Thứ Năm, 11 tháng 2, 2021

Huấn từ Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha Phanxicô

Huấn từ Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha Phanxicô

Huấn từ Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha Phanxicô

Thư viện Điện Tông tòa

Thứ Tư, 10 tháng Hai năm 2021



Bài giáo lý về cầu nguyện - 24. Cầu nguyện trong đời sống hàng ngày

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài giáo lý trước, chúng ta đã thấy rằng kinh nguyện của người Kitô hữu được “neo chặt” trong Phụng vụ. Hôm nay, chúng ta sẽ làm sáng tỏ cách Phụng vụ luôn đi vào đời sống hàng ngày: trên các đường phố, trong văn phòng, trên các phương tiện giao thông công cộng… Và ở đó, nó tiếp tục cuộc đối thoại với Thiên Chúa: người cầu nguyện giống như một người đang yêu luôn mang theo người mình yêu trong tim đến bất cứ nơi nào họ tới.

Về bản chất, mọi sự đều trở thành một phần của cuộc đối thoại này với Thiên Chúa: mọi niềm vui đều trở thành lý do để ngợi khen, mọi thử thách đều là cơ hội để xin sự trợ giúp. Cầu nguyện luôn sống động trong cuộc sống của chúng ta, như than hồng, cho dù miệng không nói ra nhưng trái tim lên tiếng. Mọi ý nghĩ, ngay cả những suy nghĩ có vẻ “trần tục”, đều có thể được thấm đẫm kinh nguyện. Thậm chí còn có một khía cạnh cầu nguyện trong sự thông hiểu của con người; thực ra nó là một cửa sổ nhìn sâu vào sự bí ẩn: nó chiếu sáng vài bước đi trước mặt chúng ta và sau đó mở ra toàn bộ thực tại, thực tại này đi trước nó và vượt trội hơn nó. Sự bí ẩn này không có một khuôn mặt băn khoăn hay lo lắng. Không, sự hiểu biết về Đức Kitô làm cho chúng ta tin tưởng rằng bất cứ điều gì đôi mắt thường và con mắt tâm trí chúng ta không thể nhìn thấy, thay vì không có gì ở đó, thì luôn có một người đang chờ đợi chúng ta, có ân sủng vô tận. Và do đó, kinh nguyện của Kitô giáo gieo vào tâm hồn con người một niềm hy vọng vững chắc: với bất cứ kinh nghiệm nào mà chúng ta đụng chạm trong hành trình của mình, thì tình yêu của Thiên Chúa đều có thể biến nó thành tốt lành.

Về điều này, Sách Giáo lý viết: “Chúng ta học biết cầu nguyện vào một số thời gian nhất định, bằng cách lắng nghe Lời Chúa và tham dự mầu nhiệm Vượt Qua của Người; Người còn ban Thánh Thần để giúp chúng ta cầu nguyện trong mọi lúc, trong mọi biến cố của cuộc sống hằng ngày [...] Thời gian là của Cha; chúng ta gặp được Người trong hiện tại, không phải hôm qua hay ngày mai, nhưng chính hôm nay” (số 2659). Hôm nay tôi gặp Chúa, hôm nay luôn là ngày gặp gỡ.”

Không có ngày nào tuyệt vời hơn ngày chúng ta đang sống. Những người sống luôn nghĩ về tương lai, tương lai: “rồi nó sẽ tốt hơn…”, nhưng lại không đón nhận từng ngày với thực tại của nó: đây là những người sống trong mộng tưởng, họ không biết cách đối phó với thực tại cụ thể. Và hôm nay là thật, hôm nay là cụ thể. Và kinh nguyện phải được thực hiện ngay hôm nay. Chúa Giêsu đến gặp chúng ta hôm nay, ngày chúng ta đang sống. Và chính kinh nguyện biến ngày này thành ân sủng, hoặc tốt hơn nữa thì nó sẽ biến đổi chúng ta: xoa dịu cơn giận, nâng đỡ tình yêu, nhân rộng niềm vui, truyền sức mạnh để tha thứ. Đôi khi dường như không còn là chúng ta đang sống, nhưng ân sủng sống và hoạt động trong chúng ta qua kinh nguyện. Chính ân sủng chờ đợi, nhưng luôn luôn là điều này, xin đừng quên: hãy đón nhận ngày hôm nay khi nó đến. Và chúng ta hãy nghĩ đến thời điểm khi một ý nghĩ tức giận đến với anh chị em, một ý nghĩ không vui đưa anh chị em đến sự cay đắng, hãy dừng lại. Và chúng ta thưa với Chúa: “Người đang ở đâu? Và con đang đi về đâu?” Và Chúa sẽ ở đó, Chúa sẽ ban cho anh chị em lời phù hợp, lời khuyên để tiếp tục tiến bước mà không mang theo mùi cay đắng, tiêu cực đó. Vì cầu nguyện thì luôn luôn, sử dụng một từ của trần tục, là tích cực. Luôn luôn. Nó sẽ đưa anh chị em tiến tới. Mỗi ngày mở ra sẽ được đồng hành bởi lòng can đảm nếu nó được chào đón trong kinh nguyện. Như vậy, những vấn đề chúng ta gặp phải dường như không còn là trở ngại cho hạnh phúc của chúng ta, mà là những tiếng gọi từ Thiên Chúa, là những cơ hội để gặp gỡ Ngài. Và khi một người được Chúa đồng hành, người đó cảm thấy can đảm hơn, tự do hơn, và thậm chí hạnh phúc hơn.

Vì vậy, chúng ta hãy luôn luôn cầu nguyện cho mọi người, ngay cả cho kẻ thù của chúng ta. Chúa Giêsu khuyên chúng ta làm điều này: “Hãy cầu nguyện cho kẻ thù của anh em”. Chúng ta cầu nguyện cho những người thân yêu của chúng ta, thậm chí cho cả những người chúng ta không biết. Chúng ta hãy cầu nguyện cho kẻ thù của chúng ta, như cha đã nói, như Thánh Kinh thường mời gọi chúng ta làm. Lời cầu nguyện hướng chúng ta đến một tình yêu siêu việt. Trên hết, chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đang đau buồn, cho những người đang khóc trong cô đơn và tuyệt vọng rằng có thể vẫn có một người yêu thương họ. Cầu nguyện làm những phép lạ; và nhờ ơn Chúa người nghèo sẽ hiểu rằng ngay cả trong hoàn cảnh bấp bênh của họ, kinh nguyện của một người Kitô hữu làm cho lòng trắc ẩn của Đức Kitô hiện hữu. Quả thật, Ngài đã nhìn đám đông mệt mỏi và lạc lõng như đoàn chiên không người chăn dắt với lòng từ ái vô biên (xem Mc 6:34). Chúa là – chúng ta đừng quên – Thiên Chúa của lòng từ ái, của sự gần gũi, của sự dịu dàng: không bao giờ được quên ba từ ngữ liên quan đến Chúa. Bởi vì đây là phong cách của Chúa: từ ái, gần gũi, dịu dàng.

Cầu nguyện giúp chúng ta yêu thương người khác, bất kể lỗi lầm và tội của họ. Con người luôn quan trọng hơn hành động của họ, và Chúa Giêsu đã không phán xét thế gian, nhưng Ngài đã cứu thế gian. Cuộc đời của một người luôn phán xét người khác, người luôn lên án, phán xét thì thật là kinh khủng … Đây là một cuộc sống kinh khủng, bất hạnh, khi Chúa Giêsu đến để cứu chúng ta. Hãy mở lòng, tha thứ, cho người khác hưởng lợi ích của sự lưỡng lự, thấu hiểu, gần gũi với người khác, đầy nhân ái, dịu dàng, giống như Chúa Giêsu. Chúng ta cần phải yêu thương từng người, và ghi nhớ trong lời cầu nguyện rằng tất cả chúng ta đều là tội nhân nhưng đồng thời được Thiên Chúa yêu thương từng người. Yêu thế gian theo cách này, yêu thương nó bằng sự dịu dàng, chúng ta sẽ khám phá ra rằng mỗi ngày và mọi thứ đều mang trong nó một phần của những điều bí ẩn của Thiên Chúa.

Một lần nữa, Sách Giáo Lý viết: “Cầu nguyện trong mọi biến cố của cuộc sống hằng ngày, là một trong những điều bí ẩn của Nước Trời được mặc khải cho những kẻ bé mọn, những người tôi tớ của Đức Kitô, những người nghèo theo các Mối Phúc. Cầu nguyện cho Nước công lý và bình an tác động vào diễn tiến của lịch sử, là việc chính đáng và tốt đẹp; nhưng phải đem những hoàn cảnh bình thường của cuộc sống hằng ngày vào kinh nguyện. Mọi hình thức cầu nguyện đều có thể là thứ men cần thiết được Chúa nói đến trong dụ ngôn về Nước Trời ” (số 2660).

Con người – nam và nữ, tất cả chúng ta, – con người giống như hơi thở, như ngọn cỏ (xem Tv 144:4; 103:15). Triết gia Pascal từng viết: “Không cần cả vũ trụ phải dùng vũ khí để nghiền nát anh ta: chỉ một hơi nước, một giọt nước cũng đủ giết chết anh ta.”[1] Chúng ta là những hữu thể mong manh, nhưng chúng ta biết cách cầu nguyện: đây là phẩm giá lớn nhất của chúng ta và nó cũng là sức mạnh của chúng ta. Hãy can đảm. Cầu nguyện trong mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh để Chúa có thể ở gần chúng ta. Và khi một lời cầu nguyện được dâng lên hợp với trái tim của Chúa Giêsu, thì lời cầu nguyện đó sẽ đạt được những điều kỳ diệu.

____________________________________

[1] Thoughts, 186.

____________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Cha mời gọi tất cả mọi người, đặc biệt là trong thời gian đại dịch này, hãy đến gần Chúa hơn mỗi ngày trong lời cầu nguyện, mang đến cho Ngài những nhu cầu riêng của chúng ta và những nhu cầu của thế giới xung quanh chúng ta. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

____________________________________

LỜI KÊU GỌI

Tôi xin bày tỏ sự gần gũi với các nạn nhân của thảm họa xảy ra ở miền Bắc Ấn Độ ba ngày trước, nơi một phần của một sông băng tự gãy tách lìa gây ra lũ lụt dữ dội tàn phá các công trường xây dựng của hai nhà máy điện. Tôi cầu nguyện cho những công nhân đã chết, cho gia đình của họ, và cho tất cả những người bị thiệt hại và bị thương.

Ở miền Viễn Đông và nhiều nơi khác trên thế giới, hàng triệu người nam nữ sẽ đón Tết Nguyên đán vào thứ Sáu, ngày 12 tháng Hai tới đây. Tôi xin gửi lời chúc chân thành đến tất cả anh chị em và gia đình, cùng lời chúc năm mới sẽ đơm hoa kết trái của tình huynh đệ đoàn kết. Vào thời điểm đặc biệt này, khi chúng ta đang rất lo lắng phải đối mặt với những thách thức của đại dịch ảnh hưởng đến con người về thể chất và tinh thần, nhưng cũng ảnh hưởng đến các mối tương quan xã hội, tôi bày tỏ niềm hy vọng rằng mọi người đều có thể có được sức khỏe tốt và sự bình an trong cuộc sống.

Cuối cùng, khi tôi mời gọi chúng ta cầu nguyện xin ơn hòa bình và mọi điều tốt đẹp khác, tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng những điều này đạt được nhờ sự tốt lành, sự tôn trọng, viễn kiến và lòng can đảm. Đừng bao giờ quên ưu tiên chăm sóc những người nghèo nhất và yếu đuối nhất.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/2/2021]


Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến viếng Nhà thờ Iraq bị Nhà nước Hồi giáo đốt cháy

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến viếng Nhà thờ Iraq bị Nhà nước Hồi giáo đốt cháy

Nhà thờ Chính tòa mà đức giáo hoàng sẽ đến thăm trong vùng Bakhdida, phục vụ một cộng đoàn Kitô giáo đang phát triển, cho đến khi Nhà nước Hồi giáo biến nhà thờ thành trường bắn trong nhà từ năm 2014-2016.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến viếng Nhà thờ Iraq bị Nhà nước Hồi giáo đốt cháy


Cha Georges Jahola trong nhà thờ Al-Tahira ở Bakhdida vào tháng Mười Một năm 2016, ngay sau khi thành phố được giải phóng. (photo: Courtesy photo / Father Georges Jahola)

Courtney Mares/CNA

8 tháng Hai, 2021


VATICAN CITY— Nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội Al-Tahira khổng lồ ở Bakhdida bị cháy đen bên trong sau khi Nhà nước Hồi giáo châm mồi lửa đốt cháy khi nắm quyền kiểm soát thành phố năm 2014. Hiện nhà thờ đã được khôi phục đang chuẩn bị đón Đức Giáo hoàng Phanxicô trong chuyến đi sắp tới của ngài đến Iraq vào tháng tới.

Đức Thánh cha Phanxicô sẽ trở thành vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm Iraq. Chuyến đi bốn ngày của ngài đến đất nước này từ ngày 5 đến 8 tháng Ba sẽ bao gồm các điểm dừng ở Baghdad, Mosul và Bakhdida (còn được gọi là Qaraqosh).

Nhà thờ Chính tòa mà đức giáo hoàng sẽ đến thăm trong vùng Bakhdida, phục vụ một cộng đoàn Kitô giáo đang phát triển, cho đến khi Nhà nước Hồi giáo biến nhà thờ thành trường bắn trong nhà từ năm 2014-2016.

Sau khi thành phố được giải phóng khỏi Nhà nước Hồi giáo vào năm 2016, các Thánh lễ lại tiếp tục diễn ra trong nhà thờ bị hư hại khi người Kitô hữu quay trở về để tái xây dựng cộng đoàn của họ. Tổ chức Aid to the Church in Need (Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn) cam kết khôi phục lại hoàn toàn nội thất của nhà thờ bị hư hại do lửa cháy vào cuối năm 2019.

Cha Georges Jahola, một linh mục xứ đến từ Bakhdida, nói với CNA vào năm 2019: “Tôi nghĩ rằng việc hỗ trợ cho thành phố này là rất quan trọng vì nó là biểu tượng lớn nhất của Kitô giáo ở Iraq. Cho đến nay, chúng tôi vẫn giữ nó như một thành phố Kitô giáo, nhưng chúng tôi không biết tương lai sẽ mang lại điều gì cho chúng tôi.”

Một tượng Đức Mẹ mới được điêu khắc bởi một nghệ sĩ Kitô hữu địa phương đã được đặt trên đỉnh tháp chuông của Nhà thờ Đức mẹ Vô nhiễm vào tháng Giêng.

Đức Giáo hoàng Phanxicô dự kiến sẽ đọc Kinh Truyền tin tại nhà thờ này trong lịch trình chuyến tông du của giáo hoàng tới Iraq do Vatican công bố vào ngày 8 tháng Hai.

Lịch trình do Vatican công bố cũng xác nhận rằng Đức Giáo hoàng trong chuyến thăm của ngài sẽ gặp ngài Ali al-Sistani, vị lãnh đạo của người Hồi giáo dòng Shia ở Iraq.

Khi đến sân bay quốc tế Baghdad, dự kiến Đức Giáo hoàng gặp Thủ tướng Iraq là Mustafa Al-Kadhimi trước khi thăm Tổng thống Iraq Barham Salih tại dinh tổng thống vào ngày 5 tháng Ba.

Đức Thánh Cha sẽ kết thúc ngày đầu tiên của mình tại Nhà thờ Chính tòa Công giáo Syria Đức Mẹ Cứu rỗi ở Baghdad, tại đây ngài sẽ nói chuyện với các giám mục, linh mục, các tu sĩ, và những người Công giáo địa phương của Iraq.

Vào ngày thứ hai ở Iraq, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đi trên chuyến bay của Hàng không Iraq đến Najaf để gặp ngài al-Sistani.

Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ đến đồng bằng Ur ở miền nam Iraq, nơi Thánh Kinh ghi lại là nơi sinh của tổ phụ Abraham. Tại Ur, Đức Thánh Cha sẽ có bài diễn từ tại một cuộc gặp gỡ liên tôn vào ngày 6 tháng Ba trước khi quay trở lại Baghdad để dâng Lễ tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Giuse của Canđê.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm các cộng đoàn Kitô giáo ở Đồng bằng Ninivê vào ngày thứ ba của ngài ở Iraq. Những cộng đoàn này đã bị Nhà nước Hồi giáo cướp phá từ năm 2014 đến năm 2016, khiến nhiều người Kitô giáo phải chạy trốn khỏi khu vực. Đức Giáo hoàng đã nhiều lần bày tỏ sự gần gũi của ngài với những người Kitô hữu bị đàn áp này.

Trước tiên, Đức Thánh Cha sẽ được các nhà chức trách tôn giáo và dân sự của người Kurdistan thuộc Iraq chào đón tại sân bay Erbil vào ngày 7 tháng Ba trước khi đến Mosul để cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh tại quảng trường Hosh al-Bieaa.

Theo lịch trình, sau đó Đức Thánh Cha sẽ đến thăm cộng đoàn Kitô hữu địa phương ở Bakhdida tại Nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, tại đây ngài sẽ xướng đọc Kinh Truyền tin.

Vào buổi tối cuối cùng tại Iraq, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dâng Thánh lễ tại một sân vận động ở Erbil vào ngày 7 tháng Ba trước khi khởi hành từ Sân bay Quốc tế Baghdad vào sáng hôm sau.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết vào ngày 8 tháng Hai rằng ngài mong muốn khôi phục lại các chuyến tông du. Chuyến thăm của ngài tới Iraq sẽ là chuyến tông du quốc tế đầu tiên của Giáo hoàng sau hơn một năm do đại dịch coronavirus.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Những chuyến thăm này là một dấu chỉ quan trọng cho thấy sự quan tâm của Người kế vị Thánh Phêrô đối với Dân Chúa lan rộng khắp địa cầu và cuộc đối thoại của Tòa thánh với các quốc gia.”


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/2/2021]