhưng bằng hành động và bằng chứng tá của đời sống! Chúa Giê-su không muốn các môn đệ chỉ có khả năng lặp lại những công thức học thuộc lòng. Người muốn những chứng nhân: những con người làm lan tỏa niềm hy vọng bằng những cách chào đón, bằng nụ cười, bằng sự yêu thương. Trên tất cả là bằng sự yêu thương ngay cả khi tình yêu dường như bị mất lý do của nó. Có một điều gì đó “vượt xa hơn” nằm trong đời sống của người Ki-tô hữu, và điều đó không thể giải thích đơn giản là sức mạnh của tinh thần hay sự lạc quan lớn hơn. Niềm tin, sự hy vọng của chúng ta không chỉ là tính lạc quan; nó là một điều khác hơn, một điều gì đó vượt cao hơn! Dường như các tín hữu đúng là những con người mang một “phần của nước Trời” trên đầu, được đồng hành bởi một sự hiện hữu mà một số người không thể cảm nhận bằng trực giác.
Vì vậy trách nhiệm của người Ki-tô hữu trên trần gian này là mở ra những vùng cứu độ. Khi bầu trời phủ toàn mây mù, một ai đó có khả năng nói đến mặt trời là một phúc lành. Như vậy đấy, người Ki-tô hữu đích thực là như vậy: không ca thán và giận dữ nhưng, nhờ sức mạnh của Đấng Phục sinh, tin tưởng rằng không sự ác nào là vô tận, không màn đêm nào không kết thúc, không con người nào mãi mãi vấp phạm, không có lòng hận thù nào đánh bại được tình yêu.
Đôi khi những người môn đệ phải trả giá đắt cho niềm hy vọng này được Chúa Giê-su ban tặng cho họ. Chúng ta hãy nghĩ đến nhiều Ki-tô hữu không bỏ rơi dân tộc của họ trong những thời gian bách hại ập đến. Họ ở lại đó, nơi họ thậm chí không có gì chắc chắn vào ngày mai, nơi họ không thể thực hiện được bất kỳ chương trình gì, họ chỉ hy vọng vào Chúa. Và chúng ta hãy nghĩ đến những người anh em, những chị em của chúng ta ở Trung Đông đưa ra chứng tá về niềm hy vọng và thậm chí hy sinh mạng sống cho chứng tá này. họ là những người Ki-tô hữu đích thực! Họ mang Nước trời trong tim của họ, nhìn vượt xa hơn nữa, luôn luôn xa hơn. Khi một người được ơn sủng ôm ẵm lấy Sự Phục sinh của Chúa Giê-su có thể mang lấy niềm hy vọng những điều ngoài sức tưởng tượng. Những vị tử đạo của mọi thời đại, với lòng trung thành vào Đức Ki-tô, kể cho chúng ta biết rằng sự bất công không phải là lời nói cuối cùng của sự sống. Trong đức Ki-tô Phục sinh, chúng ta tiếp tục hy vọng. Những con người có một “lý do” để sống chịu đựng can trường hơn những người khác trong những khoảng thời gian bất hạnh. Và những ai thật sự có Đức Ki-tô ở bên không bao giờ còn sợ hãi điều gì. Và vì điều này mà người Ki-tô hữu — Ki-tô hữu thật sự –, không phải là những con người dễ dãi và xuề xòa. Thánh Phao-lô khích lệ Ti-mô-thê hãy chịu đau khổ vì Tin mừng, và ngài nói: “Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ” (2 1:7). Vấp ngã, họ luôn đứng dậy.
Anh chị em thân mến, đó là lý do tại sao một người Ki-tô hữu là một người rao giảng niềm hy vọng. Không phải nhờ vào phẩm chất của mình nhưng nhờ Chúa Giê-su, hạt lúa mì rơi xuống đất chết đi và trổ sinh nhiều bông hạt hơn (Cf. Ga 12:24).
[Văn bản chính: tiếng Ý]  [Bản dịch của ZENIT - Virginia M. Forrester]

Thông báo cuộc Họp Tiền Thượng Hội đồng của Đại Hội đồng chung thông thường lần thứ 15
Tôi xin thông báo rằng Ban Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục đã triệu tập một phiên Họp Tiền Thượng Hội đồng từ ngày 19-24 tháng Ba, 2018, trong đó giới trẻ từ mọi miền trên thế giới được mời tham dự, bất kể đó là giới trẻ Công giáo, giới trẻ thuộc các nền tảng Ki-tô giáo khác và các tôn giáo khác, hoặc những người không tôn giáo.
Sáng kiến này được đưa vào trong hành trình chuẩn bị cho Đại Hội đồng Chung của Thượng Hội đồng Giám mục, với chủ đề: Giới trẻ, Đức tin và Nhận Thức Ơn gọi, vào tháng Mười 2018. Với hành trình này, Giáo hội mong muốn lắng nghe tiếng nói, tình cảm, đức tin và cả những hoài nghi và chỉ trích của giới trẻ — chúng ta phải lắng nghe những người trẻ. Vì vậy, những kết luận của cuộc Họp vào Tháng Ba sẽ được chuyển đến các Nghị Phụ Thượng Hội đồng.
[Văn bản chính: tiếng Ý]  [Bản dịch của ZENIT - Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 05/10/2017]


5 tu viện đẹp nhất trên thế giới

5 tu viện đẹp nhất trên thế giới

02 tháng Mười, 2017
5 tu viện đẹp nhất trên thế giới

Từ Ai-cập đến Romania, truyền thống ẩn tu đã tạo ra nhiều kỳ quan kiến trúc phi thường nhất trên thế giới.

Đời ẩn tu thường bắt đầu bằng sự đơn giản, nhưng nó lại tạo ra những tòa nhà trở thành kiệt tác của nghệ thuật thánh.
1. Tu viện Thánh Catherine, Ai-cập
5 tu viện đẹp nhất trên thế giới
Berthold Wener | CC BY SA 3.0
Tu viện Thánh Catherine của Chính thống giáo Ai-cập nằm ở chân núi Si-nai, trong thành phố Thánh Catherine, Ai-cập. Là một trong những tu viện cổ xưa nhất trên thế giới, tu viện được thành lập vào thế kỷ thứ 6 và liên tục hoạt động không ngừng từ đó đến nay. Người ta nói rằng bàn thờ trên đầu nhà thờ kiểu Byzantine được làm từ những rễ của Bụi cây Phát sáng. Một điểm nổi bật: thư viện cũng có niên đại từ thế kỷ thứ 6, và chỉ đứng thứ hai sau thư viện Vatican về con số và giá trị của những bản văn viết tay. Thư viện không mở cửa cho công chúng (ngoại trừ những học giả được phép), nhưng nhà bảo tàng của tu viện cho du khách một nếm trải sự huy hoàng của nó … và bây giờ đang được số hóa để bảo đảm chống lại những thiên tai và đe dọa của chiến tranh và khủng bố.
2. Tu viện San Lorenzo de El Escorial, Tây Ban nha
5 tu viện đẹp nhất trên thế giới
R Barraez D´Lucca | CC BY 2.0
Tu viện San Lorenzo de El Escorial, được xem là kỳ quan thứ tám của thế giới từ thế kỷ thứ 16, được xây dựng năm 1563 bởi vua Philip II, con trai của Hoàng đế Charles V. Nó vừa là một cung điện hoàng gia và là một tu viện của các đan sĩ Hieronymite lúc đó, củng cố quyền lực của nền quân chủ và Giáo hội ở Tây Ban nha. Ngày nay tu viện là trụ sở của các Tu huynh Augustine.
3.  Tu viện Bârsana, Romania
5 tu viện đẹp nhất trên thế giới
Delia | CC0
Tu viện Barsana là một trong những tu viện đẹp nhất — không chỉ ở Romania nhưng còn trên toàn thế giới. Nó là một biểu tượng kết hợp của lối kiến trúc Tây phương và Đông phương. Được xây dựng bằng gỗ theo truyền thống địa phương, không có cây đinh hay những công cụ kết dính nào khác được sử dụng trong công trình. Nhà thờ của Tu viện Barsana được liệt kê là một Khu Di sản Thế giới của UNESCO.
4. Tu viện Rila, Bulgaria
5 tu viện đẹp nhất trên thế giới
Dennis Jarvis | CC BY-SA 2.0
Được thành lập vào thế kỷ thứ 10 bởi Thánh Gio-an Rila (ngài còn có tên khác là Ivan Rilski), tu viện tọa lạc trên Rặng núi Rila ở phía đông Bulgaria, cách Sofia khoảng 120 cây số. Điểm nổi bật nhất nó là biểu tượng của sức bền chặt của văn hóa Bulgaria trước Đế quốc Thổ Nhĩ kỳ, và là một hình ảnh tạo cảm giác về giá trị của Bulgaria sau nhiều thế kỷ bị chiếm đóng. Tu viện được UNESCO công bố là Khu Di sản Thế giới năm 1983.
5. Khu Tu viện Meteora, Hy lạp
5 tu viện đẹp nhất trên thế giới
Paul Stephenson | CC BY 2.0
Khu Tu viện Meteora tọa lạc ở miền trung Hy lạp, trên Đồng bằng Thessaly, gần Kalambaka, trong thung lũng sông Pinios. Khu vực này khắc họa những núi đá xoắn ốc vô cùng ngoạn mục (Meteora, lấy từ gốc meteor, có nghĩa là cao sừng sững) và những hang động là nơi ở của các đan sĩ cô độc từ thế kỷ 11. Vào thế kỷ 14, các cộng đoàn bắt đầu xây dựng các đỉnh chóp cao vút. Sáu tu viện còn tồn tại trong số nhiều tu viện một thời đã đứng ở đây; các tu viện đã được UNESCO phân loại là một Khu Di sản Thế giới năm 1988.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 03/10/2017]